Gương Bậc Xuất Gia (tái bản)

Gương Bậc Xuất Gia – Apatti Với Tỳ Khưu (Sự Phạm Giới Tỳ Khưu)

By Nền Tảng Phật Giáo

May 11, 2020

ĀPATTI VỚI TỲ KHƯU

Bậc Tỳ khưu với āpatti liên quan với nhau. Āpatti chỉ phát sanh đối với Tỳ khưu, và cũng chỉ có Tỳ khưu thật mới phạm āpatti mà thôi.

Āpatti là gì? Āpatti là sự phạm giới Tỳ khưu.

Tỳ khưu giới, trong Bhikkhupātimokkha có 227 điều học, trong Luật tạng kể đầy đủ có 91.805.036.000 điều học.

Trong Bhikkhupātimokkha có 227 điều học, phân chia làm 7 loại giới:

1- Giới Pārājika (Bất cộng trụ) gồm có 4 điều học.

2- Giới Saṃghādisesa (Tăng tàn) gồm có 13 điều học.

3- Giới Aniyata (Bất định) gồm có 2 điều học.

4- Giới Nissaggiya (Ưng xả đối trị) gồm có 30 điều học.

5- Giới Pācittiya (Ưng đối trị) gồm có 92 điều học.

6- Giới Pāṭidesanīya gồm có 4 điều học.

7- Giới Sekhiya gồm có 75 điều học.

Trong 7 loại giới này phân chia có 7 loại Āpatti:

1- Pārājika āpatti: sự phạm giới Pārājika.

2- Saṃghādisesa āpatti: sự phạm giới Saṃghādisesa. 3- Thullaccaya āpatti: sự phạm giới trọng.

4- Pācittiya āpatti: sự phạm giới Pācittiya.

5- Pāṭidesanīya āpatti: sự phạm giới Pāṭidesanīya.

6- Dukkaṭa āpatti: sự phạm giới Dukkaṭa (tác ác).

7- Dubbhāsita āpatti: sự phạm giới Dubbhāsita (ác khẩu).

Trong 7 loại āpatti này phân chia làm 2 loại:

1- Garuka āpatti: Āpatti nặng gồm có Pārājika āpatti và Saṃghādisesa āpatti. Gọi là āpatti nặng, vì không thể sám hối được, chỉ có thể trình cho chư Tăng biết mà thôi.

2- Lahuka āpatti: Āpatti nhẹ gồm có 5 loại còn lại: Thullaccaya āpatti, Pācittiya āpatti, Pāṭidesanīya āpatti, Dukkaṭa āpatti, Dubbhāsita āpatti. Gọi là āpatti nhẹ, vì Tỳ khưu có thể sám hối với một vị Tỳ khưu khác, sau khi sám hối āpatti xong, giới trở nên trong sạch trở lại.

Giải Thích:

1- Pārājika āpatti: sự phạm giới pārājika (bất cộng trụ)

Giới pārājika (bất cộng trụ) có 4 điều học. Nếu Tỳ khưu nào phạm 1 trong 4 điều học này, Tỳ khưu ấy gọi là phạm giới pārājika, không còn là Tỳ khưu nữa.

Tỳ khưu ấy muốn thoát khỏi Pārājika āpatti, bắt buộc phải hoàn tục trở thành người cận sự nam, hoặc xuống bậc thấp Sa di. Trong kiếp hiện tại, người cận sự nam ấy hoặc vị Sa di ấy không thể nào thọ Tỳ khưu được nữa.

2- Saṃghādisesa āpatti: sự phạm giới Saṃghādisesa

Giới Saṃghādisesa (Tăng tàn) có 13 điều học. Nếu vị Tỳ khưu nào phạm 1 trong 13 điều học này, vị Tỳ khưu ấy gọi là phạm giới Saṃghādisesa, tuy vẫn còn là Tỳ khưu, nhưng là vị Tỳ khưu có giới không trong sạch.

Tỳ khưu ấy muốn thoát khỏi Saṃghādisesa āpatti, cần phải đến trình chư Tăng về sự phạm giới nào, hoặc phạm nhiều giới, và xin chịu hành phạt theo luật của Ðức Phật đã ban hành như sau:

– Xin thọ Parivāsakamma

Vị Tỳ khưu ấy xin chư Tỳ khưu Tăng hành Tăng sự cho thọ parivāsakamma bằng ñatti-kammavācā.

Vị Tỳ khưu chịu hành phạt thọ parivāsakamma thời gian ấn định là kể từ khi phạm giới saṃghādisesa cho đến khi trình bày cho một vị Tỳ khưu khác nhận biết. Nếu Tỳ khưu ấy che giấu sự phạm giới saṃghādisesa một ngày, thì phải thọ parivāsa một ngày; che giấu một tháng, một năm…. thì phải thọ parivāsa một tháng, một năm….

Trong suốt thời gian bị hành phạt parivāsa, vị Tỳ khưu ấy bị mất một số quyền Tỳ khưu cho đến khi mãn hạn thời gian ấn định hành parivāsakamma xong.

Nếu trường hợp, khi vị Tỳ khưu phạm giới saṃghādisesa, liền trình báo với một vị Tỳ khưu khác biết, không che giấu, không qua cách đêm, thì vị Tỳ khưu ấy không cần phải thọ parivāsa, chỉ cần xin thọ mānatta mà thôi.

– Xin thọ Mānattakamma

Vị Tỳ khưu ấy, sau khi mãn hạn hành phạt parivāsa xong, đến xin chư Tăng thọ mānattakamma, chư Tỳ khưu Tăng hành Tăng sự cho thọ mānattakamma bằng ñatti-kammavācā.

Vị Tỳ khưu chịu hành phạt thọ mānatta ấn định thời gian nhất định 6 đêm.

– Xin thọ Abbhāna

Vị Tỳ khưu, sau khi mãn hạn hành phạt thọ mānatta 6 đêm xong, đến xin chư Tăng thọ abbhānakamma. Chư Tỳ khưu Tăng ít nhất 21 vị trở lên mới hành Tăng sự cho thọ abbhānakamma bằng ñatti-kammavācā.

Sau khi chư Tỳ khưu Tăng hành Tăng sự tụng abbhāna ñatti-kammavācā xong rồi, vị Tỳ khưu ấy mới thoát khỏi saṃghādisesa āpatti, giới trở nên trong sạch trở lại, quyền Tỳ khưu hoàn lại như trước.

Trong trường hợp, Tỳ khưu đã phạm saṃghādisesa āpatti rồi, ví dụ che giấu āpatti, không trình báo cho một Tỳ khưu nào khác biết, cho đến khi hoàn tục đúng 6 tháng. Khi trở thành người cận sự nam, thọ trì ngũ giới, bát giới. Như vậy người cận sự nam ấy không còn liên quan đến āpatti của Tỳ khưu nữa. Về sau, người cận sự nam ấy trở lại thọ Sa di, và làm lễ thọ Tỳ khưu. Ngay sau khi trở thành Tỳ khưu, thì đồng thời sự phạm giới saṃghādisesa āpatti trước kia cũng trở lại ngay đối với vị tân Tỳ khưu ấy.

Vị tân Tỳ khưu này, muốn có giới trong sạch, cần phải đến chư Tăng xin chịu hành phạt thọ parivāsa suốt 6 tháng, và thọ mānatta 6 đêm rồi, xin chư Tỳ khưu Tăng hành Tăng sự tụng abbhāna xong, tân Tỳ khưu ấy có giới trong sạch.

Pārājika āpatti và saṃghādisesa āpatti đều thuộc về āpatti nặng. Pārājika āpatti vô phương cứu chữa, bắt buộc phải hoàn tục, còn saṃghādisesa āpatti còn có phương cứu chữa bằng cách chịu hành phạt như trên.

3- Thullaccaya āpatti: sự phạm giới Thullaccaya

Thullaccaya không nằm trong một giới nào nhất định; trong trường hợp chưa đến nỗi trực tiếp phạm giới pārājika, cũng chưa đến nỗi trực tiếp phạm giới saṃghādisesa, trường hợp ấy gọi là thullaccaya āpatti: phạm trọng tội.

Tỳ khưu đã phạm thullaccaya āpatti, muốn cho giới trở nên trong sạch, vị Tỳ khưu ấy có thể tìm đến một vị Tỳ khưu khác để sám hối về thullaccaya āpatti ấy. Sau khi sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

4- Pācittiya āpatti: sự phạm giới pācittiya

Sự phạm giới pācittiya có 2 loại:

4.1- Nissaggiya pācittiya: Ưng xả đối trị, gồm có 30 điều học. Nếu vị Tỳ khưu nào phạm 1 trong 30 điều học này, vị Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya.

Tỳ khưu muốn cho giới được trong sạch trở lại; điều trước tiên, vị Tỳ khưu cần ấy phải xả bỏ vật làm cho phạm giới, sau đó mới có thể sám hối về pācittiya āpatti ấy. Sau khi sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

Nếu vị Tỳ khưu ấy không chịu xả bỏ vật làm cho phạm giới, thì dầu vị Tỳ khưu ấy có sám hối cũng không thể nào thoát khỏi pācittiya āpatti ấy.

Ví dụ:

Vị Tỳ khưu A thọ nhận tiền bạc, thì phạm trong giới nissaggiya pācittiya về tiền bạc, điều trước tiên, vị Tỳ khưu A phải xả bỏ tiền bạc ấy, sau đó tìm đến một vị Tỳ khưu khác để sám hối về pācittiya āpatti ấy. Sau khi sám hối xong, vị Tỳ khưu A có giới trong sạch trở lại.

Nếu vị Tỳ khưu A không chịu xả bỏ tiền bạc là vật làm cho phạm giới, thì dầu cho vị Tỳ khưu A có sám hối, cũng không thể thoát khỏi pācittiya āpatti về tiền bạc ấy.

Và Tỳ khưu A tự mình dùng tiền bạc mua sắm một vật gì, vật ấy là vật phạm giới nissaggiya pācittiya; Nếu vật ấy đã xả bỏ hoặc bị hư mất rồi, thì vị Tỳ khưu ấy có thể sám hối tội pācittiya āpatti ấy được. Nhưng nếu ngược lại, vật ấy chưa xả bỏ hoặc chưa bị hư mất, thì vị Tỳ khưu ấy dầu có sám hối cũng không thể thoát khỏi pācittiya āpatti ấy. Và nếu không may vị Tỳ khưu ấy chết, khi giới không trong sạch, đó là điều tai họa khó tránh khỏi sa đọa địa ngục hoặc súc sanh.

4.2- Suddhi pācittiya: Ưng đối trị, gồm có 92 điều học. Nếu vị Tỳ khưu nào phạm 1 trong 92 điều học này, vị Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya.

Vị Tỳ khưu muốn có giới được trong sạch trở lại, nên tìm đến một vị Tỳ khưu khác xin sám hối về pācittiya āpatti ấy. Sau khi sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

5- Pāṭidesanīya āpatti: sự phạm giới pāṭidesanīya

Giới pāṭidesanīya có 4 điều học. Nếu vị Tỳ khưu nào phạm 1 trong 4 điều học này, vị Tỳ khưu ấy phạm pāṭidesanīya āpatti.

Tỳ khưu muốn có giới được trong sạch trở lại, nên tìm đến một vị Tỳ khưu khác xin sám hối về pāṭidesanīya āpatti ấy. Sau khi sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

6- Dukkaṭa āpatti: sự phạm giới Dukkaṭa

Tỳ khưu phạm giới dukkaṭa (tác ác) trực tiếp có 75 sekhiya (điều học). Ngoài 75 điều học ra, còn có rất nhiều dukkaṭa āpatti rải rác trong Bhikkhu-pātimokkha và trong Luật tạng.

Tỳ khưu muốn có giới được trong sạch, cần phải tìm đến một vị Tỳ khưu khác xin sám hối về dukkaṭa āpatti ấy. Sau khi sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

7- Dubbhāsita āpatti: sự phạm giới Dubbhāsita

Tỳ khưu phạm giới dubbhāsita (ác khẩu) không có giới riêng biệt rõ ràng, có chung rải rác trong các giới về nói lời vô ích….

Tỳ khưu muốn có giới được trong sạch, cần phải tìm đến một vị Tỳ khưu khác xin sám hối về dubbhāsita āpatti ấy. Sau khi sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

Tỳ khưu với āpatti liên quan với nhau, Tỳ khưu thật mới phạm āpatti, Tỳ khưu giả thì không phạm āpatti. Và trong đời này chỉ có 2 Bậc hoàn toàn không phạm āpatti: Ðó là Ðức Phật Toàn Giác và Ðức Phật Ðộc Giác.

Ngoài ra, thậm chí các bậc Thánh Tỳ khưu cũng có thể phạm giới thuộc về paññatti vajja: lỗi do Ðức Phật cấm, thì nói gì đến hàng phàm nhân Tỳ khưu. Cho nên việc phạm giới là điều khó tránh được. Trong tất cả sự phạm giới, đều có cách thoát ra khỏi āpatti như đã trình bày ở trên.

“Antarāyika” (nguy hại) có 5 điều. Trong đó có điều Āṇavītikkamantarāyika: Tỳ khưu có tác ý phạm giới là điều nguy hại, ngăn cản cõi trời, thiền định, Thánh Ðạo, Thánh Quả, Niết Bàn.

Trong Chú giải dạy:

“Āpannā āpattiyo’ti, sañcicca vītikkantā satta āpattikkhandhā, sañcicca vītikkantañhi antamaso dukkaṭadubbhāsitampi saggamaggaphalānaṃ antarāyaṃ karoti…”(1).

“Āpannā āpattiyo’ti”: “Tỳ khưu đã phạm giới”: nghĩa là Tỳ khưu có tác ý phạm phải 7 loại āpatti, Sự thật, điều nguy hại đối với Tỳ khưu có tác ý phạm giới nhẹ như: dukkaṭa āpatti (tác ác), dubbhāsita āpatti (ác khẩu) cũng có thể làm nguy hại, cản trở sự tái sanh lên cõi trời dục giới, và sự chứng đắc các bậc thiền định, Thánh Ðạo, Thánh Quả…”.

Ðức Phật dạy:

“Sāpattikassa bhikkhave nirayaṃ vā vadāmi tiracchānayoniṃ vā’ti. Sāpattikasseva āpāyagamitā vuttā”.

“Này chư Tỳ khưu, Như Lai răn dạy các con: đối với Tỳ khưu phạm āpatti (giới) sẽ tái sanh cảnh địa ngục, hoặc loài súc sanh. Ðối với Tỳ khưu phạm āpatti (giới) chỉ có con đường ác giới mà thôi”.