A lotus blossom almost completely open, in beautiful pinks.

Quyển 5 - Phước Thiện (tái bản)

Phước Thiện – Bhāvanākusala: Phước-thiện hành-thiền

By Nền Tảng Phật Giáo

May 12, 2020

Bhāvanākusala: Phước-thiện hành-thiền

Định nghĩa Bhāvanā:

“Kusaladhamme bhāveti uppādeti vaḍḍhatī’ti bhāvanā”.

Trạng-thái nào làm cho thiện-pháp bậc cao phát sinh lên đầu tiên, rồi làm cho thiện-pháp ấy phát triển, trạng-thái ấy gọi là bhāvanākusala: phước-thiện hành-thiền.

Định nghĩa bhāvanā có 2 giai đoạn:

1- Giai đoạn đầu: Kusaladhamme bhāveti uppādeti:

Trạng-thái làm cho thiện-pháp bậc cao phát sinh lên đầu tiên.

2- Giai đoạn sau: Kusaladhamme bhāveti vaḍḍhati:

Trạng-thái làm cho thiện-pháp bậc cao phát triển, và tăng trưởng lên.

Bhāvanā có 2 loại:

1- Samathabhāvanā: Pháp-hành thiền-định.

2- Vipassanābhāvanā: Pháp-hành thiền-tuệ.

* Thế nào gọi là pháp-hành thiền-định?

Pháp-hành thiền-định là pháp-hành có định-tâm đồng sinh với thiện-tâm an trú trong một đề-mục thiền-định duy nhất (thuộc về đối-tượng chế-định-pháp (paññatti-dhamma)), ban đầu chế-ngự được phiền-não là 5 pháp-chướng-ngại (nivaraṇa) bằng 5 chi-thiền, dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và tiếp theo chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

Định-tâm an trú trong bậc thiền, hưởng sự an-lạc trong bậc thiền ấy.

Như vậy, gọi là pháp-hành thiền-định.

* Thế nào gọi là pháp-hành thiền-tuệ?

Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành làm phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới (thuộc về chân-nghĩa-pháp (para-matthadhamma)), trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, nên thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Như vậy, gọi là pháp-hành thiền-tuệ.

* Thực-hành pháp-hành thiền-định như thế nào?

Muốn thực-hành pháp-hành thiền-định, hành-giả cần phải học hỏi hiểu biết rõ 40 đề-mục thiền-định, rồi chọn một đề-mục thiền-định thích hợp với bản tính riêng của mình, làm đối tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định, với đề-mục thiền-định ấy, cho được thuận lợi dễ phát triển thiền định.

Đề-mục thiền-định

Thiền-định gồm có 40 đề-mục:

– 10 đề-mục hình tròn (kasiṇa).

– 10 đề-mục tử thi (asubha).

– 10 đề-mục niệm-niệm (anussati).

– 4 đề-mục tứ vô-lượng-tâm (appamaññā).

– 1 đề-mục vật thực đáng gớm (āhāre paṭikkūlasaññā).

– 1 đề-mục phân tích tứ đại (catudhātuvavatthāna).

– 4 đề-mục vô-sắc-giới (āruppa).

(Nên xem bộ “Nền-Tảng-Phật-Giáo”, quyển VII, tập 1: “Pháp-Hành Thiền-Định”, cùng soạn giả).

Sau khi chọn một đề mục nào phù hợp với bản tính của mình xong, hành-giả nên tìm đến Ngài Trưởng-Lão thiền sư uyên thâm về pháp-học Phật-Giáo, đầy đủ kinh nghiệm về pháp-hành Phật-Giáo nhất là pháp-hành thiền-định, để nương nhờ học hỏi phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-định về đề-mục thiền-định ấy.

Trong 40 đề-mục thiền-định làm đối tượng của pháp-hành thiền-định, mỗi đề-mục thiền-định có tính chất khả năng khác nhau như sau:

* 10 đề-mục thiền-định đạt đến cận-định (upacārasamādhi):

– Trong 40 đề-mục thiền-định đều đạt đến cận-định (upacārasamādhi) cả thảy, nhưng có 10 đề-mục thiền-định chỉ đạt đến upacārasamādhi: cận-định mà thôi, không thể dẫn đạt đến appanāsamādhi: an-định, nên không thể chứng đắc bậc thiền nào cả.

10 đề-mục thiền-định ấy là:

1- Đề-mục niệm-niệm 9 Ân-Đức-Phật (Buddhānussati).

2- Đề-mục niệm-niệm 6 Ân-Đức-Pháp (Dhammānussati).

3- Đề-mục niệm-niệm 9 Ân-Đức-Tăng (Saṃghānussati).

4- Đề-mục niệm-niệm về giới trong sạch của mình (Sīlānussati).

5- Đề-mục niệm-niệm về sự bố-thí của mình (Cāgānussati).

6- Đề-mục niệm-niệm về 5 pháp Chư-thiên có nơi mình (Devatānussati).

7- Đề-mục niệm-niệm về trạng-thái tịch tịnh an-lạc Niết-bàn (Upasamānussati).

8- Đề-mục niệm-niệm về sự chết (Maraṇānussati).

9- Đề-mục vật thực đáng ghê tởm (Āhārepaṭikkūlasaññā).

10- Đề-mục phân tích tứ-đại (catudhātuvavatthāna).

Bởi vì 10 đề-mục thiền-định này là những đề-mục thiền-định vô cùng vi-tế, vô cùng sâu sắc, rộng lớn mênh mông bao la, nên định-tâm không thể an trú trong một đối-tượng nào nhất định, cho nên, 10 đề-mục thiền-định này chỉ có khả năng đạt đến upcārasamādhi: tâm cận-định mà thôi.

Tâm cận-định này còn thuộc về dục-giới thiện-tâm.

30 đề-mục thiền-định chứng đắc bậc thiền

* 30 đề-mục thiền-định còn lại là:

– 10 đề-mục thiền-định (kasiṇa).

– 10 đề-mục thiền-định tử-thi (asubha).

– 1 đề-mục thiền-định niệm 32 thể trọc trong thân (kāyagatāsati).

– 1 đề-mục thiền-định hơi thở vào, hơi thở ra (ānāpānassati).

– 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm (appamaññā).

– 4 đề-mục thiền-định vô-sắc (āruppa).

Như vậy, 30 đề-mục thiền-định này đều có khả năng tiến hành đạt đến apanāsamādhi: an-định, nên dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm hoặc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào hoặc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm nào, tùy theo mỗi đề-mục thiền-định ấy.

Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm

Trong 30 đề-mục thiền-định ấy, có 11 đề-mục thiền-định chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi, đó là:

– 10 đề-mục thiền-định tử-thi (asubha).

– 1 đề-mục niệm 32 thể trọc (trược) trong thân (kāyagatāsati).

11 đề-mục thiền-định này chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi.

Nếu hành-giả chọn 1 trong 11 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì đề-mục thiền-định ấy chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi, bởi vì 11 đề-mục thiền-định này là đối-tượng thô, nên luôn luôn cần phải nương nhờ chi-thiền hướng-tâm (vitakka) đến đề-mục thiền-định ấy mới có thể dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm được.

Nếu hành-giả muốn chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, v.v… bậc cao, thì hành-giả cần phải thay đổi sang đề-mục thiền-định khác.

4 bậc thiền sắc-giới bậc thấp

Trong 19 đề-mục thiền-định còn lại, có 3 đề-mục thiền-định chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi, đó là

– Đề-mục niệm rải tâm từ (mettā).

– Đề-mục niệm rải tâm bi (karuṇā).

– Đề-mục niệm rải tâm hỷ (muditā).

3 đề-mục thiền-định này chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi.

Nếu hành-giả chọn 1 trong 3 đề-mục-thiền định vô- lượng-tâm này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì đề-mục thiền-định vô-lượng-tâm này chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi, không thể chứng đắc đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm được, bởi vì 3 đề-mục thiền-định vô-lượng-tâm này luôn luôn cần phải có chi-thiền lạc (sukha), mà đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm cần phải có chi-thiền xả (upekkhā) thay thế cho chi-thiền lạc.

Cho nên, muốn chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả cần phải thay đổi sang đề-mục niệm rải tâm xả (upekkhā) đến chúng-sinh vô lượng mà thôi, không thể có đề-mục thiền-định nào khác.

Đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm

– Đề-mục thiền-định niệm rải tâm xả (upekkhā) đến chúng-sinh vô lượng majjhattasattapaññatti không thương không ghét này chỉ có khả năng chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi, nên hành-giả không thể sử dụng đề-mục thiền-định này khi bắt đầu thực-hành, mà chỉ sử dụng sau khi hành-giả đã chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm của 1 trong 3 đề-mục thiền-định là đề-mục niệm rải tâm từ (mettā) hoặc đề-mục niệm rải tâm bi (karuṇā) hoặc đề-mục niệm rải tâm hỷ (muditā) đến chúng-sinh vô lượng mà thôi, bởi vì 4 đề-mục thiền-định tứ vô-lượng-tâm này cùng có đối-tượng chúng-sinh chế-định (sattapaññatti) giống nhau, chỉ có khác tính chất mỗi loại chúng-sinh mà thôi.

5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm

* 11 đề-mục thiền-định là:

– 10 đề-mục thiền-định (kasiṇa).

– Đề-mục thiền-định hơi thở vào – hơi thở ra (ānāpānassati).

11 đề-mục thiền-định này có khả năng dẫn đến chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới-thiện-tâm.

Nếu hành-giả chọn 1 trong 11 đề-mục thiền-định này làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-định thì mỗi đề-mục thiền-định ấy đều có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm mà không cần phải thay đổi sang đề-mục thiền-định khác.

4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm

Sau khi đã chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả muốn tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định, để chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

Mỗi đề-mục thiền-định vô-sắc chỉ có khả năng chứng đắc mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm riêng biệt mà thôi như sau:

1- Đề-mục thiền-định vô-sắc thứ nhất là đề-mục ākāsapaññatti chỉ dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là ākāsānañcāyatanakusalacitta: không-vô-biên-xứ thiện-tâm mà thôi.

2- Đề-mục thiền-định vô-sắc thứ nhì là đề-mục ākāsānañcāyatanakusalacitta chỉ dẫn đến chứng đắc đệ nhị thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là viññāṇañcāyatana-kusalacitta: thức-vô-biên-xứ thiện-tâm mà thôi.

3- Đề-mục thiền-định vô-sắc thứ ba là đề-mục natthibhāvapaññatti chỉ dẫn đến chứng đắc đệ tam thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là ākiñcaññāyatanakusala-citta: vô-sở-hữu-xứ thiện-tâm mà thôi.

4- Đề-mục thiền-định vô-sắc thứ tư là đề-mục ākiñcaññāyatanakusalacitta chỉ dẫn đến chứng đắc đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là nevasaññānāsaññā-yatanakusalacitta: phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ thiện-tâm mà thôi.

Đó là 4 đề-mục thiền-định vô-sắc mà mỗi đề-mục riêng biệt làm đối-tượng có khả năng dẫn đến chứng đắc mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm riêng biệt.

Như vậy, pháp-hành thiền-định có 40 đề-mục thiền-định chia ra làm 3 loại:

1- Đề-mục thiền-định dẫn đến cận-định (upacāra-samādhi) có 10 đề-mục, vẫn còn dục-giới thiện-tâm.

2- Đề-mục thiền-định dẫn đến an-định (appanā-samādhi) có 26 đề-mục, chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.

3- Đề-mục thiền-định vô-sắc dẫn đến an-định (appanāsamādhi) có 4 đề-mục vô-sắc mà mỗi đề-mục thiền-định vô-sắc chỉ dẫn đến chứng đắc mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm riêng biệt mà thôi.

* Sắc-giới thiện-tâm có 5 bậc thiền

Đối với hành-giả thuộc hạng người mandapuggala hành-giả có trí-tuệ chậm thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm theo tuần tự như sau:

1- Đệ nhất thiền sắc-giới-tâm có 5 chi-thiền là vitakka (hướng-tâm), vicāra (quan-sát), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự đè nén được 5 pháp-chướng-ngại (nivāraṇa) là tham-dục (kāmacchanda), sân-hận (byāpada), buồn-chán – buồn-ngủ (thīna-middha), phóng-tâm – hối-hận (uddhacca-kukkucca), hoài-nghi (vicikicchā).

Mỗi chi-thiền có khả năng chế ngự được mỗi pháp-chướng-ngại như sau:

– Hướng-tâm chế ngự được buồn-chán – buồn-ngủ.

– Quan-sát chế ngự được hoài-nghi.

– Hỷ chế ngự được sân-hận.

– Lạc chế ngự được phóng-tâm – hối-hận.

– Nhất-tâm chế ngự được tham-dục.

2- Đệ nhị thiền sắc-giới-tâm có 4 chi-thiền là vicāra (quan-sát), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự được chi-thiền vitakka (hướng-tâm), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

3- Đệ tam thiền sắc-giới-tâm có 3 chi-thiền là pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự được chi-thiền vicāra (quan-sát), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

4- Đệ tứ thiền sắc-giới-tâm có 2 chi-thiền là sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự được chi-thiền pīti (hỷ), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

5- Đệ ngũ thiền sắc-giới-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự bằng cách thay thế được chi-thiền sukha (lạc), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

* Sắc-giới thiện-tâm có 4 bậc thiền

Đối với hành-giả thuộc hạng người tikkhapuggala hành-giả có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng suy xét thấy rõ, biết rõ trạng-thái thô của chi-thiền vitakka (hướng-tâm) và chi-thiền vicāra (quan-sát) cùng một lúc, nên đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền là pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm). Cho nên, hành-giả thuộc hạng người tikkhapuggala chỉ có 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm theo tuần tự như sau:

1- Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền là vitakka (hướng-tâm), vicāra (quan-sát), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự đè nén được 5 pháp-chướng-ngại (nivāraṇa) là tham-dục (kāmac-chanda), sân-hận (byāpada), buồn-chán – buồn-ngủ (thina-middha), phóng-tâm – hối-hận (uddhacca-kukkucca), hoài-nghi (vicikicchā).

2- Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền là pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự được 2 chi-thiền là chi-thiền vitakka (hướng-tâm) và chi-thiền vicāra (quan-sát) cùng một lúc, bởi vì 2 chi-thiền này có trạng-thái thô.

3- Đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là sukha (lạc), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự được chi-thiền pīti (hỷ), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

4- Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm) do chế ngự bằng cách thay thế được chi-thiền sukha (lạc), bởi vì chi-thiền này có trạng-thái thô.

Vô-sắc-giới thiện-tâm có 4 bậc thiền

Đề-mục thiền-định vô-sắc có 4 đề-mục mà mỗi đề-mục chỉ có thể dẫn đến chứng đắc mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm riêng biệt mà thôi như sau:

1- Đệ nhất thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là “không-vô-biên-xứ thiện-tâm” có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm).

2- Đệ nhị thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là “thức-vô-biên-xứ thiện-tâm” có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm).

3- Đệ tam thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là “vô-sở-hữu-xứ thiện-tâm” có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm).

4- Đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là “phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ thiện-tâm” có 2 chi-thiền là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm).

Như vậy, mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm đều có 2 chi-thiền giống nhau là upekkhā (xả), ekaggatā (nhất-tâm), nhưng mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm có mỗi đối-tượng thiền-định vô-sắc riêng biệt khác nhau, vô-sắc-giới thiện-tâm bậc cao vi tế hơn vô-sắc-giới thiện- tâm bậc thấp.

Để tìm hiểu phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-định để chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, hành-giả nên xem bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, quyển VII, tập 1: “Pháp-Hành Thiền-Định” cùng soạn giả.

* Phước-thiện hành-thiền (Bhāvanākusala) phần pháp-hành thiền-định trong 10 phước-thiện này chỉ có giới hạn trong dục-giới thiện-tâm mà thôi.

Cho nên, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) và an-định (appanāsamādhi) chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, vô-sắc-giới thiện-tâm nhưng phước-thiện hành thiền chỉ kể đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, bởi vì tâm cận-định này vẫn còn thuộc về dục-giới thiện-tâm.

 

Bài viết trích từ cuốn Phước ThiệnTỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn. Quý vị có thể tải sách bản PDF tại đây.

 

AUDIO TOÀN BỘ CUỐN SÁCH PHƯỚC THIỆN