Quyển 10 - Pháp Hành Thiền Tuệ (tái bản)

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 1 – Giới Thiệu Pháp Hành Thiền Tuệ

By Nền Tảng Phật Giáo

July 11, 2020

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

PHÁP-HÀNH-THIỀN-TUỆ

(VIPASSANĀBHĀVANĀ)

 

Chương IX: Bhāvanā: Pháp-hành thiền của bộ Nền-Tảng Phật-Giáo có 2 quyển: 

– Quyển IX: Pháp-Hành Thiền-Định đã được trình bày xong, tiếp theo:

– Quyển X: Pháp-Hành Thiền-Tuệ 

 

* Pháp-hành thiền-tuệ (Vipassanābhāvanā) là pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo. Pháp-hành thiền-tuệ có từ khi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, và giáo pháp của Đức-Phật còn đang lưu truyền trên thế gian, do nhờ các hàng thanh-văn đệ-tử trí-tuệ của Đức-Phật, đã cố gắng tinh-tấn theo học pháp-học Phật-giáo và theo thực-hành pháp-hành Phật-giáo, nhất là thực-hành pháp-hành thiền-tuệ. 

Theo các Chú-giải, Phật-giáo chỉ được tồn tại trên thế gian khoảng 5.000 năm mà thôi, đến nay thời gian đã trải qua 2.562 năm, Phật-giáo chỉ còn 2.438 năm. 

Giáo pháp của Đức-Phật sẽ bị suy đồi, bị tiêu hoại dần dần theo thời gian, bởi vì các hàng thanh-văn đệ-tử không có khả năng trí-tuệ giữ gìn duy trì pháp-học Phật-giáo, pháp-hành Phật-giáo nữa, cho nên, pháp-hành thiền-tuệ (vipassanābhāvanā) sẽ bị suy đồi, sẽ bị tiêu hoại trước. 

Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành 4 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán cao-thượng trong Phật-giáo.

Vì vậy, pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành vô cùng vi-tế, sâu sắc, khó hiểu về phần pháp-học lại càng khó thực-hành đúng về phần pháp-hành thiền-tuệ.

Sở dĩ phần pháp-học của pháp-hành thiền-tuệ khó hiểu, là vì những danh từ ngôn-ngữ chế-định (vijjamāna-paññatti) sắc-pháp, danh-pháp có thật-tánh-pháp. Song thật-tánh-pháp (sabhāvadhamma) của sắc-pháp, của danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), hoàn toàn không phải là danh từ ngôn-ngữ chế-định.

Phần pháp-học này cốt yếu là để hiểu biết, phân biệt trạng-thái, tính chất của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp, cho nên phần pháp-học này là điều thiết yếu đầu tiên đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Phần thực-hành pháp-hành thiền-tuệ lại càng khó hơn, bởi vì các đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ là sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp hoặc thật-tánh-pháp (sabhāvadhamma), hoàn toàn không phải là danh từ ngôn-ngữ chế-định.

Định Nghĩa Vipassanā

“Rūpādi ārammaṇesu paññattiyā ca niccasukha atta-subhasaññāya ca visesena nāmarūpabhāvena vā aniccādi ākārena vā passatī’ti vipassanā.”

Định nghĩa có 2 phần:

– Phần đầu là:

“Rūpādi ārammaṇesu paññattiyā visesena nāmarūpa-bhāvena passatī’ti vipassanā.”

Trí-tuệ đặc biệt nào thấy rõ, biết rõ các đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tiếp xúc nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý đều là sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), thoát ra khỏi 2 loại chế-định-pháp (paññattidhamma): Ý-nghĩa chế-định (atthapaññatti) và danh-từ chế-định (saddapaññatti).

Trí-tuệ ấy gọi là trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanāñāṇa) có chi pháp là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ hoặc 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ.

– Phần sau là:

“Rūpādi ārammaṇesu nicca-sukha-atta-subha-saññāya visesena aniccādi ākārena passatī’ti vipassanā.”

Trí-tuệ đặc biệt nào thấy rõ, biết rõ các đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tiếp xúc nhãn, nhĩ, tỷ thiệt, thân, ý đều là sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp sinh rồi diệt liên tục không ngừng, hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh, nên diệt được tưởng đảo-điên (saññāvipallāsa), tâm đảo-điên (cittavipallāsa), tà-kiến đảo-điên (diṭṭhivipallāsa), cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

Trí-tuệ ấy gọi là trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanāñāṇa) có chi pháp là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ hoặc 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ.

Hoặc

“Pañcakkhandhesu vividhena aniccādi ākārena passatī’ti vipassanā.”

Trí-tuệ đặc biệt nào thấy rõ, biết rõ ngũ-uẩn: Sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn sinh rồi diệt, có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh.

Trí-tuệ ấy gọi là trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanāñāṇa), có chi pháp là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ hoặc 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ.

Phần giảng giải

Sắc-pháp, danh-pháp là những pháp nào?

* Sắc-pháp: Rūpadhamma là pháp bị huỷ hoại do sự nóng, sự lạnh, sự đói, sự khát, v.v… Sắc-pháp có 28 pháp.

Mỗi người bình thường không bệnh tật có đầy đủ 27 sắc-pháp.

– Nếu là người nam thì trừ sắc-nữ-tính.

– Nếu là người nữ thì trừ sắc-nam-tính.

– Nếu người nào bị mù mắt, bị tai điếc, v.v… thì trừ sắc-pháp liên quan đến bệnh tật của người ấy.

Sắc-pháp là sắc-uẩn (rūpakkhandha).

* Danh-pháp: Nāmadhamma là pháp hướng tâm biết các đối-tượng. Danh-pháp đó là tâm với tâm-sở.

– Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm.

– Tâm-sở gồm có 52 tâm-sở.

– Tâm có 89 hoặc 121 tâm thuộc về thức-uẩn.

– Tâm-sở có 52 tâm-sở với 4 trạng-thái:

– Đồng sinh với tâm (ekuppāda).

– Đồng diệt với tâm (ekanirodha).

– Đồng đối-tượng với tâm (ekālambana).

– Đồng nơi sinh với tâm (ekavatthuka).

– Thọ tâm-sở đồng sinh với tâm thuộc về thọ-uẩn.

– Tưởng tâm-sở đồng sinh với tâm thuộc về tưởng-uẩn.

– 50 tâm-sở (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) đồng sinh với tâm thuộc về hành-uẩn.

Như vậy, mỗi tâm nào phát sinh, chắc chắn có một số tâm-sở đồng sinh, đồng diệt, đồng đối-tượng, đồng nơi sinh với tâm ấy.

Trong mỗi tâm đều có đầy đủ 4 uẩn:

– Thọ tâm-sở (vedanācetasika) đồng sinh với tâm thuộc về thọ-uẩn (vedanākkhandha).

– Tưởng tâm-sở (saññācetasika) đồng sinh với tâm thuộc về tưởng-uẩn (saññākkhandha).

– Số tâm-sở còn lại (trừ thọ và tưởng tâm-sở) đồng sinh với tâm thuộc về hành-uẩn (saṅkhārakkhandha).

– Tâm (citta) ấy thuộc về thức-uẩn (viññāṇakkhandha).

* Vatthurūpa sắc-pháp là nơi sinh của tâm với tâm-sở thuộc về sắc-uẩn.

Sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn đều thuộc về chân-nghĩa-pháp, là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

* Paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp là pháp chân-thật, có thật-tánh bất biến thể theo thời gian và không gian, nghĩa là chân-nghĩa-pháp nào đã phát sinh trong thời quá-khứ như thế nào thì chân-nghĩa-pháp ấy đang phát sinh trong thời hiện-tại và sẽ phát sinh trong thời vị-lai cũng như thế ấy, thật-tánh không hề biến thể.

Chân-nghĩa-pháp nào phát sinh nơi chúng-sinh này, ở nơi này như thế nào, thì chân-nghĩa-pháp ấy phát sinh nơi chúng-sinh kia, ở nơi kia cũng như thế ấy, thật-tánh không hề biến thể. Paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp có 4 pháp:

1- Citta: Tâm có trạng-thái biết đối-tượng. Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm.

2- Cetasika: Tâm-sở có trạng-thái luôn luôn nương nhờ nơi tâm với 4 trạng-thái: Đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối-tượng với tâm, đồng nơi sinh với tâm. Tâm-sở gồm có 52 tâm-sở.

Tâm và tâm-sở thuộc về danh-pháp.

3- Rūpadhamma: Sắc-pháp có trạng-thái bị huỷ hoại bởi sự nóng, sự lạnh, sự đói, sự khát, v.v… Sắc-pháp gồm có 28 sắc-pháp.

Tâm, tâm-sở, sắc-pháp đều thuộc về pháp hữu-vi (saṅkhatadhamma).

4- Nibbāna: Niết-bàn có trạng-thái tịch tịnh, vắng lặng mọi phiền-não và ngũ-uẩn, an-lạc tuyệt đối.

Niết-Bàn là pháp vô-vi (asaṅkhatadhamma) thuộc về danh-pháp đặc biệt, hoàn toàn khác với danh-pháp: Tâm và tâm-sở.

* Chế-định-pháp là những pháp nào?

Paññattidhamma: Chế-định-pháp là danh từ ngôn-ngữ do con người chế định, đặt ra để gọi, diễn tả cho người khác hiểu biết được.

Chế-định-pháp cần phải nương nhờ nơi chân-nghĩa-pháp, để chế định ra ý nghĩa, hình dạng, … rồi chế định đặt ra danh từ ngôn-ngữ gọi ý nghĩa, hình dạng,… ấy.

Paññattidhamma: Chế-định-pháp có 2 pháp:

– Atthapaññatti: Ý nghĩa, hình dạng, … chế định.

– Saddapaññatti: Danh từ ngôn-ngữ chế-định.

1- Atthapaññatti: Ý nghĩa, hình dạng, … chế định cho biết được sự khác biệt của mỗi pháp, mỗi đối-tượng, có rất nhiều loại. Ví dụ:

– Nương nhờ nơi tứ-đại (đất, nước, lửa, gió) kết dính liền lại với nhau trở thành khối có hình dạng khác nhau như: Mặt đất bằng, núi cao, sông dài, biển rộng, v.v…

2- Saddapaññatti: Danh từ ngôn-ngữ chế-định đặt ra danh từ ngôn-ngữ gọi, diễn tả làm cho người nghe biết được ý nghĩa, hình dạng của atthapaññatti ấy và hiểu biết được ý nghĩa của atthapaññatti ấy.

Mỗi ngôn ngữ có danh từ nói, gọi khác nhau, nếu biết ngôn ngữ thì hiểu được ý nghĩa của atthapaññatti ấy.

Saddapaññatti hoặc nāmapaññatti

Saddapaññatti hoặc nāmapaññatti có 6 loại:

1- Vijjamānapaññatti.

2- Avijjamānapaññatti.

3- Vijjamānena avijjamānapaññatti.

4- Avijjamānena vijjamānapaññatti.

5- Vijjamānena vijjamānapaññatti.

6- Avijjamānena avijjamānapaññatti.

Giảng giải

1- Vijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp (nāmapaññatti) có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) làm nền tảng.

Paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp có 4 pháp là:

– Citta: Tâm có 89 hoặc 121 tâm.

– Cetasika: Tâm-sở có 52 tâm-sở.

– Rūpadhamma: Sắc-pháp có 28 sắc-pháp.

– Nibbāna: Niết-bàn có 2 hoặc 3 loại.

Như vậy, danh từ ngôn-ngữ gọi citta: Tâm, cetasika: Tâm-sở, rūpadhamma: Sắc-pháp, Nibbāna: Niết-bàn không phải là chân-nghĩa-pháp, mà chỉ là chế-định-pháp thuộc về vijjamānapaññatti mà thôi.

Vậy, citta: Tâm, cetasika: Tâm-sở, rūpadhamma: Sắc-pháp, Nibbāna: Niết-bàn là thật-tánh chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) như thế nào?

– Trạng-thái biết đối-tượng là thật-tánh chân-nghĩa-pháp của citta: Tâm.

– Trạng-thái đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối-tượng với tâm, đồng nơi sinh với tâm, hoặc trạng-thái của mỗi tâm-sở là thật-tánh chân-nghĩa-pháp của cetasika: Tâm-sở.

– Trạng-thái huỷ hoại bởi sự nóng, sự lạnh, sự đói, sự khát, v.v… là thật-tánh chân-nghĩa-pháp của rūpa-dhamma: Sắc-pháp.

– Trạng-thái tịch tịnh, vắng lặng mọi phiền-não và ngũ-uẩn, an-lạc tuyệt đối là thật-tánh chân-nghĩa-pháp của Nibbāna: Niết-bàn.

Như vậy, thật-tánh của mỗi chân-nghĩa-pháp không phải là danh từ ngôn-ngữ chế-định mà là trạng-thái của mỗ i chân-nghĩa-pháp.

Để phân biệt sự khác nhau của mỗi chân-nghĩa-pháp, cần phải học hỏi 4 pháp trong lakkhaṇacatukka: Lakkhaṇa, rasa, paccupaṭṭhāna, padaṭṭhāna của mỗi chân-nghĩa-pháp.

2- Avijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

Ví dụ: Mặt đất, cái nhà, chiếc xe, con người, người nam, người nữ, con voi, v.v…là những danh từ ngôn-ngữ không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

3- Vijjamānena avijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng với pháp không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

Ví dụ: Chaḷabhiñño, tevijjo, paṭisambhidappatto, sotāpanno, v.v…. những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi này ám chỉ rằng: Chaḷabhiññapuggala, tevijjapuggala, paṭisam-bhidappattapuggala, sotāpannapuggala.

– Chaḷabhiññapuggala: Bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc lục-thông (6 abhiññācitta).

– Tevijjapuggala: Bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc tam-minh (3 vijjāñāṇa).

– Paṭisambhidappattapuggala: Bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc tứ-tuệ paṭisambhidā (4 paṭisambhidāñāṇa).

– Sotāpannapuggala: Bậc Thánh-Nhập-lưu (Sotāpatti-phalacitta), v.v…

Những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi chế-định-pháp cha-ḷabhiñño, v.v… này có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng với puggala (người) không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng, nên gọi là vijja-mānena avijjamānapaññatti.

4- Avijjamānena vijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng với pháp có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

Ví dụ: Itthisaddo: Âm thanh đàn bà, suvaṇṇavaṇṇo: Màu vàng, pupphagandho: Mùi hương hoa, v.v…

Danh từ ngôn-ngữ Pāḷi gọi Itthi: Đàn bà, suvaṇṇa: Vàng, puppha: Cái hoa, … là những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng; với danh từ ngôn-ngữ Pāḷi gọi saddo: Âm thanh, vaṇṇo: Màu sắc, gandho: Mùi hương,… là những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng, nên gọi là avijjamānena vijjamānapaññatti.

5- Vijjamānena vijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng với pháp có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

Ví dụ: Cakkhuviññāṇa: Nhãn-thức-tâm là thức-tâm phát sinh do nương nhờ nhãn-tịnh-sắc, cakkhusamphassa: Nhãn xúc là xúc tâm-sở đồng sinh với nhãn-thức-tâm, v.v…

Danh từ ngôn-ngữ Pāḷi gọi cakkhu đó là cakkhu-pasāda: Nhãn-tịnh-sắc, viññāṇa đó là citta: Tâm; phassa đó là phassacetasika: Xúc tâm-sở, … đều là những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng, nên gọi là vijjamānena vijjamānapaññatti.

6- Avijjamānena avijjamānapaññatti là danh từ ngôn-ngữ chế-định-pháp không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng với pháp không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng.

Ví dụ: Rājaputto: Hoàng tử của Đức vua, seṭṭhi-bhariyā: Phu nhân của phú hộ, jeṭṭhabhaginī: Chị cả, v.v… Những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi gọi Rāja: Đức vua, putto: Hoàng tử; seṭṭhi: Phú hộ, bhariyā: Phu nhân; jeṭṭha: Lớn, cả, bhaginī: Chị, v.v… đều là những danh từ ngôn-ngữ Pāḷi không có thật-tánh của chân-nghĩa-pháp làm nền tảng, nên gọi là avijjamānena avijjamāna-paññatti.

Paññattidhamma với paramatthadhamma

* Paññattidhamma: Chế-định-pháp luôn luôn nương nhờ nơi chân-nghĩa-pháp để chế định ra danh từ ngôn-ngữ gọi, nói chuyện, v.v…

* Paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp nương nhờ chế-định-pháp (paññattidhamma) để hiểu biết, phân biệt trạng-thái của mỗi chân-nghĩa-pháp.

Trong mỗi đối-tượng có thể phân biệt về chế-định-pháp và chân-nghĩa-pháp.

Ví dụ: “Con người” được phân biệt về chế-định-pháp và chân-nghĩa-pháp như sau:

* Paññattidhamma: Chế-định-pháp

– Danh từ ngôn-ngữ gọi “con người” thuộc về saddapaññatti hoặc nāmapaññatti.

– Hình dạng toàn thân thể con người thuộc về atthapaññatti, thuộc về paññattidhamma: Chế-định-pháp.

* Paramatthadhamma: Chân-nghĩa-pháp

-“Con người” có đủ ngũ-uẩn (sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn), có 2 pháp là sắc-pháp và danh-pháp.

-“Con người” có đầy đủ 6 thức (nhãn-thức-tâm, nhĩ-thức-tâm, tỷ-thức-tâm, thiệt-thức-tâm, thân-thức-tâm, ý-thức-tâm).

-“Con người” có đầy đủ 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), v.v… thuộc về chân-nghĩa-pháp.

– Tất cả ý nghĩa, hình dạng của các pháp có sinh mạng và không có sinh mạng, … thuộc về atthapaññatti.

– Tất cả danh từ của các loại ngôn ngữ đều thuộc về saddapaññatti hoặc nāmapaññatti.

– Tất cả thật-tánh của sắc-pháp và danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

Thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp không hiện rõ do nguyên nhân nào?

Thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp vốn có thật hiển nhiên, nghĩa là sắc-pháp, danh-pháp có sự sinh, sự diệt, có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái-bất-tịnh.

Thế mà, khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ không thấy rõ, biết rõ được thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp; không thấy rõ, biết rõ được sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp; không thấy rõ, biết rõ được trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái-bất-tịnh của sắc-pháp, của danh-pháp, bởi vì vô-minh (avijjā) che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, do tham-ái (taṇhā) lôi cuốn theo đối-tượng ngũ dục: Sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục, nên say mê trong các đối-tượng ấy.

Vì vậy, hành-giả biết sai, thấy sai, tưởng sai chấp lầm đảo ngược với thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, nên gọi là vipallāsa: Pháp-đảo-điên như sau:

– Saññāvipallāsa: Tưởng đảo-điên tưởng sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

– Cittavipallāsa: Tâm đảo-điên biết sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

– Diṭṭhivipallāsa: Tà-kiến đảo-điên thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh.

– Do 3 pháp-đảo-điên nên tưởng sai chấp lầm, biết sai chấp lầm, thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường (nicca), nhưng thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca).

– Do 3 pháp-đảo-điên nên tưởng sai chấp lầm, biết sai chấp lầm, thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là lạc (sukha), nhưng thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha).

– Do 3 pháp-đảo-điên nên tưởng sai chấp lầm, biết sai chấp lầm, thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là ngã (atta), nhưng thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā).

– Do 3 pháp-đảo-điên nên tưởng sai chấp lầm, biết sai chấp lầm, thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là tịnh (subha), nhưng thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp có trạng-thái bất-tịnh (asubha).

– Do 3 pháp-đảo-điên nên tưởng sai chấp lầm, biết sai chấp lầm, thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh; làm cho chúng-sinh say mê trong sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn bên trong của mình, và ngũ-uẩn bên ngoài mình, của người khác; nên không thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh.

Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành mà hành-giả thực-hành để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đúng theo thật-tánh hiển nhiên của sắc-pháp, của danh-pháp có sự sinh, sự diệt liên tục không ngừng, có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái-bất-tịnh của sắc-pháp, của danh-pháp, mới diệt được 3 pháp-đảo-điên là tưởng đảo-điên, tâm đảo-điên, tà-kiến đảo-điên nơi sắc-pháp, danh-pháp cho là thường, lạc, ngã, tịnh, diệt vô-minh (avijjā) che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, diệt tham-ái (taṇhā) trong các đối-tượng ngũ dục.

Pháp-hành thiền-tuệ chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.