Gương Bậc Xuất Gia (tái bản)

Gương Bậc Xuất Gia – Tứ Thanh Tịnh Giới (Catupeārisuddhisīla)

By Nền Tảng Phật Giáo

May 11, 2020

TỨ THANH TỊNH GIỚI

(Catupeārisuddhisīla)

Tứ thanh tịnh giới là giới đầy đủ của Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu phải giữ gìn bốn giới này được thanh tịnh, để làm nền tảng cho tất cả mọi thiện pháp, nhất là pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ, đem lại sự an lạc kiếp hiện tại và kiếp vị lai.

Tứ thanh tịnh giới là:

1- Pātimokkhasaṃvarasīla: Giới thu thúc giải thoát khổ.

2- Indriyasaṃvarasīla: Giới thu thúc lục căn.

3- Ājīvapārisuddhisīla: Giới nuôi mạng chân chánh.

4- Paccayasannissitasīla: Giới nương nhờ tứ vật dụng.

Giải thích:

1- Giới thu thúc giải thoát khổ như thế nào?

– Giới thu thúc giải thoát khổ đó là 227 điều học trong Bhikkhupātimokkha… Tỳ khưu giữ gìn giới được trong sạch đầy đủ, có thể giải thoát khổ ở kiếp hiện tại và kiếp vị lai.

– Tỳ khưu giữ gìn giới được trong sạch và đầy đủ là do nhờ có đức tin đầy đủ (saddhasādhana). Tỳ khưu có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, thì việc giữ gìn giới dám coi trọng hơn việc giữ gìn sanh mạng. Do đó, giới được giữ gìn trong sạch và đầy đủ.

Nếu khi Tỳ khưu phạm giới nhẹ, giới không trong sạch, để giúp làm cho giới trở nên trong sạch lại, bằng cách sám hối āpatti (desanāsuddhi). Khi Tỳ khưu sám hối āpatti xong, thì giới trong sạch trở lại.

2- Giới thu thúc lục căn như thế nào?

Lục căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn là nơi tiếp xúc của lục trần: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần.

Giới thu thúc lục căn là Tỳ khưu có chánh niệm:

– Khi sắc trần tiếp xúc với nhãn căn, phát sanh nhãn thức tâm làm phận sự nhìn thấy sắc trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ nhãn thức tâm thấy sắc trần thuộc danh pháp, còn sắc trần thuộc sắc pháp, không phải ta, người, chúng sinh, vật này, vật kia…

– Khi thanh trần tiếp xúc với nhĩ căn, phát sanh nhĩ thức tâm làm phận sự nghe thanh trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ nhĩ thức tâm nghe thanh trần thuộc danh pháp, còn thanh trần thuộc sắc pháp, không phải ta, người…

– Khi hương trần tiếp xúc với tỷ căn, phát sanh tỷ thức tâm làm phận sự ngửi hương trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ tỷ thức tâm ngửi hương trần thuộc danh pháp, còn hương trần thuộc sắc pháp, không phải ta, người…

– Khi vị trần tiếp xúc với thiệt căn, phát sanh thiệt thức tâm làm phận sự nếm vị trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thiệt thức tâm nếm vị trần thuộc danh pháp, còn vị trần thuộc sắc pháp, không phải ta, người…

– Khi xúc trần tiếp xúc với thân căn, phát sanh thân thức tâm làm phận sự tiếp xúc với xúc trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thân thức tâm tiếp xúc với xúc trần thuộc danh pháp, còn xúc trần thuộc sắc pháp, không phải ta, người…

– Khi pháp trần tiếp xúc với ý căn, phát sanh ý thức tâm làm phận sự biết pháp trần ấy; Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ ý thức tâm biết pháp trần thuộc danh pháp, còn sắc pháp trần thuộc sắc pháp, hoặc danh pháp trần thuộc danh pháp, không phải ta, người, chúng sinh, vật này, vật kia…

Ðó gọi là giới thu thúc lục căn thanh tịnh.

Tỳ khưu giữ gìn giới thu thúc lục căn thanh tịnh là do nhờ chánh niệm đầy đủ (satisādhana).

Giới thu thúc lục căn được thanh tịnh bằng cách thu thúc thanh tịnh (saṃvarasuddhi).

3- Giới nuôi mạng chân chánh thanh tịnh như thế nào?

Tỳ khưu từ bỏ mọi cách sống tà mạng, như làm ra vẽ đạo đức, lời nói ngon ngọt để lừa gạt,… chỉ vì lòng tham muốn thấp hèn để nuôi mạng.

Tỳ khưu từ bỏ mọi cách sống tà mạng, sống bằng cách chánh mạng trong sạch, do nhờ sự tinh tấn đầy đủ (vīriyasādhana). Tỳ khưu có sự tinh tấn đầy đủ, có sự tri túc trong bốn thứ vật dụng, không sanh tâm tham muốn thấp hèn, không hợp với giới luật của Ðức Phật đã ban hành.

Tỳ khưu có sự tinh tấn đi tìm kiếm bốn thứ vật dụng:

– Y phục: lượm vải dơ may mặc.

– Vật thực: đi khất thực từng nhà một để nuôi mạng.

– Chỗ ở: cội cây, hang động để hành đạo.

– Thuốc trị bệnh: dùng nước tiểu bò con, rễ cây làm thuốc, một cách hợp với giới luật của Ðức Phật đã ban hành.

Như vậy, Tỳ khưu có giới nuôi mạng chân chánh thanh tịnh là do nhờ sự tinh tấn đầy đủ. Tỳ khưu có sự tinh tấn đầy đủ, phải từ bỏ mọi cách sống tà mạng, sống bằng cách chánh mạng trong sạch.

Giới nuôi mạng chân chánh thanh tịnh bằng cách tinh tấn tìm kiếm thanh tịnh (pariyeṭṭhisuddhi).

4- Giới nương nhờ tứ vật dụng như thế nào?

Tứ vật dụng đó là: y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc trị bệnh, là bốn thứ vật dụng thiết yếu cho đời sống Tỳ khưu. Cho nên, mỗi khi Tỳ khưu đang dùng thứ vật dụng nào, nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thứ vật dụng ấy.

– Khi Tỳ khưu mặc y, nên có trí tuệ quán tưởng rằng:

“Paṭisaṅkhā yoniso cīvaraṃ paṭisevāmi, yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsa-makasa-vātātapa-sirīsapa-samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva hirikopīnappaticchādanatthaṃ”.

– Khi Tỳ khưu thọ thực, nên có trí tuệ quán tưởng rằng:

“Paṭisaṅkhā yoniso piṇḍapātaṃ paṭisevāmi, neva davāya, na madāya, na maṇḍanāya, na vibhūsanāya, yāvadeva imassa kāyassa ṭhitiyā yāpanāya vihiṃsūparatiyā brahmacariyānuggahāya, iti purāṃañca vedanaṃ paṭihankhāmi, navañca vedanaṃ na uppādessāmi, yātrā ca me bhavissati anavajjatā ca phāsuvihāro ca”.

– Khi Tỳ khưu ở chỗ ở, nên có trí tuệ quán tưởng rằng:

“Paṭisaṅkhā yoniso senāsanaṃ paṭisevāmi, yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsa-makasa-vātātapa-sirīsapa-samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva utuparissayavinodana- paṭisallānārāmatthaṃ”.

– Khi Tỳ khưu dùng thuốc trị bệnh, nên có trí tuệ quán tưởng rằng:

“Paṭisaṅkhā yoniso gilānappaccayabhesajja-parikkhāraṃ paṭisevāmi, yāvadeva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānaṃ paṭigātāya abyābajjhaparamatāya”.

Khi Tỳ khưu nào đang dùng thứ vật dụng nào, mà không quán tưởng, vị Tỳ khưu ấy dùng vật dụng ấy, như người mang nợ (iṇaparibhoga).

Như vậy, Tỳ khưu có giới nuôi mạng chân chính, là do nhờ sự tinh tấn đầy đủ. Còn giới nương nhờ tứ vật dụng thanh tịnh là do nhờ trí tuệ đầy đủ (paññāsādhana). Tỳ khưu có trí tuệ đầy đủ, mỗi khi dùng thứ vật dụng nào, đều có trí tuệ quán tưởng thứ vật dụng ấy.

Giới nương nhờ tứ vật dụng được thanh tịnh, bằng cách quán tưởng thanh tịnh (paccavekkhaṇasuddhi), mỗi khi dùng thứ vật dụng nào, nên có trí tuệ quán tưởng biết rõ sự lợi ích của thứ vật dụng ấy, đồng thời có thể ngăn ngừa được phiền não nương nhờ ở thứ vật dụng ấy mà phát sanh.

Khi Tỳ khưu thọ nhận thứ vật dụng nào, dầu có trí tuệ quán tưởng thấy rõ thực tánh pháp của thứ vật dụng ấy, song khi Tỳ khưu đang thọ dụng thứ vật dụng ấy, không quán tưởng, Tỳ khưu ấy không thể tránh khỏi lỗi. Còn trường hợp, Tỳ khưu khi thọ nhận thứ vật dụng nào, dầu không có quán tưởng thứ vật dụng ấy, song khi Tỳ khưu đang thọ dụng thứ vật dụng ấy, có trí tuệ quán tưởng, thì Tỳ khưu ấy không có lỗi, không mang nợ.

10 PHÁP QUÁN XÉT CỦA BẬC XUẤT GIA

Trong Aṅguttaranikāya (Chi bộ kinh), kinh Pabbajita Abhiṇhasutta, Ðức Phật dạy bậc xuất gia thường quán xét mình 10 điều như sau:

“Dasayime bhikkhave dhammā pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbā. Katame dasa?

1- “Vevaṇṇiyamhi ajjhupagato”ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

2- “Parapaṭibaddhā me jīvikā”ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

3- “Añño me ākappo karaṇīyo”ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

4- “Kacci nu kho me attā sīlato na upavadatī”ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

5- “Kacci nu kho maṃ anuvicca viññū sabrahmacārī sīlato na upavadatī”ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

6- “Sabbehi me piyehi manāpehi nānābhāvo vinābhāvo”ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

7- “Kammassako’mhi kammadāyako kammayoni kammabandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmī”ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

8- “Kathaṃ bhūtassa me rattindivā vītivattantī”ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

9- “Kacci nu kho ahaṃ suññāgāre abhiramāmī”ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

10- “Atthi nu kho me uttarimanussadhammo, alamariyañāṇadassanaviseso adhigato, yenāhaṃ pacchime kāle sabrahmacārīhi puṭṭho, na maṅku bhavissāmī”ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

Ime kho bhikkhave dasadhammā pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbā.

Nghĩa: Kinh bậc xuất gia thường quán xét

– Này chư Tỳ khưu, bậc xuất gia nên quán xét 10 pháp này:

Mười pháp như thế nào?

1- Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Ta là bậc xuất gia khác với người tại gia về hình thức bên ngoài: cách sống, y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh…”.

2- Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Sự nuôi mạng của ta tùy thuộc vào 4 thứ vật dụng của người khác cúng dường, ta nên sống theo chánh mạng”.

3- Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Ta nên có cử chỉ hành động đi, đứng, nằm, ngồi trang nghiêm, thu thúc lục căn thanh tịnh; khác với hành động của người tại gia”.

4- Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Ta không tự chê trách mình về giới không trong sạch đầy đủ có phải không?”.

5- Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Bậc đồng phạm hạnh có trí tuệ, không chê trách ta về giới không trong sạch đầy đủ có phải không?”.

6- Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Tất cả những người thương yêu, những bậc kính mến của ta, sống cách xa nhau, chết biệt ly nhau”.

7- Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sanh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào: là thiện nghiệp hay ác nghiệp, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp, hoặc ác nghiệp ấy”.

8- Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Ngày đêm trôi qua, ta đang học, hành như thế nào?”.

9- Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Ta có hài lòng hoan hỉ ở một mình nơi thanh vắng hay không?”.

10- Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Tri kiến đặc biệt, đó là Thánh Ðạo, Thánh Quả, là pháp bậc Thánh nhân, ta đã chứng đắc rồi hay chưa? Ðến lúc lâm chung, những người bạn đồng phạm hạnh hỏi đến ta, ta sẽ không hổ thẹn hay không?”.

Này chư Tỳ khưu, Bậc xuất gia nên thường quán xét 10 pháp này.

Phần đông hạng phàm nhân chúng ta thường hay có tánh dể duôi quên mình, dẫn đến quên phận sự của mình, quên lý tưởng xuất gia ban đầu: “Mong chứng ngộ Niết Bàn, pháp giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài”, đó là cứu cánh bậc xuất gia.

Ðể tự nhắc nhở mình, bậc xuất gia thường ngày nên tụng niệm bài kinh “Pabbajita abhiṇhasutta”, để tự quán xét, tự kiểm điểm lại mình đã và đang làm tròn phận sự xuất gia của mình hay chưa? Ðiều nào đã thực hành xong rồi, phát sanh tâm hoan hỉ, tự tín. Ðiều nào đang thực hành thì phải nên cố gắng tinh tấn mau hoàn thành. Còn điều nào chưa thực hành, thì phải nên thực hành ngay, vì thời gian ngày đêm đã trôi qua mau, không bao giờ trở lại. Thời gian luống qua đem lại cho ta sự già, sự bệnh và tiến dần đến sự chết, đó là điều chắc chắn không thể tránh khỏi.

Vậy, muốn không ân hận lúc lâm chung, làm cho tâm ô nhiễm; thì ngay bây giờ phải cố gắng tinh tấn không ngừng làm tròn phận sự của người xuất gia “tự giác – giác tha”, tự mình giác ngộ chân lý Tứ thánh đế rồi dạy cho người khác cùng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế như mình.

Ðiều nên nhớ rằng: mình đang sa lầy, thì không thể cứu vớt người sa lầy như mình.

XẢ GIỚI TỲ KHƯU (Hoàn tục)

Xả giới Tỳ khưu (hoàn tục), nghĩa là từ bỏ đời sống phạm hạnh Tỳ khưu, để trở lại thành con người khác.

Một người cận sự nam có đức tin trong sach nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Tam bảo, có ý nguyện xuất gia trở thành Tỳ khưu, đến xin chư Tỳ khưu Tăng làm lễ nâng đở lên bậc Tỳ khưu hành phạm hạnh cao thượng. Ðể thành tựu Tỳ khưu cần phải hội đủ 5 chi pháp: vatthusampatti, ñattisampatti, anussāvanasampatti, sīmāsampatti và purisasampatti (ý nghĩa xem từ trang 115 đến 131).

Nếu đầy đủ 5 chi pháp trên, không thiếu một chi nào, hoặc không thiếu một chi tiết nào, thì buổi lễ thọ Tỳ khưu thành tựu, giới tử trở thành vị Tỳ khưu thật.

Nếu thiếu một chi nào, hoặc thiếu một chi tiết nào quan trọng, thì buổi lễ thọ Tỳ khưu không thành tựu, giới tử không trở thành vị Tỳ khưu.

Vị Tỳ khưu hành phạm hạnh cao thượng như: sāsanabrahmacariya: học thuộc lòng toàn bộ lời giáo huấn của Ðức Phật; maggabrahmacariya: hành giới – định – tuệ, hành theo pháp hành bát chánh đạo dẫn đến giải thoát khổ tử sanh luân hồi…

Khi vị Tỳ khưu xét thấy mình không có đủ khả năng hành phạm hạnh cao thượng ấy, không muốn sống giả dối rằng: “không hành phạm hạnh tự cho mình hành phạm hạnh”, muốn sống chân thật với mình, nên chỉ còn một con đường là từ bỏ đời sống phạm hạnh Tỳ khưu (hoàn tục), để trở lại thành một con người khác.

Trước kia, trở thành Tỳ khưu cần phải có đủ 5 chi pháp. Trong 5 chi pháp ấy, về phần giới tử làm lễ thọ Tỳ khưu chỉ có một chi pháp duy nhất là: người cận sự nam không có phạm những lỗi, được phép thọ Tỳ khưu (vatthusampatti); còn lại 4 chi pháp khác tuỳ thuộc vào chư Tỳ khưu Tăng và sīmā. Bây giờ, vị Tỳ khưu ấy muốn xả giới Tỳ khưu (hoàn tục), từ bỏ đời sống phạm hạnh Tỳ khưu, để trở lại thành một con người khác; vị Tỳ khưu ấy cần phải hợp đủ 6 chi pháp.

Như bộ Sāratthadīpanīṭīkā dạy rằng:

“Tasmā citta-khetta-kāla-payoga-puggala-vijānana -niyamavasena sikkhāya paccakkhānaṃ ñatvā tadabhāvena appaccakkhānaṃ veditabbaṃ”.

Vị Tỳ khưu có thật tâm muốn xả giới, từ bỏ phạm hạnh Tỳ khưu cần phải hợp đủ 6 chi pháp như sau:

1- Citta: tâm, Tỳ khưu có thật tâm muốn xả giới, từ bỏ phạm hạnh Tỳ khưu. Nếu Tỳ khưu không thực tâm, nói đùa, thì không thành tựu.

2- Khetta: lời nói, Tỳ khưu cần phải nói những câu theo Luật tạng.

Trong Luật tạng có quy định 14 câu từ bỏ phạm hạnh Tỳ khưu, và 8 câu để trở thành người khác như sau:

14 câu từ bỏ phạm hạnh Tỳ khưu:

– Buddhaṃ paccakkhāmi: Tôi từ bỏ Ðức Phật.

– Dhammaṃ paccakkhāmi: Tôi từ bỏ Ðức Pháp.

– Saṃghaṃ paccakkhāmi: Tôi từ bỏ Ðức Tăng.

– Sikkhaṃ paccakkhāmi: Tôi xả giới Tỳ khưu.

– Vinayaṃ paccakkhāmi: Tôi xả luật Tỳ khưu.

– Pātimokkhaṃ paccakkhāmi: Tôi xả giới bổn Tỳ khưu.

– Uddesaṃ paccakkhāmi: Tôi xả đầu đề giới Tỳ khưu.

– Upajjhāyaṃ paccakkhāmi: Tôi từ bỏ Thầy Tế độ.

– Ācariyaṃ paccakkhāmi: Tôi từ bỏ Thầy hướng dẫn.

– Siddhivihārikaṃ paccakkhāmi: Tôi từ bỏ phận sự đệ tử của Thầy Tế độ.

– Antevāsikaṃ paccakkhāmi: Tôi từ bỏ phận sự đệ tử của Thầy hướng dẫn.

– Samānupajjhāyakaṃ paccakkhāmi: Tôi từ bỏ bạn cùng Thầy Tế độ.

– Samānācariyakaṃ paccakkhāmi: Tôi từ bỏ bạn cùng Thầy hướng dẫn.

– Sabrahmacāriṃ paccakkhāmi: Tôi từ bỏ bạn đồng phạm hạnh.

8 câu để trở thành người khác:

– Gihī’ti maṃ dhārehi: Xin nhận biết tôi là người tại gia.

– Upāsako’ti maṃ dhārehi: Xin nhận biết tôi là người cận sự nam.

– Ārāmiko’ti maṃ dhārehi: Xin nhận biết tôi là người công quả ở chùa.

– Sāmaṇero’ti maṃ dhārehi: Xin nhận biết tôi là vị Sa di.

– Titthiyo’ti maṃ dhārehi: Xin nhận biết tôi là người ngoại đạo.

– Titthiyasāvako’ti maṃ dhārehi: Xin nhận biết tôi là người đệ tử ngoại đạo.

– Assamaṇo’ti maṃ dhārehi: Xin nhận biết tôi không phải là Sa môn.

– Asakyaputtiyo’ti maṃ dhārehi: Xin nhận biết tôi không phải con cháu dòng dõi sakya.

Hiện nay, khi Tỳ khưu từ bỏ đời sống phạm hạnh, trở thành người tại gia thường sử dụng câu:

“Sikkhaṃ paccakkhāmi, gihī’ti maṃ dhārehi”. Nghĩa:

“Tôi xả giới Tỳ khưu, xin Ngài (ông…) nhận biết tôi là người tại gia”.

3- Kāla: thời gian, vị Tỳ khưu chỉ dùng động từ ở thời hiện tại mà thôi. Nếu Tỳ khưu dùng động từ ở thời quá khứ “paccakkhiṃ”, hoặc thời vị lai “paccakkhissāmi”, hoặc thời nào khác… thì không thành tựu.

4- Payoga: cố gắng, vị Tỳ khưu xả giới chỉ dùng vācīpayoga: cố gắng biểu hiện bằng lời nói (khẩu) mà thôi. Nếu Tỳ khưu biểu hiện bằng thân như: viết chữ, hoặc lắc đầu, ra dấu… thì không thành tựu.

5- Puggala: người, người nghe phải là người đang trong trạng thái bình tĩnh, có trí tuệ hiểu biết rõ ràng. Nếu người ấy mất trí, điên cuồng, phóng tâm, đang cơn đau đớn, không có trí tuệ hiểu biết thì không thành tựu.

6- Vijānana: hiểu biết, người nghe hiểu biết rõ được câu nói của vị Tỳ khưu rằng: “Sikkhaṃ paccakkhāmi, gihī’ti maṃ dhārehi”. Nghĩa là: “Tôi xả giới Tỳ khưu, xin Ngài (ông…) nhận biết tôi là người tại gia”.

Người nghe câu nói hiểu biết rõ rằng: vị Tỳ khưu ấy đã xả giới Tỳ khưu (không còn là Tỳ khưu nữa), biết y nay là người tại gia (không còn là bậc xuất gia nữa). Cho nên, vị Tỳ khưu dùng ngôn ngữ gì để diễn đạt cho người nghe hiểu rõ được ý nghĩa câu nói của mình, thì việc xả giới Tỳ khưu thành tựu. Nếu người nghe không hiểu rõ ý nghĩa câu nói xả giới của vị Tỳ khưu, thì việc xả giới Tỳ khưu không thành tựu.

Vị Tỳ khưu thật tâm xả giới Tỳ khưu, để trở lại thành con người khác, cần phải hội đầy đủ 6 chi pháp trên (không thiếu 1 chi nào), thì việc xả giới Tỳ khưu thành tựu; nếu thiếu một chi nào, trong 6 chi pháp ấy, thì việc xả giới Tỳ khưu không thành tựu; nghĩa là vị ấy vẫn còn là Tỳ khưu, mà tưởng lầm rằng: mình đã xả giới rồi (không còn Tỳ khưu nữa). Vị Tỳ khưu ấy xả bỏ tam y cà sa, mặc y phục người tại gia, sinh hoạt như người tại gia. Nếu phạm giới Tỳ khưu, thì vị ấy không tránh khỏi āpatti: sự phạm giới Tỳ khưu. Ðến khi làm lễ thành hôn, chung sống với vợ, thì vị ấy phạm giới bất cộng trụ, dầu biết hay không biết.

Trong 6 chi pháp ấy, có 4 chi pháp thuộc về vị Tỳ khưu xả giới, còn 2 chi pháp khác (puggala và vijānana) thuộc về người khác làm nhân chứng. Vì vậy, vị Tỳ khưu có thật tâm xả giới Tỳ khưu cần phải nên thận trọng, hiểu rõ đầy đủ 6 chi pháp ấy, để tránh khỏi tai hại cho mình.

Trong Phật giáo, người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, có ý nguyện bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu hành phạm hạnh cao thượng, Ðức Phật cho phép người cận sự nam ấy, được thọ Tỳ khưu theo nguyện vọng tha thiết của mình. Nhưng một khi có số Tỳ khưu xét thấy mình không còn đủ khả năng tiếp tục giữ gìn duy trì phạm hạnh cao thượng của Tỳ khưu cho được trong sạch và đầy đủ; thì Ðức Phật cũng cho phép vị Tỳ khưu ấy được xả giới Tỳ khưu, hoàn tục trở lại thành một người cận sự nam thọ trì ngũ giới, bát giới; hoặc trở thành vị Sa di thọ trì 10 giới Sa di và những pháp của Sa di; không bắt buộc phải là Tỳ khưu trọn đời. Nếu vẫn còn là Tỳ khưu, thì phải thực hành nghiêm chỉnh giới của Tỳ khưu cho được trong sạch đầy đủ, và phận sự pháp hành của Tỳ khưu cho được hoàn hảo, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho mình và mọi người, mọi chúng sinh.

Quả nghiệp Tỳ khưu

Phàm tất cả mọi chúng sinh trong tam giới này đều bị chi phối do quả của nghiệp. Như vậy, việc thọ Tỳ khưu và xả giới Tỳ khưu cũng không nằm ngoài định luật nghiệp và quả của nghiệp ấy.

Người nào đã có thiện nhân Tỳ khưu, đã gieo từ những kiếp quá khứ, nay kiếp hiện tại này có duyên lành gặp Phật giáo, nên phát sanh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có ý nguyện bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu, đó là quả; quả luôn luôn tuỳ thuộc vào nhân, nhân như thế nào, thì quả như thế ấy.

– Nếu tiền kiếp đã từng phát nguyện xuất gia trở thành Tỳ khưu cho đến trọn đời, thì kiếp hiện tại được quả như thế ấy.

– Nếu tiền kiếp đã từng phát nguyện xuất gia trở thành Tỳ khưu trong một thời gian nào đó, thì nay kiếp hiện tại cũng được quả như thế ấy.

Ðể giữ gìn duy trì phạm hạnh Tỳ khưu được trọn đời hay không, hoàn toàn tuỳ thuộc vào thiện nghiệp hay phước quá khứ hỗ trợ cho kiếp hiện tại. Sở dĩ Tỳ khưu không thể giữ gìn duy trì phạm hạnh Tỳ khưu cho đến trọn đời, là vì không có đủ phước quá khứ hỗ trợ; cũng như sở dĩ chư thiên phải từ giả cõi trời, là vì hết tuổi thọ (phước) cõi ấy. Chư thiên sắp từ giả cõi trời có 5 triệu chứng xảy ra báo trước là:

1- Mālā milāyanti: Những vòng hoa héo xàu.

2- Vatthāni kilissanti: Những y phục bạc màu.

3- Sarīre dubbaṇṇiyaṃ okkamati: Sắc thân không còn xinh đẹp.

4- Ubhohi kacchehi sedā muccanti: Mồ hôi toát ra hai bên nách.

5- Devo devāsane nābhiramanti: Chư thiên không còn hài lòng với cõi trời đang sống nữa.

Cũng như vậy, có số Tỳ khưu xắp xả giới Tỳ khưu, hoàn tục để trở lại thành con người khác, cũng có 5 triệu chứng xảy ra báo trước là:

1- Saddhā pupphāni milāyanti: Ðức tin giảm dần, ví như những đoá hoa héo xàu.

2- Sīlavatthāni kilissanti: Giới bị phạm, ví như y phục bạc màu.

3- Sarīre maṅkutāya ceva ayasavasena ca dubbaṇṇiyaṃ okkamati: Tâm không hài lòng hành phạm hạnh và tiếng xấu lan truyền, ví như sắc thân không còn xinh đẹp.

4- Kilesasedo muccanti: Phiền não phát sanh, ví như mồ hôi toát ra.

5- Arañña rukkhamūla suññāgāresu nābhiramanti: Tỳ khưu không hài lòng hoan hỉ sống nơi rừng núi, cội cây, chỗ ở thanh vắng.

Như vậy, việc thọ Tỳ khưu và xả giới Tỳ khưu (hoàn tục), đều do quả của nghiệp chi phối tuỳ theo nhân duyên, mà hạng phàm nhân không thể biết được; chỉ có Ðức Phật mới biết rõ được nghiệp và quả của nghiệp nào đang chi phối, đối với tất cả chúng sinh mà thôi.