Tính Chất Của Ngũ-Giới
Ngũ-giới (pañcasīla) là thường-giới (nicca-sīla) của tất cả mọi người trong đời, không ngoại trừ một ai cả, không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc nào, v.v… bất luận là người có thọ-trì ngũ-giới, hoặc không thọ-trì ngũ-giới, tất cả mọi người đều phải có bổn phận giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch và trọn vẹn, đó là người biết tự trọng, biết giữ gìn nhân-phẩm quý báu vốn có trong con người của mình, từ khi đầu thai làm người.
* Nếu người nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, người có giới thì người ấy đã tạo đại-thiện-nghiệp giữ-giới sẽ cho 5 quả-báu tốt lành, đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
* Người giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, người có giới sẽ có 5 quả-báu là:
1- Người có giới có được nhiều của cải lớn lao, do nhờ nhân không dể duôi.
2- N gười có giới có danh thơm tiếng tốt được lan truyền khắp mọi nơi.
3- Người có giới có đại-thiện-tâm dũng cảm, không rụt rè e thẹn khi đi vào nơi các hội đoàn.
4- N gười có giới có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt lúc lâm chung.
5- Người có giới sau khi chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-giới (cõi người, 6 cõi trời dục-giới), hưởng quả an-lạc trong cõi thiện-giới ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy
* Nếu người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, phạm điều-giới nào trong ngũ-giới gọi là người phạm giới, người không có giới thì người ấy đã tạo ác-nghiệp phạm giới sẽ cho 5 quả tai-hại, đem lại sự bất lợi, sự thoái hoá, sự khổ não trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Người phạm giới, người không có giới sẽ có 5 quả tai hại là:
1- Người không có giới làm tiêu tan nhiều của cải to lớn vì nhân dể duôi (thất niệm).
2- N gười không có giới có tiếng xấu bị lan truyền khắp mọi nơi.
3- Người không có giới có ác-tâm sợ sệt, rụt rè e thẹn khi đi vào nơi các hội đoàn.
4- N gười không có giới có ác-tâm mê muội lúc lâm chung.
5- Người không có giới sau khi chết, ác-nghiệp phạm-giới cho quả tái-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ của ác-nghiệp trong cõi ác-giới ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.
Cho nên, người thiện-trí tại gia có trí-tuệ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin 5 quả-báu của người giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn và tin 5 quả tai hại của người phạm giới, người không có giới, cho nên, người thiện-trí tại gia giữ gìn ít nhất là ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, không để ngũ-giới bị đứt, bị thủng, bị đốm, bị đứt lan.
Phân Tích 4 Tính Chất Của Ngũ-Giới
Trong Visuddhimagga, phần Sīlanidddesa, Sīlasaṃkilesa, Vodāna, ngũ-giới được phân tích theo tính chất có 4 loại:
1- Ngũ-giới bị đứt và không bị đứt.
2- Ngũ-giới bị thủng và không bị thủng.
3- Ngũ-giới bị đốm và không bị đốm.
4- Ngũ-giới bị đứt lan và không bị đứt lan.
1- Thế nào gọi là ngũ-giới bị đứt (khaṇḍa) và không bị đứt (akhaṇḍa)?
Trong ngũ-giới, nếu hành-giả phạm điều-giới đầu hoặc điều-giới cuối, hoặc cả 2 điều-giới này, điều-giới này bị đứt rời ra thì gọi là ngũ-giới bị đứt (khaṇḍa).
Ví như tấm vải có phần đầu và phần cuối bị cắt đứt rời ra.
* Ví dụ: Ngũ-giới gồm có 5 điều-giới.
1 – 2 – 3 – 4 – 5
Nếu phạm điều–giới thứ nhất, hoặc điều-giới thứ 5, hoặc cả 2 điều-giới này, điều-giới này bị đứt rời ra thì gọi là ngũ-giới bị đứt.
Và nếu hành-giả thọ-trì ngũ-giới, rồi giữ gìn điều-giới đầu hoặc điều-giới cuối hoặc cả 2 điều-giới này được trong sạch và trọn vẹn thì gọi là ngũ-giới không bị đứt (akhaṇḍa).
2- Thế nào gọi là giới bị thủng (chidda) và giới không bị thủng (acchidda)?
Trong ngũ-giới ngoại trừ điều-giới đầu và điều-giới cuối ra, nếu hành-giả phạm một trong 3 điều-giới còn lại ở khoảng giữa, thì gọi là giới bị thủng (chidda).
* Ví như tấm vải bị thủng ở giữa.
Ví dụ: Ngũ-giới
1 – 2 – 3 – 4 – 5
Hoặc: 1 – 2 – 3 – 4 – 5
Hoặc: 1 – 2 – 3 – 4 – 5
Nếu phạm điều-giới thứ 2, hoặc điều-giới thứ 3, hoặc điều-giới thứ 4 thì gọi là ngũ-giới bị thủng.
Và nếu hành-giả thọ-trì ngũ-giới, rồi giữ gìn 3 điều-giới ở khoảng giữa của điều-giới đầu và điều-giới cuối được trong sạch và trọn vẹn, thì gọi là giới không bị thủng (acchidda).
3- Thế nào gọi là giới bị đốm (sabala) và giới không bị đốm (asabala)?
Trong ngũ-giới ngoại trừ điều-giới đầu và điều-giới cuối ra. Nếu hành-giả phạm các điều-
giới còn lại cách khoảng nhau thì gọi là giới bị đốm (sabala).
Ví như con bò bị đốm từng chấm, từng chấm cách khoảng nhau.
* Ví dụ: Ngũ-giới.
1 – 2 – 3 – 4 – 5
Những điều-giới thứ nhất, điều-giới thứ 3, điều-giới thứ 5 được giữ gìn trong sạch. Nếu phạm điều-giới thứ 2 và điều-giới thứ 4 cách khoảng nhau thì gọi là ngũ-giới bị đốm (sabala).
Và nếu hành-giả thọ-trì ngũ-giới, rồi giữ gìn những điều-giới ở phần giữa của điều-giới đầu và điều-giới cuối được trong sạch và trọn vẹn, không để bị phạm điều-giới cách khoảng nhau thì gọi là giới không bị đốm (asabala).
4- Thế nào gọi là giới bị đứt lan (kammāsa) và giới không bị đứt lan (akammāsa)?
Trong ngũ-giới, nếu hành-giả phạm những điều-giới liền theo với nhau, thì gọi là giới bị đứt lan (kammāsa).
Ví như con bò có từng vệt vá.
* Ví dụ: Ngũ-giới.
1 – 2 – 3 – 4 – 5
Hoặc: 1 – 2 – 3 – 4 – 5
Hoặc: 1 – 2 – 3 – 4 – 5
Nếu phạm điều-giới thứ 2 và điều-giới thứ 3 liền theo với nhau, hoặc phạm điều-giới thứ 3 và điều-giới thứ 4 liền theo với nhau, hoặc phạm điều-giới thứ 2, điều-giới thứ 3 và điều-giới thứ 4 liền theo với nhau thì gọi là ngũ-giới bị đứt lan (kammāsa).
* Và nếu hành-giả thọ-trì ngũ-giới rồi giữ gìn những điều-giới ở phần giữa của điều-giới đầu và điều-giới cuối được trong sạch và trọn vẹn, không để phạm các điều-giới liền theo với nhau, thì gọi là giới không bị đứt lan (akammāsa).
Giải Thích 4 Tính Chất Phạm Ngũ-Giới
* Ví dụ 1: Người có giới bị đứt là người phạm điều-giới đầu hoặc điều-giới cuối hoặc điều-giới đầu và điều-giới cuối
Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội lỗi, nên giết con gà để ăn thịt, người ấy đã phạm điều-giới sát-sinh. Khi ăn thịt gà cùng với uống rượu, bia nên người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia nữa.
Như vậy, người ấy có ngũ-giới bị đứt, bởi vì phạm điều-giới thứ nhất “sát-sinh” và điều-giới thứ 5 “uống rượu, bia.”
* Ví dụ 2: Người có giới bị thủng là người phạm điều-giới ở giữa của điều-giới đầu và điều-giới cuối.
Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, nên phát sinh tâm tham đi trộm-cắp, chiếm đoạt của cải tài-sản của người khác, người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.
Như vậy, người ấy có ngũ-giới bị thủng, bởi vì phạm điều-giới thứ nhì “trộm-cắp” ở giữa của điều-giới đầu và điều-giới cuối, …
* Ví dụ 3: Người có giới bị đốm là người phạm các điều-giới cách khoảng nhau:
Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, nên phát sinh tâm tham đi trộm-cắp tiền bạc của người khác, người ấy phạm điều-giới thứ 2 “trộm-cắp.” Khi người ấy bị nghi ngờ, nên bị điều tra xét hỏi, người ấy nói dối rằng: “Tôi không trộm cắp tiền bạc của ông ấy.” Người ấy đã phạm thêm điều-giới thứ 4 “nói-dối.”
Như vậy, người ấy có ngũ-giới bị đốm, bởi vì phạm điều-giới thứ 2 “trộm-cắp” và điều-giới thứ 4 “nói-dối” cách khoảng nhau.
* Ví dụ 4: Người có giới bị đứt lan là người phạm các điều-giới theo liền với nhau:
Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, nên phát sinh tâm tham quan hệ tình dục với vợ (hoặc chồng) của người khác, người ấy phạm điều-giới thứ 3“tà-dâm”. Khi người ấy bị nghi ngờ, nên bị xét hỏi, người ấy nói dối rằng: “Tôi không có tà-dâm với vợ của ông ấy (hoặc với chồng của bà ấy).” Người ấy đã phạm thêm điều-giới thứ 4 “nói-dối”.
Như vậy, người ấy có ngũ-giới bị đứt lan, bởi vì phạm điều-giới thứ 3 “tà-dâm” và điều-giới thứ 4 “nói-dối” theo liền với nhau.