7- Ân-Đức Tăng-Bảo Thứ Bảy: Dakkhiṇeyyo Bhagavato sāvakasaṃgho.
(Cách đọc: Đắc-khí-nây-giô Phá-gá-vóa-tô Xa-vóa-cá-xăng-khô)
Dakkhiṇeyyo: Chư Thánh-tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí-chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam- bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đem kính dâng cúng dường đến quý Ngài, để mong được các quả báu tốt lành cho mình và còn hồi hướng các phước-thiện ấy đến những người thân quyến.
Người thí-chủ tin chắc chắn rằng: “Khi làm phước- thiện bố-thí cúng dường đến chư Thánh-Tăng, chư phàm-tăng, thì họ đã tạo được mọi phước-thiện thanh cao, chắc chắn sẽ phát sinh những quả báu tốt lành, lớn lao vô lượng đến cho họ trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai. Và họ còn có thể hồi-hướng phần phước-thiện thanh cao ấy đến cho ông bà, cha mẹ, bà con quyến thuộc, những ân nhân của họ và tất cả chúng-sinh khác đã quá vãng.
Nếu chúng-sinh nào hay biết mà phát sinh thiện-tâm hoan hỷ “sādhu” phần phước-thiện thanh cao (pattānu- modanā) mà thân quyến đã hồi-hướng, thì chúng-sinh ấy sẽ có được các quả báu an-lạc đến với họ.
Nếu chúng-sinh ấy đang sống trong cảnh khổ thì giải thoát khỏi cảnh khổ ấy, liền tái-sinh trong cõi thiện-giới: cõi người hoặc cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc. Nếu chúng-sinh đang ở trong cảnh an-lạc, thì sự an-lạc càng thêm tăng trưởng.
Và thí-chủ còn có thể kính biếu phần phước-thiện thanh cao ấy đến cho ông bà, cha mẹ, bà con thân quyến, bạn hữu, và tất cả chúng-sinh đang hiện hữu trong cõi người.
Nếu những người ấy phát sinh thiện-tâm hoan hỷ “sādhu” phần phước-thiện thanh cao (pattānumodanā) thì sẽ có các quả tốt, quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.”
Muốn thành tựu được những quả báu thật sự, thì thí- chủ nên làm phước-thiện bố-thí cúng dường hướng đến chư Thánh-Tăng, chư phàm-Tăng, bởi vì, chư Thánh- Tăng có ân-đức Dakkhiṇeyyo.
* Như tích Bố-thí cơm cháy.
Trong bộ Vimānavatthu, tích Ācāmadāyikāvimāna, được tóm lược như sau:
Một bà già nghèo khổ ăn mày, sống nhờ đằng sau hiên nhà người khác, người ta nhìn thấy bà đáng thương, nên thường cho nước cơm, cháo, miếng cơm cháy, … để bà ăn sống qua ngày.
Một hôm, Ngài Đại-Trưởng-Lão Mahākassapa vừa xả diệt-thọ-tưởng, rồi xem xét nên đi khất thực tế độ người nào. Với tuệ-nhãn, Ngài Đại-Trưởng-lão nhìn thấy một bà già nghèo khổ, gần chết, nếu bà chết, thì có thể đọa địa-ngục.
Với tâm bi tế độ bà tránh khỏi cõi địa-ngục, do nhờ phước-thiện bố-thí miếng cơm cháy, bà sẽ tái-sinh lên cõi trời Hóa-lạc-thiên.
Xem xét thấy như vậy, buổi sáng hôm ấy, Ngài Đại- Trưởng-lão mặc y mang bát đi khất thực đến chỗ ở của bà. Trong khi đó, Đức-vua trời Sakka biến hóa thành người già đem vật thực đến để cúng dường Ngài Đại- Trưởng-lão. Ngài Đại-Trưởng-lão biết người già đó là Đức-vua trời Sakka, nên bảo rằng:
– Này Đức-vua trời Sakka! Đức-vua không nên giành phước-thiện của người nghèo khổ.
Ngài Đại-Trưởng-lão không chịu mở nắp bát, vẫn đứng yên trước bà già nghèo khổ kia.
Bà nghĩ: “Ngài Đại-Trưởng-Lão là bậc có giới-đức lớn, được phần đông tôn kính, phận ta nghèo khổ không có gì quý giá để làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão.
Hằng ngày, ta chỉ có nước cơm và miếng cơm cháy không ngon lành gì cả. Vả lại, còn đựng trong một đồ dùng không sạch sẽ, ta nào dám làm phước-thiện bố-thí cúng dường để bát đến Ngài được.” Nên bà bạch rằng:
– Kính thỉnh Ngài đi nơi khác, con không có gì xứng đáng cúng dường đến Ngài cả. Bạch Ngài.
Ngài Đại-Trưởng-lão vẫn đứng yên không đi nơi khác, những người khác đem vật thực đến để bát dâng cúng, Ngài Đại-Trưởng-lão vẫn không mở nắp bát để nhận.
Bà già nghĩ tiếp rằng: “Chắc chắn Ngài Đại-Trưởng- Lão đứng đây để tế độ ta.”
Nghĩ xong, bà phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch muốn làm phước-thiện bố-thí. Bà đem miếng cơm cháy đến, Ngài Đại-Trưởng-lão liền mở nắp bát, bà thành kính cúng dường, đặt miếng cơm cháy vào trong bát của Ngài Đại-Trưởng-lão một cách tôn kính.
Ngài Đại-Trưởng-Lão tỏ vẻ muốn thọ thực, để cho bà nhìn thấy, làm cho bà càng phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch hoan hỷ trong việc phước-thiện bố-thí của bà.
Mọi người hiểu được ý Ngài Đại-Trưởng-lão, nên sửa soạn trải chỗ ngồi, rồi kính thỉnh Ngài Đại-Trưởng-lão.
Khi ấy, Ngài Đại-Trưởng-Lão Mahākassapa ngồi thọ thực miếng cơm cháy ấy, uống nước xong, rồi Ngài Đại- Trưởng-lão thuyết pháp tế độ bà già nghèo khổ ăn mày. Ngài Đại-Trưởng-lão cho bà biết: “Bà đã từng là thân mẫu của Ngài trong tiền-kiếp”.
Nghe Ngài Đại-Trưởng-Lão Mahākassapa cho bà biết như vậy, bà già nghèo khổ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ có cơ hội làm phước-thiện bố-thí cúng- dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão với đức-tin trong sạch.
Về sau, không lâu bà chết, phước-thiện bố-thí thanh cao ấy cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam trong cõi Hóa- lạc-thiên (cõi thứ 5 trong 6 cõi trời dục-giới) có nhiều oai lực, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.
* Tích Sāriputtattheramātupeta(1): Ngạ-quỷ thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta được tóm lược như sau:
Nữ ngạ-quỷ mà tiền-kiếp của bà đã từng là thân mẫu của tiền-kiếp thứ 5 của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta (kể từ kiếp hiện-tại).
Tiền-kiếp của nữ ngạ-quỷ là vợ của ông Bà-la-môn giàu có nhiều của cải. Ông Bà-la-môn có đức-tin trong sạch, có tác-ý đại-thiện-tâm, thường làm phước-thiện bố- thí cúng dường vật thực, đồ uống, y phục, … đến Sa-môn, Bà-la-môn; bố-thí, phân phát đến những người nghèo khổ, người qua đường, …
Một hôm, ông Bà-la-môn có công việc phải đi nơi khác, ông dạy bảo vợ ở nhà thay ông gìn giữ truyền thống gia đình, lo công việc làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến Sa-môn, Bà-la-môn, phân phát vật thực, đồ dùng đến những người nghèo khổ đói khát, …
Người vợ ở nhà không làm theo lời dạy bảo của chồng. Hễ có ai đến nhà, bà buông lời mắng nhiếc, ăn phẩn, uống nước tiểu, liếm máu mủ, nước miếng, …
Sau khi bà ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh vào hạng ngạ-quỷ đói khát, ăn uống đồ dơ bẩn, ăn phẩn, uống nước tiểu, mủ, nước miếng, … chịu bao nỗi khổ cực đói khát, lạnh lẽo do quả của ác-nghiệp của bà đã tạo trải qua thời gian lâu dài.
Nữ ngạ-quỷ nhớ lại tiền-kiếp đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, muốn đến nương nhờ Ngài Đại-Trưởng-lão, chư-thiên giữ cổng ngăn cản không cho nữ ngạ-quỷ vào. Nữ ngạ-quỷ thưa với vị chư- thiên rằng:
– Thưa chư-thiên, tiền-kiếp tôi đã từng là thân-mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, xin chư-thiên cho tôi được vào nương nhờ nơi Ngài Đại-Trưởng-lão.
Nữ ngạ-quỷ được vào đứng khép nép, Ngài Đại- Trưởng-lão Sāriputta nhìn thấy nữ ngạ-quỷ, với tâm bi mẫn bèn hỏi rằng:
– Này ngạ-quỷ! Ngươi có thân hình trần truồng, thân mình run rẩy, ốm yếu da bọc xương thật đáng thương, Ngươi là ai, lão Tăng tế độ ngươi thế nào?
Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão hỏi, nữ ngạ-quỷ thưa rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, tiền-kiếp của con đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão, do ác- nghiệp cho quả tái-sinh làm ngạ-quỷ chịu cảnh đói khát, đành phải ăn uống những đồ dơ bẩn như nước miếng, nước mũi, đàm người ta nhổ bỏ, uống nước vàng chảy ra từ xác chết, ăn uống đồ dơ của đàn bà, uống máu mủ của đàn ông bị chặt tay chân, uống máu mủ các loài động vật, sống không có nơi nương tựa, trong các nghĩa địa, bãi tha ma.
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, kính xin Ngài Đại- Trưởng-lão làm phước-thiện bố-thí, rồi hồi hướng phần phước-thiện ấy đến cho con. Nhờ phước-thiện ấy, may ra con mới thoát khỏi cảnh khổ ngạ-quỷ như thế này.
Lắng nghe lời than vãn của nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão trong tiền-kiếp, Ngài Trưởng-Lão Sāriputta phát sinh tâm bi mẫn, tìm cách cứu giúp nữ ngạ-quỷ ấy thoát khỏi cảnh khổ.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thuật lại cho Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, Ngài Trưởng-lào Anuruddha, Ngài Trưởng-lão Mahākappina nghe để cứu giúp nữ ngạ-quỷ giải thoát khỏi cảnh khổ.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna đi khất thực vào cung điện gặp Đức-vua Bimbisāra. Đức-vua thỉnh cầu Ngài Đại-Trưởng-lão cần những thứ vật dụng nào để Đức-vua dâng cúng.
Nhân dịp ấy, Ngài Trưởng-Lão Mahāmoggallāna thưa cho Đức-vua biết về chuyện nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài Trưởng-Lão Sāriputta, sống trong cảnh đói khổ không có nơi nương nhờ.
Nghe như vậy, Đức-vua truyền lệnh xây cất 4 cái cốc chỗ ở của chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Khi xây cất xong, Đức-vua làm lễ dâng đặc biệt đến Ngài Trưởng-Lão Sāriputta 4 cái cốc ấy.
Một lần nữa, Ngài Trưởng-Lão Sāriputta làm lễ dâng những cốc này đến chư tỳ-khưu-Tăng từ bốn phương, có Đức-Phật chủ trì, xin hồi hướng phần phước-thiện này đến cho nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài trong tiền-kiếp.
Nữ ngạ-quỷ phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí mà Ngài Trưởng-Lão Sāriputta hồi hướng. Ngay sau khi phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí ấy, liền thoát khỏi kiếp ngạ- quỷ, được tái-sinh làm thiên-nữ có hào-quang sáng ngời, có thân hình xinh đẹp, y phục lộng lẫy, có lâu đài nguy nga tráng lệ, có đầy đủ của cải của chư-thiên, hưởng mọi sự an-lạc cao quý trong cõi trời.
Hôm sau, vị thiên-nữ ấy hiện xuống cõi người cùng lâu đài, đến đảnh-lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna. Ngài Đại-Trưởng-lão hỏi thiên-nữ rằng:
– Này thiên-nữ! Ngươi có sắc đẹp tuyệt trần, nhiều oai lực đặc biệt, có hào quang sáng chói khắp mọi nơi như vầng trăng sáng. Do phước-thiện gì mà ngươi có được quả báu sinh trong lâu đài nguy nga tráng lệ, có đầy đủ mọi thứ trong cõi trời, đáng hài lòng như vậy?
Vị thiên nữ bạch với Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā- moggallāna rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, trong tiền-kiếp con từng là thân-mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, do ác-nghiệp cho quả tái-sinh làm nữ ngạ-quỷ chịu cảnh khổ đói khát đành phải ăn uống đồ dơ bẩn như máu, mủ,… Vừa qua, con đã đến hầu Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, cầu xin Ngài Đại-Trưởng-lão có lòng bi mẫn cứu giúp con giải thoát khổ. Ngài Đại-Trưởng-lão đã làm phước-thiện bố-thí xong, rồi hồi-hướng đến cho con. Con đã phát-sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ phần phước- thiện ấy, nên con giải thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, được hoá sinh làm thiên-nữ hưởng được tất cả mọi sự an-lạc như Ngài Đại-Trưởng-lão đã thấy.
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, con hiện xuống đây để đảnh lễ dưới chân Ngài và Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là bậc Thánh đại-thiện-trí, có tâm bi mẫn cứu khổ chúng-sinh trong đời.
Những tích như trên có rất nhiều trong Tạng-Kinh Pāḷi và trong bộ Peṭavatthu, bộ Vimānavatthu.
Nếu trường hợp chính mình chưa có cơ hội làm phước-thiện, mà mình phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ phần phước-thiện của người khác, thì cũng được quả báu không kém.
Như tích Vihāravimāna (1) được tóm lược như sau:
* Tích Vihāravimāna
Một thuở nọ, Ngài Trưởng-lão Anuruddha ngự lên cung trời Tam-thập-tam-thiên nhìn thấy một thiên nữ xinh đẹp có hào quang sáng ngời chiếu tỏa khắp mọi hướng, có một lâu đài nguy nga tráng lệ, … nên Ngài Trưởng-lão hỏi vị thiên nữ rằng:
– Này thiên nữ! Ngươi đã từng tạo đại-thiện-nghiệp nào mà kiếp hiện-tại hoá-sinh làm thiên-nữ có được các quả báu đáng hài lòng như vậy?
Vị thiên nữ bạch với Ngài Trưởng-lão Anuruddha rằng:
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, tiền-kiếp của con là người bạn thân của bà đại thí-chủ Visākhā trong kinh-thành Sāvatthi. Bà Visākhā cho người xây cất một ngôi chùa Pubbārama, sau đó, bà làm lễ kính dâng ngôi chùa ấy đến chư tỳ-khưu-tăng có Đức-Phật chủ trì. Con đã tham dự buổi lễ đó, con phát-sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phước-thiện kính dâng ngôi chùa Pubbārama ấy.
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, do nhờ đại-thiện-tâm hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí cúng dường kính dâng ngôi chùa Pubbārama ấy, mà sau khi con chết, đại- thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh lên cõi trời Tam-thập- tam-thiên, trở thành một thiên-nữ có được các quả báu cao quý như vậy. Bạch Ngài.
Chư Thánh-Tăng là phước điền cao thượng của chúng-sinh. Quý Ngài xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng của thí-chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Thí-chủ làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến quý Ngài, để được phước-thiện thanh cao, mong được quả- báu tốt đến cho mình và những người thân khác, đặc biệt hồi-hướng phần phước-thiện thanh cao ấy đến những người thân quyến thuộc về nhóm ngạ-quỷ.
Cho nên, ân-đức Tăng-bảo này được gọi là Dakkhiṇeyyo Bhagavato sāvakasaṃgho.
8- Ân-Đức Tăng-Bảo Thứ Tám: Añjalikaraṇīyo Bhagavato sāvakasaṃgho.
(Cách đọc: Ánh-chá-lí-cá-rá-ni-giô Phá-gá-vóa-tô Xa-vóa-cá- xăng-khô)
Añjalikaraṇīyo: Chư Thánh-tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng cho chúng-sinh chắp tay cung kính lễ bái cúng dường.
Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, xứng đáng cho chúng-sinh chắp tay lễ bái cúng dường, để cầu mong được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Chư Thánh-Tăng là những bậc có giới-đức hoàn toàn trong sạch, có định-đức, tuệ-đức, giải-thoát-đức, giải- thoát-tri-kiến-đức đầy đủ hoàn toàn, đã diệt tận được mọi phiền-não, nên thân, khẩu, ý của quý Ngài hoàn toàn trong sạch, không còn bị ô nhiễm bởi phiền-não. Cho nên, chư Thánh-Tăng xứng đáng cho tất cả chúng- sinh: nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên tôn kính, chắp tay lễ bái cúng dường.
* Tích Đức-vua trời Sakka đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng kinh Saṃghavandanāsutta,(1) được tóm lược như sau:
– Này chư tỳ-khưu! Khi Đức-vua trời Sakka cõi Tam- thập-tam-thiên ngự xuống từ lâu đài Vejayanta, hướng tâm đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng.
– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, thiên-nam Mātali, người đánh xe của Đức-vua trời Sakka tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, loài người sinh từ nơi ô trược, có sắc thân ô trược, thường đói khát nghèo hèn, đáng lẽ nên cung kính Đức-Thiên-vương. Vì sao Đức- Thiên-vương lại đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng ấy.
Vậy, kính xin Đức-Thiên-vương giảng giải cho hạ thần hiểu rõ phạm-hạnh của chư tỳ-khưu-Tăng ấy như thế nào?”
Đức-vua trời Sakka giảng giải cho Mātali hiểu rõ rằng:
– Này Mātali! Trẫm thành kính đảnh lễ chư tỳ-khưu- Tăng ấy, bởi vì, quý Ngài sống trong rừng, không có nhà, không cất giữ lúa gạo trong kho. Quý Ngài sống bằng hạnh đi khất thực, thọ dụng những vật thực đã chín và độ trước giờ ngọ. Quý Ngài là bậc thiện-trí, thuyết pháp chân thật đem lại sự lợi ích cho chúng- sinh, quý Ngài sống nơi thanh-tịnh với đời sống phạm- hạnh cao thượng.
– Này Mātali! Nhóm chư-thiên có oan trái với nhóm thiên A-su-ra, và ngược lại nhóm thiên A-su-ra cũng có oan trái với nhóm chư-thiên; nhân-loại có oan trái lẫn nhau, còn chư tỳ-khưu-Tăng sống không oan trái, không thù hận. Chư-thiên, nhân-loại còn chấp thủ, còn chư Thánh-Tăng không còn chấp thủ.
– Này Mātali! Vì vậy, Trẫm cung kính đảnh lễ chư tỳ- khưu-Tăng ấy”.
Khi nghe lời giảng giải của Đức-vua Sakka như vậy, Mātali bèn tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-vương, Đức-Thiên-vương cung kính lễ bái đến chư tỳ-khưu-Tăng nào, thì kẻ hạ thần cũng cung kính lễ bái đến chư tỳ-khưu-Tăng ấy.
Đức-vua trời Sakka cao cả nhất trong cõi Tam-thập- tam-thiên giảng dạy xong, cung kính đảnh lễ chư tỳ- khưu-Tăng, rồi lên xe ngự đi.
Chư Thánh-Tăng là những bậc xứng đáng cho nhân- loại, chư-thiên, phạm-thiên, cung kính lễ bái cúng dường, và chư phàm-Tăng là những bậc đang thực-hành pháp- hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, duy trì chánh-pháp của Đức-Thế-Tôn cũng xứng đáng được cung kính lễ bái cúng dường.
Những chúng-sinh có đức-tin trong sạch nơi Tam- bảo, thường lễ bái cúng dường đến bậc có giới-đức thanh-tịnh sẽ được 4 pháp lành: Sống lâu, sắc đẹp, an- lạc, khỏe mạnh. Như Đức-Phật dạy:
“Abhivādānasīlissa, niccaṃ vuḍḍhāpacāyino. Cattāro dhammā vaḍḍhanti, āyu vaṇṇo sukhaṃ balaṃ”(1)
Đối với người thường lễ bái cúng dường, Tỏ lòng tôn kính đến bậc Trưởng-lão,
Người ấy thường tăng trưởng bốn quả báu, Sống lâu, sắc đẹp, an-lạc, sức mạnh.
Hoặc chúng-sinh có đức-tin nơi Tam-bảo, hết lòng thành kính lễ bái cúng dường đến Tam-bảo: Đức-Phật- bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, thì sẽ được 5 quả báu tốt lành là:
– Āyu: Sống lâu trường thọ.
– Vaṇṇa: Có sắc đẹp khả ái.
– Sukha: Thân tâm thường được an-lạc.
– Bala: Có sức mạnh thân tâm
– Paṭibhāṇa: Có trí-tuệ sắc bén, nhanh trí.
Cho nên, ân-đức Tăng-bảo này gọi là Añjalikaraṇīyo Bhagavato sāvakasaṃgho.
9- Ân-Đức Tăng-Bảo Thứ Chín: Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa Bhagavato sāvakasaṃgho.
(Cách đọc: Á-nút-tá-răng pun-nhắc-khết-tăng lô-cắt-xá Phá-gá-vóa-tô Xa-vóa-cá-xăng-khô)
Anuttaraṃ puññakkhettaṃ: Chư Thánh-tăng thanh- văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là phước điền cao thượng của chúng-sinh không đâu sánh được.
Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, có giới-đức (sīla), định-đức (samādhi), tuệ-đức (paññā), giải-thoát-đức (vimutti), giải-thoát-tri- kiến-đức (vimuttiñāṇadassana) đầy đủ, … là phước-điền cao thượng của chúng-sinh không nơi nào sánh được.
Thật vậy, khi gieo giống phước-thiện dù ít dù nhiều, cũng sẽ được quả báu vô lượng trong kiếp hiện-tại và cả nhiều kiếp vị-lai. Một ví dụ để so sánh:
– Chư Thánh Tăng, ví như thửa ruộng màu mỡ.
– Thí-chủ có chánh kiến, ví như nông dân tài giỏi.
– Tác-ý thiện-tâm bố-thí, ví như hạt giống tốt.
Người nông dân tài giỏi biết rõ thời vụ mùa màng, gieo hạt giống tốt trên thửa ruộng màu mỡ, chắc chắn khi thu hoạch sẽ được nhiều gấp bội.
Cũng như vậy, thí-chủ có chánh-kiến sở-nghiệp (kammassakatā sammādiṭṭhi: trí-tuệ chánh-kiến biết đúng nghiệp là của riêng mình, biết gieo giống phước- thiện dù ít dù nhiều nơi chư Thánh-Tăng (hoặc chư phàm-Tăng), phước điền cao thượng của chúng-sinh không nơi nào sánh được, họ chắc chắn được phước- thiện nhiều vô lượng, sẽ được quả báu vô lượng ngay cả trong kiếp hiện-tại lẫn vô số kiếp vị-lai.
Hơn thế nữa, gieo được duyên lành nơi Tam-bảo, để mong chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, mong chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn siêu-tam-giới, để giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
* Tích Thiên Nữ Lajādevadhītā (1)
Tích thiên nữ Lajādevadhītā được tóm lược như sau:
Trong thời kỳ Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, một cô bé nghèo được thuê giữ ruộng, cô mang theo một gói bắp rang để ăn trong ngày.
Sáng hôm ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa xả diệt-thọ-tưởng (nirodhasamāpatti) xong, xem xét thấy nên tế độ cô bé nghèo, nên Ngài Đại-Trưởng-lão mặc y mang bát đi thẳng đến chỗ cô bé để khất thực.
Nhìn thấy Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa từ xa đến, cô bé vô cùng hoan hỷ liền ra đón và đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão xong, đem phần bắp rang để ăn trong ngày, cô kính xin làm phước-thiện bố-thí để bát cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão.
Trong khi cô đang phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ với phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng- lão, trên đường trở lại chỗ ở, cô bị một con rắn độc cắn chết. Do nhờ phước-thiện bố-thí cúng dường ấy cho quả tái-sinh làm thiên-nữ có tên là Lajādevadhītā trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Sau đó, khi nhớ lại tiền-kiếp của mình, thiên-nữ Lajādevadhītā vô cùng biết ơn Ngài Đại-Trưỡng-Lão, cô hiện xuống chỗ ở của Ngài Đại-Trưởng-lão quét dọn, đem nước dùng, … cho Ngài Đại-Trưởng-lão, nhưng Ngài Đại-Trưởng-lão không cho phép cô làm những công việc ấy, nên cô buồn tủi khóc.
Đức-Thế-Tôn thấy vậy, liền hiện đến thuyết pháp tế độ thiên-nữ.
Sau khi nghe Đức-Phật thuyết pháp, thiên-nữ Lajādevadhītā chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết- bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. Cô vô cùng hoan hỷ đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi xin phép trở về cõi trời.
* Tích Ông Puṇṇa
Tích ông Puṇṇa, người làm thuê của ông phú hộ Sumana, được tóm lược như sau:
Trong thời kỳ Đức-Phật Gotama còn hiện hữu trên thế gian, có gia đình ông Puṇṇa nghèo khổ, làm ruộng thuê của ông phú hộ Sumana, mọi người trong gia đình đều có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Một buổi sáng ông đi cày ruộng, cũng vào buổi sáng hôm ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta xả diệt-thọ- tưởng (sau 7 ngày đêm), đi khất thực để tế độ gia đình ông Puṇṇa, nên Ngài Đại-Trưởng-lão đi thẳng về hướng ông Puṇṇa đang cày ruộng.
Nhìn thấy Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta từ xa đến, ông Puṇṇa liền bỏ cày, đến hầu đảnh lễ Ngài Đại- Trưởng-lão, dâng cúng cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống. Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thọ nhận xong, đi theo đường hướng về nhà ông Puṇṇa, gặp vợ ông Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Bà đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta xong, bạch rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, kính xin Ngài Đại-Trưởng-lão có tâm từ thọ nhận phần vật thực nghèo nàn này của gia đình chúng con.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta có tâm từ tế độ thọ nhận tất cả phần vật thực, bà vô cùng hoan hỷ phát nguyện:
– Do nhờ phước-thiện bố-thí này của chúng con, cầu mong cho gia đình chúng con được một phần nhỏ pháp mà Ngài Đại-Trưởng-lão đã chứng đắc.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta chúc lành rằng:
– Mong cho gia đình các con được như ý nguyện.
Bà vô cùng hoan hỷ quay trở về nhà, nấu lại phần cơm khác đem cho chồng, rồi vội vàng mang cơm ra đồng ruộng, với tâm hoan hỷ phước-thiện bố-thí đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, làm cho thân tâm của bà cảm thấy nhẹ nhàng, nhu nhuyến không sao giấu được.
Còn phần ông Puṇṇa, trễ giờ đói bụng, thả bò đi ăn cỏ, ông lên bờ ngồi dưới cây bóng mát, chờ đợi vợ. Tuy đói bụng, nhưng đại-thiện-tâm vẫn hoan hỷ, niệm tưởng lại việc làm phước-thiện bố-thí tăm xỉa răng và nước đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Nhìn từ xa, ông thấy vợ mình đang đi đến trễ hơn mọi ngày, nhưng bà có vẻ khác thường, chắc chắn bà có điều hoan hỷ gì đó. Thật vậy, vừa đến nơi, Bà liền thưa với chồng rằng:
– Thưa anh kính yêu! Hôm nay, xin anh phát-sinh đại- thiện-tâm hoan hỷ thật nhiều. Sáng nay, em đem cơm cho anh, giữa đường gặp Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đang đi khất thực, em phát sinh đức-tin trong sạch, đem phần cơm của anh làm phước-thiện bố-thí, để bát cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Ngài Đại-Trưởng-lão không chê vật thực nghèo khó của chúng ta. Ngài Đại-Trưởng-lão có tâm từ tế độ thọ nhận tất cả vật thực phần của anh.
Vậy, xin anh nên phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí thanh cao này!
Ông vừa lắng nghe từng tiếng, từng câu làm cho ông phát-sinh đại-thiện-tâm hỷ lạc đến cực độ, nên không thể theo dõi liên tục trọn vẹn lời nói của vợ ông.
Sực tỉnh lại, ông muốn biết chắc chắn chính ông nghe đúng sự thật là như vậy không, nên ông bảo với vợ rằng:
– Này em! Em hãy nói lại cho anh nghe một lần nữa!
Bà vợ thưa lại rõ ràng một lần nữa, lần này ông nghe rõ biết chắc chắn đúng sự thật như vậy rồi, ông cảm thấy vô cùng hoan hỷ phước-thiện bố-thí của vợ, đã đem phần cơm của mình làm phước-thiện bố-thí, để bát cúng- dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Sau đó, ông nói cho vợ biết, cũng sáng hôm ấy, ông đã làm phước-thiện bố-thí cúng dường cây tăm xỉa răng và nước dùng đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Nghe chồng cho biết như vậy, bà cũng cảm thấy vô cùng hoan hỷ việc phước-thiện bố-thí của chồng.
Hai vợ chồng ông bà Puṇṇa cùng nhau phát sinh đại- thiện-tâm hoan hỷ phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Dùng cơm xong, ông Puṇṇa nằm niệm tưởng đến phước-thiện bố-thí của mình, mới thiu thiu giấc ngủ, ông bừng tỉnh lại, ngồi nhìn thấy phần đất ruộng vừa cày buổi sáng ấy, đã hóa thành những thỏi vàng ròng, làm cho ông hoa cả mắt, và vợ của ông cũng cảm thấy như ông vậy.
Ông lấy lại bình tĩnh đi xuống ruộng, lấy lên một thỏi, đúng thật là thỏi vàng ròng, ông đem đến khoe và nói với vợ rằng:
– Này em! Vợ chồng chúng ta đã làm phước-thiện bố- thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta. Phước-thiện bố-thí ấy liền cho quả báu đến cho vợ chồng chúng ta ngày hôm nay.
Chúng ta không thể nào giấu một số vàng lớn như thế này được!
Ông Puṇṇa lấy một số thỏi vàng bỏ vào khay, đem trình lên Đức-vua Bimbisāra và tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-vua, sáng nay tiện dân đi cày ruộng, tất cả đất cày đều hóa thành những thỏi vàng ròng.
Kính xin Đức-vua truyền lệnh cho binh lính đem xe đến chở số vàng ấy về cất trong kho báu của Đức-vua.
Đức-vua Bimbisāra truyền hỏi rằng:
– Nhà ngươi là ai?
Ông Puṇṇa tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, tiện dân là Puṇṇa, một nông dân nghèo khó làm thuê.
– Này Puṇṇa! Sáng nay, nhà ngươi đã làm gì đặc biệt?
– Tâu Đại-vương, tiện dân làm phước-thiện bố-thí cúng dường cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta. Còn phần vợ tiện dân làm phước-thiện bố-thí cúng dường phần cơm của tiện dân đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Đức-vua Bimbisāra truyền rằng:
– Này Puṇṇa! Vợ chồng ngươi đã làm phước-thiện bố- thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, cho nên, quả báu của phước-thiện bố-thí phát sinh ngay trong ngày hôm nay. Vậy, ngươi muốn Trẫm làm gì?
Ông Puṇṇa tâu:
– Tâu Đại-vương, tiện dân kính xin Đại-vương truyền lệnh đem ngàn chiếc xe đến thửa ruộng kia, để khuân tất cả số vàng ấy về cung điện.
Đức-vua Bimbisāra truyền lệnh đem hàng ngàn chiếc xe đến chở vàng ròng, quân lính trong triều nghĩ và nói rằng: “Vàng của Đức-vua”, tức thì những thỏi vàng trở lại thành đất như cũ.
Quân lính trong triều trở về tâu lên Đức-vua sự việc xảy ra như vậy. Đức-vua sáng suốt bèn truyền rằng:
– Các ngươi nghĩ như thế nào, khi nhặt lấy những thỏi vàng ấy?
– Tâu Bệ hạ, chúng hạ thần nghĩ và nói rằng: “Vàng của Đức-vua.”
Đức-vua Bimbisāra truyền rằng:
– Này các ngươi! Số vàng ròng kia không phải là của Trẫm. Các người hãy trở lại nghĩ và nói rằng: “Vàng của ông bà Puṇṇa” rồi khuân số vàng ấy về đây.
Quân lính vâng lệnh Đức-vua trở lại nơi ấy. Thật vậy, lần này quân lính khuân toàn bộ số vàng ấy đem về, chất trước sân rồng thành một đống vàng cao 80 hắc tay.
Ông Puṇṇa Trở Thành Đại Phú Hộ
Đức-vua Bimbisāra cho truyền bảo dân chúng trong kinh-thành Rājagaha hội họp tại sân rồng, Đức-vua bèn truyền hỏi rằng:
– Này toàn thể dân chúng! Trong kinh-thành này, người nào có số vàng lớn như thế này không?
Toàn thể dân chúng trong thành tâu:
– Tâu bệ hạ, trong kinh-thành không có người nào có số vàng lớn như thế này cả.
Đức-vua Bimbisāra truyền hỏi tiếp.
– Vậy, Trẫm nên tấn phong ông Puṇṇa như thế nào mới xứng đáng?
– Tâu Hoàng-Thượng, xin Hoàng-Thượng tấn phong ông Puṇṇa địa vị đại phú hộ.
Đức-vua Bimbisāra phán rằng:
– Này Puṇṇa! từ nay ngươi là Đại phú hộ, có tên Bahudhanaseṭṭhi: Đại phú hộ nhiều của cải.
Sau khi trở thành đại phú hộ Puṇṇa, gia đình ông càng có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, làm phước-thiện bố- thí cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có Đức- Phật chủ trì suốt 7 ngày.
Đến ngày thứ 7, Đức-Phật thuyết pháp tế độ gia đình ông Puṇṇa, toàn gia đình ông đại phú hộ Puṇṇa, hai vợ chồng và đứa con gái tên Uttarā đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, cả 3 đều trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Vợ chồng ông Puṇṇa làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta sau khi xả diệt-thọ-tưởng (nirodhasamāpatti), do năng lực phước- thiện bố-thí trong sạch và hội đủ nhân-duyên ấy, nên liền cho quả báu trong ngày hôm ấy, trở thành đại phú hộ nhiều của cải thế gian và đặc biệt hơn nữa, toàn gia đình trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Như vậy, phước-thiện bố-thí của ông bà Puṇṇa được thành tựu quả báu trong cõi người (manussasampatti) và thành tựu quả báu Niết-bàn (nibbānasampatti).
Những trường hợp trên, có không ít trong Phật-giáo.
Chư Thánh-Tăng là phước điền cao thượng của tất cả chúng-sinh nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên, … Thí-chủ làm các phước-thiện cúng dường đến chư Thánh-Tăng với đại-thiện-tâm trong sạch, sẽ được thành tựu quả báu cõi người (manussasampatti), thành tựu quả báu cõi trời (devasampatti) và đặc biệt thành tựu quả báu chứng ngộ Niết-bàn (Nibbānasampatti).