Đối Tượng Tứ Oai Nghi

 Phần II – NGHI LỄ THỌ PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ

By Nền Tảng Phật Giáo

July 05, 2020

 Phần II

NGHI LỄ THỌ PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ

 Phàm khởi đầu công việc gì trong tôn giáo, điều trước tiên phải có nghi lễ để tỏ lòng tôn kính, có niềm tin vững chắc; việc tiến hành thiền tuệ lại càng thiết yếu hơn. Khi Ðức Phật còn hiện tiền, các hàng đệ tử nào, nếu có cơ hội đến xin thọ pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ từ nơi Ðức Phật; còn không, thì đến xin thọ pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ từ vị đại Trưởng Lão, vị Trưởng Lão, vị Ðại Ðức v.v…

Như vậy, nghi lễ thọ pháp hành là việc làm theo truyền thống từ thời kỳ Ðức Phật cho đến nay, tất cả mọi người Phật tử là bậc xuất gia, cũng như hàng tại gia nghiêm chỉnh làm theo một cách tôn kính với đức tin trong sạch nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.

Trước khi làm lễ thọ pháp hành thiền tuệ, nếu hành giả là người cận sự nam hoặc cận sự nữ nên thọ trìTam quy 8 giới phần đầu hành phạm hạnh từ vị thiền sư.

Ðể cho thân, khẩu, ý được trong sạch, hành giả nên làm lễ sám hối tội lỗi của mình trước vị thiền sư chứng minh, để tránh được sự tai hại do xúc phạm đến Tam bảo hoặc các bậc có giới đức trong sạch.

1- Nghi Thức Sám Hối

Hành giả nên sám hối rằng:

Kính bạch Ðại Ðức, xin phép Ngài, con xin thành tâm sám hối những lỗi lầm do cố ý hoặc vô ý phạm đến Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Tam bảo cùng các bậc Thầy Tổ, từ trước cho đến hiện tại này. Kể từ nay về sau, con hết sức cố gắng thu thúc không để tái phạm.

Kính xin Ngài chứng minh cho con, xin Ngài từ-bi chấp nhận những lỗi lầm của con. Bạch Ngài.

Do tác ý thiện tâm này, khiến cho tất cả mọi điều tai hại không xảy đến với con; nguyện vọng thực hành pháp hành thiền tuệ mong giải thoát khổ tử sanh luân hồi của con cho sớm được thành tựu.

(Ðảnh lễ 3 lần)

Vị Ðại Ðức thiền sư khuyên dạy rằng:

Này hành giả, con đã nhận biết lỗi lầm do cố ý hoặc vô ý phạm đến Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Tam bảo cùng các bậc Thầy Tổ, từ trước cho đến hiện tại này. Sư chứng minh và chấp nhận sự thành tâm sám hối, sửa chữa của con.

Vậy, kể từ nay về sau, con phải nên cố gắng thu thúc thân khẩu ý tránh không để tái phạm. Người nào nhận biết được lỗi lầm của mình, biết sám hối sửa chữa đúng theo pháp luật của Ðức Phật, thì người ấy chắc chắn sẽ tiến hóa mọi thiện pháp trong giáo pháp của Ðức Phật.

Hành giả bạch: Sādhu! Bhante! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Bạch Ngài.

2- Nghi Lễ Thọ Tam Quy Cùng Tám Giới Hành Phạm Hạnh

Hành giả đảnh lễ vị thiền sư, xin thọ trì Tam quy cùng 8 giới phần đầu hành phạm hạnh như sau:

Ahaṃ [1] Bhante, tisaraṇena saha, ājīvaṭṭhamakasīlaṃ dhammaṃ yācāmi [2] , anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me [3] Bhante.

Dutiyampi, Ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, ājīvaṭṭhamakasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me Bhante.

Tatiyampi, Ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, ājīvaṭṭhamakasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me Bhante.

Kính bạch Ðại Ðức, con xin thọ trì Tam quy cùng chánh mạng đệ bát giới, kính xin Ðại Ðức từ bi truyền Tam quy cùng chánh mạng đệ bát giới cho con, Bạch Ngài.

Kính bạch Ðại Ðức, con xin thọ trì Tam quy cùng chánh mạng đệ bát giới, kính xin Ðại Ðức từ bi truyền Tam quy cùng chánh mạng đệ bát giới cho con, lần thứ nhì, Bạch Ngài.

Kính bạch Ðại Ðức, con xin thọ trì Tam quy cùng chánh mạng đệ bát giới, kính xin Ðại Ðức từ bi truyền Tam quy cùng chánh mạng đệ bát giới cho con, lần thứ ba, Bạch Ngài.

Hành giả đảnh lễ vị thiền sư 3 lần.

* Vị thiền sư hướng dẫn hành giả rằng:

Ts [4] :- Yamahaṃ vandāmi, taṃ vadehi.

(Sư đọc đúng câu nào, con nên đọc theo đúng câu ấy).

Nếu có nhiều hành giả thì:

Ts:- Yamahaṃ vandāmi, taṃ vadetha.

(Sư đọc đúng câu nào, các con nên đọc theo đúng câu ấy)

Hg [5] :- Āma, Bhante. (Dạ xin vâng, Bạch Ngài).

Ts:- Namo tassa Bhagavato Arahato Sammā-sambuddhassa. (3lần)

(Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bậc A-ra-hán, bậc Chánh Ðẳng Giác).

Hg:- Namo tassa Bhagavato Arahato Sammā-sambuddhassa. (3lần)

Vị Ðại Ðức thiền sư truyền đúng từng chữ từng câu chấm dứt, hành giả đọc lặp theo đúng từng chữ từng câu như sau:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi, Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dutiyampi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dutiyampi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi, Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Tatiyampi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Tatiyampi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Ts:- Tisaraṇagamanaṃ paripunnaṃ.

Hg:- Āma, Bhante.

Chánh mạng đệ bát giới:

1- Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 2- Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 3- Kāmesumicchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 4- Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 5- Pisuṇavācā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 6- Pharusavācā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 7- Samphappalāpā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi. 8- Micchājīvā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Ts:- Tisaranena saha ājīvaṭṭhamakasīlaṃ dhammaṃ sādhukaṃ katvā, appamādena sampādehi [6] .

Hg:- Āma, Bhante.

Tam quy:

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật. Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp. Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ nhì. Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ nhì. Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ nhì.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ ba. Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ ba. Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ ba.

Ts:- Nghi thức quy y Tam bảo đầy đủ chỉ có bấy nhiêu!

Hg:- Bạch Ngài, Dạ xin vâng.

Chánh mạng đệ bát giới (Ājīvaṭṭhamakasīla)

1- Con xin thọ trì điều học, là tác ý tránh xa sự sát sanh. 2- Con xin thọ trì điều học, là tác ý tránh xa sự trộm cắp. 3- Con xin thọ trì điều học, là tác ý tránh xa sự tà dâm. 4- Con xin thọ trì điều học, là tác ý tránh xa sự nói dối. 5- Con xin thọ trì điều học, là tác ý tránh xa sự nói lời chia rẽ. 6- Con xin thọ trì điều học, là tác ý tránh xa sự nói lời thô tục. 7- Con xin thọ trì điều học, là tác ý tránh xa sự nói lời vô ích. 8- Con xin thọ trì điều học, là tác ý tránh xa cách sống tà mạng.

Ts :- Con đã thọ trì Tam quy cùng chánh mạng đệ bát giới, con nên cố gắng giữ gìn cho được trong sạch làm nền tảng, để hoàn thành mọi phận sự Tứ thánh đế bằng pháp không dể duôi, tiến hành Tứ niệm xứ.

Hg:- Bạch Ngài, Dạ xin vâng.

Nhận xét về giới ājīvaṭṭhamakasīla:

Hành giả là bậc xuất gia Tỳ khưu, Sa di hoặc hàng tại gia, cận sự nam, cận sự nữ đều phải hành giới hạnh tuỳ theo địa vị của mình, và còn phải hành thêm giới ājīvaṭṭhamakasīla này nữa.

Vậy, giới ājīvaṭṭhamakasīla như thế nào?

Giới ājīvaṭṭhamakasīla là gồm 8 giới, giới thứ 8 tránh xa cách sống tà mạng, nghĩa là sống chánh mạng, do đó gọi ājīvaṭṭhamakasīla: chánh mạng đệ bát giới.

Chánh mạng đệ bát giới có 8 giới là chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mạng như sau:

1- Tránh xa sự sát sanh, 2- Tránh xa sự trộm cắp, 3- Tránh xa sự tà dâm, 3 giới này thuộc về chánh nghiệp. 4- Tránh xa sự nói dối, 5- Tránh xa sự nói lời chia rẽ, 6- Tránh xa sự nói lời thô tục, 7- Tránh xa sự nói lời vô ích, 4 giới này thuộc về chánh ngữ. 8- Tránh xa cách sống tà mạng, sống theo chánh mạng thuộc về chánh mạng.

Như vậy, chánh mạng đệ bát giới; này gồm có chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mạng thuộc về phần giới trong Bát Chánh Ðạo.

Ba chánh: chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mạng này là 3 tâm sở sanh riêng biệt trong dục giới đại thiện tâm,mỗi tâm sở có đối tượng khác nhau. Nhưng 3 tâm sở này chắc chắn đồng sanh cùng nhau trong siêu tam giới tâm (Thánh Ðạo Tâm và Thánh Quả Tâm) Niết Bàn là đối tượng; cho nên, ājīvaṭṭhamakasīla (chánh mạng đệ bát giới) này còn gọi là ādibrahmacariyakasīla [7] : Giới hành đạo phạm hạnh phần đầu.

Thật vậy, hành giả tiến hành thiền tuệ cần phải có giới ājīvaṭṭhamakasīla hoàn toàn trong sạch trọn vẹn trước tiên làm nền tảng; nghĩa là phải có thân hành thiện: thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; khẩu hành thiện: không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời thô tục, không nói lời vô ích; và sống theo chánh mạng, trước tiên làm nền tảng để cho định tuệ phát sanh.

Nếu hành giả có ājīvaṭṭhamakasīla không trong sạch trọn vẹn, thì địnhtuệ không phát sanh, làm sao chứng đắc Thánh Ðạo — Thánh Quả được!

Ðức Phật dạy:

“Pubbeva kho panassa kāyakammaṃ vacīkammaṃ ājīvo suparisuddho hoti…”. [8] “Trước tiên, hành giả phải có thân nghiệp, khẩu nghiệp; chánh mạng hoàn toàn trong sạch trọn vẹn …”.

Ðó chính là ājīvaṭṭhamakasīla hoặc ādibrahmacariyakasīla làm nền tảng căn bản để cho định tuệ phát sanh, tăng trưởng đến giai đoạn cuối là chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả Niết Bàn.

Cho nên, đối với hành giả dầu bậc xuất gia là Tỳ khưu có Tỳ khưu giới; là Sa di có Sa di giới; là cận sự nam, cận sự nữ có ngũ giới; bát giới; thập giới, và còn phải nghiêm chỉnh hành trì giới ājīvaṭṭhamakasīla hoàn toàn trong sạch, trọn vẹn để làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.

3- Nghi Lễ Hiến Dâng Sanh Mạng

Sanh mạng rất quý giá đối với mỗi chúng sinh nói chung, con người nói riêng; song chánh pháp còn quý giá hơn sanh mạng.

Hành giả có ý nguyện cầu chánh pháp, nên hiến dâng sanh mạng của mình, vì sự lợi ích lớn lao, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.

3.1- Hiến dâng sanh mạng đến Ðức Phật

Hành giả tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ một mình nơi thanh vắng, có khi phát sanh sợ hãi hoặc các hàng phi nhân quấy nhiễu hoặc các loài thú dữ có thể làm hại đến sanh mạng, làm cản trở việc tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ của mình.

Ðể tránh những trở ngại cho việc tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ, hành giả phải nên đến hầu Ðức Thế Tôn thành kính dâng sanh mạng của mình đến Ngài, trước khi tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ, đọc lời hiến dâng sanh mạng như sau:

Imāhaṃ Bhagavā attabhāvaṃ tumhākaṃ pariccajāmi. [9] (3 lần) Kính bạch Ðức Thế Tôn, con xin thành kính hiến dâng lên Ngài sanh mạng này của con.

Sau khi hành giả đã hiến dâng sang mạng của mình đến Ðức Thế Tôn xong rồi, nên phát sanh đức tin trong sạch trọn vẹn nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Tam bảo, vì vậy, sanh mạng được an toàn, sự tiến hành thiền tuệ được thuận lợi, phát triển, tiến hóa trong thiện pháp.

Ðức Phật dạy:

“Dhammo have rakkhati dhammacāriṃ…”. [10] “Thật vậy, thiện pháp hộ trì người hành pháp…”.

3.2- Hiến dâng sanh mạng đến vị thiền sư

Hành giả tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ, nếu chưa hiểu biết rõ tường tận về pháp hành, chưa có kinh nghiệm về pháp hành, chưa biết nhận xét thế nào là hành đúng, thế nào là hành sai, mà ngộ nhận, phát sanh tâm ngã mạn, khó dạy,… như vậy, thì thiện pháp không tăng trưởng.

Ðể cho thiện pháp tăng trưởng, hành giả phải đến gần gũi thân cận với vị thiền sư thông thạo về pháp học, đầy đủ kinh nghiệm về pháp hành, để nương nhờ đúng theo nghi lễ như sau:

Imāhaṃ Bhante attabhāvaṃ tumhākaṃ pariccajāmi. [11] (3 lần) “Kính bạch Ngài Ðại Ðức, con xin thành kính dâng đến Ngài sanh mạng này của con”.

Hành giả có đức tin trong sạch trọn vẹn nơi vị thiền sư, đã hiến dâng sanh mạng của mình, nương nhờ vị thiền sư rồi; hành giả là người dễ dạy, biết vâng lời vị thiền sư, Ngài chỉ dẫn thế nào, hành giả nên hành theo thế ấy.

Hành giả sau khi đã làm lễ hiến dâng sang mạng đến Ðức Phật để được an toàn sanh mạng, tránh điều trở ngại cho việc tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ; và đã làm lễ hiến dâng sanh mạng đến vị thiền sư, để tỏ ra là người đệ tử dễ dạy, biết vâng lời chỉ dẫn của vị thiền sư.

3.3- Nghi lễ thọ pháp hành thiền tuệ:

Chánh Pháp của Ðức Phật gồm có pháp học, pháp hành và pháp thành: 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Ðể tỏ lòng tôn kính Pháp bảo, người đệ tử, hành giả cần phải làm Lễ Cầu Pháp, với tâm tôn kính, trang nghiêm như sau:

Nibbānassa me Bhante sacchikaraṇatthāya vipassanākammaṭṭhānaṃ detha. (3 lần) “Kính bạch Ðại Ðức, kính xin Ngài từ-bi tế độ truyền dạy cho con pháp hành thiền tuệ để thực hành, hầu mong chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ sanh”.

Nghi lễ thọ pháp hành thiền tuệ xong. Vị thiền sư tận tâm truyền dạy, hướng dẫn pháp hành thiền tuệ cho hành giả.

3.4- Cúng dường Tam bảo và phát nguyện:

Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo là nơi quy y nương nhờ cao cả nhất đối với các hàng Phật tử. Ðể tỏ lòng tôn kính ngôi Tam bảo, người Phật tử ngày đêm thường lễ bái cúng dường, Ðức Phật dạy cúng dường có 2 cách:

Āmisapūjā: cúng dường bằng phẩm vật như: trầm thơm, cành hoa… cúng Ðức Phật, Ðức Pháp, và những thứ vật dụng cúng dường đến chư Ðại Ðức Tăng.

Paṭipattipūjā: cúng dường bằng pháp hành giới, định, tuệ…

Trong hai cách cúng dường này, Ðức Phật tán dương ca tụng cách cúng dường bằng cách hành pháp gọi là cách cúng dường cao thượng nhất.

Nhưng đến khi Ðức Phật gần tịch diệt Niết Bàn, Ngài dạy chỉ có cách hành pháp mới thật là cúng dường Ðức Phật một cách cao thượng nhất mà thôi.

Như trong bộ chú giải Pháp cú, tích Ðại Ðức Attadattha:

Khi Ðức Phật truyền dạy cho chư Tỳ khưu được rõ, thời gian tịch diệt Niết Bàn của Ngài không còn lâu.

Chư Tỳ khưu, thường đến hầu hạ Ðức Phật với lòng tôn kính yêu thương, riêng Ðại Ðức Attadattha nghĩ: “Ðức Thế Tôn còn thời gian không lâu sẽ tịch diệt Niết Bàn, còn ta vẫn chưa diệt được tham ái, ta nên cố gắng tiến hành thiền tuệ, chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Ðạo — A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, khi Ðức Thế Tôn còn hiện tiền”. Nghĩ vậy, Ngài ở nơi thanh vắng một mình để tiến hành thiền tuệ, có số Tỳ khưu chê trách Ngài không biết kính yêu Ðức Phật. Ðức Phật biết rõ điều ấy, nên truyền dạy một Tỳ khưu gọi Tỳ khưu Attadattha đến.

Ðức Phật bèn hỏi Ngài:

Này con, con nghĩ thế nào mà hành động như vậy?

Kính bạch Ðức Thế Tôn, con được nghe biết Ðức Thế Tôn không còn bao lâu nữa sẽ tịch diệt Niết Bàn, con cố gắng tiến hành thiền tuệ để chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Ðạo — A-ra-hán Thánh Quả, trong khi Ðức Thế Tôn còn hiện tiền.

Nghe vậy, Ðức Thế Tôn nói: Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Rồi Ngài dạy:

“Bhikkhave, yassa mayi sineho atthi, tena Attadatthena viya bhavituṃ vaṭṭati. Na hi gandhādīhi pūjentā maṃ pūjenti, dhammā-nudhammapaṭipattiyā pana maṃ pūjenti, tasmā aññenapi Attadatthasadiseneva bhavitabbaṃ”. [12]

(Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu nào có lòng kính yêu Như Lai, Tỳ khưu ấy nên noi gương theo như Tỳ khưu Attadattha. Thật vậy, những người cúng dường bằng hương hoa v.v… chưa phải là cúng dường Như Lai cao thượng. Những người tiến hành theo pháp hành thiền tuệ chứng đắc siêu tam giới pháp, mới thật là cúng dường Như Lai cao thượng. Vì vậy, những người khác nên thực hành giống như Tỳ khưu Attadattha).

Ðến khi Ðức Phật sắp tịch diệt Niết Bàn, chư thiên các cõi trời mang những đóa hoa trời, hương trời, âm thanh trời… đến cúng dường Ðức Phật.

Khi ấy Ðức Phật dạy Ðại Ðức Ānanda:

“Này Ānanda, sự cúng dường những phẩm vật từ cõi trời như thế ấy, chưa phải tỏ lòng tôn kính Như Lai, hay tôn trọng, hay kính yêu, hay cúng dường, hay lễ bái Như Lai.

Này Ānanda, Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ nào theo hành pháp hành thiền tuệ chứng đắc siêu tam giới pháp, cung kính thực hành nghiêm chỉnh theo Giới — Ðịnh — Tuệ, thực hành theo chánh pháp. người ấy mới thật tôn kính Như Lai, tôn trọng, kính yêu, cúng dường, lễ bái Như Lai một cách cao thượng.

Như vậy, này Ānanda, trong Phật giáo này, các con nên học tập rằng: “Chúng ta nên theo hành pháp hành thiền tuệ, chứng đắc siêu tam giới pháp, cung kính thực hành nghiêm chỉnh theo giới — định — tuệ, thực hành theo chánh pháp”. [13]

Ðể tỏ lòng tôn kính tuyệt đối nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, hành giả thành kính cúng dường bằng cách hành pháp đọc bằng lời như sau:

Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Buddhaṃ pūjemi. Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Dhammaṃ pūjemi. Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Saṃghaṃ pūjemi.

Con đem hết lòng thành kính cúng dường đến Ðức Phật bằng pháp hành thiền tuệ này. Con đem hết lòng thành kính cúng dường đến Ðức Pháp bằng pháp hành thiền tuệ này. Con đem hết lòng thành kính cúng dường đến Ðức Tăng bằng pháp hành thiền tuệ này.

Lời phát nguyện (Patthanā):

Mục đích cứu cánh của mình không bị sai lệch, không thay chiều đổi hướng, hành giả phải nên thành tâm đọc lên lời phát nguyện để cho mọi chúng sinh nghe hiểu rõ ý nguyện tha thiết của mình rằng:

Addhā imāya paṭipattiyā jāti-jarā-maraṇamhā parimuccissāmi. (3 lần) (Chắc chắn, bằng pháp hành thiền tuệ này, con sẽ giải thoát khỏi cảnh khổ sanh, lão, tử).

Như vậy, mục đích cứu cánh đã rõ ràng, hành giả tiến hành thiền tuệ không có nguyện vọng gì khác, mà chỉ có một ý nguyện duy nhất là chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát mọi cảnh khổ sanh-lão-tử hoặc giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới, bốn loài mà thôi.

4- Phận Sự Của Vị Thiền Sư

Vị thiền sư như một người bạn thân thiết (kalyāṇamitta) của hành giả, với tâm từ chỉ dẫn, dạy bảo hành giả những sự lợi ích, sự tiến hóa trong pháp hành thiền tuệ.

Vị thiền sư dạy rằng:

– Hành giả là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đã quy y nương nhờ nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng đã thọ trì ājīvaṭṭhamakasīla: chánh mạng đệ bát giới rồi, cần phải giữ gìn giới hạnh của mình cho được trong sạch trọn vẹn, để làm nền tảng vững chắc cho pháp hành.

– Hành giả đã xin thụ giáo pháp hành thiền tuệ rằng: “Nibbānassa me Bhante sacchikaraṇatthāya vipassanākammaṭṭhānaṃ detha”.

Vipassanākammaṭṭhāna nghĩa là gì?

Vipassanākammaṭṭhāna gồm có 2 từ ghép:

Vipassanā: là trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp.

Kammaṭṭhāna: đối tượng danh pháp sắc pháp thuộc chân nghĩa pháp (paramatthadhamma) là đối tượng của pháp hành thiền tuệ.

Vipassanā kammaṭṭhāna: trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Trước tiên hành giả cần phải học hỏi, cho hiểu biết rõ tường tận các danh pháp, các sắc pháp thuộc chân nghĩa pháp (paramatthadhamma) để làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ, đó là điều tối quan trọng hàng đầu.

Nếu hành giả sử dụng đối tượng danh pháp, sắc pháp thuộc chế định pháp (paññattidhamma) làm đối tượng của pháp hành, thì kết quả chắc chắn không dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo — 4 Thánh Quả và Niết Bàn — giải thoát khổ sanh…

Bởi vậy cho nên, hành giả cần phải học hỏi cho hiểu biết rõ tường tận mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp thuộc chân nghĩa pháp, để sử dụng làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ, và cần phải hiểu biết rõ phương pháp tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung đạo. Ðó cũng là điều tối quan trọng. Bởi vì, nhờ sự hiểu biết đúng đắn, hành giả mới có thể hành theo đúng được.

Tất cả mọi danh pháp sắc pháp trong tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) đều có thể làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ trong giai đoạn đầu; trí tuệ thiền tuệ tiến triển đến giai đoạn cuối, mới có Niết Bàn làm đối tượng của Thánh Ðạo Tâm Thánh Quả Tâm.

Như vậy, tất cả mọi danh pháp sắc pháp trong tam giới làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ đều có giá trị như nhau, không hơn không kém. Cho nên, hành giả không nên coi trọng danh pháp sắc pháp này, coi khinh danh pháp sắc pháp kia, để tâm trung dung trong mọi đối tượng, để tránh được tâm tham, hài lòng trong đối tượng này, và cũng tránh được tâm sân, không hài lòng trong đối tượng kia. Nhờ vậy, sự tiến hành thiền tuệ của hành giả đúng theo Pháp hành Trung đạo.

Bốn oai nghi: oai nghi đi, oai nghi đứng, oai nghi ngồi, oai nghi nằm thuộc về sắc pháp là sắc tứ đại kết hợp, liên quan với nhau, có thể làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt cả đối tượng sắc pháp lẫn chủ thể danh pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ sanh.

Bốn oai nghi là sắc pháp như thế nào?

Oai nghi đi đó là dáng đi, tư thế đi là sắc pháp phát sanh từ tâm gọi là sắc đi.

Oai nghi đứng đó là dáng đứng, tư thế đứng là sắc pháp phát sanh từ tâm gọi là sắc đứng.

Oai nghi ngồi đó là dáng ngồi, tư thế ngồi là sắc pháp phát sanh từ tâm gọi là sắc ngồi.

Oai nghi nằm đó là dáng nằm, tư thế nằm là sắc pháp phát sanh từ tâm gọi là sắc nằm.

(Phần pháp học và pháp hành của đối tượng 4 oai nghi nên xem lại phần trước).

Khi thực tập tiến hành pháp hành thiền tuệ, buổi ban đầu, hàng ngày, hành giả nên đến trình pháp với vị thiền sư, để được sự chỉ dẫn trực tiếp, lắng nghe lời phê bình của vị thiền sư, vâng lời chỉ dẫn, dạy bảo của vị thiền sư, bỏ cách hành sai, hành theo cách hành đúng, cố gắng tinh tấn liên tục, để làm tăng trưởng chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác, làm tiến hoá trí tuệ thiền tuệ tam giới đến trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới.

 -ooOoo-

[1] Nếu có nhiều hành giả thì: Ahaṃ thay bằng Mayaṃ.

[2] Yācāmi thay bằng Yācāma.

[3] Me thay bằng No.

[4] Ts: viết tắt vị “Thiền sư”.

[5] Hg: viết tắt “Hành giả”.

[6] Nếu nhiều hành giả thì: sampādehi thay bằng sampādetha.

[7] Trong bộ Visuddhimagga phần xúc, thọ, tưởng, tư sīlaniddesa.

[8] Majjhimanikāya, bộ Uparipannassa.

[9] Bộ Visuddhimagga, phần Kammaṭṭhānaggahana Niddesa.

[10] Dhammapadaṭṭhakathā….

[11] Bộ Visuddhimagga, phần Kammaṭṭhānaggahana Niddesa.

[12] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Attadatthatheravatthu.

[13] Dīghanikāya, phẩm Mahāvagga, Kinh Mahāparinibbānasutta.

-ooOoo-