Quyển 2 - Quy Y Tam Bảo (tái bản)

CHƯƠNG IV – Bậc Thiện-Trí Biết Rõ Đức-Phật Mới Quy-Y Tam-Bảo

By Nền Tảng Phật Giáo

July 08, 2020

Bậc Thiện-Trí Biết Rõ Đức-Phật Mới Quy-Y Tam-Bảo

Nghe người ta tán dương ca tụng Đức-Phật Gotama, vị Bà-la-môn Brahmāyu truyền bảo người học trò giỏi đi đến hầu xem xét Ngài Sa-môn Gotama là Đức-Phật thật sự thì chắc chắn Ngài phải có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân (mahāpurisalakkhaṇa) đúng như bộ sách xưa truyền lại.

Kinh Brahmāyusutta (2) được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn du hành cùng với đoàn 500 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, đến một tỉnh lỵ Videha. Khi ấy, vị Bà-la-môn tên Brahmāyu ở nước Mithilā, là một học-giả uyên thâm các bộ sách xưa của giai cấp Bà- la-môn, đặc biệt bộ Lokāyata xem 32 tướng tốt của bậc đại-nhân (mahāpurisalakkhaṇa), là vị thầy của các người trai trẻ thuộc về giai cấp Bà-la-môn.

Vị Bà-la-môn Brahmāyu là người tuổi cao tác lớn có 120 tuổi thọ, nghe dân chúng tán dương ca tụng rằng:

“Ngài Sa-môn Gotama thuộc dòng dõi Sakya du hành cùng với đoàn 500 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến tỉnh lỵ Videha, mà ân-đức của Ngài vang dậy khắp mọi nơi rằng:

“Đức-Thế-Tôn là

1- Arahaṃ: Đức A-ra-hán là Bậc cao thượng có thân, khẩu, ý hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của nhân-loại chư-thiên và phạm-thiên.

2- Sammāsambuddho: Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là Bậc tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác- pháp không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền- khiên-tật (vāsana), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh. Do đó, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.

3- Vijjācaraṇasampanno: Đức Minh-Hạnh-Túc là Bậc có đầy đủ Tam-minh, Bát-minh và 15 Đức-hạnh cao thượng.

4- Sugato: Đức Thiện-Ngôn là Bậc thuyết pháp chân- lý đem lại sự lợi ích thật sự cho chúng-sinh.

5- Lokavidū: Đức Thông-Suốt Tam-Tổng-Pháp là Bậc thấy rõ, biết rõ tổng các loài chúng-sinh (sattaloka), tổng các cõi chúng-sinh (okāsaloka), tổng các pháp- hành (saṅkhāraloka).

6-  Anuttaro purisadammasārathi: Đức Vô-Thượng Giáo-Hóa Chúng-Sinh là Bậc giáo huấn chúng-sinh cải tà quy chánh, cải ác làm thiện, từ hạng phàm-nhân lên bậc Thánh-nhân.

7- Satthā devamanussānaṃ: Đức Thiên-Nhân-Sư là Bậc Thầy của nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên, …

8- Buddho: Đức-Phật là Bậc tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam-giới chúng- sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, rồi Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Ngài, cũng chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết- bàn tùy theo năng lực các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp- chủ (indriya): tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp- chủ, định pháp-chủ, tuệ pháp-chủ của mỗi chúng-sinh.

9- Bhagavā: Đức-Thế-Tôn là Bậc có 6 ân-đức đặc biệt do thực-hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh Ba-la- mật của Đức-Phật.

Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp hay ở đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối, thuyết giảng pháp-hành phạm-hạnh cao thượng với văn chương trong sáng thanh-tịnh.”

Có duyên lành đến hầu Đức-Thế-Tôn, đó là điều hạnh phúc cao thượng.

Khi ấy, vị Bà-la-môn Brahmāyu gọi người học trò giỏi tên Uttara đã học xong các bộ sách xưa của giai cấp Bà-la-môn, đặc biệt bộ Lokāyata xem 32 tướng tốt của bậc đại-nhân (mahāpurisalakkhaṇa) mà dạy rằng:

– Này Uttara! “Ngài Sa-môn Gotama thuộc dòng dõi Sakya du hành cùng với đoàn 500 chư Đại-đức-Tăng đến tỉnh lỵ Videha, mà ân-đức của Ngài vang dậy khắp mọi nơi rằng:

“Đức-Thế-Tôn là

– “Arahaṃ: Đức A-ra-hán là Bậc cao thượng có thân, khẩu, ý hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của nhân-loại chư- thiên và phạm-thiên. Đức A-ra-hán có thân, khẩu, ý hoàn toàn thanh-tịnh, …

Đức-Phật thuyết-pháp hay ở đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối, thuyết giảng pháp-hành phạm-hạnh cao thượng với văn chương trong sáng thanh-tịnh.”

Có duyên lành đến hầu Đức-Thế-Tôn, đó là điều hạnh phúc cao thượng.

–    Này Uttara! Con hãy đi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama ấy, con nên xem xét Đức-Phật Gotama có đúng ân-đức vang dậy khắp mọi nơi như vậy hay không? Thầy sẽ chờ đợi tin con.

Nghe lời truyền dạy của thầy, cậu Uttara thưa rằng:

–    Kính bạch Thầy, con biết Đức-Phật Gotama ấy có đúng như danh tiếng lừng lẫy vang dậy khắp mọi nơi như vậy bằng cách nào? Bạch Thầy.

–    Này Uttara! Thầy đã dạy cho con hiểu biết rõ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân (mahāpurisalakkhaṇa). Nếu bậc nào có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân ấy thì cuộc đời chỉ có 2 con đường mà thôi, chắc chắn không thể khác:

–  Nếu Bậc ấy sống tại gia thì chắc chắn sẽ trở thành Đức chuyển-luân-Thánh-vương hành thiện-pháp, có đầy đủ 7 báu: long xa báu, voi báu, ngựa báu, ngọc ma-ni báu, Chánh-cung hoàng-hậu báu, thừa-tướng báu, phú hộ báu. Đức chuyển-luân-Thánh-vương có trên 1.000 hoàng-tử anh hùng dũng cảm, chiến thắng mọi kẻ thù bằng thiện-pháp, không sử dụng khí giới, trị vì toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới, được thanh bình thịnh vượng, trong toàn đất nước không có điều xấu xảy ra, toàn thể dân chúng sống an-lạc.

–    Nếu Bậc ấy từ bỏ nhà đi xuất gia thì chắc chắn sẽ trở thành Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, diệt tận được mọi tham-ái mọi phiền- não không còn dư sót, cao thượng nhất trong toàn cõi tam-giới chúng-sinh.

–   Này Uttara! Thầy đã chỉ dạy con về 32 tướng tốt của bậc đại-nhân, nay con hãy đi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama ấy, con nên xem xét Đức-Phật Gotama có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân hay không?

Vâng lời dạy của vị Thầy, cậu Uttara đảnh lễ vị Bà-la- môn Brahmāyu, rồi xin phép lên đường đi đến hầu Đức- Phật Gotama tại tỉnh lỵ Videha.

Cậu Uttara đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, chú ý xem xét 32 tướng tốt của bậc đại-nhân trong kim thân của Đức-Phật, cậu Uttara theo dõi Đức-Phật thấy rõ, biết rõ được 30 tướng tốt của bậc đại-nhân trong kim thân của Đức-Phật, chỉ còn 2 tướng tốt của bậc đại-nhân là ngọc-hành giấu kín trong bao da và cái lưỡi lớn và dài, mềm mại, lưỡi lớn có thể bao phủ toàn mặt lên đến chân tóc, lưỡi dài có thể le đến tận 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi. Cậu Uttara còn chút hoài-nghi, nên chưa hoàn toàn có đức-tin nơi Đức-Phật.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn biết rằng: “Cậu Uttara  này theo xem xét 32 tướng tốt của bậc đại-nhân trong kim thân của Như-lai, mới thấy rõ, biết rõ được 30 tướng tốt của bậc đại-nhân, còn lại 2 tướng tốt của bậc đại-nhân chưa thấy rõ là ngọc-hành giấu kín trong bao da và cái lưỡi lớn và dài của Như-lai, nên còn chút hoài-nghi, chưa hoàn toàn có đức-tin nơi Như-lai.”

Vì vậy, Đức-Thế-Tôn dùng phép thần-thông hoá ra cái bóng như thật để cho cậu Uttara thấy rõ, biết rõ ngọc- hành giấu kín trong bao da và Đức-Phật le lưỡi đến 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi, rồi bao phủ toàn mặt lên đến tận chân tóc.

Sau khi đã thấy rõ, biết rõ Đức-Phật Gotama có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân,(1) như sau:

1-    Hai bàn chân bằng phẳng, vững vàng đạp trên mặt đất.

2-   Hai lòng bàn chân có dấu bánh xe, trục xe có một ngàn căm và đầy đủ các bộ phận.

3-    Hai gót chân dài (bằng một phần tư bàn chân).

4-    Ngón tay dài và tròn trịa, đều đặn, thon như hình búp măng.

5-    Hai bàn tay, hai bàn chân mềm mại.

6-   Năm ngón tay, trừ ngón tay cái ra, bốn ngón còn lại đều dài bằng nhau, khít vào nhau, và năm ngón chân dài bằng nhau, khít vào nhau, không có kẽ hở.

7-   Hai mắt cá nằm cao cách bàn chân độ 2-3 lóng tay.

8-    Đôi chân thon, phần trên lớn rồi nhỏ dần xuống dưới, tròn đẹp như đôi chân con sơn dương.

9-    Khi đứng thẳng, không cúi người xuống, hai bàn tay có thể sờ đụng hai đầu gối.

10-   Ngọc hành được giấu kín trong bao da.

11-   Toàn thân có da màu vàng, óng ánh xinh đẹp như màu vàng ròng.

12-   Làn da mịn màng, do làn da mịn màng, trơn nhẫy, nên bụi không thể bám vào thân hình.

13-   Mỗi sợi lông mọc ở mỗi lỗ chân lông.

14-    Lông có màu xanh và xoắn về bên phải, đầu lông hướng lên mặt.

15-  Thân hình ngay ngắn như thân hình phạm-thiên.

16- Bảy nơi trong thân hình có thịt đầy đặn là hai mu

bàn tay, hai mu bàn chân, hai bả vai và cổ (không nhìn thấy gân và xương).

17- Thân hình trên dưới đầy đặn như thân hình phía trên của sư tử chúa.

18-   Hai hốc bả vai có thịt đầy đặn (không thấy xương vai).

19- Chiều cao của thân bằng sải tay, và sải tay bằng chiều cao của thân (cũng như chiều cao của cây nigrodha có chiều ngang bằng nhánh của cây ấy).

20-   Cổ tròn trịa đầy đặn (khi nói không nổi gân cổ).

21-   Bảy ngàn dây thần kinh rất tinh tế, tụ hội từ lưỡi đến cổ, tiếp nhận hương vị vật thực để nuôi dưỡng cơ thể.

22-   Cái cằm giống cằm của sư tử chúa.

23- Đầy đủ 40 cái răng: Hàm trên 20 cái răng và hàm dưới 20 cái răng.

24-  Hàm răng trên và dưới đều đặn, có màu trắng xinh đẹp.

25- Hai hàm răng sắp đều đặn và khít vào nhau, không có kẽ hở.

26-   Bốn cái răng nhọn sạch sẽ, trắng đẹp.

27-  Lưỡi lớn và dài, mềm mỏng, có màu đỏ hồng xinh đẹp; lưỡi lớn có thể trùm được cả mặt lên đến chân tóc, và lưỡi dài có thể le ra đến tận hai lỗ mũi, hai lỗ tai.

28-   Giọng nói như giọng của phạm-thiên, rõ ràng, trong trẻo, ngọt ngào như tiếng chim karavīka.

29-   Đôi mắt xanh sẫm và trong sáng rất đẹp.

30- Đôi mắt tựa như đôi mắt con bê mới sinh.

31-  Sợi lông uṇṇa mọc trên trán, ở khoảng giữa hai đầu lông mày, có màu trắng dài mềm mại,  xoắn bên phải, đầu lông hướng lên trên đầu rất đẹp.

32-   Cái đầu tròn và có vầng trán cao rộng đẹp, đi vòng từ vành tai bên phải sang vành tai bên trái.

Cậu Uttara phát sinh đức-tin nơi Đức-Phật, rồi suy nghĩ rằng: Ta không chỉ biết rõ 32 tướng tốt của bậc đại- nhân như vậy, mà ta nên theo dõi để biết rõ mọi cử chỉ hành động của Đức-Phật Gotama nữa.

Từ đó, cậu Uttara theo dõi Đức-Phật suốt 7 tháng, chỉ thấy những cử chỉ hành động thật đáng kính mà thôi, không hề thấy điều sơ suất nào dù là nhỏ nhất.

Cậu Uttara trở về nước Mithilā đến hầu đảnh lễ vị thầy Bà-la-môn Brahmāyu rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy vị Bà-la-môn Brahmāyu hỏi rằng:

–    Này Uttara! Danh tiếng lừng lẫy của Ngài Sa-môn Gotama ấy vang dậy khắp mọi nơi đúng sự thật như vậy, có phải hay không?

Nghe vị Thầy hỏi như vậy, cậu Uttara thưa rằng:

–    Kính bạch Thầy khả kính, danh tiếng lừng lẫy của Ngài Sa-môn Gotama ấy vang dậy khắp mọi nơi đúng sự thật như vậy, không phải khác.

– Kính bạch Thầy khả kính, con xem xét thấy rõ, biết rõ Ngài Sa-môn Gotama ấy có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân. Sau đó, con theo dõi Ngài Sa-môn Gotama suốt 7 tháng chỉ thấy những cử chỉ hành động thật đáng kính mà thôi, không hề thấy điều sơ suất nào dù là nhỏ nhất.

Cậu Uttara tường thuật lại tất cả những gì đã thấy rõ, biết rõ nơi Đức-Phật Gotama có những ân-đức hơn cả những điều mà người ta tán dương ca tụng.

Sau khi nghe người học trò giỏi nhất tường thuật đầy đủ như vậy, vị Bà-la-môn Brahmāyu ngồi dậy, mặc tấm choàng một bên, chừa vai phải tỏ lòng tôn kính, chắp 2 tay hướng về nơi Đức-Phật Gotama đang ngự, cung kính đọc 3 lần rằng:

“Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa,

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa,

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.”

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy,

Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác,

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy,

Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác,

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy,

Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Vị Bà-la-môn Brahmāyu tư duy rằng:

Ta nên đi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, đó là điều diễm phúc biết dường nào!

Ta nên đi đến vấn an Đức-Phật Gotama, rồi vấn đạo, đó là điều diễm phúc biết dường nào!

Đức-Thế-Tôn khởi hành từ tỉnh lỵ Videha du hành cùng với đoàn 500 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến ngự tại khu vườn xoài Maghadeva gần nước Mithilā.

Khi ấy, nghe tin rằng: Ngài Sa-môn Gotama du hành cùng với đoàn 500 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến ngự tại khu vườn xoài Maghadeva gần nước Mithilā, mà ân- đức của Ngài vang dậy khắp mọi nơi rằng:

“Đức-Thế-Tôn là

– Đức A-ra-hán có thân, khẩu, ý hoàn toàn thanh-tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư-thiên và nhân-loại, …

Đức-Phật thuyết-pháp hay ở đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối, thuyết giảng pháp-hành phạm-hạnh cao thượng với văn chương trong sáng thanh-tịnh.”

Các Bà-la-môn và dân chúng nước Mithilā dẫn nhau đi đến khu vườn xoài Maghadeva, hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, có số tự xưng dòng dõi của mình, có số vấn an Đức-Phật Gotama, có số chắp tay ngồi làm thinh.

Khi ấy, Vị Bà-la-môn Brahmāyu dẫn đoàn học trò số đông gần đến khu vườn xoài Maghadeva, dừng lại, vị Bà-la-môn Brahmāyu nghĩ rằng: Ta nên xin phép trước, rồi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, đó là điều nên làm đối với ta. Vì vậy, Bà-la-môn Brahmāyu gọi cậu học trò đến, rồi dạy bảo rằng:

– Này con! Con hãy đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, rồi bạch với Đức-Thế-Tôn theo lời dạy của thầy rằng:

–    “Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vị Bà-la-môn Brahmāyu xin vấn an Đức-Thế-Tôn, vị Bà-la-môn Brahmāyu có tuổi cao tác lớn 120 tuổi thọ, là vị thầy nổi tiếng uyên thâm các bộ sách xưa của giai cấp Bà-la-môn, đặc biệt bộ Lokāyata xem 32 tướng tốt của bậc đại-nhân (mahāpurisalakkhaṇa).

–   Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vị Bà-la-môn Brahmāyu có ý nguyện muốn đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn.”

Cậu học trò vâng lời dạy của thầy, đảnh lễ thầy, xin phép đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch y theo lời dạy của thầy rằng:

–     Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vị Bà-la-môn Brahmāyu xin vấn an Đức-Thế-Tôn, vị Bà-la-môn Brahmāyu có tuổi cao tác lớn 120 tuổi thọ, …

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này con! Con nên thưa với vị Bà-la-môn Brahmāyu biết cơ hội hợp thời ngay bây giờ.

Cậu học trò đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi xin phép đi gặp vị Bà-la-môn Brahmāyu, bạch rằng:

– Kính bạch thầy, Đức-Thế-Tôn cho phép thầy có cơ hội hợp thời ngay bây giờ.

Được cơ hội tốt, vị Bà-la-môn Brahmāyu đi đến hầu Đức-Thế-Tôn. Nhìn từ xa thấy vị Bà-la-môn Brahmāyu đi đến, các Bà-la-môn và dân chúng Mithilā đứng dậy chắp 2 tay cung kính vị Bà-la-môn Brahmāyu.

Thấy các Bà-la-môn và dân chúng tỏ vẻ cung kính mình như vậy, nên vị Bà-la-môn Brahmāyu bảo rằng:

– Này quý vị! Xin quý vị ngồi tự nhiên trên chỗ của mình, còn tôi vào hầu đảnh lễ Đức Sa-môn Gotama.

Khi ấy, vị Bà-la-môn Brahmāyu vào gần đảnh lễ, vấn an Đức-Thế-Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, xem xét 32 tướng tốt của bậc đại-nhân (mahāpurisalakkhaṇa) trong kim thân của Đức-Thế-Tôn, thấy rõ, biết rõ 30 tướng tốt của bậc đại-nhân, còn lại 2 tướng tốt là ngọc-hành giấu kín trong bao da và cái lưỡi lớn và dài, nên còn chút hoài-nghi, nên chưa hoàn toàn có đức-tin nơi Đức-Phật.

Vị Bà-la-môn Brahmāyu bạch với Đức-Thế-Tôn bằng câu kệ rằng:

– Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama,

Con đã học 32 tướng tốt của bậc đại-nhân,

Trong bộ sách xưa của giai cấp Bà-la-môn,

Con đã thấy rõ 30 tướng tốt, còn lại 2 tướng tốt,

Là ngọc-hành giấu kín trong bao da,

Và cái lưỡi lớn và dài trong kim thân của Ngài,

Con chưa thấy rõ, nên còn chút hoài-nghi,

Kính xin Ngài tế độ làm diệt hoài-nghi ấy.

– Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama,

Nếu Ngài ban cho con cơ hội tốt,

Con sẽ bạch hỏi câu hỏi mà con muốn,

Để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc,

Trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn biết vị Bà-la-môn Brahmāyu thấy rõ, biết rõ 30 tướng tốt của bậc đại-nhân, còn lại 2 tướng tốt là ngọc-hành giấu kín trong bao da và cái lưỡi lớn và dài, nên còn chút hoài-nghi, chưa hoàn toàn có đức-tin nơi Ngài, nên Đức-Thế-Tôn dùng phép thần- thông hoá ra cái bóng như thật để cho vị Bà-la-môn Brahmāyu thấy rõ, biết rõ ngọc-hành giấu kín trong bao da và Đức-Phật le lưỡi đến 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi, rồi bao phủ toàn mặt lên đến tận chân tóc.

Sau khi đã thấy rõ, biết rõ Ngài Sa-môn Gotama có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân, nên vị Bà-la-môn Brahmāyu phát sinh đức-tin hoàn toàn nơi Đức-Phật.

Đức-Thế-Tôn dạy vị Bà-la-môn Brahmāyu rằng:

–   Này Bà-la-môn Brahmāyu!

Con đã học 32 tướng tốt của bậc đại-nhân, Trong kim thân của Như-lai có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân, con không nên có hoài-nghi nữa.

–   Này Bà-la-môn Brahmāyu!

*   Khổ-Thánh-đế là pháp nên biết thì Như-lai đã biết,

*   Nhân sinh khổ-Thánh-đế là pháp nên diệt, thì Như-lai đã diệt,

*   Pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế là pháp nên tiến hành, thì Như-lai đã tiến hành.

Vì thế, Như-lai là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

Nay, Như-lai cho cơ hội, con nên hỏi điều con muốn,

Để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc,

Trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai.

Khi ấy, vị Bà-la-môn Brahmāyu được Đức-Thế-Tôn cho cơ hội bạch hỏi câu hỏi, nên suy xét nên hỏi về sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại hay trong những kiếp vị-lai. Nếu hỏi về sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại thì người khác cũng hỏi như vậy, nên vị Bà-la-môn Brahmāyu hỏi về sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp vị-lai.

Vị Bà-la-môn Brahmāyu bạch hỏi những câu hỏi ấy.

Sau khi nghe Đức-Thế-Tôn giải đáp những câu hỏi xong, vị Bà-la-môn Brahmāyu vô cùng hoan hỷ trong lời dạy của Đức-Thế-Tôn, đứng dậy, mặc tấm choàng chừa bên vai phải tỏ lòng tôn kính, chắp 2 tay, đi vào gục đầu xuống đôi bàn chân của Đức-Thế-Tôn, hôn đôi bàn chân của Ngài, 2 bàn tay xoa bóp đôi bàn chân của Ngài, rồi chắp 2 tay để trên trán tự xưng rằng:

– Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama tôn kính, con là Bà-la-môn Brahmāyu,

– Kính bạch Ngài Sa-môn Gotama tôn kính, con là Bà-la-môn Brahmāyu.

Khi ấy, toàn thể hội chúng nhìn thấy điều phi thường chưa từng có rằng:

“-Này quý vị! Thật là điều phi thường chưa từng có.

Ngài Sa-môn Gotama có ân-đức phi thường, có nhiều oai lực phi thường.

Vị Bà-la-môn Brahmāyu là học giả uyên thâm, có địa vị cao cả, là bậc trưởng lão mà trong nước mọi người đều tôn kính, mà nay lại có cử chỉ tỏ hết lòng tôn kính Ngài Sa-môn Gotama đến dường ấy.”

Đức-Thế-Tôn bảo vị Bà-la-môn Brahmāyu rằng:

– Này Bà-la-môn Brahmāyu! Con tỏ lòng tôn kính Như-lai như vậy thì quý hoá lắm rồi. Con nên đứng dậy, ngồi lại chỗ ngồi của con.

Nghe lời dạy của Đức-Thế-Tôn, vị Bà-la-môn Brahmāyu đứng dậy, ngồi lại chỗ ngồi của mình.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp anupubbikathā tế độ vị Bà-la-môn Brahmāyu theo tuần tự là dānakathā: thuyết về phước-thiện bố-thí, sīlakathā: thuyết về giới, saggakathā: thuyết về các cõi trời, thuyết về tội lỗi của các đối-tượng ngũ-dục thấp hèn, làm cho tâm ô nhiễm, thuyết về quả báu cao quý của sự xa lánh ngũ-dục.

Khi nào Đức-Thế-Tôn biết rõ vị Bà-la-môn Brahmāyu phát sinh thiện-tâm thanh-tịnh, thuần thục, tránh xa 5 pháp chướng ngại, thiện-tâm trong sáng, khi ấy Đức- Thế-Tôn thuyết về pháp tứ đế: khổ-đế, nhân sinh khổ- đế, diệt khổ-đế, và pháp-hành dẫn đến diệt khổ-đế.

Ngay tại nơi ấy, pháp-nhãn (dhammmacakkhu) phát sinh đối với vị Bà-la-môn Brahmāyu, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ rằng: “Tất cả các pháp nào trong tam-giới có trạng-thái-sinh, thì tất cả các pháp ấy đều có trạng-thái-diệt.” Cũng ví như tấm vải trắng sạch sẽ, không có màu đen, nên dễ nhuộm màu xinh đẹp.

Khi ấy, vị Bà-la-môn Brahmāyu đã phát sinh trí-tuệ- thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, đã chứng đạt đến chân-lý tứ Thánh-đế, đã thấy rõ, biết rõ thật-tánh đúng theo chân-lý tứ Thánh-đế, đã thấu rõ, thông suốt chân-lý tứ Thánh-đế, nên đã diệt tận hoàn toàn mọi điều hoài-nghi nơi Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng, với trí- tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới của mình đã chứng ngộ chân- lý tứ Thánh-đế đúng theo lời giáo huấn của Đức-Thế- Tôn, nên không còn tin nơi người khác nữa.

Vị Bà-la-môn Brahmāyu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch rằng:

“Abhikkantaṃ bho Gotama! Abhikkantaṃ bho Gotama! …

–   Kính bạch Đức-Phật Gotama, con vô cùng hoan hỷ!

–   Kính bạch Đức-Phật Gotama, con vô cùng hoan hỷ!

Đức-Phật Gotama thuyết-pháp với nhiều phương-pháp khác nhau, ví như lật ngửa ra vật bị úp xuống, hoặc mở ra vật bị gói kín, hoặc chỉ đường cho người đang đi lạc đường, hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tối tăm, để cho người có đôi mắt sáng được thấy rõ mọi vật hiện hữu.

“Esāhaṃ Bhavantaṃ Gotamaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ maṃ bhavaṃ Gotamo dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.”

“Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y, nương nhờ nơi Đức-Phật Gotama, Đức-Pháp, chư tỳ-khưu-Tăng. Kính xin Đức-Phật Gotama công nhận con là người cận- sự-nam đã quy y Tam-bảo kể từ nay cho đến trọn đời.”

Vị Bà-la-môn Brahmāyu kính bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con kính thỉnh Ngài cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng thọ nhận vật thực tại tư gia của con vào ngày mai. Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn chấp thuận lời thỉnh mời của vị Bà-la- môn Brahmāyu bằng cách làm thinh.

Khi ấy, vị Bà-la-môn Brahmāyu biết Đức-Thế-Tôn đã chấp thuận sự thỉnh mời của mình, nên đứng dậy, đảnh lễ Đức-Thế-Tôn một cách tôn kính, rồi xin phép trở về tư thất của mình.

Khi về đến tư thất, vị Bà-la-môn Brahmāyu truyền bảo các gia nhân sửa soạn những món vật thực ngon  lành suốt đêm cho đến sáng. Sáng hôm sau, vị Bà-la- môn Brahmāyu truyền bảo người thân tín đi đến đảnh lễ Đức-Phật Gotama, rồi bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, đã đến giờ, ông Bà-la-môn Brahmāyu truyền bảo con đến kính thỉnh Đức-Thế-Tôn ngự đi cùng với đoàn 500 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến tư thất của ông, để thọ nhận vật thực. Bạch Ngài.

Sáng hôm ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đi cùng với đoàn 500 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến tư thất của vị Bà-la-môn Brahmāyu.

Vị Bà-la-môn Brahmāyu đón tiếp Đức-Thế-Tôn cùng với đoàn 500 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi tự tay ông cúng dường đến Đức-Phật cùng với đoàn 500 chư Đại- đức tỳ-khưu-Tăng những món vật thực ngon lành suốt 7 ngày như vậy.

Sau ngày thứ 7, Đức-Thế-Tôn du hành cùng với đoàn 500 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến tỉnh lỵ Videha.

Đức-Thế-Tôn đã rời khỏi nước Mithilā không lâu, vị Bà-la-môn Brahmāyu chuyển kiếp (chết). Khi ấy, nhóm tỳ-khưu đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, ngồi một nơi  hợp lẽ, rồi bạch rằng:

–     Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vị Bà-la-môn Brahmāyu đã chết rồi, cõi tái-sinh kiếp sau của ông như thế nào? kiếp tái-sinh kiếp sau của ông như thế nào? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn giải đáp rằng:

–     Này chư tỳ-khưu! vị Bà-la-môn Brahmāyu là bậc thiện-trí đã chứng đắc theo tuần tự từ Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất- lai Thánh-quả đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh- quả trở thành bậc Thánh Bất-lai đã tái-sinh kiếp sau trên cõi trời sắc-giới phạm-thiên, rồi sẽ chứng đắc A- ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả trở  thành  bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải  thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Vị Bà-la-môn Brahmāyu vốn là bậc thiện-trí, nên dù ông nghe người khác tán dương ca tụng Đức-Thế-Tôn như vậy, vẫn chưa tin, mà chính ông rất thận trọng xem xét kỹ có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc-đại-nhân như trong bộ sách xưa, rồi mới phát sinh đức-tin, xin đến quy-y nương nhờ nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức- Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo.

Nơi Nương Nhờ

Tất cả chúng-sinh nói chung, con người nói riêng, phần đông người ta hay sợ sệt những tai họa xảy đến, nên họ tìm nơi nương nhờ cây cổ thụ lâu năm, nơi vườn tháp v.v… để van vái, cầu khẩn, xin phù hộ cho họ tránh khỏi những điều tai họa, và cầu xin ban phước lành cho họ được sống bình an vô sự, hơn thế nữa, họ còn cầu cho họ được thành tựu mọi việc như ý.

Nơi nương nhờ có 2:

–   Nương nhờ nơi không chân-chánh.

–   Nương nhờ nơi chân-chánh.

Nương Nhờ Nơi Không Chân-chánh

Đức-Phật dạy, phần đông người ta tìm đến nơi núi cao, rừng sâu, cây cổ thụ, vườn (bụi cây) rậm, đền tháp… để nương nhờ. Đó là những nơi nương nhờ không chân- chánh, bởi vì, những nơi ấy không phải là nơi nương nhờ an lành, không phải là nơi nương nhờ cao thượng. Những người đến nương nhờ những nơi ấy không thể giải thoát mọi cảnh khổ.

Đức-Phật dạy bằng bài kệ rằng:

“Bahuṃ ve saraṇaṃ yanti,

pabbatāni vanāni ca.

Ārāmarukkhacetyāni,

manussā bhayatajjitā.

Netaṃ kho saraṇaṃ khemaṃ,

Netaṃ saraṇamuttamaṃ.

Netaṃ saraṇaṃāgamma,

Sabbadukkhā pamuccati”.(1)

Phần đông người ta thường hay sợ sệt,

Tìm đến núi rừng, cổ thụ, vườn, tháp,

Làm nơi nương nhờ van vái khẩn cầu,

Tránh tai họa, mong vạn sự như ý.

Những nơi nương nhờ ấy không an lành,

Những nơi nương nhờ ấy không cao thượng,

Người đến xin nương nhờ những nơi ấy,

Không thể giải thoát khỏi mọi cảnh khổ.

Nương Nhờ Nơi Chân-chánh

Đức-Phật dạy những người tìm đến nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo: Tam-bảo là nơi nương nhờ chân-chánh, bởi vì, những người quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng-bảo, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Đó chính là nơi nương nhờ an lành, nơi nương nhờ cao thượng. Những bậc Thánh-nhân đã đến quy-y nương nhờ nơi Tam-bảo như vậy, mới mong giải thoát mọi  cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đức-Phật dạy bằng bài kệ rằng:

“Yo ca Buddhañca Dhammañca,

Saṃghañca saraṇaṃ gato.

Cattāri ariyasaccāni,

Sammappaññāya passati.

Dukkhaṃ dukkhasamuppādaṃ,

Dukkhassa ca atikkamaṃ.

Ariyaṃ caṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ,

Dukkhūpasamagāminaṃ.

Etaṃ kho saraṇaṃ khemaṃ,

Etaṃ saraṇamuttamaṃ.

Etaṃ saraṇaṃāgamma,

Sabbadukkhā pamuccati”.(1)

Người nào đến quy-y nơi Tam-bảo,

Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo,

Khi người ấy chứng ngộ tứ Thánh-đế,

Bằng trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới.

Tứ Thánh-đế cao thượng đó chính là

Khổ-Thánh-đế, Nhân sinh khổ-Thánh-đế,

Niết-bàn diệt khổ-Thánh-đế cao thượng,

Thánh-đạo hợp đủ tám chánh cao thượng,

Pháp-hành chứng ngộ Niết-bàn diệt khổ.

Nên sự quy-y của chư Thánh-nhân,

Là sự quy-y chân-chánh an lành,

Là sự quy-y chân-chánh cao thượng,

Chư Thánh-nhân đã đến quy-y ấy,

Được giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ.