3- Hãm-hại-nghiệp có phận-sự làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của nghiệp đối nghịch ấy, có 2 trường hợp:
3,1- Đại-thiện-nghiệp có phận-sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp).
3.2- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận-sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của đại-thiện-nghiệp.
Giải thích 2 trường hợp:
3.1– Đại-thiện-nghiệp có phận-sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) ấy như thế nào?
Ví dụ: Một người nghèo khổ thường hay bệnh hoạn ốm đau, chịu bao nhiêu nỗi khổ thiếu thốn những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, v.v…. đó là quả của bất-thiện-nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp-quá-khứ, hoặc trong kiếp-hiện-tại này. Hằng ngày, người ấy sống bằng nghề lượm đồ phế thải, không có nơi nương tựa.
Một hôm, một người thiện-trí có tâm bi cứu khổ, gặp người ấy đang lâm bệnh, nằm một nơi không có người săn sóc. Người thiện-trí gọi xe đưa bệnh nhân ấy đi bệnh
viện để chữa trị, ít hôm sau người ấy được khỏi bệnh.
Người thiện-trí nghĩ rằng: “Nếu ta đem người ấy về ở trong nhà, thì người ấy chỉ giảm bớt được phần khổ thân mà thôi, nếu ta gửi người ấy vào ở trong chùa, thì người ấy không những chỉ giảm được phần khổ thân, mà còn giảm được phần khổ tâm nữa”.
Nghĩ xong, người thiện-trí dẫn người ấy đem gửi vị Đại-đức trụ-trì một ngôi chùa, nhờ Ngài Đại-đức tế độ người nghèo khổ ấy.
Từ đó, người ấy có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, rồi phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam-bảo, xin thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành người cận-sự-nam trong Phật-giáo, thọ trì bát-giới uposathasīla để thích ứng với đời sống ở trong chùa.
Hằng ngày, người cận-sự-nam ấy biết lo công việc lau chùi, quét dọn sạch sẽ trong và xung quanh chánh-điện, nơi cội Đại-Bồ-đề, chăm sóc cây cảnh trong chùa, v.v…. tạo cho cảnh quang ngôi chùa sạch đẹp.
Người cận-sự-nam ấy là người dễ dạy, hằng ngày, biết tụng kinh, thực-hành pháp-hành niệm ân-Đức-Phật, biết cung kính hộ độ từ Ngài Đại-Trưởng-lão, cho đến vị tỳ-khưu, sa-di nhỏ, cho nên, người cận-sự-nam được quý Ngài thương yêu quý mến.
Người ấy còn tận tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện, tiện nghi, phụ giúp những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đến chùa dâng hoa cúng-dường Đức-Phật, làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư Đại-đức, tỳ-khưu, sa-di, cho nên, người ấy cũng được những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ khác thương yêu quý mến.
Từ khi người ấy ở trong chùa đời sống vật chất và tinh thần được thoải mái, cho nên người ấy không còn bệnh hoạn ốm đau như trước nữa. Bây giờ, người ấy là người cận-sự-nam có đức tin trong sạch nơi Tam-bảo, có giới-hạnh, có sức khỏe tốt, mỗi ngày, mọi thiện-pháp tăng trưởng; nhất là người cận-sự-nam ấy được phần đông chư Đại-đức, tỳ-khưu, sa-di, và cận-sự-nam, cận-sự-nữ khác thương yêu quý mến giúp đỡ.
Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp có phận-sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp).
3.2– Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận-sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của đại-thiện-nghiệp như thế nào?
Ví dụ: Trong đời này, một người có thân thể khỏe mạnh, tâm trí sáng suốt, có một cuộc sống giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, có đầy đủ về mọi phương diện, cuộc sống được an lành hạnh phúc,…, đó là quả của đại-thiện-nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp-quá-khứ hoặc trong những kiếp-hiện-tại.
Về sau, người ấy bị lâm bệnh nan y như bệnh ung thư, hoặc bị bệnh bại liệt toàn thân, hoặc bị tai biến mạch máu não, hoặc bị tai nạn gây thương tật suốt đời, v.v..., hoặc gặp cơn tai biến tan gia bại sản, mất chức mất quyền v.v.. Những điều bất hạnh xảy ra trong cuộc sống của người ấy đều là do quả của bất-thiện-nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp-quá-khứ hoặc kiếp-hiện-tại này.
Hoặc một đứa trẻ được tái-sinh làm người đó là quả của đại-thiện-nghiệp. Nhưng khi sinh ra đời, đứa trẻ bị mù, bị tật nguyền, v.v…. cũng là do quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) .
Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận-sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của đại-thiện-nghiệp.
(Xong hãm-hại-nghiệp )