Con Đường Giải Thoát Khổ (tái bản)

Pháp hành Thiền Tuệ Vipassana (tóm tắt)

By Nền Tảng Phật Giáo

May 17, 2016

PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ (VIPASSANĀKAMMAṬṬHĀNA)

Khi Đức Phật xuất hiện trên thế gian, thì mới có pháp hành thiền tuệ. Do đó, pháp hành thiền tuệ chỉ có trong Phật giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật giáo.

Pháp hành thiền tuệ là pháp hành dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, chứng đắc 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não, mọi tham ái, nên giải thoát khỏi mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. 

Thiền tuệ nghĩa là gì?

Thiền tuệ là trí tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ, biết rõ 3 trạng thái chung: Trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, chứng đắc 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Do đó trí tuệ này gọi là trí tuệ thiền tuệ (Vipassanā-ñāṇa)

Trí tuệ thiền tuệ có 2 loại:

1-    Trí tuệ thiền tuệ tam giới (lokiyavipassanā) có đối tượng danh pháp, sắc pháp trong tam giới.

2-    Trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới (Lokuttaravipassanā) có đối tượng Niết Bàn, Siêu tam giới.

1-    Trí tuệ thiền tuệ tam giới (lokiyavipassanā):

Trí tuệ thiền tuệ tam giới là trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp trong tam giới.

Danh pháp, sắc pháp trong tam giới là:

–       Danh pháp đó là 81 tâm trong tam giới (không có 8 hoặc 40 tâm Siêu tam giới) và 52 tâm sở.

–       Sắc pháp đó là 28 sắc pháp.

*     Danh pháp – sắc pháp trong 6 môn

Danh pháp, sắc pháp phát sinh do nương nhờ 6 môn như sau:

1-       Nhãn môn (mắt): Khi sắc trần, hình dạng, tiếp xúc với nhãn tịnh sắc (mắt), do sự tiếp xúc ấy, nên phát sinh nhãn thức tâm làm phận sự nhìn thấy được sắc trần: Hình dạng… trong hiện tại.

Nhãn thức tâm có 2 tâm:

–     Nhãn thức tâm là quả của tâm bất thiện, nhìn thấy sắc trần xấu xí. 

–     Nhãn thức tâm là quả của tâm thiện, nhìn thấy sắc trần tốt đẹp.

*     Sắc trần và nhãn tịnh sắc thuộc về sắc pháp.

*     Nhãn thức tâm nhìn thấy sắc trần thuộc về danh pháp.

2-       Nhĩ môn (tai): Khi thanh trần, các âm thanh, tiếp xúc với nhĩ tịnh sắc (tai), do sự tiếp xúc ấy, nên phát sinh nhĩ thức tâm làm phận sự nghe thanh trần, các âm thanh, trong hiện tại.

Nhĩ thức tâm có 2 tâm.

–     Nhĩ thức tâm là quả của tâm bất thiện, nghe thanh trần, âm thanh dở.

–     Nhĩ thức tâm là quả của tâm thiện, nghe thanh trần, âm thanh hay.

*     Thanh trần và nhĩ tịnh sắc thuộc về sắc pháp.

*     Nhĩ thức tâm nghe thanh trần thuộc về danh pháp.

3-       Tỷ môn (mũi): Khi hương trần, các loại mùi tiếp xúc với tỷ tịnh sắc (mũi), do sự tiếp xúc ấy, nên phát sinh tỷ thức tâm làm phận sự ngửi hương trần, các loại mùi, trong hiện tại.

Tỷ thức tâm có 2 tâm.

–     Tỷ thức tâm là quả của tâm bất thiện, ngửi hương trần, mùi hôi thối.

–     Tỷ thức tâm là quả của tâm thiện, ngửi hương trần mùi thơm tho.

*     Hương trần và tỷ tịnh sắc thuộc về sắc pháp.

*     Tỷ thức tâm ngửi hương trần thuộc về danh pháp.

4-       Thiệt môn (lưỡi): Khi vị trần, các loại vị, tiếp xúc với thiệt tịnh sắc (lưỡi), do sự tiếp xúc ấy, nên phát sinh thiệt thức tâm làm phận sự nếm vị trần, các loại vị, trong hiện tại.

Thiệt thức tâm có 2 tâm.

–      Thiệt thức tâm là quả của tâm bất thiện, nếm vị trần, vị dở.

–      Thiệt thức tâm là quả của tâm thiện, nếm vị trần, vị ngon.

*     Vị trần và thiệt tịnh sắc thuộc về sắc pháp.

*     Thiệt thức tâm nếm vị trần thuộc về danh pháp. 

5-       Thân môn (thân): Khi xúc trần, cứng, mềm, nóng, lạnh, phồng, xẹp…, tiếp xúc với thân tịnh sắc (thân), do sự tiếp xúc ấy, nên phát sinh thân thức tâm làm phận sự xúc giác với xúc trần, cứng, mềm, nóng, lạnh…, trong hiện tại.

Thân thức tâm có 2 tâm.

–     Thân thức tâm là quả của tâm bất thiện, tiếp xúc trần thô, cứng…

–     Thân thức tâm là quả của tâm thiện, tiếp xúc trần vi tế, êm dịu…

*     Xúc trần và thân tịnh sắc thuộc về sắc pháp.

*     Thân thức tâm tiếp xúc trần thuộc về danh pháp.

6-       Ý môn (ý): Khi pháp trần tiếp xúc với sắc ý căn (hadayavatthurūpa), do sự tiếp xúc ấy nên phát sinh ý thức tâm làm phận sự biết pháp trần ở 3 thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) và ngoại 3 thời 1 đó là đối tượng Niết Bàn và đối tượng Paññatti: Chế định pháp.

Ý thức tâm phát sinh do nương nhờ ý môn, gồm có 75 tâm (trừ 10 thức tâm và 4 tâm quả vô sắc giới). 

*     Sắc pháp và sắc ý căn thuộc về sắc pháp.

*     Ý thức tâm biết pháp trần thuộc về danh pháp. 

*     Niết Bàn là pháp vô vi thuộc về danh pháp đặc biệt, làm đối tượng của tâm Siêu tam giới.

*     Chế định pháp không thuộc về sắc pháp, cũng không thuộc về danh pháp, nên không thể làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ. 

–     Pháp trần có 3 pháp: Tâm, tâm sở, sắc pháp trong quá khứ, hiện tại, vị lai.

–     Niết Bàn và Chế định pháp không có trong 3 thời, vì không có sự sinh, sự diệt.

*     Sắc pháp, danh pháp trong Tứ Niệm Xứ

–     Phần niệm thân: Thân là đối tượng của chánh niệm và trí tuệ tỉnh giác, có 14 đối tượng thuộc về sắc pháp.

–     Phần niệm thọ: Thọ là đối tượng của chánh niệm và trí tuệ tỉnh giác, có 1 đối tượng chia 9 loại thọ thuộc về danh pháp.

–     Phần niệm tâm: Tâm là đối tượng của chánh niệm và trí tuệ tỉnh giác, có 1 đối tượng chia 16 loại tâm thuộc về danh pháp.

–     Phần niệm pháp: Pháp là đối tượng của chánh niệm và trí tuệ tỉnh giác, có 5 đối tượng thuộc về danh pháp  sắc pháp.

Tất cả danh pháp, sắc pháp thuộc trong tam giới là đối tượng của trí tuệ thiền tuệ tam giới.

2-       Trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới (Lokuttaravipassanā):

Trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới đó là:

*     4 Thánh Đạo Tuệ trong 4 Tâm Thánh Đạo:

–       Nhập Lưu Thánh Đạo Tuệ

–       Nhất Lai Thánh Đạo Tuệ

–       Bất Lai Thánh Đạo Tuệ

–       Arahán Thánh Đạo Tuệ

*     4 Thánh Quả Tuệ trong 4 Tâm Thánh Quả:

–       Nhập Lưu Thánh Quả Tuệ

–       Nhất Lai Thánh Quả Tuệ

–       Bất Lai Thánh Quả Tuệ

–       Arahán Thánh Quả Tuệ

*     Niết Bàn chỉ là đối tượng của 4 Tâm Thánh Đạo và 4 Tâm Thánh Quả mà thôi.

16 Trí Tuệ Của Pháp Hành Thiền Tuệ

Hành giả thực hành thiền tuệ có đối tượng danh pháp, sắc pháp trong tam giới thuộc về Chân nghĩa pháp, thực hành đúng theo pháp hành Trung Đạo dẫn đến phát sinh trí tuệ thiền tuệ tam giới (lokiyavipassanāñāṇa) cho đến trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới (Lokuttara-vipassanāñāṇa) theo tuần tự qua 16 trí tuệ thiền tuệ như sau: 

1-    Trí tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ mỗi danh pháp và mỗi sắc pháp liên quan với nhau đúng theo thực tánh của chúng là pháp vô ngã, không phải ta, không phải người, không phải chúng sinh nào, không phải vật nào… nên diệt được tà kiến theo chấp ngã hoặc diệt được tà kiến chấp trong ngũ uẩn cho là ta, diệt theo cách từng thời, bằng chánh kiến thiền tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi) đồng thời đạt đến chánh kiến thanh tịnh (diṭṭhivisuddhi).

Trí tuệ thứ nhất gọi là (nāmarūpaparicchedañāṇa): Trí tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ mỗi danh pháp và mỗi sắc pháp liên quan với nhau đúng theo thực tánh của chúng là pháp vô ngã, xem như hành giả đã gặp được vị chân sư đó là danh pháp sắc pháp đúng theo sự thật Chân nghĩa pháp.

Vị chân sư danh pháp sắc pháp dẫn dắt giảng dạy tỉ mỉ những sự thật chân lý Tứ Đế từ cõi tam giới cho đến sự thật chân lý Tứ Thánh Đế cõi Siêu tam giới.

Thật vậy, chỉ có hạt muối mới dạy cho ta biết được vị mặn, chỉ có trái chanh mới dạy cho ta biết được vị chua của chanh; ngoài hạt muối và trái chanh ra, không có một ai có khả năng dạy cho ta biết được vị mặn, vị chua của chanh. Cũng như vậy, chỉ có danh pháp, sắc pháp mới dạy trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, sự thật chân lý Khổ đế của danh pháp, sắc pháp. Ngoài danh pháp, sắc pháp ra, không có một ai có khả năng dạy cho ta biết được thật tánh của các pháp như vậy.

Do đó, vai trò danh pháp, sắc pháp thuộc Chân nghĩa pháp tối quan trọng trong pháp hành thiền tuệ. Cho nên, trí tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa này thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ mỗi danh pháp và mỗi sắc pháp làm nền tảng cơ bản để cho các trí tuệ thiền tuệ bậc cao theo tuần tự phát sinh, từ trí tuệ thiền tuệ tam giới có danh pháp, sắc pháp làm đối tượng, cho đến trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới có Niết Bàn, danh pháp làm đối tượng. 

Thật vậy, trí tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ nhì:

2-    Trí tuệ thiền tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ nhân duyên phát sinh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ ba:

3-    Trí tuệ thiền tuệ thứ ba sammasanañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp do nhân duyên diệt, nên thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ tư:

4-    Trí tuệ thiền tuệ thứ tư udayabhayañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ngay hiện tại, nên thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ năm:

5-    Trí tuệ thiền tuệ thứ năm bhaṅgānupassanāñāṇaTrí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ đặc biệt sự diệt của danh pháp, sắc pháp, làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ sáu:

6-    Trí tuệ thiền tuệ thứ sáu bhayatupaṭṭhāṇañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp đáng kinh sợ, làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ bảy:

7-    Trí tuệ thiền tuệ thứ bảy ādīnavānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp đầy tội chướng, làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ tám: 

8-    Trí tuệ thiền tuệ thứ tám nibbidānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp thật đáng nhàm chán, làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ chín:

9-    Trí tuệ thiền tuệ thứ chín muñcitukamyatāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp thật đáng nhàm chán, mong muốn giải thoát khỏi danh pháp sắc pháp, làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ mười:

10-     Trí tuệ thiền tuệ thứ mười paṭisaṅkhānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trở lại danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã một cách rõ ràng, để tìm ra phương pháp giải thoát khỏi Khổ đế của danh pháp sắc pháp, làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ mười một:

11-     Trí tuệ thiền tuệ thứ mười một saṅkhārupekkhāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp rõ ràng là pháp vô ngã, nên trí tuệ thiền tuệ đặt tâm trung dung giữa các danh pháp sắc pháp có trạng thái vô thường, hoặc trạng thái khổ, hoặc trạng thái vô ngã làm đối tượng, làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ mười hai:

12-     Trí tuệ thiền tuệ thứ mười hai anulomañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thuận dòng theo 8 trí tuệ thiền tuệ phần trước (từ trí tuệ thiền tuệ thứ tư cho đến trí tuệ thiền tuệ thứ mười một) và thuận dòng theo 37 pháp chứng đắc Thánh Đạo phần sau (4 pháp niệm xứ + 4 pháp tinh tấn + 4 pháp thành tựu + 5 pháp chủ + 5 pháp lực + 7 pháp giác chi + 8 pháp chánh đạo), làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ mười ba:

13-     Trí tuệ thiền tuệ thứ mười ba gotrabhuñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ chuyển từ dòng phàm nhân sang dòng bậc Thánh Nhânđặc biệt thấy rõ đối tượng Niết Bàn Siêu tam giới (trí tuệ thiền tuệ này buông bỏ đối tượng danh pháp sắc pháp thuộc về tam giới, tiếp nhận đối tượng Niết Bàn đầu tiên), làm nhân duyên phát sinh trí tuệ thứ mười bốn:

14-     Trí tuệ thiền tuệ thứ mười bốn maggañāṇa: Thánh Đạo Tuệ thuộc trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới đồng sinh trong Tâm Thánh Đạo có đối tượng Niết Bàn, có khả năng đặc biệt diệt đoạn tuyệt được phiền não, tham ái, ác pháp tuỳ theo mỗi Thánh Đạo Tuệ:

Thánh Đạo Tuệ có 4 bậc:

–       Nhập Lưu Thánh Đạo Tuệ

–       Nhất Lai Thánh Đạo Tuệ

–       Bất Lai Thánh Đạo Tuệ

–       Arahán Thánh Đạo Tuệ

Thánh Đạo Tuệ liền làm duyên phát sinh Thánh Quả Tuệ tương ứng không có thời gian ngăn cách.

15-     Trí tuệ thiền tuệ thứ mười lăm phalañāṇaThánh Quả Tuệ (quả của Thánh Đạothuộctrí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới đồng sinh trong Tâm Thánh Quả có đối tượng Niết Bàn.

Thánh Quả Tuệ có 4 bậc:

–       Nhập Lưu Thánh Quả Tuệ

–       Nhất Lai Thánh Quả Tuệ

–       Bất Lai Thánh Quả Tuệ

–       Arahán Thánh Quả Tuệ

4 Thánh Đạo Tuệ và 4 Thánh Quả Tuệ tương ứng:

–        Nhập Lưu Thánh Đạo Tuệ —> Nhập Lưu Thánh Quả Tuệ

–        Nhất Lai Thánh Đạo Tuệ —> Nhất Lai Thánh Quả Tuệ

–        Bất Lai Thánh Đạo Tuệ —> Bất Lai Thánh Quả Tuệ

–        Arahán Thánh Đạo Tuệ —> Arahán Thánh Quả Tuệ

16-     Trí tuệ thiền tuệ thứ mười sáu paccavekkhanañāṇa: Trí tuệ quán xét 5 điều:

–        Trí tuệ quán xét Thánh Đạo đã chứng đắc.

–        Trí tuệ quán xét Thánh Quả đã chứng đắc.

–        Trí tuệ quán xét Niết Bàn đã chứng ngộ.

–        Trí tuệ quán xét phiền não đã bị diệt đoạn tuyệt.

–        Trí tuệ quán xét phiền não chưa bị diệt đoạn tuyệt.

Bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai quán xét 5 điều. Riêng bậc Thánh Arahán chí quán xét 4 điều trước, không có quán xét điều phiền não chưa diệt đoạn tuyệt, bởi vì bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt mọi phiền não không còn dư sót .

–     Hành giả thiện trí phàm nhân thực hành thiền tuệ lần thứ nhất, trải qua 16 trí tuệ thiền tuệ lần thứ nhất, chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

–     Hành giả bậc Thánh Nhập Lưu tiếp tục thực hành thiền tuệ, phát triển trí tuệ thiền tuệ bắt đầu từ trí tuệ thiền tuệ thứ tư cho đến trí tuệ thiền tuệ thứ 16 lần thứ nhì, chứng đắc thành bậc Thánh Nhất Lai.

–     Hành giả bậc Thánh Nhất Lai tiếp tục thực hành thiền tuệ, phát triển trí tuệ thiền tuệ bắt đầu từ trí tuệ thiền tuệ thứ tư cho đến trí tuệ thiền tuệ thứ 16 lần thứ ba, chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai.

–     Hành giả bậc Thánh Bất Lai tiếp tục thực hành thiền tuệ, phát triển trí tuệ thiền tuệ bắt đầu từ trí tuệ thiền tuệ thứ tư cho đến trí tuệ thiền tuệ thứ 16 lần thứ tư, chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cao thượng nhất 1 .

16 loại trí tuệ thiền tuệ được chia làm 2 loại:

*     Trí tuệ thiền tuệ tam giới: Kể từ trí tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa đến trí tuệ thứ mười ba gotrabhuñāṇa.

*     Trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới: Gồm có trí tuệ thiền tuệ thứ mười bốn maggañāṇa: Thánh Đạo Tuệ; trí tuệ thiền tuệ thứ mười lăm phalañāṇa: Thánh Quả Tuệ đều chỉ có đối tượng Niết Bàn mà thôi. Trí tuệ thiền tuệ thứ mười sáu paccavekkhanañāṇa: Trí tuệ quán xét biết rõ đối tượng Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn, phiền não đã bị diệt, (phiền não chưa bị diệt) ví như người nằm mộng thấy rõ chuyện mộng như thật. Khi thức giấc rồi hồi tưởng đến chuyện trong giấc mộng ấy.

Pháp Hành Thiền Tuệ Giải Thoát Khổ

Pháp hành thiền tuệ là pháp hành dẫn đến giải thoát khổ tuỳ theo mỗi hạng chúng sinh.

1-    Hạng thiện trí phàm nhân thực hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của danh pháp sắc pháp là pháp vô ngã; thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp sắc pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp; nhưng chưa có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chưa chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả nào, chưa trở thành bậc Thánh Nhân, vẫn còn là hạng thiện trí phàm nhân.

*     Giải thoát khổ kiếp hiện tại:

Hạng thiện trí phàm nhân này gọi là bậc Tiểu Nhập Lưu (Cūḷasotāpanna) có chánh kiến thiền tuệ, có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, có giới hạnh trong sạch, có định tâm an tịnh, có trí tuệ sáng suốt, cho nên bậc Tiểu Nhập Lưu này ít khổ tâm.

*     Giải thoát khổ kiếp vị lai:

Hạng thiện trí phàm nhân này sau khi chết, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh cõi thiện giới: Cõi người, cõi trời dục giới; nếu có chứng đắc các bậc thiền hữu sắc hoặc thiền vô sắc, thì sẽ tái sinh lên cõi trời sắc giới phạm thiên hoặc cõi trời vô sắc giới phạm thiên, tùy theo năng lực quả thiện nghiệp của mình đã tạo; dù thuộc vào hạng chúng sinh nào cũng là bậc có trí tuệ đặc biệt, hưởng được quả báu an lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi ấy.

2-    Hạng thiện trí phàm nhân thực hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ theo tuần tự dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quảvà Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, mới là bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo.

*     Giải thoát khổ kiếp hiện tại:

Bậc Thánh Nhập Lưu này có đức tin trong sạch vững chắc không lay chuyển nơi Tam Bảo, có giới hạnh hoàn toàn trong sạch, có định an tịnh, có tứ tuệ sáng suốt. Bậc Thánh này vĩnh viễn không bao giờ khổ do tà kiến và hoài nghi nữa, bởi vì đã diệt đoạn tuyệt được hai loại phiền não này rồi.

*     Giải thoát khổ kiếp vị lai:

Bậc Thánh Nhập Lưu này sau khi chết, chắc chắn không còn bị tái sinh vào 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), do thiện nghiệp cho quả tái sinh cõi thiện giới: Cõi người, cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới, tùy theo năng lực quả nghiệp thiện của mình đã tạo; dù tái sinh vào hạng chúng sinh nào cũng là bậc Thánh Nhập Lưu và chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

3-    Bậc Thánh Nhập Lưu tiếp tục thực hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ theo tuần tự dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo – Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhất Lai, là bậc Thánh thứ nhì trong Phật giáo.

*     Giải thoát khổ kiếp hiện tại:

Bậc Thánh Nhất Lai này có đức tin trong sạch vững chắc không lay chuyển nơi Tam Bảo, có giới hạnh hoàn toàn trong sạch, có định an tịnh, có tứ tuệ sáng suốt. Bậc Thánh này vĩnh viễn không bao giờ khổ do tâm sân loại thô nữa, bởi vì đã diệt đoạn tuyệt được phiền não sân loại thô này rồi.

*     Giải thoát khổ kiếp vị lai:

Bậc Thánh Nhất Lai này sau khi chết, do nghiệp thiện cho quả chỉ còn tái sinh lại cõi dục giới này một kiếp nữa mà thôi, trong kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

4-    Bậc Thánh Nhất Lai tiếp tục thực hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ theo tuần tự dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo – Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Bất Lai, là bậc Thánh thứ ba trong Phật giáo.

*     Giải thoát khổ kiếp hiện tại:

Bậc Thánh Bất Lai này có giới hạnh hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, có định đặc biệt vững chắc, có tứ tuệ sáng suốt. Bậc Thánh này vĩnh viễn không bao giờ khổ do tâm sân loại vi tế nữa, bởi vì, đã diệt đoạn tuyệt được phiền não sân loại vi tế này rồi.

*     Giải thoát khổ kiếp vị lai:

Bậc Thánh Bất Lai này sau khi chết, chắc chắn không còn tái sinh trở lại cõi dục giới nữa, do nhờ nghiệp thiện sắc giới cho quả chắc chắn hoá sinh làm phạm thiên trong cõi trời sắc giới, tùy theo bậc thiền sở đắc của mình, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán trong cõi trời sắc giới ấy, rồi tịch diệt Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

5-    Bậc Thánh Bất Lai tiếp tục thực hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ theo tuần tự dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Arahán Thánh Đạo – Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán, là bậc Thánh thứ tư cao thượng nhất trong Phật giáo.

*     Giải thoát khổ kiếp hiện tại:

Bậc Thánh Arahán này có giới hạnh hoàn toàn trong sạch, có định vững chắc, có tứ tuệ hoàn toàn đầy đủ. Bậc Thánh Arahán này hoàn toàn không còn khổ tâm nào do phiền não nữa, bởi vì, Ngài đã diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não như: Tham, si, ngã mạn, phóng tâm, buồn ngủ, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi; mọi tham ái… không còn dư sót.

Ngay kiếp hiện tại đến khi hết tuổi thọ, bậc Thánh Arahán sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Trong Phật giáo, các hàng Phật tử là người cận sự nam, cận sự nữ và bậc xuất gia: Tỳ khưu, Sadi, nếu người nào có đầy đủ pháp hạnh ba-la-mật, có đủ 5 pháp chủ (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ và tuệ pháp chủ), thì người ấy có khả năng tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân.

Trong Phật giáo có 4 bậc Thánh Nhân:

1-      Bậc Thánh Nhập Lưu.

2-      Bậc Thánh Nhất Lai.

3-      Bậc Thánh Bất Lai.

4-      Bậc Thánh Arahán.

Người tại gia cận sự nam, cận sự nữ có thể chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai và bậc Thánh Bất Lai.

Nếu người cận sự nam, cận sự nữ nào chứng đắc thành bậc Thánh Arahánthì ngay trong ngày hôm ấy, người ấy phải xuất gia trở thành Tỳ khưu hoặc Tỳ khưu ni, để duy trì sinh mạng đến hết tuổi thọ.

Nếu người cận sự nam, cận sự nữ sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán rồi không xuất gia, thì bậc Thánh Arahán ấy phải tịch diệt Niết Bàn ngay trong ngày hôm ấy, không thể duy trì sinh mạng qua ngày hôm sau. Bởi vì, đời sống người tại gia không thể duy trì phạm hạnh cao thượng của bậc Thánh Arahán.

Bậc xuất gia: Tỳ khưu, Sadi có thể chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu cho đến bậc Thánh Arahán, rồi có thể duy trì sinh mạng cho đến hết tuổi thọ một cách tự nhiên.