4 Nghiệp Theo Phận Sự

Hãm-hại-nghiệp có phận-sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội cho quả của nó

By Nền Tảng Phật Giáo

April 25, 2015

1- Hãm-hại-nghiệp có phận-sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội cho quả của nó, có 2 trường hợp:

1.1- Đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp-hiện-tại hãm hại, ngăn cản bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) không cho có cơ hội cho quả của nó. 

1.2- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp-hiện-tại hảm hại, ngăn cản đại-thiện-nghiệp không cho có cơ hội cho quả của nó.

Giải thích 2 trường hợp:

1.1- Đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp-hiện-tại, hãm hại, ngăn cản bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) không  cho có cơ hội cho quả của nó như thế nào?

Ví dụ: Khi chưa gặp được bậc thiện-trí, ông A thường thân cận, gần gũi với các người ác, bắt chước theo các người ác, nên ông đã tạo mọi ác-nghiệp như sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm, nói dối, uống rượu và các chất say…

Về sau, ông A gặp được bậc thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, nên phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam-bảo. Ông A xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới.

Sau khi thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, ông A trở thành người biết hổ thẹn tội-lỗi, biết ghê sợ tội-lỗi, tin nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, ông A  giữ gìn ngũ-giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, cố gắng tạo mọi thiện-nghiệp như bố-thí, giữ giới, thực- hành pháp-hành thiền-định, nhưng chưa chứng đắc bậc thiền nào, và cũng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ mà chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, vẫn còn là hạng phàm-nhân.

Đến lúc lâm chung, ông A nằm bình tĩnh, tâm trí sáng suốt, hoan hỷ với những thiện-nghiệp của mình đã tạo.

Ông A sau khi chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam trong cõi trời dục- giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp-hiện-tại hãm hại, ngăn cản những bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong thời gian trước, không có cơ hội cho quả của nó.

1.2- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp-hiện-tại hãm hại, ngăn cản đại-thiện-nghiệp không cho có cơ hội cho quả của nó như thế nào?

Ví dụ: Cậu B là người được sinh trưởng trong gia đình theo truyền thống Phật-giáo. Khi còn nhỏ ở nhà, cậu được cha mẹ dạy dỗ biết tụng kinh lễ bái Tam-bảo, lúc đến chùa, cha mẹ dạy cậu biết đảnh lễ Đức-Phật, biết đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng, biết dâng những thứ vật dụng… đến chư tỳ-khưu, sa-di.

Khi lớn lên được 10 tuổi, cha mẹ chấp thuận cho phép cậu xuất gia trở thành sa-di, ở trong chùa theo học pháp- học Phật-giáo. Đến khi vị sa-di B tròn 20 tuổi, chư tỳ-khưu-Tăng cho phép làm lễ nâng vị sa-di B trở thành tỳ-khưu. Tỳ-khưu B cố gắng tinh tấn thích học pháp-học Phật-giáo, thích thực-hành pháp-hành-giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, nên mọi thiện-pháp được phát triển.

Về sau, tỳ-khưu B có đức tin càng ngày càng giảm dần, nên không còn muốn học pháp-học Phật-giáo và không còn muốn thực-hành pháp-hành như trước nữa. Do đó, tỳ-khưu B xin xả giới tỳ-khưu hoàn tục, xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới trở thành người cận-sự-nam, trở về nhà sống tại gia.

Cận-sự-nam B có vợ và có nhiều con, khi cha mẹ đã qua đời, gia đình cận-sự-nam B không còn nhờ cậy cha mẹ được nữa. Gia đình lâm vào cảnh nghèo khổ, túng thiếu, cận-sự-nam B phải làm lụng vất vả suốt ngày đêm, để nuôi vợ và các con. Do làm nghề giết hại gia súc, gia cầm bán thịt… cho nên, cận-sự-nam B giữ gìn ngũ-giới của mình không còn trong sạch như trước.

Tuy làm bằng tà-nghiệp, sống bằng tà-mạng, nhưng gia đình cận-sự-nam B vẫn nghèo khổ, thiếu thốn.

Đến lúc sắp lâm chung, cận-sự-nam B cảm thấy khổ thân, khổ tâm vô cùng, tâm bị ô nhiễm. Cận-sự-nam B sau khi chết, bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp-hiện-tại trong thời gian sau, hãm hại, ngăn cản đại-thiện-nghiệp đã được tạo kiếp-hiện-tại trong thời gian trước không cho có cơ hội cho quả của nó.

2- Hãm-hại-nghiệp có phận-sự kìm hãm nghiệp đối nghịch đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả, có 2 trường hợp:

2.1- Đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp-hiện-tại có phận-sự kìm hãm bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy.

2.2- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp-hiện-tại, có phận-sự kìm hãm đại-thiện-nghiệp đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy.