Ngũ Giới Là Thường Giới Của Mọi Người (bản cũ)

Người thọ trì ngũ giới và những lợi ích to lớn

By Nền Tảng Phật Giáo

May 16, 2016

Người Thọ-Trì Ngũ-Giới

* Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giớicó đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết tự trọng, biết giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn thì người cận-sự-nam, cận-sự-nữ không chỉ tạo đại-thiện-nghiệp ngũ-giới, mà còn tạo 5 phước-thiện bố-thí gọi là đại-thí là bố-thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến vô số  chúng-sinh trong muôn loài, nên cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô số chúng-sinh không làm khổ cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới. 

Vấn: Một người cận-sự-nam đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới gặp lại người bạn thân cũ là người không thọ phép quy-y Tam-bảo và không thọ-trì ngũ-giới. Người bạn cũ mời người cận-sự-nam ấy vào quán rượu, biavì cả nể nên chiều theo bạn, người cận-sự-nam ấy cùng uống rượu, bia với bạn.

 Hai hai người bạn cùng nhau uống rượu, bia đều phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, đã tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say,

Vậy, hai người bạn này, người nào tạo ác-nghiệp nặng, người nào tạo ác-nghiệp nhẹ? 

Đáp: Người cận-sự-nam đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, vì cả nể nên chiều theo bạn, người cận-sự-nam đã uống bia với bạn, đã phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say nhẹ hơn người bạn, bởi vì bất đắc dĩ phải uống bia

Sau khi uống bia xong, người cận-sự-nam biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết thọ-trì ngũ-giới trở lại, nên người cận-sự-nam ấy trở nên người có ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn như trước.

Còn người bạn cũ uống bia với tham-tâm hoan-hỷ vui mừng gặp lại bạn, đã phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say nặnghơn người cận-sự-nam.

 Sau khi uống bia xong, người bạn cũ không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, nên vẫn là người không có giới như trước.

Cho nên, người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới rồi, nếu lỡ phạm điều-giới nào rồi thì nên biết thọ-trì ngũ-giới trở lại, để có giới trở lại như trước.

 Tính Ưu Việt Của Người Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo Và Thọ-Trì Ngũ-Giới

Trường hợp người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, và người không thọ phép quy-y Tam-bảo và cũng không thọ-trì ngũ-giới. 

Ví dụ, nếu cả hai người này đều phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, cùng tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say thì người nào tạo ác-nghiệp nặng? Người nào tạo ác-nghiệp nhẹ?

Câu hỏi này tương tự câu hỏi của Đức-vua Milinda bạch hỏi Ngài Trưởng-lão Nāgasena.

Đức-vua Milinda bạch hỏi đại ý như sau:

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão Nāgasena, một người không hiểu biết về ác-nghiệp và một người hiểu biết về ác-nghiệp. 

Nếu cả hai người đều tạo ác-nghiệp giống nhau thì người nào tạo ác-nghiệp nặng? Người nào tạo ác-nghiệp nhẹ? Bạch Ngài.

Ngài Trưởng-lão Nāgasena giải đáp rằng:

– Thưa Đại-vương, người không hiểu biết (ajānanto) về ác-nghiệp, và người hiểu biết về ác-nghiệp (jānanto) cùng nhau tạo ác-nghiệp giống nhau thì người không hiểu biết về ác-nghiệp tạo ác-nghiệp nặng, còn người hiểu biết về ác-nghiệp thì tạo ác-nghiệp nhẹ.

Nghe như vậy, Đức-vua Milinda bạch rằng:

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão Nāgasena, nếu như vậy, thì những vị quan, quân lính trong triều đình của con, người nào không hiểu biết pháp luật mà phạm pháp luật thì con phải hành phạt, trị tội nặng đối với người ấy có phải không? Bạch Ngài.

Ngài Trưởng-lão giải thích bằng ví dụ rằng:

– Thưa Đại-vương, Đại-vương hiểu thế nào về điều này: 

Một thỏi sắt được nung cháy đỏ, một người không hiểu biết thỏi sắt nóng mà đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, và một người khác hiểu biết rõ thỏi sắt nóng ấy mà bất đắc dĩ phải đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy. 

Trong hai người đều đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, người nào bị cháy phỏng nặng nhiều? Người nào bị cháy phỏng nhẹ?

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão Nāgasena, dĩ nhiên người  không hiểu biết thỏi sắt nóng mà đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, thì chắc chắn phải bị cháy phỏng nặng nhiều. Còn người hiểu biết thỏi sắt nóng mà bất đắc dĩ phải đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, thì bị cháy phỏng nhẹ. Bạch Ngài.

– Thưa Đại-vương, cũng như vậy, người nào  không hiểu  biết về ác-nghiệp mà tạo ác-nghiệp, thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng. Còn người nào hiểu biết về ác-nghiệp, mà bất đắc dĩ phải tạo ác-nghiệp, thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.

Dựa theo lời giải đáp của Ngài Trưởng-lão Nāgasena, nên hiểu rằng:   

* Người cận-sự-nam đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, và người bạn không thọ phép quy-y Tam-bảo và cũng không thọ-trì ngũ-giới cùng nhau phạm điều-giới uống rượu, bia đều tạo ác-nghiệp uống rượu, bia thì người không thọ phép quy-y Tam-bảo và cũng không thọ-trì ngũ-giới, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia nặng. Còn người đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, rồi bất đắc dĩ phạm điều-giới ấy, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia nhẹ. 

Nguyên nhân vì sao?

* Người không thọ phép quy-y Tam-bảo và cũng không thọ-trì ngũ-giới, vốn là người không có đức tin nơi Tam-bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, khi họ phạm điều-giới uống rượu, bia với tham-tâm hoan-hỷ, nêntạo ác-nghiệp uống rượu, bia ấy, rồi họ không biết ăn năn hối lỗi, không biết tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say. Cho nên, người ấy tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất saynặng hơn nhiều.

* Còn người cận-sự-nam đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, vốn là người có đức-tin nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi. Song vì cả nể bạn cũ, hoặc vì phiền-não tham muốn xui khiến phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, với bạn, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say nhẹ hơn nhiều..  

Bởi vì sau đó, cận-sự-nam biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết ăn năn sám hối, rồi tự nguyện xin thọ-trì ngũ-giới trở lại, trong đó có giới: 

“Con xin thọ-trì điều-giới có tác ý tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.”

Sau khi thọ-trì ngũ-giới xong rồi, người cận-sự-nam ấy có ngũ-giới trở lại như trước. 

Người cận-sự-nam ấy giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn để làm nền tảng cho mọi thiện-tâm phát sinh và phát triển. 

Đó là tính ưu việt của cận-sự-nam, cận-sự-nữ,  đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới.

Trước Tạo Ác-Nghiệp Sau Tạo Thiện-Nghiệp

Thời gian trước, người nào gần gũi thân cận với bạn ác (pāpamitta), nên tạo dù ác-nghiệp nặng, dù ác-nghiệp nhẹ, nhưng thời gian sau, người ấy được gần gũi thân cận với bạn thiện (kalyāṇamitta), dẫn đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, trở thành người cận-sự-nam (hoặc cận-sự-nữ) trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, rồi từ đó, tránh xa mọi ác-nghiệp, cố gắng tạo mọi thiện-nghiệp.

Nhờ đại-thiện-nghiệp này làm giảm được tiềm năng cho quả của ác-nghiệp ấy, hoặc nhờ thiện-nghiệp bậc cao làm cho ác-nghiệp ấy không có cơ hội cho quả khổ của ác-nghiệp ấy. 

Thật vậy, * như trường-hợp Đức-vua Ajāta- sattu, ngự tại kinh-thành Rājagaha trị vì đất nước Māgadha.

Thời gian trước, nghe lời khuyên bảo của tỳ-khưu Devadatta, nên Đức-vua Ajātasattu đã phạm điều-giới sát-sinh giết Đức-Phụ-vương Bimbisāra, đã tạo ác-nghiệp vô-gián trọng-tộinên Đức-vua Ajātasattu hối hận khổ tâm. 

Nếu Đức-vua Ajātasattu băng hà thì chắc chắn ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có thể ngăn cản được. 

Thời gian sau, nhờ vị thái y Jīvaka cung thỉnh Đức-vua Ajātasattu ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, thành tâm xin sám hối tội-lỗi giết Đức-Phụ-vương của mình. Kính xin Đức-Thế-Tôn chứng minh.

 Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp tế độ Đức-vua, sau khi nghe pháp xong, Đức-vua Ajātasattu phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo,kính xin thọ phép quy-y Tam-bảorồi kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận là người cận-sự-nam đã quy-y Tam-bảo kể từ đó cho đến trọn đời.

Từ đó về sau, Đức-vua Ajātasattu là người cận-sự-nam đặc biệt có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tận tâm phụng sự Tam-bảo.

Sau khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn được 3 tháng 4 ngày, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa chủ trì trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất tại động Sattapaṇṇi, gần kinh-thành Rājagaha đất nước Māgadha, gồm có 500 bậc Thánh A-ra-hán có đầy đủ tứ-tuệ phân-tích và lục-thông, thực hiện suốt 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi. 

Đức-vua Ajātasattu là người hộ độ chư Thánh A-ra-hán trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất này.

Đức-vua Ajātasattu tận tâm phụng sự Tam-bảo cho đến trọn đời. 

Sau khi băng hà, đáng lẽ ác-nghiệp vô-gián trọng-tội giết Đức Phụ-vương cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, nhưng nhờ các đại-thiện-nghiệp mà Đức-vua Ajātasattu đã tạo sau khi trở thành người cận-sự-nam làm giảm tiềm năng cho quả của ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy, nên cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī (địa-ngục nồi đồng sôi) suốt 60.000 năm.

Đức-Phật dạy rằng: 

“Đức-vua Ajātasattu sau khi băng hà, ác-nghiệp vô-gián trọng-tội giết Đức Phụ-vương, cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu địa-ngục Lohakumbhī (địa-ngục nồi đồng sôi) từ miệng nồi chìm xuống đáy nồi khoảng thời gian 30.000 năm, rồi từ đáy nồi nổi lên đến miệng nồi khoảng thời gian 30.000 năm, mới mãn quả của ác-nghiệp ấy. Do nhờ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người, hậu-kiếp của Đức-vua Ajātasattu xuất gia trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Độc-Giác Vijitāvī .” 

* Trường-hợp kẻ cướp sát nhân giết chết hơn ngàn người, rồi cắt một đầu ngón tay trỏ xâu làm vòng đeo cổ, nên có biệt danh gọi là Aṅgulimāla sống trong rừng sâu. 

Một hôm, Đức-Phật Gotama ngự vào khu rừng để tế độ kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla. Khi nhìn thấy Đức-Phật đang bước đi khoan thai, kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla chạy đuổi theo để giết Đức-Phật, dù y đã chạy nhanh hết sức lực suốt 3 do-tuần mà vẫn không đuổi kịp Đức-Phật, y đuối sức đành dừng lại, rồi gọi Đức-Phật hãy dừng lại.

Đức-Phật vẫn bước đi khoan thai, rồi truyền dạy rằng: 

– Này Aṅgulimāla! Như-lai đã dừng lâu rồi. Còn chính con mới là người chưa chịu dừng lại mà thôi.

Nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla vô cùng ngạc nhiên, suy nghĩ rằng: 

“Những sa-môn dòng Sakya thường nói lời chân thật, làm như thế nào, nói như thế ấy, nói như thế nào, làm như thế ấy. Nhưng trong trường-hợp này, vị sa-môn đang bước đi, mà lại nói “Như-lai đã dừng lâu rồi”. Còn ta đã dừng lại rồi, vị sa-môn nói là “Còn chính con mới là người chưa chịu dừng lại mà thôi”.

Như vậy, nghĩa là gì?”

Aṅgulimāla bèn hỏi Đức-Thế-Tôn rằng: 

– Này vị sa-môn! Sự thật ông đang bước đi mà lại nói “Như-lai đã dừng lâu rồi.” Còn tôi đã dừng lại rồi, ông lại nói là “Còn chính con mới là người chưa chịu dừng lại mà thôi.”  

Ông nói vậy nghĩa là gì?

Đức-Thế-Tôn giảng giải rằng: 

– Này Aṅgulimāla! Sự thật “Như-lai đã dừng lâu rồi” nghĩa là Như-lai đã từ bỏ giết hại tất cả mọi chúng-sinh từ lâu rồi. Còn con chưa từ bỏ giết hại  chúng-sinh. 

Vì vậy, Như-lai nói rằng: “Còn chính con mới là  người chưa chịu dừng lại mà thôi”.

Lắng nghe Đức-Thế-Tôn giảng giải như vậy, kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla liền thức tỉnh ngay, rồi ném các loại vũ khí xuống hố sâu, đồng thời biết rõ vị sa-môn này chính là Đức-Thế-Tôn, nên đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch rằng: 

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài là Bậc Tôn-Sư của chư-thiên, phạm-thiên, nhân-loại. Đức-Thế-Tôn có tâm đại-bi ngự đến khu rừng này để tế độ con thoát khỏi sự si-mê lầm lạc, được thức tỉnh trở lại.

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, kể từ nay về sau, con xin nguyện từ bỏ mọi ác-nghiệp. Kính xin Ngài chứng minh lòng chân thành sám hối tội-lỗi của con.

Sau đó, Aṅgulimāla đến quỳ đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Phật, cầu xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu. 

Đức-Thế-Tôn có Phật-nhãn thấy rõ, biết rõ phước-duyên của Aṅgulimāla có thể phát sinh đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu, nên Đức-Phật đưa bàn tay phải ra, chỉ bằng ngón tay trỏ mà truyền dạy rằng: 

“Ehi bhikkhu! …” 

– Này Aṅgulimāla! Con được trở thành tỳ-khưu như ý nguyện. Pháp mà Như-lai đã thuyết dạy hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên thực-hành phẩm-hạnh cao-thượng để giải thoát khổ hoàn toàn.

Sau khi Đức-Phật vừa truyền dạy xong như vậy, Aṅgulimāla trở thành vị tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu, có tăng tướng trang nghiêm như một vị Trưởng-lão có 60 tuổi hạ.

 

Đức-Thế-Tôn có vị tỳ-khưu Aṅgulimāla theo saungự trở về ngôi chùa Jetavana. Về sau không lâu, vị tỳ-khưu Aṅgulimāla một mình ở nơi thanh vắng tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Khi ấy, tại nơi thanh vắng, Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla vô cùng hoan hỷ thốt lên câu kệ rằng: 

“Yo ca pubbe pamajjitvā, 

 pacchā so nappamajjati.

 So’maṃ lokaṃ pabhāseti, 

 abbhā muttova candimā.”

 Người nào trước dể duôi thất niệm,

 Sau, người ấy không dể duôi thất niệm, 

 Thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ.

 Hành-giả ấy làm xán lạn cuộc đời mình, 

Như vầng trăng thoát ra khỏi đám mây. 

Khi Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới, đồng thời tất cả mọi ác-nghiệp và mọi đại-thiện-nghiệp đã được lưu-trữ ở trong tâmtừ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại trước khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma), không còn có cơ-hội cho quả được nữa, bởi vì không còn tái-sinh kiếp sau nữa. 

Đó là tính ưu việt của các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, đã thọ phép quy-y Tam-bảo: quy-y nơi Đức-Phật-bảo, quy-y nơi Đức-Pháp-bảo, quy-y nơi Đức-Tăng-bảo, và có giới của mình được trong sạch trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho mọi thiện-pháp được phát triển tốt.

Bố-Thí Cầu Nguyện 

Thí-chủ sau khi làm phước-thiện bố-thí xong rồi, thường có lời cầu nguyện rằng: 

“Do nhờ phước-thiện bố-thí này, xin cho tôi được giàu sang phú quý, được chức trọng quyền cao, được sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, v.v… cho được thành-tựu như ý nguyện.”

Lời cầu nguyện của thí-chủ được thành-tựu như ý nguyện thật sự, thì thí-chủ phải làngười có giới trong sạch và trọn vẹn

Còn nếu thí-chủ là người phạm giới, không có giới thì lời cầu nguyện khó có thể thành-tựu được như ý, bởi vì thí-chủ là người phạm giới, không có giới, nên phước-thiện bố-thíkhông có cơ-hội cho quả được như ý nguyện. 

Thật vậy, trong bài kinh DānūpapattisuttaĐức-Phật thuyết dạy với ý nghĩa rằng: 

– Này chư Tỳ-khưu! Sự sinh của phước-thiện bố-thí có 8 pháp. 8 pháp ấy như thế nào? 

1- Này chư Tỳ-khưu! Có số thí-chủ trong đời này, làm phước-thiện bố-thí như cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn thắp sáng,… đến sa-môn, bà-la-môn. 

Thí-chủ làm phước-thiện bố-thí, rồi cầu mong quả của phước-thiện bố-thí ấy. 

Thí-chủ nhìn thấy hoàng tộc cao-thượng, dòng bà-la-môn cao quý, những phú-hộ đầy đủ 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng trong đời, nên thí-chủ cầu mong rằng: 

“Quý báu biết dường nào! sau khi tôi chết, cầu xin phước-thiện bố-thí này cho quả tái-sinh kiếp sau trong hoàng tộc cao-thượng, hoặc trong dòng bà-la-môn cao quý, hoặc trong gia đình phú-hộ đầy đủ 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng trong đời.” 

Thí-chủ hướng tâm cầu mong, luôn luôn niệm tưởng như vậỵ. Tâm của thí-chủ hướng bậc thấp, không hướng lên bậc cao các bậc thiền… 

Thí-chủ sau khi chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai trong hoàng tộc, hoặc trong dòng bà-la-môn, hoặc trong gia đình phú-hộ.

Như-lai dạy rằng: “Kiếp sau của thí-chủ được thành-tựu như ý, thì thí-chủ phải là người có giới trong sạch và trọn vẹn, thí-chủ không phải là người phạm giới, không có giới”.   

– Này chư Tỳ-khưu! Người thí-chủ có giới trong sạch và trọn vẹn, sự cầu mong được thành-tựu như ý, nhờ có đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.

2- Này chư Tỳ-khưu! Có số thí-chủ trong đời này, làm phước-thiện bố-thí như cơm, nước,… đèn thắp sáng,… đến sa-môn, bà-la-môn. 

Thí-chủ làm phước-thiện bố-thí, rồi cầu mong quả của phước-thiện bố-thí ấy.

Thí-chủ nghe nói rằng: 

Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Tứ-đại-thiên-vương có tuổi thọ sống lâu (500 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 9 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Tứ-đại-thiên-vương bằng 50 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời, an-lạc vi tế, nên thí-chủ cầu mong rằng: 

“Quý báu biết dường nào! Sau khi tôi chết, cầu xin phước-thiện bố-thí này cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời Tứ-đại-thiên-vương ấy.” 

Thí-chủ hướng tâm cầu mong, luôn luôn niệm tưởng như vậỵ. Tâm của thí-chủ hướng bậc thấp, không hướng lên bậc cao các bậc thiền… 

Thí-chủ sau khi chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời Tứ-đại-thiên-vương ấy. 

Như-lai dạy rằng: “Kiếp sau của thí-chủ đượ c thành-tựu như ý, thì thí-chủ phải là người có giới trong sạch và trọn vẹn, thí-chủ không phải là người phạm giới, không có giới.    

– Này chư Tỳ-khưu! Người thí-chủ có giới trong sạch và trọn vẹn, cầu mong được thành-tựu như ý, nhờ có đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.

3 đến 7- Này chư Tỳ-khưu! Có số thí-chủ trong đời này, làm phước-thiện bố-thí như cơm, nước, vải, … đèn thắp sáng, … đến sa-môn, bà-la-môn. 

Thí-chủ làm phước-thiện bố-thí, rồi cầu mong quả của phước-thiện bố-thí ấy.

Thí-chủ nghe nói rằng: 

-Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên có tuổi thọ sống lâu (1.000 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 36 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Tam-thập-tam-thiên bằng 100 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời hơn nữa, an-lạc vi tế hơn nữa, nên thí-chủ cầu mong rằng: …

– Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Dạ-ma-thiên có tuổi thọ sống lâu (2.000 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 144 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Dạ-ma-thiên bằng 200 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời hơn nữa, an-lạc vi tế hơn nữa, nên thí-chủ cầu mong rằng: …

– Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Đâu-xuất-đà-thiên có tuổi thọ sống lâu (4.000 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 576 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Đâu-xuất-đà-thiên bằng 400 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời hơn nữa, an-lạc vi tế hơn nữa, nên thí-chủ cầu mong rằng: …

 – Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Hóa-lạc-thiên có tuổi thọ sống lâu (8.000 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 2.304 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Hóa-lạc-thiên bằng 800 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời hơn nữa, an-lạc vi tế hơn nữa, nên thí-chủ cầu mong rằng: …

– Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trên cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên có tuổi thọ sống lâu (16.000 năm cõi trời, nếu so số năm ở cõi người thì bằng 9.216 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên bằng 1.600 năm ở cõi người), có sắc đẹp tuyệt vời hơn nữa, an-lạc vi tế hơn nữa, nên thí-chủ cầu mong rằng: 

“Quý báu biết dường nào! Sau khi tôi chết, cầu xin phước-thiện bố-thí này cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên ấy.” 

Thí-chủ hướng tâm cầu mong, luôn luôn niệm 

tưởng như vậỵ. Tâm của thí-chủ hướng bậc thấp, không hướng lên bậc cao các bậc thiền… 

Thí-chủ sau khi chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên ấy. 

Như-lai dạy rằng: “Kiếp sau của thí-chủ được  thành-tựu như ý, thì thí-chủ phải là người có giới trong sạch và trọn vẹn, thí-chủ không phải là người phạm giới, không có giới.     

– Này chư Tỳ-khưu! Người thí-chủ có giới trong sạch và trọn vẹn, cầu mong được thành-tựu như ý, nhờ có đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.

8- Này chư Tỳ-khưu! Có số thí-chủ trong đời này, làm phước-thiện bố-thí như cơm, nước, … đèn thắp sáng, … đến sa-môn, bà-la-môn. 

Thí-chủ làm phước-thiện bố-thí, rồi cầu mong quả của phước-thiện bố-thí ấy.

Thí-chủ nghe nói rằng: 

Chư phạm-thiên trên cõi trời sắc-giới phạm-thiên có tuổi thọ sống lâu hơn chư-thiên cõi dục-giới, có sắc thân hào quang sáng ngời, an-lạc vô cùng vi-tế, nên thí-chủ cầu mong rằng: 

“Quý báu biết dường nào! Trước khi tôi chết, cầu xin phước-thiện bố-thí này làm duyên phát sinh sắc-giới thiện-tâm có sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trên cõi trời sắc-giới phạm-thiên ấy.” 

Thí-chủ hướng tâm cầu mong, luôn luôn niệm tưởng như vậỵ. Tâm của thí-chủ hướng đến bậc thấp trong bậc thiền sắc-giới, không hướng lên bậc cao Thánh-đạo, Thánh-quả, và Niết-bàn.  

Thí-chủ sau khi chết, sắc-giới thiện-tâm không có tham-ái trong cõi dục-giới, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp hoá-sinh làm phạm-thiên trên cõi sắc-giới phạm-thiên ấy, (tuỳ theo sắc-giới quả-tâm). 

Như-lai dạy rằng: “Kiếp sau của thí-chủ được thành-tựu như ý, thì thí-chủ phải là người có giới trong sạch và trọn vẹn, có sắc-giới thiện-tâm không có tham-ái trong cõi dục-giới, thí-chủ không phải là người phạm giới, không có giới,

– Này chư Tỳ-khưu! Người thí-chủ có giới trong sạch và trọn vẹn, cầu mong được thành-tựu như ý, nhờ có sắc-giới thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.

– Này chư Tỳ-khưu! Sự sinh của phước-thiện bố-thí có 8 pháp như vậy.