Con Đường Giải Thoát Khổ (tái bản)

Nghe Chánh-pháp (Saddhammassavana)

By Nền Tảng Phật Giáo

May 22, 2020

Nghe Chánh-pháp (Saddhammassavana)

Nghe chánh-pháp là phước-thiện tối ư thiết yếu đối với các hàng chúng-sinh nhất là chư vị bồ-tát, nhân loại, chư-thiên các cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (không có chư phạm-thiên tầng trời Vô-tưởng-thiên, bởi vì chư phạm-thiên này chỉ có thân mà không có tâm, và chư phạm-thiên trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, bởi vì chư phạm-thiên này có tâm mà không có thân nên không nghe được).

Và phước-thiện nghe chánh-pháp cũng cần thiết đối với các bậc Thánh hữu-học là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, bởi vì 3 bậc Thánh-nhân này vẫn còn phải nghe chánh-pháp, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng đắc đến bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Chư thánh A-ra-hán nghe chánh-pháp

Chư Thánh A-ra-hán nghe chánh-pháp không phải để thực-hành theo chánh-pháp, mà chư bậc Thánh A-ra-hán nghe chánh-pháp để ghi nhớ chánh-pháp, duy trì, bảo tồn chánh-pháp, nên chư bậc Thánh A-ra-hán thường nghe Đức-Phật thuyết-pháp, và đôi khi cũng nghe chánh-pháp từ vị Thánh A-ra-hán khác thuyết-pháp:

Như Ngài Trưởng-lão Sāriputta, bậc Thống-Pháp (Dhammasenāpati), bậc Thánh Tối-Thượng thanh-văn bên phải có đại-trí-tuệ bậc nhất trong các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật cũng đến nghe chánh-pháp do Ngài Trưởng-lão Puṇṇamantāṇiputta thuyết bài kinh Rathavinītasutta (1)

Sau khi nghe và đàm đạo với Ngài Trưởng-lão Puṇṇa về 7 pháp-thanh-tịnh (visuddhi), Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta vô cùng hoan-hỷ nói lời Sādhu! Lành thay!

Tán dương ca tụng Ngài Trưởng-lão Puṇṇa có tài thuyết giảng chánh-pháp rõ ràng và Ngài Trưởng-lão Puṇṇa cũng tán dương ca tụng Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta có trí-tuệ siêu việt.

Đức-Phật cung-kính chánh-pháp

Một đêm nọ, Ngài Trưởng-lão Nanda ngồi thuyết- pháp tại giảng đường từ đầu hôm cho đến sáng trọn đêm suốt 3 canh, Đức-Thế-Tôn ngự đến đứng một nơi nghe chánh-pháp trọn đêm suốt 3 canh. Đến khi mãn thời pháp, Đức-Thế-Tôn thốt lên lời hoan-hỷ rằng:

“Sādhu! Sādhu!” “Lành thay! Lành thay!”

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Nanda đến đảnh lễ Đức- Thế-Tôn, bạch rằng:

– Kāya velāya Bhante, āgatattha?

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài ngự đến đây từ khi nào? Bạch Ngài.

– Tayā suttante āraddhamatte.

– Này Nanda! Như-Lai ngự đến đứng nơi đây từ khi con bắt đầu thuyết-pháp.

– Dukkaraṃ karittha Bhante, Buddhasukhumālā tumhe.

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài là Đức-Phật tối-thượng đã làm điều thật khó làm.

Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

– Sace tvaṃ Nanda, kappaṃ desetuṃ sakkuṇeyyāsi, kappamattampā’haṃ ṭhitakova suṇeyyaṃ (1).

– Này Nanda! Nếu con có thể thuyết-pháp suốt kiếp thì Như-Lai cũng đứng nghe chánh-pháp suốt kiếp được.

Evaṃ dhammagaruno Tathāgatā.

Chư Đức-Thế-Tôn đều cung-kính chánh-pháp như vậy.

Tích Ngài Trưởng-lão Soṇakuṭikaṇṇa

Tích Ngài Trưởng-lão Soṇakuṭikaṇṇa(2) được tóm lược một phần như sau:

Trong quá khứ, thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Soṇakuṭikaṇṇa đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, nghe chánh-pháp. Khi ấy, thấy Đức-Phật Padumuttara tuyên dương vị tỳ-khưu có đức hạnh thuyết-pháp với giọng hay nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, nên tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão nghĩ rằng: “Ta cũng nên trở thành vị tỳ-khưu có đức hạnh thuyết-pháp với giọng hay nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật trong thời vị-lai”.

Cho nên, tiền-kiếp Ngài Trưởng-lão kính thỉnh Đức-Phật Padumuttara ngự đến tư gia cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường suốt 7 ngày. Đến ngày thứ 7, tiền-kiếp Ngài Trưởng-lão kính bạch với Đức-Phật Padumuttara rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài đã tuyên dương vị tỳ-khưu có đức hạnh thuyết-pháp với giọng hay nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Ngài. Nay con cũng có ý nguyện muốn trở thành ngôi vị như vị tỳ-khưu ấy, trong giáo pháp của Đức-Phật trong thời vị-lai.

Nghe tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão bạch như vậy, Đức-Phật Padumuttara xem xét thấy sẽ được thành-tựu, nên thọ ký xác định thời gian rằng:

– Này thí-chủ! Trong thời vị-lai, còn 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, con sẽ là vị tỳ-khưu có đức hạnh thuyết-pháp với giọng hay nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Sau khi nghe Đức-Phật Padumuttara(1) thọ ký như vậy, tiền-kiếp Ngài Trưởng-lão vô cùng hoan-hỷ biết ý nguyện của mình sẽ được thành tựu.

Tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão tử sinh luân-hồi trong các cõi trời và cõi người, để tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ cho được đầy đủ suốt thời gian 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

Trước khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, sau khi tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão chết từ cõi trời, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp chót đầu thai vào lòng cận-sự-nữ Kāḷī tại tỉnh Kuraraghara. Mang thai đủ tháng, cận-sự-nữ Kāḷī trở về nhà cha mẹ tại kinh-thành Rājagaha để sinh con.

Khi ấy, nghe 2 dạ-xoa đàm thoại với nhau, cận-sự-nữ Kāḷī ngồi dậy lắng nghe rõ Dạ-xoa Sātāgira và Dạ-xoa Hemavata tán dương ca tụng chánh-pháp của Đức-Phật Gotama. Cận-sự-nữ Kāḷī chưa từng thấy Đức-Phật, chỉ nghe chánh-pháp, rồi phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch thực-hành theo chánh-pháp dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên (paṭhamakasotāpannā) trong các cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Trong đêm ấy, cận-sự-nữ Kāḷī sinh hạ đứa con trai, đặt tên là Soṇa. Cận-sự-nữ Kāḷī ở nhà cha mẹ một thời gian, rồi trở lại nhà của mình.

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana trú tại núi Upavatta, tỉnh Kuraraghara. Hằng ngày, Ngài Trưởng-lão đến khất thực tại nhà cận-sự-nữ Kāḷī, công-tử Soṇa kính yêu Ngài Trưởng-lão.

Về sau, công-tử Soṇa được Ngài Trưởng-lão Mahā-kaccayana cho phép xuất gia trở thành sa-di, chờ đợi suốt 3 năm mới có đủ chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để làm lễ nâng đỡ sa-di Soṇa lên trở thành tỳ-khưu Soṇa.

Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana thuyết dạy pháp-hành thiền-tuệ cho tỳ-khưu Soṇa. Sau khi học xong, tỳ-khưu Soṇa thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứThánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Tỳ-khưu Soṇa an cư nhập hạ 3 tháng mùa mưa với Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana, theo học Suttanipāta-pāli với vị thầy tế độ.

Sau khi ra hạ, hành lễ Pavāraṇā xong, tỳ-khưu Soṇa có ý nguyện muốn đến hầu Đức-Thế-Tôn, nên tỳ-khưu Soṇa đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana là vị thầy tế độ, xin phép đi đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn.

Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana hoan-hỷ cho phép, rồi căn dặn rằng:

– Này Soṇa! Khi con đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, con sẽ được phép ở chung trong gandhakuṭi cùng với Đức-Thế-Tôn, Ngài sẽ truyền dạy con tụng đọc bài pháp.

Sau khi nghe con tụng đọc bài pháp xong, Đức-Thế-Tôn sẽ phát sinh đại-duy-tác-tâm hoan-hỷ, rồi Đức-Thế-Tôn sẽ ban cho con ân huệ, con nên nhận ân huệ ấy.

Con đảnh lễ dưới đôi chân của Đức-Thế-Tôn, rồi con nên bạch với Đức-Thế-Tôn 5 điều đúng theo lời căn dặn của thầy.

Sau khi nhận lời dạy bảo của vị thầy tế độ xong, Ngài Trưởng-lão Soṇa đảnh lễ thầy tế độ, xin phép từ giã thầy. Ngài Trưởng-lão đi đến thăm thân mẫu báo cho bà biết, Ngài được phép đi đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthi.

Thân mẫu của Ngài vô cùng hoan-hỷ bạch với Ngài Trưởng-lão Soṇa rằng:

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Con xin kính dâng Ngài Trưởng-lão tấm vải len lớn (kambala) này, để Ngài đem cúng dường đến Đức-Thế-Tôn làm tấm lót nền trong cốc gandhakuṭi của Đức-Thế-Tôn.

Sau khi nhận tấm vải len ấy, Ngài Trưởng-lão Soṇa xin từ giã thân mẫu, trở về chỗ ở dọn dẹp các thứ vật dụng gọn gàng, rồi mới lên đường đi tuần tự đến kinh- thành Sāvatthi, vào ngôi chùa Jetavana, đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi đứng một nơi hợp lẽ.

Đức-Thế-Tôn hỏi theo lệ thường của chư Phật xong, Đức-Thế-Tôn truyền bảo Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:

– Này Ānanda! Con nên sắp đặt chỗ nghỉ cho vị tỳ-khưu này.

Ngài Trưởng-lão Ānanda hiểu biết ý của Đức-Thế-Tôn, nên trải chỗ nằm nghỉ cho Ngài Trưởng-lão Soṇa trong cốc gandhakuṭi cùng với Đức-Thế-Tôn.

Đức-Thế-Tôn thực-hành phận sự như mỗi ngày, Đức-Thế-Tôn vào nằm nghiêng bên phải có chánh-niệm và trí-tuệ tỉnh-giác vào thời gian giữa của canh chót đêm, định giờ tỉnh dậy vào cuối canh chót. Đức-Thế-Tôn thức dậy biết tỳ-khưu Soṇa nghỉ ngơi lại sức rồi, nên Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Paṭibhātu taṃ bhikkhu, dhammo bhāsituṃ.

– Này tỳ-khưu! Con hãy nên tụng đọc chánh-pháp.

Vâng lời Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Soṇa tụng tạng Kinh phần aṭṭhakavagga từng chữ từng câu đúng đắn rõ ràng với giọng rất hay. Khi Ngài Trưởng-lão Soṇa tụng xong, Đức-Thế-Tôn hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Đức-Thế-Tôn khen ngợi rằng:

– Suggahito te bhikkhu, dhammo, mayā desitakāle ca ajja ca ekasadisāva desanā, kiñci ūnaṃ vā adhikaṃ vā natthi(1).

– Này tỳ-khưu! Chánh-pháp mà con đã học, ghi nhớ đúng đắn, Như-Lai đã thuyết dạy trong thời gian trước đây và ngày nay giống như một, không thiếu không dư.

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Soṇa nghĩ rằng: “Đây là cơ hội tốt”, nên Ngài Trưởng-lão đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức-Thế-Tôn, rồi bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Mahā-kaccayana, vị thầy tế độ của con kính xin đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức-Thế-Tôn, Ngài dạy con bạch với

Đức-Thế-Tôn, có 5 điều rằng:

1- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vùng Avantidakkhiṇā-patha có ít tỳ-khưu, con cố gắng tìm đủ 10 vị tỳ-khưu để hành-tăng-sự suốt 3 năm mới được làm lễ thọ tỳ-khưu (upasampada).

Nếu được thì kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép làm lễ thọ tỳ-khưu (upasampadā) tại vùng Avantidakkhiṇā-patha với nhóm tỳ-khưu-Tăng hội ít hơn.

2- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vùng Avantidakkhiṇā-patha đường sá xấu gồ ghề khó đi lại.

Nếu được thì kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép tỳ-khưu trong vùng Avantidakkhiṇāpatha được phép mang dép.

3- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, dân chúng trong vùng Avantidakkhiṇāpatha có thói quen thường hay tắm, họ cho rằng:“Nước làm cho sạch sẽ, trong sạch”.

Nếu được thì kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép tỳ-khưu trong vùng Avantidakkhiṇāpatha được phép tắm hằng ngày.

4- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trong vùng Avanti-dakkhinapatha có da lót nằm như da cừu, da dê, da nai, cũng như Majjhimajanapada có lót nằm như cỏ tranh, cỏ lác.

Nếu được thì kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép tỳ-khưu trong vùng Avantidakkhiṇāpatha được phép dùng da cừu, da dê, da nai lót nằm.

5- Kính bạch Đức Thế Tôn, các cận-sự-nam, cận-sự-nữ gửi y dâng cúng dường đến vị tỳ-khưu với lời bạch rằng:

“Kính bạch Ngài Trưởng-lão, con xin gửi bộ y này, nhờ Ngài dâng hộ đến vị tỳ-khưu có pháp danh ấy ở nơi ấy.”

Vị tỳ-khưu không dám nhận bộ y của thí-chủ, bởi vì cất giữ bộ y ấy quá ngày sẽ phạm giới “nissaggiya-pācittiya”.

Nếu được thì kính xin Đức-Thế-Tôn truyền dạy, cho phép về vấn đề y này.

Đức-Thế-Tôn cho phép đặc biệt

Do nguyên nhân đầu tiên phát sinh, nên Đức-Thế-Tôn truyền dạy chư tỳ-khưu-Tăng rằng:

1- Này chư tỳ-khưu! Vùng Avantidakkhiṇāpatha có tỳ-khưu ít, nên Như-Lai cho phép làm lễ thọ tỳ-khưu (upasampadā) với nhóm tỳ-khưu-Tăng tối thiểu 5 vị tỳ-khưu thông luật (vinayadhara) và tại tất cả mọi vùng paccantajanapada.

(Trung xứ majjhimajanapada làm lễ thọ tỳ-khưu (upasampadā) phải có nhóm tỳ-khưu-Tăng tối thiểu 10 vị tỳ-khưu thông luật (vinayadhara).

Ngoài majjhimajanapada ra, còn tất cả các nơi khác làm lễ thọ tỳ-khưu (upasampadā) phải có nhóm tỳ-khưu-Tăng hội tối thiểu 5 vị tỳ-khưu thông luật (vinayadhara)).

2- Này chư tỳ-khưu! Vùng Avantidakkhiṇāpatha có đường sá xấu gồ ghề khó đi lại, nên Như-Lai cho phép tỳ-khưu trong tất cả mọi vùng paccantajanapada được phép mang dép.

3- Này chư tỳ-khưu! Dân chúng trong vùng Avanti-dakkhiṇāpatha có thói quen thường hay tắm, họ cho rằng: “Nước làm cho sạch sẽ, trong sạch”.

Vì vậy, Như-Lai cho phép tỳ-khưu trong tất cả mọi vùng paccantajanapada được phép tắm hằng ngày.

4- Này chư tỳ-khưu! Trong vùng Avantidakkhiṇā-patha có da lót nằm như da cừu, da dê, da nai, cũng như Majjhimajanapada có cỏ lót nằm như cỏ tranh, cỏ lác, nên Như-Lai cho phép tỳ-khưu trong tất cả mọi vùng paccantajanapada được phép dùng da cừu, da dê, da nai lót nằm.

5- Này chư tỳ-khưu! Tất cả thí-chủ gửi tấm y để dâng cúng dường đến các vị tỳ-khưu ở nơi khác, với lời bạchrằng: “Các con gửi tấm y này, xin kính dâng cúng dường đến vị tỳ-khưu có pháp danh ấy”.

– Này chư tỳ-khưu! Như-Lai cho phép các con nhận tấm y ấy không quá 10 đêm.

Sau khi Đức-Thế-Tôn cho phép 5 điều của Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana, vị thầy tế độ xong, tỳ-khưu Soṇa đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch lời của thân mẫu rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, cận-sự-nữ Kāḷī thân mẫu của con gửi tấm vải len lớn này kính dâng lên Đức-Thế-Tôn, để lót nền cốc gandhakuṭi của Đức-Thế-Tôn.

Sau khi bạch xong, Ngài Trưởng-lão Soṇa kính dâng tấm vải len lớn (kambala) lên Đức-Thế-Tôn, rồi đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, xin phép trở về chùa.

Ngài Trưởng-lão Soṇa đã đến hầu Đức-Thế-Tôn như ý nguyện và đã hoàn thành xong phận sự mà vị thầy tế độ là Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana đã giao phó.

Trên đường trở về núi Upavatta, tỉnh Kuraraghara. Ngài Trưởng-lão Soṇa về đến nơi, vào đảnh lễ vị thầy tế độ là Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana, rồi xin thuật lại mọi sự việc của mình cho vị thầy tế độ nghe.

Nghe tỳ-khưu Soṇa đệ-tử thuật lại như vậy, Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana biết 5 điều thỉnh cầu của mình đã được Đức-Phật cho phép, nên Ngài Trưởng-lão vô cùng hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Ngày hôm sau, Ngài Trưởng-lão Soṇa đi khất thực đến đứng trước cổng nhà thân mẫu. Nhìn thấy Ngài Trưởng-lão, thân mẫu ra tận cổng đón rước Ngài Trưởng-lão vào nhà, tự tay bà dâng vật thực để bát cúng dường đến Ngài Trưởng-lão.

Sau khi Ngài Trưởng-lão độ vật thực xong, thân mẫu bạch với Ngài Trưởng-lão rằng:

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, Ngài đã đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, mọi việc đều tốt lành phải không?

– Thưa thân mẫu, mọi việc đều tốt lành.

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, Ngài đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, bạch lời của thân mẫu hay không?

– Thưa thân mẫu, sư đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch lời của thân mẫu và kính dâng cúng dường tấm vải len lớn, lót nền cốc gandhakuṭi của Đức-Thế-Tôn.

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, nghe rằng:

“Ngài Trưởng-lão đã nghỉ trong cốc gandhakuṭi cùng với Đức-Thế-Tôn, rồi Đức-Thế-Tôn truyền bảo Ngài tụng đọc chánh-pháp xong, Đức-Thế-Tôn hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” Đúng vậy phải không?

– Thưa thân mẫu, thân mẫu biết bằng cách nào vậy?

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, chư thiên trú trong nhà báo cho thân mẫu biết rằng:

“Khi nghe Đức-Thế-Tôn hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Thì toàn thể chư thiên mười ngàn thế giới đồng nói lời hoan-hỷ Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!”

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, thân mẫu kính thỉnh Ngài tụng chánh-pháp giống như Ngài đã từng tụng tại cốc gandhakuṭi của Đức-Thế-Tôn, có được hay không?

Nghe thân mẫu kính thỉnh như vậy, Ngài Trưởng-lão Soṇa nhận lời. Biết Ngài Trưởng-lão đã chấp thuận, nên thân mẫu của Ngài Trưởng-lão cho người trang hoàng một hội trường trước cổng nhà, có pháp tòa trang nghiêm, dân chúng tụ hội đông đủ, rồi kính thỉnh Ngài Trưởng-lão Soṇa lên ngồi trên pháp tòa tụng chánh-pháp mà Ngài Trưởng-lão đã từng tụng tại cốc gandhakuṭi của Đức-Thế-Tôn.

Về sau, Đức-Thế-Tôn chủ trì giữa chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, tuyên dương Ngài Trưởng-lão Soṇa là vị Thánh thanh-văn đệ-tử tụng chánh-pháp với giọng hay đặc biệt nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.