Ngũ Giới Là Thường Giới Của Mọi Người (bản cũ)

Giảng giải về ngũ giới – Tránh xa sự tà dâm

By Nền Tảng Phật Giáo

May 16, 2016

3- Điều-Giới Tránh Xa Sự Tà-Dâm

Kāmesumicchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Nghĩa phân tích chữ:

– KāmesumicchācāraKāmesu + micchā + cāra.

– Kāmesu có nghĩa là trong sự hành-dâm (Kāmesu’ ti methunasamācāresu: Kāmesu có nghĩa là hành-dâm).

– MicchāTà, bất chính.

– CāraHành vi.

– Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ

– VeramaṇīTác-ý tránh xa.

– SikkhāpadaṃĐiều-giới, giới.

– SamādiyāmiCon xin thọ-trì.

– KāmesumicchācāraHành vi tà, bất-chính xấu xa trong sự hành-dâm, mà chư bậc thiện-trí đều chê trách.

Bậc thiện-trí chê trách những người đàn ông hoặc người đàn bà nào có hành vi tà, bất chính xấu xa trong quan hệ tình-dục, mà không phải là vợ, là chồng của nhau, những người ấy bị phạm điều-giới tà-dâm.

Nếu hai người là vợ, là chồng của nhau đúng theo phong tục tập quán, được sự công nhận của hai bên cha mẹ, bà con dòng họ, và cũng được chính quyền chấp thuận, mọi người công nhận… thì sự quan hệ tình-dục giữa hai vợ chồng với nhau là việc bình thường của người đời, không bị chê trách, không phạm điều-giới tà-dâm.

Người phạm điều-giới tà-dâm chỉ tạo thân ác-nghiệp hoặc thân hành ác mà thôi, không liên quan đến khẩu và ý.

Nghĩa toàn câu: Con xin thọ-trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự tà-dâm.

Chi-Pháp Phạm Điều-Giới Tà-Dâm

Người phạm điều-giới tà-dâm khi hợp đủ 4 chi-pháp:

1- Đối-tượng người nữ không được quan hệ tình-dục (agamaniyavatthu).

2- Tâm tham muốn quan hệ tình-dục  (tasmiṃ sevanacittaṃ).   

3- Sự cố gắng hành-dâm (payogo).

4- Tâm thỏa thích trong sự tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh-dục nam với nữ với nhau

  (maggenamaggapaṭipatti addhi vāsaṃ).

Nếu người nào có đầy đủ 4 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới tà-dâm. Nếu không đủ 4 chi-pháp thì không phạm điều-giới tà-dâm.

Giảng Giải Về Điều-Giới Tà-dâm

Con trai, đàn ông không được quan hệ tình-dục với 20 người con gái, đàn bà sau đây:

1- Con gái có mẹ trông nom (cha chết hay ở xa).

2- Con gái có cha trông nom (mẹ chết hay ở xa).

3- Con gái có mẹ cha trông nom.

4- Con gái có chị hoặc em gái trông nom.

5- Con gái có anh hoặc em trai trông nom.

6- Con gái có bà con trông nom.

7- Con gái có dòng họ trông nom (nếu con gái sống ở ngoại   quốc thì có người cùng dân tộc trông nom).

  8- Con gái tu hành phạm hạnh có thầy, bạn trông nom.

9- Con gái đã có người quyền thế đến  làm mai mối rồi.  

10- Con gái đã nhận lễ hứa hôn của đằng trai.

11- Con gái được một người đàn ông chuộc về làm vợ.

12- Con gái đã ưng thuận đi theo người mình yêu làm vợ.

13- Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với  hy vọng có được của cải.

14- Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với  hy vọng có được đồ trang sức.

15- Con gái đã làm lễ thành hôn với một người đàn ông đúng  theo phong tục tập quán.

16- Con gái nghèo buôn bán đã được một người đàn ông thương yêu, rồi đem về nuôi để làm vợ.  

17- Con gái là tù nhân đã được người đàn ông lấy làm vợ.

18- Con gái làm trong công sở đã được người chủ sở lấy làm vợ.

19- Con gái tôi tớ trong nhà đã được người chủ nhà lấy  làm  vợ.

20- Con gái chịu làm vợ trong thời gian ngắn. (như các cô kỹ-nữ).

Nếu người con trai, đàn ông nào xúc phạm quan hệ bất chính hành-dâm với 1 trong 20 người con gái, đàn bà ấy thì người đàn ông ấy phạm điều-giới tà-dâm.  

Tuy nhiên trong 20 hạng con gái ấy, 8 hạng con gái phần đầu kể từ “con gái có mẹ trông nom” cho đến “con gái là người tu hành phạm-hạnh” tuy có người thân trông nom bảo vệ, nhưng những người thân này không phải là chủ cuộc đời của họ. 8 hạng con gái này là người chưa có chồng, chưa có người đàn ông nào làm chủ cuộc đời của họ. 

Vì vậy, nếu 8 người con gái này tự ý lén lút yêu thương một người con trai còn độc-thân khác, và hai người này đã có quan hệ tình-dục với nhau.

Nếu xét về điều-giới tà-dâm thì người con gái ấy không phạm điều-giới tà-dâm, chỉ có người con trai phạm điều-giới tà-dâm mà thôi, bởi vì người con trai ấy đã xúc phạm đến người con gái mà người thân của cô ấy chưa cho phép.

Tuy người con gái không phạm điều-giới tà-dâm, nhưng đó là hành vi xấu xa không đúng theo phong tục tập quán, đáng bị mọi người chê trách, cha mẹ, bà con dòng họ bị mang tiếng xấu

Cho nên, người con gái ấy cảm thấy hổ-thẹn tội-lỗi, ăn năn hối-hận, đó là phiền-não làm cho tâm bị ô nhiễm. 

Người con gái ấy sau khi chết, nếu ác-nghiệp hối hận ấy có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

12 hạng con gái còn lại, kể từ hạng con gái thứ 9 cho đến hạng con gái thứ 20, là người đã có chồng, đã có người đàn ông làm chủ cuộc đời của họ (cô kỹ-nữ ưng thuận làm vợ của một người đàn ông trong thời gian ngắn, cô vẫn được xem như đã có chồng).

Trong 12 hạng con gái này, nếu người con gái nào tự ý ngoại tình và có quan hệ tình-dục với một người đàn ông nào khác (không phải là chồng của mình), thì người con gái, đàn bà ấy phạm điều-giới tà-dâm.

Như vậy, người con trai, đàn ông không được phép quan hệ tình-dục với 20 hạng con gái ấy. Nếu người con trai, đàn ông nào có quan hệ tình-dục với 1 trong 20 người con gái ấy, thì người con trai, đàn ông ấy phạm điều-giới tà-dâm

* Và nếu người con gái, đàn bà nào có quan hệ tình-dục với người đàn ông, con trai đã có vợ hoặc có vợ mà chưa cưới thì người con gái, đàn bà ấy phạm điều-giới tà-dâm, bởi vì người đàn ông, con trai ấy đã có vợ làm chủ.

Ác-Nghiệp Nặng – Nhẹ Của Điều-Giới Tà-Dâm

– Nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm với người có giới đức thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng.

– Nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm với người không có giới đức, thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.

– Nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm bằng cách hiếp-dâm, dù với người không có giới, thì người ấy vẫn tạo ác-nghiệp nặng.

– Nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm giữa hai bên nam nữ cùng thỏa thuận với nhau, thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.

– Nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm với bậc Thánh-nhân, thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng hơn phạm điều-giới tà-dâm với hạng phàm-nhân.

– Nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm với bậc Thánh-nhân càng cao, thì người ấy tạo ác-nghiệp càng nặng. 

– Nếu người nào hiếp-dâm bậc Thánh nữ A-ra-hán thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng nhất.

Như trường hợp tên Nanda hiếp-dâm Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā, là bậc Thánh A-ra-hán. Tên Nanda đã phạm tội nặng làm cho mặt đất nứt nẻ ra hút y vào sâu trong lòng đất. 

Tên Nanda sau khi chết, ác-nghiệp tà-dâm ấy cho quả tái-sinh vào cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài.

Vấn Đề Liên Quan Đến Tà-Dâm

Người đàn bà nào đã có chồng, nghĩa là người đàn bà đã có người đàn ông làm chủ và cũng đã chấp nhận làm vợ của người đàn ông ấy rồi. Như vậy, phần thân xác của cô đã có chủ, cô có phận-sự giữ gìn thân xác của mình, chỉ dành cho người chồng của cô mà thôi.

Nếu cô ấy ngoại tình, yêu một người đàn ông khác, và có quan hệ tình-dục với người đàn ông ấy, thì cô đã tự trộm-cắp thân xác đã có chủ đem trao cho người đàn ông khác, cho nên cô ấy phạm điều-giới tà-dâm.

Cũng tương tự như vậy, người đàn ông đã có vợ, nghĩa là người đàn ông đã có một người đàn bà làm chủ và cũng đã chấp nhận làm chồng của cô ấy rồi. 

Như vậy, phần thân xác của ông ấy đã có chủ, ông ấy có phận-sự giữ gìn thân xác của mình, chỉ dành cho người vợ của mình mà thôi.

Nếu ông ấy ngoại tình, yêu một người đàn bà nào khác, và có quan hệ tình-dục với người đàn bà ấy, thì ông đã tự trộm-cắp thân xác đã có chủ đem trao cho người đàn bà khác, cho nên ông ấy phạm điều-giới tà-dâm.

Vấn: Trong đời, nếu đàn ông đã có người vợ cả rồi, còn có thêm người vợ lẽ nữa. Như vậy, người đàn ông ấy có phạm điều-giới tà-dâm hay không?

Đáp: Người đàn ông ấy phạm điều-giới tà-dâm, và cũng có thể không phạm điều-giới tà-dâm.

Trường hợp phạm điều-giới tà-dâm:

Người đàn ông đã có vợ, rồi lén lút ngoại tình, yêu một người đàn bà khác như một nhân tình hoặc như người vợ lẽ, và có quan hệ tình-dục bất chính, nên người đàn ông ấy đã tự trộm-cắp thân xác của mình đã có vợ cả làm chủ, đem trao cho người đàn bà khác. 

Vì vậy, người đàn ông ấy phạm điều-giới tà-dâm.

Trường hợp không phạm điều-giới tà-dâm:

Người đàn ông đã có vợ rồi, người vợ không  có con để nối dòng dõi. Người đàn ông ấy muốn có người vợ lẽ. Chính người vợ sẽ đi hỏi cưới người đàn bà khác đem về cho chồng mình làm người vợ lẽ. 

Như vậy, người vợ cả đã đồng ý chia quyền làm  chủ thân xác của người chồng cho người vợ lẽ. 

Cho nên, người chồng được phép quan hệ tình-dục với người vợ lẽ, mà không phạm điều-giới tà-dâm.

Vấn: Trường hợp đồng tính luyến ái có phạm điều-giới tà-dâm hay không?

Đáp: Đối với người tại gia cư sĩ, nếu hai người đàn ông độc thân với nhau, hoặc hai người đàn bà độc thân với nhau, thì họ không phạm điều-giới tà-dâm, nhưng đó là hành vi không thuận theo lẽ tự nhiên trong đời mà bậc thiện-trí chê trách.

 Còn đối với bậc xuất-gia, nếu có hành vi đồng tính luyến ái như vậy thì chắc chắn phạm điều-giới hành-dâm, không còn phẩm-hạnh của bậc xuất-gia nữa.

Vấn: Người đàn bà hoặc người đàn ông có quan hệ tình dục với loài gia súc (chó, khỉ,…) có phạm điều-giới tà-dâm hay không?

Đáp: Trong trường hợp ấy, có thể phạm điều-giới tà-dâm và cũng có thể không phạm điều-giới tà-dâm.

Trường hợp phạm điều-giới tà-dâm:

Nếu người đàn bà nào đã có chồng, hoặc người đàn ông nào đã có vợ rồi, mà có quan hệ tình-dục với loài gia súc (chó, khỉ…), thì người đàn bà ấy hoặc người đàn ông ấy phạm điều-giới tà-dâm.

Ví dụ: Trong thời kỳ Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, bà Mallikā chánh-cung hoàng-hậu của Đức-vua Pasenadi Kosala phạm điều-giới tà-dâm với con chó trong phòng tắm.Đức-vua nhìn thấy nhưng bà nói-dối là không có làm như vậy.

Bà chánh-cung hoàng-hậu Mallikā vốn là người cận-sự-nữ có đức tin trong sạch nơi Tam-bảo, có trí-tuệ, hết lòng thành kính làm phước bố-thí cúng-dường đến Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. 

Thế mà, sau khi bà chết, do giới không trong sạch, ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục suốt 7 ngày.

Đến ngày thứ 7 mới mãn quả của ác-nghiệp, rồi được tái-sinh lên cõi trời Tusita (Đâu-xuất đà-thiên là cõi trời thứ 4 trong 6 tầng trời dục giới) hưởng mọi sự an-lạc của cõi trời ấy.

Và trong Tạng-Luật, phần giới tỳ-khưu có một  tỳ-khưu phạm điều-giới hành-dâm với con khỉ cái.

Do đó, Đức-Phật chế định thêm vào điều-giới thứ nhất như sau: 

“Tỳ-khưu nào hành-dâm với người hoặc loài súc-sinh, tỳ-khưu ấy bị phạm điều-giới pārājika mất phẩm-hạnh tỳ-khưu.”

Đối với người tại gia cư sĩ độc thân (không có vợ hoặc không có chồng), mà hành-dâm với loài gia súc (chó, khỉ, …) có chủ, là phạm điều-giới tà-dâm.

Trường hợp không phạm điều-giới tà-dâm:

Người tại gia cư sĩ độc thân (không có vợ hoặc không có chồng) nếu hành-dâm với loài gia-súc (chó, khỉ, …) vô chủ, thì không phạm điều-giới tà-dâm. Nhưng đó là một hành vi đáng xấu hổ, trái với luân thường đạo lý, đáng chê trách; bởi vì không phù hợp với phong tục tập quán trong đời.

Sự hành-dâm là sự quan hệ tình-dục giữa nam và nữ, đó là việc bình thường xảy ra đối với một số người tại gia trong đời.

Người thiện-trí hành phẩm-hạnh cao quý có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm tránh xa sự hành-dâm. 

Nếu người cận-sự-nam, cận-sự-nữ nào thọ-trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng thì người cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy  tránh xa sự hành-dâm với vợ hoặc chồng của mình trong những ngày giới ấy.

Những tu-nữ hoặc những người sống trong chùa thực-hành phẩm-hạnh cao quý thọ-trì bát-giới uposathasīla thì họ tránh xa sự hành-dâm suốt đời.

Những bậc xuất-gia là vị sa-di, vị tỳ-khưu thực-hành phẩm-hạnh cao-quý đều tránh xa sự hành-dâm trọn đời xuất gia.