Quyển 2 - Quy Y Tam Bảo (tái bản)

CHƯƠNG III – ÂN-ĐỨC TĂNG-BẢO (Saṃghaguṇa)

By Nền Tảng Phật Giáo

July 08, 2020

III-  ÂN-ĐỨC TĂNG-BẢO (Saṃghaguṇa)

Trong bài kinh Dhajaggasutta, Đức-Phật dạy chư tỳ- khưu niệm 9 ân-đức Tăng-bảo như sau:

“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho, Āhuneyyo, Pāhuneyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññak- khettaṃ lokassa.”

Ân-đức Tăng-bảo có 9 ân-đức là Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvaka- saṃgho, Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Āhuneyyo, Pāhuneyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa.

9 ân-đức Tăng-bảo có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên, nên chỉ có chư Thánh-Tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn mới có đầy đủ trọn vẹn 9 ân-đức Tăng-bảo này mà thôi. Còn chư phàm- Tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn có một phần ân-đức Tăng-bảo nào, tùy theo khả năng của mỗi Ngài.

Ý Nghĩa 9 Ân-Đức Tăng-Bảo

1-  Suppaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành nghiêm chỉnh đúng theo lời giáo huấn của Đức-Thế-Tôn.

2- Ujuppaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành trung thực đúng theo pháp-hành trung-đạo, không quanh co lầm lạc.

3- Ñāyappaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành theo pháp- hành bát-chánh-đạo chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

4- Sāmīcippaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ đúng đắn xứng đáng để chúng-sinh tôn kính lễ bái cúng dường.

Cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā, esa Bhagavato sāvakasaṃgho: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn có 4 đôi thành 8 bậc Thánh (tính theo tâm Siêu-tam-giới).

Chư Thánh thanh-văn có 4 đôi:

–   Nhập-lưu Thánh-đạo →  Nhập-lưu Thánh-quả,

–   Nhất-lai Thánh-đạo →  Nhất-lai Thánh-quả,

–   Bất-lai Thánh-đạo →  Bất-lai Thánh-quả,

–   A-ra-hán Thánh-đạo →  A-ra-hán Thánh-quả.

Chư Thánh thanh-văn có 8 bậc Thánh: 4 Thánh-đạo + 4 Thánh-quả

–   Nhập-lưu Thánh-đạo (Sotāpattimagga)

–   Nhất-lai Thánh-đạo (Sakadāgāmimagga)

–   Bất-lai Thánh-đạo (Anāgāmimagga)

–   A-ra-hán Thánh-đạo (Arahattamagga)

–   Nhập-lưu Thánh-quả (Sotāpattiphala)

–   Nhất-lai Thánh-quả (Sakadāgāmiphala)

–   Bất-lai Thánh-quả (Anāgāmiphala)

–   A-ra-hán Thánh-quả (Arahattaphala)

5- Āhuneyyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức- Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí-chủ từ phương xa đem đến cúng dường quý Ngài, để mong được quả báu lớn.

6- Pāhuneyyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức- Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí-chủ dành cho những vị khách quý như quý Ngài.

7-  Dakkhiṇeyyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí-chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam- bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đem dâng cúng đến quý Ngài, để mong được quả báu tốt lành cho mình và những người thân quyến.

8- Añjalikaraṇīyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng cho chúng-sinh chắp tay cung kính, lễ bái, cúng dường.

9-  Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là phước điền cao thượng của chúng-sinh không đâu sánh được.

9 ân-đức Tăng-bảo này chia ra làm 2 phần:

1- Ân-đức Tăng-bảo là nhân có 4 ân-đức Tăng-bảo: Suppaṭipanno, Ujuppaṭipanno, Ñāyappaṭipanno, Sāmicip- paṭipanno  là  nhân  đã  thực-hành  đúng  theo  Thánh-đạo (Ariyamagga) hợp đủ 8 chánh: chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định, trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn có 4 đôi thành 8 bậc Thánh.

2-     Ân-đức Tăng-bảo là quả có 5 ân-đức Tăng-bảo: Āhuneyyo, Pāhuneyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa này là quả của 4 ân- đức Tăng-bảo nhân.

* Chư Thánh-Tăng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế- Tôn đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, nên mới có đủ 9 ân- đức Tăng-bảo này.

* Còn chư phàm-Tăng thanh-văn đệ-tử chưa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, nên chỉ có giới hạn một phần nào ân- đức Tăng-bảo mà thôi.

Giảng Giải Về 9 Ân-Đức Tăng-Bảo

Trong bộ Chú-giải giảng giải 9 ân-đức Tăng-bảo được tóm lược sau đây:

1-  Ân-Đức Tăng-Bảo Thứ Nhất: Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.

(Cách đọc: Xúp-pá-tí păn-nô Phá-gá-vóa-tô xa-vóa-cá-xăng-khô)

Suppaṭipanno: Chư Thánh-tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành nghiêm chỉnh đúng theo lời giáo huấn của Đức-Phật.

Chư Thánh-Tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã thực-hành nghiêm chỉnh, đúng đắn hoàn toàn theo lời giáo huấn của Đức-Thế-Tôn, thực-hành không tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn người, thực-hành đúng theo 3 pháp-hành: pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp- hành thiền-tuệ.

–   Pháp-hành giới:Chư Thánh-Tăng thanh-văn có đức- tin vững chắc hoàn toàn trong sạch nơi Tam-bảo, tôn trọng các điều giới, các pháp-hành Tăng-sự mà Đức- Phật đã chế định ban hành, nên quý Ngài nghiêm chỉnh thực-hành đúng đắn hoàn toàn theo lời giáo huấn của Đức-Phật. Dù thấy lỗi rất nhỏ, quý Ngài cũng xem như lỗi rất lớn mà tránh xa, thà phải chịu hy sinh sinh mạng, chứ không để phạm giới.

Như tích vị tỳ-khưu trong bộ Thanh-Tịnh-Đạo (Visuddhimagga), được tóm lược như sau:

Một bọn cướp gặp vị tỳ-khưu ở ven rừng, chúng nghĩ rằng: “Gặp Sa-môn là điều xui xẻo”, nên bọn cướp bắt vị tỳ-khưu ấy trói bằng một sợi dây dài gốc còn dưới đất, rồi để nằm tại đó.

Chẳng may, một đám lửa rừng cháy lan đến, nếu vị tỳ-khưu vùng dậy để tránh ngọn lửa, thì làm đứt sợi dây còn tươi. Như vậy, vị tỳ-khưu sẽ bị phạm giới Pācittiya, mà Đức-Phật đã chế định ban hành đến chư tỳ-khưu. Vị tỳ-khưu nghĩ rằng: “Sự chết là điều chắc chắn, nếu ta thoát chết hôm nay, thì sau này cũng phải chết, nhưng giới của ta không trong sạch. Thà hôm nay, ta chịu chết với giới trong sạch, chứ không để phạm giới”.

Do nhờ pháp-hành giới trong sạch, nên vị tỳ-khưu ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Khi ấy, ngọn lửa rừng lan đến thiêu cháy Ngài đồng thời Ngài tịch diệt Niết-bàn tại nơi ấy.

* Nếu trường hợp vị tỳ-khưu nào phạm giới nhẹ, thì nên tìm đến một vị tỳ-khưu khác xin sám hối Āpatti. Đó là cách làm cho giới của mình trở lại trong sạch, để làm nền tảng thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

–  Pháp-hành thiền-định: Đó là thực-hành pháp-hành thiền-định, chư tỳ-khưu thanh-văn đệ-tử thực-hành pháp-hành thiền-định để chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới, để nhập bậc thiền hưởng sự an- lạc, hoặc để làm nền tảng cho pháp-hành thiền-tuệ.

–  Pháp-hành thiền-tuệ: Đó là thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, chư tỳ-khưu thanh-văn đệ-tử thực-hành pháp- hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, gọi là chư Thánh-tăng.

Nếu chư tỳ-khưu thanh-văn đệ-tử đang thực-hành đúng theo lời giáo huấn của Đức-Phật, mà chưa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào thì còn là hạng phàm-thanh-văn, gọi là chư phàm-tăng.

Cho nên, ân-đức Tăng-bảo này gọi là Supaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.

2-   Ân-Đức Tăng-Bảo Thứ Nhì: Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.

(Cách đọc: Ú-chúp pá-tí-păn-nô phá-gá-vóa-tô xa-vóa-cá-xăng-khô)

Ujuppaṭipanno: Chư Thánh-tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành trung thực đúng theo pháp-hành Trung-đạo, không quanh co lầm lạc.

Chư Thánh-tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã thực-hành trung thực nghĩa là khi mình đã phạm lỗi, thì không giấu lỗi của mình; không hành lừa dối nghĩa là mình không có đức, không có tài, thì không làm ra vẻ như người có đức, có tài, v.v…

Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn không thực-hành theo tâm tham đắm trong ngũ-dục, cũng không thực-hành theo pháp-hành khổ-hạnh, tự làm khổ mình, mà Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn đã thực-hành theo pháp-hành Trung-đạo đó là pháp- hành bát-chánh-đạo (chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh- ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh- niệm, chánh-định), dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Nếu đã chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả rồi, thì trở thành 4 bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, gọi là chư Thánh-tăng

Nếu chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào thì vẫn còn là phàm thanh-văn, gọi là chư phàm-tăng.

Cho nên, ân-đức Tăng-bảo này gọi là Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.

3-  Ân-Đức Tăng-Bảo Thứ Ba: Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.

(Cách đọc: Nha-giáp-pá-tí-păn-nô Phá-gá-vóa-tô xa-vóa-cá- xăng-khô)

Ñāyappaṭipanno: Chư Thánh-tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành theo pháp- hành bát-chánh-đạo (chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh- ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh- niệm, chánh-định), chứng-ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn đã nhận thức biết rõ rằng:

Tam-giới (dục-giới, sắc-giới và vô-sắc-giới) là ba hầm lửa ngùn ngụt cháy không ngừng thiêu đốt tất cả chúng-sinh.

Trong tam-giới này không có một nơi nào thực sự được mát mẻ an-lạc. Tất cả chúng-sinh phải chịu cảnh nóng nảy do 11 thứ lửa (lửa tham-dục, lửa sân-hận, lửa si-mê, lửa sinh, lửa già, lửa chết, lửa sầu-não, lửa khóc- than, lửa khổ-thân, lửa khổ-tâm, lửa thống-khổ cùng cực, cùng với 1.500 loại phiền-não).

Chỉ có Niết-bàn là pháp dập tắt được mọi thứ lửa, làm vắng lặng mọi phiền-não, giải thoát mọi cảnh khổ tử  sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Pháp-hành dẫn đến chứng-ngộ Niết-bàn đó là pháp- hành bát-chánh-đạo. Hành-giả thực-hành pháp-hành bát- chánh-đạo hợp đủ 8 chánh: chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, diệt tận được mọi phiền-não, đồng thời dập tắt mọi thứ lửa.

Cho nên, chư Thánh thanh-văn đệ-tử đã coi trọng phận sự chứng ngộ Niết-bàn lên ưu tiên hàng đầu.

Dù cho lửa cháy trên đầu cũng xem thường, không quan tâm, bởi vì chư Thánh thanh-văn đệ-tử nghĩ rằng: “Lửa cháy trên đầu chỉ thiêu đốt một kiếp hiện-tại, còn các thứ lửa tham-dục, lửa sân-hận, lửa si-mê, … không chỉ thiêu đốt, làm nóng nảy trong một kiếp hiện-tại, mà còn thiêu đốt làm nóng nảy vô số kiếp trong vị-lai nữa.”

Vì vậy, chư Thánh-Tăng thanh-văn đệ-tử đã đặt ưu tiên hàng đầu thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo để chứng ngộ Niết-bàn.

Cho nên, ân-đức Tăng-bảo này gọi là Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.

4-   Ân-Đức Tăng-Bảo Thứ Tư: Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.

(Cách đọc: Xa-mi-chíp-pá-tí-păn-nô Phá-gá-vóa-tô xa-vóa- cá-xăng-khô)

Sāmīcippaṭipanno: Chư Thánh-tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành 3 pháp- hành: pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ đúng đắn, xứng đáng để cho chúng-sinh tôn kính lễ bái cúng dường.

Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã thực- hành pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp, trở thành bậc Thánh A-ra- hán là bậc xứng đáng được chúng-sinh lễ bái cúng dường.

Những thí-chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, cung kính lễ bái cúng dường bốn thứ vật dụng đến chư Thánh-Tăng, để mong được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

Để đáp ứng lại lòng mong ước của thí-chủ cho được thành tựu như ý, Chư Tăng phải là bậc Thánh-Tăng có đầy đủ 5 đức cao thượng: giới-đức hoàn toàn, có định- đức hoàn toàn, có tuệ-đức hoàn toàn, có giải-thoát-đức hoàn toàn, có giải-thoát-tri-kiến-đức hoàn toàn.

* Như tích Ngài Trưởng-lão Ayyamitta(1) hành đạo trong động Kassaka gần một xóm nhà. Hằng ngày, Ngài Trưởng-lão đi khất thực trong xóm nhà ấy, có một gia đình nghèo khổ chỉ có hai mẹ con có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo. Hai mẹ con hằng ngày hộ độ để bát cúng dường đến Ngài Trưởng-lão Ayyamitta và xem Ngài như là người thân trong gia đình.

Một hôm, người mẹ vào rừng, đi làm sớm, trước khi đi bà căn dặn con gái rằng:

–    Này con gái yêu quý! Gạo ngon, sữa bò, bơ, đường thốt nốt, … mẹ để ở kia. Khi sư huynh con đến khất thực, con hãy lấy những thứ đó nấu để bát cho sư huynh, phần còn lại, con ăn nhé!

Người con gái hỏi:

–   Thưa mẹ! Còn mẹ ăn gì?

– Con à! Mẹ đã ăn cơm nguội ngày hôm qua còn lại với nước canh chua rồi.

–   Thưa mẹ! Còn buổi trưa mẹ ăn gì?

– Này con gái yêu quý! Buổi trưa, con nấu cháo hạt tấm trộn với rau, để mẹ về ăn nghe!

Trong khi hai mẹ con bà thí-chủ đang nói chuyện với nhau, khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ayyamitta đi khất thực đứng nghe được câu chuyện giữa hai mẹ con.

Ngài Trưởng-lão tự dạy mình rằng: “Này Ayyamitta! Ngươi hãy lắng nghe đây! Sáng nay, bà thí-chủ ăn cơm nguội còn lại với nước canh chua.

Trưa nay, bà ăn cháo hạt tấm với rau. Còn những thứ gạo ngon, sữa bò, bơ, đường thốt nốt, … bà lại để giành nấu để bát cúng dường cho ngươi.

Bà làm như vậy, không phải bà mong được những thứ của cải gì nơi ngươi, mà thật ra, bà mong được thành- tựu quả báu an-lạc trong cõi người (manussa-sampatti), mong được thành-tựu quả báu an-lạc trong cõi trời (devasampatti) và mong được thành-tựu quả báu an-lạc Niết-bàn Nibbānasampatti). Những quả báu mà bà mong ước, ngươi có thể đáp ứng được hay không?

Vậy, nếu ngươi chưa diệt tận được phiền-não trầm- luân, chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán thì ngươi không xứng đáng thọ nhận vật thực của bà thí-chủ ấy!”

Sau khi tự dạy mình xong, Ngài Trưởng-lão không đi khất thực mà trở về động cất bát, ngồi phát nguyện rằng: “Arahattaṃ apāpuṇitvā na nikkhamissāmi: Chưa chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, ta sẽ không rời khỏi nơi này.”

Do nhờ pháp-hành giới trong sạch làm nền tảng, Ngài Trưởng-lão Ayyamitta thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trong khoảng thời gian không lâu, Ngài Trưởng-lão đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền- não trầm-luân, mọi tham-ái, mọi ác-pháp không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Sau khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán xong, thời gian vẫn còn thời giờ sớm, nên Ngài Trưởng-lão mang bát, đi vào xóm để khất thực.

Đang chờ đợi Ngài Trưởng-lão đến, đứa em gái cung kính đảnh lễ cúng dường phần vật thực để vào bát của Ngài Trưởng-lão Ayyamitta, rồi Ngài Trưởng-lão đi trở về động.

Nhìn thấy Ngài Trưởng-lão có gương mặt trong sáng lạ thường, người con gái cảm nhận rằng: Hôm nay, sư Huynh thật đáng tôn kính biết dường nào!

Buổi chiều, khi người mẹ vừa về đến nhà, cô gái liền chạy ra đón mừng mẹ và khoe rằng:

–    Thưa mẹ! Hôm nay sư Huynh có gương mặt trong sáng lạ thường hơn mọi ngày. Thật là xứng đáng tôn kính lễ bái cúng dường biết dường nào! Mẹ à.

Nghe đứa con gái yêu quý khoe như vậy, bà thí-chủ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng:

–   Hôm nay, Ngài Trưởng-lão, con trai cao quý của ta chắc đã hoàn thành xong phận sự của bậc xuất-gia tỳ- khưu rồi thì phải!

Qua tích này hiểu được: “Thật ra, hàng phàm-nhân chắc chắn không thể nào biết được tâm của bậc Thánh- nhân, song về sắc diện của bậc Thánh-nhân được biểu hiện trên gương mặt trong sáng lạ thường, hành vi cử chỉ đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, … trang nghiêm khác thường”. Do đó, hạng phàm-nhân có trí-tuệ nhận thức tinh tế cũng có thể biết được đó là những Bậc đáng được tôn kính.

Tương tự như trường hợp Ngài Đại-Trưởng-Lão Sāriputta khi còn là vị đạo-sĩ Upatissa, đệ-tử của vị Đạo-sư Sañcaya.

Khi nhìn thấy Ngài Trưởng-lão Assaji đang đi vào kinh-thành Rājagaha để khất thực, với dáng đi nghiêm trang, đôi mắt nhìn xuống, … Vị đạo sĩ Upatissa phát sinh đức-tin trong sạch nơi Ngài Trưởng-lão Assaji, nên thầm nghĩ rằng: “Vị tỳ-khưu này chắc là bậc Thánh A- ra-hán, Bậc xứng đáng được tôn kính trong đời này. Vậy, ta nên đến gần gũi thân cận với Ngài, rồi thỉnh Ngài thuyết pháp tế độ ta”.

Vị đạo sĩ Upatissa đến hầu đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Assaji, kính thỉnh Ngài Trưởng-lão thuyết pháp.

Ngài Trưởng-lão Assaji thuyết một bài kệ gồm có 4 câu, vị đạo-sĩ Upatissa vừa mới nghe 2 câu đầu, liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu tại nơi ấy.

Như vậy, hạng thiện trí phàm-nhân có trí-tuệ tinh tế, có nhận thức sâu sắc cũng có thể suy đoán biết được bậc Thánh-nhân thật xứng đáng được tôn kính, qua phần giới-đức, được biểu hiện nơi thân và khẩu của bậc Thánh.

Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng được tôn kính, để cho chúng-sinh lễ bái cúng dường.

Cho nên, ân-đức Tăng-bảo này gọi là Sāmīcippaṭi- panno Bhagavato sāvakasaṃgho.

–   Cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā, esa Bhagavato sāvakasaṃgho:

– Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn có 4 đôi thành 8 bậc Thánh (tính theo tâm Siêu-tam-giới).

Chư Thánh thanh-văn có 4 đôi:

–   Nhập-lưu Thánh-đạo →  Nhập-lưu Thánh-quả.

–   Nhất-lai Thánh-đạo →  Nhất-lai Thánh-quả.

– Bất-lai Thánh-đạo →  Bất-lai Thánh-quả.

–   A-ra-hán Thánh-đạo →  A-ra-hán Thánh-quả.

Chư Thánh thanh-văn có 8 bậc Thánh: 4 Thánh-đạo + 4 Thánh-quả

–   Nhập-lưu Thánh-đạo (Sotāpattimagga).

–   Nhất-lai Thánh-đạo (Sakadāgāmimagga).

–   Bất-lai Thánh-đạo (Anāgāmimagga).

–   A-ra-hán Thánh-đạo (Arahattamagga).

–   Nhập-lưu Thánh-quả (Sotāpattiphala).

–   Nhất-lai Thánh-quả (Sakadāgāmiphala).

–   Bất-lai Thánh-quả (Anāgāmiphala).

–   A-ra-hán Thánh-quả (Arahattaphala).

4 Bậc Thánh-nhân

–   Bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna).

–   Bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī).

–   Bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī).

–   Bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta).

5- Ân-Đức Tăng-Bảo Thứ Năm: Āhuneyyo Bhagavato sāvakasaṃgho

(Cách đọc: A-hú-nây-dô Phá-gá-vóa-tô Xa-vóa-cá-xăng-khô)

Āhuneyyo: Chư Thánh-tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí-chủ từ phương xa đem đến cúng dường quý Ngài, để mong được quả báu lớn.

Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là Bậc xứng đáng thọ nhận những  vật dụng mà thí-chủ từ phương xa đem đến cúng dường quý Ngài, để mong được những quả báu, sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lớn lao và lâu dài.

Tạo Phước-Thiện Trong Phật-Giáo, Ngoài Phật-Giáo

Cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ nào đã tạo mọi phước- thiện như bố-thí, giữ giới, hành-thiền, v.v… trong thời kỳ Phật-giáo.

Cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ ấy sau khi chết tại cõi người, dục-giới thiện-nghiệp có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời Tam-thập tam-thiên, có hào quang sáng chói toả ra lấn át hào quang của các chư-thiên khác kể cả Đức- vua-trời Sakka trị vì cõi trời Tam-thập tam-thiên.

Đức-vua-trời Sakka cảm thấy tủi thân phận mình vì hào quang của mình kém thua hào quang của các vị thiên-nam đã tạo phước-thiện trong thời-kỳ Đức-Phật xuất hiện trên thế gian.

* Tích Đức-vua trời Sakka trong tích Mahākassapat- therapiṇḍapātadinnavatthu(1) được tóm lược như sau:

Một hôm, Đức-vua trời Sakka dùng thiên-nhãn theo dõi thấy Ngài Đại-Trưởng-Lão Mahākassapa nhập diệt- thọ-tưởng suốt 7 ngày, đến ngày thứ 7 mới xả, Đức-vua trời Sakka biết Ngài Đại-Trưởng-lão có tâm bi tế độ những người nghèo khổ, nên chờ ngày Ngài Đại- Trưởng-lão xả diệt-thọ-tưởng. Đức-vua trời Sakka truyền gọi bà Chánh-cung Hoàng-hậu Sujātā, cả hai cùng hiện xuống cõi người, hóa thành người già nghèo khổ đáng thương, sống trong một cái chòi lá nhỏ bên ven đường mà Ngài Đại-Trưởng-Lão Mahākassapa đi khất thực ngang qua.

Đức-vua trời Sakka biến hóa thành một cụ già đáng thương và Chánh-cung Hoàng-hậu Sujātā cũng biến hoá thành bà già đáng thương sống trong chòi lá, những vật thực đã chuẩn bị sẵn sàng.

Vừa thấy Ngài Đại-Trưởng-Lão Mahākassapa đi khất thực ngang qua trước chòi lá, cụ già (Đức-vua trời Sakka) bèn gọi bà già (Hoàng-hậu Sujātā) rằng:

–   Bà ơi! Ngài Đại-Trưởng-Lão đang đến trước chòi lá của mình, bà có gì đem ra làm phước-thiện bố-thí để bát cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão không?

Bà già (hoàng-hậu Sujātā) bèn tâu lại với ông cụ (Đức-vua trời Sakka) rằng:

–   Ông à! Ông kính thỉnh Ngài dừng lại tế độ chúng ta.

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa đứng lại. Ông già xin nhận cái bát của Ngài Đại-Trưởng-lão đem vào đặt đầy vật thực ngon lành, rồi cả hai ông bà già đáng thương đem cái bát ra thành kính dâng lên Ngài Đại- Trưởng-lão.

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa vừa nhận cái bát, vật thực bốc lên mùi hương lạ thường, Ngài Đại-Trưởng-lão suy xét biết hai vợ chồng già này chính là Đức-vua trời Sakka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sujātā, Ngài Đại-Trưởng-lão liền quở trách rằng:

–     Này Đức-vua-trời Sakka! Lão Tăng tế độ người nghèo khổ, tại sao Đức-vua trời Sakka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sujātā biến hóa làm người già giành phước- thiện của người nghèo như vậy?

Đức-vua trời Sakka bạch với Ngài Đại-Trưởng-Lão Mahākassapa rằng:

–   Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-Lão, kính xin Ngài Đại- Trưởng-lão có tâm bi tế độ chúng con. Tiền-kiếp của chúng con làm mọi phước-thiện trong thời kỳ không có Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng xuất hiện trên thế gian.

Chúng con cảm thấy tủi thân phận nghèo nàn, bởi vì quả báu, hào-quang của con không sánh được với các chư thiên-nam, mà tiền-kiếp của họ đã từng làm phước- thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật, đến chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng.

Đức-vua Sakka vô cùng hoan hỷ tự thốt lên rằng:

–   Aho! Dānaṃ paramadānaṃ Kassape suppatiṭṭhitaṃ.(1)

–   Ô! Được làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa, thật là phước-thiện bố-thí vô cùng cao thượng!

Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là các bậc có giới-đức, có định-đức, có tuệ-đức, có giải-thoát- đức, có giải-thoát-tri-kiến-đức đầy đủ, là phước điền cao thượng của chúng-sinh không đâu sánh được. Cho nên, chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn xứng đáng thọ nhận những vật dụng mà thí-chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, từ phương xa đem đến làm phước- thiện bố-thí cúng dường đến quý Ngài.

Phước-thiện bố-thí cúng dường dù ít dù nhiều đến chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, cũng  được quả báu của phước-thiện ấy lớn lao vô lượng không sao kể xiết.

Cho nên, ân-đức Tăng-bảo này gọi là Āhuneyyo Bhagavato sāvakasaṃgho.

6-  Ân-Đức Tăng-Bảo Thứ Sáu: Pāhuneyyo Bhagavato sāvakasaṃgho.

(Cách đọc: Pa-hú-nây-giô Phá-gá-vóa-tô Xa-vóa-cá-xăng-khô)

Pāhuneyyo: Chư Thánh-tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí-chủ dành cho những vị khách quý như quý Ngài.

Khách quý có 2 hạng:

–   Khách quý hạng thường đó là bà con thân quyến, bạn bè, những người ân nhân, … của mình trong mỗi kiếp.

–   Khách quý hạng đặc biệt đó là chư Thánh-Tăng, chư phàm-tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng- Giác rất hiếm có trong thế gian, bởi vì Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian là một điều khó, khi nào có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trên thế gian, khi ấy mới có chư Thánh-Tăng, chư phàm-tăng thanh-văn đệ- tử của Đức-Phật.

Thật vậy, có khi 1 a-tăng-kỳ đại-kiếp trái đất trải qua 4  a-tăng-kỳ  thành-trụ-hoại-không,   mà  không  có  một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác nào xuất hiện trên thế gian, thì cũng không có chư Thánh-Tăng, chư phàm-tăng trên thế gian.

Thí-chủ làm phước-thiện bố-thí đến khách hạng thường sẽ được quả báu trong kiếp hiện-tại và trong kiếp vị-lai có giới hạn. Còn thí-chủ làm phước-thiện bố-thí đến khách hạng đặc biệt là chư Thánh-Tăng, chư phàm- tăng sẽ được quả báu lớn lao trong kiếp hiện-tại và trong vô lượng kiếp vị-lai, không có giới hạn.

Hơn nữa, phước-thiện ấy lại còn làm phước duyên cho sự giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đối với hạng khách quý là chư Thánh-Tăng, chư phàm-tăng, người thí-chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, nên tôn kính đón rước, lễ bái cúng dường đến chư Thánh-Tăng, chư phàm-tăng, chắc chắn sẽ được nhiều quả báu lớn cao quý.

* Trong bài kinh Kulasutta(1) Đức-Phật dạy:

– Này chư tỳ-khưu! Chư tỳ-khưu có giới đến gia đình, thì những người trong gia đình sẽ được 5 quả báu lớn cao quý như sau:

1- Tỳ-khưu có giới đến gia đình, những người trong gia đình nhìn thấy và phát sinh thiện-tâm trong sạch. Những người trong gia đình ấy đã tạo các phước-thiện để được tái-sinh lên cõi trời dục-giới.

2- Khi họ đón tiếp cung kính lễ bái tỳ-khưu ấy, thỉnh ngồi trên những chỗ cao quý. Những người trong gia đình ấy đã tạo các phước-thiện để được tái-sinh vào trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý.

3- Sau khi tỳ-khưu ấy ngồi chỗ cao quý, những người trong gia đình tiếp đãi mọi thứ cần thiết như dâng cơm nước, thuốc trị bệnh, … với thiện-tâm trong sạch, hoan hỷ, không có tâm keo kiệt bỏn xẻn, … Những người trong gia đình ấy đã tạo các phước-thiện để được quả báu quyền cao chức trọng.

4- Khi họ làm phước-thiện bố-thí đến tỳ-khưu ấy tùy theo khả năng của mình. Những người trong gia đình ấy đã tạo các phước-thiện để có được nhiều của cải tài sản, giàu sang phú quý.

5- Khi họ lắng nghe vị tỳ-khưu thuyết giảng chánh- pháp, hoặc vấn đạo, … Những người trong gia đình ấy đã tạo phước-thiện để phát sinh trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật tánh của các pháp, …

– Này chư tỳ-khưu! Khi tỳ-khưu có giới đến gia đình, thì những người trong gia đình sẽ tạo được 5 phước- thiện, và được 5 quả báu lớn cao quý như vậy.

Khách quý có 2 hạng: Khách quý hạng thường và khách quý hạng đặc biệt.

Khách quý hạng thường là bà con thân bằng quyến thuộc, bạn hữu, … mỗi kiếp tử sinh luân-hồi đều có được, đều gặp được.

Còn khách quý hạng đặc biệt là chư Thánh-Tăng, chư phàm-tăng không phải kiếp nào cũng có thể gặp được, gần gũi, thân cận được. Những chúng-sinh nào có đầy đủ phước duyên mới có được cơ hội tốt, có duyên lành gặp được chư Thánh-Tăng, chư phàm-Tăng là chư khách quý hạng đặc biệt cao thượng.

Những chúng-sinh ấy có đức-tin trong sạch nơi Tam- bảo, đón tiếp, tôn kính, lễ bái cúng dường dù ít hay nhiều, chắc chắn sẽ tạo được nhiều phước-thiện lớn cao quý vô lượng, có được nhiều quả báu cũng lớn cao quý vô lượng đáng hài lòng cả trong kiếp hiện-tại lẫn vô số kiếp vị-lai, và đặc biệt còn tạo được duyên lành để giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Cho nên, ân-đức Tăng-bảo này gọi là Pāhuneyyo Bhagavato sāvakasaṃgho.