Phước-thiện bố-thí cúng dường tấm choàng
Tích Bà-la-môn Cūḷekasāṭaka
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi, đề cập đến tích Bà-la-môn tên Cūḷekasāṭaka. Tích này được tóm lược như sau:
* Trong quá khứ, thời-kỳ Đức-Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian. Có một Bà-la-môn tên là Mahā Ekasāṭaka.
* Trong thời hiện-tại, thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, vị bà-la-môn có tên là Cūḷekasāṭaka sống tại kinh-thành Sāvatthi.
Sở dĩ ông bà-la-môn có tên Cūḷekasāṭaka là vì 2 vợ chồng bà-la-môn chỉ có một tấm choàng trên thân mình duy nhất mà thôi. Hằng ngày, nếu khi ông chồng đi ra ngoài thì ông mặc tấm choàng này, bà vợ ở trong nhà, và nếu khi bà vợ đi ra ngoài thì bà mặc tấm choàng này, ông chồng phải ở trong nhà.
Một hôm, nghe thông báo dân chúng trong kinh-thành Sāvatthi đi nghe Đức-Phật thuyết-pháp tại ngôi chùa Jetavana, ông bà-la-môn bảo với người vợ rằng:
– Này em! Họ thông báo dân chúng đi nghe-pháp. Hai vợ chồng chúng ta chỉ có một tấm choàng trên thân mình duy nhất, nên không thể cùng đi chung với nhau được. Vậy, em đi nghe-pháp ban ngày hay ban đêm?
Nghe chồng hỏi vậy, nên bà vợ thưa rằng:
– Thưa anh, em xin đi nghe-pháp ban ngày, còn anh nên đi nghe-pháp ban đêm.
Bà vợ mặc tấm choàng trên thân mình đi đến ngôi chùa Jetavana, nghe Đức-Phật thuyết-pháp ban ngày.
Ông chồng ở lại trong nhà cả ngày. Buổi chiều, sau khi nghe-pháp xong, bà vợ trở về nhà.
Ông Bà-la-môn muốn cúng dường tấm choàng
Ông bà-la-môn mặc tấm choàng trên thân mình đi đến ngôi chùa Jetavana ban đêm. Đến ngồi gần Đức-Phật, ông bà-la-môn chú tâm lắng nghe Đức-Phật thuyết-pháp.
Khi ấy, 5 pháp hỷ-lạc(1) phát sinh làm cho toàn thân tâm của ông bà-la-môn có cảm giác an-lạc chưa từng có bao giờ. Ông bà-la-môn phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, ông muốn cúng dường lên Đức-Phật tấm choàng đang mặc trên mình, nhưng tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh, bởi vì ông bà-la-môn nghĩ lại rằng:
“Nếu bây giờ ta cúng dường tấm choàng này lên Đức-Phật thì vợ ta sẽ không có mặc và ta cũng không có mặc.”
Khi ấy, tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh trong ông bà-la-môn, rồi đại-thiện-tâm phát sinh có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, ông bà-la-môn lại muốn cúng dường tấm choàng này lên Đức-Phật, rồi tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh trở lại làm cản trở đức-tin trong sạch muốn cúng dường tấm choàng lên Đức-Phật.
Vì vậy, khi thì đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch phát sinh muốn cúng dường tấm choàng lên Đức-Phật, khi thì tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh không muốn cúng dường tấm choàng lên Đức-Phật.
Như vậy, đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch muốn cúng dường tấm choàng lên Đức-Phật với tham-tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng phát sinh ngăn cản.
Giữa đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch với tham-tâm bủn xỉn keo kiệt giằng co kéo dài trải qua canh đầu đêm, đến canh giữa đêm, cuộc chiến đấu giằng co giữa 2 tâm là đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch với tham-tâm bủn xỉn keo kiệt ấy vẫn chưa phân thắng bại.
Thắng tâm keo kiệt bằng đức-tin trong sạch
Đến canh chót đêm, ông bà-la-môn suy xét rằng:
“Cuộc chiến giằng co giữa đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật với ác-tâm là tham-tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng đã kéo dài trải qua 2 canh rồi. Nếu ta không thắng được tham-tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng này thì kiếp sống của ta không thể thoát khỏi 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc- sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy. Vậy, ta phải quyết tâm chiến thắng tham-tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng này!”
Sau khi quyết tâm như vậy, nên chế ngự được tham-tâm bủn xỉn keo kiệt trong tấm choàng, làm cho phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nhiều năng lực nơi Đức-Phật, nên ông bà-la-môn liền cởi tấm choàng trên thân mình, hai tay nâng tấm choàng cung-kính đến cúng dường lên Đức-Phật, ông đặt gần dưới hai bàn chân của Đức-Phật, rồi ông sung sướng reo lên 3 lần:
“Jitaṃ me! Jitaṃ me! Jitaṃ me!”
– Tôi đã thắng rồi! Tôi đã thắng rồi! Tôi đã thắng rồi!
Phước-thiện bố-thí cho quả hiện-tại
Đức-vua Pasenadi Kosala đang ngồi nghe-pháp, nghe ông bà-la-môn reo lên 3 lần như vậy, nên truyền bảo vị quan đến hỏi ông bà-la-môn ấy rằng:
“Ông đã thắng ai vậy?”
Tuân lệnh Đức-vua, Vị quan đến hỏi ông Bà-la-môn.
– Này ông bà-la-môn! Ông đã thắng ai vậy?
Ông bà-la-môn thưa với vị quan đầy đủ sự việc xảy ra diễn tiến suốt 3 canh theo tuần tự như vậy. Vị quan đến tâu lên Đức-vua Pasenadi Kosala đầy đủ về sự việc xảy ra đối với ông bà-la-môn như vậy.
Nghe vị quan tâu như vậy, Đức-vua Pasenadi Kosala nghĩ rằng: “Ông bà-la-môn ấy đã làm điều mà người khác khó làm được. Vậy, ta nên tế độ ông bà-la-môn ấy.”
Đức-vua truyền bảo vị quan đem 2 tấm choàng mới ban cho ông bà-la-môn ấy.
Sau khi nhận được 2 tấm choàng mới của Đức-vua ban, ông bà-la-môn đem 2 tấm choàng mới ấy cúng dường lên Đức-Phật.
Thấy ông bà-la-môn cúng-dường 2 tấm choàng mới lên Đức-Phật như vậy, nên Đức-vua Pasenadi Kosala truyền bảo vị quan đem ban cho ông bà-la-môn ấy 4 tấm choàng mới khác.
Sau khi nhận được 4 tấm choàng mới của Đức-vua ban, ông bà-la-môn đem 4 tấm choàng mới ấy cúng dường lên Đức-Phật.
Thấy ông bà-la-môn cúng-dường 4 tấm choàng mới lên Đức-Phật như vậy, nên Đức-vua Pasenadi Kosala truyền bảo vị quan đem ban cho ông bà-la-môn ấy 8 tấm choàng mới khác.
Cứ mỗi lần Đức-vua ban tấm choàng mới tăng gấp đôi, và sau khi ông bà-la-môn nhận được gấp đôi là 16 tấm choàng mới, 32 tấm choàng mới, ông bà-la-môn đem 32 tấm choàng mới ấy cúng dường lên Đức-Phật.
Đức-vua truyền bảo vị quan đem 64 tấm choàng ban cho ông bà-la-môn ấy nữa.
Ông Bà-la-môn muốn tránh tiếng rằng: “Ông Bà-la-môn có được bao nhiêu tấm choàng của Đức-vua ban đều tạo phước-thiện bố-thí đến Đức-Phật cả thảy, không để lại cho phần của mình.”
Vì vậy, ông bà-la-môn lấy riêng ra 4 tấm choàng: Phần của mình 2 tấm choàng và vợ 2 tấm choàng. Còn lại 60 tấm choàng, ông Bà-la-môn đem cúng dường đến Đức-Phật.
* Trong thời quá khứ, ông bà-la-môn Mahā Ekasāṭaka cúng dường đến Đức-Phật quá khứ 7 lần, lấy 4 tấm choàng trong 128 tấm choàng.
* Trong thời hiện-tại, ông bà-la-môn tên Cūḷekasāṭaka cúng dường đến Đức-Phật 7 lần, lấy 4 tấm choàng trong 64 tấm choàng.
Đức-vua Pasenadi Kosala truyền bảo các quan rằng:
– Này các khanh! Ông bà-la-môn này đã làm những điều mà người khác khó làm được. Vậy, các khanh hãy đem 2 tấm kambala dệt bằng các lông thú trong cung điện của Trẫm đến đây.
Tuân theo lệnh của Đức-vua, các quan đem 2 tấm kambala có giá 100 ngàn đồng kahāpaṇa, ban cho ông bà-la-môn ấy.
Sau khi nhận 2 tấm kambala ấy, ông bà-la-môn nghĩ rằng: “Hai tấm kambala này thật là vô giá chỉ có xứng đáng với Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác và chư Đại-đức- Tăng mà thôi. Vậy, ta nên đem cúng dường đến Đức-Phật”.
Ông Bà-la-môn đem 1 tấm kambala đến Gandhakuṭi, làm trần che phía trên chỗ giường nằm cúng dường đến Đức-Phật. Còn lại 1 tấm kambala, ông làm trần che phía trên chỗ vị tỳ-khưu ngồi độ vật thực trong nhà của ông.
Buổi chiều hôm ấy, Đức-vua Pasenadi Kosala ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Phật tại Gandhakuṭi, nhìn lên trần, thấy tấm kambala, Đức-vua nhớ tấm kambala ấy, nên bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, ai là người làm trần nhà bằng tấm kambala này cúng dường đến Ngài?
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này Đại-Vương! Bà-la-môn tên Cūḷekasāṭaka làm cúng dường đến Như-Lai. Đức-vua Pasenadi Kosala nghĩ rằng: “Ông Bà-la-môn này tôn kính Đức-Thế-Tôn giống như ta tôn kính.”
Đức-vua Pasenadi Kosala truyền lệnh ban cho ông bà-la-môn một trăm thứ mà mỗi thứ có 4 như sau:
4 con voi, 4 con ngựa, 4 người đàn bà, 4 người đàn ông, 4 tớ trai, 4 tớ gái, 4 xóm làng để thâu thuế, 4000 Kahāpaṇa, v.v…
Phước-thiện làm mau có quả hơn làm chậm
Chư tỳ-khưu đàm đạo tại hội trường rằng: “Phước-thiện của ông bà-la-môn Cūḷekasāṭaka thật là phi thường! Chỉ có trong thời gian ngắn, phước-thiện ấy cho quả tất cả mọi thứ mà mỗi thứ có 4. Phước-thiện của ông tạo nơi Đức-Thế-Tôn, nên cho quả báu ngay trong ngày hôm ấy.”
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đến hội trường, truyền hỏi chư tỳ-khưu rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Các con đang ngồi đàm đạo về chuyện gì vậy?
Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn về chuyện ông bà-la-môn Cūḷekasāṭaka tạo phước-thiện bố-thí và quả báu của phước-thiện như vậy.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Nếu bà-la-môn Cūḷekasāṭaka ấy có khả năng cúng dường đến Như-Lai trong canh đầu đêm thì ông sẽ được tất cả mọi thứ mà mỗi thứ có 16.
Nếu bà-la-môn ấy có khả năng cúng dường đến Như-Lai trong canh giữa đêm thì ông sẽ được tất cả mọi thứ mà mỗi thứ có 8.
Nhưng hai canh đã trải qua, ông bà-la-môn ấy không có khả năng cúng dường được, mãi cho đến canh chót, ông mới cúng dường đến Như-Lai, nên ông được tất cả mọi thứ mà mỗi thứ chỉ có 4 mà thôi.
Thật vậy, khi nào đại-thiện-tâm phát sinh muốn tạo phước-thiện, thì thí-chủ nên làm ngay khi ấy, không nên để đại-thiện-tâm ấy diệt mất.
Nếu thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí chậm chạp thì có được quả báu chậm chạp và bị giảm sút.
Cho nên, nếu thí-chủ phát sinh đại-thiện-tâm muốn tạo phước-thiện bố-thí thì nên làm ngay tức khắc khi ấy, nếu để chậm chạp thì tham-tâm bủn xỉn keo kiệt dễ phát sinh làm ngăn cản việc tạo phước-thiện bố-thí ấy.
Đức-Phật thuyết dhammapadagāthā thứ 116 rằng:
“Abhittharetha kalyāṇe, pāpā cittaṃ nivāraye.
Dandhaṃ hi karato puññaṃ, pāpasmiṃ ramatī mano.”
Các con nên mau chóng tạo phước-thiện,
mới ngăn cản được ác-tâm tội lỗi.
Khi các con chậm chạp tạo phước-thiện,
thì ác-tâm có cơ hội phát sinh.
Ác-tâm thường thỏa thích trong tội lỗi.
Để mọi phước-thiện tăng trưởng nhiều, quả báu của phước-thiện vô lượng, khi thí-chủ phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch trong mỗi phước-thiện, nên mau lẹ tạo phước-thiện, không nên chần chừ, do dự, không để cho ác-tâm có cơ hội phát sinh làm cản trở phước-thiện ấy, thí-chủ nên nghĩ rằng:
“Ahaṃ pure! Ahaṃ pure!”
– Ta là người trước tiên! Ta là người trước tiên!
Sau khi thuyết pháp xong, Đức-Thế-Tôn thuyết về tứ Thánh-đế tế độ chư tỳ-khưu. Khi ấy, có nhiều vị chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân tùy theo các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị thanh-văn đệ-tử.
Sự thật, nếu thí-chủ nào là người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có cơ hội tạo phước-thiện bố-thí, thì đó là dịp may đối với thí-chủ ấy, bởi vì thí-chủ có nhận thức đúng đắn rằng:
“Tiền của chỉ là của chung thật sự mà thôi, nay ta đang có quyền sở hữu tạm thời tiền của ấy, nếu ta biết sử dụng tiền của tạm thời ấy đem tạo phước-thiện bố-thí, thì chính phước-thiện ấy thuộc về đại-thiện-nghiệp trở thành của riêng ta, có tính chất vĩnh cửu đối với ta. Chính đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy sẽ cho quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.”
Bài viết trích từ cuốn Phước Thiện – Tỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn. Quý vị có thể tải sách bản PDF tại đây.