Quyển 10 - Pháp Hành Thiền Tuệ (tái bản)

Chương 26 – Pháp-Hành Thiền-Định Và Pháp-Hành Thiền-Tuệ

By Nền Tảng Phật Giáo

July 11, 2020

Pháp-Hành Thiền-Định Và Pháp-Hành Thiền-Tuệ

Giáo-pháp của Đức-Phật Gotama có 2 pháp-hành:

1- Pháp-hành thiền-định (Samathabhāvanā).

2- Pháp-hành thiền-tuệ (Vipassanābhāvanā).

1- Pháp-hành thiền-định (samathabhāvanā) có 40 đề-mục thiền-định, một số đề-mục thiền-định có trong Phật-giáo và cũng có ngoài Phật-giáo; đặc biệt một số đề-mục thiền-định chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo.

Pháp-hành thiền-định là pháp-hành dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, và chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả có 4 bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm của pháp-hành thiền-định vẫn còn luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Pháp-hành thiền-định đã được trình bày trong quyển IX: Pháp-Hành Thiền-Định của bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo cùng soạn giả.

2- Pháp-hành thiền-tuệ (vipassanābhāvanā) là pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo. Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Thật vậy, pháp-hành thiền-tuệ có từ khi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, và được các hàng thanh-văn đệ-tử có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ có khả năng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Các hàng thanh-văn đệ-tử có trí-tuệ kế thừa theo truyền thống thực-hành pháp-hành thiền-tuệ giữ gìn, duy trì tồn tại cho đến nay.

Khi giáo pháp của Đức-Phật Gotama bị suy đồi dần dần, bị tiêu hoại dần dần thì pháp-hành thiền-tuệ sẽ bị suy đồi, bị tiêu hoại trước, bởi vì trí-tuệ của các hàng thanh-văn đệ-tử không có khả năng giữ gìn duy trì được pháp-hành thiền-tuệ nữa.

Tuổi thọ của Phật-giáo có khoảng 5.000 năm, sau 5.000 năm, giáo pháp của Đức-Phật Gotama bị tiêu hoại hoàn toàn không còn trên thế gian này.

Tìm hiểu những điểm khác biệt nhau giữa pháp-hành thiền-định (trong quyển IX) với pháp-hành thiền-tuệ (trong quyển X này), để giúp cho hành-giả phân biệt rõ pháp-hành thiền-định với pháp-hành thiền-tuệ.

Điểm Khác Biệt Giữa Thiền-Định Với Thiền-Tuệ

Tìm thấy những điểm khác biệt giữa pháp-hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ như sau:

PHÁP-HÀNH THIỀN-TUỆ 540

1- Ý nghĩa (Aṭṭha)

– Thiền-định: Thiền-định nghĩa là định-tâm trong đối-tượng thiền-định duy nhất, để chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới.

– Thiền-tuệ: Thiền-tuệ nghĩa là trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp tam-giới, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

2- Chi-pháp (Aṅga)

– Thđ: Chi-pháp của thiền-định là ekaggatācetasika: Nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với tam-giới thiện-tâm, tam-giới duy-tác-tâm.

– Tht: Chi-pháp của thiền-tuệ là paññindriyacetasika: Tuệ-chủ tâm-sở đồng sinh với tất cả tam-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, tam-giới duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ.

3- Trạng-thái-riêng (Lakkhaṇa)

– Thđ: Trạng-thái-riêng của thiền-định là không phóng-tâm, định-tâm trong đối-tượng thiền-định.

– Tht: Trạng-thái-riêng của thiền-tuệ là thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tất cả sắc-pháp, danh-pháp.

4- Phận sự (Rasa)

– Thđ: Phận sự của thiền-định là gom các pháp đồng sinh lại với nhau.

– Tht: Phận sự của thiền-tuệ là diệt vô-minh che phủ thật-tánh của tất cả sắc-pháp, danh-pháp. 

5- Quả hiện-hữu (Paccuppaṭṭhāna)

– Thđ: Quả hiện-hữu của thiền-định là an trú trong một đối-tượng thiền-định duy nhất.

– Tht: Quả hiện-hữu của thiền-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tất cả sắc-pháp, danh-pháp, không có si mê lầm lạc.

6- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna)

– Thđ: Nguyên nhân gần của thiền-định là thọ lạc.

– Tht: Nguyên nhân gần của thiền-tuệ là sát-na định-tâm trong mỗi đối-tượng thiền-tuệ.

7- Đối-tượng (Ārammaṇa)

– Thđ: Đối-tượng của thiền-định là 40 đề-mục-thiền-định thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma).

– Tht: Đối-tượng của thiền-tuệ là tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp, hoặc thân, thọ, tâm, pháp là đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

8- Sinh-diệt ( Udaya-Vaya)

– Thđ: Sự sinh, sự diệt của đối-tượng thiền-định không có.

– Tht: Sự sinh, sự diệt của đối-tượng thiền-tuệ đó là sự sinh của mỗi sắc-pháp do nhân-duyên-sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp do nhân-duyên-diệt; sự sinh của mỗi danh-pháp tam-giới do nhân-duyên-sinh, sự diệt của mỗi danh-pháp tam-giới do nhân-duyên-diệt.

9- Trạng-thái-chung (Sāmaññalakkhaṇa)

– Thđ: Trạng-thái-chung của đối-tượng thiền-định không có, bởi vì đối-tượng thiền-định thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma), không có sự sinh, sự diệt, nên không có 3 trạng-thái-chung.

– Tht: Trạng-thái-chung của đối-tượng thiền-tuệ là trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới, bởi vì đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp tam-giới thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), có sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, nên có 3 trạng-thái-chung.

10- Thời gian (Kāla)

– Thđ: Thời gian của đối-tượng thiền-định thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) là kālavimutta: Ngoại 3 thời, không thuộc về quá-khứ, hiện-tại, vị-lai.

– Tht: Thời gian của đối-tượng thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) là tekālika: Có 3 thời: Quá-khứ, hiện-tại, vị-lai.

11- Bản tính (Carita)

– Thđ: Bản tính của hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định phân chia ra 6 loại tính, để phù hợp với 40 đối-tượng thiền-định.

– Tht: Bản tính của hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ phân chia 2 loại tính (tham-ái và tà-kiến), mỗi loại có 2 hạng hành-giả, để phù hợp với 4 đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc đối-tượng thiền-tuệ.

12- Hiện-tượng (Nimitta)

– Thđ: Hiện-tượng của đối-tượng thiền-định có 3 giai đọan: Đối-tượng parikammanimitta, đối-tượng uggaha-nimitta, đối-tượng paṭibhāganimitta, bởi vì đối-tượng thiền-định thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma). 

– Tht: Hiện-tượng của đối-tượng thiền-tuệ hoàn toàn không có nimitta nào, bởi vì đối-tượng thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

13- Định-tâm (Samādhi)

– Thđ: Định-tâm của pháp-hành thiền-định có 3 loại: Parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu, upacārasamādhi: Cận-định, appanāsamādhi: An-định trong 1 đề-mục thiền-định.

– Tht: Định-tâm của pháp-hành thiền-tuệ chỉ có 1 loại là khaṇikasamādhi: Sát-na-định nơi mỗi đối-tượng thiền-tuệ, sắc-pháp, danh-pháp.

14- Chứng đắc (Adhigama)

– Thđ: Sự chứng đắc của pháp-hành thiền-định là đạt đến appanāsamādhi: An-định-tâm có đối-tượng paṭi-bhāganimitta, chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới.

– Tht: Sự chứng đắc của pháp-hành thiền-tuệ là chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

15- Diệt Phiền-não (Pahāna)

– Thđ: Diệt phiền-não: Pháp-hành thiền-định, đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm diệt phiền-não loại trung (5 pháp-chướng-ngại nīvaraṇa) bằng cách chế-ngự, đè-nén phiền-não (vikhambhanappahāna).

– Tht: Diệt phiền-não: Pháp-hành thiền-tuệ có 12 loại trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới từ trí-tuệ thứ nhất nāmarūpa-paricchedañāṇa cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccā-nulomañāṇa diệt phiền-não từng-thời (tadaṅgappahāna) theo khả năng của mỗi loại trí-tuệ thiền-tuệ.

Đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 đó là 4 Thánh-đạo-tuệ mà mỗi Thánh-đạo-tuệ có khả năng đặc biệt diệt tận được phiền-não (samucchedappahāna) theo năng lực của mỗi Thánh-đạo-tuệ, tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 đó là 4 Thánh-quả-tuệ mà mỗi loại Thánh-quả-tuệ có khả năng đặc biệt làm an-tịnh phiền-não (paṭippassaddhippahāna) theo năng lực của mỗi Thánh-quả-tuệ, và đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới giải thoát khổ (nissaraṇappahāna).

16- Tâm (Citta)

– Thđ: Tâm của các bậc thiền-định là 15 sắc-giới tâm, và 12 vô-sắc-giới-tâm, thuộc về 27 mahaggatacitta: Tâm bậc cao hơn dục-giới-tâm.

– Tht: Tâm của thiền-tuệ thuộc về siêu-tam-giới-tâm đó là 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm, và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm gồm có 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm.

17- Đối-tượng – Chủ thể (Ārammaṇa – Ārammaṇika)

– Thđ: * Đối-tượng thiền-định thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) diễn biến qua 3 giai đọan từ thô đến vi-tế như sau:

– Giai đọan ban đầu: Parikammanimitta: Đối-tượng thiền-định thực-hành ban đầu của đề-mục thiền-định diễn biến đến

– Giai đọan giữa: Uggahanimitta: Đối-tượng thô ảnh tương tự của đề-mục thiền-định, diễn biến đến

– Giai đọan cuối: Paṭibhāganimitta: Đối-tượng quang ảnh trong sáng của đề-mục thiền-định.

* Chủ-thể thiền-định là tâm hành trong đối-tượng thiền-định cũng tiến triển theo 3 giai đọan theo đối-tượng thiền-định như sau:

– Giai đọan ban đầu: Parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu của đề-mục thiền-định có parikammasamādhi: Sơ-định trong đối-tượng parikammanimitta, và đối-tượng uggahanimitta.

– Giai đọan giữa: Upacārabhāvanā: Tâm-cận-hành gần bậc thiền sắc-giới có upacārasamādhi: Tâm-cận-định trong đối-tượng paṭibhāganimitta gần bậc thiền sắc-giới.

– Giai đọan cuối: Appanābhāvanā: Tâm-an-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới có appanāsamādhi: Tâm-an-định vững chắc trong đối-tượng paṭibhāganimitta chứng đắc bậc thiền sắc-giới.

– Tht: * Đối-tượng thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) có thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, có sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới,

* Chủ-thể thiền-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ diễn tiến qua 3 giai đọan:

– Giai đọan ban đầu: Trí-tuệ thứ nhất thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp tam-giới.

– Giai đọan giữa: Trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới gồm có 9 loại thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp tam-giới do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, v.v…

– Giai đọan cuối: Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

18- Quả báu (Ānisaṃsa)

– Thđ: Quả báu của 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới có nhiều quả báu như sau:

  1. a) Kiếp hiện-tại của hành-giả

– Nhập thiền để hưởng sự an-lạc trong bậc thiền ấy.

– Có khả năng luyện phép ngũ-thông (abhiññā).

– Làm nền tảng, làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ.

– Hỗ trợ bậc Thánh-nhân nhập Thánh-quả-tâm.

– Nếu chứng đắc đủ 9 bậc thiền (5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới) thì hỗ trợ bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt-thọ-tưởng, …

  1. b) Kiếp vị-lai của hành-giả

– Nếu hành-giả nào chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và các bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm giữ gìn duy trì đến lúc chết, sau khi hành-giả ấy chết, thì chỉ có thiền thiện-tâm bậc cao nào có quyền ưu tiên cho quả là thiền quả-tâm bậc cao ấy làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp, hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên, hoặc tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, tương xứng với thiền quả-tâm bậc cao ấy mà thôi.

Các thiền thiện-tâm bậc thấp còn lại đều trở thành vô hiệu quả.

– Tht: Quả báu của 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả tương xứng là 4 Thánh-quả-tâm trong cùng Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Maggavīthicitta) ấy, không có thời gian ngăn cách (akālika) như sau:

– Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm 1 sát-na-tâm diệt, liền cho quả là Nhập-lưu Thánh-quả-tâm sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm trong cùng Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm. 

– Nhất-lai Thánh-đạo-tâm 1 sát-na-tâm diệt, liền cho quả là Nhất-lai Thánh-quả-tâm sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm trong cùng Nhất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm.

– Bất-lai Thánh-đạo-tâm 1 sát-na-tâm diệt, liền cho quả là Bất-lai Thánh-quả-tâm sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm trong cùng Bất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm.

– A-ra-hán Thánh-đạo-tâm 1 sát-na-tâm diệt, liền cho quả là A-ra-hán Thánh-quả-tâm sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm trong cùng A-ra-hán Thánh-đạo lộ-trình-tâm.

  1. a) Kiếp hiện-tại của 4 bậc Thánh-nhân

– Nhập Thánh-quả-tâm để hưởng sự an-lạc tịch-tịnh Niết-bàn.

– Nếu bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc đủ 9 bậc thiền thì nhập diệt-thọ-tưởng, …

  1. b) Kiếp vị-lai của 4 bậc Thánh-nhân

– Sau khi bậc Thánh Nhập-lưu chết, tuyệt đối không tái-sinh trong 4 cõi ác-giới, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người, hoặc cõi trời dục-giới, nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

– Sau khi bậc Thánh Nhất-lai chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người, hoặc cõi trời dục-giới, 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy, bậc Thánh Nhất-lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

– Sau khi bậc Thánh Bất-lai chết, tuyệt đối không tái-sinh trở lại cõi dục-giới, mà chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cho quả bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy. Vị phạm-thiên Thánh Bât-lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

– Bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện-tại, đến khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

19- Người (Puggala)

– Thđ: Dù hành-giả chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới cũng vẫn còn là hạng người phàm-nhân (puthujjana).

– Tht: Hành-giả chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

– Chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

– Chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả trở thành bậc Thánh Bất-lai,

– Chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Đó là 4 bậc Thánh-nhân (ariyapuggala) trong Phật-giáo.

20- Pháp-hành (bhāvanā)

– Thđ: Pháp-hành thiền-định (samathabhāvanā) là pháp-hành có trong Phật-giáo và ngoài Phật-giáo, là pháp-hành có thể dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm. 

Nếu hành-giả nào có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, sau khi hành-giả ấy chết, thì chắc chắn đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-nghiệp gọi là phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh gọi là Phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ-thiên. Vị phạm-thiên trên tầng trời ấy có tuổi thọ 84.000 đại-kiếp trái đất lâu dài nhất, hưởng an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời ấy, rồi đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau xuống cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới.

Năm bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 3 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc thấp còn lại đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) không có cơ hội cho quả được nữa.

– Tht: Pháp-hành thiền-tuệ (vipassanābhāvanā) là pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo, là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc như sau:

– Chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

– Chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

– Chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

– Chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

* Sau khi bậc Thánh Nhập-lưu chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người và cõi trời dục-giới, nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Kiếp thứ 7 ấy, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Sau khi bậc Thánh Nhất-lai chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi người hoặc cõi trời dục-giới chỉ 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy, bậc Thánh Nhất-lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Sau khi bậc Thánh Bất-lai chết, không tái-sinh trở lại cõi dục-giới, chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy. Vị phạm-thiên Thánh Bất-lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện-tại đến khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Như vậy, pháp-hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ là 2 pháp-hành có những điểm khác biệt nhau tìm thấy được bấy nhiêu! Chắc chắn còn có điểm khác nữa.

Tuy nhiên, * hành-giả nào trước thực-hành pháp-hành thiền-định, có khả năng chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào, sau hành-giả ấy sử dụng chi-thiền lạc hoặc tâm-thiền làm đối-tượng thiền-tuệ danh-pháp, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân.

Hoặc * hành-giả nào không thực-hành pháp-hành thiền-định, hành-giả ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân.

Trong 2 hành-giả ấy, khi Thánh-đạo-tâm nào phát sinh, ắt có bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh đồng sinh với Thánh-đạo-tâm ấy.

Bát-chánh-đạo có đủ 8 chánh là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới. Trong 8 chánh ấy, chánh-kiến thuộc về thiền-tuệ, và chánh-định thuộc về thiền-định cùng có chung đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Như vậy, nếu trường hợp bát-chánh-đạo có đủ 8 chánh đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, thì thiền-tuệ đó là chánh-kiến và thiền-định đó là chánh-định có đối-tượng giống nhau là Niết-bàn siêu-tam-giới.