A lotus blossom almost completely open, in beautiful pinks.

Quyển 10 - Pháp Hành Thiền Tuệ (tái bản)

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 10 – Tứ Thánh-đế trong Phật-giáo

By Nền Tảng Phật Giáo

July 11, 2020

Tứ Thánh-đế trong Phật-giáo

Tứ Thánh-đế là sự-thật chân-lý của chư bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, là chánh-pháp cốt lõi căn bản trọng yếu trong giáo pháp của chư Phật quá-khứ, Đức-Phật hiện-tại và chư Phật vị-lai.

Tứ Thánh-đế:

1- Dukkha ariyasacca: Khổ Thánh-đế, đó là ngũ-uẩn chấp thủ hoặc sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới.

Trong giáo pháp của Đức-Phật, tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong cõi dục-giới, cõi sắc-giới, và danh-pháp trong cõi vô-sắc-giới, đúng theo sự-thật chân-lý thì chỉ có dukkhasacca: Khổ-đế mà thôi, không có pháp nào gọi là lạc-đế cả.

Tuy trong thọ tâm-sở (vedanācetasika) có sukha-vedanā: Thọ lạc, nhưng sukhavedanā: Thọ-lạc ấy gọi là vipariṇāmadukkha: Biến-chất-khổ, bởi vì thọ-lạc (sukha-vedanā) sinh rồi diệt vô-thường làm biến chất, luôn luôn hành hạ, nên chỉ là khổ-đế mà thôi.

Thọ lạc dù là khổ vẫn còn dễ chịu đựng.

Như vậy, tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thuộc về pháp-hữu-vi đúng theo sự-thật chân-lý thì chỉ có khổ-đế mà thôi, không có lạc-đế.

Nếu có lạc (sukha) thì lạc ấy gọi là sukhavipallāsa: Lạc-đảo-điên do tưởng-đảo-điên (saññāvipallāsa), tâm-đảo-điên (cittavipallāsa), tà-kiến-đảo-điên (diṭṭhivipallāsa).

Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới thuộc về pháp-hữu-vi đều sinh rồi diệt, nên có 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh, nhưng do tưởng-đảo-điên, tâm-đảo-điên, tà-kiến-đảo-điên tưởng sai, biết sai, thấy sai, chấp lầm cho sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới là thường, lạc, ngã, tịnh.

Đúng theo sự-thật chân-lý thì tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới thuộc về pháp-hữu-vi chỉ là dukkhasacca: Khổ-đế mà thôi, không có lạc-đế nào cả.

2- Dukkhasamudaya ariyasacca: Nhân sinh khổ Thánh-đế đó là taṇhā: Tham-ái.

Tham-ái là nhân sinh khổ trong kiếp hiện-tại và kiếp vị-lai.

* Tham-ái là nhân sinh khổ trong kiếp hiện-tại

– Nếu tâm tham-ái muốn được điều gì đó, vật gì đó, … mà không được thoả mãn như ý, thì sân-tâm phát sinh không vừa lòng, làm cho khổ-tâm.

– Nếu tâm tham-ái muốn được điều gì đó, vật gì đó, … mà được thoả mãn như ý, thì tham-tâm phát sinh chấp thủ cho là của ta, cũng làm nhân phát sinh tâm lo lắng, giữ gìn, tâm sầu não khổ-tâm.

Đức-Phật dạy trong Dhammapadagāthā câu kệ:

“Taṇhāya jāyati soko, taṇhāya jāyatī bhayaṃ.

Taṇhāya vippamuttassa, natthi soko kuto bhayaṃ.”

Sự sầu não phát sinh do tham-ái,

Sự lo sợ phát sinh do tham-ái,

Bậc Thánh A-ra-hán diệt tham-ái,

Không còn sầu não, từ đâu có lo sợ?

* Tham-ái là nhân sinh khổ trong kiếp vị-lai

Tất cả mọi chúng-sinh nào hễ còn tham-ái là còn phải tái-sinh kiếp sau, các chúng-sinh ấy gồm có cả 3 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, bởi vì 3 bậc Thánh-nhân này vẫn còn một ít tham-ái.

Nếu chúng-sinh còn có tham-ái thì sau khi chết, tham-ái sẽ dẫn dắt nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau (taṇhā ponobbhavikā), kiếp sau như thế nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh ấy.

– Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu có ác-nghiệp nào có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sinh vào 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.

– Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu có đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì đầu thai làm người trong cõi người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, rồi chuyển kiếp sang cõi-giới khác, tuỳ theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.

– Hành-giả nào đã chứng đắc được bậc thiền-sắc-giới thiện-tâm nào giữ gìn cho đến lúc lâm chung, sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy. Vị phạm-thiên hưởng quả an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, rồi chuyển kiếp sang cõi-giới khác, tuỳ theo nghiệp và quả của nghiệp của vị phạm-thiên ấy.

– Hành-giả nào đã chứng đắc đến bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, tương xứng với bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm ấy. Vị phạm-thiên hưởng quả an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy, rồi chuyển kiếp sang cõi-giới khác, tuỳ theo nghiệp và quả của nghiệp của vị phạm-thiên ấy.

Ba bậc Thánh hữu học (Sekha ariya)

* Sau khi bậc Thánh Nhập-lưu chết, không còn tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới, mà chỉ có đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Sau khi bậc Thánh-Nhất-lai chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau làm người trong cõi người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới chỉ có 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy, bậc Thánh Nhất-lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Sau khi bậc Thánh-Bất-lai chết, không còn tái-sinh trở lại cõi dục-giới, mà chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cho quả tái-sinh hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy.

Vị phạm-thiên Bất-lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được mọi tham-ái không còn dư sót, nên ngay kiếp hiện-tại đến khi hết tuổi thọ, bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

3- Dukkhanirodha ariyasacca: Diệt khổ Thánh-đế đó là Niết-bàn.

Niết-bàn là pháp diệt nhân sinh khổ Thánh-đế và cũng là pháp diệt quả khổ Thánh-đế.

– Diệt nhân sinh khổ Thánh-đế

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, gọi là phiền-não Niết-bàn (kilesaparinibbāna), nghĩa là mọi tham-ái, mọi phiền-não đã bị diệt tận rồi, mọi phiền-não vĩnh viễn không còn phát sinh nữa.

Như vậy, Niết-bàn là pháp diệt nhân sinh khổ Thánh-đế.

– Diệt quả khổ Thánh-đế

Chư Thánh A-ra-hán đã diệt tận mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót nữa, đến khi hết tuổi thọ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới, gọi là ngũ-uẩn Niết-bàn (khandhapari-nibbāna) nghĩa là sau khi tịch diệt Niết-bàn rồi, không còn tái-sinh kiếp nào nữa.

Như vậy, Niết-bàn là pháp diệt quả khổ Thánh-đế.

4- Dukkhanirodhagaminī paṭipadā ariyasacca: Pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế đó là pháp-hành bát-chánh-đạo.

Bát-chánh-đạo có 8 chánh: Chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định, đó là 8 tâm-sở:

– Chánh-kiến đó là trí-tuệ tâm-sở.

– Chánh-tư-duy đó là hướng-tâm tâm-sở.

– Chánh-ngữ đó là chánh-ngữ tâm-sở.

– Chánh-nghiệp đó là chánh-nghiệp tâm-sở.

– Chánh-mạng đó là chánh-mạng tâm-sở.

– Chánh-tinh-tấn đó là tinh-tấn tâm-sở.

– Chánh-niệm đó là niệm tâm-sở.

– Chánh-định đó là nhất-tâm tâm-sở.

8 tâm-sở này gọi là bát-chánh-đạo cùng với 28 tâm-sở khác gồm có 36 tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Tuy nhiên, trong 8 tâm-sở này có 3 tâm-sở là chánh-ngữ tâm-sở, chánh-nghiệp tâm-sở, chánh-mạng tâm-sở thuộc về aniyatayogīcetasika: Bất-định tâm-sở thuộc về loại nānākadācicetasika: Mỗi bất-định tâm-sở riêng rẽ đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, bởi vì mỗi tâm-sở này có mỗi đối-tượng khác nhau.

Trong bát-chánh-đạo gồm có 8 chánh đó là 8 tâm-sở, trong 8 tâm-sở này có 3 tâm-sở là chánh-ngữ tâm-sở, chánh-nghiệp tâm-sở, chánh-mạng tâm-sở thuộc về niyata ekatocetasika chắc chắn đồng sinh với nhau trong 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn hoàn thành xong 4 phận sự:

– Khổ Thánh-đế là pháp nên biết, thì Thánh-đạo-tuệ đã biết xong.

– Nhân sinh khổ Thánh-đế là pháp nên diệt, thì Thánh-đạo-tuệ đã diệt xong.

– Diệt khổ Thánh-đế là pháp nên chứng ngộ, thì Thánh-đạo-tuệ đã chứng ngộ xong.

– Pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế là pháp nên tiến hành, thì Thánh-đạo-tuệ đã tiến hành xong.

Do đó, bát-chánh-đạo là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ Thánh-đế.

Tứ Thánh-đế là nền tảng căn bản, là cốt lõi chính yếu trong giáo pháp của chư Phật Chánh-Đẳng-Giác quá-khứ, hiện-tại, vị-lai, bởi vì hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, ban đầu dù có những đối-tượng thiền-tuệ khác nhau như thân, thọ, tâm, pháp, sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), v.v… đến giai đọan cuối, cũng đều dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, rồi mới chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Cho nên, tứ Thánh-đế là sự-thật chân-lý của chư bậc Thánh-nhân, là căn bản cốt yếu trong giáo pháp của chư Phật quá-khứ, hiện-tại, vị-lai.

Nhân-quả liên quan của tứ Thánh-đế

Chân-lý tứ Thánh-đế có nhân-quả liên quan với nhau:

– Khổ Thánh-đế đó là ngũ-uẩn chấp-thủ hoặc sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới, là quả của nhân sinh khổ Thánh-đế.

– Nhân sinh khổ Thánh-đế đó là tham-ái, là nhân dẫn dắt tái-sinh kiếp sau (taṇhā ponobbhavikā).

– Diệt khổ Thánh-đế đó là Niết-bàn không thuộc về quả của một nhân nào cả, bởi vì, Niết-bàn là pháp-vô-vi (asaṅkhatadhamma) hoàn toàn không có một nhân-duyên nào cấu tạo.

– Pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế đó là pháp-hành bát-chánh-đạo là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ Thánh-đế.

Như vậy, pháp-hành bát-chánh-đạo là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ Thánh-đế, không phải là nhân phát sinh Niết-bàn, và diệt khổ Thánh-đế đó là Niết-bàn cũng không phải là quả của pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế, mà Niết-bàn chỉ là đối-tượng siêu-tam-giới của pháp-hành bát-chánh-đạo trong 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm mà thôi.

Ví dụ nôm na rằng: “Con đường dẫn đến kinh đô.”

– Con đường ví như bát-chánh-đạo là pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế.

– Kinh đô ví như Niết-bàn là pháp diệt khổ Thánh-đế.

Con đường dẫn đến kinh đô, chứ không phải là nhân phát sinh kinh đô.

Cũng như vậy, pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế đó là pháp-hành bát-chánh-đạo là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, chứ không phải là nhân phát sinh Niết-bàn.