Nhẫn Nại (tái bản)

Nhẫn Nại – Nghiệp Và Quả Của Nghiệp

By Nền Tảng Phật Giáo

May 12, 2020

Nghiệp và quả của nghiệp 

Tất cả mọi chúng-sinh đều tuỳ thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh, Đức-Phật dạy về nghiệp và quả của nghiệp rằng: 

“Kammassako’mhi, kammadāyādo, kamma-yoni, kammabandhu, kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi.” 

Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’ ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy hoặc chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy. 

Nghiệp có 2 loại: 

– Thiện-nghiệp cho quả an-lạc. 

– Ác-nghiệp cho quả khổ. 

Đức-Phật dạy về nghiệp rằng: 

“Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā.” 

– Này chư tỳ-khưu! Sau khi đã có tác-ý rồi mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. 

Vì vậy, Như-lai dạy tác-ý tâm-sở gọi là nghiệp. 

Nghiệp có 2 loại: 

– Ác-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm. 

– Thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 21 thiện-tâm chia ra làm 4 loại: 

1- Dục-giới thiện-nghiệp hay đại-thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm. 

2- Sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm. 

3- Vô-sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm. 

4- Siêu-tam-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả có 4 Thánh-quả-tâm tương xứng không có thời gian chờ đợi. 

* Cetanācetasika: Tác-ý tâm-sở gọi là nghiệp có tính chất rất đặc biệt hơn các tâm với các tâm-sở khác. 

Các tâm với tâm-sở sinh làm phận-sự xong rồi diệt, riêng cetanācetasika: tác-ý tâm-sở gọi là nghiệp cũng sinh làm phận-sự xong rồi diệt, nhưng mà người nào đã tạo nghiệp nào (dù đại-thiện-nghiệp dù ác-nghiệp) rồi, nghiệp ấy (dù đại-thiện-nghiệp dù ác-nghiệp) đều có cơ hội cho quả trong kiếp hiện-tại (kiếp thứ nhất), cũng đều có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau (kiếp thứ nhì) và cũng đều có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3, v.v… cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán trước khi tịch diệt Niết-bàn. 

Nghiệp có khả năng cho quả theo cõi-giới 

* Trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chỉ có mọi ác-nghiệp có khả năng cho quả khổ đối với các loài chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới mà thôi. 

Tuy nhiên có số loài súc-sinh như con voi báu, con ngựa báu, con chó, con mèo, con chim biết nói tiếng người,… Trong tiền-kiếp của các loài súc vật ấy đã từng tạo phước-thiện bố-thí, nên kiếp hiện-tại của chúng nó, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả an-lạc. Cho nên, chúng nó được con người nuôi dưỡng, chăm sóc tử tế. 

* Trong 6 cõi trời dục-giới chỉ có đại-thiện-nghiệp cho quả an-lạc đối với chư vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ mà thôi. Còn mọi ác-nghiệp không có cơ hội cho quả khổ. 

* Trong 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp cho quả an-lạc đối với chư phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên mà thôi. 

* Trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên chỉ có vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả an-lạc đối với chư phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên mà thôi. 

* Cõi Nam-thiện-bộ-châu 

Cõi Nam-thiện-bộ-châu đó là quả địa cầu mà chúng ta đang sinh sống, mọi đại-thiện-nghiệp đều có cơ hội cho quả an-lạc, và mọi ác-nghiệp đều có cơ hội cho quả khổ đối với mỗi người chúng ta trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này. 

Thật vậy, mỗi người trong vòng tử sinh luân-hồi từ vô thủy trải qua vô số kiếp không sao biết được đã từng tạo vô số đại-thiện-nghiệp và vô số ác-nghiệp, các nghiệp này đều được lưu trữ ở trong tâm sinh rồi diệt liên tục không ngừng từ kiếp này sang kiếp kia trong vòng tử sinh luân-hồi, không hề mất mát một mảy may nào cả, dù cho thân thể có thay đổi theo mỗi kiếp. 

* Nếu đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả an-lạc thì chủ-nhân của đại-thiện-nghiệp ấy được hưởng quả an-lạc. 

* Nếu ác-nghiệp nào có cơ hội cho quả khổ thì chủ-nhân của ác-nghiệp ấy phải chịu quả khổ. 

Đó là lẽ công bằng của nghiệp và quả của nghiệp, không hề thiên vị một ai cả. 

Ví dụ: Vô số tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo và tích lũy đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật suốt 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, đến kiếp chót đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm thứ nhất hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm thứ nhất hợp với trí-tuệ gọi là paṭi-sandhicitta: tái-sinh-tâm làm phận-sự tái-sinh kiếp chót đầu thai vào lòng Mẫu-hậu Mahāmāyā-devī vào ngày rằm tháng 6. 

Đúng 10 tháng sau, vào ngày rằm tháng 4, Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha đản sinh tại khu vườn Lumbinī, Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc-đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, đó là quả-báu của 30 pháp-hạnh ba-la-mật. 

Năm 35 tuổi, Đức-Bồ-tát Siddhattha thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu Đức-Phật Gotama, tại khu rừng Uruvelā, đó là quả-báu của 30 pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Phật. 

Đức-Phật Gotama ngự đi khắp mọi nơi thuyết pháp tế độ chúng-sinh có duyên lành nên tế độ, phần đông dân chúng trước kia theo nhóm ngoại đạo, sau khi nghe chánh-pháp của Đức-Phật, họ xin thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ, đệ-tử của Đức-Phật. 

Nhóm tu sĩ ngoại đạo cảm thấy tổn thương, những tín đồ cũ không giữ lại được, còn tín đồ mới không thêm, cho nên, sự cúng dường lợi lộc càng ngày càng giảm dần, đời sống các tu sĩ ngoại đạo thiếu thốn hơn xưa. Nhóm tu sĩ ngoại đạo bày mưu tính kế làm hạ uy tín của Đức-Phật trước tứ chúng thanh văn đệ-tử. 

Vào buổi chiều, khi Đức-Phật đang ngự trên pháp tòa tại giảng đường ngôi chùa Jetavana, tứ chúng thanh-văn đệ-tử đang ngồi lắng nghe pháp. 

Bỗng nhiên, kỹ nữ Cincāmāṇavikā từ ngoài xồng xộc đi vào, đứng trước mặt Đức-Phật, chỉ tay buông lời mắng nhiếc rằng: 

– Này ông Đại-sa-môn Gotama! Ông thuyết pháp hay thật! Ông tế độ biết bao nhiêu người, còn tôi sao ông không tế độ? 

Tôi bụng mang dạ chửa là vì ông, ông nói ngon nói ngọt với tôi, hứa sẽ lo giúp đỡ tôi. 

Nay, tôi sắp đến ngày sinh nở, ông lo thuyết pháp tế độ người khác, chẳng đoái hoài gì đến tôi cả. Nếu ông bận không lo cho tôi được thì ông bảo bà đại thí-chủ Visākhā, hay ông phú hộ Anāthapiṇḍika, … lo cho tôi cũng được. 

Ông chi biết thỏa mãn dục vọng cá nhân, ông không hề biết đến nỗi khổ của tôi bụng mang dạ chửa như thế này! 

Nghe kỹ nữ Cincāmāṇavikā mắng nhiếc như vậy, Đức-Phật vẫn ngồi an nhiên tự tại, an tịnh trên pháp tòa, rồi từ tốn truyền bảo rằng: 

– Này cô! Cô nói lời chân thật hay lời giả dối, thì chỉ có cô và Như-Lai biết rõ mà thôi! 

Kỹ nữ Cincāmāṇavikā liền đáp rằng: 

– Này ông Đại-sa-môn! Đúng vậy, chỉ có tôi và ông biết rõ mà thôi. 

Ngay giây phút ấy, tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên bảo tọa của Đức-vua-trời Sakka phát nóng lên, Đức-vua-trời Sakka bằng thiên nhãn thấy rõ, biết rõ kỹ nữ Cincāmāṇavikā đang vu khống mắng nhiếc Đức-Phật giữa tứ chúng thanh-văn đệ-tử, đó là âm mưu thâm độc của nhóm tu sĩ ngoại đạo. 

Đức-vua-trời Sakka quyết định làm rõ sự thật, nên Đức-vua-trời cùng với 4 vị thiên-nam xuất hiện xuống tại giảng đường ngôi chùa Jetavana ngay tức khắc. 

Bốn vị thiên-nam làm cho tấm gỗ hình dạng giống bào thai buộc chặt vào lưng eo của kỹ nữ Cincāmāṇavikā rơi xuống nền, sự thật hiển nhiên được phơi bày trước mặt tứ chúng thanh-văn đệ-tử. 

Kỹ nữ Cincāmāṇavikā bị xua đuổi ra khỏi giảng đường, kỹ nữ thất vọng đi ra khỏi khuôn viên ngôi chùa Jetavana, mặt đất liền nứt ra làm hai, phát lên tia lửa thiêu cháy kỹ nữ, rồi rút thi thể xuống sâu trong lòng đất. Sau khi kỹ nữ Cincāmāṇavikā chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài của ác-nghiệp ấy. 

Đức-Phật dạy về ác-nghiệp cũ của Ngài rằng: 

Trong tiền-kiếp quá-khứ xa xưa, Như-Lai đã từng vu khống vị Trưởng-lão Nanda là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật quá-khứ. 

Sau khi chết, ác-nghiệp vu khống ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục, chịu quả khổ trong suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy. 

Mỗi khi nhờ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, Như-Lai thường bị vu khống những điều xấu không có thật, do năng lực của khẩu ác-nghiệp trong quá-khứ ấy. 

Cũng do năng lực của khẩu ác-nghiệp cũ ấy còn dư sót chút đỉnh, nên kiếp hiện-tại Như-Lai bị kỹ nữ Cincāmāṇavikā vu khống điều không có thật giữa tứ chúng thanh-văn đệ-tử. 

Ví dụ: Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna là bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng thanh-văn đệ-tử có phép thần-thông (abhiññā) xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật. 

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna bay lên cõi trời dục-giới, hỏi các vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ khi ở cõi người đã tạo phước-thiện nào, mà sau khi chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nữ có hào quang sáng ngời trong lâu đài nguy nga tráng lệ như thế này? 

Vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ bạch với Ngài Đại-Trưởng-lão về tiền-kiếp của mình ở cõi người đã tạo phước-thiện ấy đến chư tỳ-khưu. 

Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới như thế này, hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới như thế này. 

Khi trở về cõi người, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna  thuật lại cho mọi người nghe chuyện các vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới như vậy, cho nên, phần đông mọi người tạo mọi phước-thiện cúng dường đến Đức-Phật, đến chư tỳ-khưu-Tăng, không cúng dường đến các tu sĩ ngoại đạo như trước nữa. 

Vì vậy, nhóm tu sĩ ngoại đạo hội họp bàn bạc với nhau rằng: 

Quý vị biết nguyên-nhân nào những lợi lộc phát sinh nhiều đến nhóm đệ-tử của sa-môn Gotama hay không? 

Một vị tu sĩ ngoại đạo hiểu biết thưa rằng: 

Những lợi lộc phát sinh nhiều đến nhóm đệ-tử của sa-môn Gotama là do nương nhờ Ngài Mahāmoggallāna bay lên cõi trời dục-giới hỏi các vị thiên-nam, vị thiên-nữ khi ở cõi người đã tạo phước-thiện nào mà sau khi chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ như thế này? 

Chư vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ bạch với Ngài về tiền-kiếp của mình khi ở cõi người đã tạo phước-thiện cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng. Khi Ngài trở về cõi người, thuật lại cho mọi người biết như vậy. Cho nên, những lợi lộc phát sinh nhiều đến nhóm đệ-tử của sa-môn Gotama. 

Nếu chúng ta có khả năng giết chết Ngài Mahāmoggallāna, thì những lợi lộc phát sinh trở lại cho chúng ta như trước. 

Nhóm tu sĩ ngoại đạo đồng tâm giết chết Ngài Mahāmoggallāna, chúng đi kêu gọi tín đồ của mình đóng góp được số tiền 1.000 kahāpaṇa, rồi thuê mướn bọn sát nhân lãnh tiền rằng: 

Các ngươi đi đến làng Kāḷasilā, giết chết Ngài Mahāmoggallāna sẽ được lãnh 1.000 kahāpaṇa. 

Bọn sát nhân nhận lời vì tâm tham tiền. 

Bọn chúng dẫn nhau đến vây quanh chỗ ở của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna tại làng Kāḷasilā nước Magadha, Ngài Đại-Trưởng-lão biến đi nơi khác, bọn chúng vào không tìm thấy Ngài, bọn chúng trở về. 

Hôm sau, bọn chúng lại dẫn nhau đến vây quanh chỗ ở của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā-moggallāna, Ngài lại biến đi nơi khác, nên bọn chúng vào không tìm thấy Ngài. 

Đã nhiều lần bọn chúng dẫn nhau đến vây quanh chỗ ở của Ngài như vậy. 

Lần chót vào ngày 30 tháng 10, bọn chúng dẫn nhau đến vây quanh chỗ ở của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna. Ngài suy xét thấy rằng: 

“Hôm nay là ngày hết tuổi thọ của ta và đồng thời ác-nghiệp cũ trong tiền-kiếp quá-khứ xa xưa giết cha mẹ mù cũng có cơ hội cho quả không thể tránh khỏi” nên Ngài nhẫn-nại chấp nhận. Bọn sát nhân xông vào đánh đập Ngài Đại-Trưởng-lão tan xương nát thịt, bọn chúng tưởng Ngài đã chết, nên đem Ngài Đại-Trưởng-lão ném trong bụi, rồi trở về lãnh tiền 1.000 kahāpaṇa từ nhóm tu sĩ ngoại đạo. 

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna sử dụng phép thần-thông (abhiññā) gắn liền xương thịt lại, rồi bay đến hầu đảnh lễ Đức-Phật tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh-thành Rājagaha, nước Magadha, xin phép tịch diệt Niết-bàn tại làng Kāḷasilā nước Magadha. 

Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu-Tăng làm lễ hỏa táng thi thể Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā-moggallāna, rồi xây ngôi tháp tôn thờ xá-lợi của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna tại kinh-thành Rājagaha. 

Chuyện Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna tịch diệt Niết-bàn xảy ra sau khi Đức-Phật ra hạ thứ 45 cuối cùng (16 tháng 9). 

Vào ngày rằm tháng 10, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta tịch diệt Niết-bàn tại ngôi làng Nālākagāma, nước Magadha. 

Đức-Phật truyền dạy xây tháp tôn thờ Xá-lợi của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta tại kinh-thành Sāvatthī. 

Đến ngày 30 tháng 10, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna tịch diệt Niết-bàn tại làng Kāḷasilā nước Magadha. 

Như vậy, hai bậc Thánh Tối thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama đã tịch diệt Niết-bàn. 

Ác-nghiệp giết bậc Thánh A-ra-hán 

Bọn sát nhân giết hại Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna là bậc Thánh A-ra-hán, nên đã tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội. 

Nghe tin tâu báo bọn sát nhân giết Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, Đức-vua Ajātasattu truyền lệnh các lính truy nã bắt trọn bọn sát nhân và nhóm tu sĩ ngoại đạo thuê mướn giết Ngài Đại-Trưởng-lão đem về hành hình tất cả. 

Sau khi bọn sát nhân và nhóm tu sĩ ngoại đạo chết, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều đại-kiếp trái đất. 

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna bị bọn sát nhân đánh đập cho đến chết, chư tỳ-khưu hội họp trong giảng đường đàm đạo về cái chết của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna thật là đáng thương, không công bằng đối với Ngài Đại-Trưởng-lão. Khi ấy, Đức-Phật ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp tòa bèn truyền hỏi chư tỳ-khưu rằng: 

– Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy? 

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Phật về cái chết của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna thật là đáng thương, không công bằng đối với Ngài Đại-Trưởng-lão. 

Nghe chư tỳ-khưu bạch như vậy, Đức-Phật truyền dạy rằng: 

– Này chư tỳ-khưu! Mahāmoggallāna chết như vậy là không công bằng trong kiếp hiện-tại này. Nhưng thật ra, Mahāmoggallāna chết như vậy là công bằng đối với ác-nghiệp cũ mà tiền-kiếp của Mahāmoggallāna đã tạo trong thời quá-khứ xa xưa. 

Nghe Đức-Phật truyền dạy như vậy, chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Phật thuyết dạy về tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna. 

* Ác-nghiệp cũ của Ngài Đại-Trưởng-lão 

Tiền-kiếp xa xưa của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, là người con trai thật sự chí hiếu đối với mẹ cha già đui mù. Mẹ cha khuyên bảo người con trai nên có vợ để đỡ đần công việc trong nhà, còn người con trai lo công việc đồng áng bên ngoài, nhưng người con trai đã nhiều lần khước từ không chịu lấy vợ, chỉ muốn tự tay mình lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha già đui mù mà thôi. 

Về sau, mẹ cha khẩn khoản nài nỉ, nên người con vâng lời mẹ cha chấp thuận lấy vợ. 

Người vợ về nhà phục vụ mẹ cha chồng được thời gian ngắn, người vợ không chịu ở chung với mẹ cha chồng. 

Người con trai đã khuyên bảo người vợ cố gắng phục vụ mẹ cha đui mù, nhưng người vợ không chịu nghe lời khuyên bảo của chồng. 

Về sau, để chiều theo ý vợ, người con trai lừa dối cha mẹ, chở cha mẹ đui mù trên chiếc xe bò đi thăm người bà con. Khi đến khu rừng, người con cho dừng xe lại rồi bước xuống xe, để cha mẹ đui mù ngồi trên xe chờ đợi. 

Một lát sau, người con trai giả làm bọn cướp đến đánh đập mẹ cha già đui mù chết, đã tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội (ānantariyakamma) giết mẹ, giết cha của mình, rồi đem xác mẹ cha ném vào trong rừng. 

Sau khi người con trai ấy chết, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết mẹ, giết cha ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều đại-kiếp trái đất, mới thoát ra khỏi cõi đại-địa-ngục. 

Do năng lực của ác-nghiệp ấy còn dư sót, nên tái-sinh kiếp sau trong các cõi tiểu-địa-ngục này đến cõi tiểu-địa-ngục kia, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục. 

Do nhờ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, nhưng năng lực của ác-nghiệp ấy còn dư sót, nên phần nhiều kiếp người cũng thường bị người khác đánh đập đến chết, rồi bỏ xác trong bụi cây như vậy. 

* Kiếp chót của ngài Đại-Trưởng-lão Mahā-moggallāna là bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử có phép thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, bị bọn sát nhân đánh đập tan xương nát thịt cho đến gần chết, bọn chúng tưởng Ngài Đại-Trưởng-lão đã chết, nên bọn chúng ném thi thể của Ngài trong bụi cây, rồi bỏ đi về lãnh số tiền 1.000 kahāpaṇa của nhóm tu sĩ ngoại đạo. 

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna sử dụng phép thần-thông gắn liền các bộ phận trong thân thể trở lại, rồi bay đến đảnh lễ Đức-Phật, xin phép tịch diệt Niết-bàn. 

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna bị bọn sát nhân đánh đập đến chết, đó là quả khổ của ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội đánh đập mẹ cha đui mù đến chết mà tiền-kiếp xa xưa của Ngài Đại-Trưởng-lão đã tạo trong kiếp quá-khứ. 

* Đặt trường-hợp, nếu tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã không từng vu khống Ngài Trưởng-lão Nanda là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật quá-khứ, thì kiếp hiện-tại này của Đức-Phật Gotama có bị kỹ nữ Cincāmāṇavikā đến vu khống Đức-Phật như vậy hay không? 

Nếu tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā-Moggallāna đã không từng đánh đập mẹ cha mù của Ngài đến chết, thì kiếp hiện-tại này của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna có bị bọn sát nhân đến tìm đánh đập Ngài Đại-Trưởng-lão tan xương đến chết như vậy hay không? 

* Kỹ nữ Cincāmāṇavikā vu khống Đức-Phật Gotama, tạo khẩu ác-nghiệp, sau khi kỹ nữ Cincāmāṇavikā chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục chịu quả khổ trải qua suốt nhiều đại-kiếp trái đất. 

* Bọn sát nhân và nhóm tu sĩ ngoại đạo giết hại Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna là bậc Thánh A-ra-hán, tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội, sau khi bọn chúng chết, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục chịu quả khổ trải qua suốt nhiều đại-kiếp trái đất. 

Nghiệp và quả của nghiệp thật là công bằng, không hề thiên vị một ai cả. 

Cho nên, dù Đức-Phật Gotama, dù Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, cũng không thể tránh khỏi ác-nghiệp nào có cơ hội cho quả khổ của ác-nghiệp ấy, huống hồ những người bình thường như chúng ta, thì làm sao tránh khỏi được mỗi khi ác-nghiệp nào có cơ hội cho quả khổ của ác-nghiệp ấy? 

Con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu 

Cõi Nam-thiện-bộ-châu đó là quả địa cầu mà mọi người đang sinh sống hằng ngày đêm. 

Tất cả mọi chúng-sinh nói chung, mọi người nói riêng, mỗi người đều đã tạo vô số đại-thiện-nghiệp và vô số ác-nghiệp, các nghiệp ấy đều được lưu trữ ở trong tâm sinh rồi diệt từ kiếp này sang kiếp kia trong vòng tử sinh luân-hồi từ vô thủy trải qua vô số kiếp quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại này. Tất cả mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp ấy được lưu trữ trọn vẹn ở trong tâm không hề mất mát một mảy may nào cả, dù cho thân có khác nhau thay đổi theo mỗi kiếp. 

Hưởng quả-báu an-lạc của đại-thiện-nghiệp 

Nếu đại-thiện-nghiệp của mình có cơ hội cho quả tốt trong kiếp hiện-tại, thì khiến những người khác đem lại quả an-lạc cho chủ-nhân của đại-thiện-nghiệp, hưởng được mọi sự an-lạc trong cuộc sống hằng ngày. 

Chủ-nhân phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ thừa hưởng những quả-báu ấy, được hạnh phúc an-lạc trong cuộc sống như người thừa kế quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp, bởi vì đó là quả-báu của đại-thiện-nghiệp của mình. 

Cơ hội hy hữu thực-hành pháp nhẫn-nại 

Nếu ác-nghiệp cơ hội cho quả xấu trong kiếp hiện-tại, thì khiến những người khác đem lại quả khổ như vu oan giá họa, chửi rủa mắng nhiếc, đánh đập hành hạ, v.v… cho chủ-nhân của ác-nghiệp, người ấy phải chịu đựng mọi nỗi khổ trong cuộc sống, như người thừa kế quả khổ của ác-nghiệp mà người ấy đã tạo. 

Đó là cơ hội tốt rất hiếm có đối với chủ-nhân của ác-nghiệp ấy để phát sinh đại-thiện-tâm có vô-sân tâm-từ thực-hành pháp nhẫn-nại đó là adosacetasika: vô-sân tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm có tâm-từ không oan trái với mọi người, không tự làm khổ mình, không làm khổ mọi người, giữ gìn thân tâm của mình, của mọi người thường được an-lạc. 

Đức-Phật dạy rằng: 

“Khantī paramaṃ tapo titikkhā” 

Pháp nhẫn-nại là đức tính cao thượng. 

Như vậy, chủ-nhân của ác-nghiệp có được pháp nhẫn-nại là do nương nhờ nơi người nào? 

– Do nương nhờ nơi người ác bị sai khiến bởi ác-nghiệp của chủ nhân có cơ hội cho quả khổ, có đúng vậy hay không? 

Nếu đúng như vậy thì người ác ấy là người đáng thương hay đáng ghét của chủ-nhân ác-nghiệp. 

Chủ-nhân của ác-nghiệp có trí-tuệ sáng suốt bình tĩnh suy xét rằng: 

Bởi vì ác-nghiệp cũ của ta có cơ hội cho quả khổ, nên khiến người ấy đến làm khổ ta như vậy. 

– Nếu ta trả thù lại người ấy, thì sự oan trái của ta với người ấy không thể dập tắt được. 

Như vậy, ta là người chịu quả khổ của ác-nghiệp cũ, lại còn tạo thêm ác-nghiệp mới nữa. 

– Nếu ta thực-hành pháp nhẫn-nại vô-sân có tâm-từ tha lỗi người ấy, thì sự oan trái của ta với người ấy bị dập tắt ngay. 

Như vậy, ta chỉ là người chịu quả khổ của ác-nghiệp cũ mà thôi, mà lại có cơ hội thực-hành pháp nhẫn-nại cao thượng, thật là diễm phúc biết dường nào! 

Hơn nữa, các hàng thanh-văn đệ-tử, ai cũng đều có mục đích cứu cánh Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài. 

Để đạt đến mục đích cứu cánh Niết-bàn, mỗi hành-giả cần phải thực-hành đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật,   để hỗ trợ cho pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. 

Trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật ấy, có 9 pháp-hạnh là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật, pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật, pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật, pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật, pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật, hành-giả chủ động thực-hành pháp-hạnh ba-la-mật nào bất cứ lúc nào tùy theo khả năng của mình. Nhưng mà riêng pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, thì khi nào hành-giả bỗng nhiên bị động gặp phải đối-tượng xấu, có người nào liều mạng đến làm khổ hành-giả như vu oan giá họa, chửi rủa mắng nhiếc, đánh đập hành hạ, v.v … thì chỉ khi ấy, hành-giả mới có cơ hội tốt hiếm có thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật được. 

Như vậy, hành-giả có cơ hội tốt rất hiếm có thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật là do nương nhờ nơi người nào? 

– Do nương nhờ nơi người ác bị sai khiến bởi ác-nghiệp của hành-giả có cơ hội cho quả khổ, có đúng vậy hay không? 

Nếu đúng là như vậy thì người ác ấy là bậc đại ân-nhân hay kẻ thù của hành-giả? 

Hành-giả có trí-tuệ sáng suốt bình tĩnh suy xét rằng: 

Hành-giả cần phải có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật để hỗ trợ cho pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài. 

Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật, nếu hành-giả chưa thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, thì hành-giả vẫn chưa giải thoát khổ được. 

Nay, có người ác liều mạng đến làm khổ hành-giả, đó là cơ hội tốt rất hiếm có giúp hành-giả thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật. 

Do suy xét đúng đắn như vậy, nên hành-giả phát sinh đại-thiện-tâm vô-sân, có tâm-từ hỗ trợ thực-hành pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật được thành-tựu như ý. 

Như vậy, người ác liều mạng đến làm khổ hành-giả, đã trở thành bậc đại ân-nhân của hành-giả.