4 Nghiệp Theo Thời Gian Cho Quả

2- Upapajjavedanīyakamma: Hậu-Kiếp-Quả-Nghiệp

By Nền Tảng Phật Giáo

April 25, 2015

3.2UpapajjavedanīyakammaHậu-Kiếp-Quả-Nghiệp

Upapajjavedanīyakamma: Hậu-kiếp-quả-nghiệp là nghiệp cho quả tái-sinh kiếp-kế-tiếp. (kiếp thứ nhì).

Thế nào gọi là hậu-kiếp-quả-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kiếp-kế-tiếp (kiếp thứ nhì)?

Upapajjavedanīyaṃ phalaṃ etassāti: upapajjavedanīyaṃ.

Nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp-kế-tiếp liền sau khi chấm dứt kiếp-hiện-tại (kiếp thứ nhất).

Nghiệp ấy gọi là hậu-kiếp-quả-nghiệp là nghiệp cho quả tái-sinh kiếp-kế-tiếp (kiếp thứ 2), đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm), 8 dục-giới đại-thiện-tâm làm phận-sự dục-giới tác-hành-tâm (kāma-javanakicca), sát-na tâm thứ 7 (cuối cùng) trong mỗi lộ-trình-tâm.

Hậu-kiếp quả-nghiệp (upapajjavedanīyakamma) là nghiệp cho quả tái-sinh kiếp-kế-tiếp có 2 loại nghiệp:

1- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) cho quả tái-sinh kiếp-kế-tiếp

2- Dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp-kế-tiếp

Ác-nghiệp nào hoặc dục-giới đại-thiện-nghiệp nào chỉ được thành tựu trong phần 7 sát-na dục-giới tác-hành-tâm (kāmajavanacitta) cùng một loại tâm sinh rồi diệt liên tục trong mỗi lộ-trình-tâm mà thôi.

Trong 7 sát-na tác-hành-tâm cùng một loại tâm sinh rồi diệt liên tục, mà tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh trong mỗi sát-na tác-hành-tâm làm phận-sự tạo nghiệp cho quả khác nhau như sau:

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh trong sát-na dục-giới tác-hành-tâm thứ nhất, làm phận-sự tạo nghiệp cho quả ngay kiếp-hiện-tại (kiếp thứ nhất) gọi là hiện-kiếp quả-nghiệp (diṭṭhadhammavedanīyakamma).

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh trong sát-na dục-giới tác-hành-tâm thứ 7, làm phận-sự tạo nghiệp cho quả tái-sinh kiếp-kế-tiếp (kiếp thứ nhì) gọi là hậu-kiếp quả-nghiệp (upapajjavedanīyakamma).

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh trong 5 sát-na dục-giới tác-hành-tâm, từ sát-na tác-hành-tâm thứ 2 đến sát-na tác-hành-tâm thứ 6 làm phận-sự tạo nghiệp cho quả kiếp sau tiếp tục từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh-A-ra-hán trước khi tịch diệt Niết-bàn, nếu có cơ hội cho quả gọi là kiếp-kiếp quả-nghiệp (aparāpariya-vedanīyakamma).

Thật ra, trong 7 sát-na dục-giới tác-hành-tâm trong mỗi lộ-trình-tâm, thì sát-na tác-hành-tâm thứ 7 đóng vai trò chính yếu trong mọi thân hành động, khẩu nói năng, ý suy nghĩ để tạo thân ác-nghiệp hoặc thân thiện-nghiệp, khẩu ác-nghiệp hoặc khẩu thiện-nghiệp, ý ác-nghiệp hoặc ý thiện-nghiệp. Cho nên, sát-na tác-hành-tâm thứ 7 cuối cùng này có nhiều năng-lực hơn 6 sát-na tác-hành-tâm ở trước, bởi vì, sát-na tác-hành-tâm thứ 7 tiếp nhận được đầy đủ sự hỗ-trợ của thường-tác-duyên (āsevanapaccaya) từ 6 sát-na tác-hành-tâm sinh rồi diệt theo tuần tự.

Vì vậy, tác-ý tâm-sở đồng sinh với sát-na tác-hành-tâm thứ 7 này tạo nghiệp cho quả kiếp-kế-tiếp (kiếp thứ nhì) liền sau khi kiếp-hiện-tại (kiếp thứ nhất) chấm dứt

(chết), không có khoảng cách thời gian chờ đợi, nghĩa là trong cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthicitta) các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự đến tử-tâm (cuticitta) diệt (chết) chấm dứt kiếp-hiện-tại, liền tiếp theo tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) sinh (1 sát-na-tâm) bắt đầu kiếp mới (kiếp-hiện-tại), rồi diệt, tiếp theo là hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) hộ-trì giữ gìn suốt kiếp-hiện-tại của mỗi chúng sinh nói chung, mỗi con người nói riêng.

 

Cho nên, tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) kiếp-hiện-tại này hoàn toàn khác với tử-tâm (cuticitta) kiếp trước.

 

*Nghiệp nào chắc chắn cho quả tái-sinh kiếp-kế-tiếp?