Quyển 10 - Pháp Hành Thiền Tuệ (tái bản)

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 18 – Chánh-Niệm, Trí-Tuệ Tỉnh-Giác

By Nền Tảng Phật Giáo

July 11, 2020

Chánh-Niệm, Trí-Tuệ Tỉnh-Giác

2 pháp chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác (satisampajañña) đóng vai trò chủ-thể chính yếu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

* Sati: Niệm là niệm tâm-sở (saticesika) đồng sinh với 59 tâm hoặc 91 tâm đó là 8 đại-thiện-tâm + 8 đại-quả-tâm + 8 đại-duy-tác-tâm + 15 sắc-giới-tâm + 12 vô-sắc-giới-tâm + 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm (trừ 12 bất-thiện-tâm và 18 vô-nhân-tâm) ghi nhớ 6 đối-tượng: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

* Sati trong pháp-hành tứ-niệm-xứ gọi là sammāsati: Chánh-niệm trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, Đức-Phật thuyết giảng rằng:

“Katamā ca bhikkhave, sammāsati?…”

– Này chư tỳ-khưu! Thế nào gọi là chánh-niệm?

– Này chư tỳ-khưu! Trong Phật-giáo này, tỳ-khưu:

1- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ toàn thân trong phần thân-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

2- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ các thọ trong phần thọ-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

3- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ tâm trong phần tâm-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

4- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ các pháp trong phần pháp-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

– Này chư tỳ-khưu! Như vậy, gọi là chánh-niệm.

Đối-tượng thân, thọ, tâm, pháp của pháp-hành tứ-niệm-xứ có nghĩa là gì?

Theo Chú-giải Pāḷi giảng giải rằng:

* Kāyo’va atthi: Thân chỉ là sắc-thân mà thôi. Sắc-thân thuộc về sắc-pháp là pháp-vô-ngã (anattā) nghĩa là na satto: Không phải là chúng-sinh, na puggalo: Không phải là người, na itthī: Không phải là người nữ, na puriso: Không phải là người nam, na attā: Không phải là ngã (ta), na attaniyaṃ: Không phải thuộc về ngã (ta), nā’haṃ: Không phải là ta, na mama: Không phải thuộc về của ta, na koci: Không phải là ai cả, na kassaci: Không phải thuộc về của ai cả, …

* Vedanā’va atthi: Thọ chỉ là thọ mà thôi. Thọ tâm-sở thuộc về danh-pháp là pháp-vô-ngã (anattā) nghĩa là na satto: Không phải là chúng-sinh, na puggalo: Không phải là người, na itthī: Không phải là người nữ, na puriso: Không phải là người nam, na attā: Không phải là ngã (ta), na attaniyaṃ: Không phải thuộc về ngã (ta), nā’haṃ: Không phải là ta, na mama: Không phải thuộc về của ta, na koci: Không phải là ai cả, na kassaci: Không phải thuộc về của ai cả, …

* Cittaṃ’va atthi: Tâm chỉ là tâm mà thôi. Tâm thuộc về danh-pháp là pháp-vô-ngã (anattā) nghĩa là na satto: Không phải là chúng-sinh, na puggalo: Không phải là người, na itthī: Không phải là người nữ, na puriso: Không phải là người nam, na attā: Không phải là ngã (ta), na attaniyaṃ: Không phải thuộc về ngã (ta), nā’haṃ: Không phải là ta, na mama: Không phải thuộc về của ta, na koci: Không phải là ai cả, na kassaci: Không phải thuộc về của ai cả, …

* Dhammo’va atthi: Pháp chỉ là pháp mà thôi. Pháp thuộc về sắc-pháp, danh-pháp là pháp-vô-ngã (anattā) nghĩa là na satto: Không phải là chúng-sinh, na puggalo: Không phải là người, na itthī: Không phải là người nữ, na puriso: Không phải là người nam, na attā: Không phải là ngã (ta), na attaniyaṃ: Không phải thuộc về ngã (ta), nā’haṃ: Không phải là ta, na mama: Không phải thuộc về của ta, na koci: Không phải là ai cả, na kassaci: Không phải thuộc về của ai cả, …

– Nếu hành-giả đang thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân-niệm-xứ là sắc-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp thì hành-giả không biết đến chế-định-pháp, nghĩa là không biết ta, người, người nam, người nữ, v.v… mà chỉ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp mà thôi.

– Nếu hành-giả đang thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ các thọ trong thọ-niệm-xứ là danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp thì hành-giả không biết đến chế-định-pháp, nghĩa là không biết ta, người, người nam, người nữ, v.v… mà chỉ thấy rõ, biết rõ danh-pháp mà thôi.

– Nếu hành-giả đang thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ tâm trong tâm-niệm-xứ là danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp thì hành-giả không biết đến chế-định-pháp, nghĩa là không biết ta, người, người nam, người nữ,v.v… mà chỉ thấy rõ, biết rõ danh-pháp mà thôi.

– Nếu hành-giả đang thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ các pháp trong pháp-niệm-xứ là sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp thì hành-giả không còn biết đến chế-định-pháp, nghĩa là không còn biết ta, người, người nam, người nữ, v.v… mà chỉ thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp mà thôi.

Sampajañña: Trí-tuệ tỉnh-giác

Trí-tuệ đó là paññācetasika: Trí-tuệ tâm-sở đồng sinh với 47 hoặc 79 tâm đó là 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ + 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ + 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ + 15 sắc-giới-tâm + 12 vô-sắc-giới-tâm + 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm, biết 6 đối-tượng: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Trí-tuệ gọi là trí-tuệ tỉnh-giác (sampajañña) đóng vai trò chính yếu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp, bởi vì trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ 4 pháp theo tuần tự như sau:

1- Sātthaka sampajañña: Trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ lợi và bất lợi.

2- Sappāya sampajañña: Trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ thuận lợi và bất thuận lợi.

3- Gocara sampajañña: Trí-tuệ tỉnh-giác biết rõ biết đối-tượng và không biết đối-tượng.

4- Asammoha sampajañña: Trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

4 pháp trí-tuệ tỉnh-giác này hỗ trợ chính cho hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ được phát triển tốt. 

Nhân-duyên phát sinh chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác

Tất cả các pháp phát sinh đều do nhân-duyên, chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác phát sinh cũng do nhân-duyên.

Vậy, do nhân-duyên nào để cho chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác phát sinh?

Trong bài kinh Avijjāsutta Đức-Phật thuyết giảng đọan nhân quả liên hoàn tuần tự như sau:

“Thường được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, mới lắng nghe chánh-pháp được đầy đủ.

– Có lắng nghe chánh-pháp được đầy đủ, mới có đức-tin được đầy đủ.

– Có đức-tin được đầy đủ, mới có yonisomanasikāra được đầy đủ.

– Có yonisomanasikāra được đầy đủ, mới có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác được đầy đủ.

– Có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác được đầy đủ, mới có thu thúc giữ gìn lục căn được đầy đủ.

– Có thu thúc, giữ gìn lục căn được đầy đủ, mới có thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện được đầy đủ.

– Có thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện được đầy đủ, mới có tứ-niệm-xứ được đầy đủ.

– Có tứ-niệm-xứ được đầy đủ, mới có thất-giác-chi được đầy đủ.

– Có thất-giác-chi được đầy đủ, mới có trí-minh (vijjā) Thánh-đạo-tuệ và giải-thoát (vimutti) Thánh-quả-tuệ được đầy đủ.”

Đọan kinh trên đây “có yonisomanasikāra được đầy đủ, mới có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác được đầy đủ”.

Vậy, yonisomanasikāra là pháp như thế nào?

Ý nghĩa yonisomanasikāra

Yonisomanasikāra có 3 từ ghép là: Yoniso + manasi + kāra

– Yoniso: Với trí-tuệ.

– Manasi: Trong tâm.

– Kāra: Sự làm nghĩa là sự hiểu biết.

Yonisomanasikāra là sự hiểu biết trong tâm với trí-tuệ hiểu biết đúng 4 trạng-thái của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới là:

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là vô-thường (anicca).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là khổ (dukkha).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là vô-ngã (anattā).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái-bất-tịnh (asubha) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là bất-tịnh (asubha).

Yonisomanasikāra là sự hiểu biết trong tâm với trí-tuệ hiểu biết đúng 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh trong tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới, làm nhân-duyên phát sinh chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác hỗ trợ chính cho hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Tính chất đặc biệt của yonisomanasikāra

* Yonisomanasikāra là 1 trong 4 chi pháp để trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, như trong bài kinh Sotāpattiyaṅga-sutta Đức-Phật dạy 4 chi pháp để trở thành bậc Thánh Nhập-lưu như sau:

“1- Sappurisasaṃseva: Sự gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo.

2- Saddhammassavana: Sự lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí.

3- Yonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm với trí-tuệ hiểu biết đúng theo 4 trạng-thái của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới.

4- Dhammānudhammapaṭipatti: Sự thực-hành pháp-hành thiền-tuệ hướng đến chứng đắc 9 siêu-tam-giới-pháp: 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.”

Như vậy, muốn trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, hành-giả cần phải có đầy đủ 4 chi pháp này.

Yonisomanasikāra là chi pháp quan trọng hỗ trợ thực-hành đúng theo pháp-hành thiền-tuệ, để hướng đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến và hoài-nghi, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Yonisomanasikāra là pháp hỗ trợ hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo (majjhimāpaṭi-padā) diệt tham-tâm và sân-tâm, bởi vì nhờ yoniso-manasikāra nên ngăn chặn được tham-tâm và sân-tâm không phát sinh trong mọi đối-tượng thiền-tuệ.

Ví dụ: Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng oai-nghi ngồi, có chánh-niệm trực nhận mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi ấy, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế ngồi, dáng ngồi ấy là sắc-ngồi (không phải ta ngồi), nên tham-tâm không phát sinh. Dù khi phóng-tâm là danh-pháp phát sinh, nhưng sân-tâm vẫn không phát sinh.

Đó là do nhờ yonisomanasikāra trí-tuệ hiểu biết sắc-ngồi có trạng-thái vô-ngã, nên tham-tâm không phát sinh; dù khi phóng-tâm là danh-pháp phát sinh, cũng có trạng-thái vô-ngã, nên sân-tâm vẫn không phát sinh.

Cũng như trên, khi oai-nghi ngồi là sắc-ngồi phát sinh thọ khổ, sắc-ngồi khổ (không phải ta khổ), sân-tâm không hài lòng không phát sinh.

Hành-giả cần phải thay đổi oai-nghi ngồi cũ sang oai-nghi đi mới là sắc-đi, để làm giảm bớt thọ khổ của oai-nghi ngồi cũ. Dù khi thay đổi oai-nghi đi mới cho bớt khổ, tham-tâm hài lòng vẫn không phát sinh.

Đó là do nhờ yonisomanasikāra trí-tuệ hiểu biết, dù thay đổi đối tượng nào chánh-niệm trí tuệ tỉnh giác vẫn theo dõi đối tượng ấy một cách tự nhiên.

Cho nên, yonisomanasikāra trí-tuệ hiểu biết trong tâm với trí-tuệ hiểu biết đúng 4 trạng-thái của sắc-pháp, của danh-pháp, nên hỗ trợ cho hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đúng theo pháp-hành trung-đạo diệt-từng-thời được tham-tâm và sân-tâm.

* Yonisomanasikāra còn là pháp hỗ trợ cho mọi thiện pháp, kể từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới-thiện-pháp.

Ý nghĩa ayonisomanasikāra

Trái ngược với yonisomanasikāra là ayonisomanasi-kāra có 3 từ ghép là:

Ayoniso + manasi + kāra

– Ayoniso: Do si-tâm.

– Manasi: Trong tâm.

– Kāra: Sự làm nghĩa là sự biết.

Ayonisomanasikāra là sự biết trong tâm do si-tâm biết sai lầm trong 4 trạng-thái của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới là:

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca) thì do si-tâm biết sai lầm cho là thường (nicca).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha) thì do si mê biết sai lầm cho là lạc (sukha).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā) thì do si-tâm biết sai lầm cho là ngã (attā).

– Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái-bất-tịnh (asubha) thì do si-tâm biết sai lầm cho là tịnh (subha).

Ayonisomanasikāra là sự biết trong tâm do si-tâm biết sai lầm trong 4 trạng-thái của tất cả sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới cho là thường, lạc, ngã, tịnh, nên làm nhân-duyên phát sinh pháp-đảo-điên (vipallāsa).

Pháp-đảo-điên có 3 loại:

1- Tưởng-đảo-điên (saññāvipallāsa): Tưởng sai lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho rằng:“Thường, lạc, ngã, tịnh”.

2- Tâm-đảo-điên (cittavipallāsa): Tâm biết sai lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho rằng:“Thường, lạc, ngã, tịnh”.

3- Tà-kiến-đảo-điên (diṭṭhivipallāsa): Tà-kiến thấy sai lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho rằng:“Thường, lạc, ngã, tịnh”. Như vậy, pháp-đảo-điên có 3 pháp nhân với 4 điều sai lầm (thường, lạc, ngã, tịnh) gồm có 12 pháp-đảo-điên này làm nhân-duyên phát sinh mọi tham-ái, mọi phiền-não tuỳ theo đối-tượng, làm che phủ mọi thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, nên chỉ có yonisomanasi-kāra, trí-tuệ hiểu biết trong tâm đúng theo 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới, mới ngăn chặn được 12 pháp-đảo-điên ấy mà thôi.