Đối Tượng Tứ Oai Nghi

Phần III – VẤN ÐÁP (tiếp theo) 1

By Nền Tảng Phật Giáo

July 05, 2020

 Phần III VẤN ÐÁP (tiếp theo)

 -ooOoo-

37- Ác pháp nào làm chướng ngại trong sự phát triển pháp hành thiền tuệ?

Mọi ác pháp đều có thể làm chướng ngại trong sự phát triển pháp hành thiền tuệ, nhất là ba ác pháp: tham ái, tà kiến, ngã mạn nương nhờ đối tượng, chủ thể làm chướng ngại trong sự tiến hành thiền tuệ ngay ban đầu.

Tham ái: đó là tâm tham muốn: muốn biết danh pháp, sắc pháp; muốn biết sự sanh, sự diệt; muốn biết trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; muốn chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo — Thánh Quả và Niết Bàn.

Tâm tham này thuộc về tâm ác luôn luôn có tâm sở si (vô minh), là ác pháp làm chướng ngại trong sự tiến hành thiền tuệ, không thể thấy rõ biết rõ thực tánh của các pháp.

Tà kiến: đó là tâm tham hợp với tà kiến. Tà kiến ở đây là ngũ uẩn tà kiến: tà kiến chấp trong ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp cho là ta, người, đàn ông, đàn bà, chúng sinh, v.v…

Tà kiến này thuộc về tâm ác đồng sanh với tâm sở si (vô minh), là ác pháp làm chướng ngại trong sự tiến hành thiền tuệ, không thể thấy rõ biết rõ thực tánh của các pháp.

Ngã mạn: đó là tâm tham không hợp với tà kiến. Ngã mạn tự quan trọng hoá ta là hành giả như các hành giả khác, hoặc ta là hành giả hơn các hành giả khác, ta là hành giả thua các hành giả khác.

Ngã mạn này thuộc về tâm ác đồng sanh với tâm sở si (vô minh), là ác pháp làm chướng ngại trong sự tiến hành thiền tuệ, không thể thấy rõ biết rõ thực tánh của các pháp.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, nếu có ác pháp nào nương nhờ nơi đối tượng và chủ thể, thì tâm bị ô nhiễm, làm chướng ngại trong sự phát triển pháp hành thiền tuệ.

38- Tham ái, tà kiến, ngã mạn phát sanh do nương nhờ nơi đâu? Diệt tham ái, tà kiến, ngã mạn bằng cách nào?

Tham ái, tà kiến, ngã mạn phát sanh do nương nhờ nơi chủ thể và đối tượng. Khi hành giả quan trọng hoá chủ thể đối tượng, thì tâm tham ái, tâm tà kiến, tâm ngã mạn nương nhờ nơi chủ thể và đối tượng ấy mà phát sanh.

* Nếu hành giả quan trọng hoá chủ thể nghĩ rằng: “ta đang tiến hành thiền tuệ”, thì tham ái, tà kiến, ngã mạn sẽ nương nhờ nơi chủ thể như sau:

Tâm tham ái nương nhờ nơi chủ thể phát sanh: ta muốn thấy, ta muốn biết thực tánh của danh pháp, sắc pháp; ta muốn thấy, muốn biết sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; ta muốn thấy, muốn biết trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, v.v…

Tâm tà kiến nương nhờ nơi chủ thể phát sanh: ta đi để tiến hành thiền tuệ; ta đứng, ta ngồi, ta nằm…, để tiến hành thiền tuệ.

Tâm ngã mạn nương nhờ nơi chủ thể phát sanh: ta là hành giả đang tiến hành thiền tuệ như các hành giả khác, hơn các hành giả khác, thua các hành giả khác, v.v…

* Nếu hành giả quan trọng hoá đối tượng đi, đứng, ngồi, nằm, v.v…, thì tham ái, tà kiến, ngã mạn sẽ nương nhờ nơi đối tượng như sau:

Tâm tham ái nương nhờ nơi đối tượng đi, đứng, ngồi, nằm,…, muốn đối tượng ấy sẽ đem lại sự lợi ích, đối tượng ấy cho thấy rõ biết rõ thực tánh của nó.

Tâm tà kiến nương nhờ nơi đối tượng đi, đứng, ngồi, nằm…, thấy sai chấp lầm nơi sắc đi cho là ta đi để tiến hành thiền tuệ; nơi sắc đứng cho là ta đứng, nơi sắc ngồi cho là ta ngồi, nơi sắc nằm cho là ta nằm,… để tiến hành thiền tuệ.

Tâm ngã mạn nương nhờ nơi đối tượng đi, đứng, ngồi, nằm… cho rằng: ta là hành giả tiến hành thiền tuệ, thì oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm… phải khác hơn người thường; do tâm ngã mạn tạo nên oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm… không tự nhiên, v.v…

Khi tâm tham ái, tâm tà kiến, tâm ngã mạn nương nhờ nơi chủ thể và nương nhờ nơi đối tượng mà phát sanh, thì sẽ làm chướng ngại cho việc tiến hành thiền tuệ không thể phát triển được.

Ðể diệt tham ái, tà kiến, ngã mạn bằng cách hành giả không nên quan trọng hoá chủ thể đối tượng, nên có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác (chủ thể) và có đối tượng (đi, đứng, ngồi, nằm,…) một cách tự nhiên.

Diệt tham ái, tà kiến, ngã mạn có 2 giai đoạn:

1- Giai đoạn diệt từng thời.

Hành giả tiến hành thiền tuệ cho đến khi trí tuệ thiền tuệ thứ tư (trong 16 trí tuệ thiền tuệ) phát sanh gọi là udayabbayañāṇa: trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã:

– Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, thì có thể diệt được ngã mạn tự quan trọng hoá mình so với người.

– Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ trạng thái khổ, thì có thể diệt được tham ái tham đắm say mê trong danh pháp, sắc pháp.

– Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ trạng thái vô ngã, thì có thể diệt được tà kiến chấp ngã, chấp thủ từ danh pháp, sắc pháp cho là ta.

2- Giai đoạn diệt đoạn tuyệt.

Hành giả tiến hành thiền tuệ phát triển tuần tự từ trí tuệ thiền tuệ tam giới cho đến trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới, Niết Bàn làm đối tượng, chứng đắc tuần tự 4 Thánh Ðạo Tuệ:

– Chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ, có khả năng diệt đoạn tuyệt hoàn toàn tà kiến và tất cả các pháp thuộc tà kiến; nhưng bậc Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ chưa có khả năng diệt đoạn tuyệt được tham ái và ngã mạn.

– Chứng đắc Nhất Lai Thánh Ðạo Tuệ, có khả năng diệt đoạn tuyệt được tham ái, ngã mạn loại thô trong cõi dục giới; nhưng bậc Nhất Lai Thánh Ðạo Tuệ chưa có khả năng diệt đoạn tuyệt được tham ái, ngã mạn loại vi tế.

– Chứng đắc Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ, có khả năng diệt đoạn tuyệt được tham ái, ngã mạn loại vi tế trong cõi dục giới; nhưng bậc Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ chưa có khả năng diệt đoạn tuyệt được tham ái, ngã mạn trong cõi sắc giới và cõi vô sắc giới.

– Chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo Tuệ, có khả năng diệt đoạn tuyệt hoàn toàn tham ái, ngã mạn không còn dư sót.

39- Trong bài kinh Tứ Niệm Xứ, đoạn kết của mỗi đối tượng Ðức Phật dạy: “Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati”. (Hành giả có trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi thấy rõ biết rõ thân trong thân của mình), về đoạn này không có thắc mắc; còn đoạn sau Ðức Phật dạy: “bahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati”. (Hành giả có trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi thấy rõ biết rõ thân trong thân bên ngoài của người khác). Hành giả tiến hành tứ niệm xứ sống một mình nơi thanh vắng, có trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi thấy rõ biết rõ thân trong thân bên ngoài của người khác. Vậy, đoạn kinh này nên hiểu thế nào?

: Trong toàn bài kinh Tứ Niệm Xứ gồm có 21 đối tượng, mỗi đối tượng phần đoạn kết Ðức Phật đều dạy: “Iti ajjhattaṃ vā … bahiddhā vā… ajjhattabahiddhā vā…”.

Trong Chú giải bài kinh này giảng giải rằng:

Iti ajjhattaṃ vā’ti evaṃ attano vā… (hoặc bên trong của mình như vậy). Bahiddhā vā’ti parassa vā… (hoặc bên ngoài của người khác). “Ajjhattabahiddhā vā’ti kālena attano, kālena parassa… (hoặc khi thì bên trong của mình …, khi thì bên ngoài của người khác…).

Ðối tượng 4 oai nghi, nên hiểu như vầy:

Tiến hành tứ niệm xứ hoặc tiến hành thiền tuệ có đối tượng tứ oai nghi là đối tượng thiền tuệ, hành giả tiến hành thiền tuệ đến khi phát sanh trí tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa: trí tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp là pháp vô ngã, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng sinh, không phải vật này vật kia, v.v… bằng chánh kiến thiền tuệ này, nên diệt từng thời được tà kiến chấp ngã. Trí tuệ thứ nhất này đạt đến thanh tịnh thứ nhất gọi là Chánh kiến thanh tịnh (Diṭṭhivisuddhi). Khi ấy, tà kiến chấp ngã không thể nương nhờ cả nơi đối tượng lẫn nơi chủ thể bên trong của mình.

Hành giả tiếp tục tiến hành thiền tuệ, trí tuệ phát triển và tiến hóa tuần tự phát sanh trí tuệ thứ nhì gọi laønāmarūpapaccayapariggahañāṇa: trí tuệ thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi sắc pháp, mỗi danh pháp bằng paccakkhañāṇa: trí tuệ trực tiếp thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên trong của mình như thế nào, làm nền tảng căn bản, để có khả năng thấu triệt bằng anumānañāṇa: trí tuệgián tiếp thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên ngoài của người khác (bahiddhā) cũng như thế ấy. Hơn thế nữa, trí tuệ nầy còn có khả năng đặc biệt thấu triệt được nhân duyên phát sanh mọi danh pháp, mọi sắc pháp trong quá khứ, trong vị lai cũng như thế ấy nữa.

Cho nên, trí tuệ thứ nhì nầy đạt đến thanh tịnh thứ nhì gọi là Trí tuệ thoát lý hoài nghi thanh tịnh (Kaṅkhāvitaraṇavisuddhi), khi ấy, diệt từng thời được hoài nghi về sự sanh của mọi danh pháp, mọi sắc pháp ngay ở hiện tại, trong quá khứ và trong vị lai; cả bên trong của mình lẫn bên ngoài của người khác.

Như vậy, trí tuệ thứ nhì này thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên trong của mình như thế nào, lại còn có khả năng thấu triệt, thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp bên ngoài của người khác cũng như thế ấy, và thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp hiện tại bên trong của mình như thế nào; lại còn có khả năng thấu triệt, thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp trong quá khứ, trong vị lai cả của mình lẫn của người khác cũng như thế ấy, nên diệt được hoài nghi từng thời.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, trí tuệ thứ nhất phát sanh diệt từng thời được tà kiến chấp ngã,trí tuệ thứ nhì phát sanh diệt từng thời được hoài nghi về sự sanh của danh pháp, sắc pháp; cho nên, hành giả được gọi là bậc Tiểu Nhập Lưu (Cūḷasotāpanna) chưa phải là Bậc thánh Nhập Lưu, bởi vì, bậc Thánh Nhập Lưu phải trải qua đủ 16 loại trí tuệ thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả có Niết Bàn làm đối tượng, diệt đoạn tuyệt được tà kiến chấp ngã tâm hoài nghi vĩnh viễn không bao giờ phát sanh trong tâm bậc Thánh Nhập Lưu.

40- Muốn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, cần phải có điều kiện như thế nào?

: Tất cả các thiện pháp phát sanh do bởi nhiều nguyên nhân:

Nguyên nhân xa: những tiền kiếp trong quá khứ đã từng gieo duyên (nhân) lành trong Phật giáo, đã tạo đầy đủ 10 pháp ba la mật, 5 pháp chủ: tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ, v.v… đó là những thiện pháp làm nền tảng, làm nhân duyên lành hỗ trợ cho sự tiến hành thiền tuệ.

Những nguyên nhân xa nầy, chỉ có Ðức Phật mới thấy rõ biết rõ được căn duyên của mỗi chúng sinh; ngoài Ðức Phật ra, không có một ai có khả năng biết được chúng sinh nào có khả năng trở thành bậc Thánh nhân, ngay cả chính mình. Cho nên, mỗi người trong chúng ta chớ nên tự coi thường mình, mà hãy nên cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ cho đúng theo Pháp hành Trung đạo; nếu chính mình có đủ duyên (nhân) lành, có khả năng chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả nào đó, thì diễm phúc biết dường nào! Nếu chưa chứng đắc (Thánh Ðạo, Thánh Quả), thì âu cũng là một cơ hội tốt để bồi bổ pháp hạnh ba la mật, 5 pháp chủ, để tạo duyên lành sẽ chứng đắc trong vị lai.

Nguyên nhân gần: kiếp hiện tại, trong kinh Sotāpattiyaṅgasutta [1] Ðức Phật dạy có 4 chi pháp cần thiết để trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, 4 chi pháp là:

1- Sappurisasaṃseva: gần gũi thân cận với bậc Thiện trí trong Phật giáo. 2- Saddhammassavana: lắng nghe chánh pháp của bậc Thiện trí ấy. 3- Yonisomanasikāra: hiểu biết trong tâm bằng trí tuệ biết đúng theo 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp. 4- Dhammānudhammapaṭipatti: tiến hành thiền tuệ hướng đến sự chứng đắc siêu tam giới pháp: 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Ðó là 4 chi pháp cần thiết để trở thành bậc thánh Nhập Lưu là bậc thánh thứ nhất trong Phật giáo.

Bậc Thánh Nhập Lưu đã nhập vào dòng thánh chảy theo tuần tự đến bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh A-ra-hán cao thượng nhất trong Phật giáo.

Ðó là nguyện vọng cao cả nhất của người Phật tử chúng ta.

Có nguyện vọng như vậy, điều trước tiên, hành giả cần phải gần gũi thân cận với bậc Thiện trí trong Phật giáo, là những vị thiền sư thông thạo rành rẽ về pháp học, có đầy đủ kinh nghiệm về pháp hành thiền tuệ để nương nhờ học hỏi.

– Lắng nghe chánh pháp của bậc Thiện trí, chánh pháp đó là 4 pháp niệm xứ, 4 pháp tinh tấn, 4 pháp thành tựu, 5 pháp chủ, 5 pháp lực, 7 pháp giác chi, 8 pháp chánh đạo. Ðó là những pháp để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn.

– Khi tiến hành thiền tuệ, hành giả cần phải có yonisomanasikāra hiểu biết rõ trong tâm bằng trí tuệ biết đúng theo 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp làm nhân duyên cho chánh niệm trí tuệ tỉnh giác phát sanh và phát triển.

– Hành giả tiến hành thiền tuệ chỉ hướng tâm đến sự chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn mà thôi, mong giải thoát khổ sanh là giải thoát mọi cảnh khổ.

41- Ðức Phật dạy: “Sabbe dhammā anattā: Tất cả các pháp là pháp vô ngã”. Tất cả các pháp ấy là những pháp nào? Hành giả biết những pháp ấy bằng cách nào?

Ðức Phật dạy: “Tất cả các pháp là vô ngã”. Vô ngã nghĩa là pháp không phải ta, không phải của ta, không phải người, không phải của người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng sinh, v.v…

A- Tất cả các pháp ấy là:

– Pháp hữu vi là pháp vô ngã. – Pháp vô vi là pháp vô ngã.

Pháp hữu vi là pháp được cấu tạo do bởi 4 nhân duyên: nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực; pháp hữu vi ấy là tâm, tâm sở, sắc pháp trong tam giới được phân chia thành:

Ngũ uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là pháp vô ngã;

12 xứ: 6 xứ bên trong: nhãn, nhĩ, tỷ, thiện, thân, ý và 6 xứ bên ngoài: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; v.v… Tóm lại có 2 pháp: sắc pháp danh pháp trong tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) có sự sanh, sự diệt; có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Pháp vô vi là pháp không bị cấu tạo do bởi 4 nhân duyên: nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực; pháp vô vi ấy là Niết Bàn chế định pháp, không có sự sanh, sự diệt; không có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã. Song Niết Bàn và chế định pháp thuộc pháp vô ngã.

Như Ðức Phật dạy:

Aniccā sabbe saṅkhārā, dukkhānattā ca saṅkhatā. Nibbānañceva paññatti, anattā īti nicchayā. [2]

Tất cả pháp hữu vi, danh pháp và sắc pháp, Ðều có ba trạng thái, vô thường, khổ, vô ngã. Niết Bàn và chế định, thuộc về pháp vô ngã.

B- Hành giả biết những pháp vô ngã ấy bằng trí tuệ do lắng nghe, học hỏi, nghiên cứu; bằng trí tuệ do tư duy; bằng trí tuệ do tiến hành thiền tuệ.

* Trí tuệ biết do lắng nghe, học hỏi, nghiên cứu:

Nhờ gần gũi thân cận với bậc Thiện trí trong Phật giáo, được lắng nghe học hỏi, hoặc nghiên cứu kinh sách Phật giáo, nên mới hiểu biết: ngũ uẩn là vô ngã. Nghĩa là:

– Sắc uẩn là vô ngã. – Thọ uẩn là vô ngã. – Tưởng uẩn là vô ngã. – Hành uẩn là vô ngã. – Thức uẩn là vô ngã. – Hoặc sắc pháp là vô ngã. – Danh pháp là vô ngã.

Hiểu biết được rằng:

Nhãn thức tâm có 2 tâm làm phận sự nhìn thấy sắc trần, hình dạng,… không phải ta thấy. Ngoài 2 nhãn thức tâm này ra, không có một tâm nào khác có khả năng nhìn thấy sắc trần, hình dạng được. Nhãn thức tâm chỉ có một phận sự duy nhất là nhìn thấy sắc trần, hình dạng mà thôi, hoàn toàn không thể thấy được ta, người, đàn ông, đàn bà, chúng sinh, v.v… nào cả.

Nhĩ thức tâm có 2 tâm làm phận sự lắng nghe thanh trần, âm thanh,… không phải ta nghe. Ngoài 2 nhĩ thức tâm này ra, không có một tâm nào khác có khả năng nghe thanh trần, âm thanh được. Nhĩ thức tâm chỉ có một phận sự duy nhất là nghe thanh trần, âm thanh mà thôi, hoàn toàn không thể nghe biết được tiếng Việt, tiếng Anh, v.v… nào cả.

Tỷ thức tâm có 2 tâm làm phận sự ngửi hương trần, các loại mùi,… không phải ta ngửi. Ngoài 2 tỷ thức tâm này ra, không có một tâm nào khác có khả năng ngửi hương trần, các loại mùi được. Tỷ thức tâm chỉ có một phận sự duy nhất là ngửi hương trần, các loại mùi mà thôi, hoàn toàn không thể biết được mùi thơm nước hoa, mùi hôi tử thi, v.v…

Thiệt thức tâm có 2 tâm làm phận sự nếm vị trần, các loại vị,… không phải ta nếm. Ngoài 2 thiệt thức tâm này ra, không có một tâm nào khác có khả năng nếm vị trần, các loại vị được. Thiệt thức tâm chỉ có một phận sự duy nhất là nếm vị trần, các loại vị mà thôi, hoàn toàn không thể biết được vị ngọt của đường, vị mặn của muối, v.v…

Thân thức tâm có 2 tâm làm phận sự xúc giác với xúc trần: cứng, mềm, nóng, lạnh,… không phải ta xúc giác. Ngoài 2 thân thức tâm này ra, không có một tâm nào khác có khả năng xúc giác cứng, mềm, nóng, lạnh… được. Thân thức tâm chỉ có một phận sự duy nhất là xúc giác cứng, mềm, nóng, lạnh mà thôi, hoàn toàn không thể biết được sắt cứng, bông mềm, lửa nóng, thời tiết lạnh, v.v…

Ý thức tâm có 79 tâm làm phận sự biết pháp trần gồm mọi đối tượng chân nghĩa pháp và chế định pháp,… không phải ta biết.

– Khi ý thức tâm biết đối tượng chân nghĩa pháp, thì biết được thực tánh của danh pháp là vô ngã; thực tánh của sắc pháp là vô ngã, không phải ta, không phải người, v.v…

– Khi ý thức tâm biết đối tượng chế định pháp, thì biết phân biệt ta, người, đàn ông, đàn bà, chúng sinh, vật này, vật kia, môn học này, môn học kia, v.v… Chế định pháp vốn là pháp vô ngã.

Những sự hiểu biết ấy do trí tuệ lắng nghe, học hỏi, hoặc nghiên cứu kinh sách Phật giáo.

* Trí tuệ biết do tư duy:

Nhờ có trí tuệ biết do lắng nghe, học hỏi, nghiên cứu làm nền tảng cho sự tư duy đúng đắn để phát sanh trí tuệ.

Trí tuệ biết do tư duy rằng:

– Nhìn thấy được hình dạng do nhờ nhãn thức tâm nhìn thấy, chứ không phải ta nhìn thấy, bởi vì khi nhắm mắt, cái ta vẫn có, mà không nhìn thấy được gì, hoặc người mù vẫn có cái ta, mà cũng không nhìn thấy mọi cảnh vật trước mặt.

Nhãn thức tâm phát sanh do hội đủ nhân duyên, không phải do một ai cả. Nhân duyên sanh nhãn thức tâm là:

Sắc trần, hình dạng tiếp xúc với tịnh nhãn sắc (mắt), do sự tiếp xúc ấy sanh nhãn thức tâm nhìn thấy được sắc trần, hình dạng ấy.

Cho nên, chỉ có mắt cũng không thể nhìn thấy sắc trần; như khi đang ngồi trầm ngâm tâm suy tư về vấn đề gì, dù mắt đang mở cũng không nhìn thấy rõ những vật trước mặt hoặc chỉ có tâm cũng không thể nhìn thấy được sắc trần, như khi đang nhắm mắt.

Vậy muốn nhìn thấy sắc trần, hình dạng nào, thì phải có tâm phát sanh do nương nhờ tịnh nhãn sắc (mắt)gọi là nhãn thức tâm mới nhìn thấy được sắc trần, hình dạng ấy, chắc chắn không phải ta nhìn thấy được sắc trần, hình dạng ấy.

Tương tự như vậy,

– Lắng nghe được âm thanh do nhờ nhĩ thức tâm lắng nghe, chứ không phải ta lắng nghe, bởi vì khi bịt lỗ tai, cái ta vẫn có, mà không nghe được gì, hoặc người điếc vẫn có cái ta, mà cũng không nghe mọi âm thanh quanh mình.

Nhĩ thức tâm phát sanh do hội đủ nhân duyên, không phải do một ai cả. Nhân duyên sanh nhĩ thức tâm là:

Thanh trần, âm thanh tiếp xúc với tịnh nhĩ sắc (tai), do sự tiếp xúc ấy sanh nhĩ thức tâm nghe được thanh trần, âm thanh ấy.

Cho nên, chỉ có tai cũng không thể nghe được thanh trần; như khi đang ngủ say, dù có tai cũng không nghe được âm thanh nào hoặc chỉ có tâm cũng không thể nghe được thanh trần, như khi bịt lỗ tai.

Vậy muốn nghe thanh trần, âm thanh nào, thì phải có tâm phát sanh do nương nhờ tịnh nhĩ sắc (tai) gọi là nhĩ thức tâm mới nghe được thanh trần, âm thanh ấy, chắc chắn không phải ta nghe được thanh trần, âm thanh ấy.

– Ngửi các mùi, nếm các vị, xúc giác cứng, mềm, nóng, lạnh…, biết pháp trần đều do mỗi tâm tương xứng làm phận sự của mình, không phải một ai khác.

Mỗi pháp nào phát sanh đều do nhân duyên của mỗi pháp ấy.

Như vậy gọi là trí tuệ biết pháp vô ngã do tư duy.

* Trí tuệ biết do tiến hành thiền tuệ:

Sau khi đã lắng nghe, học hỏi và tư duy đúng đắn về pháp hành thiền tuệ; hiểu rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp và phương pháp tiến hành thiền tuệ rồi, hành giả tiến hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ phát sanh theo tuần tự như sau:

Trí tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa: trí tuệ thấy rõ biết rõ, phân biệt rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp đúng theo thực tánh của chúng là pháp vô ngã: không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng sinh nào,… chánh kiến thiền tuệ phát sanh, nên diệt được tà kiến theo chấp ngã.

Trí tuệ thứ nhì gọi là nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa: trí tuệ thấy rõ biết rõ nhân duyên phát sanhmỗi danh pháp, mỗi sắc pháp; nên biết rõ không một ai có quyền năng tạo ra được danh pháp, sắc pháp nào, chính là pháp vô ngã.

Trí tuệ thiền tuệ thứ ba gọi là sammasanañāṇa: trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự diệt của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp do nhân duyên diệt, nên thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp.

Trí tuệ thiền tuệ thứ tư gọi là udayabbayañāṇa: trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại: sự sanh của danh pháp, sắc pháp là do nhân duyên sanh; sự diệt của danh pháp, sắc pháp là do nhân duyên diệt, nên thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã rõ ràng hơn…

Như vậy gọi là trí tuệ biết pháp vô ngã do tiến hành thiền tuệ.

42- Trạng thái vô ngã với pháp vô ngã giống và khác nhau như thế nào?

– Tất cả các pháp hữu vi là danh pháp, sắc pháp có sự sanh, sự diệt, nên có 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã. Như vậy, trạng thái vô ngã là trạng thái của danh pháp, sắc pháp thuộc pháp hữu vi.

– Tất cả cả các pháp gồm cả pháp hữu vipháp vô vi pháp vô ngã (không thuộc của ai).

Pháp hữu vi đó là danh pháp, sắc pháp.

Pháp vô vi đó là Niết Bàn và chế định pháp (không có sự sanh, sự diệt, không có 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã).

Như vậy, pháp hữu vi là pháp vô ngã, có trạng thái vô ngã.

Pháp vô vi là pháp vô ngã mà không có trạng thái vô ngã.

43 Tất cả các pháp là vô ngã, không phải ta, không phải người, v.v… Vậy, cái ngã (ta) do đâu mà có? Diệt ngã bằng cách nào?

Ðức Phật dạy: Tất cả các pháp là vô ngã.

Theo chánh kiến thiền tuệ thấy đúng biết đúng rằng:

– Các sắc pháp là vô ngã, không phải ta, không phải người, v.v… – Các danh pháp là vô ngã, không phải ta, không phải người, v.v…

A- Tà kiến chấp ngã:

Theo tà kiến chấp ngã cho rằng: Sắc pháp cho là ta, danh pháp cho là ta.

Sở dĩ gọi là ngã (ta), là vì tâm tà kiến nương nhờ nơi sắc pháp ấy, danh pháp ấy thấy sai chấp lầm cho là ngã (ta). Song sự thật, cái ngã (cái ta) vốn không có thật, hoàn toàn không có thật, chỉ tâm tà kiến chấp ngã là có thật mà thôi, chính tâm tà kiến chấp ngã thấy sai chấp lầm từ sắc pháp, từ danh pháp cho là ngã, ta.

Một người đi đường ban đêm không có đèn, nhìn thấy sợi dây ngoằn ngoèo nằm giữa đường, rồi thấy sai chấp lầm từ sợi dây ngoằn ngoèo kia cho là con rắn độc. Sự thật, không có con rắn độc nào, chỉ có thấy sai chấp lầm từ sợi dây ngoằn ngoèo ấy cho là con rắn độc mà thôi.

* Tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi sắc pháp:

– Khi thân đi hoặc sắc đi thuộc về sắc pháp là vô ngã, thì tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi sắc đi ấy, mà thấy sai chấp lầm cho là ta đi. Theo sự thật thực tánh pháp chỉ có dáng đi, tư thế đi toàn thân di chuyển bước đi gọi là sắc đi mà thôi. Nếu tâm tà kiến chấp ngã không nương nhờ nơi sắc đi ấy, thì đâu có thấy sai chấp lầm cho là ta đi.

Tương tự như vậy,

– Khi thân đứng hoặc sắc đứng thuộc về sắc pháp là vô ngã, thì tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi sắc đứng ấy, mà thấy sai chấp lầm cho là ta đứng. Theo sự thật thực tánh pháp chỉ có dáng đứng, tư thế đứng toàn thân đứng yên gọi là sắc đứng mà thôi. Nếu tâm tà kiến chấp ngã không nương nhờ nơi sắc đứng ấy, thì đâu có thấy sai chấp lầm cho là ta đứng.

– Khi thân ngồi hoặc sắc ngồi thuộc về sắc pháp là vô ngã, thì tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi sắc ngồi ấy, mà thấy sai chấp lầm cho là ta ngồi. Theo sự thật thực tánh pháp chỉ có dáng ngồi, tư thế ngồi toàn thân ngồi yên gọi là sắc ngồi mà thôi. Nếu tâm tà kiến chấp ngã không nương nhờ nơi sắc ngồi ấy, thì đâu có thấy sai chấp lầm cho là ta ngồi.

– Khi thân nằm hoặc sắc nằm thuộc về sắc pháp là vô ngã, thì tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi sắc nằm ấy, mà thấy sai chấp lầm cho là ta nằm. Theo sự thật thực tánh pháp chỉ có dáng nằm, tư thế nằm toàn thân nằm yên gọi là sắc nằm mà thôi. Nếu tâm tà kiến chấp ngã không nương nhờ nơi sắc nằm ấy, thì đâu có thấy sai chấp lầm cho là ta nằm, v.v…

* Tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi danh pháp:

– Khi nhãn thức tâm nhìn thấy sắc trần, hình dạng, nhãn thức tâm thuộc về danh pháp là vô ngã gọi là danh thấy, thì tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi danh thấy ấy, mà thấy sai chấp lầm cho là ta thấy. Nếu tâm tà kiến chấp ngã không nương nhờ nơi danh thấy ấy, thì đâu có thấy sai chấp lầm cho là ta thấy.

– Khi nhĩ thức tâm nghe thanh trần, âm thanh, nhĩ thức tâm thuộc về danh pháp là vô ngã gọi là danh nghe,thì tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi danh nghe ấy, mà thấy sai chấp lầm cho là ta nghe. Nếu tâm tà kiến chấp ngã không nương nhờ nơi danh nghe ấy, thì đâu có thấy sai chấp lầm cho là ta nghe.

– Khi tỷ thức tâm ngửi hương trần, các loại mùi, tỷ thức tâm thuộc về danh pháp là vô ngã gọi là danh biết ngửi, thì tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi danh biết ngửi ấy, mà thấy sai chấp lầm cho là ta ngửi. Nếu tâm tà kiến chấp ngã không nương nhờ nơi danh biết ngửi ấy, thì đâu có thấy sai chấp lầm cho là ta ngửi.

– Khi thiệt thức tâm nếm vị trần, các loại vị, thiệt thức tâm thuộc về danh pháp là vô ngã gọi là danh biết nếm, thì tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi danh biết nếm ấy, mà thấy sai chấp lầm cho là ta nếm. Nếu tâm tà kiến chấp ngã không nương nhờ nơi danh biết nếm ấy, thì đâu có thấy sai chấp lầm cho là ta nếm.

– Khi thân thức tâm xúc giác với xúc trần, cứng mềm, nóng lạnh…, thân thức tâm thuộc về danh pháp là vô ngã gọi là danh biết xúc giác, thì tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi danh biết xúc giác ấy, mà thấy sai chấp lầm cho là ta xúc giác. Nếu tâm tà kiến chấp ngã không nương nhờ nơi danh biết xúc giác ấy, thì đâu có thấy sai chấp lầm cho là ta xúc giác.

– Khi ý thức tâm biết pháp trần gồm có đối tượng chân nghĩa pháp và đối tượng chế định pháp:

Khi ý thức tâm biết đối tượng chân nghĩa pháp, nghĩa là biết danh pháp, sắc pháp là vô ngã, thì tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ danh pháp, sắc pháp ấy, mà thấy sai chấp lầm cho là ta biết danh pháp ấy, ta biết sắc pháp ấy. Nếu tâm tà kiến chấp ngã không nương nhờ nơi danh pháp ấy, sắc pháp ấy, thì đâu có thấy sai chấp lầm cho là ta biết danh pháp ấy, ta biết sắc pháp ấy.

Khi ý thức tâm biết đối tượng chế định pháp là pháp vô ngã nghĩa là biết ta, biết người, biết đàn ông này, đàn bà kia, biết loại chúng sinh này, biết vật này, vật kia, biết môn học này, môn học kia, v.v… thì tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ nơi đối tượng chế định pháp ấy, mà thấy sai chấp lầm cho là ta biết ta, ta biết người, ta biết đàn ông này, đàn bà kia, ta biết loại chúng sinh này, ta biết vật này, vật kia, ta biết môn học này, môn học kia, v.v… Nếu tâm tà kiến chấp ngã không nương nhờ nơi đối tượng chế định pháp ấy, thì đâu có thấy sai chấp lầm cho là ta biết đối tượng chế định pháp ấy.

Do đó, cái gọi là ta (ngã) hoàn toàn không có thật; nếu có cái ta (ngã) là thật, thì trong những cái gọi là ta (ngã) ấy, cái ta (ngã) nào là cái ta (ngã) thật? Vì vậy, theo sự thật tất cả các pháp không có cái ta (ngã) thật. Cho nên, tất cả các pháp đều là pháp vô ngã.

B- Diệt ngã:

Như đã trình bày, cái ngã, cái ta vốn không có thật, hoàn toàn không có thật, chỉ có tâm tà kiến chấp ngã là có thật mà thôi. Cho nên, không có phương pháp diệt ngã, vì không có cái ngã để diệt, chỉ có phương pháp diệt tâm tà kiến chấp ngã mà thôi. Khi diệt được tâm tà kiến chấp ngã bằng chánh kiến thiền tuệ rồi, thì không còn thấy sai chấp lầm từ danh pháp, từ sắc pháp cho là ngã, ta nữa.

Phương pháp diệt tà kiến chấp ngã:

Hành giả tiến hành thiền tuệ, khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ danh pháp sắc pháp là pháp vô ngã, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng sinh, không phải vật nầy vật kia, v.v…; khi ấy, chánh kiến thiền tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi), thấy đúng, biết đúng thực tánh của danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã, nên diệt được tà kiến chấp ngã từng thời trong tam giới, đạt đến Chánh kiến thanh tịnh (diṭṭhivisuddhi).

Trí tuệ thiền tuệ phát triển tăng trưởng đến chánh kiến thánh đạo tuệ (Maggasammādiṭṭhi), đó là Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ, diệt đoạn tuyệt tà kiến chấp ngaõ thật sự không còn dư sót. Cho nên, bậc Thánh Nhập Lưu hoàn toàn không còn chấp ngã (ta) nữa, bởi vì đã diệt đoạn tuyệt được tà kiến chấp ngã, đồng thời diệt đoạn tuyệt tất cả mọi tà kiến khác không còn dư sót.

44- Pháp hành thiền tuệ là pháp hành dẫn đến giải thoát khổ như thế nào?

Pháp hành thiền tuệ là pháp hành dẫn đến giải thoát khổ tuỳ theo mỗi hạng chúng sinh:

1- Hạng thiện trí phàm nhân tiến hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của danh pháp sắc pháp là pháp vô ngã; thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp; nhưng chưa có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chưa chứng đắc Thánh Ðạo — Thánh Quả nào, chưa trở thành bậc Thánh nhân, vẫn còn là hạng thiện trí phàm nhân.

* Giải thoát khổ kiếp hiện tại:

Hạng thiện trí phàm nhân này là bậc Tiểu Nhập Lưu có chánh kiến thiền tuệ, có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, có giới hạnh trong sạch, có định tâm vững chắc, có trí tuệ sáng suốt, cho nên bậc Tiểu Nhập Lưu này ít khổ tâm, tâm thường được an lạc nhiều.

* Giải thoát khổ kiếp vị lai:

Hạng thiện trí phàm nhân này sau khi chết, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sanh cõi thiện giới: cõi người, cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới, tuỳ theo năng lực quả thiện nghiệp của mình đã tạo; dù thuộc vào hạng chúng sinh nào cũng là bậc có trí tuệ đặc biệt hưởng được quả báu an lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi ấy.

2- Hạng thiện trí phàm nhân tiến hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của danh pháp sắc pháp là pháp vô ngã; thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo — Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, là bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo.

* Giải thoát khổ kiếp hiện tại:

Bậc Thánh Nhập Lưu này có đức tin trong sạch vững chắc nơi Tam bảo không lay chuyển, có giới hạnh hoàn toàn trong sạch, có định và tuệ sáng suốt. Bậc Thánh này vĩnh viễn không bao giờ khổ do tà kiến hoài nghi nữa, bởi vì đã diệt đoạn tuyệt được hai loại phiền não này rồi, tâm thường được an lạc nhiều.

* Giải thoát khổ kiếp vị lai:

Bậc Thánh Nhập Lưu này sau khi chết, chắc chắn không còn bị tái sanh vào 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh), do thiện nghiệp cho quả tái sanh cõi thiện giới: cõi người, cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới, tuỳ theo năng lực quả thiện nghiệp của mình đã tạo; dù tái sanh vào hạng chúng sinh nào cũng là bậc Thánh Nhập Lưu và chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

3- Bậc Thánh Nhập Lưu tiến hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của danh pháp sắc pháp là pháp vô ngã; thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhất Lai Thánh Ðạo — Nhất Lai Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhất Lai, là bậc Thánh thứ nhì trong Phật giáo.

* Giải thoát khổ kiếp hiện tại:

Bậc Thánh Nhất Lai này có đức tin trong sạch vững chắc nơi Tam bảo không lay chuyển, có giới, định, tuệ sáng suốt. Bậc Thánh này vĩnh viễn không bao giờ khổ do tâm sân loại thô nữa, bởi vì đã diệt đoạn tuyệt được phiền não sân loại thô này rồi, tâm thường được an lạc nhiều.

* Giải thoát khổ kiếp vị lai:

Bậc Thánh Nhất Lai này sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả chỉ còn tái sanh một kiếp nữa mà thôi, trong kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

4- Bậc Thánh Nhất Lai tiến hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của danh pháp sắc pháp là pháp vô ngã; thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Bất Lai Thánh Ðạo — Bất Lai Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Bất Lai, là bậc Thánh thứ ba trong Phật giáo.

* Giải thoát khổ kiếp hiện tại:

Bậc Thánh Bất Lai này có giới, định, tuệ sáng suốt, đặc biệt có định tâm vững chắc. Bậc Thánh này vĩnh viễn không bao giờ khổ do tâm sân loại vi tế nữa, bởi vì đã diệt đoạn tuyệt được phiền não sân loại vi tế này rồi, tâm thường được an lạc nhiều.

* Giải thoát khổ kiếp vị lai:

Bậc Thánh Bất Lai này sau khi chết, chắc chắn không còn tái sanh trở lại cõi dục giới nữa, do sắc giới thiện nghiệp cho quả chắc chắn hoá sanh làm phạm thiên trong cõi trời sắc giới tuỳ theo bậc thiền sở đắc của mình, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán trong cõi trời sắc giới ấy, rồi tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

5- Bậc Thánh Bất Lai tiến hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tánh của danh pháp sắc pháp là pháp vô ngã; thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo — A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, là bậc Thánh thứ tư cao thượng nhất trong Phật giáo.

* Giải thoát khổ kiếp hiện tại:

Bậc Thánh A-ra-hán này có giới, định, tuệ đầy đủ, đặc biệt nhất là có tuệ đầy đủ. Bậc Thánh này hoàn toàn không còn khổ tâm nào do phiền não, bởi vì đã diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não như: tham, si, ngã mạn, phóng tâm, buồn ngủ, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi,… không còn dư sót, cho nên tâm của Ngài thường được an lạc.

* Giải thoát khổ kiếp vị lai:

Bậc Thánh A-ra-hán này đến khi hết tuổi thọ, đồng thời cũng là lúc tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sanh kiếp sau, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Do đó, pháp hành thiền tuệ là pháp hành dẫn đến giải thoát khổ sanh là giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi.

Ðó là mục đích cứu cánh của tất cả mọi người Phật tử.

ÐOẠN KẾT

Chandavato kiṃ nāma kammaṃ na sijjhati. Vīriyavato kiṃ nāma kammaṃ na sijjhati. Cittavato kiṃ nāma kammaṃ na sijjhati. Paññavato kiṃ nāma kammaṃ na sijjhati.

Bốn pháp đề thành tựu:

Người có nguyện vọng không có việc gì mà không thành tựu. Người có tinh tấn không có việc gì mà không thành tựu. Người có tâm nguyện không có việc gì mà không thành tựu. Người có trí tuệ không có việc gì mà không thành tựu.

Ðối với hành giả tiến hành thiền tuệ, ít nhất cũng có đủ 4 pháp trên. Như vậy, đã thành tựu được ít nhiều, chỉ cần kiên trì, ắt có ngày được thành tựu viên mãn.

Ðối với hành giả tiến hành thiền định “cái được” là phần thêm vào, như chứng đắc được bậc thiền, chứng đắc được pháp thần thông; còn đối với hành giả tiến hành thiền tuệ “cái được” đi đôi với “cái mất”, như trí tuệ thiền tuệ phát sanh diệt dần phiền não tham, sân, si…:

– Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ phát sanh, thì diệt đoạn tuyệt được hai loại phiền não: tà kiến và hoài nghi. – Nhất Lai Thánh Ðạo Tuệ phát sanh, thì diệt đoạn tuyệt được một loại phiền não: tâm sân loại thô. – Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ phát sanh, thì diệt đoạn tuyệt được một loại phiền não: tâm sân loại vi tế; tâm sân hoàn toàn không còn nữa. – A-ra-hán Thánh Ðạo Tuệ phát sanh, thì diệt đoạn tuyệt được bảy loại phiền não: tham, si, ngã mạn, phóng tâm, buồn ngủ, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi; cùng tất cả mọi phiền não khác không còn dư sót nữa.

Trong Phật giáo có đầyđủ 4 loại thiện pháp:

1- Dục giới thiện pháp 2- Sắc giới thiện pháp 3- Vô sắc giới thiện pháp 4- Siêu tam giới thiện pháp

Trong 4 loại thiện pháp này, dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp và vô sắc giới thiện pháp có trong Phật giáo và cũng có ngoài Phật giáo. Còn siêu tam giới thiện pháp chỉ có trong Phật giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật giáo.

Trong các loại dục giới thiện pháp, loại dục giới thiện pháp phát sanh từ pháp hành thiền tuệ có tính chất đặc biệt hơn cả, là thấy rõ biết rõ được thực tánh của các pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo — Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khỏi khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ðối với người Phật tử là bậc xuất gia cũng như hàng tại gia cư sĩ chớ nên dể duôi, nên tinh tấn tiến hành thiền tuệ, dù ít, dù nhiều cũng đã tạo được thiện pháp đặc biệt gieo duyên lành trong Phật giáo; để khỏi phải hối tiếc khi tuổi già sức yếu.

Núi rừng Viên Không, Pl 2546 Bà Rịa – Vũng Tàu Tỳ khưu Hộ Pháp

-ooOoo-

[1] Saṃyuttanikāya, bộ Mahāvagga, kinh Sotāpattiyaṅgasutta.

[2] Vinayapiṭaka, bộ Parivāra.

-ooOoo-