Quyển 5 - Phước Thiện (tái bản)

Tác-ý trong phước-thiện bố-thí (cetanādāna) – 1. Năng lực của pubbacetanā

By Nền Tảng Phật Giáo

May 06, 2020

Tác-ý trong phước-thiện bố-thí (cetanādāna)

Phước-thiện bố-thí có được phước-thiện vô lượng, có được quả báu vô lượng do cetanā trong 3 thời-kỳ: pubbacetanā, muñcacetanā, aparacetanā.

1- Pubbacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan-hỷ trước khi tạo phước-thiện bố-thí ấy có thời gian lâu hoặc mau tùy theo thí-chủ và công việc chuẩn bị trước khi tạo phước-thiện bố-thí ấy.

2- Muñcacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan-hỷ khi đang tạo phước-thiện bố-thí ấy (thời gian hiện-tại khi đang tạo phước-thiện bố-thí ấy).

3- Aparacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan-hỷ sau khi đã tạo phước-thiện bố-thí ấy (thời gian sau khi đã làm xong phước-thiện bố-thí ấy không có hạn định).

Trong 3 thời-kỳ này, thời-kỳ aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan-hỷ sau khi đã tạo phước-thiện bố-thí ấy xong rồi, thời gian không hạn định sau nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, mỗi khi nếu thí-chủ niệm tưởng đến phước-thiện bố-thí ấy, phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ thì phước-thiện bố-thí ấy lại càng tăng trưởng.

Cho nên, trong 40 đề-mục thiền-định, có đề-mục cāgānussati: đề-mục thiền-định niệm-niệm phước-thiện bố-thí của mình.

Đức-Phật dạy về cetanā rằng:

“Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā”.(1)

– Này chư tỳ-khưu! Sau khi đã có tác-ý rồi mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

Vì vậy, Như-lai dạy rằng: “tác-ý gọi là nghiệp”.

Cetanā: Tác-ý đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) là 1 tâm-sở (cetasika) (trong 52 loại tâm-sở) đồng sinh với tất cả mọi tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm.

Cetanācetasika: tác-ý tâm-sở gọi là kamma: nghiệp chỉ khi đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) và 21 hoặc 37 thiện-tâm như sau:

* Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) gọi là bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp).

* Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm gọi là dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp).

* Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm gọi là sắc-giới thiện-nghiệp.

* Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là vô-sắc-giới thiện-nghiệp.

* Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm gọi là 4 hoặc 20 siêu-tam-giới thiện-nghiệp.

Nếu cetanācetasika: tác-ý tâm-sở khi đồng sinh với 36 hoặc 52 quả-tâm(1) và 20 duy-tác-tâm(2) thì không gọi là nghiệp.

Nếu khi cetanācetasika: tác-ý tâm-sở gọi là kamma: nghiệp thì cetanācetasika: tác-ý tâm-sở này có tính chất rất đặc biệt, bởi vì mỗi đại-thiện-nghiệp, mỗi ác-nghiệp có cơ hội cho quả trong kiếp hiện-tại (kiếp thứ nhất), có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau kế-tiếp (kiếp thứ nhì) và có cơ hội cho quả từ kiếp thứ ba cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. Khi ấy, tất cả mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp được lưu-trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm sinh rồi diệt của mỗi chúng-sinh, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp, từ kiếp này sang kiếp kia, trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma), không còn có cơ hội cho quả được nữa.

Vì vậy, cetanācetasika: tác-ý tâm-sở gọi là kamma: nghiệp có tính chất rất đặc biệt so sánh với các cetasika: tâm-sở và các citta: tâm khác, bởi vì các cetasika: tâm-sở và các citta: tâm khác sinh rồi diệt thời hiện-tại, không còn liên quan đến thời vị-lai.

Trong quyển Phước-Thiện này chỉ đề cập đến cetanā đó là cetanācetasika: tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm (8 đại-thiện-tâm) gọi là dục-giới thiện-nghiệp hoặc đại-thiện-nghiệp mà thôi.

Năng lực của cetanādāna trong 3 thời-kỳ

Phước-thiện bố-thí được thành-tựu đều trải qua 3 thời-kỳ tác-ý: pubbacetanā, muñcacetanā, aparacetanā, mà mỗi thời-kỳ tác-ý có năng lực cho quả khác nhau như sau:

1- Năng lực của pubbacetanā

Pubbacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trước khi tạo phước-thiện bố-thí.

* Thí-chủ có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan-hỷ trước khi tạo phước-thiện bố-thí ấy đến người thọ-thí thì, khi đại-thiện-nghiệp ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả tốt trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong lòng mẹ, và tiếp theo cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, có 8 đại-quả-tâm và 8 thiện-quả vô-nhân-tâm trong thời ấu-niên, tùy theo năng lực quả của đại-thiện-nghiệp ấy.

* Nếu thí-chủ có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm không hoan-hỷ trước khi tạo phước-thiện bố-thí ấy đến người thọ-thí, dù có ác-tâm xen lẫn mà vẫn tạo phước-thiện bố-thí ấy đến người thọ-thí, thì khi đại-thiện-nghiệp ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong lòng mẹ, và tiếp theo cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, có 8 đại-quả-tâm và thiện-quả vô-nhân-tâm và bất-thiện quả vô-nhân-tâm trong thời ấu-niên, tùy theo năng lực quả của đại-thiện-nghiệp ấy và quả của ác-nghiệp ấy.

Ví dụ: Tích Pañcapāpī (1) được tóm lược như sau:

Cô Pañcapāpī là con gái của một gia đình nghèo khổ nhà ở gần cửa phía Đông trong kinh-thành Bārāṇasī.

Sở dĩ người ta gọi cô là Pañcapāpī (Pañca+pāpī: Pañca là 5, pāpī là bộ phận xấu), bởi vì thân hình của cô có 5 bộ phận xấu là tay, chân, miệng, mắt, lỗ mũi.

Do nguyên nhân nào thân hình của cô có 5 bộ phận xấu như vậy?

Tiền-kiếp của cô là con gái của gia đình nghèo khổ, chuyên nhồi đất cho nhuyễn để bán cho người ta trát vách nhà.

Một hôm, Đức-Phật Độc-Giác cần đất nhuyễn để trát vách chỗ ở của Ngài, nên Ngài mặc y, mang bát ngự vào cửa thành phía Đông kinh-thành Bārāṇasī, đến đứng trước nhà cô gái đang ngồi nhồi đất.

Nhìn thấy Đức-Phật Độc-Giác đứng trước nhà, cô gái phát sinh sân-tâm bực mình nói rằng:

“Mattikampi bhikkhati!”

– Đất mà Sa-môn này cũng đi xin!

Cô phát sinh sân-tâm nói với giọng bực mình như vậy. Đó là thời-kỳ pubbacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm (ác-tâm) trước khi tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đất nhuyễn rất đặc biệt đến Đức-Phật Độc-Giác.

Phước-thiện bố-thí đất nhuyễn đặc biệt

* Nhìn thấy Đức-Phật Độc-Giác vẫn đứng tự nhiên, nên cô phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật Độc-Giác, rồi bạch rằng:

– Kính bạch Ngài Sa-môn, Ngài muốn được đất nhuyễn phải không? Kính thỉnh Ngài đợi con một lát.

Bạch xong, cô hoan-hỷ nhồi đất thật nhuyễn rất đặc biệt, rồi cô phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch cung-kính tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đất nhuyễn rất đặc biệt ấy đến Đức-Phật Độc-Giác.

* Đó là thời-kỳ muñcacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trong sạch hoan-hỷ khi đang tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đất nhuyễn rất đặc biệt ấy đến Đức-Phật Độc-Giác.

Đức-Phật Độc-Giác nhận đất thật nhuyễn rất đặc biệt đem về trát vách chỗ ở của Đức-Phật.

* Sau khi đã tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đất nhuyễn rất đặc biệt ấy đến Đức-Phật Độc-Giác, cô phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch vô cùng hoan-hỷ phước-thiện bố-thí cúng-dường đất nhuyễn rất đặc biệt ấy đến Đức-Phật Độc-Giác.

* Đó là thời-kỳ aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trong sạch hoan-hỷ sau khi đã tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đất nhuyễn rất đặc biệt ấy đến Đức-Phật Độc-Giác.

Sự diễn tiến qua 3 thời-kỳ tác-ý trong đại-thiện-tâm.

Kiếp sau cô gái nghèo

Về sau, sau khi cô gái nghèo ấy chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí đất nhuyễn ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có

đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh đầu thai vào lòng người đàn bà nghèo, nhà ở gần cửa thành Bārāṇasī.

Khi trẻ sơ sinh ra đời, thân hình của đứa bé gái có 5 bộ phận xấu xí là tay, chân, miệng, mắt, lỗ mũi, nên người ta gọi cô là Pañcapāpī (có 5 bộ phận xấu).

Đó là quả ác-nghiệp sân-tâm bực mình với tác-ý tâm-sở đồng sinh với sân-tâm trong tiền-kiếp của cô trước khi tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đất nhuyễn đặc biệt đến Đức-Phật Độc Giác.

Khi cô trưởng thành, hễ ai tiếp xúc, đụng đến thân thể của cô, đều có cảm giác như tiếp xúc với đối-tượng xúc của cõi trời, (như tiếp xúc với thân thể của vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới) có cảm giác sung sướng say mê chưa từng có.

Đó là quả tốt của đại-thiện-nghiệp hoan-hỷ bố-thí cúng dường đất thật nhuyễn đặc biệt đến Đức-Phật Độc-Giác trong tiền-kiếp của cô.

Thật vậy, một đêm nọ Đức-vua Bārāṇasī tên là Baka giả dạng dân thường ngự đi xem xét sinh hoạt dân chúng trong kinh-thành, khi Đức-vua Baka đến chỗ cô Pañcapāpī đang chơi trò bịt mắt bắt nhau với các cô bạn gái trong xóm, vì không biết Đức-vua Baka, nên cô đưa tay bắt nhầm tay của Đức-vua.

Khi bàn tay của của cô Pañcapāpī tiếp xúc với bàn tay của Đức-vua Baka, Đức-vua có cảm giác say mê không còn biết mình, như tiếp xúc với đối-tượng xúc trên cõi trời, phát sinh tâm tham-ái say mê trong đối tượng xúc ấy.

Đức-vua Baka đưa tay nắm lấy tay của cô Pañcapāpī truyền hỏi rằng:

– Này cô em! Cô là con gái của ai? Đã có chồng hay chưa?

Nghe Đức-vua truyền hỏi như vậy, cô thưa rằng:

– Thưa ông, tôi là con gái của cha mẹ nhà nghèo ở gần cửa thành, chưa có chồng.

Đức-vua truyền bảo rằng:

– Này cô! Ta sẽ là người chồng của cô. Vậy, cô nên trở về xin phép cha mẹ.

Cô Pañcapāpī trở về thưa với cha mẹ rằng:

– Kính thưa cha mẹ, có một người đàn ông muốn lấy con làm vợ.

Nghe cô Pañcapāpī thưa như vậy, cha mẹ của cô nghĩ rằng: “Người đàn ông ấy chắc không phải là người nghèo khổ” nên bảo rằng:

– Này con! Nếu người đàn ông ấy muốn lấy con làm vợ thì may mắn cho đời con biết dường nào!

Cô Pañcapāpī trở lại báo cho Đức-vua Baka biết rằng: “Cha mẹ của cô đã cho phép rồi”.

Ngay đêm hôm ấy, Đức-vua Baka sống chung với cô Pañcapāpī tại nhà cô, đến cuối canh chót đêm mới ngự trở về cung điện.

Từ đó về sau, mỗi đêm Đức-vua Baka thường giả dạng dân thường ngự đến gặp cô Pañcapāpī, không còn quan tâm đến Chánh-cung Hoàng-hậu, các hoàng-hậu và các thứ-phi khác trong cung điện nữa.

Về sau, Đức-vua Baka bày ra mưu kế để rước cô Pañcapāpī vào cung điện, rồi tấn phong cô Pañcapāpī lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Baka trong kinh-thành Bārāṇasī.

Cha mẹ của cô Pañcapāpī được Đức-vua ban cho nhiều của cải, nên cuộc sống được đầy đủ hạnh phúc an-lạc.

Từ đó, Đức-vua Baka chỉ say mê đắm đuối với Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī mà thôi, bỏ bê việc triều chính, các quan tỏ ra thái độ bất bình.

Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī nằm mộng

Một đêm nọ, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī nằm mộng, qua giấc mộng ấy thấy mình sẽ là Chánh-cung Hoàng-hậu của 2 Đức-vua. Bà tâu giấc mộng lên Đức-vua Baka.

Đức-vua Baka truyền lệnh cho mời các vị thầy Bà-la-môn đoán mộng vào chầu, Đức-vua kể lại giấc mộng của Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī.

Các vị thầy Bà-la-môn bị các quan mua chuộc, nên đoán theo ý của các quan rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, Chánh-cung Hoàng-hậu nằm mộng thấy ngồi trên cổ con bạch tượng. Đó là điều báo trước sự băng hà đến Đại-vương.

– Muôn tâu Đại-vương, Chánh-cung Hoàng-hậu nằm mộng thấy ngồi trên cổ con bạch tượng, rồi sờ tay lên mặt trăng vuốt ve chơi. Đó là điều báo trước sẽ đem Đức-vua là kẻ thù đến với Đại-vương.

Thuyền chở Chánh-cung Hoàng-hậu thả trôi sông

Nghe vị thầy Bà-la-môn đoán mộng như vậy, nên Đức-vua Baka truyền hỏi rằng:

– Này các ngươi! Nếu như vậy thì Trẫm phải làm thế nào? Xin các ngươi tâu cho Trẫm rõ.

Các vị thầy Bà-la-môn tâu với Đức-vua Baka nên đưa Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī xuống chiếc thuyền, rồi thả trôi theo dòng nước.

Nghe theo lời tâu của vị thầy Bà-la-môn, Đức-vua Baka chuẩn tấu, đưa Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī xuống chiếc thuyền có đầy đủ các món vật thực, nước uống, các đồ trang sức quý giá của Bà.

Đến ban đêm, Đức-vua Baka truyền lệnh thả chiếc thuyền trôi xuôi theo dòng nước trên con sông lớn.

Chiếc thuyền chở Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī trôi đến chỗ bến nước nơi Đức-vua Bāvarika đang ngự trên thuyền đi chơi trên sông. Nhìn thấy chiếc thuyền lạ từ xa trôi đến, Đức-vua Bāvarika truyền bảo rằng:

“Người trên thuyền thuộc về của Trẫm.”

Chiếc thuyền vừa đến gần, nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī, Đức-vua Bāvarika truyền hỏi rằng:

– Này cô tên gì? Sao thân hình xấu xí đáng ghê vậy!

Nghe Đức-vua truyền hỏi như vậy, Cô Pañcapāpī vui cười, rồi tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-Thượng, tiện nữ là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Baka ở tại kinh-thành Bārāṇasī, tên là Pañcapāpī.

Cô Pañcapāpī tâu trình mọi sự việc xảy ra, Đức-vua Bāvarika biết Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī nổi tiếng khắp cõi Nam-thiện-bộ-châu, nên Đức-vua Bāvarika đưa tay nắm tay của cô Pañcapāpī đưa lên chiếc thuyền rồng, vừa tiếp xúc bàn tay của cô  Pañcapāpī, Đức-vua phát sinh tâm tham-ái say mê đối-tượng xúc trong thân cô như đối-tượng xúc trên cõi trời, chưa từng có nơi người nữ nào như vậy.

Đức-vua Bāvarika đưa cô về cung điện, làm lễ tấn phong cô Pañcapāpī lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu.

Từ đó, Đức-vua Bāvarika chỉ say mê Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī mà thôi, không còn quan tâm đến Chánh-cung Hoàng-hậu, các hoàng-hậu, các thứ-phi nào khác nữa.

Cô Pañcapāpī là Chánh-cung Hoàng-hậu 2 Đức-vua

Hay tin Đức-vua Bāvarika tấn phong cô Pañcapāpī lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu, nên Đức-vua Baka nổi cơn ghen tức nghĩ rằng:

“Ta không thể chịu để Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī của ta trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Bāvarika được!”

Đức-vua Baka kinh-thành Bārāṇasī thân chinh dẫn đầu các đoàn binh tiến quân đến đóng quân bên bờ sông, rồi gửi tối hậu thư đến Đức-vua Bāvarika rằng:

“Đức-vua Bāvarika hãy trả Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī lại cho bổn-vương hoặc chiến tranh.”

Đức-vua Bāvarika phúc đáp rằng:

“Bổn-vương chấp nhận chiến tranh, chứ không bao giờ chịu giao Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī.”

Như vậy, cuộc chiến tranh sẽ xảy ra giữa Đức-vua Bāvarika với Đức-vua Baka. Khi ấy, các vị quan của 2 nước hội họp, để bàn thảo với nhau rằng:

“Nếu có cuộc chiến xảy ra thì ắt gây chết chóc đau khổ, chỉ vì nguyên nhân một người đàn bà. Đó là điều không hợp lý chút nào cả.

Vậy, cô Pañcapāpī nên thuộc về của Đức-vua Baka, vì Đức-vua Baka đã từng là Đức-phu-quân của cô. Và cô Pañcapāpī cũng nên thuộc về của Đức-vua Bāvarika, vì Đức-vua Bāvarika được cô từ trên chiếc thuyền trôi dạt đến địa phận của Đức-vua Bāvarika.

Cho nên, cô Pañcapāpī nên trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của cả 2 Đức-vua là Đức-vua Baka và Đức-vua Bāvarika.” Sau khi bàn thảo xong, mỗi nhóm quan trở về tâu trình lên Đức-vua của mình, hai Đức-vua cũng đều chuẩn tấu như vậy.

Mỗi Đức-vua đều xây dựng một cung điện tại 2 bên bờ sông, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcapāpī sống chung với Đức-vua Bāvarika 7 ngày xong, rồi lên chiếc thuyền rồng sang sống chung với Đức-vua Baka.

Cứ như vậy, mỗi Đức-vua sống chung với Chánh- cung Hoàng-hậu Pañcapāpī 7 ngày.

Cho nên cô Pañcapāpī trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của 2 Đức-vua.

* Tích Kusajātaka(1) được tóm lược những điểm chính như sau:

Trong tích Kusajātaka này Đức-Bồ-tát Kusa là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, là Đức-vua ngự tại kinh-thành Kusāvatī trị vì đất nước Malla. Đức-vua Bồ-tát Kusa có oai lực phi thường, có giọng nói như sư tử rống, nhưng có thân hình và gương mặt rất xấu xí đáng ghê sợ.

(Đó là quả xấu của ác-nghiệp trước khi tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Độc-Giác.)

Đức-Bồ-tát Kusa là Thái-tử của Đức-vua Okkāka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī. Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa còn có Hoàng-đệ là Jayampati.

Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa trưởng thành, năm 16 tuổi, Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu muốn truyền ngôi báu cho Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa lên ngôi làm vua, ngự tại kinh-thành Kusāvatī, trị vì đất nước Malla. Nhưng Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa không muốn lên ngôi vua, bởi vì nghĩ rằng:

“Ta có thân hình và gương mặt xấu xí đáng ghê sợ như thế này, các công chúa chê cười ta thì đáng xấu hổ lắm. Vì vậy, ta không muốn ngôi vua, và không muốn thành hôn với công-chúa nào, mà ta muốn sống như vậy, để phụng dưỡng Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu cho đến khi hai Người băng hà, ta sẽ từ bỏ cung điện, ngự đi vào rừng núi Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ sống trong rừng núi ấy.”

Tượng hình công-chúa xinh đẹp bằng vàng ròng

Dù đã nhiều lần Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa khước từ lời tha thiết khẩn khoản của Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu, nhưng vẫn không được, nên Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa bày ra kế tự mình khắc một tượng hình một công-chúa xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ bằng vàng ròng. Nếu có được công-chúa xinh đẹp giống như vậy thì mới chịu lên ngôi vua và làm lễ thành hôn với công-chúa ấy.

Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī truyền lệnh các quan làm sứ giả chở tượng hình ấy trên xe đi tìm khắp các nước trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, nếu có công-chúa của Đức-vua nào xinh đẹp như tượng hình này thì dâng tượng hình bằng vàng ròng này đến Đức-vua ấy gọi là đồ sính lễ đám hỏi.

Công-chúa Pabhāvatī xinh đẹp tuyệt trần

Đức-vua Madda ngự tại kinh-thành Sāgala trị vì đất nước Madda, Đức-vua có 8 cô công-chúa, mà cô công-chúa trưởng tên Pabhāvatī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, đặc biệt có ánh sáng tỏa ra từ thân hình như ánh sáng mặt trăng mát dịu suốt ngày đêm xung quanh rộng 4 cùi tay, nên ban đêm trong phòng không cần dùng đèn mà vẫn sáng như ban ngày (Đó là quả báu của phước-thiện bố-thí cúng dường bơ lỏng trong sạch đến Đức-Phật Độc-Giác).

Các quan sứ giả của Đức-vua Okkāka đến kinh-thành Sāgala nghe tin Đức-vua Madda có công-chúa trưởng tên Pabhāvatī rất xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, nên xin phép vào chầu đảnh lễ Đức-vua Madda, tâu rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, Đức-vua Okkāka của chúng thần ngự tại kinh-thành Kusāvatī, trị vì đất nước Malla, có ý định truyền ngôi báu cho Thái-tử Kusa có oai lực phi thường, có giọng nói như sư tử rống, nên gửi chúng thần đến chầu Đại-vương, xin Đại-vương ban công-chúa Pabhāvatī cho Thái-tử Kusa, để làm Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Kusa.

– Muôn tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương nhận tượng hình công-chúa bằng vàng ròng cùng các phẩm vật quý báu này.

Nghe các sứ giả tâu như vậy, Đức-vua Madda vô cùng hoan-hỷ thọ nhận lễ vật ấy, bởi vì, công-chúa của Đức-vua sẽ trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua trong một đất nước lớn có nhiều thế lực trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này.

Sau đó, các sứ giả đảnh lễ Đức-vua Madda, rồi xin phép bái biệt, vội trở về kinh-thành Kusāvatī.

Khi về đến kinh-thành Kusāvatī, các quan đến chầu Đức-vua Okkāka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī tâu trình rõ mọi điều.

Đức-vua Okkāka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī vô cùng hoan-hỷ ban thưởng các quan, rồi truyền lệnh làm lễ đón rước Công-chúa Pabhāvatī.

Đức-vua Okkāka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī ngồi trên voi báu dẫn đầu đoàn tùy tùng hộ giá đông đảo, ngự ra khỏi kinh-thành Kusāvatī lên đường đi đến kinh-thành Sāgala.

Đức-vua Madda ngự cùng các quan ra tận bên ngoài kinh-thành để đón rước Đức-vua Okkāka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī cùng đoàn hộ giá ngự vào kinh-thành Sāgala, thỉnh mời đoàn vào cung điện tiếp đãi rất long trọng.

Đức-vua Okkāka và Đức-vua Madda rất hài lòng mối giao hảo giữa hai nước với nhau.

Qua 2-3 ngày sau, Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī tâu với Đức-vua Madda rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, xin Đại-vương cho phép bổn thiếp gặp công-chúa Pabhāvatī.

Đức-vua Madda đáp rằng:

– Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, tốt lắm!

Đức-vua Madda truyền bảo các quan mời công-chúa Pabhāvatī ra mắt Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī.

Công-chúa Pabhāvatī trang điểm các thứ nữ trang quý giá vô cùng lộng lẫy ngự ra cùng với đàn thị nữ theo hầu đến cung-kính đảnh lễ dưới hai bàn chân của Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī, Mẫu-hậu tương lai.

Nhìn thấy công-chúa Pabhāvatī xinh đẹp tuyệt trần như vị thiên nữ, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī nghĩ rằng:

“Công-chúa Pabhāvatī có sắc đẹp tuyệt trần đến như thế này, còn Thái-tử Kusa của ta có thân hình và gương mặt xấu xí đáng ghê sợ đến như thế kia.

Nếu công-chúa nhìn thấy Thái-tử Kusa của ta thì chắc chắn phát sinh tâm kinh sợ, dù trong chốc lát cũng không thể sống chung với nhau được, chắc chắn công-chúa Pabhāvatī sẽ bỏ Thái-tử trở lại kinh-thành Sāgala ngay khi ấy. Ta nên bày ra diệu kế vậy!”

Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī truyền thỉnh Đức-vua Madda đến, Bà tâu rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, công-chúa Pabhāvatī xinh đẹp tuyệt trần thật là xứng đáng với Thái-tử Kusa của bổn Thiếp. Trong hoàng gia của bổn Thiếp vừa đặt ra một điều lệ, nếu công-chúa thực-hành theo điều lệ ấy được thì bổn Thiếp xin đón rước công-chúa ngự trở về kinh-thành Kusāvatī.

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī tâu như vậy, Đức-vua Madda truyền hỏi rằng:

– Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, trong hoàng gia của Bà có điều lệ như thế nào?

Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī tâu rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, trong hoàng gia của bổn Thiếp có một điều lệ là “Chánh-cung Hoàng-hậu không gặp mặt Đức-vua lúc ban ngày cho đến khi mang thai mới gặp được”.

Nếu công-chúa Pabhāvatī thực-hành theo điều lệ ấy được thì bổn Thiếp xin đón rước công-chúa về kinh-thành Kusāvatī. Trong ngày đại lễ đăng quang Thái-tử Kusa lên ngôi Vua, đồng thời làm lễ tấn phong công-chúa Pabhāvatī lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Kusa.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua Madda truyền hỏi Công-chúa Pabhāvatī rằng:

– Này con yêu quý! Con có thể thực-hành theo điều lệ ấy được hay không?

Công chúa Pabhāvatī tâu rằng:

– Muôn tâu Đức-Phụ-vương, con có thể thực-hành theo điều lệ ấy được.

Khi ấy, Đức-vua Okkāka làm lễ ban nhiều phẩm vật quý báu của hoàng gia đến Đức-vua Madda, rồi Đức-vua Okkāka làm lễ đón rước Công-chúa Pabhāvatī, ngự trở về kinh-thành Kusāvatī. Đức-vua Madda cùng đoàn tùy tùng đông đảo theo tiễn đưa công-chúa Pabhāvatī một đoạn đường xa.

Công-chúa Pabhāvatī trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Bồ-Tát Kusa

Khi ngự trở về đến kinh-thành Kusāvatī, Đức-vua Okkāka truyền lệnh trang hoàng kinh-thành thật lộng lẫy, rồi tổ chức đại lễ đăng quang cho Thái-tử Kusa lên ngôi vua, và tấn phong công-chúa Pabhāvatī lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Kusa (Lời phát nguyện của tiền-kiếp Đức-vua Bồ-tát Kusa được thành tựu như ý).

Đức Thái-Thượng-hoàng Okkāka truyền lệnh cho các quan thông báo các Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu rằng:

“Nay toàn đất nước Malla là của Đức-vua Kusa, Đức-vua nào có công-chúa, thì hãy dâng công-chúa đến Đức-vua Kusa, có thái-tử, hoàng-tử thì hãy đến xin kết tình thân thiện với Đức-vua Kusa”.

Cho nên, Đức-vua Bồ-tát Kusa có nhiều công-chúa đến hầu hạ, có nhiều thái-tử, hoàng-tử là thuộc hạ.

Đức-vua Bồ-tát Kusa có oai lực phi thường, uy thế của Đức-vua Bồ-tát khiến cho các nước trong cõi Nam-thiện-bộ-châu đều phải kính phục.

Ban ngày, Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī không có cơ hội nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Kusa xấu xí đáng ghê sợ, và Đức-vua Bồ-tát Kusa cũng không có cơ hội nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, bởi vì Đức-vua Bồ-tát Kusa và Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī chỉ gặp nhau ban đêm mà thôi.

Ban đêm, trong phòng của Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī có ánh sáng mát tỏa ra từ thân hình của Bà như ban ngày, nên không cần đốt đèn, nhưng đến khi Đức-vua Bồ-tát Kusa ngự vào phòng của Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, do oai lực của Đức-vua Bồ-tát Kusa, ánh sáng ấy biến mất, nên không nhìn thấy nha được; cho đến khi Đức-vua Bồ-tát Kusa ngự ra khỏi phòng lúc ban đêm, thì ánh sáng lại tỏa ra như trước.

Trải qua 2-3 ngày sau, muốn nhìn thấy gương mặt xinh đẹp của Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī như thế nào, nên Đức-vua Bồ-tát Kusa đến chầu Mẫu-hậu, kính xin Mẫu-hậu giúp cho có cơ hội nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, nhưng Mẫu-hậu khuyên Đức-vua Bồ-tát Kusa không nên vội vã, chờ đến khi nào có được một Thái-tử sinh ra đời, khi ấy, nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī cũng không muộn.

Đức-vua Bồ-tát Kusa không thể chờ đợi, nóng lòng muốn được nhìn thấy gương mặt Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, nên lại đến chầu Mẫu-hậu, kính xin Mẫu-hậu giúp cho cơ hội để nhìn thấy Chánh-cung Hoàng hậu Pabhāvatī của mình. Mẫu-hậu của Đức-vua Bồ-tát không khuyên được, nên bày ra diệu kế rằng:

– Này Hoàng nhi yêu quý! Nếu con muốn vậy thì con đứng đóng vai người giữ chuồng voi báu, Mẫu-hậu dẫn Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī đến xem voi báu, khi ấy, con sẽ nhìn thấy rõ Chánh-cung Hoàng-hậu của con, nhưng con chớ nên để cho nàng nghi ngờ.

Đức-vua Bồ-tát Kusa làm theo lời dạy của Mẫu-hậu.

Mẫu-hậu của Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh trang hoàng chuồng voi, Bà khuyên bảo Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī rằng:

– Này con yêu quý! Mẫu-hậu và con ngự đi xem voi báu của Đức-vua Kusa, Đức Phu-quân của con.

Nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī ngự theo sau Mẫu-hậu đến chuồng voi, Mẫu-hậu chỉ cho nàng biết tên của mỗi con voi báu. Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Kusa đóng vai người nài voi báu, nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, liền đưa tay lấy phân voi ném sau lưng của nàng.

Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī nổi cơn thịnh nộ truyền bảo rằng: “Ta sẽ tâu với Đức-vua Kusa truyền lệnh chặt tay của ngươi.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī tâu với Mẫu-hậu xử phạt tên giữ voi vô lễ ấy, nhưng Mẫu-hậu khuyên nàng nên tha tội cho người nài voi.

Một lần khác, Mẫu-hậu dẫn Chánh-cung Hoàng-hậu

Pabhāvatī ngự đi xem ngựa báu tại chuồng ngựa, Đức- vua Bồ-tát Kusa đóng vai người giữ ngựa báu, nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, cũng đưa tay lấy phân ngựa ném sau lưng của nàng.

Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī nổi cơn thịnh nộ truyền bảo rằng: “Ta sẽ tâu với Đức-vua Kusa truyền lệnh chặt tay của ngươi.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī tâu với Mẫu-hậu xử phạt tên giữ ngựa vô lễ ấy, nhưng Mẫu-hậu khuyên nàng nên tha tội cho người giữ ngựa.

Một hôm, Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī muốn nhìn thấy Đức-vua Kusa, nên tâu với Mẫu-hậu, kính xin Mẫu hậu giúp cho cơ hội nhìn thấy Đức-vua Kusa, Đức-Phu-quân của mình là người như thế nào.

Mẫu-hậu chiều ý, nên truyền bảo rằng:

– Này con yêu quý! Nếu con muốn như vậy, thì sáng ngày mai Đức-vua Kusa ngự trên lưng voi báu đi kinh lý trong kinh-thành, con đứng trên lâu đài mở cửa sổ nhìn Đức-vua Kusa ngự trên lưng voi báu.

Mẫu-hậu truyền bảo trang hoàng kinh-thành, sắp đặt Hoàng-tử Jayampati (Hoàng-đệ của Đức-vua Kusa), mặc triều phục Đức-vua ngự phía trước voi báu, còn Đức-vua Bồ-tát Kusa như quan nài voi báu ngự phía sau đi xem kinh-thành.

Khi ấy, Mẫu-hậu dẫn Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī đến đứng trên lâu đài nhìn xuống. Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī thấy Hoàng-tử Jayampati tưởng là Đức-vua Kusa, nên nghĩ rằng: “Ta có được Đức-vua Kusa, Đức-Phu-quân thật xứng đáng với ta”. Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī rất hài lòng vô cùng hoan-hỷ.

Hôm ấy, Đức-vua Bồ-tát Kusa đóng vai vị quan nài voi báu ngự phía sau, biết phía trên lâu đài có Chánh- cung Hoàng-hậu Pabhāvatī đứng nhìn, nên Đức-vua Bồ- tát Kusa ngoảnh đầu lên nhìn nàng, đưa tay vẫy, có cử chỉ kém lịch sự.

Khi voi báu đi qua khỏi, Mẫu-hậu truyền hỏi Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī rằng:

– Này con yêu quý! Con đã nhìn thấy Đức-vua Kusa, Đức-Phu-quân của con rồi phải không?

Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī tâu rằng:

– Muôn tâu Mẫu-hậu, Con đã nhìn thấy Đức-vua Kusa Đức-Phu-quân của con rồi, nhưng vị quan nài voi báu ngồi phía sau Đức-vua Kusa, mặt mày xấu xí đáng ghê sợ, có cử chỉ kém lịch sự như đưa tay vẫy con.

– Muôn tâu Mẫu-hậu, tại sao để cho người xấu xí đáng ghê sợ như vậy ngồi phía sau Đức-vua Kusa được.

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī tâu như vậy, Mẫu-hậu khuyên bảo rằng:

– Này con yêu quý! Người ấy có tài bảo vệ hộ giá Đức-vua Kusa, Đức-Phu-quân của con được.

Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī suy nghĩ rằng:

“Người nài voi này sao được đặc ân tha lỗi đặc biệt quá! Ông không biết tôn trọng Đức-vua Kusa, hay người nài voi này chính là Đức-vua Kusa phải không?”

Để giải đáp điều hoài nghi này, Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī gọi bà Khujjā nữ hầu thân cận đến truyền bảo rằng:

– Này bà Khujjā! Khi voi báu trở về cung điện, bà nên theo dõi Đức-vua Kusa ngựtrên lưng voi báu phía trước hay phía sau?

– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, làm sao kẻ nô tỳ biết Đức-vua Kusa được?

– Này bà Khujjā! Khi voi báu trở về cung điện, bà nên theo dõi, vị nào từ trên lưng voi báu ngự xuống trước vị đó là Đức-vua Kusa.

Khi voi báu hồi cung, Đức-vua Bồ-tát Kusa từ trên lưng voi báu phía sau ngự xuống trước, Đức-vua Bồ-tát Kusa nhìn xung quanh, thấy bà Khujjā nữ hầu thân cận của Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī đứng lén nhìn nơi ấy, nên gọi bà lại mà bảo rằng:

– Này bà Khujjā! Bà chớ nên tâu sự thật với Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, mà bà phải tâu khác đi!

Tuân lệnh Đức-vua Bồ-tát Kusa, bà Khujjā đến hầu Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī tâu khác rằng:

“Đức-vua Kusa từ trên lưng voi báu phía trước ngự xuống trước”.

Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī tin theo lời tâu của bà Khujjā nữ hầu của mình.

Một hôm, Đức-vua Bồ-tát Kusa muốn đến gần Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī để có thể nhìn thấy rõ gương mặt xinh đẹp của Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, nên đến chầu đảnh lễ Mẫu-hậu, xin Mẫu-hậu giúp cho có cơ hội. Mẫu-hậu của Đức-vua Bồ-tát không thể ngăn cản được, nên truyền bảo rằng:

– Này Hoàng-nhi yêu quý! Nếu vậy thì con giả dạng không để ai biết, rồi con ngự đến vườn thượng uyển, đứng dưới hồ nước đến cổ, lấy lá sen che đầu, lấy hoa sen che mặt lại.

Hôm ấy, Mẫu-hậu Sīlavatī dẫn Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī ngự đi cùng đoàn thị nữ du lãm vườn thượng uyển, đi xem các đàn chim đủ loài, các đàn nai, v.v…đi đến hồ nước lớn có nhiều loại hoa sen, hoa súng đủ màu rất xinh đẹp. Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī nhìn thấy hồ nước trong, nhiều hoa sen đẹp, nên xin Mẫu-hậu cho phép xuống hồ tắm, hái hoa sen.

Được Mẫu hậu cho phép, Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī cùng các thị nữ xuống hồ tắm. Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī nhìn thấy đóa hoa sen nở đẹp, đưa cánh tay định hái hoa sen ấy, thì Đức-vua Bồ-tát Kusa đưa tay nắm cánh tay của Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī rồi reo lên rằng: “Ta là Đức-vua Kusa!”

Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī nhìn thấy gương mặt của Đức-vua Bồ-tát Kusa xấu xí đáng ghê sợ, rồi kêu thất thanh rằng: “Dạ-xoa bắt tôi!”

Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī ngã xuống nước chết giấc. Đức-vua Bồ-tát Kusa buông tay của Bà ra, các thị nữ đưa Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī lên bờ nằm cấp cứu cho tỉnh lại.

Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī hồi tưởng lại những việc đã xảy ra rằng: “Người kia nắm tay ta mà reo lên rằng: “Ta là Đức-vua Kusa!”

Trước đây, tại chuồng voi, ta đã bị chính người ấy ném phân voi; tại chuồng ngựa, ta cũng đã bị chính người ấy ném phân ngựa; nay ta lại bị chính người ấy nắm tay ta, rồi tự xưng là Đức-vua Kusa.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī quyết định rằng: “Ta không thể có Đức-phu-quân là Đức-vua Kusa có gương mặt xấu xí đáng ghê sợ như thế này. Ta phải bỏ Đức-vua Kusa, rồi ngự trở về kinh-thành Sāgala của ta mà thôi”.

Sau khi quyết định, Công-chúa Pabhāvatī truyền gọi các quan theo hầu đến truyền bảo rằng:

– Này các khanh! Các khanh hãy chuẩn bị xe cộ sẵn sàng, ta sẽ ngự trở về kinh-thành Sāgala, đất nước Madda ngay hôm nay.

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī truyền lệnh như vậy, các quan đến chầu Đức-vua Bồ-tát Kusa, rồi tâu ý định của Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī cho Đức-vua Bồ-tát Kusa biết.

Đức-vua Bồ-tát Kusa suy xét rằng: “Nếu Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī không được ngự trở về kinh-thành Sāgala thì trái tim của nàng sẽ bị vỡ ra.

Vậy, ta nên chấp thuận cho phép Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī ngự trở về kinh-thành Sāgala trước, rồi sau đó ta sẽ cố gắng đón rước Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī ngự trở lại bằng oai lực của ta”.

Suy xét như vậy, nên cho phép Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī ngự trở về kinh-thành Sāgala.

Sau khi Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī ngự đi rồi, Đức-vua Bồ-tát Kusa cũng rời khỏi vườn thượng uyển, hồi cung ngự trở về cung điện, ngự lên lâu đài với nỗi khổ tâm cùng cực.

Vấn: – Do nguyên nhân nào mà Thái-tử Bồ-tát Kusa có thân hình và gương mặt xấu xí đáng ghê sợ, nhưng được thành hôn với công-chúa Pabhāvatī xinh đẹp tuyệt trần như vậy?

– Do nguyên nhân nào mà Công-chúa Pabhāvatī có sắc đẹp tuyệt trần, đặc biệt có ánh sáng tỏa ra từ thân hình công-chúa suốt ngày đêm xung quanh khoảng 4 cùi tay như vậy?

– Tại sao Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī không ưa thích Đức-vua Bồ-tát Kusa, bỏ trở về kinh-thành Sāgala?

– Do oai lực nào mà Đức-vua Bồ-tát Kusa đưa Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī trở lại kinh-thành Kusāvatī ?

Để giải đáp các vấn đề này, cần phải tìm hiểu về tiền- kiếp của Thái-tử Bồ-tát Kusa và tiền-kiếp của công-chúa Pabhāvatī.

Tiền-kiếp của Thái-tử Bồ-Tát Kusa và tiền-kiếp của Công-chúa Pabhāvatī

Thời quá khứ, trong xóm nhà có 2 gia đình ở gần cửa thành Bārāṇasī, một gia đình này có 2 người con trai: người anh trưởng và người em thứ là Đức-Bồ-tát (là tiền-kiếp Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa, cũng là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama).

Và một gia đình kia có 1 người con gái (là tiền-kiếp của công-chúa Pabhāvatī).

* Gia đình bên này làm lễ cưới người con gái của gia đình bên kia đem về làm vợ của người con trưởng, Đức-Bồ-tát là con thứ chưa có vợ, nên còn ở chung với vợ chồng người anh trưởng.

Một hôm, trong nhà người chị dâu làm bánh chiên thật ngon, nhưng Đức-Bồ-tát em chồng đi làm trong rừng từ sáng sớm, nên người chị dâu để dành một phần bánh cho Đức-Bồ-tát em chồng, phần bánh còn lại đem chia cho các người trong gia đình dùng hết sạch.

Nhìn ra trước cửa, thấy Đức-Phật Độc-Giác ngự đi khất thực đến đứng trước cửa nhà. Khi ấy, người chị dâu của Đức-Bồ-tát nghĩ rằng:

“Ta sẽ làm bánh chiên mới khác cho người em chồng”

Do nghĩ như vậy, nên người chị dâu lấy phần bánh chiên dành cho người em chồng đem ra cung-kính hoan-hỷ tạo phước-thiện bố-thí cúng dường để bát đến Đức-Phật Độc-Giác. Ngay khi ấy, vừa đúng lúc Đức-Bồ-tát em chồng từ rừng trở về, người chị dâu nói với người em chồng rằng:

– Này em trai! Chị đã lấy phần bánh chiên dành cho em đem tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Độc-Giác rồi. Xin em nên phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ phần phước-thiện bố-thí cúng dường thanh cao này. Chị sẽ làm ngay bánh chiên mới khác cho em dùng.

Nghe người chị dâu nói như vậy, Đức-Bồ-tát em chồng đã không phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ, trái lại phát sinh sân-tâm giận dữ nói với người chị dâu rằng:

“Các người ăn phần bánh chiên của mình hết rồi, lại lấy phần bánh chiên của tôi đem tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Độc-Giác nữa!

Vậy, ta lấy gì để ăn bây giờ!”

Nói bằng giọng hằn học như vậy, rồi Đức-Bồ-tát em chồng vội lấy lại phần bánh chiên từ trong bát của Đức-Phật Độc-Giác.

Nhìn thấy người em chồng làm như vậy, người chị dâu đảnh lễ Đức-Phật Độc-Giác thỉnh Ngài chờ một lát, nàng vội đi về nhà cha mẹ mình lấy bơ lỏng mới và trong trẻo có màu giống màu hoa lan, đem về cung-kính tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đầy bát của Đức-Phật Độc-Giác, với đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ.

Nhìn thấy bơ lỏng tỏa ra ánh sáng, nàng phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch phát nguyện rằng:

– Kính bạch Ngài, do phước-thiện bố-thí cúng dường bơ lỏng mới trong trẻo này, xin cho đại-thiện-nghiệp bố-thí cúng dường thanh cao này cho quả tái-sinh kiếp sau của con có sắc đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, thân hình của con có ánh sáng tỏa ra suốt ngày đêm.

Và xin kiếp sau của con không sống chung cùng một nhà với người như em trai chồng này.

Khi nghe lời phát nguyện của người chị dâu như vậy, Đức-Bồ-tát em chồng vội đem phần bánh chiên của mình đến kính xin tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đặt trong bát đầy bơ lỏng của Đức-Phật Độc-Giác, rồi xin phát nguyện rằng:

– Kính bạch Ngài, kiếp sau của người chị dâu này, dù có ở bất cứ nơi xa xôi nào hằng trăm do tuần, xin cho kiếp sau của con cũng có khả năng đem về làm vợ của con cho được.

* Người em trai chồng là tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa.

* Người chị dâu là vợ của người anh trưởng là tiền-kiếp của Công-chúa Pabhāvatī.

Mỗi người đã tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Độc-Giác với lời phát nguyện của mỗi người khác nhau như vậy.

Kiếp sau của mỗi người

* Sau khi người em trai chồng là Đức-Bồ-tát chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm Đức-Bồ-tát Kusa là Thái-tử của Đức-vua Okkāka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī tại kinh-thành Kusāvatī của đất nước Malla.

* Sau khi người chị dâu, vợ của người anh trưởng chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm công-chúa trưởng của Đức-vua Madda ngự tại kinh-thành Sāgala đất nước Madda.

* Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa có thân hình và gương mặt xấu xí đáng ghê sợ đó là quả của ác-nghiệp sân giận dữ trong tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát lấy lại phần bánh chiên của mình từ trong bát của Đức-Phật Độc-Giác.

Và phước-thiện bố-thí cúng dường đặt bát lại phần bánh chiên của mình đến Đức-Phật Độc-Giác, rồi phát nguyện rằng:

“- Kính bạch Ngài, kiếp sau của người chị dâu này, dù có ở bất cứ nơi xa xôi nào hằng trăm do tuần, xin cho kiếp sau của con cũng có khả năng đem về làm vợ của con cho được.”

Kiếp hiện-tại Đức-vua Bồ-tát Kusa làm lễ thành hôn với công-chúa Pabhāvatī, rồi tấn phong lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu, do năng lực lời phát nguyện trong tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát.

* Công-chúa Pabhāvatī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, có ánh sáng tỏa ra từ thân hình của cô suốt ngày đêm xung quanh khoảng 4 cùi tay, đó là quả báu của phước-thiện bố-thí cúng dường bơ lỏng mới trong trẻo đến Đức-Phật Độc-Giác, với đại-thiện-tâm trong sạch vô cùng hoan-hỷ.

Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī khi biết Đức-vua Kusa có gương mặt xấu xí đáng ghê sợ, nên Bà bỏ Đức-vua Bồ-tát Kusa ngự trở về lại kinh-thành Sāgala, do lời phát nguyện trong tiền-kiếp của Bà.

Sau khi Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī ngự trở về kinh-thành Sāgala. Còn Đức-vua Bồ-tát Kusa ngự tại kinh-thành Kusāvatī, tuy có nhiều công-chúa xinh đẹp, nhưng Đức-vua Bồ-tát Kusa không quan tâm đến người nào cả, suốt đêm chỉ nhớ tưởng đến Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī mà thôi.

Sáng ngày hôm sau, Đức-vua Bồ-tát Kusa đến chầu đảnh lễ Mẫu-hậu, rồi tâu rằng:

– Muôn tâu Mẫu-hậu, con xin giao ngai vàng lại cho Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, con xin rời khỏi kinh-thành Kusāvatī, ngự đi đến kinh-thành Sāgala tìm gặp lại Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī của con.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Kusa tâu như vậy, Mẫu-hậu của Đức-Bồ-tát vô cùng khổ tâm truyền bảo rằng:

– Này Hoàng nhi yêu quý! Con hãy nên bảo trọng! Mẫu-hậu chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho Đức-vua Bồ-tát Kusa. Nhận mọi thứ cần thiết ấy, Đức-vua Bồ-tát Kusa đảnh lễ Mẫu-hậu, tâu rằng:

– Muôn tâu Mẫu hậu, nếu con còn sống trên đời thì con sẽ ngự trở về chầu Mẫu-hậu.

Đức-vua Bồ-tát Kusa xin phép bái biệt Mẫu-hậu.

Đức-vua Bồ-tát Kusa trở về phòng lấy 5 loại khí giới đeo bên mình và mang theo một chiếc đàn, giả dạng như người bình thường rời khỏi kinh-thành Kusāvatī, lên đường hướng về kinh-thành Sāgala.

Đức-Bồ-tát Kusa có sức mạnh phi thường ngự đi đến kinh-thành Sāgala khoảng cách hơn 100 do tuần do oai lực của Đức-Bồ-tát.

Khi đến kinh-thành Sāgala, Đức-Bồ-tát Kusa xin nghỉ nhờ đêm chỗ người nuôi voi báu của Đức-vua Madda.

Do oai lực của Đức-Bồ-tát Kusa, nên Công-chúa Pabhāvatī không thể nằm trên giường ngủ, mà phải xuống nằm dưới nền để ngủ.

Ngủ nghỉ khỏe xong, Đức-Bồ-tát Kusa thức dậy, đem chiếc đàn ra gảy, vừa gảy đàn vừa ca hát, tiếng đàn réo rắt, lời ca làm xúc động lòng người, với ý nghĩ cho Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī nghe rõ, những người trong cung điện và dân chúng trong kinh-thành đều nghe rõ tiếng đàn và lời ca này.

Công-chúa Pabhāvatī nằm ngủ trên nền nghe tiếng đàn và lời ca liền biết ngay đó là tiếng đàn và lời ca của Đức-vua Kusa. Và Đức-vua Madda nghe tiếng đàn và lời ca hay chưa từng nghe bao giờ nên nghĩ rằng:

“Ai gảy đàn và ca nghe hay quá! Ngày mai mời người ấy vào cung điện trình diễn cho ta và hoàng gia nghe.”

Đức-Bồ-tát Kusa nghĩ rằng: “Ta ở chỗ này không thể nhìn thấy Công-chúa Pabhāvatī”.

Sáng sớm, Đức-Bồ-tát Kusa di chuyển sang chỗ khác.

* Tìm đến chỗ làm các đồ gốm cho Đức-vua Madda, Chánh-cung Hoàng-hậu và các Công-chúa dùng, Đức-Bồ-tát Kusa xin vào làm học trò cốt để làm những món đồ gốm đẹp đặc biệt cho Công-chúa Pabhāvatī dùng, nhưng khi nhận các món đồ gốm xinh đẹp ấy, Công-chúa Pabhāvatī biết các món đồ ấy là do bàn tay của Đức-vua Kusa làm ra, nên Công-chúa Pabhāvatī không dùng món đồ ấy.

Biết như vậy, Đức-Bồ-tát Kusa đổi chỗ làm khác.

* Tìm đến chỗ làm các đồ đan cho Đức-vua Madda, Chánh-cung Hoàng-hậu và 8 cô Công-chúa dùng, Đức-Bồ-tát Kusa xin vào làm học trò, cốt để làm những món đồ đan xinh đẹp đặc biệt cho Công-chúa Pabhāvatī dùng, nhưng khi nhận các món đồ đan xinh đẹp ấy, Công-chúa Pabhāvatī biết các món đồ ấy là do bàn tay của Đức-vua Kusa làm ra, nên Công-chúa không dùng món đồ đan ấy.

Biết như vậy, Đức-Bồ-tát Kusa đổi chỗ làm khác.

* Tìm đến chỗ kết vòng hoa cho Đức-vua Madda, Chánh-cung Hoàng-hậu và các Công-chúa trang sức, Đức-Bồ-tát Kusa xin vào làm học trò, cốt để làm những vòng hoa xinh đẹp cho Công-chúa Pabhāvatī trang sức, nhưng khi nhận các vòng hoa xinh đẹp ấy, Công-chúa Pabhāvatī biết các vòng hoa ấy là do bàn tay của Đức-vua Kusa kết ra, nên Công-chúa Pabhāvatī không chịu dùng trang sức ấy.

Biết như vậy, Đức-Bồ-tát Kusa đổi chỗ làm khác.

* Tìm đến chỗ nấu nướng đồ ăn cho Đức-vua Madda, Chánh-cung Hoàng-hậu và các Công-chúa dùng, Đức-Bồ-tát Kusa xin vào làm phụ bếp, cốt để làm những món đồ ăn ngon đặc biệt cho Công-chúa Pabhāvatī dùng.

Đức-vua Madda biết có một người phụ đầu bếp mới tài giỏi, nên truyền bảo với người trưởng bếp rằng:

– Này người trưởng bếp! Hằng ngày ngươi mang đồ ăn dâng đến Trẫm và Chánh-cung Hoàng-hậu còn người phụ đầu bếp mới tài giỏi ấy mang đồ ăn dâng đến 8 cô Công-chúa của Trẫm.

Nghe Đức-vua truyền bảo như vậy, người trưởng bếp về nói lại với Đức-Bồ-tát Kusa theo lệnh Đức-vua.

Nghe Đức-vua Madda truyền bảo như vậy, Đức-Bồ-tát Kusa cảm thấy vô cùng hoan-hỷ, bởi vì ước nguyện gặp lại Công-chúa Pabhāvatī chắc chắn sẽ được như ý vào ngày hôm sau.

Đức-Bồ-tát Kusa gặp Công-chúa Pabhāvatī

Sáng hôm ấy, Đức-Bồ-tát Kusa nấu nướng đồ ăn dành cho Đức-vua Madda và Chánh-cung Hoàng-hậu, giao cho người trưởng bếp đem đi dâng lên Đức-vua Madda và Chánh-cung Hoàng-hậu, còn các phần ăn của 8 cô Công-chúa thì đặt cẩn thận vào 2 bên làn bằng mây đựng đồ ăn (bhattakāja), Đức-Bồ-tát Kusa hớn hở gánh 2 chiếc làn đựng đầy đồ ăn ngự bước lên lâu đài của Công-chúa Pabhāvatī.

Nhìn thấy Đức-vua Kusa đang gánh các phần ăn ngự bước lên lâu đài, Công-chúa Pabhāvatī nghĩ rằng:

“Đức-vua Kusa ngự đến cung điện này làm những công việc của những người tôi tớ, người làm công, thật không thích hợp với Đức-vua Kusa có oai lực phi thường, là Đức-vua của đất nước lớn, cũng là Đức-vua cao cả nhất trong toàn cõi cõi Nam-thiện-bộ-châu này.

Nếu ta làm thinh không nói 2-3 ngày thì Đức-vua Kusa tưởng rằng: “Nay Công-chúa Pabhāvatī có cảm tình, thương yêu ta rồi!”

Đức-vua Kusa sẽ ở lại đây, không chịu ngự trở về kinh-thành Kusāvatī. Vậy, ta nên chê trách Đức-vua một cách thậm tệ, làm cho Đức-vua thất vọng, khổ tâm vì hổ thẹn mà mau rời khỏi nơi này”.

Công-chúa Pabhāvatī mở hé cánh cửa, tay vẫn giữ cánh cửa, đứng bên trong tâu với Đức-vua Kusa rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương có oai lực phi thường, là Đức-vua của đất nước lớn, cũng là Đức-vua cao cả nhất trong toàn cõi cõi Nam-thiện-bộ-châu này.

Đại-vương ngự đến cung điện này làm người phụ đầu bếp, gánh đồ ăn ngự đến đây với tâm không trong sáng, Đại-vương chịu bao nhiêu nỗi khổ thân khổ tâm suốt ngày đêm, Đại-vương sẽ được sự lợi ích gì với công việc vất vả khổ cực như vậy!

Xin thỉnh Đại-vương ngự trở về kinh-thành Kusāvatī của Đại-vương, rồi tấn phong nàng Dạ-xoa xấu xí đáng ghê sợ như Đại-vương lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu, rồi an hưởng trên ngai vàng.

Còn tiện thiếp hoàn toàn không ưa thích Đại-vương có gương mặt xấu xí đáng ghê sợ như vậy!

Xin thỉnh Đại-vương mau ngự ra khỏi kinh-thành Sāgala này.

Hôm nay, Đức-Bồ-tát Kusa vô cùng hoan-hỷ được nghe tiếng nói của Công-chúa Pabhāvatī, nên vui mừng hớn hở truyền bảo rằng:

– Này ái-khanh Pabhāvatī yêu quý! Quả-nhân yêu tha thiết ái-khanh, nên không thể ngự trở về kinh-thành Kusāvatī được. Quả-nhân rất hài lòng được nhìn thấy ái-khanh, nên đã từ bỏ ngai vàng, kinh-thành Kusāvatī, cả đất nước Malla rộng lớn, ngự đến kinh-thành Sāgala, ở trong cung điện của Đức-vua Madda này.

– Này ái-khanh Pabhāvatī yêu quý! Quả-nhân yêu thương ái-khanh, nên không còn biết phương hướng nữa. Quả-nhân chỉ cần có ái-khanh mà thôi, không cần ngai vàng ngôi vị Đế-vương.

Nghe Đức-vua Kusa truyền bảo như vậy, Công-chúa Pabhāvatī nghĩ rằng:

“Ta chê trách Đức-vua Kusa một cách thậm tệ như vậy, với hy vọng làm cho Đức-vua Kusa thất vọng, khổ tâm vì hổ thẹn mà mau rời khỏi kinh-thành Sāgala này, nhưng trái lại Đức-vua Kusa truyền bảo lời yêu thương tha thiết ta. Nếu Người truyền bảo rằng:

“Ta là Đức-vua Kusa đây!” Rồi ngự đến nắm tay của ta thì ai dám ngăn cấm Người được.”

Nghĩ vậy, nên Công-chúa Pabhāvatī lùi vào bên trong, đóng cánh cửa, cài chốt lại rồi ngồi trong phòng.

Thấy Công-chúa Pabhāvatī đóng cánh cửa kín, Đức-Bồ-tát Kusa gánh các phần ăn ngự đến dâng 7 công-chúa khác.

Công-chúa Pabhāvatī truyền gọi bà Khujjā nữ hầu thân cận đến bảo rằng:

– Này bà Khujjā! Bà hãy đi lấy phần ăn của ta đến đây.

Vâng lệnh Công-chúa Pabhāvatī, bà Khujjā đem phần ăn lại, rồi tâu rằng:

– Tâu Công-chúa, xin mời Công-chúa dùng bữa.

Công-chúa Pabhāvatī truyền bảo rằng:

– Này bà Khujjā! Ta không dùng các món ăn mà chính bàn tay của Đức-vua Kusa nấu nướng.

Vậy, bà hãy dùng phần ăn ấy, còn phần ăn của bà đem dâng cho ta dùng.

– Này bà Khujjā! Bà không được nói cho một ai biết Đức-vua Kusa đang hiện diện tại nơi đây.

Từ đó về sau, bà Khujjā dùng phần ăn của Công-chúa Pabhāvatī, đem phần ăn của bà dâng đến Công-chúa Pabhāvatī dùng. Và cũng bắt đầu từ ngày đó, Đức-Bồ-tát Kusa không còn nhìn thấy Công-chúa Pabhāvatī.

Đức-Bồ-tát Kusa suy nghĩ rằng: “Không biết Công-chúa Pabhāvatī có còn thương nhớ đến ta nữa hay không?” Ta nên thử xem cho biết.

Một hôm, sau khi đã đem dâng các phần ăn đến 7 cô công-chúa xong rồi, Đức-Bồ-tát Kusa gánh đôi làn không ngự xuống lâu đài, vừa đến gần cửa phòng của Công-chúa Pabhāvatī, giả bị vấp ngã nằm trên nền làm như bất tỉnh.

Nghe có tiếng người vấp ngã, đồ đổ vỡ, Công-chúa Pabhāvatī biết là Đức-vua Kusa bị vấp ngã, nên mở cửa ra nhìn, thấy Đức-vua Kusa nằm trên nền, cây đòn gánh đè ngang trên cổ, Công-chúa Pabhāvatī suy nghĩ rằng:

“Đức-vua Kusa là Đức-vua cao cả nhất trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, ngự đến đây không ai hay biết, chịu bao nỗi khổ thân, khổ tâm chỉ vì ta mà thôi.

Đức-vua Kusa là người an hưởng mọi sự an-lạc trong đời, không quen vất vả khổ cực. Nay, hằng ngày Đức-vua Kusa phải nấu nướng, làm các món ăn xong, rồi gánh các phần ăn đem dâng đến 8 cô công-chúa.

Bây giờ, Đức-vua Kusa bị vấp ngã nằm bất tỉnh, sinh mạng của Người hiện nay như thế nào?”

Suy nghĩ như vậy, nên Công-chúa Pabhāvatī ngự ra khỏi phòng đến cúi đầu xuống gần sát gương mặt để xem hơi thở nơi 2 lỗ mũi của Đức-vua Kusa. Khi ấy, Đức-Bồ-tát Kusa ngậm đầy nước miếng trong miệng phun ra trên mặt của Công-chúa Pabhāvatī.

Công-chúa Pabhāvatī nổi cơn thịnh nộ trách Đức-vua Kusa, rồi ngự ngay vào phòng đóng cửa để hở, đứng bên trong tâu với Đức-vua Kusa rằng:

– Tâu Đại-vương, người nào yêu thương người khác, mà người khác không yêu thương đáp lại, người ấy chỉ có sự thất vọng mà thôi.

Tiện nữ không yêu thương Đại-vương, mà Đại-vương muốn làm cho tiện nữ yêu thương Đại-vương sao được!

Nghe Công-chúa Pabhāvatī tâu như vậy, nhưng Đức-Bồ-tát Kusa không phát sinh cơn thịnh nộ, bởi vì Đức-Bồ-tát Kusa yêu say đắm Công chúa Pabhāvatī, nên truyền bảo với Công-chúa Pabhāvatī rằng:

– Này Công-chúa Pabhāvatī! Người nào không được người khác yêu, mà người ấy thuyết phục được người không yêu trở thành người yêu của mình.

Ta tán dương ca tụng người ấy. Nếu thuyết phục không được thì chỉ là người tầm thường mà thôi.

Nghe Đức-vua Kusa truyền bảo như vậy, Công-chúa Pabhāvatī tâu với lời lẽ đanh thép, để cho Đức-vua Kusa không còn hy vọng gì nữa mà ngự ra khỏi kinh-thành

Sāgala này, nên tâu rằng:

– Tâu Đại-vương, Đại-vương yêu thương tiện nữ mà tiện nữ chẳng hề yêu thương Đại-vương chút nào, ví như Đại-vương dùng cành cây khô mục mà phá đá để lấy viên ngọc quý, hoặc lấy lưới sưa đặt ngăn gió vậy!

Nghe Công-chúa Pabhāvatī tâu như vậy, Đức-Bồ-tát Kusa truyền bảo rằng:

– Này Công-chúa Pabhāvatī! Đá đã được chôn trong trái tim của Công-chúa xinh đẹp dịu dàng có phải vậy không? Bởi vì từ khi quả-nhân rời khỏi kinh-thành Kusāvatī ngự đến kinh-thành Sāgala, làm việc nấu nướng đồ ăn cho Đức-vua Madda, Chánh-cung Hoàng-hậu và 8 cô công-chúa, quả nhân chưa nhận được sự đón tiếp niềm nở của ái-khanh, chưa được nghe lời yêu thương của ái-khanh.

– Này ái-khanh! Nếu ái-khanh còn có thái độ thờ ơ, lãnh đạm với Trẫm thì Trẫm vẫn còn là người phụ bếp trong cung điện của Đức-vua Madda.

Nếu khi nào, ái-khanh đón tiếp Trẫm một cách niềm nở, hớn hở vui mừng chuyện trò thân mật với Trẫm thì khi ấy Trẫm sẽ bỏ công việc phụ bếp, Trẫm cùng ái-khanh ngự trở về kinh-thành Kusāvatī lên ngôi vua như trước.

– Này ái-khanh! Tại sao ái-khanh đối xử với Trẫm như vậy? Từ nay, xin ái-khanh đừng có thái độ lãnh đạm với Trẫm như vậy nữa.

Nghe Đức-vua Kusa truyền bảo như vậy, Công-chúa Pabhāvatī nghĩ rằng:

“Đức-vua Kusa càng truyền bảo lại càng ràng buộc khắng khít nơi ta. Như vậy, ta nên tâu dối để Đức-vua Kusa không còn hy vọng nơi ta nữa, mà ngự trở về kinh-thành Kusāvatī”. Công-chúa Pabhāvatī tâu rằng:

– Tâu Đại-vương, tiện nữ đã từng hỏi nhóm thầy đoán số rằng: “Đức-vua Kusa là Đức-phu quân của ta có phải hay không?”

Họ đều đoán rằng: “Đức-vua Kusa không phải là Đức-phu quân của Bà”.

Nếu lời đoán số của các thầy ấy là đúng thì Đại-vương chắc chắn không phải là Đức-phu quân của tiện nữ.

Nghe Công-chúa Pabhāvatī tâu như vậy, Đức-Bồ-tát Kusa truyền bảo rằng:

– Này ái-khanh! Nếu quả-nhân hỏi các thầy đoán số trong đất nước của Trẫm thì họ chắc chắn đoán rằng:“Đức-Phu quân của Công-chúa Pabhāvatī chỉ có Đức-vua Kusa có giọng nói như sư tử rống mà thôi.

Ngoài Đức-vua Kusa ra, chẳng còn ai khác nữa”.

Nghe Đức-vua Kusa truyền bảo như vậy, Công-chúa Pabhāvatī nghĩ rằng:

“Ta không còn cách nào để cho Đức-vua Kusa rời khỏi kinh-thành Sāgala, ngự trở về kinh-thành Kusāvatī được. Đức-vua Kusa không phải là gì đối với ta nữa”.

Nghĩ vậy, Công-chúa Pabhāvatī đóng kín cánh cửa phòng không cho Đức-vua Kusa thấy nàng nữa.

Đức-Bồ-tát Kusa gánh những thứ đựng đồ ăn bước xuống lâu đài. Từ đó không còn nhìn thấy Công-chúa Pabhāvatī nữa.

Hằng ngày đêm, Đức-Bồ-tát Kusa làm mọi công việc vô cùng vất vả. Ban đêm Đức-Bồ-tát Kusa nằm ngủ tại nhà bếp, thức dậy sớm, nấu cháo, nấu các món ăn sáng để dâng đến Đức-vua Madda, Chánh-cung Hoàng-hậu và 8 cô công chúa xong, rồi trở lại nhà bếp, bổ củi, gánh nước, rửa nồi niêu, bát đĩa, nấu nướng các món ăn để dâng lên Đức-vua Madda, Chánh-cung Hoàng-hậu và 8 cô công chúa vào bữa ăn trưa và bữa ăn tối.

Sở dĩ, Đức-Bồ-tát Kusa chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ thân, khổ tâm vất vả suốt ngày đêm như vậy, là vì quá yêu say đắm Công-chúa Pabhāvatī.

Một hôm, nhìn thấy bà Khujjā, người hầu thân cận của Công chúa Pabhāvatī, Đức-Bồ-tát Kusa ngự đến gặp bà, nhờ bà tâu với Công-chúa Pabhāvatī đến gặp Đức-vua Kusa, và nói chuyện thân mật với Đức-vua Kusa.

Nếu bà có khả năng làm được như vậy, Đức-vua Kusa sẽ ban thưởng xứng đáng cho bà.

Bà Khujjā hứa với Đức-Bồ-tát Kusa, bà sẽ cố gắng tâu với Công-chúa Pabhāvatī.

Một hôm, bà Khujjā có cơ hội tâu với Công-chúa Pabhāvatī rằng:

– Tâu Công-chúa, xin Công-chúa không nên thấy mình xinh đẹp tuyệt trần mà coi thường Đức-vua Kusa xấu xí đáng ghê sợ.

Thật ra, Công-chúa biết rõ trong tâm rằng:

* Đức-vua Kusa có oai lực phi thường, không có Đức-vua nào địch nổi.

* Đức-vua Kusa là Thái-tử của Đức-vua Okkāka, là Đại-vương ngự tại kinh-thành Kusāvatī, trị vì đất nước Malla rộng lớn,…

* Đức-vua Kusa là Đại-vương cao cả trong cõi Nam-thiện-bộ-châu,…

* Đức-vua Kusa có giọng nói như sư tử rống, giọng nói hùng dũng, giọng nói trầm hùng, khiến cho những kẻ thù đều khiếp sợ.

* Đức-vua Kusa cũng có giọng nói ngọt ngào,…

Bà Khujjā đã cố gắng diễn tả các tài đức của Đức-vua Kusa lớn lao không có Đức-vua nào trong cõi Nam- thiện-bộ-châu này có thể sánh được. Còn gương mặt xấu xí chỉ là bên ngoài thân thể không đáng kể, để cho Công-chúa Pabhāvatī không nên ỷ lại vào sắc đẹp tuyệt trần của mình mà coi thường Đức-vua Kusa xấu xí.

Nếu Công-chúa Pabhāvatī nhận thức rõ những điều ấy thì phát sinh tâm yêu thương Đức-vua Kusa, nên đến hầu chuyện thân mật với Đức-vua Kusa.

Nghe bà Khujjā, người hầu thân cận của mình tán dương ca tụng tài đức của Đức-vua Kusa mà chê trách mình, nên Công-chúa Pabhāvatī nổi cơn thịnh nộ quở trách bà Khujjā, nhưng bà Khujjā không sợ lại còn hăm dọa Công-chúa Pabhāvatī rằng:

– Tâu Công-chúa, nếu Công-chúa không đến hầu Đức-vua Kusa, không hầu chuyện thân mật với Đức-vua Kusa thì con sẽ tâu lên Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của Công-chúa về sự hiện diện của Đức-vua Kusa tại trong cung điện này.

Nghe bà Khujjā tâu như vậy, Công-chúa Pabhāvatī hoảng sợ năn nỉ khẩn khoản bà Khujjā xin đừng tâu chuyện này lên Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của Bà.

Đức-Bồ-tát Kusa thất vọng

Đức-Bồ-tát Kusa chịu bao nhiêu nỗi khổ thân khổ tâm, vất vả suốt ngày đêm lo việc nấu nướng các món đồ ăn để dâng lên Đức-vua Madda, Chánh-cung Hoàng-hậu và 8 cô công chúa, với hy vọng mong gặp được Công-chúa Pabhāvatī để chuyện trò thân mật, nhưng chờ đợi suốt 7 tháng qua mà vẫn chưa được như ý, nên Đức-Bồ- tát Kusa nghĩ rằng:

“Bà Khujjā đã hứa giúp đỡ ta gặp được Công-chúa Pabhāvatī, nhưng mãi đến nay vẫn không có tin gì cả. Cuộc sống của ta tại nơi này chỉ là vô vọng mà thôi.

Vậy, ta nên ngự trở về kinh-thành Kusāvatī, để thăm viếng Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của ta là hơn.”

Đức-vua Trời Sakka giúp Đức-Bồ-tát Kusa

Khi ấy, trên cõi trời Tam-thập-Tam-thiên, Đức-vua- trời Sakka thấy và biết nỗi khổ tâm thất vọng của Đức-Bồ-tát Kusa, nên nghĩ rằng:

“Ta nên giúp Đức-Bồ-tát Kusa gặp được Công-chúa Pabhāvatī để mọi nguyện vọng của Đức-Bồ-tát Kusa được thành tựu như ý.”

Đức-vua-trời Sakka truyền lệnh 7 vị thiên-nam hóa thành 7 sứ giả của Đức-vua Madda đến chầu 7 Đức-vua tại 7 kinh-thành đều tâu giống nhau rằng:

– “Muôn tâu Đại-vương, Công-chúa Pabhāvatī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, đã bỏ Đức-vua Kusa tại kinh-thành Kusāvatī, ngự trở về kinh-thành Sāgala rồi.

Nếu Đại-vương có nguyện vọng muốn được Công- chúa thì xin Đại-vương ngự đến kinh-thành Sāgala, xin làm lễ rước Công-chúa Pabhāvatī ngự trở về kinh-thành, rồi tấn phong lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đại-vương.”

Nghe mỗi sứ giả tâu như vậy, mỗi Đức-vua vô cùng hoan-hỷ liền truyền lệnh chuẩn bị các đoàn binh sẵn sàng, Đức-vua dẫn đầu các đoàn binh ngự đến kinh-thành Sāgala.

Bảy Đức-vua của 7 kinh-thành của 7 nước gặp nhau vấn an lẫn nhau, rồi hỏi ý định ngự đến kinh-thành Sāgala này, thì được biết 7 Đức-vua đều có một ý định giống nhau. Mỗi Đức-vua đều nổi cơn thịnh nộ Đức-vua Madda rằng:

“Đức-vua Madda có một Công-chúa Pabhāvatī mà đem ban đến 7 Đức-vua của 7 kinh-thành của 7 nước.

Đức-vua Madda đã làm một việc không hợp pháp.

Vậy, chúng ta nên bắt Đức-vua Madda đem ra hỏi tội.”

Bảy Đức-vua dẫn đầu các đoàn binh tiến vào sát kinh-thành Sāgala chờ lệnh. Mỗi Đức-vua truyền lệnh cho sứ giả đem tối hậu thư đến trình lên Đức-vua Madda với lời lẽ giống nhau rằng:

“Tâu Đức-vua Madda, xin Đức-vua ban Công-chúa Pabhāvatī cho bổn vương hay chiến tranh.”

Đức-vua Madda cùng một lúc tiếp kiến 7 sứ giả của 7 kinh-thành của 7 nước và nhận 7 tối hậu thư với lời lẽ giống nhau. Đức-vua Madda vô cùng hoảng sợ truyền lệnh các quan văn võ hội triều gấp, Đức-vua trình bày sự việc xảy ra như vậy, nên truyền hỏi các quan rằng:

– Này các khanh! Sự việc xảy ra như vậy, Trẫm nên làm thế nào, xin các quan tâu trình cho Trẫm rõ?

Nghe Đức-vua truyền hỏi như vậy, vị quan tâu rằng:

– Muôn tâu Bệ hạ, 7 Đức-vua của 7 kinh-thành của 7 nước ngự đến vây bên ngoài kinh-thành của chúng ta chỉ vì muốn được Công-chúa Pabhāvatī. Nếu không được như ý thì 7 Đức-vua truyền lệnh phá thành tiến vào bắt Bệ-hạ và Công-chúa Pabhāvatī.

Vậy, Bệ-hạ nên ban Công-chúa Pabhāvatī cho các Đức-vua trước, để tránh cửa thành bị phá và Bệ-hạ bị bắt trị tội.

Nghe vị quan tâu như vậy, Đức-vua Madda truyền bảo rằng:

– Này các khanh! Nếu Trẫm ban Công-chúa Pabhāvatī đến một Đức-vua của kinh-thành này thì 6 Đức-vua của 6 kinh-thành kia sẽ gây chiến với chúng ta.

Cho nên, Trẫm không thể ban Công-chúa Pabhāvatī đến một Đức-vua nào được. Sự thật, nguyên nhân xảy ra hôm nay là do Công-chúa Pabhāvatī của Trẫm, bởi vì Công-chúa Pabhāvatī có tính ngã mạn ỷ lại vào sắc đẹp tuyệt trần của mình mà chê Đức-vua Kusa xấu xí, rồi đã bỏ Đức-vua Kusa là một Đức-vua có oai lực phi thường, là Đức-vua cao cả nhất trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này. Cho nên, chính Công-chúa Pabhāvatī của Trẫm phải chịu hậu quả của nghiệp mà mình đã tạo.

Trẫm sẽ truyền lệnh cho đao phủ giết Công-chúa Pabhāvatī, chặt thân hình Công-chúa ra làm 7 phần, rồi đem ban đến 7 Đức-vua của 7 kinh-thành, để tránh khỏi tai họa chiến tranh phá thành, tránh khỏi sự chết chóc thê thảm.

Đức-vua Madda truyền bảo như vậy, trong cung điện đều hay biết, các nữ tỳ của Công-chúa Pabhāvatī đến tâu lệnh truyền của Đức-vua Madda cho Công-chúa Pabhāvatī biết.

Công-chúa Pabhāvatī vô cùng kinh sợ, trên gương mặt đầy nước mắt, vội đến lâu đài chầu Mẫu-hậu, tâu với Mẫu-hậu với lời than vãn rằng:

– Muôn tâu Mẫu-hậu, Đức-Phụ-vương truyền lệnh cho đao phủ giết con, chặt thân hình của con ra làm 7 phần, rồi đem ban đến 7 Đức-vua của 7 kinh-thành.

– Muôn tâu Mẫu-hậu, 7 Đức-vua ấy sẽ ném phần thân thể của con cho các con chim kên kên, diều hâu,… cắn xé nhau ăn thịt, hoặc các loài thú rừng tranh giành nhau ăn thịt.

– Muôn tâu Mẫu-hậu, kính xin Mẫu-hậu truyền lệnh cho lính gôm nhặt các xương ấy lại, rồi thiêu ra tro, rải trên mặt đất, Mẫu-hậu truyền lệnh làm vườn hoa, trồng cây hoa kaṇikā. Khi nào đến mùa kaṇikā nở rộ, khi ấy, Mẫu-hậu nhớ đến con rằng: “Công-chúa Pabhāvatī của ta có màu da giống như hoa kaṇikā như thế này.”

Công-chúa Pabhāvatī bị sự chết hăm dọa, nên than vãn, trối trăng với Mẫu-hậu của mình như vậy.

Còn Đức-vua Madda truyền lệnh gọi tên đao phủ mang thanh đao bén đến, đặt thanh đao phía trước Đức-vua, đứng chờ lệnh.

Khi ấy, Mẫu-hậu của Công-chúa Pabhāvatī có vẻ mặt sầu thảm, khóc than, ngự đến chầu Đức-vua Madda, nhìn thấy thanh đao và tên đao phủ đứng chầu chờ lệnh, Chánh-cung Hoàng-hậu khóc than thảm thiết tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-Thượng, Hoàng-Thượng sẽ truyền lệnh giết Công-chúa Pabhāvatī của thần thiếp bằng thanh đao này, chặt thi thể ra làm 7 phần rồi ban đến 7 Đức-vua của 7 kinh-thành thật vậy hay sao?

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu tâu như vậy, Đức-vua Madda truyền bảo cho Chánh-cung Hoàng-hậu hiểu rằng:

– Này Ái-khanh! Công-chúa Pabhāvatī của Ái-khanh xinh đẹp tuyệt trần có tính tự cao mà chê Đức-vua Kusa xấu xí, rồi bỏ Đức-vua Kusa có oai lực phi thường, là Đức-vua cao cả nhất trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu.

Như vậy, Công-chúa Pabhāvatī của Ái-khanh đã chuốc lấy cái chết cho mình, nên ngày nay phải chịu quả khổ của ác-nghiệp của mình. Trẫm đành phải truyền lệnh như vậy, để tránh khỏi tai họa chiến tranh xảy ra, tránh khỏi cảnh chết chóc thê thảm.

Nghe Đức-vua Madda truyền bảo như vậy, nên Chánh-cung Hoàng-hậu đảnh lễ Đức-vua, xin phép ngự đến lâu đài Công-chúa Pabhāvatī, than vãn rằng:

– Này Pabhāvatī yêu quý! Mẫu-hậu đành bất lực không thể cứu sống con được, Đức-Phụ-vương của con không chịu làm theo lời khẩn khoản của Mẫu-hậu.

Hôm nay, thân hình của con sẽ bị chặt ra làm 7 phần, con sẽ gặp tử thần một cách rất thê thảm.

– Này Pabhāvatī yêu quý! Nếu người con nào không vâng lời cha mẹ là người mà luôn luôn mong muốn những sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc lâu dài cho con mình, thì người con ấy phải chịu quả khổ như vậy.

Nếu ngày trước con có được một Đức-vua Kusa khôi ngô tuấn tú thì con sẽ được hạnh phúc an-lạc trong hoàng gia biết dường nào!

Ngày nay con đâu phải chịu cảnh khốn khổ, chịu chết thê thảm như thế này.

Mẫu-hậu của Công-chúa Pabhāvatī than vãn như vậy, rồi Bà thốt lên rằng:

– Nếu hôm nay, giả sử có Đức-vua Kusa oai lực phi thường, có giọng nói như sư tử rống, có thể cầm quân xuất trận đánh đuổi 7 Đức-vua của 7 kinh-thành hoảng sợ bỏ chạy thoát thân, cứu sống Công-chúa Pabhāvatī của ta thì hay biết chừng nào!

Không biết hiện giờ, Đức-vua Kusa đang ngự nơi nào?

Nghe Mẫu-hậu tán dương ca tụng Đức-vua Kusa như vậy, Công-chúa Pabhāvatī nghĩ rằng:

“Đức-vua Kusa đang ngự trong cung điện, hằng ngày lo công việc nấu nướng, làm các món ăn dâng Đức-Phụ-vương, Mẫu-hậu và 8 cô công-chúa.

Vậy, bây giờ ta nên tâu cho Mẫu-hậu của ta biết:

– Muôn tâu Mẫu-hậu kính yêu! Đức-vua Kusa có oai lực phi thường, có giọng nói như sư tử rống, có thể cầm quân xuất trận đánh đuổi 7 Đức-vua của 7 kinh-thành hoảng sợ bỏ chạy thoát thân. Đức-vua Kusa đang hiện diện tại nơi cung điện này. Tâu Mẫu-hậu.

Nghe Công-chúa Pabhāvatī tâu như vậy, Mẫu-hậu của Công-chúa nghĩ rằng: “Công-chúa Pabhāvatī của ta quá sợ chết, nên nói xàm như vậy”.

Mẫu hậu của Công chúa truyền bảo rằng:

– Này Pabhāvatī! Con điên rồi hay sao mà nói xàm như vậy, hay con là đứa vô giáo dục, mới có thể nói như vậy. Nếu Đức-vua Kusa ngự đến kinh-thành Sāgala thì tại sao Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu không hề hay biết?

Con quá sợ chết rồi nói xàm có phải vậy không?

Khi Mẫu-hậu truyền bảo như vậy, Công-chúa Pabhāvatī nghĩ rằng:

“Mẫu hậu không tin lời của ta, và không biết Đức-vua Kusa đã ngự đến đây suốt 7 tháng qua. Vậy, ta sẽ chỉ Đức-vua Kusa cho Mẫu-hậu của ta thấy”.

Công-chúa Pabhāvatī liền nắm tay của Mẫu-hậu đến mở cánh cửa sổ, đưa tay chỉ về phía nhà bếp, để cho Mẫu-hậu nhìn xuống, rồi tâu rằng:

– Muôn tâu Mẫu-hậu kính yêu! Đức-vua Kusa giả dạng làm người đầu bếp đang đứng rửa các nồi niêu, bát đĩa tại nhà bếp gần lâu đài của các con.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Kusa nghĩ rằng:

“Hôm nay, nguyện vọng của ta chắc chắn sẽ được thành tựu như ý, bởi vì Công-chúa Pabhāvatī quá sợ chết, nên tâu với Mẫu-hậu và Đức-Phụ-vương biết rằng: Ta đang hiện diện ngự trong cung điện này.”

Đức-Bồ-tát Kusa ngự đi lấy nước về tiếp tục rửa các bát đĩa còn lại, rồi dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ.

Nghe Công-chúa Pabhāvatī tâu như vậy, Mẫu-hậu quở mắng Công-chúa Pabhāvatī rằng:

– Này Pabhāvatī! Con là đứa con hư đốn! Con đã làm hại hoàng gia rồi!

Con là Công-chúa của Đức-vua Madda, là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Kusa, tại sao con để Đức-vua Kusa, Phu-quân của con làm người tôi tớ như vậy?

Công-chúa Pabhāvatī bị Mẫu-hậu quở mắng, nên tâu cho Mẫu-hậu rõ rằng:

– Muôn tâu Mẫu-hậu kính yêu, con đâu phải là gái hư đốn, con không làm hại hoàng gia.

Người đứng kia là Đức-vua Kusa, Thái-tử của Đức-Thái-Thượng-hoàng Okkāka và Chánh-cung Hoàng-hậu Sīlavatī ngự tại kinh-thành Kusāvatī, trị vì đất nước Malla rộng lớn.

– Muôn tâu Mẫu-hậu kính yêu, Mẫu-hậu không nên nghĩ Đức-vua là người tôi tớ.

Nghe Công-chúa Pabhāvatī tâu khẳng định như vậy, Mẫu-hậu tin đó là sự thật, nên Bà ngự đến chầu Đức-vua Madda tâu trình rõ sự thật như vậy.

Đức-vua Madda liền ngự đến lâu đài của Công-chúa Pabhāvatī truyền hỏi rằng:

– Này Pabhāvatī! Nghe Mẫu-hậu của con tâu với Đức-Phụ-vương rằng:

“Đức-vua Kusa đang hiện diện ngự tại cung điện có thật như vậy hay không?”

Công-chúa Pabhāvatī tâu rằng:

– Muôn tâu Đức-Phụ-vương kính yêu, Đức-vua Kusa đang hiện diện ngự tại cung điện này, đúng là sự thật như vậy.

Đức-vua Madda liền quở mắng Công-chúa Pabhāvatī:

– Này Pabhāvatī! Con là đứa con hư đốn! Con đã phạm trọng tội nặng nề!

Đức-vua Kusa có oai lực phi thường, là Đức-vua cao cả nhất trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, như con bạch tượng chúa quý báu.

Vậy mà con dám xem thường Đức-vua Kusa ngự đến đây như một con ếch được hay sao?

Sau khi quở mắng Công-chúa Pabhāvatī, rồi Đức-vua Madda vội ngự đến chầu Đức-Bồ-tát Kusa, vấn an sức khỏe, rồi chắp hai tay tâu lời xin lỗi rằng:

– Muôn tâu Đại-vương cao cả, xin Đại-vương có tâm đại bi tha thứ những tội lỗi của bổn vương, bởi vì không biết Đại-vương đã ngự đến nơi đây với hình thức mà không một ai biết được.

Nghe Đức-vua Madda tâu như vậy, Đức-Bồ-tát Kusa tâu để cho Đức-vua Madda an tâm rằng:

– Tâu Đại-vương, bổn vương là người đầu bếp phụ mà Đại-vương kính trọng.

– Tâu Đại-vương cao quý, Đại-vương không có lỗi nào khiến cho bổn vương phải tha thứ.

Sau khi tâu chuyện với Đức-Bồ-tát Kusa, Đức-vua Madda xin phép ngự trở lại lâu đài Công-chúa Pabhāvatī, truyền bảo rằng:

– Này Pabhāvatī hư đốn! Con hãy mau đi chầu đảnh lễ Đức-vua Kusa, rồi cúi xin Người có tâm đại bi tha thứ tội lỗi, may ra sinh mạng của con sẽ được cứu sống trong ngày hôm nay.

Công chúa Pabhāvatī chầu Đức-vua Bồ-tát Kusa

Tuân lệnh Đức-Phụ-vương, Công-chúa Pabhāvatī và 7 hoàng muội ngự đi cùng với đoàn thị nữ đông đảo đến chầu Đức-Bồ-tát Kusa tại nơi nhà bếp.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Kusa đang đứng rửa nồi niêu, bát đĩa. Nhìn thấy Công-chúa Pabhāvatī dẫn đầu đoàn tùy tùng thuộc hạ đang ngự đến, Đức-Bồ-tát Kusa nghĩ rằng:

“Hôm nay, ta sẽ làm cho Công-chúa Pabhāvatī không còn ngã mạn nữa, mà phải cúi lạy dưới hai bàn chân của ta trên vũng bùn lầy này.”

Đức-Bồ-tát Kusa đổ hết nước xuống nền đất, rồi lấy hai bàn chân đạp, để bùn lầy nổi lên xung quanh chỗ đứng. Công-chúa Pabhāvatī ngự đến gần Đức-Bồ-tát Kusa, cúi xuống đảnh lễ dưới đôi bàn chân, rồi nắm chặt đôi bàn chân của Đức-Bồ-tát Kusa mà tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-Thượng cao cả, thần thiếp là Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, thần thiếp thành kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Hoàng-Thượng, kính xin Hoàng-Thượng có tâm đại bi thương xót mà tha thứ mọi tội lỗi của thần thiếp, xin đừng nổi cơn thịnh nộ đối với thần thiếp nữa.

Thần thiếp hứa với lời chân thật rằng:

“Từ nay về sau, thần thiếp không còn ghét Hoàng-Thượng nữa, chỉ có một lòng yêu thương tha thiết Hoàng-Thượng mà thôi.”

Nếu Hoàng-Thượng không có tâm đại bi thương xót tế độ thần thiếp đang khẩn khoản cầu xin, thì Đức-Phụ-vương chắc chắn truyền lệnh tên đao phủ giết thần thiếp, rồi chặt ra làm 7 phần, đem ban đến 7 Đức-vua của 7 kinh-thành, ngay trong ngày hôm nay.

Nghe lời tha thiết khẩn khoản của Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, Đức-Bồ-tát Kusa truyền bảo cho Chánh-cung Hoàng-hậu an tâm rằng:

– Này Ái-khanh Pabhāvatī! Khi Ái-khanh tha thiết khẩn khoản như vậy, không lẽ Trẫm không làm theo lời khẩn khoản cầu xin của Ái-khanh được hay sao?

– Này Ái-khanh Pabhāvatī! Trẫm không còn giận hờn Ái-khanh nữa đâu. Ái-khanh không nên sợ hãi gì cả.

– Này Ái-khanh Pabhāvatī! Thật ra, Trẫm có thừa khả năng đánh chiếm kinh-thành Sāgala, tàn sát hoàng gia Đức-vua Madda, bắt Ái-khanh đem trở về kinh-thành Kusāvatī, nhưng vì quá yêu thương tha thiết Ái-khanh, nên Trẫm nhẫn nại chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ thân khổ tâm cho đến ngày nay.

– Này Ái-khanh Pabhāvatī! Trẫm cũng hứa với Ái-khanh với lời chân thật rằng:

“Trẫm không còn giận hờn Ái-khanh nữa! Trẫm rất yêu thương tha thiết Ái-khanh.”

Đức-vua Bồ-tát Kusa nhìn thấy Công-chúa Pabhāvatī của mình xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ hầu hạ Đức-vua trời Sakka, nên Đức-vua Bồ-tát Kusa phát sinh tâm ngã-mạn vua chúa nghĩ rằng:

“Khi ta đang còn hiện diện trên đời này thì không một Đức-vua nào có khả năng chiếm đoạt Chánh-cung Hoàng-hậu của ta được!”

Đức-vua Bồ-tát Kusa muốn chứng tỏ oai lực phi thường để cho mọi người biết, nên ngự đến sân trước cung điện, tuyên bố cho toàn thể hoàng gia cùng dân chúng trong kinh-thành Sāgala bằng giọng như sư tử rống rằng:

“Ta là Đức-vua Kusa, đã ngự đến rồi! Ta sẽ bắt sống 7 Đức-vua của 7 kinh-thành. Các ngươi hãy chuẩn bị voi báu và các đoàn binh cho ta.”

Đức-vua Bồ-tát Kusa tâu với Đức-vua Madda rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, việc bắt sống 7 Đức-vua của 7 kinh-thành là phận sự của bổn vương.

Kính thỉnh Đại-vương an hưởng sự an-lạc trên lâu đài.

Đức-vua Madda truyền lệnh các quan gọi thợ đến cắt tóc sửa râu cho Đức-vua Bồ-tát Kusa xong, rồi Đức-vua Bồ-tát Kusa tắm, trang phục vương phục đầy đủ, ngự bước lên lâu đài cao, nhìn khắp mọi hướng, rồi truyền lệnh rằng:

– Này quý vị! Xin quý vị hãy xem Trẫm cầm quân xuất trận chiến đấu với các kẻ thù.

Những hoàng thân của Đức-vua Madda ở trên lâu đài trong cung điện mở cửa sổ nhìn theo dõi Đức-vua Bồ-tát Kusa cầm quân xuất trận.

Khi ấy, Đức-vua Madda truyền lệnh quan nài voi dẫn con bạch tượng quý báu với trang sức đầy đủ, đem đến dâng Đức-vua Bồ-tát Kusa.

Đức-vua Bồ-tát Kusa ngự lên ngồi trên cổ voi báu, phía trên có che chiếc lọng trắng, rồi truyền lệnh rằng:

– Này các khanh! Các khanh hãy mời Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī đến.

Đức-vua Bồ-tát Kusa truyền bảo Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī ngự lên voi báu ngồi phía sau Đức-vua.

Chiến thắng 7 Đức-vua của 7 kinh-thành

Đức-vua Bồ-tát Kusa dẫn đầu 4 đoàn binh xuất trận ngự ra cửa thành hướng Đông, nhìn thấy các đoàn binh của kẻ thù, nên Đức-vua Bồ-tát Kusa tuyên bố bằng giọng sư tử rống 3 lần rằng:

“Ta là Đức-vua Kusa! Ai muốn sống thì hãy đến khuất phục dưới chân ta.”

Nghe giọng sư tử rống của Đức-vua Bồ-tát Kusa làm cho 7 Đức-vua của 7 kinh-thành đều mất trí điên loạn, kinh hồn bạt vía, không biết đường chạy thoát thân.

Nghe giọng sư tử rống của Đức-vua Bồ-tát Kusa các đoàn binh như đoàn tượng binh, đoàn mã binh, đoàn quân xa, đoàn bộ binh vô cùng khiếp vía kinh hồn chạy tán loạn.

Đức-vua trời Sakka trên cõi trời Tam-thập Tam-thiên nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Kusa chiến thắng 7 Đức-vua của 7 kinh-thành nơi trận địa, nên Đức-vua-trời Sakka vô cùng hoan-hỷ dâng viên ngọc maṇi tên Verocana xán lạn đến Đức-vua Bồ-tát Kusa.

Đức-vua Bồ-tát Kusa có tướng tốt của bậc-đại-nhân

Do oai lực viên ngọc maṇi tên Verocana xán lạn của Đức-vua-trời Sakka, nên thân hình và gương mặt xấu xí đáng ghê sợ của Đức-vua Bồ-tát Kusa bị biến mất. Ngay khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Kusa có các tướng tốt của bậc-đại-nhân thật đáng tôn kính.

Sau khi chiến thắng, Đức-vua Bồ-tát Kusa truyền lệnh bắt 7 Đức-vua của 7 kinh-thành, trói 2 tay ra sau lưng dẫn đi theo Đức-vua cùng với Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī ngồi trên voi báu ngự trở vào kinh-thành.

Đức-vua Bồ-tát Kusa dẫn 7 Đức-vua của 7 kinh-thành đến kính dâng lên Đức-vua Madda và tâu rằng:

– Tâu nhạc Phụ-vương, 7 Đức-vua của 7 kinh-thành này là kẻ thù của nhạc Phụ-vương, không phải kẻ thù của bổn vương.

Nay, 7 Đức-vua đã bị bắt nằm trong quyền sinh sát của nhạc Phụ-vương, kính thỉnh nhạc Phụ-vương phán xét họ tùy ý.

Nhạc Phụ-vương muốn 7 Đức-vua này trở thành kẻ tôi tớ hoặc giết chết tất cả, hoặc tha bổng để 7 Đức-vua ngự trở về kinh-thành của mỗi Đức-vua, tùy theo ý của nhạc Phụ-vương.

Nghe Đức-vua Bồ-tát Kusa tâu như vậy, Đức-vua Madda tâu rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương là Đức-vua cao cả hơn bổn vương. Vậy, chính Đại-vương muốn giết 7 Đức-vua này thì giết, hoặc muốn tha bổng thì tha, để 7 Đức-vua ngự trở về kinh-thành của mỗi Đức-vua.

Nghe Đức-vua Madda tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Kusa nghĩ rằng:

“Ích lợi gì ta giết 7 Đức-vua của 7 kinh-thành này. Đức-vua Madda có 7 cô công-chúa rất xinh đẹp như thiên-nữ là hoàng muội của Công-chúa Pabhāvatī.

Vậy, để 7 Đức-vua của 7 kinh-thành này đã ngự đến đây không mất sự lợi ích, ta nên tâu với Đức-vua Madda ban 7 cô công-chúa đến 7 Đức-vua của 7 kinh-thành.

Đó là điều hạnh phúc biết dường nào!”

Nghĩ vậy, nên Đức-vua Bồ-tát Kusa tâu với Đức-vua Madda rằng:

– Tâu nhạc Phụ-vương, nhạc Phụ-vương có 7 cô công-chúa rất xinh đẹp như thiên-nữ, kính xin nhạc Phụ-vương ban 7 cô công-chúa ấy đến 7 Đức-vua của 7 kinh-thành, để 7 cô công-chúa ấy trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của 7 Đức-vua ấy, và 7 Đức-vua ấy trở thành phò mã của nhạc Phụ-vương.

Đó là điều hạnh phúc biết dường nào!

Nghe Đức-vua Bồ-tát Kusa tâu như vậy, Đức-vua Madda vô cùng hoan-hỷ ban 7 cô công-chúa của mình đến 7 Đức-vua của 7 kinh-thành, nên tâu rằng:

– Tâu Đại-vương, Đại-vương là Đức-vua cao cả nhất trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này, gồm cả 7 Đức-vua của 7 kinh-thành và bổn vương cùng các cô công-chúa của bổn vương nữa.

Vậy, chỉ có Đại-vương mới có quyền ban 7 cô công- chúa đến 7 Đức-vua của 7 kinh-thành mà thôi.

Kính xin Đại-vương nhận xét thấy công-chúa nào xứng đáng với Đức-vua nào thì Đại-vương ban công chúa ấy đến Đức-vua ấy, tùy theo ý của Đại-vương.

Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Kusa truyền bảo các quan cho người trang sức đầy đủ 7 cô công-chúa của Đức-vua Madda thật xinh đẹp lộng lẫy, rồi Đức-vua Bồ-tát Kusa ban mỗi cô công-chúa xứng đáng đến mỗi Đức-vua.

Cho nên, 7 cô công-chúa và 7 Đức-vua rất hài lòng vô cùng hoan-hỷ hợp với ý của mình.

Khi ấy, 7 Đức-vua và 7 cô công-chúa đảnh lễ Đức-vua Bồ-tát Kusa, nhạc-Phụ-vương và nhạc Mẫu-hậu, rồi xin phép hồi cung, mỗi Đức-vua và công-chúa dẫn đầu các đoàn binh ngự trở về kinh-thành của mình.

Hồi cung ngự trở về kinh-thành Kusāvatī

Nghỉ lại 2-3 ngày sau, Đức-vua Bồ-tát Kusa và Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī đảnh lễ Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu, xin phép hồi cung ngự trở về kinh-thành Kusāvatī.

Đức-vua Bồ-tát Kusa và Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī cùng ngồi chung trên chiếc long xa sang trọng rất xứng đôi, bởi vì Đức-vua Bồ-tát Kusa có các tướng tốt của bậc đại-nhân cùng với Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên-nữ.

Nghe tin báo Đức-vua Bồ-tát Kusa và Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī hồi cung ngự trở về kinh-thành Kusāvatī, Mẫu-hậu và Đức-Phụ-hoàng truyền lệnh các quan thông báo dân chúng trang hoàng kinh-thành lộng lẫy, để đón rước Đức-vua Bồ-tát Kusa và Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī.

Mẫu-hậu Sīlavatī và Hoàng-đệ Jayampati của Đức-vua Bồ-tát Kusa ngự cùng các quan, các đoàn binh ra ngoài kinh-thành chờ đón ruớc Đức-vua Bồ-tát Kusa và Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, thỉnh ngự vào kinh-thành Kusāvatī.

Sau khi ngự vào cung điện được trang hoàng lộng lẫy, Đức-vua Bồ-tát Kusa truyền lệnh cho dân chúng tổ chức ca hát nhảy múa vui chơi suốt 7 ngày đêm.

Từ đó về sau, Đức-vua Bồ-tát Kusa và Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī sống hòa hợp, yêu thương lẫn nhau, ngự tại kinh-thành Kusāvatī, trị vì đất nước Malla được thanh bình thịnh vượng, dân chúng được sống an cư lạc nghiệp.

Đức-vua Bồ-tát Kusa và Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī thực-hành bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật cho đến suốt đời.

Sau khi thuyết tích Kusajātaka xong, Đức-Thế-Tôn thuyết giảng chân-lý tứ Thánh-đế, chư tỳ-khưu chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, tùy theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ là tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị.

Tích Kusajātaka liên quan đến kiếp hiện tại

Trong tích Kusajātaka này Đức-Bồ-tát là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Thái-tử Kusa trong thời quá khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Kusajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

– Đức-Phụ-vương Okkāka và Mẫu-hậu Sīlavatī, nay kiếp hiện tại là Đức-Phụ-vương Suddhodana và Mẫu-hậu Mahāmayādevī.

– Hoàng-đệ Jayampati, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

– Bà Khujjā, nay kiếp hiện-tại là bà Khujjuttarā upāsikā.

– Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Yasodharā.

– Nhóm tùy tùng thuộc hạ, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.

– Đức-vua Bồ-tát Kusa, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Nhận xét về tích Pañcapāpī và tích Kusajātaka

* Tích Pañcapāpī: Tiền-kiếp của cô là con gái của gia đình nghèo khổ, ngồi nhồi đất cho nhuyễn để bán cho người ta trát vách nhà. Khi ấy, Đức-Phật Độc-Giác cần đất nhuyễn để trát vách chỗ ở, nên Đức-Phật Độc-Giác mặc y, mang bát ngự vào cửa thành phía Đông kinh-thành Bārāṇasī, đứng trước nhà cô gái đang nhồi đất.

Nhìn thấy Đức-Phật Độc-Giác đứng trước nhà, cô gái phát sinh sân-tâm bực bội buông lời nói rằng:

“Mattikampi bhikkhati!”

Đất mà Sa-môn này cũng đi xin!

Mặc dù cô nói có vẻ bực bội như vậy, nhìn thấy Đức-Phật Độc-Giác vẫn đứng tự nhiên, khiến cô phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật Độc-Giác, rồi cung-kính bạch rằng:

– Kính bạch Ngài Sa-môn, Ngài muốn được đất nhuyễn phải không? Kính thỉnh Ngài đợi con một lát.

Bạch xong, cô nhồi đất nhuyễn rất đặc biệt, rồi đem tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đất nhuyễn rất đặc biệt ấy đến Đức-Phật Độc-Giác với đại-thiện-tâm trong sạch hoan-hỷ trong phước-thiện bố-thí cúng dường đất nhuyễn rất đặc biệt ấy.

Về sau, sau khi cô gái nghèo ấy chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí cúng-dường đất nhuyễn ấy cho quả tái-sinh đầu thai vào lòng người đàn bà nghèo, nhà ở gần cửa thành Bārāṇasī.

Khi sinh ra đời, đứa bé gái có 5 bộ phận trong thân thể xấu xí là tay, chân, miệng, mắt, lỗ mũi. Vì vậy, người ta gọi cô là Pañcapāpī (cô gái có 5 bộ phận xấu xí).

Đó là quả xấu của ác-nghiệp sân-tâm trước khi tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đất nhuyễn đặc biệt đến Đức-Phật Độc-Giác trong tiền-kiếp của cô.

Khi cô trưởng thành, hễ ai đụng đến thân thể của cô, đều có cảm giác như tiếp xúc với đối-tượng xúc đặc biệt của cõi trời, cảm giác sung sướng say đắm chưa từng có.

Đó là quả tốt của đại-thiện-nghiệp hoan-hỷ đang khi bố-thí cúng dường đất thật nhuyễn đặc biệt trong tiền-kiếp của cô đến Đức-Phật Độc-Giác.

Khi trưởng thành, cô Pañcapāpī trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của 2 Đức-vua là Đức-vua Baka và Đức-vua Bāvarika.

Đó là quả tốt của đại-thiện-nghiệp hoan-hỷ sau khi đã bố-thí cúng dường đất thật nhuyễn đặc biệt trong tiền-kiếp của cô đến Đức-Phật Độc-Giác.

* Về tích Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa là hậu-kiếp của người em trai chồng của tiền-kiếp Công chúa Pabhāvatī.

Tiền-kiếp của Công chúa Pabhāvatī là người chị dâu của Đức-Bồ-tát. Một hôm, người chị dâu (tiền-kiếp của Công-chúa Pabhāvatī) đem phần bánh chiên của Đức-Bồ-tát em chồng, tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường đặt bát đến Đức-Phật Độc-Giác. Ngay khi ấy, Đức-Bồ-tát em chồng từ rừng trở về, biết người chị dâu đem phần bánh chiên của mình cúng dường đặt bát đến Đức-Phật Độc-Giác, nên Đức-Bồ-tát em chồng phát sinh tâm sân giận dữ, đến lấy lại phần bánh chiên của mình từ trong bát của Đức-Phật Độc-Giác.

Người chị dâu nhìn thấy người em chồng làm như vậy, nên thỉnh Đức-Phật Độc-Giác chờ cô về nhà cha mẹ lấy bơ lỏng mới và trong trẻo có màu giống màu hoa lan, đem về cung-kính tạo phước-thiện bố-thí cúng dường để đầy bát của Đức-Phật Độc-Giác, với đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ.

Nhìn thấy bơ lỏng tỏa ra ánh sáng, nàng phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch phát nguyện rằng:

– Kính bạch Ngài, do phước-thiện bố-thí cúng dường bơ lỏng mới trong trẻo này, xin cho đại-thiện-nghiệp bố-thí cúng dường thanh cao này cho quả tái-sinh kiếp sau của con có sắc đẹp tuyệt trần như thiên nữ, thân hình của con có ánh sáng tỏa ra suốt ngày đêm.

Và xin cho kiếp sau của con không sống chung cùng một nhà với hậu-kiếp của em trai của chồng con.

Khi nghe lời phát nguyện của người chị dâu như vậy, Đức-Bồ-tát em chồng vội đem phần bánh chiên của mình đến kính xin tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đặt trong bát đầy bơ lỏng của Đức-Phật Độc-Giác, rồi xin phát nguyện rằng:

– Kính bạch Ngài, kiếp sau của người chị dâu này của con, dù có ở bất cứ nơi xa xôi nào hằng trăm do tuần, xin cho kiếp sau của con cũng có khả năng đem về làm vợ của con cho được.

Đó là tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa và tiền-kiếp Công-chúa Pabhāvatī với nghiệp của mỗi người và lời phát nguyện của mỗi người như vậy.

* Đức-Bồ-tát Thái-tử Kusa có thân hình và gương mặt xấu xí đáng ghê sợ.

Đó là quả xấu của ác-nghiệp sân giận dữ lấy lại phần bánh chiên của mình từ trong bát của Đức-Phật Độc-Giác.

* Đức-vua Bồ-tát Kusa thành hôn với Công-chúa Pabhāvatī, rồi tấn phong lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của mình.

Đó là quả tốt của đại-thiện-nghiệp bố-thí cung-kính cúng dường phần bánh chiên của mình đặt trong bát đầy bơ lỏng của Đức-Phật Độc-Giác, và lời phát nguyện trong tiền-kiếp của Đức-vua Bồ-tát Kusa.

* Công-chúa Pabhāvatī nhìn thấy Đức-vua Kusa có thân hình và gương mặt xấu xí đáng ghê sợ, rồi bỏ Đức-vua Kusa ngự trở về kinh-thành Sāgala của mình.

Đó là quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí cúng dường bơ lỏng mới trong trẻo, và lời phát nguyện trong tiền-kiếp của Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī.

* Đức-Bồ-tát Kusa rước Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī ngự trở lại kinh-thành Kusāvatī.

Đó là quả đại-thiện-nghiệp và lời phát nguyện của Đức-Bồ-tát tiền-kiếp Đức-vua Bồ-tát Kusa có nhiều năng lực hơn lời phát nguyện của Chánh-cung Hoàng-hậu Pabhāvatī, khiến Đức-vua-trời Sakka trên cõi trời Tam-thập-Tam-thiên trợ duyên giúp cho Đức-vua Bồ-tát Kusa được thành tựu như ý.

Nghiệp và quả của nghiệp thật là công bằng không hề thiên vị một ai cả. Nếu ác-nghiệp nào gặp nghịch-duyên(1) thì ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy.

Nếu đại-thiện-nghiệp nào gặp thuận-duyên(2) thì đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy.

Đức-Phật dạy về nghiệp và quả của nghiệp rằng:

“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni, kamma-bandhu, kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi.”(1)

(Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’ ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.)

Trong 10 phước-thiện puññakriyāvatthu, người thiện tạo mỗi phước-thiện cần phải trải qua 3 thời-kỳ tác-ý.

1- Pubbacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại- thiện-tâm trước khi tạo phước-thiện bố-thí ấy (có thời gian không nhất định).

2- Muñcacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm khi đang tạo phước-thiện bố-thí ấy.

3- Aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm sau khi đã tạo phước-thiện bố-thí ấy (theo thời gian sau nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm).

 

Bài viết trích từ cuốn Phước ThiệnTỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn. Quý vị có thể tải sách bản PDF tại đây.

 

AUDIO TOÀN BỘ CUỐN SÁCH PHƯỚC THIỆN