Quyển 5 - Phước Thiện (tái bản)

Tận cùng pháp-hành cấu tạo & vấn đáp chánh pháp

By Nền Tảng Phật Giáo

May 22, 2020

Tận cùng pháp-hành cấu tạo

Đức-Thế-Tôn thuyết dạy chư tỳ-khưu rằng:

“Nāhaṃ bhikkhave, gamanena lokassa antaṃ ñāteyyaṃ daṭṭheyyaṃ pattheyyan’ti vadāmi.

Na ca bhikkhave appatvā lokassa antaṃ dukkhassa antakiriyaṃ vadāmi…”

“- Này chư tỳ-khưu! Như-Lai không thuyết dạy rằng:

“Chúng-sinh có khả năng biết, thấy, đạt đến tận cùng toàn pháp-hành saṅkhāraloka: do nhân-duyên cấu tạo bằng sự đi.tìm.”

– Này chư tỳ-khưu! Như-lai chưa đạt đến tận cùng của toàn pháp-hành saṅkhāraloka, Như-lai không thuyết dạy các con thực-hành pháp-hành dẫn đến, đạt đến tận cùng sự khổ-đế trong tam-giới.”

Sau khi truyền dạy như vậy, Đức-Thế-Tôn đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, ngự vào cốc gandhakuṭi.

Đức-Thế-Tôn sau khi ngự vào cốc gandhakuṭi, chư tỳ-khưu bàn thảo với nhau rằng:

– Này chư pháp-hữu! Đức-Thế-Tôn thuyết dạy bài pháp đầu đề tóm tắt cho chúng ta, mà chưa khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc các đầu đề của bài pháp ấy, rồi Đức-Thế-Tôn đứng dậy ngự vào cốc gandhakuṭi.

Vậy, Ngài Trưởng-lão nào có khả năng giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy.

Khi ấy, nhóm tỳ-khưu có ý kiến rằng: “Ngài Trưởng-lão Ānanda mà Đức-Thế-Tôn cùng chư pháp-hữu đồng phạm hạnh thiện-trí đều tán dương ca tụng tài đức Ngài Trưởng-lão.

Chắc chắn, Ngài Trưởng-lão Ānanda có khả năng giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy.

Vậy, chúng ta cùng nhau đi đến tìm Ngài Trưởng-lão Ānanda.”

Nhóm tỳ-khưu đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Ānanda, rồi bạch với Ngài rằng:

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, Đức-Thế-Tôn thuyết dạy bài pháp rằng:

“Nāhaṃ bhikkhave, gamanena lokassa antaṃ ñāteyyaṃ daṭṭheyyaṃ pattheyyan’ti vadāmi.

Na ca bhikkhave appatvā lokassa antaṃ dukkhassa antakiriyaṃ vadāmi…”

“- Này chư tỳ-khưu! Như-Lai không thuyết dạy rằng:

“Chúng-sinh có khả năng biết, thấy, đạt đến tận cùng toàn pháp-hành saṅkhāraloka: do nhân-duyên cấu tạo bằng sự đi tìm.”

– Này chư tỳ-khưu! Như-lai chưa đạt đến tận cùng của toàn pháp-hành saṅkhāraloka, Như-lai không thuyết dạy các con thực-hành pháp-hành dẫn đến, đạt đến tận cùng sự khổ-đế trong tam-giới.”

Sau khi truyền dạy như vậy, Đức-Thế-Tôn đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, ngự vào cốc gandhakuṭi.

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, chúng tôi kính thỉnh Ngài Trưởng-lão giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy.

Nghe nhóm tỳ-khưu bạch như vậy, Ngài Trưởng-lão Ānanda thưa rằng:

– Thưa quý vị! Ví như người đi tìm lõi cây, tìm gặp cây lớn có lõi, người ấy bỏ qua thân cây và rễ, mà tìm lõi cây ở nơi cành cây và lá, như thế nào.

Quý vị cũng như thế ấy, khi Đức-Thế-Tôn đang hiện hữu thì quý vị không kính thỉnh Ngài giảng giải khai triển giảng giải, mà lại đến hỏi tôi.

Nhóm tỳ-khưu tha thiết khẩn khoản, Ngài Trưởng- lão Ānanda hoan-hỷ giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy.

Sau khi nghe Ngài Trưởng-lão Ānanda giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy xong, Ngài Trưởng-lão Ānanda khuyên nhóm tỳ-khưu ấy rằng:

– Thưa quý vị! Muốn hiểu rõ ràng hơn, xin quý vị nên đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch hỏi lại câu hỏi ấy, Đức-Thế-Tôn giảng giải như thế nào, xin quý vị ghi nhớ như thế ấy.

Theo sự hướng dẫn của Ngài Trưởng-lão Ānanda, nhóm tỳ-khưu đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi kính bạch Đức-Thế-Tôn rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Đức-Thế-Tôn đã thuyết dạy bài pháp ấy rằng:

“Nāhaṃ bhikkhave, gamanena lokassa antaṃ ñāteyyaṃ daṭṭheyyaṃ pattheyyan’ti vadāmi.

Na ca bhikkhave appatvā lokassa antaṃ dukkhassa antakiriyaṃ vadāmi…”

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sau khi truyền dạy như vậy, Đức-Thế-Tôn đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, ngự vào cốc gandhakuṭi.

Chúng con không hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy, nên chúng con cùng nhau đi đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Ānanda, kính xin Ngài Trưởng-lão giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài pháp cho các con nghe với lời lẽ như vậy, với chữ như vậy, với câu như vậy.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

“Paṇḍito bhikkhave! Ānando, mahāpañño bhikkhave, Ānando, maṃ cepi tumhe bhikkhave, etamatthaṃ paṭipuccheyyātha, ahampi taṃ evamevaṃ byākareyyaṃ. Yathā taṃ Ānandena byākataṃ, eso cevetassa attho, evañca naṃ dhāreyyātha”

“- Này chư tỳ-khưu! Ānanda là bậc thiện-trí.

– Này chư tỳ-khưu! Ānanda là bậc đại-trí-tuệ.

– Này chư tỳ-khưu! Nếu các con bạch hỏi, thỉnh cầu

Như-Lai giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy, thì Như-Lai cũng giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy giống như Ānanda vậy.

Như Ānanda giảng giải khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của vấn đề ấy, đó là ý nghĩa của vấn đề ấy. Các con nên ghi nhớ rõ như vậy”.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, chư tỳ-khưu vô cùng hoan-hỷ nghe theo lời dạy của Đức-Thế-Tôn.

Vấn đáp chánh-pháp

Cuộc vấn đáp chánh-pháp giữa cận-sự-nam Visakha là bậc Thánh Bất-lai với Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Dhammadinnā là bậc Thánh A-ra-hán trong bài kinh Cūḷavedallasutta được tóm lược phần chính như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha. Khi ấy, cận-sự-nam Visakha đến đảnh lễ Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Dhamma-dinnā, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Cận-sự-nam Visakha hỏi Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Dhammadinnā những câu hỏi sâu sắc về các pháp, thì Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni đều giải đáp rõ ràng làm cho cận-sự-nam Visakha vô cùng hoan-hỷ theo lời giải đáp của Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni.

Khi ấy, Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Dhammadinnā tác động, khuyến khích cận-sự-nam Visakha rằng:

– Này cận-sự-nam Visakha! Ông nên đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch hỏi lại những câu hỏi ấy.

Khi Đức-Thế-Tôn truyền dạy như thế nào, thì ông nên ghi nhớ như thế ấy.

Cận-sự-nam Visakha đảnh lễ Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Dhammadinnā, xin phép đi đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Cận-sự-nam Visakha kính bạch lại Đức-Thế-Tôn toàn cuộc vấn đáp giữa ông với Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Dhammadinnā từ đầu đến cuối.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

“- Paṇḍitā Visakha, Dhammadinnā bhikkhunī, mahā-paññā Visakha, Dhammadinnā bhikkhunī. Maṃ cepi tvaṃ Visakha, etamatthaṃ puccheyyāsi, ahampi taṃ evamevaṃ byākareyyaṃ, yathā taṃ Dhammadinnāya bhikkhuniyā byākataṃ, eso cevetassa attho, evañca naṃ dhārehi”.

“- Này Visakha! Dhammadinnā bhikkhunī là bậc thiện-trí.

– Này Visakha! Dhammadinnā bhikkhunī là bậc đại-trí-tuệ.

– Này Visakha! nếu con bạch hỏi Như-Lai những câu hỏi ấy thì Như-Lai cũng giải đáp giống như tỳ-khưu-ni Dhammadinnā vậy.

Tỳ-khưu-ni Dhammadinnā giải đáp những câu hỏi ấy, đó là ý nghĩa của câu hỏi. Con nên ghi nhớ như vậy.”

Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, cận-sự-nam Visakha vô cùng hoan-hỷ nghe theo lời dạy của Đức-Thế-Tôn.

Phước-thiện thuyết-pháp là thuyết giảng những pháp mà Đức-Phật đã thuyết giảng, những luật mà Đức-Phật đã chế định, rồi ban hành.

* Như Ngài Trưởng-lão Soṇakuṭikaṇṇa tụng đọc tạng Kinh, phần aṭṭhakavagga từng chữ từng câu đúng đắn rõ ràng với giọng rất hay.

Khi Ngài Trưởng-lão Soṇa tụng xong, Đức-Thế-Tôn hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay!Lành thay!

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

“Suggahito te bhikkhu, dhammo, mayā desitakāle ca ajja ca ekasadisāva desanā, kiñci ūnaṃ vā adhikaṃ vā natthi.” (Aṅg. Soṇakuṭikaṇṇattheravatthu)

– Này tỳ-khưu! Chánh-pháp mà con đã học, ghi nhớ đúng đắn, Như-Lai đã thuyết dạy trong thời gian trước đây và ngày nay giống như một, không thiếu không dư.

* Bậc Thánh Thanh-văn, hoặc cận-sự-nam, cận-sự-nữ, hoặc chư-thiên,… có khả năng thuyết giảng những pháp nào, những pháp ấy chỉ khi nào được Đức-Phật xác nhận, thì những pháp ấy mới được xem là chánh-pháp đáng ghi nhớ mà thôi.

Những bài kinh trên được trích dẫn làm ví dụ, nên tìm đọc đầy đủ trong các bộ kinh như sau:

* Kinh Mahākaccānabhaddekarattasutta trong Trung-bộ-kinh, phần Uparipaṇṇāsapāḷi.

* Kinh Lokantagamanasutta trong Đồng-loại-bộ-kinh, phần Saḷāyatanavaggasaṃyuttapāḷi.

* Kinh Cūḷavedallasutta trong Trung-bộ-kinh, phần Mūlapaṇṇāsapāḷi.

Phước-thiện thuyết-pháp là phước-thiện được phát sinh do thuyết giảng những chánh-pháp của Đức-Phật được trích dẫn từ trong Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.

Bậc thiện-trí có khả năng thông thuộc những bài kinh, những chánh-pháp của Đức-Phật, hiểu biết rõ ý nghĩa những chánh-pháp ấy rồi đem ra thuyết giảng cho nhiều người nghe chánh-pháp ấy.

Sau khi hiểu biết rõ đúng theo chánh-pháp, người nghe mới có thể thực-hành đúng theo chánh-pháp của Đức-Phật, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai, tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi hạng thanh-văn đệ-tử.