Nghiệp và quả của nghiệp trong trường-hợp
* Chúng-sinh đang sống trong cõi địa-ngục (gati-vipatti), nên chỉ có ác-nghiệp có cơ hội cho quả khổ mà thôi, còn đại-thiện-nghiệp không có cơ hội cho quả an-lạc trong cõi địa-ngục ấy.
Khi mãn quả của ác-nghiệp nặng trong cõi đại-địa-ngục ấy, ác-nghiệp nặng ấy còn có năng lực thì tiếp tục cho quả tái-sinh kiếp sau trong các cõi tiểu-địa-ngục từ cõi địa-ngục này đến cõi địa-ngục khác nhẹ hơn, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới mong thoát ra khỏi cõi địa-ngục.
Hoặc nếu có đại-thiện-nghiệp đã tích-luỹ từ kiếp quá-khứ cho quả thì tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người, ác-nghiệp trong tiền-kiếp ấy vẫn có cơ-hội cho quả khổ trong kiếp-hiện-tại ấy.
* Chúng sinh là loài súc-sinh có một số như voi báu, ngựa báu, con chim biết nói tiếng người, con chó, con mèo, v.v… tuy chúng nó sinh do quả của ác-nghiệp trong thời-kỳ tái-sinh (paṭisandhikāla), nhưng trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp-hiện-hữu, do nhờ đại-thiện-nghiệp trong tiền-kiếp quá-khứ cho quả an-lạc trong kiếp-hiện-tại.
* Chúng-sinh là thiên-nam hoặc thiên-nữ đang sống trong cõi trời dục-giới (gatisampatti), nên chỉ có đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả an-lạc mà thôi, còn ác-nghiệp không có cơ hội cho quả khổ trong cõi trời dục-giới ấy.
Vị chư-thiên đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp, hết tuổi thọ trong cõi trời ấy, nếu đại-thiện-nghiệp còn có năng lực thì tiếp tục có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi trời dục-giới cao hơn hoặc thấp hơn cõi trời cũ, hoặc tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người.
Hoặc nếu ác-nghiệp có cơ-hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới là địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, sinh trong cõi nào tuỳ theo năng lực của ác- nghiệp ấy, chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.
* Chúng-sinh là loài người đặc biệt đang sống trong cõi người, khi thì đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả an lạc, khi thì ác-nghiệp có cơ hội cho quả khổ, cứ như vậy cho đến khi hết tuổi thọ, hoặc mãn quả của đại-thiện-nghiệp hỗ-trợ (chết).
* Con người có khả năng đặc biệt hơn tất cả mọi chúng sinh trong các cõi-giới khác như sau:
* Con người có khả năng tạo mọi thiện-nghiệp từ dục-giới đại-thiện-nghiệp, sắc-giới thiện-nghiệp, vô-sắc-giới thiện-nghiệp, cho đến siêu-tam-giới thiện-nghiệp (4 Thánh-đạo) cực-thiện; thực-hành 30 pháp-hạnh ba-la-mật (10 pháp bậc hạ, 10 pháp bậc trung, 10 pháp bậc thượng), để trở thành bậc Thánh thanh-văn-giác, Đức-Phật Độc-Giác, Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác.
* Người ấy sau khi chết, nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy cho đến mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy.
* Hoặc người ấy là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, đã chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, hoặc vô-sắc-giới thiện-tâm.
Hành-giả sau khi chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp, hoặc vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả hoá-sinh lên trên tầng trời sắc-giới hoặc tầng trời vô-sắc-giới, được hoá-sinh tại tầng trời nào, hoàn toàn tuỳ thuộc vào quả của sắc-giới thiện-nghiệp, hoặc vô-sắc-giới thiện-nghiệp bậc cao mà hành-giả đã chứng đắc sau cùng, hưởng sự an-lạc trong tầng trời ấy cho hết tuổi thọ trong tầng trời ấy.
* Hoặc người ấy là hành-giả thực-hành pháp-hành
thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ-Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành 4 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh-Nhập-lưu, bậc Thánh-Nhất-lai, bậc Thánh-Bất-lai,bậc Thánh-A-ra-hán.
- Bậc Thánh-Nhập-lưu chỉ còn tái-sinh kiếp sau nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi, rồi sẽ trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.
- Bậc Thánh-Nhất-lai chỉ còn tái-sinh kiếp sau 1 kiếp nữa duy nhất, rồi sẽ trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới.
- Bậc Thánh-Bất-lai không còn tái-sinh trở lại cõi dục-giới, chỉ tái-sinh kiếp sau trên tầng trời sắc-giới, rồi rồi sẽ trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, tịch diệt Niết-bàn tại cõi trời sắc-giới ấy.
- Bậc Thánh-A-ra-hán ngay kiếp-hiện-tại sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.
* Con người có thể tạo ác-nghiệp đến cực-ác như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh-A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật, chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng gọi là pañcānantariyakamma: 5 ác-nghiệp vô-gián trọng-tội.
Người ấy sau khi chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián trọng-tội này cho quả kiếp-kế-tiếp mà không có nghiệp nào ngăn cản được, sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt trong cõi đại-địa-ngục ấy, suốt thời gian nhiều đại-kiếp trái đất.
Tất cả chúng-sinh dù nhỏ dù lớn cũng đều bị chi phối do nghiệp và quả của nghiệp, tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mình.
Đức-Phật đã dạy về nghiệp:
“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyānaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi”.
Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp,’ ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.
1 Aṅguttaranikāya trong kinh Abhiṇhapaccavekkhitabbaṭṭhānasutta.