Quyển 4 - Nghiệp Và Quả Của Nghiệp (tái bản)

PHẦN II – UPATTHAMBHAKAKAMMA: HỖ-TRỢ-NGHIỆP

By Nền Tảng Phật Giáo

July 08, 2020

1.2- Upatthambhakakamma: Hỗ-Trợ-Nghiệp

Thế nào gọi là hỗ-trợ-nghiệp?

Nghiệp nào mà hỗ trợ cho nghiệp khác chưa có cơ hội cho quả, thì có cơ hội cho quả; hoặc hỗ trợ cho nghiệp khác khi  đã có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả  của nghiệp ấy được phát triển đầy đủ; và hỗ trợ cho ngũ- uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của nghiệp khác được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp ấy.

Nghiệp ấy gọi là hỗ-trợ-nghiệp, đó là 12 bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp) và 8 dục-giới thiện-nghiệp gọi là 8 đại-thiện-nghiệp. .

Hỗ-trợ-nghiệp có 3 phận sự:

1.2.1- Hỗ-trợ-nghiệp có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào chưa có cơ hội cho quả, thì hỗ trợ cho nghiệp ấy có cơ hội cho quả.

1.2.2- Hỗ-trợ-nghiệp có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã có cơ hội cho quả rồi, thì hỗ trợ cho quả của nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

1.2.3- Hỗ-trợ-nghiệp có phận sự hỗ trợ cho quả của nghiệp khác đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp ấy.

Giải Thích 3 Trường Hợp:

1.2.1- Hỗ-trợ-nghiệp có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ, hoặc trong kiếp hiện-tại nhưng chưa có cơ hội cho quả, thì hỗ trợ giúp cho nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong 2 thời-kỳ:

–    Thời-kỳ lúc lâm chung.

–    Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh, kiếp hiện-tại cho đến trước lúc chết.

Hỗ-trợ-nghiệp đó là đại-thiện-nghiệp, bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ hoặc trong kiếp hiện-tại nhưng chưa có cơ hội cho quả, thì hỗ trợ cho nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), có 8 trường hợp là:

1-   Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp  sau, trong cõi thiện-dục-giới.(1)

2-   Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới.

3-  Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới. (2)

4-   Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới.

5-     Đại-thiện-nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới.

6-     Đại-thiện-nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới.

7-      Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

8-       Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

Để hiểu rõ mỗi trường hợp đại-thiện-nghiệp hoặc bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp hoặc bất-thiện-nghiệp (ác- nghiệp) đã từng tạo trong những kiếp quá-khứ hoặc trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau.

Đức-Phật dạy như sau:

“Citte saṅkiliṭṭhe duggatiṃ paṭikaṅkhā… Citte asaṅkiliṭṭhe sugatiṃ paṭikaṅkhā …”(1)

Lúc lâm chung tâm bị ô nhiễm, thì bị tái-sinh trong cõi ác-giới.

Lúc lâm chung tâm không bị ô nhiễm, thì được tái-sinh trong cõi thiện-dục-giới. Như vậy, trong lúc lâm chung:

–   Nếu tâm bị ô nhiễm do phiền-não thì ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

–    Nếu tâm không bị ô nhiễm nghĩa là đại-thiện-tâm trong sáng thì đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái- sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới.

Cho nên, đối với các hạng phàm-nhân không chứng đắc bậc thiền nào, trong lúc lâm chung, hỗ-trợ-nghiệp có tầm quan trọng hỗ trợ cho nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau.

Giải thích 8 trường hợp:

1-   Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới như thế nào?

Ví dụ: Ông A là một cận-sự-nam, nhưng ông tạo đại- thiện-nghiệp thì ít, mà tạo bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) thì nhiều, ông cũng là người giữ gìn ngũ-giới không được trong sạch và trọn vẹn. Cho nên, đến lúc  lâm chung phiền-não phát sinh làm cho tâm của ông bị ô nhiễm, phát sinh sân-tâm sợ hãi. Nếu ông A chết trong lúc ấy thì ác-nghiệp sẽ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

Khi ấy, bên cạnh ông A, một người thân có trí-tuệ cứu giúp ông A được thóat ra khỏi đối-tượng xấu, thay thế bằng đối-tượng tốt, bằng cách kính thỉnh Ngài Trưởng- lão cùng với chư tỳ-khưu đến hướng dẫn ông A thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, thỉnh chư tỳ-khưu tụng kinh Paritta (những bài kinh an-lành), thuyết pháp nhắc nhở, khuyên dạy ông A niệm ân-Đức-Phật, niệm tưởng đến phước-thiện đã từng tạo trong thời quá-khứ, …

Ông A phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có ngũ-giới trong sạch. Vì vậy, đối-tượng xấu biến mất, tâm không còn bị ô nhiễm, đồng thời đối-tượng tốt hiện ra, đại-thiện-tâm phát sinh, cho nên, sau khi ông A chết, đại-thiện-nghiệp phát sinh lúc lâm chung này hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới, làm người trong cõi người, hoặc làm chư-thiên trong cõi trời dục-giới tùy theo năng lực của dục-giới thiện-nghiệp ấy cho quả.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới.

2- Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới như thế nào?

Ví dụ: Ông B là một cận-sự-nam có đức-tin trong  sạch nơi Tam-bảo, có ngũ-giới trong sạch, thường làm mọi phước-thiện như bố-thí cúng dường đến chư tỳ- khưu Tăng,… nhưng ông B không thường thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, không theo học môn vi-diệu-pháp, nên không hiểu biết về sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn là pháp-vô-ngã (anattā), không hiểu rõ về pháp tử sinh luân-hồi của mỗi chúng-sinh, v.v…

Khi bị lâm bệnh nặng trầm trọng, không thể sống được nữa, ông B phát sinh tâm sợ chết, phải từ bỏ vợ con, nhà cửa, của cải, tài sản, v.v… nên làm cho tâm của ông B bị ô nhiễm bởi phiền-não, đối-tượng xấu hiện ra. Ông B phát sinh tâm sợ hãi. Nếu ông B chết trong lúc  ấy, thì khó tránh khỏi ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

Khi ấy, bên cạnh ông B, một người thân có trí-tuệ hiểu biết giáo-pháp của Đức-Phật, nhắc nhở hướng dẫn ông B thọ phép quy-y Tam-bảo, thọ trì ngũ-giới, khuyên ông B nhớ lại những phước-thiện mà ông đã từng tạo trong kiếp hiện-tại này. Ông B phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có giới trong sạch, niệm tưởng lại những phước-thiện của mình.

Vì vậy, sau khi ông B chết, nhờ đại-thiện-nghiệp phát sinh lúc lâm chung hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại này có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới, sinh làm người trong cõi người hoặc hóa-sinh làm chư-thiên trong cõi trời dục-giới.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới.

3-   Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới như thế nào?

Ví dụ: Ông C là người cận-sự-nam có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, giữ gìn ngũ-giới trong sạch, thường làm mọi phước-thiện như bố-thí cúng dường đến chư tỳ- khưu Tăng, v.v… nhưng không thường thực-hành pháp- hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, không theo học môn vi-diệu-pháp, nên không hiểu biết về sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn là pháp-vô-ngã (anattā), không hiểu rõ về pháp tử sinh luân-hồi của mỗi chúng-sinh, v.v…

Khi  bị  lâm  bệnh  nặng  trầm  trọng,  không  thể sống được nữa, ông C phát sinh tâm sợ chết, phải từ bỏ vợ con, của cải, tài sản,… nên làm cho tâm của ông C bị ô nhiễm bởi phiền-não, đối-tượng xấu hiện ra. Ông B phát sinh tâm sợ hãi.

Khi ấy bên cạnh ông C, có người thân không có trí- tuệ, không hiểu biết giáo pháp của Đức-Phật, không biết cách cứu giúp ông C, không nhắc nhở, không khuyên bảo ông niệm tưởng lại mọi phước-thiện mà ông C đã tạo trong kiếp hiện-tại này.

Vì vậy, sau khi ông C chết, ác-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho ác-nghiệp mà ông C đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

4-   Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới như thế nào?

Ví dụ: Khi còn trẻ, ông D là người không có giới, thường tạo bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) như sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm, nói-dối, uống rượu và các chất say, …

Ông D sống bằng nghề giết các loài gia-súc, gia-cầm để bán thịt. Đến khi tuổi già sức yếu, thường hay bệnh hoạn ốm đau, ông D mới biết ăn năn hối lỗi, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê sợ tội-lỗi, nên ông D quyết định xuất gia trở thành tỳ-khưu trong Phật-giáo.

Về sau, tỳ-khưu D bị lâm bệnh nặng trầm trọng nằm trên giường, những cảnh tượng giết các loài gia-súc, gia- cầm khi còn trẻ hiện ra trong tâm của tỳ-khưu D, làm cho tâm của tỳ-khưu D bị ô nhiễm do phiền-não. Tỳ-khưu D phát sinh tâm sợ hãi, ác-nghiệp phát sinh, tâm bị ô nhiễm, đau khổ cho đến chết.

Sau khi tỳ-khưu D chết, ác-nghiệp phát sinh lúc lâm chung hỗ trợ ác-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

5- Đại-thiện-nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại, hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã  từng  được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới như thế nào?

Ví dụ: Ông Đ là người có tà-kiến, thấy sai hiểu lầm, không tin tội, không tin phước, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không tin có địa-ngục, không tin có các cõi trời, … Ông cho rằng: “làm tội không bị tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục, làm phước cũng không được tái-sinh kiếp sau lên cõi trời, …”

Cho nên, hàng ngày ông sinh sống bằng tà-nghiệp, giết gia-cầm để bán thịt. Công việc làm ăn không được thuận lợi.

Về sau, ông Đ đến giúp việc trong một gia đình giàu sang, theo truyền thống Phật-giáo. Hằng ngày, ông Đ thức dậy sớm lo sửa soạn các món vật thực sẵn sàng, mang theo cùng với người chủ đến chùa để cúng dường tới chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Vào những ngày giới uposathasīla hằng tháng, ông Đ cũng đi theo người chủ đến chùa. Tại nơi chánh-điện người chủ ngồi xin thọ phép quy-y Tam-bảo và bát-giới uposathasīla xong, ngồi lắng nghe Ngài Trưởng-lão Pháp-sư thuyết pháp. Ông Đ ngồi chờ đợi người chủ nghe pháp xong trở về nhà. Cho nên, dù muốn dù không, ông Đ cũng ngồi lặng lẽ nghe hết thời pháp.

Hằng ngày, làm những công việc như vậy, dần dần về sau ông Đ đã có chánh-kiến, rồi từ bỏ tà-kiến, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, xin thọ phép quy-y Tam- bảo và ngũ-giới, rồi giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn.

Khi ông Đ bị lâm bệnh trầm trọng, vốn đời sống độc thân, nên không lưu luyến đến ai, do không có của cải, nên không luyến tiếc đến của cải, do nhờ sống gần gũi thân cận với những người có chánh-kiến trong Phật-giáo, nên từ bỏ được tà-kiến, trở thành người có chánh-kiến, thấy đúng hiểu đúng nghiệp là của riêng mình, tin  nghiệp và quả của nghiệp, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có ngũ-giới trong sạch trọn vẹn.

Vì vậy, sau khi ông Đ chết, đại-thiện-nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho đại-thiện- nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có  cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời dục-giới tầng cao.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới.

6-  Đại-thiện-nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới như thế nào?

Ví dụ: Ông E đã từng xuất gia trở thành tỳ-khưu trong Phật-giáo. Trong suốt thời gian xuất gia, tỳ-khưu E là người có giới hạnh trong sạch, theo học pháp-học Phật- giáo, và theo thực-hành pháp-hành thiền-định mà chưa chứng đắc đến bậc thiền nào và thực-hành pháp-hành thiền-tuệ cũng chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn nào, vẫn còn là hạng phàm-nhân.

Về sau, vị tỳ-khưu E xả giới tỳ-khưu, hoàn tục trở lại gia đình, trở thành một cận-sự-nam. Hằng ngày, ông E theo cha đi làm nghề đánh cá để nuôi sống gia đình.

Tuy ông E biết rằng: “Đó là cách sống tà-mạng, nhưng không còn biết làm nghề nào khác.”

Vì vậy, ông E cố gắng tinh-tấn mỗi ngày làm mọi phước-thiện, như bố-thí, cúng dường vật thực đến chư tỳ-khưu đi khất thực. Vào những ngày bát-giới uposatha- sīla hằng tháng, ông E cố gắng đi đến chùa xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì bát-giới uposathasīla trong ngày hôm ấy.

Đến lúc lâm chung, tâm của ông E không bị ô nhiễm bởi phiền-não, tâm vẫn bình tĩnh sáng suốt.

Cho nên, sau khi ông E chết, đại-thiện-nghiệp phát sinh bình thường trong cuộc đời người tại-gia hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp mà ông đã từng tạo khi ông còn là vị tỳ-khưu trước kia cũng trong kiếp hiện-tại này có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới tầng cao.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã từng tạo cũng trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới.

7-   Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã từng tạo trong những kiếp quá-khứ có   cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới như thế nào?

Ví dụ: Cậu G được sinh trong một gia đình có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, giữ gìn mọi truyền thống trong Phật-giáo. Cho nên, khi còn nhỏ, cậu G thường theo cha mẹ đến chùa tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Vào những ngày bát-giới uposathasīla hằng tháng, cậu G cũng đi theo cha mẹ đến chùa xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì bát-giới uposathasīla, nghe pháp, v.v …

Đến lúc trưởng thành, cậu G lập gia đình và có đông con. Cha mẹ của ông G lần lượt qua đời, nên ông không còn nương nhờ vào cha mẹ được nữa.

Hằng ngày, ông G tự mình cố gắng làm việc vất vả để nuôi sống gia đình (vợ và các con). Cho nên, cơ hội tạo mọi phước-thiện càng ngày càng giảm dần, bởi gánh nặng gia đình càng ngày càng thêm.

Ông G không có cơ hội làm mọi phước-thiện như trước nữa, giữ gìn ngũ-giới không được trong sạch và trọn vẹn, nhưng chưa đến nỗi tạo bất-thiện-nghiệp (ác- nghiệp) nặng.

Đến lúc lâm chung, tâm bị mê muội. Vì vậy, sau khi ông G chết, bất-thiện-nghiệp bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp đã từng tạo trong những kiếp quá-khứ có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

8-  Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác- nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới như thế nào?

Ví dụ: Cậu H vốn là một đứa trẻ khó dạy, hư đốn, thích gần gũi thân cận với bạn ác, thích làm việc ác như uống rượu, hút thuốc lá, chơi cờ bạc, … y ăn cắp tiền  của cha mẹ để ăn chơi lêu lổng. Cha mẹ dạy y không được, nên gởi y vào chùa, nhờ quý Ngài Trưởng-lão, chư tỳ-khưu dạy dỗ y nên người.

Quý Ngài Trưởng-lão dạy dỗ cậu H với tâm từ, tâm bi, cậu H dần dần trở nên thuần tính, biết vâng lời quý Ngài Trưởng-lão, chư tỳ-khưu.

Qua một thời gian, Ngài Trưởng-lão cho phép cậu H được xuất gia trở thành sa-di. Vị sa-di H cố gắng tinh- tấn theo học pháp-học Phật-giáo và thực-hành pháp-hành Phật-giáo có phần tiến bộ. Vì vậy, Ngài Trưởng-lão và chư tỳ-khưu-Tăng làm lễ nâng đỡ vị sa-di H lên trở thành tỳ-khưu.

Tỳ-khưu H sống gần gũi thân cận với quý Ngài Trưởng-lão, biết vâng lời dạy dỗ của quý Ngài Trưởng- lão, cho nên tỳ-khưu H có được một ít kiến thức trong Phật-giáo.

Về sau, tỳ-khưu H lại thích giao du với một số người tại-gia, bạn bè cũ, rồi từ đó đức-tin càng ngày càng suy giảm, tâm không còn hoan hỷ thực-hành phạm-hạnh của bậc xuất-gia như trước nữa, mà muốn hoàn tục trở lại làm người tại-gia. Do đó, tỳ-khưu H giữ gìn giới của mình không còn được trong sạch, cho nên tâm cảm thấy nóng nảy, chờ đợi cơ hội hoàn tục.

Trong khi chờ đợi bạn bè tìm giúp một công việc làm, để sau khi hoàn tục có thể làm ăn sinh sống, nhưng chưa thực hiện được ý định hoàn tục, thì tỳ-khưu H bị lâm bệnh nặng, rồi chết đột ngột.

Sau khi tỳ-khưu H chết, bất-thiện-nghiệp bình thường của tỳ-khưu H hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp mà tỳ-khưu H đã từng tạo trước khi xuất gia trở thành tỳ-khưu có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh bình thường trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

1.2.2- Hỗ-trợ-nghiệp có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của nghiệp ấy được phát triển đầy đủ, có 10 trường hợp như sau:

1- Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

2-   Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

3- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

4-   Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

5-   Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá-khứ đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

6-  Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong kiếp hiện-tại, hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại- thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

7-   Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong kiếp hiện-tại, hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã từng được tạo trong kiếp quá-khứ đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

8-   Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

9- Đại-thiện-nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

10-   Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã từng được tích lũy trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện- nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

Giải thích 10 trường hợp:

1-  Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá- khứ đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông A vốn là người hiền lương, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê sợ tội-lỗi, thường tránh xa mọi ác- nghiệp, làm ăn sinh sống lương thiện. Gia đình của ông nghèo, hằng ngày ông phải vất vả làm mọi công việc để nuôi sống gia đình. Cho nên, ông không có khả năng làm phước bố-thí lớn lao. Bởi vì, còn bận lo công việc làm ăn, nên ông ít có cơ hội nghe pháp, xem kinh, đọc sách,.. nhưng do nhờ sống lương thiện, cho nên lúc lâm chung tâm của ông được trong sạch, bình tĩnh, sáng suốt.

Sau khi ông A chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm người trong một gia đình giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, hoặc tái-sinh làm vị thiên- nam ở địa vị cao quý trong cõi trời ấy.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp phát sinh lúc lâm chung, hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp mà ông A đã từng tạo trong những kiếp quá-khứ đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

2- Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ  như  thế nào?

Ví dụ: Ông B là người cận-sự-nam có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng. Ông B thường tạo phước-thiện bố-thí, cung- kính lắng nghe chánh-pháp; đôi khi ông cũng thực-hành pháp-hành thiền-định, nhưng chưa chứng đắc bậc thiền nào, cũng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, nhưng cũng chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào.

Cho nên, lúc lâm chung tâm của ông được trong sạch, bình tĩnh, sáng suốt.

Sau khi ông B chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm người trong gia đình giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, hoặc tái-sinh làm vị thiên-nam ở địa vị cao quý trong cõi trời ấy.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp mà ông B đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, thì hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

3-   Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã từng được tạo trong kiếp quá-khứ đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông C vốn là người keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản của mình. Ông rất cần cù làm việc để kiếm cho được nhiều vàng bạc của cải, nên không quan tâm đến việc làm phước bố-thí tiếp độ người khác, nhưng ông không làm những việc ác do thân, khẩu và ý. Đến lúc lâm chung, ông sợ chết phải bỏ hết của cải tài sản mà ông đã dành dụm, cho nên, tâm của ông bị ô nhiễm.

Sau khi ông C chết, bất-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác-nghiệp trong cõi ác-giới lâu dài.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) mà ông đã từng tạo trong những kiếp quá- khứ đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

4-  Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh lúc lâm chung hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông D vốn là người có tà-kiến, không tin nghiệp và quả của nghiệp. Ông thấy sai hiểu lầm rằng: “làm phước không có phước, làm tội cũng không có tội, không có cõi địa-ngục, cũng không có cõi trời nào, …”

Do đó, ông không chịu lắng nghe lời dạy của các bậc thiện-trí. Đến lúc lâm chung, tâm của ông bị ô nhiễm,  mê muội.

Sau khi ông D chết, bất-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục chịu khổ lâu dài.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) mà ông đã tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

5-   Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã từng tạo trong kiếp quá-khứ đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại- thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Cậu bé Đ được sinh trong gia đình theo truyền thống Phật-giáo. Khi cậu bé mới được 2 – 3 tuổi, cha mẹ dạy cậu biết đảnh lễ Đức-Phật. Khi cha mẹ dắt cậu lên chùa, cậu biết vào chánh điện đảnh lễ Đức-Phật; gặp chư tỳ-khưu, sa-di cậu đều đảnh lễ quý Ngài; biết dâng cúng dường vật thực đến Ngài Trưởng-lão, chư tỳ-khưu, sa-di, rồi đảnh lễ quý Ngài.

Sau khi cậu bé Đ chết lúc 4 tuổi, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh lên cõi trời dục-giới tầng cao, ở địa vị cao quý, được hưởng mọi sự an-lạc cao quý đặc biệt trong cõi trời ấy.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp phát sinh trong kiếp hiện-tại (pavattikāla) hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp mà cậu bé Đ đã từng tạo trong những kiếp quá-khứ đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện- nghiệp ấy được phát triển đầy đủ (còn cậu bé Đ chết lúc 4 tuổi là do nghiệp khác).

6- Đại-thiện-nghiệp phát sinh trong kiếp hiện-tại (pavattikāla) hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Cậu E là con của gia đình theo Phật-giáo, cha mẹ của cậu đều là người trí-thức, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có sự hiểu biết sâu sắc trong giáo-pháp của Đức-Phật. Cho nên, khi cậu E còn nhỏ, cha mẹ đã dạy cậu biết thọ phép quy-y Tam-bảo, biết giữ gìn ngũ-giới hằng ngày, biết thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng. Cậu biết phân biệt thiện-nghiệp, bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp).

Khi lớn lên, cậu E có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, giữ gìn ngũ-giới trong sạch, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, thích làm phước bố- thí đến những người nghèo khổ. Cậu thường đến chùa nghe pháp, thích học pháp-học Phật-giáo, thích thực- hành pháp-hành thiền-định, nhưng chưa chứng đắc được bậc thiền nào và thích thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, nhưng chưa chứng đạt đến bậc Thánh.

Sau khi cậu E chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm người trong gia đình phú hộ, khi sinh ra đời, hậu kiếp của cậu E được mọi người trong gia đình đều thương yêu quý mến nhất, cậu hưởng mọi sự thuận lợi, sự an-lạc trong cuộc sống của cậu.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp phát sinh trong kiếp hiện-tại (pavattikāla) hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp mà cậu E đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

7-   Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong kiếp hiện-tại (pavattikāla), hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác- nghiệp) đã từng được tạo trong kiếp quá-khứ đang có  cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện- nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Cậu G là con của một gia đình giàu có, nhưng không có đức-tin nơi Tam-bảo, cho nên, từ nhỏ đến lớn, cậu không được nghe chánh-pháp,  không  có  đức-tin nơi Tam-bảo, không giữ giới, không hiểu biết về thiện- nghiệp, ác-nghiệp… Cậu là đứa con được cha mẹ nuông chiều, nên cậu G chỉ biết ăn chơi lêu lổng, nhưng chưa đến mức tạo bất-thiện-nghiệp nặng.

Sau khi cậu G chết, bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục, chịu bao nhiêu nỗi khổ.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong kiếp hiện-tại (pavattikāla) hỗ trợ cho bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) mà cậu G đã từng tạo trong những kiếp quá-khứ đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) ấy được phát triển đầy đủ.

8-   Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong kiếp hiện-tại (pavattikāla) hỗ trợ cho bất-thiện-nghiệp (ác- nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông H là người có tà-kiến, không tin nghiệp và quả của nghiệp, tin rằng: “làm phước không có phước, làm tội không có tội.” Ông tự nghĩ rằng: “Chết là hết”.

Sau khi ông H chết, bất-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục, phải chịu bao nhiêu nỗi khổ trong cõi địa-ngục lâu dài.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong kiếp hiện-tại (pavattikāla) hỗ trợ cho bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất- thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

9-    Đại-thiện-nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông K là người đã từng tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ và đã từng có lời phát nguyện kiếp sau được xuất gia.

Kiếp hiện-tại, ông K sinh ra đời gặp Phật-giáo, lắng nghe pháp-sư thuyết pháp, ông liền phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, rồi tư duy rằng: “Đời sống người tại-gia bị nhiều ràng buộc, khó thực-hành phạm- hạnh cho được trong sạch thanh-tịnh. Điều tốt nhất ta nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành tỳ-khưu trong Phật-giáo.

Sau khi đã nhận thức đúng đắn, ông liền thực hiện theo ý nghĩ của mình. Sau khi ông K xuất gia trở thành tỳ-khưu cố gắng tinh-tấn theo học pháp-học Phật-giáo và theo thực-hành pháp-hành Phật-giáo. Tỳ-khưu K thực- hành pháp-hành thiền-định, chưa chứng đắc các bậc thiền nào và thực-hành pháp-hành thiền-tuệ cũng chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào.

Vị tỳ-khưu K trở thành một vị pháp-sư có tài thuyết pháp tế độ nhiều người.

Sau khi vị tỳ-khưu K chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam cao quý trên tầng trời cao cõi dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc đặc biệt trong tầng trời ấy.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp đã từng tích lũy trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

10- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tích lũy trong những kiếp quá-khứ, hỗ trợ cho những bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện- nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông H là người ác, không có giới, tạo mọi ác-nghiệp như sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm, nói-dối, uống rượu, bia và các chất say, …

Sau khi ông H chết, bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục, phải chịu bị hành hạ cực hình nặng nề, khổ thân, khổ tâm lâu dài trong cõi đại-địa-ngục này đến cõi tiểu-địa-ngục kia.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã tích lũy trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho những bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại đang có cơ hội cho quả rồi, lại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

1.2.3- Hỗ-trợ-nghiệp có phận sự hỗ trợ cho quả của nghiệp khác đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp ấy, có 7 trường hợp:

1-   Đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

2-   Đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp đó là ngũ-uẩn, sắc- pháp, danh-pháp được phát triển đầy đủ và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

3- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho quả của bất-thiện nghiệp (ác-nghiệp) đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

4- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại, hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp (ác- nghiệp) đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

5-   Đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

6-   Đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại, hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

7- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại, hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

Giải thích 7 trường hợp:

Trường hợp thứ nhất đến trường hợp thứ tư, giải thích theo Chú-giải và bộ Phụ-Chú-giải.

Trường hợp thứ 5 đến trường hợp thứ 7, giải thích theo bộ Paramatthadīpanīṭīka và bộ Bhāsāṭīkā.

1- Đại-thiện-nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho quả của đại-thiện- nghiệp đó là ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại như thế nào?

Ví dụ: Đức-Bồ-tát Siddhattha kiếp chót là Thái-tử của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmāyādevī của Đức-vua Suddhodana, có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc Đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, thường tiếp xúc với các đối-tượng tốt đáng hài lòng.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho quả của đại- thiện-nghiệp đó là ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

2- Đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp  hiện- tại, hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp đó là  ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại như thế nào?

Ví dụ: Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama, gia  đình ông Puṇṇa(1) nghèo khổ, làm ruộng thuê của ông phú hộ Sumana, toàn thể mọi người trong gia đình đều có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo:

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta nhập diệt-thọ-tưởng suốt 7 ngày đêm. Sáng hôm ấy, sau khi xả diệt-thọ- tưởng, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đi khất thực, khi đi ngang qua nơi ông Puṇṇa đang cày ruộng, ông Puṇṇa đón rước đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão và dâng cây tăm xỉa răng và nước uống.

Ngài Đại-Trưởng-lão nhận xong, đi theo đường hướng về nhà ông Puṇṇa, gặp vợ ông Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Bà đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão xong bạch rằng:

–  Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, kính xin Ngài Đại- Trưởng-lão có tâm từ, tâm bi tế độ thọ nhận phần vật thực nghèo nàn của gia đình con.

Ngài Đại-Trưởng-lão có tâm từ tế độ thọ nhận tất cả phần vật thực. Bà vô cùng hoan hỷ trở về nhà, nấu phần cơm khác đem cho chồng.

Ông Puṇṇa thả bò đi ăn cỏ, ông ngồi dưới bóng cây chờ đợi vợ, tuy đói bụng, nhưng tâm vô cùng hoan hỷ niệm tưởng đến phước-thiện bố-thí tăm xỉa răng và nước uống đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Ông nhìn thấy vợ từ xa đến trễ hơn mọi ngày, nhưng bà có vẻ khác thường. Chắc chắn bà đang hoan hỷ một điều gì đó.

Vừa mới đến nơi, bà liền thưa với chồng rằng:

–   Này anh thân thương! Hôm nay, xin anh hãy hoan hỷ thật nhiều. Sáng nay, khi em đem cơm cho anh, giữa đường gặp Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đang đi khất thực, em phát sinh đức-tin trong sạch đem phần cơm của anh để bát cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão. Ngài Đại-Trưởng-lão thọ nhận phần vật thực ấy, không chê vật thực nghèo nàn của chúng ta.

Xin anh nên hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí này!

Ông Puṇṇa phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ và ông cũng nói cho bà biết rằng:

–   Này em thân thương! Chính sáng nay, anh cũng tạo phước-thiện bố-thí tăm xỉa răng và nước uống cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Khi hai vợ chồng ông Puṇṇa đang phát sinh đại-thiện- tâm vô cùng hoan hỷ phước-thiện bố-thí ấy, ông Puṇṇa nhìn xuống thửa ruộng, đất vừa mới cày đã hóa thành vàng ròng sáng chói. Không tin vào mắt mình, ông xuống thửa ruộng lấy lên một thỏi vàng ròng và đưa cho vợ xem.

Đúng là vàng thật! Ông Puṇṇa đem thỏi vàng ấy đến xin yết kiến Đức-vua Bimbisāra, xin Đức-vua truyền lệnh đem 1000 chiếc xe khuân tất cả số vàng về cất  trong kho báu của Đức-vua.

Thật ra, số vàng to lớn ấy không phải là của Đức-vua, mà là của ông bà Puṇṇa. Số vàng to lớn ấy là quả báu của phước-thiện bố-thí, mà ông bà Puṇṇa đã dâng cúng- dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta ngày hôm ấy.

Thật vậy, lính trong triều đình đem 1000 chiếc xe đến thửa ruộng, để thu nhặt những thỏi vàng của Đức-vua, thì những thỏi vàng ấy trở lại thành cục đất như cũ.

Lính về tâu lên Đức-vua rõ sự việc như vậy. Đức-vua Bimbisāra sáng suốt truyền lệnh rằng:

–   Này các khanh! Các khanh hãy nghĩ rằng: “Vàng của ông bà Puṇṇa.”

Họ vâng lệnh Đức-vua. Thật đúng như vậy, lần này  họ khuân toàn bộ số vàng ấy đem về chất giữa sân rồng thành một đống vàng cao 180 gang tay.

Cho nên, Đức-vua Bimbisāra tấn phong ông Puṇṇa là “Đại phú hộ”.

Sau khi trở thành đại phú hộ Puṇṇa, gia đình ông càng có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tạo phước-thiện bố- thí cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng có Đức- Phật chủ trì suốt 7 ngày.

Đến ngày thứ 7 Đức-Phật thuyết pháp tế độ gia đình ông Puṇṇa. Toàn gia đình ông đại phú hộ Puṇṇa: Ông, bà và cô con gái Uttarā đều trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

3- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho quả của bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại như thế nào?

Ví dụ: * Chúng-sinh trong địa-ngục luôn luôn bị hành hạ chịu bao nỗi thống khổ cùng cực, tử rồi lại tái-sinh cứ tiếp diễn như vậy trong cõi địa-ngục trải qua nhiều đại- kiếp trái đất.

*  Chúng-sinh loài ngạ-quỷ chịu cảnh đói khát khổ đau trải qua thời gian lâu dài trải qua nhiều kiếp trái đất vẫn chưa thóat khỏi.

*   Loài súc-sinh như những con chó bị bệnh ghẻ ngứa khó chịu, nó cứ chạy từ chỗ này đến chỗ khác, chạy đến nơi nào cũng bị người ta xua đuổi, nó bị đói khát, thân mình ốm gầy, … Thế mà chúng vẫn kéo dài sinh mạng tháng này sang tháng khác, v.v…

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho quả của bất-thiện- nghiệp đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

4- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp (ác- nghiệp) đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại như thế nào?

Ví dụ: * Số loài súc-sinh như con cọp, con thằn lằn, con mèo, … là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp), chúng nó sống bằng cách bắt sống các con vật khác làm vật thực để duy trì tồn tại trong kiếp sống hiện-tại.

*   Số người mang chứng bệnh nan y là quả phát sinh từ bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp), nhưng số người ấy không biết giữ gìn sức khỏe, mà hằng ngày họ hút thuốc lá, uống rượu, bia, … làm cho chứng bệnh ngày càng phát triển, sự khổ thân càng ngày càng tăng thêm.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho quả của bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp) đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

5- Đại-thiện-nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại như thế nào?

*  Loài gia súc như con chó là quả của bất-thiện-nghiệp nhưng một số con chó được người chủ chăm nom săn  sóc nuôi dưỡng rất tử tế. Thậm chí, hằng ngày chúng nó có người lo phục vụ cho ăn, uống, tắm rửa, lau mình, làm vệ sinh chỗ ở, … về mùa lạnh, chúng nó được mặc đồ ấm; khi chúng nó bị bệnh có bác-sĩ thú-y chăm lo chữa trị. Chúng nó được người chủ hết mực thương yêu, cho nên cuộc sống của chúng nó được đầy đủ sung túc.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong những kiếp quá-khứ hỗ trợ cho quả của bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp) đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

6-   Đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại, hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại như thế nào?

Ví dụ: * Loài súc sinh như một số con chó rất tinh khôn, biết nghe lời người chủ dạy như: Bảo chúng ngồi đưa 2 chân trước lên chắp lại cúi xuống lạy; sai chúng ngậm tiền chạy mua tờ báo; loại chó cảnh sát biết ngửi mùi tìm kẻ gian, nhận ra kẻ gian, v.v… những con chó  ấy được người chủ thương yêu, chăm nom nuôi nấng chúng rất chu đáo, cho nên, cuộc sống của chúng nó được đầy đủ sung túc.

* Hoặc những con chim sáo, con chim vẹt mà người chủ có thể dạy chúng nói được tiếng người như: chào hỏi khách đến, biết tụng bài kinh ngắn,… làm cho người nghe vui tai, nên chúng được người trong gia đình thương yêu, được nuôi dưỡng chu đáo.

Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho quả của bất-thiện-nghiệp (ác- nghiệp) đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

7- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho quả của đại-thiện-nghiệp đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại như thế nào?

Ví dụ: * Số người làm nghề bán vũ khí giết người, buôn bán rượu và các chất say; buôn bán ma tuý, heroin; làm nghề đánh cá; làm nghề giết gia súc, giết gia cầm, giết trâu, bò, gà, vịt,… để bán thịt, trộm-cắp, hối lộ phi pháp v.v… số người ấy sống bằng tà-nghiệp, tà-mạng, tạo bất-thiện-nghiệp hỗ trợ cho họ có nhiều tiền của, giàu có, đời sống đầy đủ sung túc trong kiếp hiện-tại.

Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại hỗ trợ cho quả của đại- thiện-nghiệp đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện-tại.

Hỗ-trợ-nghiệp là nghiệp có phận sự hỗ trợ cho quả của nghiệp khác.