4 Nghiệp Theo Cảnh Giới Cho Quả

Thiện-nghiệp thần-thông (Abhiññākusala)

By Nền Tảng Phật Giáo

April 25, 2015

Thiện-nghiệp thần-thông (Abhiññākusala):

Thiện-nghiệp thần-thông không cho quả tái-sinh kiếp sau, bởi vì thiện-nghiệp thần-thông phát sinh sau đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, nên thiện-nghiệp thần-thông này như là quả của ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, và sự thành-tựu 5 phép tam-giới thần-thông là quả của thiện-nghiệp thần-thông. Cho nên, thiện-nghiệp thần-thông không cho quả tái-sinh kiếp sau nữa.

5 phép tam-giới thần-thông như sau:

1- Đa-dạng-thông (Iddhividha abhiññā):

Đa-dạng-thông được thành-tựu do năng lực phát nguyện trở thành nhiều phép thần-thông như sau:

Phép thần-thông này có khả năng phát nguyện trở

thành nhiều phép khác nhau do ý nguyện, v.v…

2- Thiên-nhãn-thông (Dibbacakkhu abhiññā):

Thiên-nhãn-thông là phép thần-thông có khả năng nhìn thấy rõ những vật dù xa, dù nhỏ nhất, dù bị bao bọc kín đáo cũng nhìn thấy rõ như mắt của chư-thiên trên cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trên cõi trời sắc-giới, cho nên gọi là Thiên-nhãn-thông.

Thiên-nhãn-thông còn có khả năng đặc biệt thấy rõ biết rõ kiếp quá-khứ của chúng sinh trong các cõi-giới, sự sinh, sự tử của tất cả chúng sinh do nghiệp và quả của nghiệp của chúng sinh (có giới hạn).

3- Tha-tâm-thông (Paracittavijānana abhiññā):

Tha-tâm-thông là phép thần-thông biết rõ chính xác tâm của người khác đang suy nghĩ điều gì.

4- Tiền-kiếp-thông (Pubbenivāsānussati abhiññā):

Tiền-kiếp-thông là phép thần-thông có khả năng nhớ lại tiền-kiếp của mình đã từng sinh kiếp quá-khứ thuộc về loại chúng sinh nào, nhớ rõ từng chi tiết, thậm chí nhớ rõ đã từng tạo thiện-nghiệp nào, ác-nghiệp nào trong mỗi kiếp ấy.

Và tiền-kiếp-thông cũng có khả năng nhớ rõ tiền-kiếp của các chúng sinh khác mà mình đã từng gặp, đã từng thấy trong kiếp quá-khứ của mình (có giới hạn).

5- Thiên-nhĩ-thông (Dibbasota abhiññā):

Thiên-nhĩ-thông là phép thần-thông có khả năng nghe mọi âm thanh, mọi thứ tiếng từ xa không giới hạn, không gì ngăn cản và rất nhỏ nhất như tai của chư-thiên trên cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trên cõi trời sắc-giới, cho nên gọi là Thiên-nhĩ-thông.

Năm phép thần-thông [1] này thuộc về tam-giới thần-thông (lokiya-abhiññā) có trong Phật-giáo và có ngoài Phật-giáo, cả trong thời-kỳ Đức-Phật chưa xuất hiện trên thế gian.

* Còn phép thần-thông đặc biệt gọi là Āsavakkhaya-ñāṇa: Trầm-luân tận-minh thuộc về siêu-tam-giới minh chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo. Khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian.

Thật vậy, chiều ngày rằm tháng tư (âm-lịch) Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha ngự đến ngồi dưới cội cây Đại-Bồ-Đề tại khu rừng Uruvelā:

– Canh đầu đêm rằm tháng tư, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha chứng đắc pubbenivāsānussati-ñāṇa: tiền-kiếp-minh.

– Canh giữa đêm rằm tháng tư, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha chứng đắc dibbacakkhuñāṇa: thiên-nhãn-minh.

– Canh chót đêm rằm tháng tư, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha chứng đắc āsavakkhayañāṇa: trầm-luân tận-minh bằng 4 Thánh-đạo-tuệ theo tuần tự:

*Nhập-lưu-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 1 pháp-trầm-luân là diṭṭhāsava: tà-kiến trầm-luân.

*Nhất-lai-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 1 pháp-trầm-luân là kāmāsava: tham-dục trầm-luân loại thô trong cõi dục-giới.

*Bất-lai-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 1 pháp-trầm-luân là kāmāsava: tham-dục trầm-luân loại vi tế trong cõi dục-giới.

* A-ra-hán-Thánh-đạo-tuệ diệt-đoạn-tuyệt được 2 pháp-trầm-luân là bhavāsava: kiếp-trầm-luân và avijjā-sava: vô-minh trầm-luân không còn dư sót. Đặc biệt diệt-đoạn-tuyệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā) đã tích-luỹ từ vô số kiếp từ vô thuỷ.

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha chứng-ngộ chân-lý tứ-Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán đầu tiên trong muôn ngàn cõi-giới chúng sinh, gọi là Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

[1] Phương pháp luyện mỗi phép thần-thông, nên tìm hiểu trong bộ Nền-Tảng Phật-Giáo, Quyển VII, Tập 1 “Pháp-Hành Thiền-Định”, phần Abhiññā: Phép Thần-Thông, trang 499.

[2] Nên tìm hiểu rõ trong bộ Nền-Tảng Phật-Giáo, Quyển VII, Tập 2 “Pháp-Hành Thiền-Tuệ, phần 4 Pháp-Trầm-Luân, trang 503.