5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm này chỉ có thể phát sinh đối với hạng người có đủ tam-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si) (tihetukapuggala) mà thôi, không thể phát sinh đối với hạng người có nhị-nhân (vô-tham và vô-sân) không có vô-si (dvihetukapuggala).
5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm này chỉ có thể phát sinh trong 22 cõi là 1 cõi người, 6 cõi trời dục-giới, và 15 cõi trời sắc-giới phạm-thiên (trừ cõi trời sắc-giới Vô-tưởng-thiên, bởi vì cõi này không có tâm, chỉ có thân mà thôi).
5 bậc thiền sắc-giới
Hành-giả thực-hành thiền định chọn đề-mục thiền- định có khả năng dẫn đến chứng đắc theo tuần tự từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm như sau:
Ban đầu, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định, thiền định với đề-mục thiền-định ấy, định-tâm phát sinh có 5 chi-thiền (jhānaṅga) có khả năng diệt bằng cách chế-ngự (vikkhambhanapāhāna) được 5 pháp-chướng- ngại (nivaraṇa) ví như lấy đá đè cỏ, làm cho cỏ không thể vươn lên được.
5 chi-thiền (jhānaṅga) là
- Vitakka: Hướng-tâm đến đối-tượng đề-mục thiền-định duy nhất ấy
- Vicāra: Quan-sát trong đề-mục thiền-định ấy
- Pīti: Hoan-hỷ phát sinh do định-tâm an trú trong đề-mục thiền-định ấy
- Sukha: An-lạc phát sinh do định-tâm hoan hỷ trong đề-mục thiền-định ấy
- Ekaggatā: Nhất-tâm định-tâm vững chắc phát sinh do an lạc trong đề-mục thiền-định ấy
5 pháp-chướng-ngại (nivaraṇa)
- Kāmacchanda nivaraṇa: Tham-dục trong ngũ-dục (sắc, thanh, hương, vị xúc) là pháp-chướng-ngại của thiền định
- Byāpāda nivaraṇa: Sân-hận là pháp-chướng-ngại của thiền định
- Thīnamiddha nivaraṇa: Buồn-chán – buồn-ngủ là pháp-chướng-ngại của thiền định
- Uddhaccakukkucca nivaraṇa: Phóng tâm – hối hận là pháp-chướng-ngại của thiền định
- Viccikicchā nivaraṇa: Hoài-nghi là pháp-chướng-ngại pháp của thiền định
5 chi-thiền chế ngự 5 pháp-chướng-ngại như thế nào?
5 chi-thiền đó là 7 tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm, còn 5 pháp-chướng-ngại đó là 7 tâm-sở đồng sinh với ác-tâm. Mỗi chi-thiền có khả năng chế ngự được mỗi pháp-chướng-ngại như sau:
- Vitakka: Hướng-tâm đến một đề-mục thiền-định nên chế-ngự được pháp-chướng-ngại buồn-chán – buồn-ngủ (thīna-middha nivaraṇa)
- Vicāra: Quan-sát trong đề-mục thiền-định nên chế-ngự được pháp-chướng-ngại hoài-nghi (viccikicchā nivaraṇa)
- Pīti: Hoan-hỷ trong đề-mục thiền-định nên chế-ngự được pháp-chướng-ngại sân-hận (byāpāda nivaraṇa).
- Sukha: An-lạc trong đề-mục thiền-định nên chế-ngự được pháp-chướng-ngại phóng-tâm – hối-hận. (uddhacca-kukkucca nivaraṇa).
- Ekaggatā: Nhất-tâm trong đề-mục thiền-định nên chế-ngự pháp-chướng-ngại tham-dục (kāmacchanda nivaraṇa).