Nhẫn Nại (tái bản)

Pháp hạnh Nhẫn nại Ba la mật

By Nền Tảng Phật Giáo

May 17, 2016

Pháp hạnh Nhẫn nại Ba la mật

Đức tính nhẫn nại là một trong mười pháp hạnh ba la mật mà chư Bồ Tát cần phải thực hành để trở thành Đức Phật Toàn Giác hoặc Đức Phật Độc Giác hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác tùy theo sở nguyện của mình.

TÍCH ĐẠO SĨ KHANTIVĀDĪ

Đạo sĩ Khanṭivādī là Đức Bồ Tát tiền thân của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh nhẫn nại ba la mật trong tích tiền thân Khanṭivādījāṭaka (Khud. Bộ Jāṭaka, phần Caṭukanipāṭa, tích Khanṭivādī jāṭaka) được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại chùa Jeṭavana thuyết giảng về tiền thân của Ngài là một đạo sĩ tên Khanṭivādī, thực hành pháp hạnh nhẫn nại ba la mật. Trong quá khứ, Đức Bồ Tát sanh trưởng trong gia đình Bà la môn phú hộ tại kinh thành Bārāṇasi, tên Ngài là Kuṇṇala. Khi trưởng thành, Đức Bồ Tát được gởi đến kinh thành Takkasila để học các bộ môn theo truyền thống Bà la môn, tốt nghiệp xong trở về kinh thành Bārāṇasi. Thời gian sau, cha mẹ của Ngài qua đời, để lại toàn bộ gia sản cho Ngài.

Một hôm, Ngài suy tư rằng: “Ông bà, cha mẹ đã tích lũy của cải, tài sản nhiều như thế này, nhưng khi từ giã cõi đời, chẳng ai mang theo được một thứ nào cả, đến phiên ta cũng như vậy thôi! Ta nên đem tất cả của cải, tài sản này làm phước bố thí đến những người nghèo khổ, rồi ta sẽ bỏ nhà, đi vào rừng núi Himavanṭa xuất gia trở thành đạo sĩ, sống bằng hoa quả…”.

Thực hiện theo ý nguyện, Đức Bồ Tát xuất gia trở thành đạo sĩ sống trong rừng núi Himavanṭa một thời gian khá lâu. Để thay đổi món vật thực, Ngài ra khỏi khu rừng núi Himavanṭa, đến kinh thành Bārāṇasi, trú tại vườn thượng uyển của Đức vua Kalābu (Bộ Jāṭaka nước Thái Lan gọi Kalāpu). Hằng ngày Ngài đi khất thực đến từng nhà, vị quan thừa tướng của Đức vua Kalābu nhìn thấy Đức Bồ Tát phát sanh đức tin trong sạch, xin hộ độ cúng dường vật thực đến Ngài.

Một hôm, Đức vua Kalābu cùng với nhóm cung nữ đờn ca múa hát, du lãm đến vườn thượng uyển. Đức vua dùng rượu say nằm ngủ trên tảng đá, gối đầu trên đùi của một nàng cung nữ xinh đẹp. Nhóm cung nữ thấy Đức vua ngủ say, nên ngưng đờn ca múa hát và cùng nhau đi dạo chơi trong vườn thượng uyển, gặp Đức Bồ Tát đang ngồi dưới gốc cây, họ kéo nhau đến đảnh lễ Ngài, thỉnh Ngài thuyết pháp, rồi cùng nhau chăm chú ngồi lắng nghe pháp.

Đức vua Kalābu vừa tỉnh ngủ, nhưng vẫn còn say, không nhìn thấy nhóm cung nữ bèn hỏi:

— Các cung nữ đi đâu cả rồi?

Nàng cung nữ ngồi tại đó tâu: 

— Tâu Bệ hạ, các cô ấy dẫn nhau đến chỗ vị đạo sĩ, đang ngồi lắng nghe pháp nơi cội cây đằng kia.

Đức vua nổi cơn thịnh nộ, vội vàng cầm thanh gươm đến định giết vị đạo sĩ, nhóm cung nữ nhìn thấy Đức vua giận dữ, tay cầm thanh gươm hằn học bước đến, một nàng cung nữ lanh trí chạy đến đón Đức vua, cướp lấy thanh gươm, tìm cách làm cho Đức vua nguôi bớt cơn thịnh nộ.

Đức vua bèn hỏi Đức Bồ Tát rằng:

— Sa môn, ngươi thuyết pháp gì?

— Tâu Đại vương, bần đạo thuyết giảng pháp hạnh nhẫn nại.-Đức Bồ Tát tâu.

— Pháp hạnh nhẫn nại là thế nào?-Đức vua hỏi.

Đức Bồ Tát từ tốn tâu rằng: 

— Tâu Đại vương, pháp hạnh nhẫn nại là pháp vô sân, không tức giận người chửi rủa, mắng nhiếc mình, đánh đập làm khổ mình.

Đức vua nổi giận quát tháo rằng:

— Được rồi! Bây giờ ta sẽ thấy pháp hạnh nhẫn nại của ngươi.

Đức vua liền truyền lệnh gọi tên đao phủ đến ngay. Tên đao phủ mang mã tấu, roi gai đến trình diện Đức vua tâu rằng: 

— Tâu Bệ hạ, hạ thần phải làm gì?

Đức vua truyền lệnh tên đao phủ xô Đức Bồ Tát nằm xuống đất, dùng roi gai đánh trước ngực, sau lưng, hai bên hông tất cả hai ngàn (2.000) roi.

Tên đao phủ tuân theo lệnh của Đức vua, đánh Đức Bồ Tát làm rách da, nát thịt, máu chảy ra dầm dề.

Đức vua hỏi lại một lần nữa:

— Sa môn, ngươi có pháp gì?

Đức Bồ Tát tâu rằng: 

— Tâu Đại vương, bần đạo có pháp hạnh nhẫn nại, Đại vương tưởng rằng pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo ở nơi da thịt hay sao! Pháp hạnh nhẫn nại không có trên da thịt, Đại vương không thể nhìn thấy pháp hạnh nhẫn nại được đâu.

Tâu Đại vương, pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo an trú trong tâm.

Đức vua càng tức giận truyền lệnh tên đao phủ lấy mã tấu chặt hai tay, hai chân của Đức Bồ Tát, máu phun ra từ cánh tay, hai ống chân bị đứt.

Đức vua bèn hỏi lại:

— Sa môn, ngươi có pháp gì?

Đức Bồ Tát vẫn điềm nhiên tâu rằng: 

— Tâu Đại vương, bần đạo có pháp hạnh nhẫn nại, Đại vương tưởng rằng pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo ở hai tay, hai chân hay sao. Pháp hạnh nhẫn nại không có nơi hai tay, hai chân, Đại vương không thể nhìn thấy pháp hạnh nhẫn nại được đâu.

Tâu Đại vương, pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo an trú sâu thẳm trong tâm.

Đức vua càng thêm tức giận điên cuồng truyền lệnh tên đao phủ cắt hai lỗ tai, lỗ mũi, toàn thân máu chảy ướt dầm dề.

Đức vua hỏi lại:

— Sa môn, ngươi có pháp gì?

Đức Bồ Tát có thiện tâm trong sáng với vô sân tâm sở vững chắc, từ tốn tâu rằng:

— Tâu Đại vương, bần đạo có pháp hạnh nhẫn nại, Đại vương tưởng rằng pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo ở nơi hai tai, lỗ mũi hay sao! Pháp hạnh nhẫn nại không có nơi hai tai, lỗ mũi, Đại vương không thể nhìn thấy pháp hạnh nhẫn nại được đâu.

Tâu Đại vương, pháp hạnh nhẫn nại của bần đạo an trú sâu thẳm ở trong tâm.

Đức vua vô cùng thịnh nộ, điên cuồng quát tháo rằng: 

— Này tên Sa môn ương ngạnh, ngươi nằm ở đây mà gìn giữ pháp hạnh nhẫn nại của ngươi.

Đức vua lấy chân đạp mạnh vào ngực của Đức Bồ Tát rồi bỏ đi.

Khi Đức vua Kalābu đi khỏi nơi ấy, vị quan thừa tướng cảm thấy vô cùng thương xót Đức Bồ Tát, lấy khăn lau máu toàn thân, nhặt hai tay, hai chân, hai lỗ tai và mũi bỏ vào trong bao rồi đỡ Đức Bồ Tát ngồi dậy, đảnh lễ Đức Bồ Tát bèn bạch rằng: 

— Kính bạch Ngài đạo sĩ cao thượng! Nếu Ngài tức giận, thì chỉ tức giận một mình Đức vua làm khổ Ngài mà thôi, cúi xin Ngài có tâm bi thương xót, không giận dân chúng trong xứ sở này, để cho xứ sở này tránh nạn diệt vong.

Đức Bồ Tát an nhiên tự tại dạy rằng: 

Đức vua Kalābu ngự ra đến cổng vườn thượng uyển, nơi khuất mắt Đức Bồ Tát, bỗng mặt đất rung động nứt nẻ, từ dưới khe nứt phun lên một ngọn lửa thiêu hủy xác ông rút sâu tận lòng đất. Sau khi chết, do ác nghiệp tàn nhẫn làm hại Đức Bồ Tát, cho quả sa đoạ vào cõi ác giới, đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ do ác nghiệp của mình đã tạo.

Còn Đức Bồ Tát bị thương tích nặng, cũng qua đời ngay ngày hôm ấy. Sau khi qua đời, do thiện nghiệp cho quả tái sanh cõi thiên giới, hưởng mọi sự an lạc nơi cõi ấy.

Toàn thể dân chúng trong kinh thành Bārāṇasi vô cùng tôn kính Đức Bồ Tát, mang hoa, vật thơm, v.v… đến cúng dường thi thể Đức Bồ Tát rồi đem đi hoả táng.

Những nhân vật trong tích Đức Bồ Tát Khanṭivādī, tiền thân của Đức Phật Goṭama, liên quan đến hậu thân trong kiếp hiện tại là:

(Xong tích tiền thân Khanṭivādī).

Đức tính nhẫn nại đó là vô sân tâm sở đồng sanh trong đại thiện tâm, khi tiếp xúc với đối tượng làm cho bất bình, nghịch cảnh, nghịch duyên. Cho nên, đối tượng xấu hoặc tốt không quan trọng, mà điều quan trọng là tâm hiểu biết khi tiếp xúc đối tượng ấy, làm cho phát sanh đại thiện tâm hoặc bất thiện tâm (ác tâm).

Ví dụ: 

— Đức Phật là một đối tượng tốt, hoàn hảo: Đối với hàng Phật tử chiêm ngưỡng Đức Phật, phát sanh đại thiện tâm, có đức tin trong sạch tăng trưởng mọi thiện pháp. Nhưng đối với hàng ngoại đạo nhìn thấy Đức Phật, phát sanh bất thiện tâm (ác tâm), bởi vì họ nghĩ rằng: “Do Sa môn Goṭama này làm cho chúng ta mất nhiều lợi lộc, mất nhiều sự lễ bái cúng dường”.

— Tử thi là một đối tượng xấu: Đối với hành giả tiến hành thiền định, tử thi là đề mục thiền định, mà họ có thể chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới, và đối với hành giả tiến hành thiền tuệ có thể chứng đắc Thánh Đạo-Thánh Quả và Niết Bàn. Nhưng đối với số người có tánh hay sợ khi gặp tử thi trong rừng, nơi thanh vắng, thì tâm sân phát sanh hoảng sợ đến mất trí.

Quan niệm về đối tượng rất quan trọng làm cho phát sanh thiện tâm hoặc ác tâm.

TÍCH ĐẠI ĐỨC PUṆṆA 

Trong kinh Puṇṇovādasuṭṭa (Majjhimanikāya, Uparipannāsa, kinh Puṇṇovādasuṭṭa) được tóm lược như sau:

Đại Đức Puṇṇa nguyên là một lái buôn vùng Sunāparanṭa chuyên chở hàng hoá bằng xe đến kinh thành Sāvaṭṭhi để buôn bán. Một hôm, người lái buôn đến nghe Đức Phật thuyết pháp tại ngôi chùa Jeṭavana, phát sanh đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu.

Sau khi trở thành Tỳ khưu, ở tại kinh thành Sāvaṭṭhi một thời gian, Ngài muốn xin Đức Phật cho phép đi đến vùng Sunāparanṭa, nên Ngài đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xin được nghe pháp, Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ Ngài xong, bèn hỏi rằng:

— Này Puṇṇa, con sẽ đi ở nơi nào?

Đại Đức Puṇṇa bạch đúng theo ý nguyện của mình.

— Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin Ngài cho phép con đi đến ở vùng Sunāparanṭa.

— Này Puṇṇa, dân chúng vùng Sunāparanṭa hung dữ, tàn nhẫn lắm.

1- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa chửi mắng, hăm doạ con, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

— Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa chửi mắng, hăm doạ con, thì con nghĩ về điều ấy rằng: “Dân chúng Sunāparanṭa tốt lắm! Dân chúng Sunāparanṭa còn đối xử tử tế với con lắm! Bởi vì họ không đánh con bằng tay”. 

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy, con nghĩ như vậy.

2- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đánh con bằng tay, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

— Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đánh con bằng tay, thì con sẽ nghĩ về điều ấy rằng: “Dân chúng vùng Sunāparanṭa tốt lắm! Dân chúng vùng Sunāparanṭa còn đối xử tử tế với con lắm! Bởi vì họ không ném đá vào con”. 

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy, con nghĩ như vậy.

3- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa ném đá vào con, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

— Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa ném đá vào con, thì con nghĩ về điều ấy rằng: “Dân chúng vùng Sunāparanṭa tốt lắm! Dân chúng vùng Sunāparanṭa còn đôi xử tử tế với con lắm! Bởi vì họ không đánh con bằng gậy gộc”.

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy, con nghĩ như vậy.

4- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đánh con bằng gậy gộc, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

— Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đánh con bằng gậy gộc, thì con nghĩ về điều ấy rằng: “Dân chúng vùng Sunāparanṭa tốt lắm! Dân chúng vùng Sunāparanṭa còn đối xử tử tế với con lắm! Bởi vì họ không đâm chém con bằng khí giới”.

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy, con nghĩ như vậy.

5- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đâm chém con bằng khí giới, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

— Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa đâm chém con bằng khí giới, thì con nghĩ về điều ấy rằng: “Dân chúng vùng Sunāparanṭa tốt lắm! Dân chúng vùng Sunāparanṭa còn đối xử tử tế với con lắm! Bởi vì họ không giết chết con bằng khí giới sắc bén”.

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy con sẽ nghĩ như vậy.

6- Này Puṇṇa, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa giết chết con bằng khí giới sắc bén, thì con nghĩ thế nào về điều ấy?

— Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu dân chúng vùng Sunāparanṭa giết chết con bằng khí giới sắc bén, thì con nghĩ về điều ấy rằng: “Thanh Văn đệ tử của Đức Phật nhàm chán sắc thân ô trọc, mạng sống khổ đau này, nên tìm khí giới huỷ hoại sanh mạng, còn con không cần phải đi tìm khí giới, mà có người đến huỷ hoại sanh mạng của con rồi”.

Kính bạch Đức Thế Tôn, về điều ấy, con nghĩ như vậy.

Nghe vậy, Đức Thế Tôn ca tụng Ngài Puṇṇa bằng lời: 

— Sādhu! Sadhu! Lành thay! Lành thay. Con có đức tính nhẫn nại, tâm vô sân dập tắt mọi ác pháp. Này Puṇṇa, con có thể đi đến ở vùng Sunāparanṭa được.

Được Đức Phật cho phép, Ngài Puṇṇa lên đường đi đến vùng Sunāparanṭa ở hành đạo, Ngài tiến hành thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Qua tích Đại Đức Puṇṇa có đức tính nhẫn nại, nên dù bất cứ đối tượng xấu nào, nghịch cảnh, nghịch duyên nào, Ngài vẫn giữ vững đại thiện tâm trong sạch, có vô sân tâm sở hỗ trợ, giữ gìn sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho mình.

Trong đời, người ta đối xử tốt hoặc xấu với mình như thế nào, là quyền của người ta; còn ta nên có đức tính nhẫn nại, có trí tuệ sáng suốt, chọn lựa tạo thiện nghiệp mà tránh ác nghiệp, để cho đại thiện tâm phát sanh, đồng thời làm cho ác tâm bị diệt, đó chính là quyền của mình. Như vậy, ta giữ gìn được sự lợi ích, sự tiến hoá trong mọi thiện pháp, sự an lạc lâu dài.