Lotus Flower Bud at Kanagawa, Japan

Gương Bậc Xuất Gia (tái bản)

Gương Bậc Xuất Gia – Bậc Thánh Thanh Văn (Ariyasāvaka)

By Nền Tảng Phật Giáo

May 11, 2020

BẬC THÁNH THANH VĂN (Ariyasāvaka)

Trong Phật giáo, bậc Thánh Thanh văn là bậc được nghe lời giáo huấn của Ðức Phật, thực hành theo pháp hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân, gọi là bậc Thánh Thanh văn đệ tử của Ðức Phật.

* Nếu kể đôi Thánh Ðạo – Thánh Quả chung, thì có 4 bậc như sau: 

1- Bậc Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả. 

2- Bậc Nhất Lai Thánh Ðạo – Nhất Lai Thánh Quả. 

3- Bậc Bất Lai Thánh Ðạo – Bất Lai Thánh Quả. 

4- Bậc A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả. 

* Nếu kể đơn Thánh Ðạo – Thánh Quả riêng, thì có 8 bậc như sau: 

1- Bậc Nhập Lưu Thánh Ðạo. 

2- Bậc Nhập Lưu Thánh Quả. 

3- Bậc Nhất Lai Thánh Ðạo. 

4- Bậc Nhất Lai Thánh Quả. 

5- Bậc Bất Lai Thánh Ðạo. 

6- Bậc Bất Lai Thánh Quả. 

7- Bậc A-ra-hán Thánh Ðạo. 

8- Bậc A-ra-hán Thánh Quả. 

* Nếu kể bậc Thánh, thì có 4 bậc như sau: 

1- Bậc Thánh Nhập Lưu. 

2- Bậc Thánh Nhất Lai. 

3- Bậc Thánh Bất Lai. 

4- Bậc Thánh A-ra-hán. 

Những bậc Thánh Thanh văn này được chứng đắc tùy theo khả năng ba la mật đã tạo nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại, gặp được Ðức Phật hoặc giáo pháp của Ngài. 

Bậc Thánh Nam Thanh Văn

Trong Phật giáo, bậc Thánh nam Thanh văn đệ tử của Ðức Phật, có 3 bậc như sau:

– Aggasāvaka: bậc Thánh tối thượng Thanh văn. 

– Mahāsāvaka: bậc Thánh đại Thanh văn. 

– Pakatisāvaka: bậc Thánh Thanh văn (hạng thường). 

Ba bậc Thánh Thanh văn này được thành tựu do ba la mật và lời phát nguyện của mình.

  1. Bậc Thánh tối thượng Thanh văn như thế nào? 

Bậc Thánh tối thượng Thanh văn là bậc Thánh A-ra-hán cao cả nhất trong hàng Thánh Thanh văn đệ tử của Ðức Phật, do phát nguyện ra lời và đã được Ðức Phật trong quá khứ thọ ký rõ ràng. 

 Ðối với vị Bồ Tát tối thượng Thanh văn (Aggasāvakabodhisatta) ấy, sau khi đã được Ðức Phật trong quá khứ thọ ký xong, cần phải tạo 10 pháp ba la mật:

– Bố thí ba la mật (Dānapāramī). 

– Giữ giới ba la mật (Sīlapāramī). 

– Xuất gia ba la mật (Nekkhammapāramī). 

– Tinh tấn ba la mật (Vīriyapāramī). 

– Trí tuệ ba la mật (Paññāpāramī). 

– Chân thật ba la mật (Saccapāramī). 

– Chí nguyện ba la mật (Adhiṭṭhānapāramī). 

– Nhẫn nại ba la mật (Khantipāramī). 

– Tâm từ ba la mật (Mettāpāramī). 

– Tâm xả ba la mật (Upekkhāpāramī). 

Trong suốt thời gian 1 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất. Khi vị Bồ Tát tối thượng Thanh văn đã tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba la mật rồi, trong kiếp hiện tại chắc chắn phải gặp Ðức Phật, đúng theo lời thọ ký của Ðức Phật trong quá khứ. Vị Bồ Tát ấy đến hầu Ðức Phật, xin thọ Tỳ khưu, và được Ðức Phật cho phép thọ Tỳ khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu”. Sau khi trở thành Tỳ khưu, vị Tỳ khưu ấy, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán có Tứ tuệ phân tích, Lục thông… 

Trong cuộc lễ đại hội Thánh Tăng, Ðức Phật tuyên dương bậc Thánh A-ra- hán ấy, là bậc Thánh tối thượng Thanh văn cao cả nhất trong hàng Thanh văn đệ tử của Ðức Phật. 

Ðức Phật Gotama có 2 vị Thánh tối thượng Thanh văn đệ tử là:

– Ngài Ðại Ðức Sāriputta, là bậc Thánh tối thượng Thanh văn cao cả nhất, xuất sắc nhất về trí tuệ, trong hàng Thánh Thanh văn đệ tử. 

– Ngài Ðại Ðức Moggallāna, là bậc Thánh tối thượng Thanh văn cao cả nhất, xuất sắc nhất về thần thông, trong hàng ThánhThanh văn đệ tử. 

  1. Bậc Thánh đại Thanh văn như thế nào? 

Bậc Thánh đại Thanh văn là bậc Thánh A-ra-hán do phát nguyện, và đã được Ðức Phật trong quá khứ thọ ký chắc chắn rồi. 

Ðối với vị Bồ Tát đại Thanh văn (Mahāsāvakabodhisatta) ấy, sau khi đã được Ðức Phật trong quá khứ thọ ký, cần phải tạo 10 pháp hạnh ba la mật thêm thời gian suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất. Khi vị Bồ Tát đại Thanh văn đã tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba la mật xong, chắc chắn trong kiếp hiện tại phải gặp Ðức Phật, đúng theo lời thọ ký của Ðức Phật trong quá khứ. Vị Bồ Tát ấy đến hầu Ðức Phật, xin thọ Tỳ khưu, và được Ðức Phật cho phép thọ Tỳ khưu bằng cách gọi “Ehi Bhikkhu”. Sau khi trở thành Tỳ khưu, vị Tỳ khưu ấy, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán có Tứ tuệ phân tích, Lục thông…

Trong số các bậc Thánh đại Thanh văn ấy, có số vị đặc biệt xuất sắc nhất về một hay nhiều đức hạnh nào đó, trong hàng Thanh văn đệ tử của Ðức Phật. Nhân dịp chư Tăng hội họp, Ðức Phật tuyên dương bậc Thánh đại Thanh văn về đức hạnh ấy.

Ðức Phật Gotama có 80 vị Thánh đại Thanh văn, trong số ấy có 41 vị etadagga, mỗi vị có một đức hạnh đặc biệt xuất sắc nhất trong hàng Thanh văn đệ tử của Ðức Phật. 

  1. Bậc Thánh Thanh văn hạng thường như thế nào? 

Bậc Thánh Thanh văn hạng thường là bậc Thánh Thanh văn đệ tử của Ðức Phật không có đức tính xuất sắc đặc biệt nào, và cũng không có sự thọ ký của Ðức Phật quá khứ. 

Ðối với vị Bồ Tát Thanh văn hạng thường Pakatisāvakabodhisatta), có ý nguyện mong giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, không có Ðức Phật nào thọ ký, vị này cần phải tạo 10 pháp hạnh ba la mật, suốt thời gian không nhất định rõ ràng, khoảng dưới 100 ngàn đại kiếp trái đất. 

Trong kiếp hiện tại, vị Bồ Tát Thanh văn hạng thường này gặp Ðức Phật hoặc gặp giáo pháp của Ngài còn đang lưu truyền trên thế gian. Vị Bồ Tát này, thọ Tỳ khưu hoặc tại gia cư sĩ là cận sự nam, tiến hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, hoặc Nhất Lai Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Quả, hoặc Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, hoặc A-rahán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả, tùy theo năng lực ba la mật, nhất là trí tuệ ba la mật của mình đã tạo trong kiếp quá khứ và kiếp hiện tại này. 

Ðức Phật Gotama có vô số bậc Thánh Thanh văn hạng thường. 

 Bậc Thánh Nữ Thanh Văn

Trong Phật giáo, bậc Thánh nữ Thanh văn đệ tử của Ðức Phật, cũng có 3 bậc như sau: 

– Aggasāvikā: bậc Thánh nữ tối thượng Thanh văn.

– Mahāsāvikā: bậc Thánh nữ đại Thanh văn.

– Pakatisāvikā: bậc Thánh nữ Thanh văn hạng thường. 

Người cận sự nữ phát nguyện trở thành một trong ba bậc Thánh nữ Thanh văn này, cách tạo 10 pháp hạnh ba la mật, và sự phát nguyện cũng giống như bậc Thánh nam Thanh văn.

Ðức Phật Gotama có 2 bậc Thánh nữ tối thượng Thanh văn là: 

– Ngài Ðại Ðức Tỳ khưu ni Khemā, là bậc Thánh nữ A-ra-hán tối thượng Thanh văn đặc biệt xuất sắc về trí tuệ, trong hàng Thánh nữ Thanh văn. 

– Ngài Ðại Ðức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā, là bậc Thánh nữ A-ra-hán tối thượng Thanh văn đặc biệt xuất sắc về thần thông, trong hàng Thánh nữ Thanh văn. 

Ðức Phật Gotama có số bậc Thánh nữ A-ra-hán đại Thanh văn không rõ, nhưng điều chắc chắn là trong số chư bậc Thánh nữ A-ra-hán đại Thanh văn ấy có 13 vị etadagga, mỗi vị có một đức hạnh đặc biệt xuất sắc nhất trong hàng Thánh nữ Thanh văn đệ tử của Ðức Phật. 

Ðức Phật Gotama có vô số bậc Thánh nữ Thanh văn hạng thường.