Quyển 10 - Pháp Hành Thiền Tuệ (tái bản)

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 19 – Pháp-Hành Trung-Đạo (Majjhimāpaṭipadā)

By Nền Tảng Phật Giáo

July 11, 2020

Pháp-Hành Trung-Đạo (Majjhimāpaṭipadā)

Pháp-hành trung-đạo là một pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo.

Trong bài Kinh Dhammacakkappavattanasutta: Kinh Chuyển-Pháp-Luân mà Đức-Phật thuyết giảng lần đầu tiên, để tế độ nhóm 5 tỳ-khưu: Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma Ngài Assaji tại khu rừng phóng sinh nai gọi Isipatana, gần kinh thành Bāraṇasī.

Hai pháp thấp hèn

Đức-Phật thuyết giảng rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Có hai pháp cực đoan thuộc về hai biên kiến mà bậc xuất gia không nên thực-hành theo.

Hai pháp ấy như thế nào?

1- Một là việc thường thụ hưởng lạc trong ngũ-dục do tham-tâm hợp với thường-kiến, là pháp thấp hèn của hạng phàm nhân trong đời, không phải pháp-hành của bậc Thánh-nhân, không đem lại sự lợi ích, sự an-lạc.

2- Hai là việc thường tự ép xác hành khổ mình do sân-tâm và có đọan-kiến thuộc về pháp-hành khổ-hạnh của ngoại đạo, không phải pháp-hành của bậc Thánh-nhân, không đem lại sự lợi ích, sự an-lạc.

Pháp-hành trung-đạo (majjhimāpaṭipadā)

– Này chư tỳ-khưu! Không thiên về hai pháp cực đoan thuộc về hai biên kiến ấy, Như-Lai đã thực-hành theo pháp-hành trung-đạo, nên đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế bằng trí-tuệ siêu-tam-giới, làm cho tuệ-nhãn phát sinh; trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới phát sinh đã làm vắng lặng mọi phiền-não; đã làm cho trí-tuệ siêu-việt thông-suốt chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

– Này chư tỳ-khưu! Như thế nào gọi là pháp-hành trung-đạo mà Như-Lai đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, bằng trí-tuệ siêu-tam-giới, làm cho tuệ-nhãn phát sinh; trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới phát sinh đã làm vắng lặng mọi phiền-não; đã làm cho trí-tuệ siêu-việt thông-suốt chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành trung-đạo là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh cao thượng là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định.

– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành trung-đạo là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh cao thượng này, mà Như-Lai đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, bằng trí-tuệ siêu-tam-giới, làm cho tuệ-nhãn phát sinh; trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới phát sinh đã làm vắng lặng mọi phiền-não; đã làm cho trí-tuệ siêu-việt thông-suốt chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.”

Trong bài kinh này, Đức-Phật thuyết giảng pháp-hành trung-đạo chính là Thánh-đạo-tâm hợp đủ 8 chánh cao thượng là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định.

Bát chánh này đó là 8 tâm-sở cùng với 28 tâm-sở khác đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Thật ra, 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có 36 tâm-sở đồng sinh. Trong 36 tâm-sở ấy có 8 tâm-sở gọi là bát-chánh-đạo như sau:

1- Trí-tuệ tâm-sở gọi là chánh-kiến.

2- Hướng-tâm tâm-sở gọi là chánh-tư-duy.

3- Chánh-ngữ tâm-sở gọi là chánh-ngữ.

4- Chánh-nghiệp tâm-sở gọi là chánh-nghiệp.

5- Chánh-mạng tâm-sở gọi là chánh-mạng.

6- Tinh-tấn tâm-sở gọi là chánh-tinh-tấn.

7- Niệm tâm-sở gọi là chánh-niệm.

8- Nhất-tâm tâm-sở gọi là chánh-định.

Tám tâm-sở này cùng với 28 tâm-sở khác đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm cùng có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Pháp-hành trung-đạo đó là pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh trong 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Như vậy, pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh này không phải là pháp-hành bắt đầu thực-hành, cũng không phải là pháp-hành đang thực-hành, mà sự thật là pháp-hành đã thực-hành xong rồi, đã hoàn thành xong mọi phận sự tứ Thánh-đế, nên pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh này gọi là pháp-thành Phật-giáo (paṭivedhadhamma) là kết quả của pháp-hành Phật-giáo (paṭipattidhamma).

Cho nên, pháp-hành trung-đạo là pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh ở giai đọan cuối.

Bắt đầu thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo

* Giai đọan đầu thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo, hành-giả cần phải bắt đầu thực-hành chánh-niệm: Niệm-thân, niệm-thọ, niệm-tâm, niệm-pháp, đó là thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ.

 Thật vậy, trong kinh Rahogatasutta Ngài Trưởng-lão Anuruddha từng tư duy rằng:

“Hành-giả nào chán nản thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ, hành-giả ấy gọi là người chán nản thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo, nên không thể dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh luân-hồi.

“Hành-giả nào có tinh-tấn thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ, hành-giả ấy gọi là người có tinh-tấn thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo, nên có thể dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh luân-hồi, …”

Như vậy, chánh-niệm đó là pháp-hành tứ-niệm-xứ là pháp-hành phần đầu dẫn đến pháp-hành cuối cùng là Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh: Chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định đồng sinh trong 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Trong Chú-giải kinh Mahāsatipaṭṭhānasuttavaṇṇanā giảng giải rằng: “Pubbabhāgasatipaṭṭhānamaggo” tứ-niệm-xứ là pháp-hành bát-chánh-đạo phần đầu.

Pháp-hành trung-đạo là pháp-hành tứ-niệm-xứ

Trong Chi-bộ-kinh, phần 3 chi pháp, Đức-Phật thuyết giảng về 3 pháp-hành (paṭipadā):

1- Āgāḷhā paṭipadā: Pháp-hành hưởng lạc cực đoan.

2- Nijjhāmāpaṭipadā: Pháp-hành khổ hạnh cực đoan.

3- Majjhimāpaṭipadā: Pháp-hành trung-đạo.

Đức-Phật thuyết giảng về pháp-hành trung-đạo rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành trung-đạo là thế nào?

 – Này chư tỳ-khưu! Trong Phật-giáo này, tỳ-khưu:

1- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ toàn thân trong phần thân-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

2- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ các thọ trong phần thọ-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

3- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ tâm trong phần tâm-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

4- Là hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng, có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ các pháp trong phần pháp-niệm-xứ, để diệt tham-tâm hài lòng, và diệt sân-tâm không hài lòng trong ngũ-uẩn chấp-thủ này.

Như vậy, pháp-hành trung-đạo phần đầu chính là pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, và phần cuối là pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh đồng sinh trong 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Pháp-hành trung-đạo có 2 giai đọan:

1- Giai đọan đầu của pháp-hành trung-đạo.

2- Giai đọan cuối của pháp-hành trung-đạo.

Pháp-hành trung-đạo là pháp-hành diệt tham-tâm hài lòng (abhijjhā) và diệt sân-tâm không hài lòng (domanassa) đồng thời cũng diệt si-tâm si mê không thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, để cho trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới gồm có 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ.

1- Giai đọan đầu của pháp-hành trung-đạo là hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ để phát sinh trí-tuệ từ trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp đều là pháp-vô-ngã, và các trí-tuệ thiền-tuệ tuần tự phát sinh cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 13 gọi là gotrabhuñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ chuyển tánh từ dòng phàm-nhân sang dòng Thánh-nhân. Trí-tuệ thiền-tuệ này có khả năng đặc biệt tiếp nhận đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, song tâm vẫn còn đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.

Đó là giai đọan đầu của pháp-hành trung-đạo.

2- Giai đọan cuối của pháp-hành trung-đạo là hành-giả đã chứng đắc đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là Maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ đồng sinh với Thánh-đạo-tâm và trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 gọi là Phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ đồng sinh với Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới. Khi ấy, chắc chắn có bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh: Chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm ấy.

Đó là giai đọan cuối của pháp-hành trung-đạo. 

Thực-hành pháp-hành trung-đạo

Pháp-hành trung-đạo (majjhimāpaṭipadā) là pháp-hành mà hành-giả cần phải học hỏi, nghiên cứu, hiểu biết các đối-tượng tứ-niệm-xứ là thân, thọ, tâm, pháp hoặc đối-tượng thiền-tuệ là tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp một cách rành rẽ.

Khi thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả có đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ đặt trung dung trong các đối-tượng tứ-niệm-xứ thân, thọ, tâm, pháp hoặc đối-tượng thiền-tuệ mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp, không thiên vị đối-tượng nào nghĩa là không coi trọng đối-tượng này, cũng không coi khinh đối-tượng khác, nên hành-giả có khả năng diệt được tham-tâm hài lòng (abhijjhā) và diệt sân-tâm không hài lòng (domanassa) trong đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp ấy.

Như vậy, hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo.

* Thực-hành không đúng theo pháp-hành trung-đạo như thế nào?

Số hành-giả không thường gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo, không học hỏi, nghiên cứu, không hiểu rõ thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều có sự sinh, sự diệt, đều có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.

Hành-giả không hiểu biết rõ tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều là khổ đế, là pháp mà trí-tuệ-hành có phận sự nên biết (pariññeyya) khổ đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới.

Do chưa hiểu biết rõ thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới như vậy, nên khi thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả coi trọng đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp này, coi khinh đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp kia, có tâm thiên vị trong đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc đối-tượng thiền-tuệ.

Khi hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, không đặt tâm trung dung trong tất cả mọi đối-tượng sắc-pháp, mọi đối-tượng danh-pháp tam-giới, nên khi thì tham-tâm hài lòng phát sinh nơi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp này, khi thì sân-tâm không hài lòng phát sinh nơi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp kia.

Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, không diệt được tham-tâm hài lòng và sân-tâm không hài lòng nơi đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc đối-tượng thiền-tuệ.

Cho nên, hành-giả thực-hành không đúng theo pháp-hành trung-đạo.

Hơn nữa, khi có tham-tâm hoặc sân-tâm phát sinh, ắt có si tâm-sở đồng sinh với tham-tâm, sân-tâm ấy, nên che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, không thể chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.

Ví dụ: Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có sắc-ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm, làm đối-tượng thiền-tuệ.

– Nếu hành-giả coi trọng đối-tượng sắc-ngồi thì tham-tâm hài lòng nơi sắc-ngồi ấy phát sinh. Tham-tâm phát sinh có 19 hoặc 21 tâm-sở chắc chắn có si tâm-sở đồng sinh với tham-tâm ấy làm che phủ thật-tánh của sắc-ngồi thuộc về sắc-pháp ấy.

– Khi có phóng-tâm phát sinh (nghĩ đến chuyện khác), nên tâm buông bỏ đối-tượng sắc-ngồi ấy, nếu hành-giả coi khinh phóng-tâm tâm-sở (uddhaccacetasika) thuộc về danh-pháp thì sân-tâm không hài lòng phát sinh, bởi vì phóng-tâm phát sinh làm mất đối-tượng sắc-ngồi ấy. Sân-tâm phát sinh có 20 hoặc 22 tâm-sở, chắc chắn có si tâm-sở đồng sinh với sân-tâm ấy làm che phủ thật-tánh của danh-pháp phóng-tâm tâm-sở ấy.

Như vậy, hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng sắc-ngồi, không diệt được tham-tâm hài lòng trong đối-tượng sắc-ngồi và cũng không diệt được sân-tâm không hài lòng trong đối-tượng danh-pháp phóng-tâm, trong khi đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng sắc-ngồi ấy.

Cho nên, hành-giả thực-hành không đúng theo pháp-hành trung-đạo.

* Thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo như thế nào?

Số hành-giả thường gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo, thường học hỏi, nghiên cứu, hiểu biết rõ thật-tánh tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều là pháp-vô-ngã. Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều có sự sinh, sự diệt, đều có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã.

Hành-giả hiểu biết rõ tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều là khổ đế, là pháp mà trí-tuệ-hành có phận sự nên biết (pariññeyya) khổ đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới.

Do nhờ có yonisomanasikāra trí-tuệ hiểu biết đúng 4 trạng-thái của tất cả mọi sắc-pháp, danh-pháp tam-giới như vậy, nên khi thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, hành-giả không coi trọng đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp này, cũng không coi khinh đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp kia, hành-giả không có tâm thiên vị trong các đối-tượng tứ-niệm-xứ thân, thọ, tâm, pháp hoặc đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp.

Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ, đặt tâm trung-dung trong tất cả mọi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, nên tham-tâm hài lòng không phát sinh nơi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp này, và sân-tâm không hài lòng cũng không phát sinh nơi đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp kia.

Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ đúng theo pháp-hành trung-đạo, nên diệt được tham-tâm hài lòng và sân-tâm không hài lòng nơi các đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc các đối-tượng thiền-tuệ.

Cho nên, hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo.

Ví dụ: Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có sắc-ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm, làm đối-tượng thiền-tuệ.

– Khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, không coi trọng đối-tượng sắc-ngồi, nên tham-tâm hài lòng nơi đối-tượng sắc-ngồi ấy không phát sinh, chỉ có trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-ngồi thuộc về sắc-pháp ấy mà thôi.

– Nếu khi có phóng-tâm phát sinh (nghĩ đến chuyện khác), làm cho tâm buông bỏ đối-tượng sắc-ngồi ấy thì hành-giả không coi khinh phóng-tâm tâm-sở (uddhacca-cetasika) thuộc về danh-pháp, nên sân-tâm không hài lòng không phát sinh, chỉ có trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ thật-tánh của phóng-tâm tâm-sở thuộc về danh-pháp mà thôi.

Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp hành thiền-tuệ diệt được tham-tâm hài lòng và diệt được sân-tâm không hài lòng nơi các đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc đối-tượng thiền-tuệ ấy.

Cho nên, hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo do biết đặt tâm trung-dung trong tất cả mọi đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc tất cả mọi đối-tượng thiền-tuệ, không coi trọng đối-tượng thiền-tuệ này, cũng không coi khinh đối-tượng thiền-tuệ kia, bởi vì hành-giả hiểu biết rõ thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới đều có sự sinh, sự diệt, đều có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, không hơn không kém, đều có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Sở dĩ, hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo là vì có yonisomanasikāra hỗ trợ hiểu biết trong tâm với trí-tuệ hiểu biết đúng 4 trạng-thái: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp trong tam-giới.

Thật vậy, * sắc-ngồi là đối-tượng trong tứ-oai-nghi trong phần thân-niệm-xứ thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm có sự sinh, sự diệt, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

* Phóng-tâm đó là phóng-tâm tâm-sở (uddhacca-cetasika) là đối-tượng trong 5 pháp-chướng-ngại trong phần pháp-niệm-xứ thuộc về danh-pháp cũng có sự sinh, sự diệt, cũng có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, cũng có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn. 

Dù đối-tượng sắc-ngồi thuộc về sắc-pháp hoặc dù đối-tượng phóng-tâm tâm-sở thuộc về danh-pháp thì tâm của hành-giả vẫn có chánh-niệm trực nhận đối-tượng ấy, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của đối-tượng sắc-ngồi thuộc về sắc-pháp hoặc của đối-tượng phóng-tâm tâm-sở thuộc về danh-pháp ấy một cách trung-dung, không hơn không kém, không coi trọng đối-tượng sắc-ngồi, cũng không coi khinh đối-tượng phóng-tâm.

Khi phóng-tâm diệt, hành-giả có chánh-niệm trực nhận đối-tượng sắc-ngồi cũ, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ trở lại đối-tượng sắc-ngồi cũ như trước.

Như vậy, hành-giả thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo.

Khi hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ trong giai đọan đầu đúng theo pháp-hành trung-đạo, nhờ không thiên về 2 pháp cực đoan là tham-tâm và sân-tâm, nên diệt được tham-tâm hài lòng nơi các đối-tượng tứ-niệm-xứ và diệt được sân-tâm không hài lòng nơi các đối-tượng tứ-niệm-xứ, đồng thời diệt được si tâm-sở nơi tất cả mọi đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc tất cả mọi đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp, nên trí-tuệ thiền-tuệ tiến triển từ trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Khi chứng đắc 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới. Khi ấy, bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm. 

Đó là giai đọan cuối của pháp-hành trung-đạo.