A lotus blossom almost completely open, in beautiful pinks.

Quyển 2 - Quy Y Tam Bảo (tái bản)

CHƯƠNG IV – Ân-Đức Thầy (Ācariyaguṇa)

By Nền Tảng Phật Giáo

July 08, 2020

Ân-Đức Thầy (Ācariyaguṇa)

Người đệ-tử trở thành cận-sự-nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ (upāsikā) là một trong bốn hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama là do nhờ vị Thầy dạy dỗ.

Mọi sự hiểu biết về pháp-học Phật-giáo, pháp-hành Phật-giáo cũng do nhờ vị Thầy dạy dỗ, cho nên ân-đức Thầy là vô lượng đối với các người đệ-tử. Người đệ-tử muốn đền đáp ân-đức của Thầy một cách xứng đáng, không phải là việc dễ làm.

Thật vậy, nên tìm hiểu qua đoạn kinh Dakkhiṇāvi- bhaṅgasutta(1) và Chú-giải được tóm lược như sau:

Sau khi Đức-Bồ-Tát Thái-tử Siddhattha đản sinh được bảy ngày thì bà Mahāmayādevī, là mẫu hậu của Đức-Bồ- Tát, quy thiên; bà Mahāpajāpatigotamī (2)là bà dì ruột, là kế mẫu cũng là nhũ-mẫu của Thái-tử Siddhattha.

Bà Mahāpajāpatigotamī giao Hoàng-tử Nanda (sinh sau Thái tử Siddhattha 2-3 ngày) cho nhũ mẫu khác nuôi nấng dưỡng dục, còn bà làm bổn phận nhũ mẫu nuôi nấng dưỡng dục Thái-tử Siddhattha khôn lớn.

Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha sống tại cung điện đến năm 29 tuổi mới đi xuất gia, đến năm 35 tuổi Đức-Bồ-tát Siddhattha trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu Đức-Phật Gotama.

Như vậy, bà Mahāpajāpatigotamī là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Suddhodana và là bà dì nhũ mẫu của Đức-Phật Gotama.

Một năm sau khi trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng- Giác, theo lời thỉnh mời của Đức-Phụ-vương Suddhodana, lần đầu tiên Đức-Phật Gotama ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu cùng với 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu- Tăng, Đức-Phật thuyết pháp tế độ Đức-Phụ-vương Suddhodana trở thành bậc Thánh Nhất-lai, và bà Mahāpajāpatigotamī chứng đắc thành bậc Thánh Nhập-lưu, cùng thân quyến trong dòng Sakya chứng đắc thành bậc Thánh-nhân rất đông.

Bà Mahāpajāpatigotamī chiêm ngưỡng kim thân Đức- Phật có 32 tướng tốt của bậc đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, phát sinh đức-tin trong sạch và vô cùng hoan hỷ, rồi suy nghĩ rằng: “Ta muốn dâng y đến Đức-Phật, trong cung điện, trong kinh-thành có rất nhiều thứ vải tốt mà ta không hài lòng, ta muốn tự tay mình kéo sợi dệt thành tấm vải, thì ta mới hài lòng hoan hỷ hơn nhiều.”

Để thực hiện ý định của mình, bà Mahāpajāpati- gotamī đã tự dệt xong được hai tấm vải, Bà đến chầu Đức-vua Suddhodana, xin phép đem hai tấm vải đến kính dâng lên Đức-Phật. Khi ấy, Đức-Phật đang ngự tại ngôi chùa Nigrodhārāma gần kinh-thành Kapilavatthu, bà Mahāpajāpatigotamī đội trên đầu một cái hộp đựng hai tấm vải quý giá đến hầu đảnh lễ Đức-Phật xong, ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch rằng:

–   Kính bạch Đức-Thế-Tôn, hai tấm vải mới này, chính tự tay con đã kéo sợi dệt xong, con có tác-ý đại-thiện- tâm trong sạch kính dâng lên Đức-Thế-Tôn. Kính xin Ngài có tâm đại-bi tế độ, thọ nhận hai tấm vải y mới này của con. Bạch Ngài.

Nghe Bà Mahāpajāpatigotamī bạch như vậy, Đức- Thế-Tôn truyền dạy rằng:

–     Saṃghe Gotami dehi, saṃghe te dinne ahañceva pūjito bhavissāmi saṃgho ca.

–   Này Nhũ-mẫu Gotamī! Nhũ-mẫu hãy nên kính dâng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, khi Nhũ-mẫu đã kính dâng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng rồi, sẽ là sự cúng dường đến Như-Lai và cúng dường đến chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng.

Bà Mahāpajāpatigotamī bạch lặp lại như lần trước, đến lần thứ ba, và Đức-Thế-Tôn cũng truyền dạy bà đến lần thứ ba như trên.

Nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, Ngài Trưởng-lão Ānanda bèn bạch rằng:

–   Kính bạch Đức-Thế-Tôn, kính xin Ngài thọ nhận hai tấm vải của bá mẫu Mahāpajāpatigotamī.

–     Kính bạch Đức-Thế-Tôn, bá mẫu Mahāpajāpati- gotamī là bà dì ruột, cũng là Nhũ-mẫu của Ngài. Bà có nhiều ân-đức đối với Ngài. Khi Ngài đản sinh được 7 ngày, thì Phật-mẫu quy thiên, chính bà là Nhũ-mẫu đã hiến dâng đôi bầu sữa ngon lành, để nuôi nấng dưỡng dục Ngài đến khi lớn khôn.

–   Kính bạch Đức-Thế-Tôn, và Ngài cũng có nhiều ân- đức đối với bá mẫu Mahāpajāpatigotamī nữa.

–     Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do được nương nhờ nơi Ngài, bá mẫu Mahāpajāpatigotamī đã quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo, quy-y nương nhờ nơi Đức-Tăng-bảo.

–     Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do được nương nhờ nơi Ngài, bá mẫu Mahāpajāpatigotamī có tác-ý trong đại- thiện-tâm tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm, tránh xa sự nói-dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm).

–     Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do được nương nhờ nơi Ngài, bá mẫu Mahāpajāpatigotamī có đức-tin hoàn toàn trong sạch vững chắc không lay chuyển nơi Đức-Thế- Tôn, có đức-tin hoàn toàn trong sạch vững chắc không lay chuyển nơi Đức-Pháp-bảo, có đức-tin hoàn toàn trong sạch vững chắc không lay chuyển nơi Đức-Tăng- bảo, có đầy đủ trọn vẹn giới mà chư Thánh-nhân yêu quý.

–     Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do được nương nhờ nơi Ngài, bá mẫu Mahāpajāpatigotamī đã diệt tận được tà- kiến và hoài-nghi trong khổ-Thánh-đế, trong Nhân sinh khổ-Thánh-đế, trong Niết-bàn diệt khổ-Thánh-đế, trong pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế, đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Đức-Phật truyền dạy rằng:

–   Này Ānanda! Sự thật đúng như vậy.

–   Này Ānanda! Người đệ-tử đã nương nhờ nơi vị Thầy nào, rồi được quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, được quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo, được quy-y nương nhờ nơi Đức-Tăng-bảo.

–   Này Ānanda! Như-Lai không thuyết dạy rằng: “Người đệ-tử ấy đền đáp xứng đáng ân-đức Thầy bằng sự lễ bái, đón rước, chắp tay, cung kính cúng dường bằng y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc ngừa bệnh đối với vị Thầy ấy.

–   Này Ānanda! Người đệ-tử đã nương nhờ nơi vị Thầy nào, rồi có được tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm,  tránh xa sự nói-dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm).

–   Này Ānanda! Như-Lai không thuyết dạy rằng: “Người đệ-tử ấy đền đáp xứng đáng ân-đức Thầy bằng sự lễ bái, đón rước, chắp tay, cung kính cúng dường bằng y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc ngừa bệnh đối với vị Thầy ấy.

–   Này Ānanda! Người đệ-tử đã nương nhờ nơi vị Thầy nào, rồi có đức-tin hoàn toàn trong sạch vững chắc nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng-bảo không lay chuyển, có đầy đủ trọn vẹn giới mà chư Thánh-nhân yêu quý.

–   Này Ānanda! Như-Lai không thuyết dạy rằng: “Người đệ-tử ấy đền đáp xứng đáng ân-đức Thầy bằng sự lễ bái, đón rước, chắp tay, cung kính cúng dường bằng y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc ngừa bệnh đối với vị Thầy ấy.

–   Này Ānanda! Người đệ-tử đã nương nhờ nơi vị Thầy nào, rồi đã diệt tận được tà-kiến và hoài-nghi trong khổ- Thánh-đế, trong Nhân sinh khổ-Thánh-đế, trong Niết- bàn diệt khổ-Thánh-đế, trong pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế.

–   Này Ānanda! Như-Lai không thuyết dạy rằng: “Người đệ-tử ấy đền đáp xứng đáng ân-đức Thầy bằng sự lễ bái, đón rước, chắp tay, cung kính cúng dường bằng y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc ngừa bệnh đối với vị Thầy ấy.”

Qua đoạn kinh trên và phần Chú-giải được tóm lược:

Bà Mahāpajāpatigotamī chiêm ngưỡng Đức-Thế-Tôn có 32 tướng tốt của bậc đại-nhân và 80 tướng tốt phụ. Bà vô cùng hoan hỷ, phát sinh tác-ý trong đại-thiện-tâm muốn dâng y đến Đức-Phật. Tấm vải y không phải do người khác dệt, mà phải chính tự tay của bà dệt, bà mới thật sự hài lòng hoan hỷ nhiều. Bà đã thực hiện đúng theo nguyện vọng của mình, bà đã dệt được hai tấm vải mới thật là tốt đẹp, vô giá, rồi bà đặt hai tấm vải ấy vào trong cái hộp báu, ướp nước hoa thơm xong, bà đến chầu Đức-vua Suddhodana và tâu rằng:

–   Mayhaṃ puttassa cīvarasāṭakaṃ gahetvā gamissāmi.

–   Tâu Hoàng thượng, Thần thiếp sẽ đem hai tấm vải y này, kính dâng đến Đức-Phật, vị Quý tử của chúng ta.

Đức-vua Suddhodana truyền lệnh sửa sang trang hoàng con đường từ cung điện đến ngôi chùa Nigrodhārāma rất đẹp đẽ, rồi cho một đoàn tùy tùng hộ giá bà Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāpajāpatigotamī ngự đến ngôi chùa Nigrodhārāma. Bà đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch rằng:

–   Kính bạch Đức-Thế-Tôn, hai tấm vải mới này, chính tự tay con đã kéo sợi dệt xong, con có tác-ý trong đại- thiện-tâm kính dâng lên Đức-Thế-Tôn. Kính xin Ngài có tâm đại-bi tế độ thọ nhận hai tấm vải mới này của con. Bạch Ngài.

Nghe Bà Mahāpajāpatigotamī bạch như vậy, Đức- Thế-Tôn truyền dạy rằng:

–   Này Nhũ-mẫu Gotamī! Nhũ-mẫu hãy nên kính dâng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, khi Nhũ-mẫu đã kính dâng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng rồi, sẽ là sự cúng dường đến Như-Lai và cúng dường đến chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng, …

Thật ra, bà Mahāpajāpatigotamī có tác-ý trong đại- thiện-tâm kính dâng hai tấm vải mới đến Đức-Phật, không chỉ tỏ lòng tôn kính tri ân Đức-Phật, mà còn ẩn chứa một tình mẫu tử thiêng liêng và sâu sắc nữa. Cho nên, bà khẩn khoản bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:

–   Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con sẽ lấy những tấm vải y từ trong kho, rồi kính dâng cúng dường đến hằng trăm chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, hằng ngàn chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng. Nhưng còn hai tấm vải y mới này, chính tự tay con đã kéo sợi dệt thành, con có tác-ý trong đại- thiện-tâm trong sạch kính dâng lên Đức-Thế-Tôn, kính xin Ngài có tâm đại-bi tế độ thọ nhận hai tấm vải y này của con. Bạch Ngài.

Dù bà Mahāpajāpatigotamī tha thiết khẩn khoản thế nào, nhưng Đức-Thế-Tôn vẫn khuyên dạy bà nên kính dâng hai tấm vải y mới đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, bởi những lý do chính như sau:

*  Đức-Phật Muốn Tế Độ Nhũ-Mẫu Tăng Trưởng Phước-Thiện (Mātari Anukampāya)

Đức-Phật truyền dạy bà Mahāpajāpatigotamī:

–     Saṃghe Gotami dehi, saṃghe te dinne ahañceva pūjito bhavissāmi saṃgho ca.

–   Này Nhũ-mẫu Gotamī, Nhũ-mẫu hãy nên kính dâng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, khi Nhũ-mẫu đã kính dâng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng rồi, sẽ là sự cúng dường đến Như-Lai và cúng dường đến chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng.

Tác-ý trong đại-thiện-tâm bố-thí có 3 thời:

1- Pubbacetanā: Tác-ý trước khi cúng dường,

2- Muñcacetanā: Tác-ý đang khi cúng dường,

3- Aparacetanā: Tác-ý sau khi đã cúng dường.

Đức-Phật biết rõ bà Mahāpajāpatigotamī có tác-ý trong đại-thiện-tâm hướng tâm cúng dường 2 tấm y đến Đức-Phật rồi, nay Đức-Phật khuyên dạy bà Nhũ-mẫu phát sinh tác-ý trong đại-thiện-tâm hướng tâm cúng dường 2 tấm y ấy đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng nữa. Khi bà Nhũ-mẫu cúng dường 2 tấm y ấy đến chư Đại- đức tỳ-khưu-Tăng có Đức-Phật chủ trì, thì cùng một lúc có 2 đối-tượng: Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Như vậy, Bà có tất cả 6 loại tác-ý trong đại-thiện-tâm, phước-thiện bố-thí của bà Nhũ-mẫu tăng trưởng gấp đôi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến cho Nhũ-mẫu.

Thật ra, trong cõi-giới này, lẫn toàn cõi-giới khác, không có Bậc nào xứng đáng được cúng dường hơn Đức- Phật cả, bởi vì Đức-Phật là Bậc Tối-Thượng nhất trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh. Người thí-chủ có đức-tin trong sạch cúng dường đến Đức-Phật, chắc chắn được phước-thiện cao thượng nhất, có quả báu cao thượng nhất.

Trong trường hợp bà Mahāpajāpatigotamī, Đức-Phật muốn cho phước-thiện của bà tăng trưởng gấp bội, nên truyền dạy bà dâng cúng dường đến chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng có Đức-Phật chủ trì. Đó là sự cúng dường đến Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, như Đức- Phật dạy:

–    Khi Nhũ-mẫu đã kính cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng rồi, sẽ là cúng dường đến Như-Lai và cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Như vậy phước-thiện của bà sẽ được tăng trưởng gấp bội, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

*  Đức-Phật Muốn Tế Độ Chư tỳ-khưu Tăng

Đức-Phật truyền dạy bà Mahāpajāpatigotamī rằng:

–   Saṃghe Gotami dehi…

–   Này Nhũ-mẫu Gotami! Nhũ-mẫu hãy nên kính dâng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng…

Đức-Phật muốn tế độ chư tỳ-khưu-Tăng, Đức-Phật muốn cho tất cả mọi chúng-sinh nói chung, mọi người thí-chủ nói riêng, cả trong thời hiện-tại lẫn trong thời vị- lai, đều có đức-tin trong sạch, có lòng tôn kính đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Đức-Phật biết rõ: “Ngài sẽ tịch diệt Niết-bàn, Phật- giáo sẽ tồn tại và được giữ gìn duy trì do nhờ chư Đại- đức tỳ-khưu-Tăng, mà chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng được tồn tại lâu dài là nhờ những người cận-sự-nam, cận-sự- nữ có đức-tin trong sạch, có lòng tôn kính hộ độ, cúng dường các thứ vật dụng cần thiết như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh,… đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để cho chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng được thuận lợi trong công việc học pháp-học Phật-giáo, thực-hành pháp- hành Phật-giáo và duy trì pháp-thành Phật-giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian này, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến phần đông chúng- sinh, nhất là nhân-loại và chư-thiên.”

Do đó, Đức-Phật có tâm đại bi tế độ chư tỳ-khưu Tăng như vậy.

Ngài Trưởng-lão Ānanda nghĩ: “Đức-Phật là Bậc Tối-Thượng xứng đáng thọ nhận những lễ vật cúng dường của chúng-sinh không một ai sánh được.”

Cho nên, Ngài Trưởng-lão thỉnh cầu Đức-Phật thọ nhận hai tấm vải mới của bà Mahāpajāpatigotamī, để  cho bà có được nhiều phước-thiện cao thượng, sẽ có được nhiều quả báu cao thượng, sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài sẽ phát sinh đến cho Bà.

Đức-Phật biết rõ bà Mahāpajāpatigotamī đã có tác-ý trong đại-thiện-tâm trong sạch cúng dường đến Đức- Phật rồi, nay cộng thêm tác-ý trong đại-thiện-tâm trong sạch cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng nữa, thì phước-thiện bố-thí của bà càng tăng trưởng gấp bội phần, sẽ phát sinh sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến cho Bà.

Ân-Đức Thầy Vô-Lượng

Những người đệ-tử nương nhờ nơi vị Thầy nào rồi, được học hỏi hiểu biết về pháp-học Phật-giáo, về pháp- hành Phật-giáo, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo,  được thọ phép quy-y Tam-bảo, thọ trì ngũ-giới, (bát-giới uposathasīla, cửu-giới uposathasīla, …) có đức-tin trong sạch vững chắc không lay chuyển nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng-bảo, được chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, được chứng đắc Thánh-đạo, Thánh- quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân.

Như vậy, ân-đức Thầy vô-lượng mà những người đệ- tử không dễ đền đáp xứng đáng ân-đức Thầy được!

Dù cho những người đệ-tử cúng dường, phục vụ tận tình đối với vị Thầy của mình như:

*     Abhivādana: Khi gặp vị Thầy, người đệ-tử cung kính đảnh lễ Thầy, khi biết vị Thầy đang ở hướng nào, người đệ-tử quay mặt về hướng ấy cung kính đảnh lễ Thầy trước khi đi, đứng, ngồi, nằm, … Khi nằm luôn luôn quay đầu về hướng chỗ ở của vị Thầy của mình.

*     Paccuṭṭhāna: Khi nhìn thấy vị Thầy từ xa đến, người đệ-tử đứng dậy, đi đến đón rước Thầy, nếu vị Thầy có đem theo vật gì nặng thì người đệ-tử mang hộ vật ấy cho Thầy, lấy nước rửa chân cho Thầy, lau chân xong thỉnh Thầy ngồi một nơi cao quý, rồi cung kính đảnh lễ Thầy, phục vụ Thầy một cách chu đáo.

*    Añjalikamma: Khi gặp vị Thầy, người đệ-tử cung kính đưa hai tay chắp lên trán lễ bái Thầy, khi Thầy khuyên dạy, người đệ-tử chắp hai tay để ngang ngực, cung kính lắng nghe lời giáo huấn của Thầy. Khi biết vị Thầy đang ở hướng nào, người đệ-tử quay mặt về hướng ấy cung kính chắp hai tay lên trán lễ bái Thầy trước khi đi, đứng, ngồi, nằm,… Khi nằm, người đệ-tử luôn luôn quay đầu về hướng vị Thầy của mình.

*     Sāmicikamma: Người đệ-tử hết lòng thành kính chắp tay lễ bái, cúng dường đến vị Thầy của mình một cách cung kính, v.v…

Thật ra, dù người đệ-tử thành kính vị Thầy của mình như vậy, cúng dường những thứ vật dụng cần thiết như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh quý giá đến đâu đi nữa, nhiều đến nỗi chất đầy khắp toàn cõi-giới này, chất chồng cao đến đỉnh núi Sineru (Tu-di-sơn), cũng vẫn chưa có thể gọi là đền đáp xứng đáng ân-đức Thầy.

Tại sao?

Bởi vì, Ân-đức Thầy vô-lượng, nên người đệ-tử không thể nào đền đáp xứng đáng ân-đức Thầy được.

Tám Dòng Phước-Thiện

Phép quy-y Tam-bảo không chỉ là nơi quy-y nương nhờ cao thượng của chúng-sinh và ngũ-giới bảo vệ an toàn cho những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ, mà còn là tám dòng phước-thiện cao quý đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc cho mình và cho tất cả chúng-sinh. Tám dòng phước-thiện ấy được Đức-Phật thuyết  dạy trong bài kinh Abhisandasutta(1) ý nghĩa như sau:

–    Này chư tỳ-khưu! Tám dòng phước, dòng thiện này sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

Tám dòng phước, tám dòng thiện ấy là thế nào?

1- Này chư tỳ-khưu! Trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã đến kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo.

– Này chư tỳ-khưu! Đó là dòng phước, dòng thiện thứ nhất, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an- lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến     hóa, sự an-lạc lâu dài.

2- Này chư tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã đến kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo.

–     Này chư tỳ-khưu! Đó là dòng phước, dòng thiện thứ nhì, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an- lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

3- Này chư tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã đến kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Tăng-bảo.

–     Này chư tỳ-khưu! Đó là dòng phước, dòng thiện thứ ba, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an- lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

–    Này chư tỳ-khưu, năm loại bố-thí gọi là đại thí cao quý mà chư thiện-trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện- tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Nên biết rằng: Đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện-trí, trải qua từ ngàn xưa. Năm loại bố-thí gọi là đại-thí ấy là  thế nào?

4-    Này chư tỳ-khưu! Trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã từ bỏ sự sát-sinh, hoàn toàn tránh xa sự sát-sinh.

–    Này chư tỳ-khưu! Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử hoàn toàn tránh xa sự sát-sinh, gọi là bố-thí sự vô hại, sự an toàn sinh mạng của tất cả chúng-sinh, bố-thí sự không oan trái, bố-thí sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài. Khi đã bố-thí sự vô hại, sự an toàn sinh mạng, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài, thì bậc Thánh ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ bậc Thánh ấy.

–    Này chư tỳ-khưu! Đó là sự bố-thí thứ nhất gọi là đại-thí cao quý, mà chư thiện-trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện-tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Nên biết rằng: Đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện- trí, trải qua từ ngàn xưa.

–     Này chư tỳ-khưu! Đó cũng là dòng phước, dòng thiện thứ tư, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

5- Này chư tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã từ bỏ sự trộm-cắp, hoàn toàn tránh xa sự trộm-cắp.

–    Này chư tỳ-khưu! Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử hoàn toàn tránh xa sự trộm-cắp, gọi là bố-thí sự vô hại, sự an toàn tài sản của tất cả chúng-sinh, bố-thí sự không oan trái, bố-thí sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài. Khi đã bố-thí sự vô hại, sự an toàn tài sản, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài, thì bậc Thánh ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ bậc Thánh ấy.

–   Này chư tỳ-khưu! Đó là sự bố-thí thứ nhì gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện-trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện-tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Được biết rằng: đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện-trí, trải qua từ ngàn xưa.

–     Này chư tỳ-khưu! Đó cũng là dòng phước, dòng thiện thứ năm, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

6- Này chư tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã từ bỏ sự tà-dâm, hoàn toàn tránh xa sự tà-dâm.

–    Này chư tỳ-khưu! Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử hoàn toàn tránh xa sự tà-dâm, gọi là bố-thí sự vô hại, sự an toàn (vợ, chồng, con cái của người khác), bố-thí sự không oan trái, bố-thí sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài. Khi đã bố-thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài, thì bậc Thánh ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ bậc Thánh ấy.

–    Này chư tỳ-khưu! Đó là sự bố-thí thứ ba gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện-tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Nên biết rằng: Đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện-trí, trải qua từ ngàn xưa.

–     Này chư tỳ-khưu! Đó cũng là dòng phước, dòng thiện thứ sáu, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

7- Này chư tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này, bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã từ bỏ sự nói-dối, hoàn toàn tránh xa sự nói-dối.

–    Này chư tỳ-khưu! Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử hoàn toàn tránh xa sự nói dối, gọi là bố-thí sự vô hại, sự an toàn (không gây thiệt hại), bố-thí sự không oan trái, bố- thí sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài. Khi đã bố-thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài, thì bậc Thánh ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ bậc Thánh ấy.

–    Này chư tỳ-khưu! Đó là sự bố-thí thứ tư gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện-trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện-tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Nên biết rằng: Đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện-trí, trải qua từ ngàn xưa.

–     Này chư tỳ-khưu! Đó cũng là dòng phước, dòng thiện thứ bảy, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

8- Này chư tỳ-khưu! Điều tiếp theo, trong Phật-giáo này bậc Thánh thanh-văn đệ-tử đã từ bỏ sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp, hoàn toàn tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp.

– Này chư tỳ-khưu! Bậc Thánh thanh-văn đệ-tử hoàn toàn tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp, gọi là bố-thí sự vô hại, sự an toàn (không gây ra tai hại), bố- thí sự không oan trái, bố-thí sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài. Khi đã bố-thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số chúng-sinh trong muôn loài, thì bậc Thánh ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ bậc Thánh ấy.

–    Này chư tỳ-khưu! Đó là sự bố-thí thứ năm gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện-trí, sa-môn, bà-la-môn không sao nhãng, trong quá khứ không từng sao nhãng, trong hiện-tại không sao nhãng, trong vị-lai cũng sẽ không sao nhãng. Nên biết rằng: đó là pháp-hành cao quý của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện- trí, trải qua từ ngàn xưa.

–   Này chư tỳ-khưu! Đó cũng là dòng phước, dòng thiện thứ tám, sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an- lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

–     Này chư tỳ-khưu! Đó là tám dòng phước, dòng thiện sẽ cho quả tái-sinh lên cõi trời, hưởng quả an-lạc trong cõi trời, đem lại mọi sự an-lạc, đáng mong ước, đáng thỏa thích, đáng hài lòng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.”

Trong bài kinh này, Đức-Phật thuyết giảng phép quy-y Tam-bảo và ngũ-giới gọi là tám dòng phước- thiện như sau:

“Aṭṭhime  bhikkhave  puññābhisandā  kusalābhisandā…: Này chư tỳ-khưu, tám dòng phước, dòng thiện …”.

*    Abhisanda: Dòng là một danh từ cụ thể, diễn tả sự trôi chảy không ngừng. Trong bài kinh này, Đức-Phật đã cụ thể hóa phép quy-y Tam-bảo và ngũ-giới gọi là tám dòng phước (puññābhisandā), dòng thiện (kusalā- bhisandā) đó là đại-thiện-tâm sinh rồi diệt, trôi chảy thành dòng sinh diệt theo các lộ-trình-tâm.

Để tám dòng phước, dòng thiện này được phát triển mạnh là nhờ người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ hướng tâm quy-y nương nhờ Tam-bảo: quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo, quy-y nương nhờ nơi Đức-Tăng-bảo, và có tác-ý đồng sinh với đại-thiện-tâm tránh xa những đối-tượng phạm giới, giữ gìn ngũ-giới trong sạch, trọn vẹn.

Như vậy 3 phép quy-y Tam-bảo và ngũ-giới (5 thường-giới) gồm có 8 điều gọi là tám dòng phước, dòng thiện này sẽ cho quả tốt, quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai, đặc biệt làm phước duyên dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.