Quyển 10 - Pháp Hành Thiền Tuệ (tái bản)

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 9 – Tam-tuệ-luân (Tiparivaṭṭa)

By Nền Tảng Phật Giáo

July 11, 2020

Tam-tuệ-luân (Tiparivaṭṭa)

Đức-Phật dạy rằng:

“Yato ca kho me bhikkhave, imesu catūsu ariya-saccesu evaṃ tiparivaṭṭaṃ dvādasākāraṃ yathābhūtaṃ ñāṇadassanaṃ suvisuddhaṃ ahosi, athāhaṃ bhikkhave, sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇa-brahmaṇiyā pajāya sadevamanussāya anuttaraṃ sammāsambodhiṃ abhisambuddho’ti paccaññāsiṃ…”

“- Này chư tỳ-khưu! Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tứ Thánh-đế theo tam-tuệ-luân (trí-tuệ-học, trí-tuệ-hành, trí-tuệ-thành) thành 12 loại trí-tuệ hoàn toàn trong sáng thanh-tịnh đã phát sinh đến với Như-Lai…”

– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Như-Lai dõng dạc khẳng định truyền dạy rằng: “Như-Lai đã chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác vô thượng trong toàn cõi giới chúng-sinh nhân loại, vua chúa, sa-môn, bà-la-môn, chư-thiên, ma-vương, phạm-thiên cả thảy”.

Tứ Thánh-đế theo tam-tuệ-luân là thế nào?

Tam-tuệ-luân đó là 3 loại trí-tuệ luân chuyển theo tuần tự trong tứ Thánh-đế là:

1- Saccañāṇa: Trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế.

2- Kiccañāṇa: Trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế.

3- Katañāṇa: Trí-tuệ-thành hoàn thành xong phận sự trong tứ Thánh-đế.

Giảng giải

1- Saccañāṇa: Trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, điều trước tiên cần phải học về phần pháp-học của tứ Thánh-đế, đó là 4 trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế cho hiểu rõ các chi pháp của mỗi Thánh-đế như sau:

1.1- Trí-tuệ-học trong khổ Thánh-đế

Trí-tuệ-học trong khổ Thánh-đế đó là học về ngũ-uẩn chấp-thủ (pañcupadānakkhandha) nghĩa là ngũ-uẩn là đối-tượng của 4 pháp-chấp-thủ (tham-dục chấp-thủ, tà-kiến chấp-thủ, pháp-thường-hành chấp-thủ, ngã-kiến chấp-thủ).

Ngũ-uẩn chấp-thủ có 5 uẩn là:

1- Sắc-uẩn chấp-thủ đó là 28 sắc-pháp là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

2- Thọ-uẩn chấp-thủ đó là thọ tâm-sở đồng sinh với 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

3- Tưởng-uẩn chấp-thủ đó là tưởng tâm-sở đồng sinh với 81 tâm tam-giới là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

4- Hành-uẩn chấp-thủ đó là 50 tâm-sở (trừ ra thọ và tưởng tâm-sở) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

5- Thức-uẩn chấp-thủ đó là 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

* Mỗi tâm phát sinh chắc chắn có một số tâm-sở đồng sinh với tâm ấy, nên có 4 uẩn phát sinh:

– Tâm ấy thuộc về thức-uẩn.

– Thọ tâm-sở đồng sinh với tâm ấy thuộc về thọ-uẩn.

– Tưởng tâm-sở đồng sinh với tâm ấy thuộc về tưởng-uẩn.

– Số tâm-sở còn lại đồng sinh với tâm ấy thuộc về hành-uẩn.

– Và vatthurūpa là nơi sinh của tâm với tâm-sở ấy thuộc về sắc-uẩn.

* Đối với tất cả chúng-sinh trong 11 cõi dục-giới và chư phạm-thiên trú trong 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên) đều có đủ ngũ-uẩn.

* Đối với tất cả chư phạm-thiên trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên chỉ có 4 danh-uẩn mà thôi, không có sắc-uẩn.

* Đối với tất cả chư phạm-thiên trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên chỉ có 1 uẩn là sắc-uẩn mà thôi.

Ngũ-uẩn chấp-thủ:

– Sắc-uẩn chấp thủ thuộc về sắc-pháp.

– Thọ-uẩn chấp-thủ, tưởng-uẩn chấp-thủ, hành-uẩn chấp-thủ, thức-uẩn chấp-thủ thuộc về danh-pháp.

Như vậy, ngũ-uẩn chấp-thủ hoặc sắc-pháp danh-pháp trong tam-giới là khổ Thánh-đế mà bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ.

1.2- Trí-tuệ-học trong nhân sinh khổ Thánh-đế

Trí-tuệ-học trong nhân sinh khổ Thánh-đế đó là học về các loại tham-ái.

Tham-ái có 3 loại, 6 loại, 18 loại, 54 loại, 108 loại.

* Tham-ái có 3 loại là:

1- Kāmataṇhā: Dục-ái là tham-ái trong 6 đối-tượng: Sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái.

2- Bhavataṇhā: Hữu-ái là tham-ái trong 6 đối-tượng (sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái) hợp với thường-kiến và tham-ái trong thiền sắc-giới-tâm, thiền vô-sắc-giới-tâm, trong cõi trời sắc-giới phạm-thiên, cõi trời-vô-sắc-giới phạm-thiên.

3- Vibhavataṇhā: Phi-hữu-ái là tham-ái trong 6 đối-tượng (sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái) hợp với đọan-kiến.

* Tham-ái có 6 loại là:

– Rūpataṇhā: Sắc-ái là tham-ái trong đối-tượng sắc.

– Saddataṇhā: Thanh-ái là tham-ái trong đối-tượng thanh.

– Gandhataṇhā: Hương-ái là tham-ái trong đối-tượng hương.

– Rasataṇhā: Vị-ái là tham-ái trong đối-tượng vị.

– Phoṭṭhabbataṇhā: Xúc-ái là tham-ái trong đối-tượng xúc.

– Dhammataṇhā: Pháp-ái là tham-ái trong đối-tượng pháp.

* Tham-ái có 18 loại là 3 loại tham-ái nhân với 6 đối-tượng thành 18 loại tham-ái.

* Tham-ái có 54 loại là 18 loại tham-ái nhân với 3 thời:

– Thời quá-khứ có 18 loại tham-ái.

– Thời hiện-tại có 18 loại tham-ái.

– Thời vị-lai có 18 loại tham-ái.

Trong 3 thời gồm có 54 loại tham-ái.

* Tham-ái có 108 loại là 54 loại tham-ái nhân với 2 bên:

– Bên trong của mình có 54 loại tham-ái.

– Bên ngoài mình, của người khác, vật khác có 54 loại tham-ái.

Hai bên gồm có 108 loại tham-ái.

Các loại tham-ái đều thuộc về nhân sinh khổ Thánh-đế mà bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ.

1.3- Trí-tuệ-học trong diệt khổ Thánh-đế

Trí-tuệ-học trong diệt khổ Thánh-đế đó là học về các loại Niết-bàn.

* Niết-bàn có 2 loại:

1- Sa upādisesanibbāna: Hữu-dư Niết-bàn là Niết-bàn đối với chư bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, còn gọi là phiền-não Niết-bàn (kilesaparinibbāna), nhưng ngũ-uẩn vẫn còn tồn tại cho đến khi hết tuổi thọ.

2- Anupādisesanibbāna: Vô-dư Niết-bàn là Niết-bàn đối với chư bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót; đến lúc hết tuổi thọ, bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, còn gọi là ngũ-uẩn Niết-bàn (khandhaparinibbāna), giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Niết-bàn có 3 loại:

1-Animittanibbāna: Vô-hiện-tượng Niết-bàn là Niết-bàn đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp hoặc sắc-pháp, hiện rõ trạng-thái vô-thường (aniccalakkhaṇa) hơn trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, do năng lực của tín-pháp-chủ (sadhindriya) hơn 4 pháp-chủ còn lại (tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ). Hoặc do năng lực của giới (sīla), dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn. Niết-bàn ấy gọi là Animittanibbāna: Vô-hiện-tượng Niết-bàn, là Niết-bàn không có hiện tượng của các pháp-hữu-vi.

2- Appaṇihitanibbāna: Vô-ái-Niết-bàn là Niết-bàn đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp hoặc sắc-pháp, hiện rõ trạng-thái khổ (dukkha-lakkhaṇa) hơn trạng-thái vô-thường, trạng-thái vô-ngã, do năng lực của định-pháp-chủ (samādhindriya) hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ). Hoặc do năng lực của định (samādhi) dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn. Niết-bàn ấy gọi là Appaṇihitanibbāna: Vô-ái-Niết-bàn, là Niết-bàn không có tham-ái nương nhờ.

3- Suññatanibbāna: Chơn-không-Niết-bàn là Niết-bàn đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp hoặc sắc-pháp, hiện rõ trạng-thái vô-ngã (anattalakkhaṇa) hơn trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, do năng lực của tuệ-pháp-chủ (paññindriya) hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ). Hoặc do năng lực của tuệ (paññā), dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn. Niết-bàn ấy gọi là Suññatanibbāna: Chơn-không-Niết-bàn, là Niết-bàn hoàn toàn vô-ngã, không phải ta, không phải của ta.

Những Niết-bàn này đều thuộc về diệt khổ Thánh-đế mà bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ.

1.4- Trí-tuệ-học trong pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế

Trí-tuệ-học trong pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế đó là học về pháp-hành bát-chánh-đạo.

Bát-chánh-đạo có 8 chánh:

1- Sammādiṭṭhi: Chánh-kiến là trí-tuệ chân-chính, trí-tuệ thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.

2- Sammāsaṅkappa: Chánh-tư-duy là tư duy chân-chính, có 3 pháp:

– Tư duy thoát ra khỏi ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục).

– Tư duy không làm khổ mình, khổ người.

– Tư duy không làm hại mình, hại người.

3- Sammāvācā: Chánh-ngữ là lời nói chân-chính, có 4

– Không nói dối.

– Không nói lời chia rẽ.

– Không nói lời thô tục.

– Không nói lời vô ích.

4- Sammākammanta: Chánh-nghiệp là nghề nghiệp chân-chính, có 3 điều:

– Không sát sinh.

– Không trộm cắp.

– Không tà dâm.

5- Sammā ājīva: Chánh-mạng là nuôi mạng chân-chánh là tránh xa cách sống tà-mạng do thân hành ác-nghiệp, do khẩu nói ác-nghiệp.

6- Sammāvāyāma: Chánh-tinh-tấn là tinh-tấn chân chính, có 4 pháp:

– Tinh-tấn ngăn ác pháp chưa sinh, không cho sinh.

– Tinh-tấn diệt ác pháp đã phát sinh.

– Tinh-tấn làm cho thiện pháp chưa sinh, được phát sinh.

– Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.

7- Sammāsati: Chánh-niệm là niệm chân chính, có 4 pháp-hành tứ-niệm-xứ:

– Thân niệm-xứ: Thân là đối-tượng của chánh-niệm.

– Thọ niệm-xứ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm.

– Tâm niệm-xứ: Tâm là đối-tượng của chánh-niệm.

– Pháp niệm-xứ: Tháp là đối-tượng của chánh-niệm.

8- Sammāsamādhi: Chánh-định là định-tâm chân-chính trong 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm thuộc về siêu-tam-giới-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Bát-chánh-đạo đó là 8 loại tâm-sở:

– Chánh-kiến có chi pháp là trí-tuệ tâm-sở.

– Chánh-tư-duy có chi pháp là hướng-tâm tâm-sở.

– Chánh-ngữ có chi pháp là chánh-ngữ tâm-sở.

– Chánh-nghiệp có chi pháp là chánh-nghiệp tâm-sở.

– Chánh-mạng có chi pháp là chánh-mạng tâm-sở.

– Chánh-tinh-tấn có chi pháp là tinh-tấn tâm-sở.

– Chánh-niệm có chi pháp là niệm tâm-sở.

– Chánh-định có chi pháp là nhất-tâm tâm-sở.

8 loại tâm-sở này gọi là bát-chánh-đạo chỉ cùng đồng sinh với 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm mà thôi, bởi vì trong bát-chánh-đạo có 3 chế-ngự-tâm-sở (viraticetasika): Chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng thuộc về loại niyata ekatocetasika, 3 tâm-sở cố định chỉ cùng đồng sinh với 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới mà thôi.

Tuy nhiên chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng là 3 chế-ngự-tâm-sở thuộc về loại aniyatayogīcetasika: Bất-định-tâm-sở còn thuộc loại nānākadāci: Mỗi tâm-sở riêng rẽ đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, bởi vì mỗi tâm-sở này có mỗi đối tượng khác nhau.

Bát-chánh-đạo theo tam-giới và siêu-tam-giới

Bát-chánh-đạo có 8 chánh mà mỗi chánh có nhiều loại, phân biệt bát-chánh-đạo tam-giới và bát-chánh-đạo siêu-tam-giới như sau:

* Chánh-kiến (sammādiṭṭhi) là trí-tuệ chân chính thấy đúng, biết đúng, có 5 loại:

1- Kammassatā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến sở-nghiệp là trí-tuệ thấy đúng, biết đúng thiện-nghiệp và ác-nghiệp mà ta đã tạo rồi là thuộc của riêng ta, chỉ có ta là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp và chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy mà thôi.

2- Vipassanā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến thiền-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā) thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.

3-Magga sammādiṭṭhi: Chánh-kiến Thánh-đạo-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā) chứng đắc Thánh-đạo-tuệ có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

4- Phala sammādiṭṭhi: Chánh-kiến Thánh-quả-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā) chứng đắc Thánh-quả-tuệ có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

5- Paccavekkhaṇā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến quán-triệt là trí-tuệ quán-triệt Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn đã chứng ngộ, phiền-não nào đã bị diệt tận được và phiền-não nào chưa bị diệt tận được.

Trong 5 loại chánh-kiến này, chánh-kiến sở-nghiệp, chánh-kiến thiền-tuệ, và chánh-kiến quán-triệt thuộc về tam-giới.

Chánh-kiến Thánh-đạo-tuệ và chánh-kiến Thánh-quả-tuệ thuộc về siêu-tam-giới.

Chánh-kiến đó là tuệ-chủ tâm-sở (paññindriya-cetasika) đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ, 5 sắc-giới thiện-tâm, 5 sắc-giới duy-tác-tâm, 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, 4 vô-sắc-giới duy-tác-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi tuệ-chủ tâm-sở (trí-tuệ tâm-sở) đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-kiến thuộc về tam-giới.

– Nếu khi tuệ-chủ-tâm-sở (trí-tuệ tâm-sở) đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-kiến thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-tư-duy (sammāsaṅkappa) là tư-duy chân-chính, có 3 điều:

1- Tư-duy thoát ra khỏi ngũ-dục.

2- Tư-duy không làm khổ mình, khổ người.

3- Tư-duy không làm hại mình, hại người.

Chánh-tư-duy đó là hướng-tâm tâm-sở (vitakka-cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ nhất thiền sắc-giới duy-tác-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi hướng-tâm tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-tư-duy thuộc về tam-giới.

– Nếu khi hướng-tâm tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-tư-duy thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-ngữ (Sammāvācā) là lời nói chân-chính, có 3 loại:

1- Kathā sammāvācā: Chánh-ngữ lời-nói là lời nói hay, nói thật, lời nói chân-chính đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến cho người nghe.

2- Cetanā sammāvācā: Chánh-ngữ tác-ý là tác-ý thiện-tâm tránh xa 4 tà-ngữ:

– Tránh xa lời nói-dối, mà nói lời chơn-thật.

– Tránh xa lời nói chia-rẽ, mà nói lời hòa-hợp.

– Tránh xa lời thô-tục, mà nói lời dịu dàng dễ nghe.

– Tránh xa lời vô-ích, mà nói lời hữu-ích.

3- Virati sammāvācā: Chánh-ngữ chế-ngự, là chánh-ngữ tâm-sở tránh xa tà-ngữ, khi đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Trong 3 loại chánh-ngữ này, chánh-ngữ lời-nói và chánh-ngữ tác-ý thuộc về tam-giới.

Chánh-ngữ chế-ngự đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thuộc về siêu-tam-giới.

Chánh-ngữ đó là chánh-ngữ tâm-sở (sammāvācā-cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi chánh-ngữ tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-ngữ thuộc về tam-giới.

– Nếu khi chánh-ngữ tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-ngữ thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-nghiệp (sammākammanta) là nghề nghiệp chân-chính, có 3 loại:

1-Kiriyā sammākammanta: Chánh-nghiệp hành-động, là hành động đại-thiện-nghiệp đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến cho mọi người.

2- Cetanā sammākammanta: Chánh-nghiệp tác-ý là tác-ý thiện-tâm tránh xa tà-nghiệp:

– Tránh xa sự sát-sinh.

– Tránh xa sự trộm-cắp.

– Tránh xa sự tà-dâm.

3- Virati sammākammanta: Chánh-nghiệp chế-ngự, là chánh-nghiệp tâm-sở tránh xa tà-nghiệp, khi đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Trong 3 loại chánh-nghiệp này, chánh-nghiệp hành-động và chánh-nghiệp tác-ý thuộc về tam-giới.

– Chánh-nghiệp chế-ngự đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thuộc về siêu-tam-giới.

Chánh-nghiệp đó là chánh-nghiệp tâm-sở (sammā-kammantacetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi chánh-nghiệp tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-nghiệp thuộc về tam-giới.

– Nếu khi chánh-nghiệp tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-nghiệp thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-mạng (sammā ājīva) là nuôi mạng chân-chính, có 2 loại:

1- Viriya sammā ājīva: Chánh-mạng tinh-tấn, là tinh-tấn nuôi mạng chân-chính, từ bỏ cách sống tà-mạng do thân hành ác-nghiệp, khẩu nói ác-nghiệp.

2- Virati sammā ājīva: Chánh-mạng chế-ngự, là chánh-mạng tâm-sở tránh xa cách sống tà-mạng, khi đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Trong 2 loại chánh-mạng này, chánh-mạng tinh-tấn thuộc về tam-giới.

Chánh-mạng chế-ngự đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thuộc về siêu-tam-giới.

Chánh-mạng đó là chánh-mạng tâm-sở (sammā ājīva) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi chánh-mạng tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-mạng thuộc về tam-giới.

– Nếu khi chánh-mạng tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-mạng thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-tinh-tấn (sammāvāyāma) là tinh-tấn chân-chính, có 4 điều:

– Tinh-tấn ngăn ác pháp chưa sinh, không cho sinh.

– Tinh-tấn diệt ác pháp đã phát sinh.

– Tinh-tấn làm cho thiện pháp chưa sinh, được phát sinh.

– Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.

Chánh-tinh-tấn đó là tinh-tấn tâm-sở (viriyacetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 5 sắc-giới thiện-tâm, 5 sắc-giới duy-tác-tâm, 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, 4 vô-sắc-giới duy-tác-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi tinh-tấn tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-tinh-tấn thuộc về tam-giới.

– Nếu khi tinh-tấn tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-tinh-tấn thuộc về siêu-tam-giới. * Chánh-niệm (sammāsati) là niệm chân-chính trong 4 pháp-hành tứ-niệm-xứ:

– Thân niệm-xứ: Thân là đối-tượng của chánh-niệm.

– Thọ niệm-xứ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm.

– Tâm niệm-xứ: Tâm là đối-tượng của chánh-niệm.

– Pháp niệm-xứ: Pháp là đối-tượng của chánh-niệm.

Chánh-niệm đó là niệm-âm-sở (saticetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 5 sắc-giới thiện-tâm, 5 sắc-giới duy-tác-tâm, 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, 4 vô-sắc-giới duy-tác-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi niệm tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-niệm thuộc về tam-giới.

– Nếu khi niệm tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-niệm thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-định (sammāsamādhi) là định chân-chính trong 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Chánh-định đó là nhất-tâm tâm-sở (ekaggatācetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 5 sắc-giới thiện-tâm, 5 sắc-giới duy-tác-tâm, 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, 4 vô-sắc-giới duy-tác-tâm, 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm, 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-định thuộc về tam-giới.

– Nếu khi nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm thì chánh-định thuộc về siêu-tam-giới.

Đó là 4 trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế thuộc về pháp-học Phật-giáo (pariyattisāsana).

2- Kiccañāṇa: Trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế

Sau khi học hỏi, hiểu rõ trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế xong thuộc về phần pháp-học Phật-giáo, luân chuyển sang trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế thuộc về phần pháp-hành Phật-giáo.

Hành-giả bắt đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ là thực-hành theo trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế.

Trí-tuệ-hành phận sự trong mỗi Thánh-đế khác nhau như sau:

– Trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ Thánh-đế.

– Trí-tuệ-hành phận sự nên diệt nhân sinh khổ-Thánh-đế.

– Trí-tuệ-hành phận sự nên chứng-ngộ diệt khổ Thánh đế.

– Trí-tuệ-hành phận sự nên tiến-hành pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế.

2.1- Trí-tuệ-hành phận sự trong khổ Thánh-đế

Khổ Thánh-đế (dukkha ariyasacca) đó là ngũ-uẩn chấp-thủ hoặc sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới là pháp mà hành-giả có trí-tuệ-hành phận sự nên biết (pariññeyyaṃ) khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp ấy là khổ-đế (không phải nên diệt, nên chứng ngộ, nên tiến hành).

2.2-Trí-tuệ-hành phận sự trong nhân sinh khổ Thánh-đế

Nhân sinh khổ Thánh-đế (dukkhasamudaya ariya-sacca) đó là tham-ái, là pháp mà hành-giả có trí-tuệ-hành phận sự nên diệt (pahātabbaṃ) nhân sinh khổ Thánh-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới diệt từng thời tham-ái (không phải nên biết, nên chứng ngộ, nên tiến hành).

2.3- Trí-tuệ-hành phận sự trong diệt khổ Thánh-đế Diệt khổ Thánh-đế (dukkhanirodha ariyasacca) đó là Niết-bàn, là pháp mà hành-giả có trí-tuệ-hành phận sự nên chứng ngộ (sacchikātabbaṃ) diệt khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới chứng ngộ từng-thời Niết-bàn (không phải nên biết, nên diệt, nên tiến hành).

2.4- Trí-tuệ-hành phận sự trong pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế

Pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế (dukkhanirodha-gaminī paṭipadā ariyasacca) đó là pháp-hành bát-chánh-đạo, là pháp mà hành-giả có trí-tuệ-hành phận sự nên tiến hành (bhāvetabbaṃ) pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới đang tiến hành pháp-hành bát-chánh-đạo (không phải nên biết, nên diệt, nên chứng ngộ).

Trong 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế này, thì trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ Thánh-đế là chính, đóng vai trò quan trọng trong pháp-hành thiền-tuệ.

Thật vậy, – khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, nếu có trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ sắc-pháp hoặc danh-pháp là khổ-đế thì đó là trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ-đế.

– Khi trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ-đế ấy, thì tham-ái không thể nương nhờ nơi sắc-pháp ấy hoặc danh-pháp ấy mà phát sinh, nghĩa là diệt tham-ái, đó là trí-tuệ-hành phận sự nên diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) tham-ái, nhân sinh khổ-đế.

– Khi trí-tuệ-hành phận sự nên diệt từng-thời (tadaṅgappahāna) tham-ái, nhân-sinh khổ Thánh-đế, thì đó là trí-tuệ-hành phận sự nên chứng ngộ từng-thời (tadaṅganibbāna) Niết-bàn, diệt khổ-đế.

– Khi trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ-đế, trí-tuệ-hành phận sự nên diệt từng-thời tham-ái, nhân-sinh khổ Thánh-đế, trí-tuệ-hành phận sự nên chứng ngộ từng-thời Niết-bàn, diệt khổ Thánh-đế, đó là trí-tuệ-hành phận sự nên tiến hành pháp-hành dẫn đến diệt khổ-đế.

Như vậy, 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ đế này, thì trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ-đế là chính, đồng thời trí-tuệ-hành phận sự nên diệt từng-thời nhân sinh khổ-đế, trí-tuệ-hành phận sự nên chứng ngộ từng-thời diệt khổ-đế, trí-tuệ-hành phận sự nên tiến hành pháp-hành dẫn đến diệt-đế cũng thành tựu cùng một lúc không trước không sau.

Bốn trí-tuệ-hành phận sự trong tứ đế này thuộc về pháp-hành Phật-giáo (paṭipattisāsana).

3- Katañāṇa: Trí-tuệ-thành hoàn thành xong phận-sự trong tứ Thánh-đế

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi có 4 trí-tuệ-hành phận sự tứ đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới đã hoàn thành xong phận sự tứ đế, thì được luân chuyển đến 4 trí-tuệ-thành phận sự tứ Thánh-đế với trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đã hoàn thành xong phận sự tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

– Khi ấy, khổ Thánh-đế đó là sắc-pháp, danh-pháp tam-giới là pháp mà trí-tuệ-hành phận sự nên biết (pariññeyyaṃ) sắc-pháp danh-pháp tam-giới là khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới, rồi được luân chuyển đến trí-tuệ-thành phận sự đã biết xong (pariññātaṃ) khổ Thánh-đế với Thánh-đạo-tuệ thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

– Cũng đồng thời, nhân-sinh khổ Thánh-đế đó là tham-ái là pháp mà trí-tuệ-hành phận sự nên diệt (pahātabbaṃ) tham-ái, nhân sinh khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới, rồi được luân chuyển đến trí-tuệ-thành phận sự đã diệt xong (pahīnaṃ) nhân sinh khổ Thánh-đế với Thánh-đạo-tuệ thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

– Cũng đồng thời, diệt khổ Thánh-đế đó là Niết-bàn là pháp mà trí-tuệ-hành phận sự nên chứng ngộ (sacchikātabbaṃ) Niết-bàn từng-thời là diệt khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới, rồi được luân chuyển đến trí-tuệ-thành phận sự đã chứng ngộ xong (sacchikataṃ) Niết-bàn, diệt khổ Thánh-đế với Thánh-đạo-tuệ thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

– Cũng đồng thời, pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế đó là bát-chánh-đạo là pháp mà trí-tuệ-hành phận sự nên tiến hành (bhāvetabbaṃ) bát-chánh-đạo, pháp-hành dẫn đến diệt khổ-đế, với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới, rồi được luân chuyển đến trí-tuệ-thành phận sự đã tiến hành xong (bhāvitaṃ) pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế với Thánh-đạo-tuệ thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn siêu tam-giới, đã hoàn thành 4 phận sự là:

– Khổ Thánh-đế là pháp nên biết, thì đã biết xong.

– Nhân sinh khổ Thánh-đế là pháp nên diệt, thì đã diệt xong.

– Diệt khổ Thánh-đế là pháp nên chứng ngộ, thì đã chứng ngộ xong.

– Pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế là pháp nên tiến hành, thì đã tiến hành xong.

Trong 4 trí-tuệ-thành đã hoàn thành xong 4 phận sự trong tứ Thánh-đế, thì trí-tuệ-thành phận sự đã tiến hành xong pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến diệt khổ Thánh-đế là chính yếu, còn lại 3 trí-tuệ-thành phận sự trong mỗi Thánh-đế kia cũng đã hoàn thành xong mỗi phận sự đồng thời cùng một lúc không trước, không sau.

4 trí-tuệ-thành hoàn thành xong 4 phận sự trong tứ Thánh-đế thuộc về Pháp-thành Phật-giáo (paṭivedha-sāsana).

Trong Visuddhimagga có ví dụ rằng: Một đèn dầu thắp sáng trong đêm tối có 4 sự việc xảy ra cùng một lúc, không trước không sau:

– Ánh sáng tỏa ra.

– Bóng tối biến mất.

– Dầu hao dần.

– Tim cháy dần.

4 sự việc này xảy ra đồng thời cùng một lúc, không trước không sau.

Cũng như vậy, 4 trí-tuệ-hành phận sự, và 4 trí-tuệ-thành đã hoàn thành xong phận sự trong tứ Thánh-đế đồng thời, cùng một lúc, không trước không sau.

Quan hệ nhân quả của tam-tuệ-luân

Quan hệ từ quả đến nhân, từ nhân đến quả

4 trí-tuệ-thành trong tứ Thánh-đế chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, đó là kết quả của 4 trí-tuệ-hành phận sự đã hoàn thành xong trong tứ Thánh-đế.

4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế đã thực-hành đúng theo phận sự trong mỗi Thánh-đế, đó là kết quả của 4 trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế đã hiểu biết rõ mỗi chi pháp của mỗi Thánh-đế.

Như vậy, 4 trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế hiểu biết rõ các chi pháp của mỗi Thánh-đế làm nền tảng cơ bản, làm nhân phát sinh dẫn đến quả là 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế đúng theo phận sự của mỗi Thánh-đế.

4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế đã hoàn thành xong làm nhân phát sinh dẫn đến quả là 4 trí-tuệ-thành trong tứ Thánh-đế chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, phạm hạnh cao thượng đã hoàn thành xong, kiếp này là kiếp chót, không còn tái-sinh kiếp nào nữa, chắc chắn sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Vai trò 4 trí-tuệ-hành và 4 trí-tuệ-thành

Trong 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế ở giai đọan đầu, thì trí-tuệ-hành phận sự nên biết sắc-pháp, danh-pháp tam-giới là khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới, đóng vai trò chính yếu, còn 3 trí-tuệ-hành phận sự của mỗi Thánh-đế kia cũng được thành tựu đồng thời cùng một lúc, không trước không sau.

Trong 4 trí-tuệ-thành đã hoàn thành phận sự trong tứ Thánh-đế ở giai đọan cuối, thì trí-tuệ-thành đã hoàn thành xong phận sự đã tiến hành pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến diệt khổ Thánh-đế với 4 Thánh-đạo-tuệ thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới đóng vai trò chính yếu, còn 3 trí-tuệ-thành phận sự của mỗi Thánh-đế kia cũng được thành tựu đồng thời cùng một lúc, không trước không sau.

Bốn Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 3 loại tham-ái

1- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 2 loại tham-ái là vibhavataṇhā: Tham-ái hợp với đọan-kiến, và bhavataṇhā: Tham-ái hợp với thường-kiến, trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến (còn lại 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến, thì chưa diệt được).

2- Nhất-lai-Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại tham-ái là kāmataṇhā: Tham-ái trong 5 đối-tượng ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục) loại thô ở cõi dục-giới, trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến (còn 5 đối-tượng ngũ-dục loại vi-tế chưa diệt được).

3- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại tham-ái là kāmataṇhā: Tham-ái trong 5 đối-tượng ngũ-dục vi-tế ở cõi dục-giới, trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến (còn tham-ái trong các bậc thiền sắc-giới-tâm, các bậc thiền vô-sắc-giới-tâm, trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên, tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên thì chưa diệt được).

4- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại tham-ái là bhavataṇhā: Tham-ái trong các bậc thiền sắc-giới duy-tác-tâm, các bậc thiền vô-sắc-giới duy-tác-tâm, các tầng trời sắc-giới phạm-thiên, các tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến không còn dư sót.

Như vậy, bậc Thánh A-ra-hán có khả năng đặc biệt diệt tận được hoàn toàn mọi tham-ái không còn dư sót nữa.