Trong tam giới, con người nói riêng, tất cả chúng sinh nói chung, thân tâm được an lạc đó là quả của phước thiện. Người có nhiều phước thiện cho quả, trong đời sống được nhiều an lạc, có ít khổ cực. Người có ít phước thiện cho quả, trong đời sống được ít an lạc, có nhiều khổ cực. Phước thiện thuộc về danh pháp (nāma- dhamma) hay thuộc về thiện tâm, không phải vật chất, nên khó thấy, khó biết, chỉ có bậc có trí tuệ, có thần thông mới có thể biết người nào có phước thiện. Trong đời này, có số người được giàu sang phú quý, có chức cao quyền lớn…, người ta thường gọi: “người ấy có phước lớn”; nên hiểu rằng đó là cách gọi theo quả phước thiện, không phải gọi theo nhân phước thiện. Nếu muốn gọi cho đúng và chính xác thì nên gọi: “người ấy hưởng quả phước lớn”. Như bà Visākhā gọi ông phú hộ Migara, cha chồng của bà “dùng đồ cũ”, có nghĩa là hưởng quả của phước thiện bố thí từ kiếp trước; trong kiếp hiện tại không tạo nhân phước thiện bố thí. Trong bộ Petavatthu: Tích ngạ quỷ, có những ngạ quỷ tiền kiếp đã từng là phú hộ.
Cho nên, kiếp hiện tại, người nào được giàu sang phú quý,… kiếp vị lai người ấy không chắc được giàu sang phú quý… như vậy. Bởi vì, sự giàu sang phú quý… là quả của phước thiện bố thí; khi hưởng quảgiàu có, mà không tạo thêmnhân phước thiện bố thí,có tâm keo kiệt bỏn xẻn trong của cải ấy, sau khi chết do năng lực ác nghiệp cho quả tái sanh vào hàng ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát, khổ cực; dầu do thiện nghiệp nào đó cho quả được tái sanh làm người, thì cũng là người nghèo đói, thiếu thốn khổ cực. Vậy, chỉ có phước thiện cho quả mới hỗ trợ cho chúng sinh được an lạc mà thôi.
Phước Thiện Là Gì?
Theo Phật giáo: Danh từ Phước dịch ra từ Pāḷi là Puñña. Danh từ Thiện dịch ra từ Pāḷi là Kusala. – Puñña: (phước): có nghĩa là trạng thái làm cho tâm của mình được trong sạch khỏi phiền não. Ngược với phước là tội (pāpa) là trạng thái làm cho tâm bị ô nhiễm bởi phiền não. Quả báu của phước là sự an lạc thân – tâm. – Kusala: (thiện): có nghĩa là trạng thái tiêu diệt ác pháp. Ngược với thiện là bất thiện (akusala) chính là ác pháp. Quả báu của thiện là sự an lạc thân – tâm.
Cho nên, phước và thiện đồng nghĩa với nhau. – Phước (puñña) thường thấy trong Tạng Kinh, có nghĩa hẹp. – Thiện (kusala) thường thấy trong Tạng Vi Diệu Pháp, có nghĩa rộng. Phước sanh lên do bởi nhiều nhân duyên, trong Puññakiriyāvatthu: hành động tạo nên phước thiện, có 10 pháp: 1- Bố thí (dāna). 2- Giữ giới (sīla). 3- Hành thiền (bhāvanā). 4- Cung kính (apacāyana). 5- Giúp đỡ trong việc thiện (veyyāvacca). 6- Hồi hướng – chia phước (pattidāna). 7- Hoan hỉ với phước của người khác hồi hướng (pattānumodanā). 8- Thuyết pháp (dhammadesanā). 9- Nghe pháp (dhammassavanā). 10- Chánh kiến (diṭṭhijukamma). Ðó là 10 pháp để phát sanh, tạo nên phước thiện. Tập sách nhỏ này đề cập đến phước thiện bố thí.