Quyển 10 - Pháp Hành Thiền Tuệ (tái bản)

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 14 – Pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ

By Nền Tảng Phật Giáo

July 11, 2020

Pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ

Pháp-hành tứ-niệm-xứ có 4 đối-tượng là thân, thọ, tâm, pháp đó là sắc-pháp, danh-pháp, là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ, là pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, không có ngoài Phật-giáo, cho nên, pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành duy nhất dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Vấn: Tại sao đối-tượng thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) mà không phải là chế-định-pháp (paññattidhamma)?

Đáp: Chế-định-pháp (paññattidhamma) là pháp không có thật-tánh, không có sự sinh, sự diệt, không có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, không dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, không giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài. Cho nên, đối-tượng thiền-tuệ không thuộc về chế-định-pháp (paññatti-dhamma) được.

* Chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) đó là sắc-pháp, danh-pháp tam-giới có thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, có sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. Cho nên, đối-tượng thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp mà không phải là chế-định-pháp (paññattidhamma) được.

Tứ-niệm-xứ có 4 pháp:

– Thân niệm-xứ: Thân là đối-tượng của chánh-niệm, gồm có 14 đối-tượng thuộc về sắc-pháp.

– Thọ niệm-xứ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm, có 1 đối-tượng chia ra 9 loại thọ thuộc về danh-pháp.

– Tâm niệm-xứ: Tâm là đối-tượng của chánh-niệm, có 1 đối-tượng chia ra 16 loại tâm thuộc về danh-pháp.

– Pháp niệm-xứ: Pháp là đối-tượng của chánh-niệm, gồm có 5 đối-tượng thuộc về sắc-pháp, danh-pháp.

Như vậy, thân, thọ, tâm, pháp gồm có 21 đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, hoặc các sắc-pháp, các danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ đều thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), không phải là chế-định-pháp (paññattidhamma).

Thật ra, trong 21 đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, hoặc trong các đối-tượng sắc-pháp, các đối-tượng danh-pháp của pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả khó biết được đối-tượng nào là đối-tượng phù hợp với bản-tính và trí-tuệ của mình, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ ban đầu cho được thuận lợi, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ.

Cho nên, hành-giả cần phải nên học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu rõ 21 đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, hoặc tất cả mọi đối-tượng sắc-pháp, mọi đối-tượng danh-pháp của pháp-hành thiền-tuệ, rồi thực-hành thử nghiệm mỗi đối-tượng để biết kết quả ban đầu.

Nếu hành-giả xét thấy đối-tượng ấy phù hợp với bản-tính và trí-tuệ của mình thì tiếp tục thực-hành đối-tượng ấy, để dẫn đến kết quả cuối cùng theo ý nguyện mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Để thực-hành đúng theo pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả cần phải nên học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu rõ bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta và Chú-giải của bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasuttavaṇṇanā trong Trường-bộ-kinh (Dīghanikāya), phần Mahāvagga-pāḷi và Trung-bộ-kinh (Majjhimanikāya), phần Mūla-paṇṇāsapāḷi và bộ Chú-giải (Aṭṭhakathā) của bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta này, để làm nền tảng căn bản của pháp-hành tứ-niệm-xứ.

Và hành-giả còn cần phải học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu rõ bộ Visuddhimagga: Thanh-tịnh-đạo và bộ Visuddhi-maggamahāṭīkā: Thanh-tịnh-đạo Phụ-chú-giải làm nền tảng căn bản của pháp-hành thiền-tuệ, để hành-giả hiểu biết cách thực-hành pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.

Nhận xét về 21 đối-tượng trong tứ-niệm-xứ

Trong 21 đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, đối-tượng nào cũng có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy.

Trong 21 đối-tượng ấy đều là những đối-tượng vô cùng vi-tế và vô cùng sâu sắc, bởi vì thật-tánh của mỗi đối-tượng đều thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma), không phải chế-định-pháp (paññattidhamma).

Danh từ ngôn-ngữ gọi mỗi đối-tượng ấy tuy là chế-định-pháp (paññattidhamma) nhưng thuộc về vijjamāna-paññatti: Danh từ ngôn-ngữ chế-định có thật-tánh-pháp hiện hữu làm nền tảng, mà thật-tánh thật sự đó là mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp hoàn toàn không phải danh từ ngôn-ngữ chế định nào cả.

Cho nên, thân, thọ, tâm, pháp là đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, mà thân thuộc về sắc-pháp, thọ và tâm thuộc về danh-pháp, còn pháp thuộc về sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

Như vậy, đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ và đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ chỉ có khác nhau về danh từ ngôn-ngữ mà thôi, còn thật-tánh của đối-tượng thuộc về chân-nghĩa-pháp là hoàn toàn giống nhau.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ chỉ có đối-tượng là thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) mà thôi, bởi vì chỉ có đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp mới có thật-tánh có sự sinh, sự diệt, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Còn chế-định-pháp thuộc về danh từ ngôn ngữ thì hoàn toàn không có thật-tánh, không có sự sinh, sự diệt, không có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, nên không thể làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ, cũng không thể dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thể chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, không thể giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.