4 Nghiệp Theo Cảnh Giới Cho Quả

3-Rūpāvacarakusalakamma: Sắc-giới thiện-nghiệp

By Nền Tảng Phật Giáo

April 25, 2015

3-Rūpāvacarakusalakamma: Sắc-giới thiện-nghiệp

Phần dục-giới đại-thiện-nghiệp và quả của dục-giới đại-thiện-nghiệp đã giải thích xong, tiếp theo giải thích sắc-giới thiện-nghiệp và quả của sắc-giới thiện-nghiệp.

Trong quyển sách này chỉ trình bày, giải thích nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, phần sắc-giới thiện-nghiệp này không trình bày phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, mà chỉ trình bày, giải thích về sắc-giới thiện-nghiệp và quả của sắc-giới thiện-nghiệp mà thôi.

Sắc-giới thiện-nghiệp

Sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm, cho nên sắc-giới thiện-nghiệp có 5 loại thuộc về ý thiện-nghiệp.

5 sắc-giới thiện-tâm đó là 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm phát sinh do nương nhờ nơi 40 đề-mục thiền-định.

Pháp-hành thiền-định có 40 đề-mục thiền-định:

Trong 40 đề-mục thiền-định này, mỗi đề-mục có tính chất khác nhau, thô hoặc vi-tế khác nhau, nên dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm khác nhau, được phân loại 40 đề-mục thiền-định theo tính chất như sau:

* 10 đề-mục dẫn đến cận-định (upacārasamādhi):

Hành-giả thực-hành 1 trong 10 đề-mục thiền-định này

chỉ có khả năng dẫn đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, thuộc về dục-giới đại-thiện-tâm, bởi vì 10 đề-mục thiền-định này thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma) vô cùng vi tế, sâu sắc, ý nghĩa rộng lớn mênh mông bao la, nên định-tâm không thể an trú vững chắc một đối-tượng nào nhất định.

Cho nên, hành-giả không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào cả, tâm của hành-giả vẫn còn là dục-giới đại-thiện-tâm.

* 11 đề-mục thiền-định dẫn đến chứng đắc đệ nhất

   thiền sắc-giới thiện-tâm:

Hành-giả thực-hành 1 trong 11 đề-mục thiền-định này có tính chất thô nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới mà thôi, không thể chứng đắc các bậc thiền sắc-giới bậc cao.

* 3 đề-mục vô-lượng-tâm dẫn đến chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm:

– Đề-mục niệm rải tâm-từ đến chúng-sinh đáng yêu, đáng mến (piyamanāpasattapaññatti).

– Đề-mục niệm rải tâm-bi đến chúng-sinh đang khổ, mong được cứu khổ (dukkhitasattapaññatti).

– Đề-mục niệm rải tâm-hỷ đến chúng-sinh đang hưởng sự an-lạc,hạnh phúc (sukhitasattapaññatti).

Hành-giả thực-hành 1 trong 3 đề-mục thiền định vô-lượng này có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm, nhưng không có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, bởi vì 3 đề-mục vô-lượng này còn có thọ lạc là chi thiền.

* Đề-mục niệm rải tâm-xả dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm:

Hành-giả sau khi đã chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm với 1 trong 3 đề-mục vô-lượng là đề-mục niệm rải tâm-từ, hoặc đề-mục niệm rải tâm-bi, hoặc đề-mục niệm rải tâm-hỷ xong.

Muốn chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm , hành-giả chỉ có thể thay đổi sang đề-mục niệm rải tâm-xả mà thôi, rồi hành-giả tiếp tục thực-hành đề-mục niệm rải tâm-xả ấy dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới.

Vì vậy, đề-mục niệm rải tâm-xả này chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi. Cho nên, hành-giả không thể bắt đầu thực-hành đề-mục niệm rải tâm-xả này.

* 11 đề-mục thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm:

Hành-giả thực-hành 1 trong 11 đề-mục thiền-định này, đề-mục thiền-định nào cũng có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm mà không cần thay đổi sang đề-mục thiền-định khác.

Đặc biệt 10 đề-mục hình tròn kasiṇa, khi hành-giả

thực-hành thiền định sử dụng 1 trong 10 đề-mục hình tròn kasiṇa dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm xong rồi; hành-giả muốn thay đổi sang đề-mục hình tròn kasiṇa khác, tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục hình tròn kasiṇa ấy dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm một cách dễ dàng, trong trường hợp hành-giả muốn luyện phép-thần-thông: Iddhividha abhiññā (đa-dạng-thông).

[1] Xem phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-định, quyển VII, Pháp-Hành Thiền-Định, Tâp 1, trong bộ Nền Tảng Phật-Giáo, cùng soạn-giả.

[2] Tuy 10 đề-mục thiền-định này thuộc về chân-nghĩa-pháp, nhưng hành-giả thực-hành theo phương pháp pháp-hành thiền-định, không phải thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, nên cũng không dẫn đến chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn được.