Quyển 1 - Tam Bảo (bản cũ)

Đức Tăng Suy Đồi

By Nền Tảng Phật Giáo

August 12, 2018

ĐỨC TĂNG SUY ĐỒI

Sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, trải qua thời gian lâu dài về sau, pháp thành Phật giáo dần bị mai một, bị suy đồi; pháp hành Phật giáo cũng dần dần bị mai một, bị suy đồi; pháp học Phật giáo cũng dần dần bị mai một, bị suy đồi. Cho nên, trải qua thời gian lâu dài về sau, Đức Tăng cũng dần dần bị mai một, bị suy đồi.

Theo lịch sử Phật giáo Theravāda, kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải Pāḷi lần thứ tư tại đảo quốc Srilankā, Phật lịch 450 năm sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, chư Tỳ-khưu Tăng và chư Tỳ-khưu ni Tăng vẫn còn rất đông. Đến khoảng Phật lịch 500 năm, Tỳ-khưu ni không còn nữa; còn chư Tỳ-khưu Tăng phần đông trên các nước Myanmar, nước Thái Lan, nước Srilankā, nước Lào, nước Campuchia, Phật giáo Nguyên thủy Theravāda tại Việt Nam v.v…

Theo thời gian lâu dài về sau, chư Tỳ-khưu càng ngày càng kém đức tin nơi Tam Bảo, kém trí tuệ hiểu biết trong Phật giáo; đó là nguyên nhân làm cho pháp thành Phật giáo bị mai một, bị suy đồi; pháp hành Phật giáo bị mai một, bị suy đồi; và pháp học Phật giáo bị mai một, bị suy đồi dần dần. Mặc dù Tạng Vi Diệu Pháp và Tạng Kinh bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn, chỉ còn Tạng Luật, thì Phật giáo vẫn chưa bị mai một, chưa bị suy đồi. Đến khi Tạng Luật bắt đầu bị mai một, bị suy đồi dần dần, mà chư Tỳ-khưu Tăng vẫn còn hành tăng sự (Saṃghakamma) trong những ngày giới uposathakamma hằng tháng, và hành tăng sự lễ thọ Tỳ-khưu v.v… thì Đức Tăng vẫn chưa bị mai một, chưa bị suy đồi.

Theo quá trình diễn tiến của thời gian, chư Tỳ-khưu càng ngày càng giảm dần đức tin nơi Tam Bảo, cho nên có số Tỳ-khưu không tôn trọng tất cả mọi điều giới luật mà Đức Phật đã chế định và ban hành đến chư Tỳ-khưu; số Tỳ-khưu ấy không nghiêm chỉnh giữ gìn đầy đủ mọi điều giới của Tỳ-khưu , bởi coi thường các giới nhẹ (lahuka āpatti). Số Tỳ-khưu ây, phạm giới ác khẩu (dubbhāsita āpatti), phạm giới tác ác (dukkaṭa āpatti) rồi dần dần phạm giới pācittiya (pācittiya āpatti), cho đến phạm giới trọng (thullaccaya āpatti). Những giới điều này thuộc về giới nhẹ, bởi vì khi vị Tỳ-khưu nào đã phạm giới này, vị Tỳ-khưu ấy có thể sám hối với một vị Tỳ-khưu khác được. Sau khi đã sám hối xong, vị Tỳ-khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

Theo tuần tự thời gian lâu dài về sau, Tỳ-khưu phạm giới nặng (garuka āpatti). Giới nặng có hai giới: Giới Saṃghādisesa (giới Tăng tàn) và giới Pārājika(giới bất cộng trụ).

– Nếu vị Tỳ-khưu nào đã phạm giới Saṃghādisesa (Saṃghādisesa āpatti), thì vị Tỳ-khưu ấy tuy vẫn còn phạm hạnh Tỳ-khưu, nhưng vị Tỳ-khưu ấy đã phạm giới mà không thể sám hối được. Bởi vì giới Saṃghādisesa này thuộc về giới nặng, nên vị Tỳ-khưu ấy phải chịu hành phạt theo luật mà Đức Phật đã chế định và ban hành đến chư Tỳ-khưu.

– Nếu vị Tỳ-khưu nào phạm giới pārājika (Pārājika āpatti), thì vị Tỳ-khưu ấy mất phạm hạnh Tỳ-khưu, phải hoàn tục trở lại người cận sự nam tại gia, hoặc có thể trở xuống bậc thấp, thành vị Sadi suốt đời, không bao giờ thọ Tỳ-khưu được nữa.

Về sau, Tạng Luật bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn, chư Tỳ-khưu phàm nhân không còn hiểu biết về giới luật, về cách hành tăng sự… Chư Tỳ-khưu ấy có những hành vi cử chỉ, nói năng biểu hiện ra nơi thân và khẩu không làm cho người khác phát sinh đức tin. Chư Tỳ-khưu ấy không hiểu biết về thiện pháp, không hành thiện pháp, mà hành ác pháp do bởi phiền não, tham ái; tạo nên nghiệp ác do thân, khẩu ý; tự làm khổ mình, làm khổ người khác, làm khổ chúng sinh khác.

Trong thời vị lai, chư Tỳ-khưu chỉ còn là cái tên gọi “Bhikkhu: Tỳ-khưu”, mà không có giới của Tỳ-khưu, mặc y nhuộm không đúng màu, theo Đức Phật đã chế định. Trải qua thời gian sau nữa, may y vai trái mặc choàng phần trên thân, y nội mặc che phần dưới thân từ lỗ rún trở xuống, không còn cắt ra thành 5 hoặc 7 điều như luật Đức Phật đã chế định, chỉ may tấm vải dính lại để mặc.

Khi chư Tỳ-khưu đi khất thực, không ôm bát đàng hoàng, mà chỉ cầm cái bát bằng bàn tay, giống như nhóm ngoại đạo hành khất xin ăn.

Tiếp theo thời gian sau nữa, chư Tỳ-khưu ấy nghĩ rằng: “Lợi ích gì chúng ta mặc tấm vải y lớn này, ta chỉ cần cắt một mảnh y nhỏ quấn vào cổ, hoặc cột vào cổ tay, hoặc quấn trên đầu để thuận tiện làm công việc nuôi sống gia đình”.

Tuy vậy, Đức Phật dạy Đại đức Ānanda rằng:

– Này Ānanda, trong thời vị lai sẽ có hạng người được gọi là Tỳ-khưu “Bhikkhu” còn mảnh y nhỏ quấn cổ, hoặc cột ở cổ tay là người phạm giới, hành ác pháp; nhưng thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có tác ý thiện tâm làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ-khưu Tăng, dầu trong số Tỳ-khưu không có giới ấy.

Này Ānanda, sự làm phước thiện bố thí sự cúng dường đến chư Tỳ-khưu Tăng trong thời vị lai ấy. Như Lai dạy rằng:

Phước thiện bố thí ấy vẫn có quả báu vô lượng không sao kể xiết được”.

Như Lai không hề dạy trực tiếp hoặc gián tiếp rằng:

Thí chủ làm phước thiện bố thí đến cá nhân thọ thí, được quả báu nhiều hơn làm phước bố thí đến chư Tỳ-khưu Tăng thọ thí”.

Qua đoạn kinh trên Đức Phật dạy những thí chủ làm phước bố thí cúng dường, với tác ý thiện tâm nghĩ đến Tăng Bảo, đó là chư Thánh Tăng phước điền cao thượng của chúng sinh, không đâu sánh được. Bởi vì, chư Thánh Tăng là bậc cao thượng, có giới đức trong sạch thanh tịnh. Thật ra, chỉ có cá nhân Tỳ-khưu phạm giới (bhikkhu dussīla) mà thôi.

Tiếp theo thời gian về sau nữa, chư Tỳ-khưu ấy nghĩ rằng: “Lợi ích gì mảnh y nhỏ quấn vào cổ, hoặc cột vào cổ tay này”. Chư Tỳ-khưu ấy cởi vất bỏ mảnh y nhỏ kia, mặc bộ đồ màu trắng “setavatthaṃ” của người tại gia.

Khi ấy, hình tướng của Tỳ-khưu hoàn toàn bị suy đồi (liṅga antanadhāna).

Phật giáo cả nội dung lẫn hình thức hoàn toàn không còn trên cõi người này nữa, do không có Tỳ-khưu Thanh Văn giữ gìn duy trì Phật giáo.