Quyển 4 - Nghiệp Và Quả Của Nghiệp (tái bản)

PHẦN II – ĀSANNAKAMMA: CẬN-TỬ-NGHIỆP

By Nền Tảng Phật Giáo

July 08, 2020

2.2- Āsannakamma: Cận-tử-nghiệp

Thế nào gọi là cận-tử-nghiệp?

Nghiệp nào phát sinh lúc gần lâm chung, nghiệp ấy gọi là cận-tử-nghiệp (āsannakamma) đó là 12 bất-thiện- nghiệp (12 ác-nghiệp) trong 12 bất-thiện-tâm (12 ác- tâm) và 8 dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp) trong 8 dục-giới thiện-tâm (8 đại-thiện-tâm).

Cận-tử-nghiệp có 2 loại:

2.2.1- Bất-thiện cận-tử-nghiệp (akusala āsannakamma) đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm).

2.2.2- Đại-thiện cận-tử-nghiệp (kusala āsannakamma) đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm (8 đại-thiện-tâm).

Cận-tử-nghiệp phát sinh lúc gần lâm chung có 2 trường-hợp:

1- Trường-hợp thứ nhất: đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm hoặc ác-nghiệp trong 12 ác-tâm nhớ lại trong lúc gần lâm chung.

Āsanne anussaritaṃ āsannaṃ: đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm nào hoặc ác-nghiệp trong ác-tâm nào mà người bệnh nhớ lại trong lúc gần lâm chung.

Sau đó không lâu người ấy chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm ấy hoặc ác-nghiệp trong ác-tâm ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi- sandhikāla), tùy theo quả của nghiệp ấy.

* Nhớ đến đại-thiện-nghiệp lúc lâm chung

Một người đã từng tạo đại-thiện-nghiệp nào trong kiếp hiện-tại đã từ lâu không còn nhớ, đến lúc lâm chung, tự mình hồi tưởng nhớ đến phước-thiện ấy, hoặc có người thân bên cạnh nhắc nhở để nhớ đến phước- thiện ấy. Phước-thiện ấy gọi là đại-thiện-nghiệp được nhớ lại lúc lâm chung.

Sau đó người bệnh ấy chết, chính đại-thiện-nghiệp ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái- sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới (cõi người hoặc cõi trời dục-giới) hưởng mọi quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy trong cõi thiện-dục-giới ấy cho đến hết tuổi thọ.

Ví dụ: Ông A đã từng cùng chung với các thí-chủ khác tạo phước-thiện lễ dâng y kathina đến chư tỳ- khưu-Tăng tại một ngôi chùa. Thời gian đã trải qua nhiều năm, ông A không còn nhớ đến phước-thiện lễ dâng y kathina ấy.

Nghe tin ông A đang lâm bệnh nặng trầm trọng, ông B vốn là người bạn thân thiết đến thăm ông A, cũng là người đã cùng chung với ông A tạo phước-thiện lễ dâng y kathina năm xưa. Nhân dịp này, ông B nhắc lại cho ông A nhớ lại phước-thiện lễ dâng y kathina đến chư tỳ- khưu-Tăng năm xưa tại ngôi chùa ấy.

Lắng nghe ông B nhắc đến phước-thiện ấy, ông A liền phát sinh đại-thiện-tâm hồi tưởng nhớ lại phước-thiện của buổi lễ dâng y kathina ấy, nên phát sinh đại-thiện- tâm vô cùng hoan hỷ trong phước-thiện ấy.

Sau đó không lâu ông A từ trần. Sau khi ông A chết, chính đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm mà ông A nhớ lại lúc lâm chung ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Đó là trường-hợp người bệnh nhớ lại đại-thiện-nghiệp lúc lâm chung.

*  Nhớ đến ác-nghiệp lúc lâm chung

Tích Erakapattanāgarājāvatthu(1)

Tích Erakapattanāgarājāvatthu được tóm lược như sau:

Vị tỳ-khưu trẻ trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa, một hôm đi thuyền trên dòng sông Gangā, nước chảy xiết, vị tỳ-khưu trẻ nắm lấy lá cỏ bên bờ sông làm đứt lá cỏ. (nếu phạm điều-giới thì phạm điều-giới nhẹ).

Sau đó, vị tỳ-khưu ấy không có cơ hội gặp một vị tỳ- khưu khác để sám hối āpatti.

Về sau, vị tỳ-khưu ấy không còn nhớ đến việc làm đứt lá cỏ ấy nữa.

Suốt cuộc đời xuất gia hành phạm-hạnh của vị tỳ-khưu ấy, thời gian trải qua rất nhiều năm, trong thời-kỳ Đức- Phật Kassapa.

Đến lúc lâm chung, hiện tượng hình ảnh lá cỏ bị đứt năm xưa hiện ra trong tâm, vị tỳ-khưu nhớ lại trong thời-kỳ quá khứ xa xưa ấy đã từng làm đứt lá cỏ bên bờ sông mà chưa có cơ hội sám hối āpatti.

Ngay lúc ấy, vị tỳ-khưu ấy muốn sám hối āpatti ấy, nhưng không có vị tỳ-khưu nào tại đó. Cho nên vị tỳ- khưu ăn năn hối hận về lỗi của mình, tự nghĩ mình là người có giới không trong sạch.

Vì vậy, sau khi vị tỳ-khưu tịch, ác-nghiệp ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị Long- vương có tên là Erakapattanāgarājā: (Long-vương Eraka- patta (lá cỏ), từ thời-kỳ Đức-Phật Kassapa cho đến thời- kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, vẫn chưa thoát khỏi kiếp Long vương.

Đó là trường-hợp vị tỳ-khưu bệnh nhớ lại ác-nghiệp của mình lúc lâm chung .

2-   Trường hợp thứ nhì: đại-thiện-nghiệp hoặc ác- nghiệp được tạo trong lúc lâm chung.

Āsanne kataṃ āsannaṃ: đại-thiện-nghiệp nào hoặc ác-nghiệp nào mà người bệnh tạo trong lúc lâm chung, đại-thiện-nghiệp ấy hoặc ác-nghiệp ấy có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), tùy theo quả của nghiệp ấy.

*  Đại-thiện-nghiệp được tạo trong lúc lâm chung

Ví dụ: Tích sư phụ của Ngài Trưởng-lão Soṇa(2)

Ngài Trưởng-lão Soṇa ở tại ngôi chùa Acelavihāra dưới chân núi Soṇagiri. Thân phụ của Ngài Trưởng-lão hành nghề săn bắn thú rừng để nuôi mạng. Ngài Trưởng-lão đã khuyên thân phụ từ bỏ nghề săn bắn thú rừng, rồi hành nghề lương thiện khác nuôi mạng, nhưng thân phụ của Ngài Trưởng-lão đã quen với nghề này vả lại không biết nghề khác, cho nên ông  vẫn  tiếp  tục hành nghề ấy nuôi mạng.

Đến lúc tuổi già sức yếu, thân phụ của Ngài Trưởng- lão Soṇa không thể hành nghề săn bắn thú rừng được nữa. Ngài Trưởng-lão Soṇa khuyên thân phụ xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Sau khi trở thành tỳ-khưu, sư phụ của Ngài Trưởng- lão vì tuổi già sức yếu, khi thực-hành pháp-hành thiền- định, pháp-hành thiền-tuệ tâm vẫn chưa được ổn định.

Khi bị lâm bệnh nặng trầm trọng, trước lúc lâm chung, sư phụ của Ngài Trưởng-lão thấy những hiện tượng ác- nghiệp sát-sinh trong thời quá khứ hiện ra trong tâm, làm cho sư phụ của Ngài Trưởng-lão kinh hoảng kêu la, nhờ Ngài Trưởng-lão Soṇa xua đuổi.

Ngài Trưởng-lão Soṇa nghĩ rằng: “Nếu sư phụ tịch (chết) trong lúc này, chắc chắn ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì khó tránh khỏi tái-sinh trong cõi địa-ngục, ta phải tìm cách hóa giải đối-tượng xấu của ác-nghiệp ấy.”

Ngài Trưởng-lão Soṇa bảo vị sa-di đem lại cho Ngài một ít cành hoa, và nhờ người khiêng sư phụ nằm trên chiếc gường đem lên đặt trên nền ngôi Bảo-tháp, rồi Ngài Trưởng-lão trao những cành hoa để cho sư phụ cúng dường đến ngôi Bảo Tháp, và hướng dẫn sư phụ đem hết lòng thành kính bạch rằng:

-“Kính bạch Đức-Thế-Tôn, đây là những cành hoa, lễ vật mọn của con, con đem hết lòng thành kính dâng  cúng dường lên ngôi Bảo Tháp thờ Đức-Thế-Tôn.”

Sư phụ đã làm theo sự hướng dẫn của Ngài Trưởng- lão. Thật phi thường! Ngay khi ấy, đối-tượng xấu của ác-nghiệp kia biến mất, thay bằng đối-tượng những cảnh đẹp ở trên cõi trời, lâu đài nguy nga, những thiên-nữ hiện ra hầu hạ.

Sư phụ của Ngài Trưởng-lão phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng:

“Các cô thiên-nữ đã đến rồi!”

Nghe vậy, Ngài Trưởng-lão Soṇa nghĩ rằng: “Cõi trời dục-giới đã hiện ra với sư phụ rồi.”

Sau khi sư phụ của Ngài Trưởng-lão tịch, nhờ đại- thiện-nghiệp cúng dường ấy trong đại-thiện-tâm phát sinh trong lúc lâm chung có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới ấy, hưởng mọi quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Đó là trường hợp bệnh nhân tạo đại-thiện-nghiệp trong lúc lâm chung.

*  Ác-nghiệp được tạo lúc lâm chung:

Ví dụ: Ông A để tâm hận thù ông B từ lâu. Một hôm, ông A gặp ông B, hai người cãi lộn, gây gỗ lẫn nhau. Ông A tức giận đánh ông B, ông B lấy dao đâm ông A bị thương nặng rồi chết.

Sau khi ông A chết, ác-nghiệp hận thù trong sân-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả  ác-nghiệp  trong  sân-tâm  gọi  là  tái-sinh-tâm  (paṭi- sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi địa- ngục, chịu quả khổ cho đến lúc mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Đó là trường hợp ác-nghiệp hận thù được tạo trong lúc lâm chung.

Hoặc những người đang uống rượu, bia, các chất say, hoặc đang say mê với tham-tâm trong sắc đẹp, tiếng  hay, mùi thơm, vị ngon, xúc thỏa thích, … .

Ngay khi ấy bị xảy ra tai nạn rồi chết đột ngột. Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả  trong  thời-kỳ  tái-sinh  kiếp  sau  (paṭisandhikāla)  có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a- su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến lúc mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Đó là trường hợp ác-nghiệp tham muốn được tạo trong lúc lâm chung.

Trong 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả nhất định, nếu không có loại trọng-yếu-nghiệp (garukakamma) và cũng không có loại cận-tử-nghiệp (āsannakamma) thì loại thường-hành-nghiệp (āciṇṇakamma) có quyền ưu tiên, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau.