Quyển 1 - Tam Bảo (tái bản)

CHƯƠNG I – Quan Hệ Nhân Quả Của Tam-Tuệ-Luân

By Cận Sự Nam Ratanavara

July 07, 2020

Quan Hệ Nhân Quả Của Tam-Tuệ-Luân

* Từ quả đến nhân, từ nhân đến quả

4 trí-tuệ-thành hoàn thành phận sự trong tứ Thánh- đế chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, đó là quả đã hoàn thành xong 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế.

4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế đã thực hành đúng theo mỗi phận sự của mỗi Thánh-đế, đó là quả của 4 trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế đã hiểu biết rõ mỗi chi pháp của mỗi Thánh-đế.

Như vậy, 4 trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế hiểu biết  rõ đúng các chi pháp của mỗi Thánh-đế làm nền tảng cơ bản, là nhân phát sinh ra quả 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế đúng theo mỗi phận sự của mỗi Thánh-đế.

4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế đã hoàn thành là nhân phát sinh ra quả là 4 trí-tuệ-thành hoàn thành phận sự trong tứ Thánh-đế chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc từ Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn; Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn; Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn; A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Trí-tuệ quán triệt thấy rõ, biết rõ phạm-hạnh đã hoàn thành xong, kiếp này là kiếp chót, không còn phải tái- sinh kiếp nào khác nữa, sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Như trong đoạn kinh Chuyển-Pháp-Luân, Đức-Thế- Tôn khẳng định:

“Ñāṇañca pana me dassanaṃ udapādi, “akuppā me vimutti, ayam’antimājāti, natthi dāni punabbhavo.

Trí-tuệ quán triệt đã phát sinh đến Như-Lai, biết rõ rằng: “A-ra-hán Thánh-quả-tuệ giải thoát của Như-Lai không bao giờ bị hư hoại, kiếp này là kiếp chót, sau kiếp hiện-tại này, không còn phải tái-sinh kiếp nào nữa.”

 Bảng Tóm Tắt Tam-Tuệ-Luân Trong Tứ Thánh-Đế 

Tam- Tuệ- Luân Tứ Thánh-đế
Khổ- Thánh-

đế

Nhân sinh khổ-

Thánh-đế

Diệt khổ- Thánh-đế Pháp-hành diệt khổ-

Thánh-đế

Trí-tuệ-

học

Sắc-pháp

Danh-pháp

Tham-ái Niết-bàn Bát-

chánh-Đạo

Trí-tuệ-

hành

Nên biết Nên diệt Nên chứng

ngộ

Nên tiến-

hành

Trí-tuệ-

thành

Đã biết Đã diệt Đã chứng

ngộ

Đã tiến-

hành

 

 

Tứ Thánh-đế Tam-Tuệ-Luân
Trí-tuệ-học Trí-tuệ-hành Trí-tuệ-thành
Khổ-

Thánh-đế

Sắc-pháp

danh-pháp

Nên biết Đã biết 
Nhân sinh khổ-Thánh-

đế

 

Tham-ái

 

Nên diệt

 

Đã diệt

Diệt Khổ-

Thánh-đế

Niết-bàn Nên chứng

ngộ

Đã chứng

ngộ

Pháp-hành diệt khổ- Thánh đế  

Bát-Chánh- Đạo

 

Nên tiến- hành

 

Đã tiến-hành

 

Tam Tuệ Luân Của 4 Bậc Thánh-Nhân

Mỗi bậc Thánh-nhân đều trải qua tam-tuệ-luân trong tứ Thánh-đế, mỗi tuệ luân có năng lực trí-tuệ khác nhau đối với từng bậc Thánh-nhân.

–   Bậc Thánh Nhập-lưu trải qua tam-tuệ-luân trong tứ Thánh-đế lần thứ nhất, Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 2 loại tham-ái là vibhavataṇhā: tham-ái hợp với đoạn-kiến và bhavataṇhā: tham-ái hợp với thường-kiến trong 4 tham tâm hợp tà-kiến (còn 4 tham tâm không hợp tà-kiến thì chưa diệt được).

–   Bậc Thánh Nhất-lai trải qua tam-tuệ-luân trong tứ Thánh-đế lần thứ nhì, Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ đã diệt- đoạn-tuyệt được 1 loại tham-ái là kāmataṇhā: tham-ái trong 5 đối-tượng ái loại thô cõi dục-giới trong 4 tham tâm không hợp tà-kiến (còn 5 đối-tượng ái loại vi-tế, thì chưa diệt được).

–    Bậc Thánh Bất-lai trải qua tam-tuệ-luân trong tứ Thánh-đế lần thứ ba, Bất-lai Thánh-đạo-tuệ đã diệt tận được 1 loại tham-ái là kāmataṇhā: tham-ái trong 5 đối- tượng ái loại vi-tế cõi dục-giới trong 4 tham tâm không hợp tà-kiến (còn tham-ái trong cõi sắc-giới, cõi vô-sắc- giới thì chưa diệt được).

–   Bậc Thánh A-ra-hán trải qua tam-tuệ-luân trong tứ Thánh-đế lần thứ tư, A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ đã diệt tận được bhavataṇhā: tham-ái trong thiền sắc-giới, thiền vô- sắc-giới, cõi trời sắc-giới phạm-thiên, cõi trời vô-sắc- giới phạm-thiên trong 4 tham tâm không hợp tà-kiến không còn dư sót.

Như vậy, bậc Thánh A-ra-hán diệt tận được hoàn toàn mọi tham-ái không còn dư sót.

Tính Chất 4 Phận Sự Trong Tứ Thánh-Đế

4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế và 4 trí-tuệ- thành hoàn thành phận sự trong tứ Thánh-đế có tính chất liên quan đồng thời, không phận sự nào trước, không phận sự nào sau.

Bộ Visuddhimagga: Thanh-tịnh-đạo có ví dụ rằng:

Khi đốt một cây đèn dầu trong đêm tối có 4 sự việc xảy ra đồng thời, không trước, không sau:

–   Ánh sáng tỏa ra.

–   Bóng tối bị biến mất.

–   Tim đèn bị cháy mòn.

–   Dầu bị hao dần.

Cũng giống như trường-hợp 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế và 4 trí-tuệ-thành hoàn thành phận sự trong tứ Thánh-đế có tính chất đồng thời, không trước, không sau.

Trong kinh Gavampatisutta(1) có đoạn Ngài Trưởng- lão Gavampati thưa với chư tỳ-khưu rằng:

–    Này chư pháp hữu! Tôi được nghe từ nơi Đức-Thế- Tôn dạy rằng:

*    Vị tỳ-khưu nào chứng ngộ khổ-Thánh-đế thì vị tỳ- khưu ấy cũng chứng ngộ nhân sinh khổ-Thánh-đế, diệt khổ-Thánh-đế, pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế.

*   Vị tỳ-khưu nào chứng ngộ nhân sinh khổ-Thánh-đế, thì vị tỳ-khưu ấy cũng chứng ngộ khổ-Thánh-đế, diệt khổ-Thánh-đế, pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế.

*   Vị tỳ-khưu nào chứng ngộ diệt khổ-Thánh-đế, vị tỳ- khưu ấy cũng chứng ngộ khổ-Thánh-đế, nhân sinh khổ- Thánh-đế, pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế.

*  Vị tỳ-khưu nào chứng ngộ pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế thì vị tỳ-khưu ấy cũng chứng ngộ khổ- Thánh-đế, nhân sinh khổ-Thánh-đế, diệt khổ-Thánh-đế.

Như vậy, tứ Thánh-đế có sự liên quan về phận sự với nhau đồng thời không trước không sau.

Phần Giải Thích:

4 Trí-Tuệ-Hành Phận Sự Trong Tứ Thánh-Đế

Trong 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế này, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ-hành phận sự trong khổ-đế là chính, còn 3 trí-tuệ-hành phận sự trong 3 đế còn lại cũng thành tựu đồng thời không trước, không sau.

Thật vậy, khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ khi phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp nào, hoặc danh-pháp tam-giới nào là khổ-đế thì đồng thời tham-ái, nhân sinh khổ-đế không sinh trong sắc- pháp ấy, hoặc danh-pháp tam-giới ấy, đồng thời chứng ngộ sự diệt của tham-ái, nhân sinh khổ-đế nơi sắc-pháp ấy, hoặc danh-pháp tam-giới ấy.

Trong khi đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có chánh-niệm, chánh-kiến, chánh-tinh-tấn, … khi phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ khổ-đế là pháp nên biết nhân sinh khổ-đế là pháp nên diệt, diệt khổ-đế là pháp nên chứng ngộ, thì chính pháp-hành dẫn đến diệt khổ-đế đang tiến-hành.

Như vậy, 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế có sắc-pháp, danh-pháp tam-giới đồng thời không trước không sau.

* 4 Trí-Tuệ-Thành Hoàn Thành Phận Sự Tứ Thánh-Đế

Trong 4 trí-tuệ-thành hoàn thành phận sự trong tứ Thánh-đế này, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ-thành hoàn thành phận sự trong pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế có đối-tượng Niết-bàn là chính, còn 3 trí-tuệ-thành hoàn thành phận sự trong 3 Thánh-đế còn lại cũng hoàn thành xong phận sự trong 3 Thánh-đế đồng thời không trước không sau.

Thật vậy, khi hành-giả có trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam- giới đó là 4 Thánh-đạo-tuệ đã hoàn thành xong phận sự tiến-hành pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế thì:

–  Đồng thời 4 Thánh-đạo-tuệ cũng đã hoàn thành xong phận sự biết khổ-Thánh-đế.

–     Đồng thời 4 Thánh-đạo-tuệ cũng đã hoàn thành xong phận sự diệt tận được mọi tham-ái, nhân sinh khổ- Thánh-đế.

–    Đồng thời 4 Thánh-đạo-tuệ và 4 Thánh-quả-tuệ đã hoàn thành xong chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ-Thánh-đế.

–  Đồng thời pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh: chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh- nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh- định đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, đã hoàn thành xong phận sự tiến-hành pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh- đế đó là:

–       Khổ-Thánh-đế là pháp nên biết, thì đã biết xong.

–       Nhân sinh khổ-Thánh-đế là pháp nên diệt, thì đã diệt tận xong.

–     Diệt khổ-Thánh-đế là pháp nên chứng ngộ, thì đã chứng ngộ Niết-bàn xong.

–    Pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế là pháp nên tiến hành, thì đã tiến hành xong.

4 trí-tuệ-thành hoàn thành phận sự trong tứ Thánh- đế này đã hoàn thành xong 4 phận sự trong tứ Thánh-đế đồng thời không trước không sau.

Vai Trò 4 Trí-Tuệ-Hành Và 4 Trí-Tuệ-Thành

Trong 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế ở  giai đoạn đầu, trí-tuệ-hành phận sự biết khổ-Thánh-đế đóng vai trò chính yếu, đó là trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp tam-giới là khổ đế, là pháp nên biết, thì trí-tuệ-hành phận sự của mỗi Thánh-đế còn lại, cũng được thành tựu phận sự đồng thời không trước không sau.

Trong 4 trí-tuệ-thành hoàn thành phận sự trong tứ Thánh-đế ở giai đoạn cuối, trí-tuệ-thành hoàn thành phận sự đã tiến-hành pháp-hành dẫn đến diệt khổ- Thánh-đế đóng vai trò chính yếu, đó là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh- quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, là hoàn thành xong phận sự đã tiến-hành pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế, đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, đã chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, thì trí- tuệ-thành hoàn thành phận sự trong 3 Thánh-đế còn lại cũng được thành tựu phận sự đồng thời không trước không sau.

Tứ Thánh-Đế Trong Giáo-Pháp Của Đức-Phật

Tứ Thánh-đế là chân-lý của chư bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, tứ Thánh-đế là nền tảng căn bản, là pháp cốt lõi trọng yếu trong giáo-pháp của chư Phật quá-khứ, Đức- Phật hiện-tại và chư Phật vị-lai.

Tứ Thánh-đế đó là:

1-  Khổ-Thánh-Đế đó là ngũ-uẩn chấp-thủ, hay sắc- pháp, danh-pháp trong tam-giới.

Trong giáo-pháp của Đức-Phật, tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới (cõi dục-giới, cõi sắc- giới, cõi vô-sắc-giới) đúng theo chân-lý chỉ là khổ-đế (dukkhasacca) mà thôi, không có lạc đế.

Tuy có thọ-lạc (sukhavedanā) nhưng thọ-lạc gọi là vipariṇāmadukkha: biến-chất-khổ, bởi vì thọ-lạc cũng sinh rồi diệt là vô-thường nên cũng chỉ là khổ-đế mà thôi.

Trong tam-giới, tất cả các pháp hữu-vi: sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới đều sinh rồi diệt nên có 4 trạng-thái là trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh.

Vậy, do nguyên-nhân nào cho là lạc trong đời này?

Thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới đều có 4 trạng-thái: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh, nhưng do 3 pháp-đảo-điên (vipallāsa) là tâm-đảo-điên, tưởng-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

Pháp-đảo-điên (vipallāsa) có 3 loại:

–    Cittavipallāsa: Tâm-đảo-điên là biết sai, chấp lầm trong các sắc-pháp, các danh-pháp trong tam-giới cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

–   Saññāvipallāsa: Tưởng-đảo-điên là tưởng sai, chấp lầm trong các sắc-pháp, các danh-pháp trong tam-giới cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

–    Diṭṭhivipallāsa: Tà-kiến-đảo-điên là thấy sai, chấp lầm trong các sắc-pháp, các danh-pháp trong tam-giới cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

*    Thật-tánh của các sắc-pháp, các danh-pháp trong tam-giới đều có trạng-thái vô-thường, nhưng do tâm- đảo-điên, tưởng-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên cho là thường.

*    Thật-tánh của các sắc-pháp, các danh-pháp trong tam-giới đều có trạng-thái khổ, nhưng do tâm-đảo-điên, tưởng-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên cho là lạc.

*    Thật-tánh của các sắc-pháp, các danh-pháp trong tam-giới đều có trạng-thái vô-ngã, nhưng do tâm-đảo- điên, tưởng-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên cho là ngã.

*    Thật-tánh của các sắc-pháp, các danh-pháp trong tam-giới đều có trạng-thái bất-tịnh, nhưng do tâm-đảo- điên, tưởng-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên cho là tịnh.

Như vậy, pháp-đảo-điên có 3 x 4 gồm có 12 loại.

Sự thật chân-lý của các sắc-pháp, các danh-pháp trong tam-giới chỉ là khổ-đế mà thôi, nhưng do tâm-đảo-điên, tưởng-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên đảo ngược lại thật-tánh cho là lạc.

Vậy, lạc không phải là sự thật chân-lý, mà thuộc về lạc-điên-đảo (sukhavipallāsa).

Như Đại-đức tỳ-khưu-ni Vajirā dạy rằng:

“Chỉ có khổ-đế sinh, khổ-đế trụ, khổ-đế diệt.

Ngoài khổ-đế ra, không có gì sinh, không có gì trụ, không có gì diệt…”(1)

Cho nên, ngũ-uẩn chấp-thủ, hay sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới đều chỉ là khổ-đế mà thôi.

2-   Nhân sinh khổ-Thánh-đế đó là tham-ái.

– Tham-ái là nhân sinh khổ trong kiếp hiện-tại

*    Nếu tâm tham phát sinh mà không được thỏa mãn như ý thì tâm sân phát sinh, không vừa lòng, làm cho khổ tâm.

*    Nếu tâm tham phát sinh mà được thỏa mãn như ý thì phát sinh tâm tham chấp-thủ, cho là của ta, cũng làm nhân phát sinh tâm sầu não, lo sợ cũng làm khổ tâm.

Như Đức-Phật dạy trong Pháp-cú kệ rằng:

Taṇhāya jāyatī soko, taṇhāya jāyatī bhayaṃ.

Taṇhāya vippamuttassa, natthi soko kuto bhayaṃ?(1)

Sự sầu não phát sinh do tham-ái,

Sự lo sợ phát sinh do tham-ái,

Bậc Thánh A-ra-hán diệt tận tham-ái,

Không sầu não, từ đâu có lo sợ? 

– Tham-ái là nhân sinh khổ trong kiếp-sau

Bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được tất cả mọi tham-ái không còn dư sót, đến khi hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Ngoài bậc Thánh A-ra-hán ra, còn lại tất cả mọi chúng-sinh: nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên và gồm cả 3 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai vẫn còn tham-ái, nên vẫn còn phải khổ tái-sinh trong kiếp sau.

Chúng-sinh có ngũ-uẩn: sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn trong 11 cõi dục-giới và trong 15  cõi sắc-giới, hay chúng-sinh có tứ-uẩn (thọ-uẩn, tưởng- uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) trong 4 cõi vô-sắc-giới, hay chúng-sinh chỉ có nhất-uẩn (sắc-uẩn) trong cõi sắc-giới Vô-tưởng-thiên, cũng đều có khổ-đế, nhưng chỉ khác nhau là khổ nhiều, hoặc khổ ít mà thôi.

*  Bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới, mà chỉ còn tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới nhiều nhất 7 kiếp nữa, rồi chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

*   Bậc Thánh Nhất-lai chỉ còn tái-sinh kiếp sau 1 kiếp nữa mà thôi, rồi chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra- hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

*    Bậc Thánh Bất-lai chắc chắn không tái-sinh kiếp sau trở lại cõi dục-giới, mà chỉ tái-sinh kiếp sau trên cõi trời sắc-giới, rồi chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A- ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tại cõi trời ấy.

Vì vậy, tham-ái là nhân sinh khổ-đế.

3-   Diệt Khổ-Thánh-Đế, đó là Niết-bàn, là pháp diệt- đoạn-tuyệt được tham-ái, nhân sinh khổ-Thánh-đế.

Niết-bàn có 2 loại đó là:

1-   Hữu-dư Niết-bàn (Sa upādisesanibbāna) là Niết- bàn đối với bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được tất cả mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, còn gọi là kilesaparinibbāna: mọi phiền-não Niết-bàn, nhưng ngũ-uẩn vẫn còn tồn tại cho đến khi hết tuổi thọ.

2-  Vô-dư Niết-bàn (Anupādisesanibbāna) là Niết-bàn đối với bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được tất cả mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đến lúc hết tuổi thọ, tịch diệt Niết-bàn, còn gọi là khandha- parinibbāna: ngũ-uẩn Niết-bàn nghĩa là ngũ-uẩn diệt rồi không còn ngũ-uẩn nào tái-sinh kiếp sau nữa, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Niết-bàn có 3 loại theo đối-tượng thiền-tuệ đó là:

1- Vô-hiện-tượng Niết-bàn (Animittanibbāna) là Niết- bàn đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường (aniccalakkhaṇa) hiện rõ hơn trạng-thái khổ và trạng-thái vô-ngã, do năng lực tín pháp-chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ khác (tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ pháp-chủ), hoặc do năng lực của giới, dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn gọi là vô-hiện- tượng Niết-bàn (animittanibbāna) Niết-bàn không có hiện-tượng các pháp hữu-vi.

2- Vô-ái Niết-bàn (Appaṇihitanibbāna) là Niết-bàn đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, thấy rõ, biết rõ trạng-thái khổ (dukkhalakkhaṇa) hiện rõ hơn trạng-thái vô-thường và trạng-thái vô-ngã, do năng lực định pháp-chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ khác (tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, tuệ pháp-chủ), hoặc do năng lực của định, dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn gọi là vô-ái Niết-bàn (appaṇihitanibbāna) Niết-bàn không có tham- ái nương nhờ.

3- Chân-không Niết-bàn (Suññatanibbāna) là Niết- bàn đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc- pháp, danh-pháp tam-giới, thấy rõ biết rõ trạng-thái vô- ngã (anattalakkhaṇa) hiện rõ hơn trạng-thái khổ và trạng-thái vô-thường, do năng lực tuệ pháp-chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp-chủ khác (tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, định pháp-chủ), hoặc do năng- lực của tuệ, dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn gọi là chân- không Niết-bàn (suññatanibbāna) Niết-bàn hoàn toàn vô-ngã, không phải ta, không phải của ta.

Vì vậy, Niết-bàn là pháp diệt khổ-Thánh-đế.

4-   Pháp-Hành Dẫn Đến Diệt Khổ-Thánh-Đế, đó là pháp-hành bát-chánh-đạo, là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ-Thánh-đế.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh- đạo-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới. Khi ấy, 4 Thánh-đạo-tâm hợp đủ 8 chánh: chánh-kiến, chánh-tư- duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh- tấn, chánh-niệm, chánh-định đồng sinh với 4 Thánh- đạo-tâm đã hoàn thành xong 4 phận sự:

–       Khổ-Thánh-đế là pháp nên biết, thì 4 Thánh-đạo-tuệ đã biết xong.

–     Nhân sinh khổ-Thánh-đế là pháp nên diệt, thì 4 Thánh-đạo-tuệ đã diệt tận mọi tham-ái xong.

–     Diệt khổ-Thánh-đế là pháp nên chứng ngộ, thì 4 Thánh-đạo-tuệ đã chứng ngộ Niết-bàn xong.

–   Pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế là pháp nên tiến hành, thì 4 Thánh-đạo-tâm có pháp-hành bát-chánh- đạo hợp đủ 8 chánh đã tiến hành xong.

Vì vậy, pháp-hành bát-chánh-đạo là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ-Thánh-đế.

Tứ Thánh-đế là nền tảng, là cốt lõi chính yếu trong giáo-pháp của Chư Phật. Vì vậy, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ ban đầu dù có những đối-tượng thiền-tuệ khác nhau như thân, thọ, tâm, pháp, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), sắc-pháp, danh-pháp tam- giới, v.v… đến giai đoạn cuối cùng cũng đều đạt đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, mới chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn.

Nhân Quả Liên Quan Của Tứ Thánh-đế

Chân-lý tứ Thánh-đế có nhân quả liên quan với nhau như sau:

–   Khổ-Thánh-đế: Đó là ngũ-uẩn chấp-thủ, hay sắc- pháp, danh-pháp trong tam-giới (dục-giới, sắc-giới, vô- sắc-giới), là quả của nhân sinh khổ-Thánh-đế.

–    Nhân sinh khổ-Thánh-đế đó là tham-ái là nhân-dẫn dắt tái-sinh kiếp sau (taṇhā ponobbhavikā).

–     Diệt khổ-Thánh-đế đó là Niết-bàn không thuộc về quả của một nhân nào, bởi vì Niết-bàn là pháp vô-vi (asaṅkhatadhamma) là pháp hoàn toàn không do một nhân duyên nào cấu tạo.

–    Pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế đó là pháp- hành bát-chánh-đạo là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ-Thánh-đế.

Như vậy, pháp-hành bát-chánh-đạo là nhân đạt đến Niết-bàn (diệt khổ-Thánh-đế) không phải là nhân sinh Niết-bàn, và diệt khổ-Thánh-đế (Niết-bàn) cũng không phải là quả của pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế, mà chỉ là đối-tượng siêu-tam-giới của pháp-hành bát-chánh-đạo (đồng sinh với 4 Thánh-đạo- tâm) dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế mà thôi.

Ví dụ nôm na: Con đường dẫn đến kinh-đô.

–  Con đường ví như pháp-hành bát-chánh-đạo là pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế (Niết-bàn).

–    Kinh-đô ví như Niết-bàn là pháp diệt khổ-Thánh-đế.

Con đường dẫn đến kinh-đô, chứ không phải là nhân sinh kinh-đô.

Cũng như vậy, pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế (Niết-bàn) không phải nhân sinh Niết-bàn (diệt khổ-Thánh-đế), mà chỉ là nhân đạt đến Niết-bàn, diệt khổ-Thánh-đế mà thôi.