Tỳ Khưu Hộ Pháp (tổng hợp)

Ngày lịch sử trọng đại trong Phật-Giáo & Phật sự của Đức Phật

By Nền Tảng Phật Giáo

May 06, 2020

Ngày lịch sử trọng đại trong Phật-Giáo

Trong Phật-giáo, có những ngày lễ lịch sử trọng đại đáng ghi nhớ:

* Ngày rằm tháng tư là ngày Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha đản sinh ra đời tai khu vườn Lumbinī (nay thuộc về nước Nepal).

– 35 năm sau, vào ngày rằm tháng tư, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama tại khu rừng khu Uruvelā, tròn đúng 35 tuổi (nay là Buddhagayā, nước India).

– Đức-Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng-sinh suốt 45 năm, đến ngày rằm tháng tư, Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn tại khu rừng Kusinārā, lúc tròn đúng 80 tuổi (nước India).

* Ngày rằm tháng sáu (2 tháng sau khi trở thành Đức-Phật Gotama), Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Chuyển-Pháp-Luân đầu tiên để tế độ nhóm 5 tỳ-khưu, chỉ có Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, nên Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña có tên mới là Aññāsi-koṇḍañña.

Đức-Phật Gotama cho phép Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña xuất gia trở thành vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, đồng thời Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo đầy đủ trọn vẹn hoàn toàn xuất hiện trên thế gian, vào ngày rằm tháng 6.

* Ngày rằm tháng giêng (sau khi Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Chuyển-Pháp-luân 7 tháng) là ngày Đại-hội chư Thánh-Tăng gồm có 1.250 vị Thánh A-ra-hán lần đầu tiên của Đức-Phật Gotama, tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh-thành Rājagaha. 

Buddhakicca: Phận sự của Đức-Phật

Đức-Phật hằng ngày đêm có 5 phận sự:

1- Purebhattakicca: Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ.

2- Pacchābhattakicca: Phận sự sau khi độ ngọ.

3- Paṭhamayāma: Phận sự canh đầu đêm.

4- Majjhimayāma: Phận sự canh giữa đêm.

5- Pacchimayāma: Phận sự canh chót đêm.

Giảng giải

1- Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ như thế nào?

Mỗi buổi sáng đến giờ đi khất thức, khi thì Đức-Phật ngự đi một mình để tế độ chúng-sinh nào đó, khi thì Đức-Phật ngự đi cùng với chư tỳ-khưu-Tăng vào xóm làng, kinh-thành, … để khất thực. Khi Đức-Phật thọ thực xong, số dân chúng kính thỉnh Đức-Phật thuyết pháp, hoặc số dân chúng xin thọ phép quy-y Tam-bảo, hoặc số người xin Đức-Phật cho phép xuất gia, rồi Đức-Phật ngự trở về chùa.

2- Phận sự sau khi độ ngọ như thế nào?

Khi ngự trở về chùa, rửa chân xong, Đức-Phật đứng trên bục giảng khuyên dạy chư tỳ-khưu rằng:

“Bhikkhve appamādena sampādetha!

Dullabho Buddhuppādo lokasmiṃ.

Dullabho manussattapaṭilābho.

Dullabhā khaṇasampatti.

Dullabhā pabbajjā.

Dullabhaṃ saddhammassavanaṃ.”

– Này chư tỳ-khưu! Các con hãy nên cố gắng tinh-tấn hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh-đế bằng pháp không dể duôi (không thất niệm) thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ.

* Đức-Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó.

* Được sinh làm người là một điều khó.

* Có cơ hội thực-hành phạm-hạnh cao thượng là một điều khó.

* Được xuất gia trở thành tỳ-khưu là một điều khó.

* Được nghe chánh-pháp của Đức-Phật là một điều khó.

Đó là các điều khó được mà Đức-Phật hằng ngày thường khuyên dạy nhắc nhở chư tỳ-khưu chớ nên dể duôi.

Sau khi khuyên dạy xong, Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi, còn chư tỳ-khưu mỗi vị ở một nơi, thực-hành pháp-hành thiền-định, hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

3- Phận sự canh đầu đêm như thế nào?

Canh đầu đêm, Đức-Phật giáo huấn chư tỳ-khưu, có số chư tỳ-khưu hỏi chánh-pháp, có số chư tỳ-khưu xin thọ pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, có số chư tỳ-khưu nghe Đức-Phật thuyết pháp. Qua hết canh đầu đêm, chư tỳ-khưu đảnh lễ Đức-Phật, trở về chỗ ở của mình.

4- Phận sự canh giữa đêm như thế nào?

Canh giữa đêm, Đức-Phật cho phép chư-thiên, chư phạm-thiên trong các cõi trời dục-giới, các tầng trời sắc-giới phạm-thiên đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, rồi đứng một nơi hợp lẽ, bạch hỏi pháp, Đức-Phật giảng giải các câu hỏi của chư-thiên, chư phạm-thiên xong. Qua hết canh giữa đêm, chư-thiên, chư phạm-thiên đảnh lễ Đức-Phật, xin phép trở về cõi-giới của mình.

5- Phận sự canh chót đêm như thế nào?

Đức-Phật phân chia canh chót làm 3 thời:

– Thời gian đầu: Đức-Phật ngự đi kinh hành.

– Thời gian giữa: Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác định giờ tỉnh đậy.

– Thời gian cuối: Đức-Phật nhập thiền đại-bi, khi xả thiền, Đức-Phật xem xét chúng-sinh trong các cõi-giới bằng Phật-nhãn, xem xét chúng-sinh nào đã từng có duyên lành với Đức-Phật, hoặc đã từng thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá-khứ. Kiếp hiện-tại này có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, chúng-sinh ấy dù gần dù xa, dù trong cõi người, dù trong cõi-giới khác, Đức-Phật vẫn ngự đến tận nơi để tế độ chúng-sinh ấy.

Mỗi ngày mỗi đêm, Đức-Phật thực-hành đầy đủ 5 phận sự suốt 45 năm, cho đến phút cuối cùng Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn. 

 

Bài viết trích từ cuốn Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật Giáo – Tỳ Khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) biên soạn. Xem bản PDF cuốn sách tại đây. Xem bộ Nền Tảng Phật Giáo và các sách khác cùng tác giả tại đây.