Phần 1
GƯƠNG BẬC XUẤT GIA
(ANAGĀRIYŪDĀHARAṆA)
Bậc xuất gia tiếng Pāḷi gọi là anagāriya.
Anagāriya: người không nhà, bậc xuất gia.
Trong kinh thường dạy:
“Agārasmā anagāriyaṃ pabbajati”.
“Bỏ nhà xuất gia gọi là anagāriya: bậc xuất gia, người không nhà”.
Suy tư thế nào xuất gia trở thành Tỳ khưu?
Những người lắng nghe giáo pháp của Ðức Phật, phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, mong muốn thực hành theo phạm hạnh cao thượng, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Những người ấy, đều có chung một ý nghĩ:
“Ta làm thế nào để có thể thấu hiểu, thông suốt, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế mà Ðức Phật đã giáo huấn? Ðời sống tại gia có nhiều điều phiền não, không dễ gì thực hành phạm hạnh cao thượng cho được đầy đủ, trong sáng thanh tịnh”.
Hầu hết những bậc xuất gia trong Phật giáo, đều có chung một suy tư giống nhau như vậy.
Sau đây trích dẫn hai tích truyện xuất gia của Ðại Ðức Tỳ khưu Raṭṭhapāla và Ðại Ðức Tỳ khưu ni Sumedhā, để làm tấm gương tiêu biểu cho hàng Phật tử.
I-TÍCH ÐẠI ÐỨC RAṬṬHAPĀLA
Trong bài kinh Raṭṭhapāla lược dịch như sau:
Tôi là Ānanda được nghe như vầy:
Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn cùng với số đông chư Tỳ khưu Tăng du hành đến vùng Kuru, tỉnh Thullakoṭṭhita. Dân chúng tỉnh ấy gồm những người dòng Bà la môn, cư sĩ được nghe tin rằng: “Sa môn Gotama trước đây là Thái tử dòng dõi Sakya đã xuất gia; nay Ngài cùng với số đông chư Tỳ khưu Tăng du hành đến vùng Kuru, tỉnh Thullakoṭṭhita, tiếng tăm của Ngài vang lừng và mọi người ca tụng Sa môn Gotama:
– Là bậc Thánh A-ra-hán, xứng đáng lễ bái cúng dường (Arahaṃ).
– Là bậc Chánh Ðẳng Giác, tự mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế (Sammāsambuddha).
– Là bậc có đầy đủ Tam Minh, 15 Ðức Hạnh Cao Thượng (Vijjācaraṇasampanno).
– Là bậc Thiện Ngôn, thuyết giảng pháp chân thật, đem lại sự lợi ích cho chúng sinh (Sugato)
– Là bậc Thông Suốt Tam Giới, pháp hành thế giới, chúng sinh thế giới, cảnh giới thế giới (Lokavidū).
– Là bậc Vô Thượng tế độ chúng sinh có duyên lành (Anuttaro purisadammasāratthi).
– Là bậc Tôn Sư của chư thiên, Phạm thiên, nhân loại (Satthādevamanussānaṃ).
– Là Ðức Phật, tự mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, rồi giáo huấn cho chúng sinh cùng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế như Ngài (Buddho)
– Ðức Thế Tôn là danh hiệu cao thượng nhất trong toàn thể thế giới chúng sinh (Bhagavā)”.
Và họ cũng được nghe rằng:
– Ðức Thế Tôn đã tự Ngài chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế bằng trí tuệ siêu tam giới, rồi thuyết pháp tế độ chúng sinh: nhân loại, Vua chúa, Sa môn, Bà la môn, chư thiên, Phạm thiên cùng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế ấy.
– Ðức Thế Tôn thuyết pháp hoàn hảo phần đầu, hoàn hảo phần giữa, hoàn hảo phần cuối; đầy đủ về ý nghĩa, trong sáng về văn chương, truyền bá pháp học, pháp hành phạm hạnh cao thượng hoàn toàn thanh tịnh”.
– Thật lành thay! cho những ai được đến chiêm ngưỡng Ðức Thế Tôn, bậc Thánh A-ra-hán như vậy!
Khi ấy dân chúng trong tỉnh Thullakoṭṭhiya gồm những người dòng dõi Bà la môn, cư sĩ…, tất cả đều đến hầu Ðức Thế Tôn. Một số người đảnh lễ Ðức Thế Tôn; một số người vấn an Ðức Thế Tôn; một số người chắp tay lễ bái Ðức Thế Tôn; một số người tự giới thiệu tên, dòng dõi; một số người làm thinh; rồi tất cả đều ngồi một nơi hợp lẽ và lặng yên nghe Ðức Thế Tôn thuyết pháp.
CÔNG TỬ RAṬṬHAPĀLA XIN XUẤT GIA
Trong hội chúng ấy có công tử Raṭṭhapāla là người con duy nhất của một gia đình quý tộc, giàu sang phú quý trong tỉnh Thullakoṭṭhita.
Công tử Raṭṭhapāla suy tư rằng: “Ta làm thế nào để chứng ngộ được chánh pháp mà Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng? Sự thật đời sống tại gia cư sĩ có nhiều phiền não, không dễ dàng thực hành phạm hạnh cao thượng cho được hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng như vỏ ốc xà cừ đã đánh bóng. Ðiều tốt hơn hết, ta nên cạo râu tóc, mặc y cà sa màu lõi mít, bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu”.
Dân chúng tỉnh Thullakoṭṭhita gồm có những người dòng dõi Bà la môn, cư sĩ, được lắng nghe chánh pháp của Ðức Phật, hành theo chánh pháp, tất cả đều vô cùng hoan hỉ nơi lời giáo huấn của Ðức Thế Tôn, họ đảnh lễ Ngài rồi xin phép trở về nhà.
Sau khi dân chúng tỉnh Thullakoṭṭhita ra về hết, công tử Raṭṭhapāla đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Bạch với Ðức Thế Tôn rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, con suy tư rằng: “Con làm thế nào để chứng ngộ được chánh pháp mà Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng? Sự thật đời sống tại gia cư sĩ có nhiều phiền não, không dễ gì thực hành phạm hạnh cao thượng cho được hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng như vỏ ốc xà cừ đã đánh bóng. Ðiều tốt hơn hết, con nên cạo râu tóc, mặc y cà sa màu lõi mít, bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu”.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, con có ý nguyện muốn xuất gia trở thành Tỳ khưu nơi Ðức Thế Tôn. Kính xin Ðức Thế Tôn cho phép con được xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Ðức Thế Tôn bèn hỏi công tử Raṭṭhapāla rằng:
– Này Raṭṭhapāla, cha mẹ con đã cho phép con bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu hay chưa
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, cha mẹ của con chưa cho phép con bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu.
– Này Raṭṭhapāla, Như Lai không thể cho phép những người con xuất gia, mà cha mẹ chưa cho phép
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, như vậy, bằng mọi cách con sẽ xin cha mẹ cho phép con được xuất gia.
Sau đó, công tử Raṭṭhapāla cung kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi xin phép trở về nhà.
Công tử đến hầu cha mẹ và th
– Kính thưa cha mẹ, con suy tư rằng: “Làm thế nào để chứng ngộ được chánh pháp mà Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng? Sự thật đời sống tại gia cư sĩ có nhiều phiền não, không dễ gì thực hành phạm hạnh cao thượng cho được hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng như vỏ ốc xà cừ đã đánh bóng. Ðiều tốt hơn hết, con nên cạo râu tóc, mặc y cà sa màu lõi mít, bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu”.
Kính xin cha mẹ cho phép con được xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Cha mẹ công tử Raṭṭhapāla nghe con thưa như vậy, liền bảo rằng:
– Này Raṭṭhapāla con, con là đứa con duy nhất của cha mẹ, đứa con yêu quý, hài lòng, yêu thương nhất của cha mẹ. Con được nuôi dưỡng trong sự an lạc, con trưởng thành trong sự an lạc.
Này Raṭṭhapāla con yêu quý, con chưa từng biết khổ là thế nào, dầu con có chết, cha mẹ cũng không muốn xa lìa con, huống hồ con còn sống như thế này, làm sao cha mẹ lại có thể cho phép con bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu được!
Công tử Raṭṭhapāla cố khẩn khoản xin phép cha mẹ đến lần thứ ba rằng:
– Kính thưa cha mẹ, con suy tư rằng: “Làm thế nào để chứng ngộ được chánh pháp mà Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng?…”.
Kính xin cha mẹ cho phép con được xuất gia trở thành Tỳ khưu. Cha mẹ công tử cũng khuyên bảo đến lần thứ ba rằng:
– Này Raṭṭhapāla con, con là đứa con duy nhất của cha mẹ,… làm sao cha mẹ lại có thể cho phép con bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu được!
Công tử Raṭṭhapāla thất vọng biết rằng cha mẹ không cho phép mình bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu, nên lúc đó công tử phát nguyện: “Chính tại nơi đây, ta sẽ chết hoặc được phép xuất gia trở thành Tỳ khưu”, rồi nằm xuống nền nhà không cần đồ trải lót. Sau đó, công tử không chịu ăn uống gì liên tục từ ngày thứ nhất,… cho đến ngày thứ bảy.
Ngày nào cha mẹ của công tử cũng khuyên răn, năn nỉ rằng:
– Này Raṭṭhapāla con, con là đứa con duy nhất của cha mẹ, đứa con yêu quý, hài lòng, yêu thương nhất của cha mẹ. Con được nuôi dưỡng trong sự an lạc, con trưởng thành trong sự an lạc.
Này Raṭṭhapāla con yêu quý, con chưa từng biết khổ là thế nào, dầu con có chết, cha mẹ cũng không muốn xa lìa con, huống hồ con còn sống như thế này, làm sao cha mẹ lại có thể cho phép con bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu được!
Này Raṭṭhapāla con yêu quý, con hãy dậy, con nên ăn uống, con nên vui chơi, thọ hưởng sự an lạc trong ngũ trần, rồi con hoan hỉ làm phước bố thí….
Còn cha mẹ không thể nào cho phép con bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu được đâu!
Dầu cha mẹ công tử khuyên răn, năn nỉ thế nào đi nữa, công tử vẫn nằm yên làm thinh, không nói lời nào.
Cha mẹ của công tử khuyên răn, năn nỉ đến lần thứ ba như thế. Công tử Raṭṭhapāla vẫn nằm yên làm thinh, không nói lời nào.
Những bạn bè thân thiết của công tử Raṭṭhapāla đến thăm và thuyết phục công tử với lời lẽ tha thiết rằng:
– Này Raṭṭhapāla bạn thân mến, bạn là người con duy nhất của cha mẹ, người con yêu quý, hài lòng, yêu thương nhất của cha mẹ. Bạn được nuôi dưỡng trong sự an lạc, bạn trưởng thành trong sự an lạc.
Này Raṭṭhapāla bạn yêu quý, bạn chưa từng biết khổ là thế nào, dầu bạn có chết, cha mẹ của bạn cũng không muốn xa lìa bạn, huống hồ bạn còn sống như thế này, làm sao cha mẹ của bạn lại có thể cho phép bạn bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu được!
Này Raṭṭhapāla bạn thân mến, bạn hãy dậy, bạn nên ăn uống, bạn nên vui chơi, thọ hưởng sự an lạc trong ngũ trần, rồi bạn hoan hỉ làm phước bố thí…. Còn cha mẹ của bạn không thể nào cho phép bạn bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu được đâu!
Những người bạn thân của công tử Raṭṭhapāla thuyết phục, khẩn khoản 3 lần như thế, công tử vẫn nằm yên làm thinh, không nói lời nào.
Thấy vậy, họ bèn dẫn nhau đến gặp cha mẹ của công tử Raṭṭhapāla thưa:
– Kính thưa cha mẹ, công tử đã phát nguyện rằng: “Chính tại nơi đây, ta sẽ chết hoặc được phép xuất gia trở thành Tỳ khưu”.
Kính thưa cha mẹ, nếu cha mẹ không chịu cho phép công tử Raṭṭhapāla xuất gia, công tử sẽ chết. Nếu cha mẹ cho phép công tử Raṭṭhapāla xuất gia, thì công tử còn sống, cha mẹ còn nhìn thấy mặt. Công tử Raṭṭhapāla được phép xuất gia trở thành Tỳ khưu rồi, nếu công tử không thỏa thích, chán nản đời sống phạm hạnh của Tỳ khưu, xin hoàn tục trở về nhà; thì ngoài gia đình cha mẹ ra, công tử còn đi ở nơi nào nữa? Chắc chắn công tử sẽ trở về nhà của cha mẹ mà thôi!
Vậy, kính xin cha mẹ suy nghĩ lại mà nên cho phép công tử Raṭṭhapāla được xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Cha mẹ công tử Raṭṭhapāla nghe cũng phải, nên bằng lòng, rồi bảo nhóm bạn thân của Raṭṭhapāla:
– Này các con, bây giờ cha mẹ đồng ý cho phép Raṭṭhapāla xuất gia; nhưng sau khi trở thành Tỳ khưu rồi, bảo nó phải nên về thăm viếng cha mẹ.
Nghe cha mẹ công tử bảo vậy, những người bạn thân của công tử vui mừng đến báo tin rằng:
– Này Raṭṭhapāla bạn thân mến, cha mẹ của bạn đã cho phép bạn được bỏ nhà xuất gia, nhưng sau khi bạn đã xuất gia trở thành Tỳ khưu rồi, bạn phải nên về thăm viếng cha mẹ.
Bây giờ bạn hãy nên ngồi dậy, ăn uống để phục hồi sức khoẻ được rồi.
TỲ KHƯU RẠTṬPHAPĀLA TRỞ THÀNH BẬC THÁNH A-RA-HÁN
Khi hay tin mừng ấy, công tử Raṭṭhapāla biết mình đã đạt được ý nguyện, nên vô cùng hoan hỉ, ngồi dậy ăn uống để phục hồi sức khoẻ.
Một hôm, công tử Raṭṭhapāla vào lạy từ giả cha mẹ cùng thân bằng quyến thuộc, đi đến hầu Ðức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài xong, công tử ngồi một nơi hợp lẽ, rồi bạch với Ðức Thế Tôn rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, cha mẹ của con đã cho phép con được bỏ nhà xuất gia rồi.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, kính xin Ngài từ bi cho phép con được xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Lúc bấy giờ, Ðức Thế Tôn mới chấp thuận cho công tử Raṭṭhapāla thọ Sa di rồi thọ Tỳ khưu nơi Ngài. Qua thời gian không lâu, độ nửa tháng sau, vừa phải lúc du hoá, Ðức Thế Tôn cùng chúng Tỳ khưu Tăng, có Tỳ khưu Raṭṭhapāla, du hành đến kinh thành Sāvatthi và ngự tại chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇḍika gần kinh thành ấy.
Khi ấy, Ðại Ðức Raṭṭhapāla ở một mình nơi thanh vắng không dể duôi, tinh tấn không ngừng tiến hành thiền tuệ, bằng trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới, đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng, là mục đích tột cùng của phạm hạnh ngay kiếp hiện tại.
Ðại Ðức Raṭṭhapāla biết rõ rằng: “Mọi phận sự Tứ thánh đế đã hoàn thành, không còn phận sự nào khác nên hành nữa, phạm hạnh đã hoàn thành, kiếp này là kiếp chót, sau kiếp này không còn tái sanh kiếp nào nữa”.
Ðại Ðức Raṭṭhapāla trở thành một bậc Thánh Ara-hán trong số chư bậc Thánh A-ra-hán.
ÐẠI ÐỨC RAṬṬHAPĀLA XIN PHÉP VỀ THĂM CHA MẸ
Sau đó, Ðại Ðức Raṭṭhapāla đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ và bạch với Ðức Thế Tôn rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, kính xin Ðức Thế Tôn cho phép con được về thăm viếng cha mẹ của con.
Ðức Thế Tôn quán xét biết rõ Ðại Ðức Raṭṭhapāla đã chứng đắc A-ra-hán Thánh Quả rồi, thì không một ai có thể làm cho Ðại Ðức hoàn tục được nữa, nên Ngài truyền dạy rằng:
– Này Raṭṭhapāla, bây giờ hợp thời, đúng lúc, con nên về thăm cha mẹ của con.
Ðại Ðức Raṭṭhapāla đảnh lễ Ðức Thế Tôn, cung kính xin phép về chỗ ở, sắp xếp đồ đạc gọn gàng. Ngài mặc y, mang bát lên đường trở về tỉnh Thullakoṭṭhit. Khi đến nơi, Ngài đến nghĩ trong khu vườn Thượng uyển Migacīra của Ðức vua Korabya gần thành ấy.
Vào buổi sáng, Ðại Ðức Raṭṭhapāla mặc y, mang bát vào thành khất thực theo tuần tự từng nhà, rồi đến ngôi nhà cha mẹ của Ngài. Lúc ấy, thân phụ của Ngài đang ngồi bên cửa cho người thợ cắt tóc chải tóc, sửa râu. Thân phụ của Ngài nhìn thấy Ngài từ xa đi đến (nhưng không nhận ra được Ngài) ông quở trách:
– Nhóm Sa môn đầu trọc này, đã dụ dỗ đứa con yêu quý duy nhất của ta xuất gia rồi!
Khi ấy, Ðại Ðức Raṭṭhapāla đến đứng đợi trước nhà cha mẹ của Ngài, nhưng không ai bố thí thứ vật thực nào cả, thậm chí không có lời thỉnh mời đi sang nhà khác. Sự thật, chỉ được nghe lời trách móc mà thôi.
Ngay khi Ngài định bỏ đi, liền thấy cô tớ gái từ trong nhà bước ra tay bưng dĩa bánh cách đêm đã thiu, định đem đi đổ bỏ. Ngài bèn bảo cô tớ gái rằng:
– Này cô em gái, nếu định đổ bỏ bánh thiu ấy, xin cô hãy bỏ vào bát của bần đạo đây!
Nghe nói vậy, cô tớ gái đổ bánh thiu cách đêm vào bát, cô chợt nhận ra giọng nói quen thuộc và tay chân của Ðại Ðức Raṭṭhapāla, cô vội quay vào nhà báo tin cho thân mẫu của Ngài rằng:
– Thưa bà chủ, con xin báo tin cho bà biết, công tử Raṭṭhapāla đã trở về đến đây rồi!
Bà mẹ của Ðại Ðức Raṭṭhapāla bảo:
– Thật vậy sao! Này con, nếu đúng sự thật như vậy, ta sẽ ban ơn cho con, kể từ nay con được thoát khỏi phận tôi đòi.
Bà vội tìm ông phú hộ thưa:
– Thưa phu quân, xin báo cho ông biết Raṭṭhapāla, đứa con yêu quý của chúng ta đã về đến đây rồi!
Hai ông bà mừng rỡ vô cùng.
Khi Ðại Ðức Raṭṭhapāla đang ngồi nhờ dưới mái hiên nhà thọ thực bánh thiu, thì thân phụ của Ngài tìm đến gặp và nói với Ngài:
– Này Raṭṭhapāla, con yêu quý, sao con có thể dùng bánh thiu cách đêm như thế này được! Thật ra, con đã về đến nhà của mình rồi, không phải hay sao?
Ðại Ðức Raṭṭhapāla thưa với cha:
– Thưa thân phụ, bần đạo đã là người xuất gia, đâu còn có nhà nữa!
Thưa thân phụ, bậc xuất gia là bậc không có nhà (Anagāriya).
Thưa thân phụ, bần đạo đã đến trước nhà của thân phụ rồi, nhưng bần đạo không thọ nhận được một thứ vật thực nào cả, thậm chí không có một lời thỉnh mời đi sang nhà khác, chỉ được nghe lời trách móc mà thôi.
Thân phụ của Ngài nói:
– Này Raṭṭhapāla con yêu quý, con hãy cùng cha về nhà của mình.
– Thưa thân phụ, hôm nay bần đạo đã thọ thực đủ rồi.
– Này Raṭṭhapāla con yêu quý, như vậy, ngày mai cha mời con thọ nhận vật thực tại nhà mình.
Ðại Ðức Raṭṭhapāla làm thinh nhận lời.
Thân phụ Ðại Ðức Raṭṭhapāla biết Raṭṭhapāla con yêu quý của mình đã nhận lời thỉnh mời, nên ông yên tâm trở về.
Sau khi ông trở về nhà, ông sai gia nhân khuân vàng, bạc chất thành 2 đống cao giữa nhà, rồi lấy vải che đậy lại. Ông còn bảo những người con dâu là vợ cũ của Ðại Ðức Raṭṭhapāla rằng:
– Này các con dâu, các con hãy lại đây! Ngày trước chồng của các con thường ưa thích những món đồ nữ trang nào nhất, nay các con hãy trang điểm cho thật đẹp, thật quyến rũ các con nhé!
Ðêm đã trôi qua, thân phụ của Ðại Ðức Raṭṭhapāla cho người nấu nướng đồ ăn ngon lành xong, ông đến báo tin cho Ðại Ðức rằng:
– Này Raṭṭhapāla con yêu quý, đã đến giờ, xin mời con về nhà mình để thọ thực.
Sáng hôm ấy, Ðại Ðức Raṭṭhapāla mặc y, mang bát đi đến nhà thân phụ, thân mẫu của Ngài, ngồi trên chỗ đã trải sẵn.
Khi ấy, thân phụ của Ngài giở tấm vải che 2 đống vàng, bạc ra, bảo với Ðại Ðức Raṭṭhapāla:
– Này Raṭṭhapāla con yêu quý, đống vàng bạc này là của cải thừa kế từ bên mẹ của con, đống vàng bạc kia là của cải thừa kế từ bên cha của con, còn vàng bạc của cải khác từ ông nội, bà nội, ông cố, bà cố của con để lại, và còn bao nhiêu của cải khác nữa.
Raṭṭhapāla con yêu quý, con nên hoàn tục trở lại đời sống tại gia để thừa hưởng tất cả vàng bạc của cải mà ông bà, cha mẹ dành để cho riêng con, con sử dụng của cải ấy làm phước bố thí theo ý muốn của con.
Raṭṭhapāla con yêu quý, con nên hoàn tục, để thừa hưởng tất cả vàng bạc của cải này.
Ðại Ðức Raṭṭhapāla thưa với thân phụ rằng:
– Thưa thân phụ, nếu thân phụ có thể nghe lời khuyên của bần đạo, thì thân phụ nên khuân tất cả vàng bạc của cải này bỏ trên một chiếc xe, rồi chở đi ném xuống dòng sông Gaṅga. Tại sao làm như vậy? Bởi vì chính do vàng bạc của cải này là nguyên nhân làm cho thân phụ phải khổ tâm.
Khi ấy, tất cả những người vợ cũ của Ðại Ðức Raṭṭhapāla đều bước đến ôm chân Ngài thưa rằng:
– Thưa phu quân, do sự mong muốn các thiên nữ nào, mà phu quân thực hành phạm hạnh như thế này? Những thiên nữ ấy xinh đẹp như thế nào?
Ðại Ðức Raṭṭhapāla dạy bảo:
– Này các cô em gái, bần đạo hành phạm hạnh cao thượng này hoàn toàn không phải do mong muốn được thiên nữ nào cả!
Những người vợ cũ của Ngài nghe Ngài gọi “các cô em gái” (bhaginī) họ tối tăm, xây xẩm mặt mày, ngất xỉu nằm xuống nền nhà.
Ðại Ðức Raṭṭhapāla thưa với thân phụ:
– Thưa thân phụ, thân phụ muốn bố thí vật thực thì xin hãy bố thí cho bần đạo. Chớ nên dùng vàng bạc của cải, đàn bà, những thứ ấy, bây giờ đối với bần đạo chúng chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Thân phụ của Ðại Ðức Raṭṭhapāla bảo:
– Này Raṭṭhapāla con yêu quý, mọi vật thực ngon lành đã sẵn sàng, xin mời con thọ dụng.
Thân phụ của Ðại Ðức Raṭṭhapāla tự tay mình bố thí cúng dường những vật thực ngon lành đến cho Ngài.
Sau khi Ðại Ðức Raṭṭhapāla thọ thực xong rồi, Ngài đứng dậy thuyết bài kệ rằng:
“Hãy nhìn rõ sắc thân, có chín ung lở loét,
Chảy ra đồ hôi thối, thường bệnh hoạn ốm đau,
Vô thường không bền vững, phải chịu khổ triền miên.
Mà có người tưởng lầm, cho là thân xinh đẹp.
Hãy nhìn rõ sắc thân, da bọc lấy bộ xương,
Ðiểm trang đôi bông tai, có nạm ngọc ma-ni,
Với y phục lộng lẫy, thoạt nhìn tưởng là đẹp,
Ðôi chân nhuộm thuốc màu, mặt thoa hương dồi phấn,
Là chỉ để đánh lừa, kẻ si mê trần tục,
Không thể lừa bậc trí, mong chứng ngộ Niết Bàn.
Vành mắt tô vẽ màu, lông mày kẽ thật sắc,
Mái tóc uốn cong cong, thả dài trên vầng trán,
Là chỉ để đánh lừa, kẻ si mê trần tục,
Không thể lừa bậc trí, mong chứng ngộ Niết Bàn.
Thân hôi thối trang điểm, y phục che bên ngoài,
Vòng vàng trông lộng lẫy, mắt nhỏ thuốc long lanh,
Là chỉ để đánh lừa, kẻ si mê trần tục,
Không thể lừa bậc trí, mong chứng ngộ Niết Bàn.
Người thợ săn đặt bẫy, Nai chỉ dùng đồ ăn,
Rồi bỏ đi không dính, người thợ săn ngồi buồn,
Nhìn theo bóng hình Nai, than thở chẳng được chi.
Ðại Ðức Raṭṭhapāla thuyết bài kệ xong, liền bay lên hư không rồi đáp xuống vườn Thượng uyển Migacīra của Ðức vua Korabya rồi ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây.
Cũng ngày hôm ấy, Ðức vua Korabya truyền lệnh cho người giữ vườn Thượng uyển rằng:
– Này Migava, ngươi hãy dọn dẹp làm sạch sẽ vườn Migacīra, Trẫm sẽ đến du lãm nơi ấy.
– Thần xin tuân chỉ. – Migava tâu.
Migava, người giữ vườn Thượng uyển Migacīra, đang dọn dẹp sạch sẽ khu vườn, chợt nhìn thấy Ðại Ðức Raṭṭhapāla ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây, nên liền trở về hầu Ðức vua Korabya, tâu rằng:
– Tâu Hoàng Thượng, khu vườn Thượng uyển Migacīra, hạ thần đã làm sạch sẽ xong. Trong khu vườn ấy, hiện có Ðại Ðức Raṭṭhapāla, trước đây là một công tử thuộc dòng Bà la môn cao quý trong tỉnh Thullakoṭṭhita này, mà Hoàng thượng không ngớt nhắc đến. Bây giờ Ðại Ðức đang ngồi nghỉ trưa dưới cội cây trong vườn Thượng uyển của Hoàng thượng.
– Này Migava, vậy Trẫm không muốn đi du lãm vườn Thượng uyển, mà Trẫm muốn đến hầu thăm Ðại Ðức Raṭṭhapāla.
ÐỨC VUA ÐẾN THĂM ÐẠI ÐỨC RAṬṬHAPĀLA
Khi ấy, đức vua Korabya truyền lệnh sửa soạn vật thực ngon lành để dùng, trang hoàng những cỗ xe sang trọng, Ðức vua ngự trên cỗ xa giá lọng lẫy nhất đi ra khỏi thành Thullakoṭṭhita, với đoàn xe hộ tống đông đảo, biểu dương oai lực của bậc Ðế vương, đến hầu thăm Ðại Ðức Raṭṭhapāla. Xa giá đến gần chỗ nghỉ của Ðại Ðức, nhà Vua xuống xe, đi bộ đến chỗ Ngài đang nghỉ.
Ðức vua Korabya cùng với Ðại Ðức Raṭṭhapāla gặp nhau vô cùng hoan hỉ, ân cần thăm hỏi lẫn nhau. Ðức vua đứng một nơi hợp lẽ, bèn bạch với Ðại Ðức Raṭṭhapāla rằng:
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, kính thỉnh Ngài ngồi trên lưng voi cao quý này.
Ðại Ðức Raṭṭhapāla thưa rằng:
– Thưa Ðại vương, xin Ðại vương an tọa, còn bần đạo đang ngồi nơi này hợp lẽ rồi.
BỐN ÐIỀU SUY THOÁI
Ðức vua Korabya ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn, bèn bạch với Ðại Ðức Raṭṭhapāla rằng:
– Bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla kính mến! Trong đời này có 4 điều suy thoái. Có số người gặp phải những điều suy thoái ấy, nên cạo râu tóc, mặc y cà sa màu lõi mít, bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu. Bốn điều suy thoái ấy là:
– Suy thoái do tuổi già sức yếu.
– Suy thoái do bệnh hoạn, ốm đau.
– Suy thoái do của cải, tài sản khánh kiệt.
– Suy thoái do không còn họ hàng thân quyến.
1- Suy thoái do tuổi già sức yếu như thế nào?
– Bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla kính mến! Trong đời này, có một số người là người tuổi cao sức yếu, đã đến thời lão niên, giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, họ suy xét rằng: “Bây giờ ta đã là người tuổi cao, sức yếu, ta không dễ gì làm ra được của cải mà ta chưa có, hoặc của cải mà ta đã có rồi, thì cũng không dễ gì làm cho phát triển lên được. Vậy tốt hơn hết, ta nên xuất gia trở thành Tỳ khưu”. Bởi vì người ấy bị suy thoái do tuổi già sức yếu, nên mới xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, đó gọi là điều suy thoái do tuổi già sức yếu. Còn như Ngài bây giờ nhỏ tuổi, trẻ trung, tóc đen nhánh, đang thời thanh niên, sức khoẻ dồi dào. Ngài hoàn toàn chưa bị suy thoái do tuổi già sức yếu. Vậy, Ngài đã được thấy, được nghe, được biết sự lợi ích như thế nào, mà xuất gia trở thành Tỳ khưu như thế này?
2- Suy thoái do bệnh hoạn ốm đau như thế nào?
– Bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla kính mến! Trong đời này, có một số người thường bệnh hoạn hay ốm đau, họ suy xét rằng: “Bây giờ, ta là người thường bệnh hoạn ốm đau, ta không dễ gì làm ra được của cải mà ta chưa có, hoặc của cải mà ta đã có rồi thì cũng không dễ gì làm cho phát triển lên được. Vậy tốt hơn hết, ta nên xuất gia trở thành Tỳ khưu”. Bởi vì, người ấy suy thoái do thường bệnh hoạn ốm đau, nên mới xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, đó gọi là điều suy thoái do bệnh hoạn ốm đau. Còn như Ngài bây giờ không bệnh hoạn, ốm đau, có tứ đại rất điều hòa, không nóng không lạnh. Ngài hoàn toàn chưa bị suy thoái do bệnh hoạn ốm đau. Vậy, Ngài đã được thấy, được nghe, được biết sự lợi ích như thế nào, mà xuất gia trở thành Tỳ khưu như thế này?
3- Suy thoái do của cải tài sản khánh kiệt như thế nào?
– Bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla kính mến! Trong đời này, có một số người, trước kia là người giàu sang phú quý, có nhiều tài sản, của cải. Nhưng bây giờ, của cải tài sản đều khánh kiệt, họ suy xét rằng: “Trước kia, ta là người giàu sang phú quý, có nhiều tài sản của cải, nhưng bây giờ, của cải tài sản ấy nay đã dần dần khánh kiệt, ta không dễ gì làm ra được của cải mà ta chưa có, hoặc của cải mà ta đã có rồi thì cũng không dễ gì làm cho phát triển lên được. Vậy tốt hơn hết, ta nên xuất gia trở thành Tỳ khưu”. Bởi vì, người ấy suy thoái do của cải tài sản khánh kiệt, nên mới xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, đó gọi là điều suy thoái do của cải tài sản khánh kiệt. Còn như Ngài bây giờ là một công tử duy nhất của một gia đình giàu sang cao quý trong tỉnh Thullakoṭṭhita này. Ngài hoàn toàn chưa bị suy thoái do của cải tài sản bị khánh kiệt. Vậy, Ngài đã được thấy, được nghe, được biết sự lợi ích như thế nào, mà xuất gia trở thành Tỳ khưu như thế này?
4- Suy thoái do không còn họ hàng thân quyến như thế nào?
– Bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla kính mến! Trong đời này, có một số người, trước đây có nhiều bà con, thân bằng quyến thuộc đông đảo. Nhưng bây giờ, những người bà con thân bằng quyến thuộc của người ấy không còn ai nữa, họ suy xét rằng: “Trước đây, ta có nhiều bà con, thân bằng quyến thuộc đông đảo. Nhưng bây giờ, tất cả họ hàng thân quyến không còn ai nữa, ta không dễ gì làm ra được của cải mà ta chưa có, hoặc của cải mà ta đã có rồi thì cũng không dễ gì làm cho phát triển lên được. Vậy tốt hơn hết, ta nên xuất gia trở thành Tỳ khưu”. Bởi vì, người ấy suy thoái do không còn họ hàng thân quyến, nên mới xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, đó gọi là điều suy thoái do không còn họ hàng thân quyến. Còn như Ngài bây giờ có nhiều bà con, thân bằng quyến thuộc đông đảo trong tỉnh Thullakoṭṭhita này. Ngài hoàn toàn chưa bị suy thoái do không còn họ hàng thân quyến. Vậy, Ngài đã được thấy, được nghe, được biết sự lợi ích như thế nào, mà xuất gia trở thành Tỳ khưu như thế này?
– Bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, đó gọi là 4 điều suy thoái. Khi người nào gặp phải những điều suy thoái ấy thường có ý nghĩ, nên cạo râu tóc, mặc y cà sa màu lõi mít xuất gia trở thành Tỳ khưu. Trong 4 điều suy thoái này, đối với Ngài hoàn toàn chưa có một điều nào. Như vậy, Ngài đã được thấy, được nghe, được biết sự lợi ích như thế nào, mà Ngài xuất gia trở thành Tỳ khưu như thế này? Bạch Ngài.
BỐN PHÁP TÓM TẮT
Ðại Ðức Raṭṭhapāla đáp lời đức vua Korabya rằng:
– Thưa Ðại vương, Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác đã tự chính mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, là Ðức Phật đã thuyết giảng bốn pháp tóm tắt, mà bần đạo đã được nghe, được hiểu rõ bốn pháp tóm tắt ấy, nên mới bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Thưa Ðại vương, bốn pháp tóm tắt là:
1- Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ nhất rằng: “Sự già, sự chết dẫn dắt tất cả mọi người, vô thường, không bền vững”, mà bần đạo đã được nghe, được hiểu biết rõ pháp ấy, nên mới bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu.
2- Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ nhì rằng: “Tất cả mọi người, không có nơi nương nhờ, không có nơi ẩn náu”, mà bần đạo đã được nghe, được hiểu biết rõ pháp ấy, nên mới bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu.
3- Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ ba rằng: “Người đời không có gì là của ta, từ bỏ thân xác và tất cả của cải tài sản, tái sanh kiếp sau”, mà bần đạo đã được nghe, được hiểu biết rõ pháp ấy, nên mới bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu.
4- Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ tư rằng: “Mọi người có tâm tham muốn, không bao giờ biết đủ, luôn luôn cảm thấy thiếu thốn, đều làm nô lệ của tham ái”, mà bần đạo đã được nghe, được hiểu biết rõ pháp ấy, nên mới bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Ðức vua bạch rằng:
1- Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, Ngài dạy rằng: “Sự già, sự chết dẫn dắt tất cả mọi người, vô thường, không bền vững”. Về ý nghĩa lời dạy của Ngài, con muốn hiểu rõ bằng cách nào? Bạch Ngài.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương hiểu thế nào về điều này? Khi Ðại vương còn trẻ tuổi độ 20, 25, có tài thiện nghệ về voi, ngựa, xe; thiện nghệ về cung tên, đao kiếm. Có thân mình khoẻ mạnh, có đôi chân vững vàng, đôi tay rắn chắc, đã từng xông pha nơi trận địa có phải không?
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, khi con còn trẻ tuổi độ 20, 25, có tài thiện nghệ về voi, ngựa, xe; thiện nghệ về cung tên, đao kiếm. Có thân mình khoẻ mạnh, có đôi chân vững vàng, đôi tay rắn chắc, đã từng xông pha nơi trận địa. Ðôi khi con tưởng chừng như mình có thần thông, vì không có một ai có thể địch với con được!
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào về điều này? Bây giờ, Ðại vương còn có đôi chân vững vàng, đôi tay rắn chắc, có sức mạnh phi thường xông pha nơi trận địa như trước được không?
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, không thể nào như trước được. Bạch Ngài. Bây giờ con tuổi già sức yếu, đã quá thời, đến tuổi lão niên, ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, con đã 80 tuổi rồi, đôi khi con nghĩ bước chân đến chỗ này, bàn chân lại xê dịch sang chỗ khác, không sao tự chủ được.
– Thưa Ðại vương, Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ nhất rằng: “Sự già, sự chết dẫn dắt tất cả mọi người, vô thường, không bền vững”, mà bần đạo đã được nghe, được hiểu biết rõ pháp ấy, nên mới bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu.
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, thật phi thường!
Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, thật chưa từng nghe như vậy bao giờ!
Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ nhất rằng: “Sự già, sự chết dẫn dắt tất cả mọi người, vô thường, không bền vững”.
Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, sự thật đúng là “Sự già, sự chết dẫn dắt tất cả mọi người, vô thường, không bền vững”.
2- Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, trong hoàng cung có đoàn tượng binh, mã binh, bộ binh, quân xa mỗi khi có tai hoạ xảy ra, các loại binh chủng này bảo vệ cho con được an toàn. Thế mà Ngài thuyết dạy rằng: “Mọi người không có nơi nương nhờ, không có nơi ẩn náu”. Về ý nghĩa lời dạy của Ngài, con muốn hiểu rõ bằng cách nào? Bạch Ngài.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào về điều này? Ðại vương đã từng lâm bịnh nặng hay chưa?
– Kính bạch Ðại Ðức, có một lần con đã từng lâm bệnh nặng tưởng chừng như không thể thoát khỏi chết. Các Vương gia hoàng tộc, các quan cận thần đứng quanh con nghĩ rằng: “Ðức vua Korabya sẽ băng hà! Ðức vua Korabya sắp băng hà bây giờ!”.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào về điều này? Ðại vương cho truyền gọi Hoàng hậu, các Hoàng tử, Công chúa, các Vương gia, quan cận thần đến rồi truyền rằng: “Này các khanh hãy lại đây với Trẫm, các khanh là Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa, Vương gia, các quan cận thần… các khanh hãy chia xẻ bớt nỗi thọ khổ của Trẫm, tất cả các khanh chia xẻ, làm nhẹ nỗi khổ của Trẫm…”
Ðại vương truyền lệnh như vậy có được không? Hay chỉ có một mình Ðại vương thọ khổ mà thôi?
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, con không thể truyền lệnh: “Này các khanh hãy lại đây với Trẫm, các khanh là Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa, Vương gia, các quan cận thần… các khanh hãy chia xẻ bớt thọ khổ của Trẫm, tất cả các khanh chia xẻ, làm nhẹ nổi khổ của Trẫm…”. Sự thật, chỉ có một mình con thọ khổ mà thôi. Bạch Ngài!
– Thưa Ðại vương, Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ nhì rằng: “Mọi người không có nơi nương nhờ, không có nơi ẩn náu”, mà bần đạo đã được nghe, được hiểu biết rõ pháp ấy, nên mới bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu.
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, thật phi thường!
Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, thật chưa từng nghe như vậy bao giờ!
Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ nhì rằng: “Mọi người không có nơi nương nhờ, không có nơi ẩn náu”.
Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, sự thật đúng là “Mọi người không có nơi nương nhờ, không có nơi ẩn náu”.
3- Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, trong triều đình có nhiều vàng bạc, châu báu của cải, trên mặt đất cũng có, chìm trong lòng đất cũng có. Thế mà Ngài dạy rằng: “Mọi người không có gì là của ta, từ bỏ thân xác và tất cả của cải tài sản, tái sanh kiếp sau”. Về ý nghĩa lời dạy của Ngài con muốn hiểu rõ bằng cách nào? Bạch Ngài.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào về điều này? Kiếp hiện tại này, Ðại vương đã thọ hưởng đầy đủ ngũ trần như thế này; kiếp sau, Ðại vương cũng sẽ thọ hưởng đầy đủ ngũ trần như kiếp hiện tại này có thể được không? Hay những người khác sẽ kế ngôi thọ hưởng sự nghiệp đế vương này, còn Ðại vương sau khi băng hà sẽ tái sanh tùy theo nghiệp đã tạo, có phải không?
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, kiếp hiện tại, con đang thừa hưởng sự nghiệp đế vương sung túc đầy đủ ngũ trần như thế này; kiếp sau, con đâu còn có thể thừa hưởng sự nghiệp đế vương sung túc đầy đủ ngũ trần như kiếp hiện tại này được nữa. Sự thật, người khác sẽ kế ngôi, thọ hưởng di sản sự nghiệp đế vương này, còn con sau khi băng hà sẽ tái sanh kiếp sau tùy theo thiện nghiệp ác nghiệp, mà con đã tạo.
– Thưa Ðại vương, Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ ba rằng: “Người đời không có gì là của ta, từ bỏ thân xác và tất cả của cải tài sản, tái sanh kiếp sau”, mà bần đạo đã được nghe, được hiểu biết rõ pháp ấy, nên mới bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu.
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, thật phi thường!
Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, thật chưa từng nghe như vậy bao giờ!
Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ ba rằng: “Người đời không có gì là của ta, từ bỏ tất cả của cải tài sản, ra tái sanh kiếp sau”.
Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, sự thật đúng là “Người đời không có gì là của ta, từ bỏ tất cả của cải tài sản ra tái sanh kiếp sau”.
4- Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, Ngài dạy rằng: “Mọi người có tâm tham muốn, không bao giờ biết đủ, luôn luôn cảm thấy thiếu thốn, đều làm nô lệ của tham ái”. Về ý nghĩa lời dạy của Ngài con muốn hiểu rõ bằng cách nào? Bạch Ngài.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào về điều này? Ðại vương đang trị vì xứ Kuru phồn thịnh có phải không?
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, vâng, đúng như vậy, con đang trị vì xứ Kuru phồn thịnh. Bạch Ngài.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào về điều này? Một vị quan thân tín, có lời nói chân thật đáng tin cậy ở xứ Kuru này, đi từ phía Ðông đến yết kiến Ðại vương và tâu rằng: “Tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng anh minh, hạ thần từ hướng Ðông đến. Ở tại hướng ấy, hạ thần được thấy, được biết có một vùng đất rộng lớn, dân chúng hiền lành đông đúc, sự sống trong vùng ấy rất trù phú và phát triển, có nhiều lúa gạo, mỏ vàng, mỏ bạc đã và đang khai thác hoặc chưa khai thác, có đàn voi ngựa, bộ binh đã được luyện tập thành thục, do phụ nữ cai trị. Tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng chỉ cần đem một số ít quân đến đánh chiếm, chắc chắn sẽ chiến thắng dễ dàng”.
Khi nghe vị quan tâu như vậy, Ðại vương nghĩ sẽ làm gì về vùng đất phía Ðông ấy?
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, con sẽ đem quân đánh chiếm vùng đất phía Ðông ấy.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào về điều này? Một vị quan thân tín, có lời nói chân thật đáng tin cậy ở xứ Kuru này, đi từ phía Tây đến…, …đi từ phía Nam đến…, …đi từ phía Bắc đến yết kiến Ðức vua và tâu tương tự như trên rằng: “Tâu Hoàng thượng, xin Hoàng thượng sáng suốt, hạ thần từ hướng Tây…, hướng Nam…, hướng Bắc đến…. Tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng chỉ cần đem một số ít quân đến đánh chiếm, chắc chắn sẽ chiến thắng dễ dàng”.
Khi nghe các vị quan tâu như vậy, Ðại vương nghĩ sẽ làm gì về những vùng đất ấy?
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, con sẽ đem quân đánh chiếm những vùng đất ấy.
– Thưa Ðại vương, Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ tư rằng: “Mọi người có tâm tham muốn, không bao giờ biết đủ, luôn luôn cảm thấy thiếu thốn, đều làm nô lệ của tham ái”, mà bần đạo đã được nghe, được hiểu biết rõ pháp ấy, nên mới bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu.
– Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, thật phi thường!
Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, thật chưa từng nghe như vậy bao giờ!
Ðức Thế Tôn là Bậc A-ra-hán cao thượng nhất, là Bậc Chánh Ðẳng Giác, là Ðức Phật đã thuyết dạy điều thứ tư rằng: “Mọi người có tâm tham muốn, không bao giờ biết đủ, luôn luôn cảm thấy thiếu thốn, đều làm nô lệ của tham ái”.
Kính bạch Ðại Ðức Raṭṭhapāla, sự thật đúng là “Mọi người có tâm tham muốn, không bao giờ biết đủ, luôn luôn cảm thấy thiếu thốn, đều làm nô lệ của tham ái”.
Sau khi Ðại Ðức Raṭṭhapāla giảng giải 4 pháp tóm tắt xong, tiếp theo Ngài thuyết bài kệ rằng:
Thưa Ðại vương, bần đạo, nhìn thấy người giàu có,
Vì tâm tham ngăn cản, si mê không bố thí.
Tham muốn gom góp nhiều, của cải và châu báu.
Dục vọng trong ngũ trần, càng tham càng muốn nhiều.
Ðức vua dùng quyền lực, chiến thắng mọi kẻ thù,
Chiếm đất đến đại dương, để làm biên giới mình.
Ðất bên này đại dương, cai trị chưa biết đủ,
Còn tham muốn miền đất, ở bên kia đại dương,
Tâm tham của Ðức vua, như tâm tham mọi người.
Lòng tham muốn chưa thỏa, thì sự chết đến gần.
Dục vọng trong ngũ trần, chẳng bao giờ đủ cả!
Lòng khao khát càng nhiều, sự thiếu thốn càng sâu.
No đủ trong ngũ trần, đời này không thể có!
Ðành từ bỏ thân này, tái sanh qua kiếp khác.
Thân nhân đầu tóc xõa, khóc than người đã chết.
Ôi! người thân của tôi, đã chết thật rồi sao?
Thân nhân quấn người chết, bằng một tấm vải liệm,
Rồi đem ra khỏi nhà, đặt trên giàn hỏa thiêu.
Người chết từ bỏ hết, tất cả của cải mình,
Chỉ quấn theo tấm vải, rồi cũng cháy mất tiêu,
Trên giàn thiêu tử thi, bị đâm bằng cây sắt.
Tất cả những bà con, thân quyến cùng bạn bè,
Không phải nơi nương nhờ, của con người đã chết.
Khi những người thừa kế, đem chia hết tài sản,
Người chết chỉ đem theo, nghiệp của mình đã tạo.
Tất cả những tài sản, vợ con và xứ sở…,
Không có một thứ nào, trong đời theo người chết.
Của cải không ngăn được, tuổi già đến với mình
Của cải không đổi được, sự sống lâu của mình.
Bậc Thiện trí thường dạy, cho mọi người biết rằng:
Mạng sống người ngắn ngủi, vô thường, hay đổi thay.
Người giàu cùng kẻ nghèo, đều giáp mặt tử thần,
Bậc trí với kẻ ngu, đều chạm trán thần chết:
Bậc trí sắp lâm chung, tâm bình tĩnh sáng suốt,
Vì thấy sanh cảnh thiện, hưởng an lạc trọn đời.
Còn người ngu sắp chết, tâm ô nhiễm, kinh sợ,
Vì thấy sanh cõi ác, phải chịu khổ trọn kiếp.
Sự thật là như thế, nhận thức đúng đắn rằng:
Trí tuệ cao quý hơn, của cải ở trên đời.
Bằng trí tuệ thiền tuệ, có thể chứng đắc được,
A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả.
Phận sự Tứ thánh đế, được hoàn thành tất cả.
Mà những người si mê, không thể nào biết được,
Nên tạo nghiệp thiện – ác, phải chịu cảnh luân hồi,
Trong ba giới bốn loài, sanh làm kiếp lớn – nhỏ,
Khi tái sanh lòng mẹ, khi sanh cảnh giới khác.
Vòng tử sanh luân hồi, biết khi nào cùng tận.
Người không có trí tuệ, tin theo người không trí,
Phải luân hồi tử sanh, noãn – thai và thấp – hóa.
Chúng sinh tạo ác nghiệp, cho quả sanh cõi ác,
Chịu quả khổ ác nghiệp, do chính mình đã tạo.
Cũng như kẻ trộm cắp, có tang chứng rõ ràng,
Phải chịu những cực hình, do chính mình đã tạo.
Thưa Ðại vương, ngũ trần, muôn loại, muôn màu sắc,
Thật vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn thảy muôn loài,
Làm say mê chìm đắm, bằng rất nhiều hình thức,
Bần đạo đã thấy rõ, tội lỗi của ngũ trần,
Nên quyết tâm bỏ nhà, xuất gia thành Tỳ khưu.
Thưa Ðại vương! tất cả, trái cây dầu lớn – nhỏ,
Ðều có thể rơi rụng, cũng như vậy, mọi người,
Tuổi dầu còn ấu niên, thanh niên hoặc lão niên,
Cũng đều có thể chết. Bần đạo hiểu như vậy,
Nên quyết tâm bỏ nhà, xuất gia thành Tỳ khưu.
Xét thấy rõ phạm hạnh, Tỳ khưu là cao quý,
Chắc chắn sẽ giải thoát, khỏi mọi cảnh khổ não,
Vòng tử sanh luân hồi, trong ba giới bốn loài.
Sơ Lược Tích Tiền Thân Đại Đức Raṭṭhapāla
Trong bộ Chú giải Theragāthā, phần kệ của Ðại Ðức Raṭṭhapāla dạy rằng:
Trước thời kỳ Ðức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ðại Ðức Raṭṭhapāla sanh trong một gia đình giàu sang phú quý trong thành Haṃsavatī. Khi Ngài trưởng thành, cha mẹ của Ngài đã qua đời, Ngài trở thành người thừa kế tất mọi tài sản của cải lớn lao của dòng họ không sao kể được. Những người quản gia chỉ cho Ngài thấy những kho của cải, và thưa rằng:
– Ðây là phần của cải của tổ tiên để lại.
– Ðây là phần của cải của ông bà, cha mẹ để lại.
Ngài suy xét rằng: “Những tài sản của cải to lớn này từ nhiều đời để lại, không một ai đem theo được món nào. Ðến đời ta, ta nên sử dụng tất cả tài sản của cải này đem lại sự lợi ích, sự an lạc thật sự”.
Do đó, Ngài đem tất cả tài sản của cải bố thí đến những người nghèo khổ thiếu thốn, người khách qua đường… Ngài hộ độ một vị đạo sĩ chứng đắc thiền và thần thông. Suốt cuộc đời, Ngài làm mọi phước thiện cho đến hết tuổi thọ. Sau khi chết, do thiện nghiệp ấy cho quả, Ngài được tái sanh làm chư thiên cõi trời dục giới. Ngài thọ hưởng sự an lạc cõi trời cho đến hết tuổi thọ.
Vào thời kỳ Ðức Phật Padumuttara(1) xuất hiện trên thế gian, thời đại con người có tuổi thọ khoảng 100.000 năm. Ðức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh, giải thoát cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới. Thời ấy, tiền thân của Ngài Raṭṭhapāla từ cõi trời tái sanh làm công tử duy nhất, trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc giàu sang.
Khi trưởng thành, một hôm công tử cùng nhóm cận sự nam, cận sự nữ đến chùa nghe Ðức Phật Padumuttara thuyết pháp, công tử phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng. Lúc ấy, Ðức Phật Padumuttara tuyên dương một vị Tỳ khưu có phẩm hạnh cao quý nhất trong hàng Thanh văn đệ tử về đức hạnh xuất gia bằng đức tin trong sạch nơi Tam bảo. Công tử nhìn thấy vị Tỳ khưu ấy liền phát sanh đức tin trong sạch, có ước nguyện sẽ trở thành vị Tỳ khưu xuất gia bằng đức tin trong sạch, như vị Tỳ khưu ấy.
Do ước nguyện ấy, công tử kính thỉnh Ðức Phật Padumuttara cùng 100 ngàn chư Tỳ khưu Tăng làm phước đại thí suốt 7 ngày. Ðến ngày thứ 7, công tử làm đại lễ cúng dường đến Ðức Phật Padumuttara cùng 100 ngàn chư Tỳ khưu Tăng, và phát nguyện muốn trở thành địa vị Tỳ khưu cao quý nhất trong hàng Thanh văn đệ tử của Ðức Phật trong vị lai, về đức hạnh xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng đức tin trong sạch nơi Tam bảo, như vị Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh văn đệ tử của Ðức Phật Padumuttara.
Ðức Phật Padumuttara dùng Phật nhãn thấy rõ, biết rõ ước nguyện của người cận sự nam ấy không có gì trở ngại, nên đã thọ ký rằng:
– Trong vị lai, người cận sự nam này sẽ đạt được địa vị Tỳ khưu cao quý nhất trong hàng Thanh văn đệ tử của Ðức Phật Gotama, về đức hạnh xuất gia trở thành Tỳ khưu bằng đức tin trong sạch nơi Tam bảo.
Khi công tử nghe Ðức Phật Padumuttara thọ ký như vậy, vô cùng hoan hỉ, đảnh lễ Ðức Phật Padumuttara cùng chư Tỳ khưu Tăng, rồi từ đó tinh tấn kiên trì tạo mọi thiện pháp cho đến hết tuổi thọ.
Do phước thiện ấy, Ngài tái sanh làm người và làm chư thiên cõi trời dục giới, (không hề sa vào 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) mãi cho đến kiếp trái đất thứ 92 trong quá khứ, cách kiếp trái đất hiện tại, mà chúng ta đang sống này.
Vào thời kỳ Ðức Phật Phussa xuất hiện trên thế gian, thời đại con người có tuổi thọ khoảng 90.000 năm, tiền thân Ngài Ðại Ðức Raṭṭhapāla là một cận sự nam có đức tinh trong sạch nơi Tam bảo, lo hộ độ Ðức Phật cùng chư Tỳ khưu cho đến trọn đời. Do phước thiện ấy, Ngài chỉ có tái sanh nơi cõi thiện giới, không hề sa vào 4 cõi ác giới.
Ðến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân Ngài sanh trưởng trong gia đình phú hộ tại tỉnh Thullakoṭṭhita thuộc xứ Kuru. Ngài mang tên của dòng họ là Raṭṭhapāla. Công tử Raṭṭhapāla là đứa con duy nhất, được sanh ra và trưởng thành trong cảnh giàu sang phú quý, đời sống của công tử hưởng mọi sự an lạc trong đời.
Một thuở nọ, Ðức Phật cùng số đông chư Tỳ khưu Tăng du hành đến xứ Kuru, công tử Raṭṭhapāla nghe Ðức Phật thuyết pháp phát sanh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, quyết chí xuất gia trở thành Tỳ khưu. Ban đầu, song thân từ chối không cho phép công tử xuất gia, nhưng về sau thấy thái độ cương quyết của con mình, và nghe theo lời khuyên của những người bạn công tử, nên song thân ưng thuận cho phép.
Công tử Raṭṭhapāla được xuất gia trở thành Tỳ khưu nơi Ðức Thế Tôn, không lâu sau, Tỳ khưu Raṭṭhapāla tinh tấn tiến hành thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng cùng với Tứ tuệ phân tích và Lục thông, trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama.
Một hôm, chư Tỳ khưu Tăng hội họp, Ðức Thế Tôn tuyên dương địa vị của Ðại Ðức Raṭṭhapāla rằng:
– Etadaggaṃ bhikkhave mama Sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ saddhā pabbajitānaṃ yadidaṃ Raṭṭhapāla.
“Này chư Tỳ khưu, trong hàng Tỳ khưu Thanh văn đệ tử của Như Lai, Raṭṭhapāla là Tỳ khưu cao quý nhất về đức hạnh xuất gia bằng đức tin trong sạch nơi Tam bảo”.
Phần Raṭṭhapālattheragāthā
Kệ Ðại Ðức Raṭṭhapāla có đoạn Ngài dạy rằng:
Thưa Ðại vương thân mến,
Trái cây chín hoặc non, đều có thể rơi rụng.
Cũng như vậy, chúng sinh, già trẻ cũng đều chết.
Bần đạo thấy trạng thái, vô thường của ngũ uẩn.
Nên bỏ nhà xuất gia, để trở thành Tỳ khưu,
Trong giáo pháp Ðức Phật, Go-ta-ma cao thượng,
Bằng đức tin trong sạch, nơi Tam bảo cao thượng.
Xuất gia thành Tỳ khưu, quả thật không vô ích,
Bần đạo đã chứng đắc, 4 Thánh Ðạo – Thánh Quả,
Và Niết Bàn cao thượng, đã diệt đoạn tuyệt được,
Mọi tham ái, vô minh, cùng phiền não ác pháp.
Bần đạo thọ vật thực, không mang nợ thí chủ.
Bần đạo đã thấy rõ, vật dục và phiền não,
Là hầm than hồng cháy, thiêu đốt người đắm say.
Thấy rõ tội ngũ trần, vui ít, khổ thì nhiều.
Thấy rõ những bạc vàng, là vũ khí nguy hiểm!
Thấy rõ khổ tái sanh, bắt đầu mọi cảnh khổ.
Thấy rõ họa kinh khủng, trong những cảnh địa ngục.
Bần đạo từ bỏ nhà, xuất gia thành Tỳ khưu,
Ðến hầu Ðức Thế Tôn, lắng tâm nghe chánh pháp,
Bỗng phát sanh động tâm, nhớ khi còn tại gia,
Bị những mũi tên độc, tham sân si đâm thủng.
Bây giờ, bần đạo là, bậc Thánh A-ra-hán.
Diệt đoạn tuyệt tham ái, là nhân dẫn tái sanh,
Diệt tất cả phiền não, cùng với mọi ác pháp.
Và ngũ uẩn chấp thủ, gánh nặng đã buông bỏ.
Bần đạo đã trở thành, bậc Thánh A-ra-hán,
Do nương nhờ Ðức Phật, Ðức Pháp cùng Ðức Tăng.
Tiền Thân Của Đại Đức Raṭṭhapāla
Trong Bộ Therāpadāna, phần Raṭṭhapālatherāpādāna, Ðại Ðức Raṭṭhapāla cho biết về những tiền thân của Ngài đã từng tạo phước thiện có đoạn dạy rằng:
“Bần đạo, người nài voi, đã dâng voi chúa quý,
Có đôi ngà lớn đẹp, trang hoàng bằng lọng trắng,
Ðến Ðức Phật, Thế Tôn, Pa-du-mut-ta-ra,
Cao thượng nhất chúng sinh, trong ba giới bốn loài.
Bần đạo xuất số tiền, 54.000 ka-hā-pa-ṇa,
Xây cất ngôi chùa lớn, gồm có nhiều cốc nhỏ,
Cùng bốn thứ vật dụng, đầy đủ và cao quý,
Cúng dường đến Ðức Phật, Pa-du-mut-ta-ra,
Cùng chư Tỳ khưu Tăng, đủ một trăm ngàn vị.
Ðức Phật thuyết Niết Bàn, pháp bất sanh bất tử.
Làm cả thảy đại chúng, đều vô cùng hoan hỉ.
Giữa chư Tăng Ðức Phật, Pa-du-mut-ta-ra,
Tuyên bố lời thọ ký, đến bần đạo như vầy:
“Người thí chủ này đây, đã thành tâm xuất ra,
Số tiền năm mươi bốn ngàn ka-hā-pa-ṇa,
Xây cất một ngôi chùa, gồm nhiều cốc lớn nhỏ,
Như Lai tuyên bố rằng: quả báu của người này,
Sẽ tái sanh cõi trời, trong lâu đài tráng lệ,
Thành tựu bằng vàng ròng, sáng rực khắp một vùng.
Làm vua ở cõi trời, suốt tròn 50 kiếp.
Tái sanh ở cõi người, làm Chuyển luân thánh vương
Suốt tròn 58 kiếp, hưởng an lạc cao quý.
Từ kiếp trái đất này, đến trăm ngàn kiếp nữa,
Có Phật Go-ta-ma, xuất hiện trên thế gian.
Chính người thí chủ này, từ cõi trời hạ sanh,
Vào dòng Bà la môn, giàu sang phú quý nhất,
Thành Thul-la-koṭ-ṭhi-ta, tên Raṭ-ṭha-pā-la,
Do phước thiện làm duyên, nên được nghe chánh pháp,
Của Phật Go-ta-ma, sanh đức tin trong sạch.
Nên quyết chí bỏ nhà, xuất gia thành Tỳ khưu.
Tỳ khưu Raṭ-ṭha-pā-la, luôn chuyên cần tinh tấn,
Thích ở nơi thanh vắng, để tiến hành thiền tuệ,
Ðể chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả A-ra-hán.
Diệt đoạn tuyệt tất cả, tham ái và phiền não,
Sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt sanh tử khổ”.
* Ðại Ðức Raṭṭhapāla thuật lại rằng:
Bần đạo đã quyết chí, từ bỏ nhà xuất gia,
Ðể trở thành Tỳ khưu, hành phạm hạnh cao thượng.
Bỏ tất cả của cải, mà không hề luyến tiếc.
Như nhổ bãi nước miếng, thật dễ dàng như vậy.
Bần đạo thường tinh tấn, chuyên tiến hành thiền tuệ,
Chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, Niết Bàn,
Diệt đoạn tuyệt tất cả, tham ái và phiền não.
Ðã chứng đắc Tam minh, Tuệ phân tích, Lục thông.
Bần đạo đã hoàn thành, phận sự bậc Sa môn.
Hoàn thành lời giáo huấn, tối thượng của Ðức Phật.
Bần đạo biết rõ rằng, kiếp nấy là kiếp chót.
Khi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt khổ tái sanh,
Trong ba giới bốn loài, thật an lạc tuyệt đối.
Ngài Ðại Ðức Raṭṭhapāla, là một bậc Thánh A-rahán xuất sắc nhất về đức hạnh xuất gia bằng đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đó là quả của thiện nghiệp mà Ngài đã tạo từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại.
Những tiền thân của Ngài từ sự tư duy đúng đắn về cuộc đời con người, Ngài đã sử dụng của cải đem ra làm phước bố thí, có duyên lành gặp Ðức Phật Padumuttara, được nhìn thấy vị Thánh A-ra-hán xuất sắc nhất về đức hạnh xuất gia bằng đức tin trong sạch nơi Tam bảo, trong giáo pháp Ðức Phật Padumuttara, nên mới ước nguyện trở thành vị Thánh A-ra-hán như vị Thánh ấy trong thời vị lai. Ngài thỉnh Ðức Phật cùng trăm ngàn chư Ðại Ðức Tăng làm phước cúng dường suốt bảy ngày rồi phát nguyện ra bằng lời, được Ðức Phật Padumuttara thọ ký trong vị lai chắc chắn sẽ thành tựu điều ước nguyện ấy.
Cuộc đời của Ngài có mục đích cứu cánh cuối cùng, cho nên kiếp nào Ngài cũng cố gắng bồi bổ pháp hạnh ba la mật cho đầy đủ chỉ vì mục đích cao cả ấy; đến kiếp hiện tại, Ngài hạ sanh trong gia đình giàu sang phú quý, hưởng mọi sự an lạc ngũ trần, song Ngài vẫn bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu, chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán xuất sắc nhất về đức hạnh xuất gia bằng đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có địa vị cao cả đúng như lời thọ ký của Ðức Phật Padumuttara trong quá khứ.
Sự tích cuộc đời Ngài là gương mẫu cho các hàng Phật tử chúng ta học tập noi theo.