[06]
NIỀM THÔNG CẢM CON NGƯỜI
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta là những phàm nhân (không phải Thánh nhân) vốn có đầy đủ 12 ác tâm (bất thiện tâm), 108 loại tham ái, 1.500 loại phiền não. Cho nên, mỗi người trong chúng ta ít có ai tránh khỏi lỗi lầm, vì si mê, ác tâm phát sanh khiến tạo ác nghiệp. Nếu khi thức tỉnh, người ấy biết ăn năn hối lỗi, sửa chữa lỗi lầm, từ bỏ ác nghiệp, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp trở thành người thiện. Ðó là điều nên tán dương ca tụng, chúng ta nên có niềm thông cảm với họ.
Thành ngữ có câu “nhân vô thập toàn” nghĩa là con người không ai toàn thiện toàn mỹ về tất cả mọi mặt; chắc chắn còn có chỗ sai sót, khuyết điểm nào đó.
“Con người” ở đây ám chỉ đến hạng phàm nhân và một số bậc Thánh nhân còn tham ái phiền não, còn tiền khiên tật do tích luỹ từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ.
* Như “con người” là bậc Thánh Nhập Lưu không còn tà kiến và hoài nghi, là do đã diệt đoạn tuyệt rồi, nên lúc nào cũng có chánh kiến và có đức tin trong sạch vững chắc nơi Tam bảo; còn hạng phàm nhân vẫn còn tà kiến, hoài nghi… nên thấy sai chấp lầm, hoài nghi….
Ðó là việc bình thường, không có gì đặc biệt.
* Như “con người” là bậc Thánh Bất Lai không còn tâm sân, là do đã diệt đoạn tuyệt rồi, nên chẳng bao giờ có giận hờn; còn hạng phàm nhân, bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai vẫn còn tâm sân, nên có khi giận hờn….
Ðó là việc bình thường, không có gì đặc biệt.
* Như “con người” là bậc Thánh Arahán không còn tâm tham, sân, si là do đã diệt đoạn tuyệt hoàn toàn, không còn dư sót, nếu còn chỉ có tiền khiên tật do tích luỹ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ. Cho nên, tâm của bậc Thánh Arahán lúc nào cũng hoàn toàn trong sạch không bị phiền não làm ô nhiễm; còn hạng phàm nhân, bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai vẫn còn phiền não, tham ái, nên tâm còn tham muốn và bị ô nhiễm bởi phiền não.
Ðó là việc bình thường, không có gì đặc biệt.
* Như “con người” là Ðức Phật Ðộc Giác, Ðức Phật Toàn Giác không còn ác tâm, phiền não, tham ái, đặc biệt không còn tiền khiên tật nữa; nên hành vi, cử chỉ, nói năng không thể nào có thể chê trách được.
Vậy, chỉ có Chư Phật mới là bậc toàn thiện, toàn mỹ về tất cả mọi mặt mà thôi.
Mỗi người trong chúng ta, có khi hành thiện, có khi hành ác, có khi tốt, có khi xấu, có ưu điểm, có khuyết điểm… có khi mình lầm lỗi, có khi người khác lỗi lầm….
Vậy, nên biết mình, biết người mà phải có niềm thông cảm với nhau.
Có điều quan trọng, nên có trí nhớ biết mình, có trí tuệ sáng suốt, có sự tinh tấn cố gắng diệt mọi điều ác, điều xấu, nên sửa chữa những khuyết điểm; và tinh tấn làm cho mọi thiện pháp phát sanh; tinh tấn làm cho tăng trưởng thiện pháp đã phát sanh, nên phát huy mọi ưu điểm càng thêm tốt đẹp.
Trong thời đại hiện tại này, như chúng ta đã thấy, đã nghe, đã biết, không có một con người nào gọi là toàn thiện và cũng không có một con người nào gọi là toàn ác cả.
Trong cuộc sống, con người chúng ta không thể sống lẻ loi đơn độc một mình, mà hằng ngày phải giao tiếp với mọi người trong xã hội.
Vậy, chúng ta nên tiếp xúc với hạng người nào, và không nên tiếp xúc với hạng người nào, để cho đời sống của mình được hạnh phúc an lành?
Ðó là một câu hỏi, là một vấn đề thiết yếu cho cuộc sống mỗi người.
Như vậy:
– Nên thân cận với hạng người có nhiều thiện pháp, ít ác pháp; có nhiều điều tốt, ít điều xấu… để đem lại cho mình sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.
– Không nên thân cận với hạng người có nhiều ác pháp, ít thiện pháp; có nhiều điều xấu, ít điều tốt… để tránh cho mình nhiều điều bất lợi, sự thoái hoá, sự khổ não lâu dài.
Trong đời này, chúng ta nên thận trọng, có trí tuệ sáng suốt biết nhận xét về con người.
– Quá khứ con người thiện, hiện tại không hẳn là người thiện như vậy!
– Quá khứ con người ác, hiện tại không hẳn là người ác như vậy!
Nhận định về con người, chúng ta không nên chấp thủ quá khứ con người căn cứ từ thân thể của người ấy, mà cần phải có trí tuệ sáng suốt nhận thức hiện tại, căn cứ tâm tính, lời nói, việc làm của họ. Ví dụ:
Trước đây, người này gọi là người thiện do bởi thiện tâm, nên ý nghĩ, lời nói, hành động với thiện tâm ấy. Nhưng bây giờ người ấy có ác tâm phát sanh khiến cho ý nghĩ, lời nói, hành động với ác tâm ấy. Như vậy, người này đâu còn là người thiện như trước đây nữa.
Và trước đây, người này gọi là người ác do bởi ác tâm khiến cho ý nghĩ, lời nói, hành động với ác tâm ấy. Nhưng bây giờ người ấy thức tỉnh biết ăn năn hối lỗi, ác tâm không sanh mà thiện tâm phát sanh, nên ý nghĩ, lời nói, hành động với thiện tâm ấy. Như vậy, người này đâu còn là người ác như trước đây nữa.
Trong cuộc sống hằng ngày ngay chính mình, khi thì ác tâm phát sanh, phiền não quấy nhiễu, tham ái lôi cuốn… tự lừa dối mình, chính mình còn không tin nơi mình được, huống gì người khác.
Cho nên, đối với người khác, dầu quen biết nhau đã lâu hoặc mới quen biết, chúng ta nên thận trọng, có trí tuệ sáng suốt nhận thức đúng đắn, có cơ sở vững chắc ngay hiện tại về người ấy, trước khi đặt niềm tin vẫn là hơn!
Chúng ta là người Phật tử, cần phải có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng (bậc Thánh Tăng), cùng chư bậc có giới đức trong sạch, làm nơi nương nhờ trong đời sống của mình, chắc chắn chúng ta được hạnh phúc an lành, tuỳ theo phước thiện và trí tuệ của mỗi người.
Vậy, nền tảng mọi nguồn hạnh phúc an lành bắt đầu từ:
“Không nên thân cận với kẻ ác, Nên thân cận với bậc Thiện trí”.
Hai pháp này là pháp đem lại hạnh phúc an lành cao thượng, để mở ra con đường dẫn đến hạnh phúc an lành cao thượng khác, từ tam giới cho đến siêu tam giới – Niết Bàn – pháp diệt khổ sanh là diệt mọi cảnh khổ, an lạc tuyệt đối.
“Nibbànam paramam sukham”. “Niết Bàn an lạc tuyệt đối”.
Chứng ngộ Niết Bàn là cứu cánh của mỗi người Phật tử chúng ta.
Núi Rừng Viên Không Cuối năm Tân Tỵ Sư Hộ Pháp