Tỳ Khưu Hộ Pháp (tổng hợp)

Đại-phạm-thiên thỉnh Đức-Phật thuyết pháp

By Nền Tảng Phật Giáo

May 06, 2020

Đại-phạm-thiên thỉnh Đức-Phật thuyết pháp

Biết Đức-Phật Gotama đang còn do dự chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng-sinh nên vị Đại-Phạm-thiên Sahampati bèn thông báo cho toàn cõi phạm-thiên, chư-thiên khắp mười ngàn cõi-giới chúng-sinh hay biết rằng:

– Nassati vata Bho loko!

– Vinassati vata Bho loko![1]

– Này chư vị! Toàn cõi-giới chúng-sinh bị bất lợi!

– Này chư vị! Toàn cõi-giới chúng-sinh bị thiệt hại!

Bởi vì, Đức-Phật Gotama đang do dự chưa muốn thuyết pháp tế độ, cứu vớt chúng-sinh thoát khỏi biển khổ trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Cho nên, Đại-Phạm-thiên Sahampati cùng chư-thiên, phạm-thiên khắp mười ngàn cõi-giới hiện xuống kính lễ Đức-Phật, đồng kính thỉnh Đức-Phật rằng:

– Desetu Bhante Bhagavā dhammaṃ.

– Desetu Sugato dhammaṃ.

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chúng con hết lòng thành kính, cung thỉnh Đức-Thế-Tôn mở tâm đại-bi thuyết pháp tế độ chúng-sinh.

– Kính bạch Đức-Thiện-Ngôn, chúng con hết lòng thành kính, cung thỉnh Đức-Thiện-Ngôn mở tâm đại-bi thuyết pháp tế độ chúng-sinh.

Có số chúng-sinh nào phiền-não nhẹ, có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn. Nếu số chúng-sinh ấy không có cơ hội lắng nghe chánh-pháp của Đức-Thế-Tôn thì sự thiệt hại sẽ lớn lao biết dường nào!

Nghe lời thỉnh cầu của vị Đại-Phạm-thiên Sahampati cùng chư-thiên, chư phạm-thiên, Đức-Phật có tâm đại-bi suy xét bằng Phật-nhãn (Buddhacakkhu) thấy rõ có số chúng-sinh có phiền-não nhẹ, có số chúng-sinh có phiền-não nặng, có số chúng-sinh có 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ đủ năng lực, có số chúng-sinh có 5 pháp-chủ ít năng lực, có số chúng-sinh dễ dạy, có số chúng-sinh khó dạy, …

Ví như 4 đóa hoa sen …:[2]

1- Có số đóa hoa sen vượt qua khỏi mặt nước, chờ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời liền nở ngay ngày hôm ấy.

2- Có số đóa hoa sen vươn lên, nằm ngang tầm mặt nước, sẽ chờ nở vào ngày hôm sau.

3- Có đóa hoa sen còn ở dưới mặt nước, sẽ chờ thời gian ba – bốn hôm nữa mới nở được.

4- Có số đóa hoa sen còn non vừa mới tượng hình ở dưới nước sâu. Những đóa sen non ấy sẽ làm vật thực cho loài rùa, cá,

Bốn loại hoa sen này được so sánh như bốn hạng người ở trong đời:

1- Ugghāṭitaññū: Hạng người có trí-tuệ bậc thượng, bén nhạy, khi nghe tiền đề của chánh-pháp, chưa cần khai triển, hay trong một bài kệ có bốn câu, chỉ nghe hai câu đầu, những hạng người có trí-tuệ bậc thượng ấy có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn ngay khi ấy.

2- Vipañcitaññū: Hạng người có trí-tuệ bậc trung khi nghe tiền đề của chánh-pháp và khai triển, hay được nghe một bài kệ đầy đủ bốn câu, những hạng người có trí-tuệ bậc-trung ấy có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn ngay sau đó.

3- Neyya: Hạng người có trí-tuệ bậc hạ khi nghe tiền đề của chánh-pháp và khai triển xong, còn cần phải có thời gian thân cận gần gũi với bậc Thánh-nhân, bậc thiện-trí hướng dẫn chỉ dạy thêm, những hạng người có trí-tuệ bậc hạ ấy mới có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn trong kiếp hiện-tại này.

4- Padaparama: Hạng người có trí-tuệ thấp kém dù được nghe nhiều, học nhiều hoặc có thân cận gần gũi với bậc thiện-trí, những người có trí-tuệ thấp kém ấy cũng chưa có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Thánh-đạo,Thánh-quả, Niết-bàn trong kiếp hiện-tại này.

Tuy nhiên, những người có trí-tuệ thấp kém ấy có cơ hội tốt, một dịp may hiếm có để bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật, để mong chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn trong kiếp vị-lai.

Đức-Phật xem xét tất cả mọi chúng-sinh bằng Phật-nhãn thấy rõ có 4 hạng người như vậy. Cho nên, Đức-Phật thuyết pháp đem lại lợi ích lớn lao cho ba hạng người trước có khả năng chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn ngay trong kiếp kiếp hiện-tại và cũng đem lại lợi ích cho hạng người thứ tư trong kiếp vị-lai.

Vì vậy, Đức-Phật nhận lời thỉnh cầu của vị Đại-Phạm-thiên Sahampati, Đức-Phật sẽ thuyết pháp tế độ chúng-sinh. Đức-Phật truyền dạy rằng:

– Này Đại-Phạm-thiên Sahampati! Trước đây Như-lai còn do dự nên chưa thuyết pháp tế độ chúng-sinh.

– Này Đại-Phạm-thiên Sahampati! Bây giờ, Như-Lai nhận lời thỉnh cầu của các ngươi, Như-Lai sẽ thuyết pháp tế độ những chúng-sinh có duyên lành nên tế độ, để giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

 Khi biết Đức-Phật đã nhận lời thỉnh cầu, nên vị Đại-Phạm-thiên Sahampati cùng toàn thể chư phạm-thiên, chư-thiên vô cùng hoan hỷ đảnh lễ Đức-Phật, rồi xin phép trở về tầng trời.

Trong đời này, chỉ có Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót hoặc chư Bồ-tát Độc-Giác kiếp chót không cần lắng nghe chánh-pháp từ một vị thầy nào, mà tự mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị trong toàn cõi-giới chúng-sinh, hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác mà thôi.

[1] Bộ Majjhimanikāyapāḷi, Mūlapaṇṇāsapāḷi, Pāsarāsisutta.

[2] Chú-giải Majjhimanikāya, Mūlapaṇṇāsa, Pāsarāsisutta.

 

Bài viết trích từ cuốn Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật Giáo – Tỳ Khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) biên soạn. Xem bản PDF cuốn sách tại đây. Xem bộ Nền Tảng Phật Giáo và các sách khác cùng tác giả tại đây.