Tỳ Khưu Hộ Pháp (tổng hợp)

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 5 – Chánh kiến, Nhận xét về tám tham-tâm & Quả của tham-tâm

By Nền Tảng Phật Giáo

July 10, 2020

Chánh-kiến phát sinh do nhân nào?

“Dveme bhikkhave, paccayā sammādiṭṭhiyā uppādāya. Katame dve?

Parato ca ghoso, yoniso ca manasikāro. Ime kho bhikkhve, dve paccayā sammādiṭṭhiyā uppādāya.”

– Này chư tỳ-khưu! Hai nhân duyên phát sinh chánh-kiến. Hai nhân duyên ấy là gì?

1- Parato ca ghoso: Lắng nghe chánh-pháp từ Đức-Phật, chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, các bậc thiện-trí.

2- Yoniso ca manasikāro: Do nhờ trí-tuệ hiểu biết trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp.

– Này chư tỳ-khưu! Hai nhân duyên này phát sinh chánh-kiến.

Chánh-kiến có 5 loại:

1- Kammassakatā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến sở-nghiệp nghĩa là trí-tuệ thấy đúng, biết đúng thiện-nghiệp và ác-nghiệp mà mình đã tạo rồi là của riêng mình.

2- Vipassanā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến thiền-tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp danh-pháp là pháp vô-ngã, thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới.

3- Magga sammādiṭṭhi: Chánh-kiến Thánh-đạo-tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc 4 Thánh-đạo-tuệ, có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

4- Phala sammādiṭṭhi: Chánh-kiến Thánh-quả-tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc 4 Thánh-quả-tuệ, có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

5- Paccavekkhaṇā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến quán-triệt nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ quán-triệt Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn đã chứng đắc; quán-triệt phiền-não đã diệt tận và phiền não chưa diệt được.

* Diṭṭhigatavippayutta: Không hợp với tà-kiến

– Đối với các hạng phàm-nhân khi 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến nghĩa là không có tà-kiến tâm-sở (diṭṭhicetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm này, nên không thấy sai, không chấp lầm, nhưng không có nghĩa là 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến này thấy đúng, biết đúng, mà chỉ là không quan tâm, không liên quan đến tà-kiến thấy sai, chấp lầm mà thôi.

– Nếu có ngã-mạn tâm-sở (mānacetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến này thì tự cho ta hơn người, hoặc bằng người, hoặc kém thua người.

Thật ra, chỉ có bậc Thánh Nhập-lưu đã diệt tận được 4 tham-tâm hợp với tà-kiến rồi, nên mới vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi cả chủ-thể lẫn các đối-tượng nữa.

* Asaṅkhārika: Không cần tác-động

Khi 4 tham-tâm phát sinh không cần tác-động có nghĩa là tham-tâm phát sinh do chính tự mình tác-động, không cần nương nhờ đến người khác tác-động.

Cho nên, 4 tham-tâm này có nhiều năng lực. 

* Sasaṅkhārika: Cần tác-động

Khi 4 tham-tâm phát sinh cần tác-động có nghĩa là tham-tâm phát sinh do nương nhờ đến người khác tác-động, sai khiến, chính tự mình không có khả năng tác-động.

Cho nên, 4 tham-tâm này có ít năng lực.

Tác-động có 3 cách:

1- Kāyapayoga: Thân-tác-động là tác-động bằng thân như nắm tay, chỉ tay, vẫy tay, gật đầu.

2- Vacīpayoga: Khẩu-tác-động là tác-động bằng khẩu, dùng lời thuyết phục, nói lời ca tụng, nói lời động viên khuyến khích, v.v…

3- Manopayoga: Ý-tác-động là tác-động bằng tâm, tự mình tác-động mình, do suy nghĩ sâu sắc thấy rõ, biết rõ sự lợi ích, nên phát sinh tâm hài lòng trong công việc ấy.

Trường hợp hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ luôn luôn cần đến ý-tác-động.

Nếu tự mình tác-động mình thì có đủ 3 cách là kāyapayoga, vacīpayoga và manopayoga.

Nếu có người khác tác-động thì chỉ có hai cách là kāyapayoga và vacīpayoga mà thôi.

Nhận xét về 8 tham-tâm

Trong 8 tham-tâm, “tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động” gồm có 19 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm thứ nhất này.

Trong 19 tâm-sở này, có tác-ý tâm-sở gọi là ác-nghiệp. Ác-nghiệp trong tham-tâm thứ nhất thuộc về ác-nghiệp nặng hơn 7 tham-tâm còn lại, bởi vì tham-tâm thứ nhất này đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

Và “tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động” gồm có 20 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm thứ tám này.

Trong 20 tâm-sở này, có tác-ý tâm-sở gọi là ác-nghiệp. Ác-nghiệp trong tham-tâm thứ tám thuộc về ác-nghiệp nhẹ hơn 7 tham-tâm còn lại, bởi vì tham-tâm thứ tám này đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

Quả của tham-tâm

* Tham-tâm (lobhacitta) là bất-thiện-tâm có tham tâm-sở (lobhacetasika) nhiều năng lực dẫn dắt các tâm-sở đồng sinh với tham-tâm. Tham tâm-sở gọi là tham-ái (taṇhā), là nhân sinh khổ trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

Tác-ý tâm-sở đồng sinh với tham-tâm tạo ác-nghiệp. Nếu ác-nghiệp trong tham-tâm ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi ngạ-quỷ, hoặc trong cõi a-su-ra, chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.