Quyển 10 - Pháp Hành Thiền Tuệ (tái bản)

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 11 – Pháp-Hành Tứ-Niệm-Xứ

By Nền Tảng Phật Giáo

July 11, 2020

Pháp-Hành Tứ-Niệm-Xứ

Trong kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta: Kinh Đại-niệm-xứ, Đức-Phật thuyết giảng rằng:

“Ekāyano ayaṃ bhikkhave maggo …”

– Này chư tỳ-khưu! Đạo này là con đường duy nhất, để dẫn đến sự thanh-tịnh hoàn toàn trong sạch khỏi mọi phiền-não ô nhiễm trong tâm của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Phật Độc-Giác, chư Thánh Thanh-văn-giác; để diệt sự sầu não, khóc than; để diệt sự khổ tâm, khổ thân; để chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả; để chứng ngộ Niết-bàn.

Đạo duy nhất này là pháp-hành tứ-niệm-xứ.

– Này chư tỳ-khưu! Tỳ-khưu hoặc hành-giả trong Phật-giáo này:

1- Hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ thân trong phần than niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

2- Hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ các thọ trong phần thọ niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

3- Hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ tâm trong phần tâm niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

4- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ các pháp trong phần pháp niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này,…”

Tứ niệm-xứ

1- Thân niệm-xứ (kāyānupassanāsatipaṭṭhāna): Thân (kāya) là đối-tượng của chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác.

2- Thọ niệm-xứ (vedanānupassanāsatipaṭṭhāna): Thọ (vedanā) là đối-tượng của chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác.

3- Tâm niệm-xứ (cittānupassanāsatipaṭṭhāna): Tâm (citta) là đối-tượng của chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác.

4- Pháp niệm-xứ (dhammānupassanāsatipaṭṭhāna): Pháp (dhamma) là đối-tượng của chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác.

* Thân, thọ, tâm, pháp là đối-tượng của pháp-hành tứ niệm-xứ.

Đối-tượng tứ niệm-xứ với đối-tượng thiền-tuệ

Đối-tượng tứ niệm-xứ với đối-tượng thiền-tuệ chỉ khác nhau về danh từ gọi, còn giống nhau về thật-tánh-pháp.

– Thân thuộc về sắc-pháp cũng là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

– Thọ thuộc về danh-pháp cũng là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

– Tâm thuộc về danh-pháp cũng là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

– Pháp thuộc về sắc-pháp, danh-pháp cũng là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

Giảng giải theo Chú-giải

Trong đọan kinh có những câu:

“Ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhā domanassaṃ.”

Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ có các chi pháp quan trọng:

* Ātāpī: Thiêu đốt mọi phiền-não đó là pháp-tinh-tấn:

– Tinh-tấn ngăn ác-pháp không cho phát sinh.

– Tinh-tấn diệt ác-pháp đã phát sinh.

– Tinh-tấn làm cho thiện-pháp phát sinh.

– Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện-pháp đã phát sinh.

* Satimā: Chánh-niệm trực nhận trực tiếp đối-tượng thân, thọ, tâm, pháp. Chánh-niệm có 4 pháp là:

– Niệm-thân: Thân là đối-tượng của chánh-niệm.

– Niệm-thọ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm.

– Niệm-tâm: Tâm là đối-tượng của chánh-niệm.

– Niệm-pháp: Pháp là đối-tượng của chánh-niệm.

* Sampajāno: Trí-tuệ tỉnh-giác trực giác ngay đối-tượng mà chánh-niệm đã trực nhận. Trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của thân, thọ, tâm, pháp hoặc sắc-pháp, danh-pháp đúng theo sự-thật chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

* Vineyya: Ngăn chặn, diệt-từng-thời (tadaṅgap-pahāna) hoặc chế-ngự (vikkhambhanappahāna).

* Abhijjhā: Tham-tâm hài lòng trong đối-tượng thân, thọ, tâm, pháp.

* Domanassaṃ: Sân-tâm không hài lòng, bởi vì tham-tâm hài lòng trong đối-tượng thân, thọ, tâm, pháp không được như ý, nên phát sinh sân-tâm không hài lòng.

* Kāye kāyānupassī viharati,

* Vedanāsu vedanānupassī viharati,

* Citte cittānupassī viharati,

* Dhammesu dhammānupassī viharati.

* Kāye kāyānupassī viharati.

Hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ, dõi theo toàn thân trong thân niệm-xứ.

* Vedanāsu vedanānupassī viharati.

Hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ, dõi theo các thọ trong thọ niệm-xứ.

* Citte cittānupassī viharati.

Hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ, dõi theo tâm trong tâm niệm-xứ.

* Dhammesu dhammānupassī viharati.

Hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ, dõi theo các pháp trong pháp niệm-xứ.

Hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ-tỉnh-giác dõi theo đối-tượng niệm-xứ nào trong cùng niệm-xứ ấy riêng biệt, không nên lẫn lộn sang đối-tượng niệm-xứ khác.

Như Chú-giải kinh Tứ-niệm-xứ giảng giải rằng:

“Hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ thiền-tuệ chỉ nên dõi theo đối-tượng toàn thân trong than niệm-xứ mà thôi, không nên lẫn lộn với niệm-xứ khác.

Khi nào hành-giả có chánh-niệm, trí-tuệ thiền-tuệ dõi theo đối-tượng toàn thân trong thân niệm-xứ, khi ấy không nên dõi theo đối-tượng các thọ hoặc đối-tượng tâm hoặc đối-tượng các pháp trong thân niệm-xứ.”

Như vậy,

– Khi hành-giả có chánh-niệm, có trí-tuệ thiền-tuệ chỉ nên dõi theo đối-tượng toàn thân trong thân niệm-xứ, không nên lẫn lộn trong thọ niệm-xứ, trong tâm niệm-xứ, trong pháp niệm-xứ.

– Khi hành-giả có chánh-niệm, có trí-tuệ thiền-tuệ chỉ nên dõi theo đối-tượng các thọ trong thọ niệm-xứ, không nên lẫn lộn trong thân niệm-xứ, trong tâm niệm-xứ, trong pháp niệm-xứ.

– Khi hành-giả có chánh-niệm, có trí-tuệ thiền-tuệ chỉ nên dõi theo đối-tượng tâm trong tâm niệm-xứ, không nên lẫn lộn trong thân niệm-xứ, trong thọ niệm-xứ, trong pháp niệm-xứ.

– Khi hành-giả có chánh-niệm, có trí-tuệ thiền-tuệ chỉ nên dõi theo đối-tượng các pháp trong pháp niệm-xứ, không nên lẫn lộn trong thân niệm-xứ, trong thọ niệm-xứ, trong tâm niệm-xứ.

Ví dụ:

Một đất nước có kinh-thành, cung điện của Đức-vua ở trung tâm, có 4 con đường từ 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc đều dẫn đến cung điện của Đức-vua.

– Dân chúng ở hướng Đông, đi đến chầu Đức-vua bằng con đường từ hướng Đông.

– Dân chúng ở hướng Tây, đi đến chầu Đức-vua bằng con đường từ hướng Tây.

– Dân chúng ở hướng Nam, đi đến chầu Đức-vua bằng con đường từ hướng Nam.

– Dân chúng ở hướng Bắc, đi đến chầu Đức-vua bằng con đường từ hướng Bắc.

Dân chúng ở hướng nào đi đến chầu Đức-vua bằng con đường riêng của hướng ấy. Cũng như vậy,

– Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng toàn thân trong thân niệm-xứ có sự sinh, sự diệt, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

– Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng các thọ trong thọ niệm-xứ có sự sinh, sự diệt, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

– Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng tâm trong tâm niệm-xứ có sự sinh, sự diệt, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

– Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng các pháp trong pháp niệm-xứ có sự sinh, sự diệt, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Đối-tượng tứ niệm-xứ

1- Thân niệm-xứ gồm có 14 đối-tượng.

2- Thọ niệm-xứ có 1 đối-tượng chia ra làm 9 loại thọ.

3- Tâm niệm-xứ có 1 đối-tượng chia ra làm 16 loại tâm.

4- Pháp niệm-xứ gồm có 5 đối-tượng.

Như vậy, đối-tượng tứ niệm-xứ gồm có 21 đối-tượng.

1- Thân niệm-xứ gồm có 14 phần (pabba)

– Niệm hơi thở vào, hơi thở ra,

– Niệm tứ-oai-nghi: Đi, đứng, ngồi, nằm.

– Niệm các oai-nghi-phụ: Đi tới trước, đi lui sau, quay bên phải, quay bên trái, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, …

– Niệm 32 thể trọc (trược) trong thân: Tóc, lông, móng, răng, da, …

– Niệm tứ-đại: Địa-đại (đất), thuỷ-đại (nước), hoả-đại (lửa), phong-đại (gió).

– Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa đã trải qua 1-2-3 ngày.

– Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, bị quạ, diều, chó rừng, … cắn xé ăn thịt.

– Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn bộ xương dính máu và thịt, có gân ràng rịt.

– Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn bộ xương dính máu, thịt rã rời.

– Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn bộ xương khô, không còn máu và thịt nữa.

– Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, địa, chỉ còn bộ xương rã rời, rải rác mọi nơi.

– Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn bộ xương màu trắng.

– Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn đống xương trắng.

– Niệm tưởng thân của mình như tử thi bỏ nghĩa địa, chỉ còn bột xương trắng.

14 đối-tượng của than niệm-xứ thuộc về sắc-pháp.

2- Thọ niệm-xứ có 1 đối-tượng thọ chia ra làm 9 loại thọ

– Sukhavedanā: Thọ lạc.

– Dukkhavedanā: Thọ khổ.

– Adukkhamasukhavedanā: Thọ không khổ không lạc.

– Sāmisasukhavedanā: Thọ lạc nương nhờ ngũ-dục.

– Nirāmisasukhavedanā: Thọ lạc không nương nhờ ngũ-dục.

– Sāmisadukkhavedanā: Thọ khổ nương nhờ ngũ-dục.

– Nirāmisadukkhavedanā: Thọ khổ không nương nhờ ngũ-dục.

– Sāmisa adukkhamasukhavedanā: Thọ không khổ không lạc nương nhờ ngũ-dục.

– Nirāmisa adukkhamasukhavedanā: Thọ không khổ không lạc không nương nhờ ngũ-dục.

Một đối-tượng của thọ niệm-xứ chia ra làm 9 loại thọ thuộc về danh-pháp.

3- Tâm niệm-xứ có 1 đối-tượng tâm chia ra làm 16 loại tâm

– Sarāgacitta: Tâm có tham đó là 8 tham-tâm.

– Vītarāgacitta: Tâm không có tham đó là ngoài 8 tham-tâm ra, các tam-giới-tâm còn lại đều là tâm không có tham.

– Sadosacitta: Tâm có sân đó là 2 sân-tâm.

– Vītadosacitta: Tâm không có sân đó là ngoài 2 sân-tâm ra, các tam-giới-tâm còn lại đều là tâm không có sân.

– Samohacitta: Tâm có si đó là 12 bất-thiện-tâm có si-tâm-sở đồng sinh.

– Vītamohacitta: Tâm không có si đó là ngoài 12 bất-thiện-tâm ra, các tam-giới-tâm còn lại đều tâm không có si.

– Saṃkhittacitta: Tâm buồn-chán, buồn-ngủ đó là 4 tham-tâm cần tác-động và 1 sân-tâm cần tác động, gồm có 5 bất-thiện-tâm cần tác-động.

– Vikkhittacitta: Tâm phóng-tâm đó là si-tâm hợp với phóng-tâm tâm-sở và phóng-tâm tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.

– Mahaggatacitta: Tâm bậc cao đó là 15 sắc-giới-tâm và 12 vô-sắc-giới-tâm.

– Amahaggatacitta: Tâm không phải bậc cao đó là 54 dục-giới-tâm.

– Sa uttaracitta: Tâm có tâm cao hơn đó là dục-giới-tâm, sắc-giới-tâm.

– Anuttaracitta: Tâm không có tâm cao hơn đó là vô-sắc-giới-tâm.

– Samāhitacitta: Tâm có định đó là tâm cận-định, tâm an-định.

– Asamāhitacitta: Tâm không có định đó là tâm không có cận-định, tâm không có an-định.

– Vimuttacitta: Tâm thoát khỏi phiền-não bằng cách diệt từng-thời (tadaṅgappahāna) và diệt bằng cách chế-ngự (vikkhambhanappahāna) đó là tam-giới thiện-tâm.

– Avimuttacitta: Tâm không thoát khỏi phiền-não, đó là bất-thiện-tâm, tam-giới quả-tâm.

Một đối-tượng của tâm niệm-xứ chia ra làm 16 loại tâm thuộc về danh-pháp.

4- Pháp niệm-xứ gồm có 5 đối-tượng

– Nīvaraṇapabba: Năm pháp-chướng-ngại.

– Khandhapabba: Ngũ-uẩn chấp-thủ.

– Āyatanapabba: Thập-nhị-xứ.

– Bojjhaṅgapabba: Thất-giác-chi.

– Saccapabba: Tứ Thánh-đế.

4.1- Nīvaraṇapabba: 5 pháp-chướng-ngại

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, ban đầu thường gặp các pháp chướng ngại làm cản trở mọi thiện-pháp không phát triển được.

Năm pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) là:

– Kāmacchanda: Tham-dục trong ngũ-dục là pháp-chướng-ngại đó là tham tâm-sở đồng sinh với 8 tham-tâm.

– Byāpāda: Sân-hận là pháp-chướng-ngại đó là sân-tâm-sở đồng sinh với 2 sân-tâm.

– Thinamiddha: Buồn-chán, buồn-ngủ là pháp-chướng-ngại đó là buồn-chán tâm-sở và buồn-ngủ tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm và 1 sân-tâm cần tác động.

– Uddhaccakukkucca: Phóng-tâm, hối-hận là pháp-chướng-ngại đó là phóng-tâm tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm và hối-hận tâm-sở đồng sinh với 2 sân-tâm.

– Vicikicchā: Hoài-nghi là pháp-chướng-ngại đó là hoài-nghi tâm-sở đồng sinh với si-tâm hợp với hoài-nghi.

Năm pháp-chướng-ngại của pháp niệm-xứ này thuộc về danh-pháp.

Năm pháp-chướng-ngại này trực tiếp làm chướng ngại đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, nhưng đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì 5 pháp-chướng-ngại này là đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ.

– Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, khi pháp-chướng-ngại nào phát sinh, hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ đối-tượng pháp-chướng-ngại ấy thuộc về danh-pháp có sự sinh, sự diệt, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp ấy, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn được.

Cho nên, 5 pháp-chướng-ngại là 1 trong 5 đối-tượng của phần pháp-niệm-xứ.

4.2- Khandhapabba: Ngũ-uẩn chấp-thủ

Ngũ-uẩn chấp-thủ (pañcupadānakkhandha) nghĩa là ngũ-uẩn là đối-tượng của 4 pháp-chấp-thủ (tham-dục chấp-thủ, tà-kiến chấp-thủ, pháp-thường-hành chấp-thủ, ngã-kiến chấp-thủ, do tham tâm-sở và tà-kiến tâm-sở).

Ngũ-uẩn chấp-thủ có 5 uẩn là:

– Sắc-uẩn chấp-thủ đó là 28 sắc-pháp là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

– Thọ-uẩn chấp-thủ đó là thọ tâm-sở đồng sinh với 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

– Tưởng-uẩn chấp-thủ đó là tưởng tâm-sở đồng sinh với 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

– Hành-uẩn chấp-thủ đó là 50 tâm-sở (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

– Thức-uẩn chấp-thủ đó là 81 tam-giới-tâm là đối tượng của pháp-chấp-thủ.

Ngũ-uẩn chấp-thủ của pháp niệm-xứ thuộc về sắc-pháp và danh-pháp.

4.3- Āyatanapabba: Thập-nhị-xứ

Thập nhị xứ có 12 xứ chia ra 2 bên:

Bên trong có 6 xứ và bên ngoài có 6 xứ như sau:

* 6 xứ bên trong:

– Cakkhāyatana: Nhãn-xứ đó là nhãn-tịnh-sắc làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

– Sotāyatana: Nhĩ-xứ đó là nhĩ-tịnh-sắc làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

– Ghānāyatana: Tỷ-xứ đó là tỷ-tịnh-sắc làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

– Jivhāyatana: Thiệt-xứ đó là thiệt-tịnh-sắc làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

– Kayāyatana: Thân-xứ đó là thân-tịnh-sắc làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

– Manāyatana: Ý-xứ đó là tất cả tâm làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

* 6 xứ bên ngoài

– Rūpāyatana: Sắc-xứ làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

– Saddāyatana: Thanh-xứ làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

– Gandhāyatana: Hương-xứ làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

– Rasāyatana: Vị-xứ làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

– Phoṭṭhabbāyatana: Xúc-xứ làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

– Dhammāyatana: Pháp-xứ đó là 52 tâm-sở, 16 sắc-pháp vi-tế, Niết-bàn làm duyên cho tâm với tâm-sở phát sinh.

Khi 6 xứ bên trong tiếp xúc với 6 xứ bên ngoài, phát sinh 6 lộ-trình-tâm, nên tâm với tâm-sở phát sinh:

– Khi nhãn-xứ tiếp xúc với sắc-xứ, nên phát sinh nhãn-môn lộ-trình-tâm.

– Khi nhĩ-xứ tiếp xúc với thanh-xứ, nên phát sinh nhĩ-môn lộ-trình-tâm.

– Khi tỷ-xứ tiếp xúc với hương-xứ, nên phát sinh tỷ-môn lộ-trình-tâm.

– Khi thiệt-xứ tiếp xúc với vị-xứ, nên phát sinh thiệt-môn lộ-trình-tâm.

– Khi thân-xứ tiếp xúc với xúc-xứ, nên phát sinh thân-môn lộ-trình-tâm.

– Khi ý-xứ tiếp xúc với pháp-xứ, nên phát sinh ý-môn lộ-trình-tâm.

Thập-nhị-xứ của phần pháp niệm-xứ thuộc về sắc-pháp và danh-pháp.

4.4- Bojjhaṅgapabba: Thất-giác-chi

Thất-giác-chi có 7 giác-chi, là 7 pháp làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả.

Thất-giác-chi có 7 pháp

1- Satisambojjhaṅga: Pháp niệm giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi pháp là niệm tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 26 tác-hành-thiền-tâm (appanājavanacitta).

2- Dhammavicayasambojjhaṅga: Pháp phân-tích giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi pháp là trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ, 26 tác-hành-thiền-tâm.

3- Vīriyasambojjhaṅga: Pháp tinh-tấn giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi pháp là tinh-tấn tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 26 tác-hành-thiền-tâm.

4- Pītisambojjhaṅga: Pháp hỷ giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi pháp là hỷ tâm-sở đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm đồng sinh với hỷ, 4 đại-duy-tác-tâm đồng sinh với hỷ, 3 sắc-giới thiện-tâm, 3 sắc-giới duy-tác-tâm.

5- Passaddhisambojjhaṅga: Pháp an-tịnh giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi pháp là an-tịnh tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 26 tác-hành-thiền-tâm.

– Samādhisambojjhaṅga: Pháp định-giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi pháp là nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 26 tác-hành-thiền-tâm.

– Upekkhāsambojjhaṅga: Pháp xả-giác-chi làm nhân-duyên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, có chi pháp là trung-dung tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 26 tác-hành-thiền-tâm.

Thất-giác-chi của phần pháp niệm-xứ thuộc về danh-pháp.

4.5- Saccapabba: Tứ Thánh-đế

Tứ Thánh-đế là sự-thật chân-lý của bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ đã chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

1- Dukkha ariyasacca: Khổ Thánh-đế là sự-thật chân-lý của chư bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là:

– Tái-sinh kiếp sau là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu não, khóc than, khổ thân, khổ tâm, khổ cùng cực.

– Phải gần gũi, thân cận với người không yêu thương là khổ. 164

– Phải xa lìa người yêu thương là khổ.

– Mong muốn đừng có sinh, có già, có bệnh, có chết, … mà không thể nào được như ý là khổ.

Tóm lại, chấp-thủ trong ngũ-uẩn do tham muốn và tà-kiến là khổ.

2- Dukkhasamudaya ariyasacca: Nhân sinh khổ Thánh-đế là sự-thật chân-lý của chư bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là tham-ái dắt dẫn tái-sinh kiếp sau hợp với tham muốn, hài lòng, say mê trong các đối-tượng, đắm say trong kiếp sống. Nhân sinh khổ Thánh-đế ấy là:

– Dục-ái (kāmataṇhā) là tham-ái trong 6 đối-tượng ái (sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái).

– Hữu-ái (bhavataṇhā) là tham-ái trong 6 đối-tượng ái hợp với thường-kiến, và tham-ái trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, trong cõi sắc-giới phạm-thiên, cõi vô-sắc-giới phạm-thiên.

– Phi-hữu-ái (vibhavataṇhā) là tham-ái trong 6 đối-tượng ái hợp với đọan-kiến.

3- Dukkhanirodha ariyasacca: Diệt khổ Thánh-đế là sự-thật chân-lý của chư bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là Niết-bàn là pháp diệt tận mọi say mê do tham-ái ấy không còn dư sót bằng 4 Thánh-đạo-tuệ, xả ly, từ bỏ chấp-thủ trong ngũ-uẩn, giải thoát khổ, không còn luyến ái, không còn dính mắc nữa.

4- Dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasacca: Pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế là sự-thật chân-lý của chư bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh: Chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định.