Tỳ Khưu Hộ Pháp (tổng hợp)

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 10 – Đại-thiện-tâm có tám tâm chia theo trí-tuệ

By Nền Tảng Phật Giáo

July 10, 2020

b-Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo trí-tuệ:

– 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.

– 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ.

c-Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo tác-động:

– 4 đại-thiện-tâm không cần tác-động.

– 4 đại-thiện-tâm cần tác-động.

Giảng Giải

a-Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo thọ:

– 4 đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ.

– 4 đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả.

* Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ

Nếu khi người đang tạo phước-thiện nào với đại-thiện-tâm nào có đức-tin (saddhā) trong sạch nhiều, vô cùng hoan-hỷ trong phước-thiện ấy, thì đại-thiện-tâm ấy đồng sinh với thọ hỷ (somanassavedanā). 

Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ có nhiều năng lực hơn đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả.

* Nhân phát sinh thọ hỷ

Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ có 6 nhân:

1- Somanassapaṭisandhikatā: Tái-sinh-tâm đồng sinh với thọ hỷ.

2- Saddhābahulatā: Có nhiều đức-tin.

3- Visuddhadiṭṭhitā: Có chánh-kiến thanh-tịnh.

4- Ānisaṃsadassāvitā: Thấy rõ quả báu của đại-thiện-nghiệp ấy.

5- Iṭṭhārammaṇasamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng tốt đáng hài lòng.

6- Kassacipiḷābhāvo: Không gặp điều bất lợi, điều thiệt hại nào cả.

* Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả

Nếu khi người đang tạo phước-thiện nào với đại-thiện-tâm nào có đức-tin (saddhā) trong sạch ít, hoan-hỷ ít trong phước-thiện ấy, thì đại-thiện-tâm ấy đồng sinh với thọ xả (upekkhāvedanā).

Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả có ít năng lực hơn đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ.

* Nhân phát sinh thọ xả

Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả có 6 nhân:

1- Upekkhāpaṭisandhikatā: Tái-sinh-tâm đồng sinh với thọ xả. 

2- Appasaddhatā: Có ít đức-tin.

3- Avisuddhadiṭṭhitā: Có chánh-kiến không thanh-tịnh.

4- Ānisaṃsa adassāvitā: Không thấy rõ quả báu của đại-thiện-nghiệp ấy.

5- Majjhattārammaṇasamāyogo: Tiếp xúc với đối-tượng trung bình không tốt, không xấu.

6- Kassacipiḷikatā: Gặp điều bất lợi, điều thiệt hại nào đó.

Đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả có ít năng lực hơn đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ.

* Sự khác nhau của thọ hỷ, thọ xả trong đại-thiện-tâm với bất-thiện-tâm (ác-tâm):

– Thọ hỷ đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm là đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nhiều trong phước-thiện hoặc trong đại-thiện-nghiệp ấy, nên đại-thiện-nghiệp ấy có nhiều năng lực, có nhiều quả báu đáng hài lòng nhiều.

– Thọ hỷ đồng sinh với 4 tham-tâm là ác-tâm hoan-hỷ trong ác-pháp hoặc trong ác-nghiệp ấy, nên ác-nghiệp ấy là nặng, có nhiều quả khổ đáng kinh sợ.

– Thọ xả đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm là đại-thiện-tâm hoan-hỷ ít trong phước-thiện hoặc trong đại-thiện-nghiệp ấy, nên đại-thiện-nghiệp ấy có ít năng lực, có ít quả báu đáng hài lòng.

– Thọ xả đồng sinh với 4 tham-tâm là ác-tâm hoan-hỷ ít trong ác-pháp ấy hoặc trong ác-nghiệp ấy, nên ác-nghiệp ấy là nhẹ, có ít quả khổ.

b-Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo trí-tuệ:

– 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.

– 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ.

* Đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ

Nếu người tạo phước-thiện nào với đại-thiện-tâm nào hợp với trí-tuệ hiểu biết rõ sự thật chỉ có nghiệp là của riêng mình mà thôi, thì đại-thiện-tâm ấy hợp với trí-tuệ (ñāṇasampayutta).

Đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có nhiều năng lực hơn đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ.

Trí-tuệ đồng sinh với đại-thiện-tâm có 2 loại trí-tuệ là:

– Kammassakatāñāṇa: Trí-tuệ hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình.

– Lokiyavipassanāñāṇa: Trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới.

1- Kammassakatāñāṇa: Trí-tuệ hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình.

Bậc thiện-trí có trí-tuệ hiểu biết rõ chỉ có tất cả mọi thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp mà mình đã tạo rồi là của riêng mình thật sự mà thôi.

Ngoài tất cả mọi nghiệp ấy ra, còn lại những của cải tài-sản khác trong đời này đều thuộc về của chung của mọi người.

Tuy nhiên, nếu người nào đã từng tạo phước-thiện bố-thí trong kiếp quá-khứ thì kiếp hiện-tại người ấy có quyền sở hữu tạm thời của cải tài-sản ấy, được hưởng quả báu của đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy trong khoảng thời gian lâu hoặc mau tùy theo quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy.

Ví dụ: Đất đai thuộc về của chung, không phải là của riêng một ai cả, nhưng nếu người nào đã từng tạo phước-thiện bố-thí trong kiếp quá-khứ thì kiếp hiện-tại người ấy có quyền sở hữu tạm thời phần đất đai ấy, được hưởng quả báu của đại-thiện-nghiệp bố-thí đó là phần đất đai ấy trong khoảng thời gian lâu hoặc mau tùy theo quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy, đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, thì phần đất đai ấy lại thuộc về của người khác.

Nếu người thiện-trí nào có trí-tuệ kammas-sakatāñāṇa biết sử dụng phần tiền của nào mà mình đang tạm thời có quyền sở hữu, đem ra tạo phước-thiện bố-thí thì đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy vĩnh viễn thuộc về của riêng người ấy.

Như vậy, người thiện-trí ấy biết biến đổi của cải tạm thời trở thành đại-thiện-nghiệp bố-thí quý báu vĩnh-viễn thuộc về của riêng mình.

Tất cả mọi chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng sau khi chết, nghiệp nào có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới nào trong 31 cõi-giới, thuộc về hạng chúng-sinh nào trong bốn loài chúng-sinh, hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh.

Mỗi chúng-sinh trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, từ vô thủy trải qua vô số kiếp quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại đã từng tạo mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp của mỗi chúng-sinh từ kiếp này sang kiếp kia, tất cả mọi nghiệp ấy dù nặng dù nhẹ cũng đều được tích lũy, được lưu trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm, không hề mất mát một mảy may nào cả.

Nếu đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, mới rời khỏi cõi thiện-dục-giới.

Nếu ác-nghiệp nào trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác-giới.

Người có kammassakatāñāṇa: Trí-tuệ hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình là người có chánh-kiến thấy đúng, biết đúng theo 10 pháp chánh-kiến.

Dasavatthusammādiṭṭhi:

1- Atthi dinnaṃ: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Phước-thiện bố-thí có quả tốt, quả an-lạc.

2- Atthi yiṭṭhaṃ: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Phước-thiện cúng-dường có quả tốt, quả an-lạc.

3- Atthi hutaṃ: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Đón rước, tiếp đãi có quả tốt, quả an-lạc.

4- Atthi sukatadukkatānam kammānaṃ phalaṃ vipāko: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Đã tạo thiện-nghiệp, ác-nghiệp rồi, thiện-nghiệp cho quả an-lạc, ác-nghiệp cho quả khổ.

5- Atthi ayaṃ loko: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Có cõi-giới này nghĩa là có chúng-sinh tái-sinh đến cõi-giới này.

6- Atthi paro loko: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Có cõi-giới khác nghĩa là sau khi chúng-sinh chết, nghiệp của họ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác. 

7- Atthi mātā: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Đối xử tốt với mẹ có quả tốt, quả an-lạc; đối xử xấu với mẹ có quả xấu, quả khổ.

8- Atthi pitā: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Đối xử tốt với cha có quả tốt, quả an-lạc; đối xử xấu với cha có quả xấu, quả khổ.

9- Atthi sattā opapātikā: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Có các chúng-sinh loài hóa-sinh to lớn ngay tức thì như chư-thiên trong 6 cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong 16 cõi trời sắc-giới, 4 cõi trời vô-sắc-giới, chúng-sinh địa-ngục, ngạ-quỷ, a-su-ra.

10- Atthi loke samaṇabrāhmaṇā samaggatā sammāpaṭipannā ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ abhiññā sacchikatvā pavedenti: Chánh-kiến thấy đúng rằng: Trong đời này, có sa-môn, bà-la-môn thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới, chứng đắc các phép-thần-thông, thấy rõ biết rõ cõi-giới này, cõi-giới khác, rồi thuyết giảng cho mọi người cùng biết, đó là điều có thật.

Lokiyavipassanāñāṇa: Trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới

Trí-tuệ phát sinh có 3 cách:

1- Sutamayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, học hỏi, nghiên cứu chánh-pháp, gọi là trí-tuệ phát sinh do học (sutamayapaññā). 

2- Cintāmayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do nghe nhiều hiểu rộng, học hỏi, nghiên cứu chánh-pháp của bậc thiện-trí làm nền tảng, rồi trí-tuệ suy xét, tư duy sâu sắc về chánh-pháp, gọi là trí-tuệ phát sinh do tư duy (cintāmayapaññā).

3- Bhāvanāmayapaññā: Trí-tuệ phát sinh do thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Hành-giả là hạng người tam-nhân thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng dẫn đến phát sinh từ trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpa-paricchedañāṇa: trí-tuệ thấy rõ, biết rõ phân tích rõ thật-tánh của danh-pháp sắc-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) là pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng-sinh, v.v… mà chỉ là sắc-pháp, danh-pháp mà thôi, và các trí-tuệ-thiền-tuệ tuần tự phát sinh tiếp theo đến,

Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 4 gọi là uddayabbayā-nupassanāñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp hiện-tại do nhân-duyên sinh, do nhân-duyên diệt, nên thấy rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp hiện-tại, v.v… cho đến,

Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 13 gọi là gotrabhuñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ có khả năng đặc biệt thấy rõ, biết rõ đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, nên vẫn còn lokiya-vipassanāñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới.

* Nhân hợp với trí-tuệ (1)

Đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có 4 nhân:

1- Paññāsaṃvattanikakammupanissayatā: Khi tái-sinh đầu thai làm người với đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ.

2- Abyāpajjalokupapattiyā: Kiếp tái-sinh không có phiền muộn, tâm mong mỏi trong thiện-pháp.

3- Kilesadūratā: Tránh xa mọi phiền-não.

4- Indriyaparipākatā: Có 5 tuệ-chủ đầy đủ.

* Nhân hợp với trí-tuệ (2)

Đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có 7 nhân:

1- Paripucchakatā: Thường tìm hiểu học hỏi trong chánh-pháp.

2- Vatthuvisuddhakariyatā: Thân tâm trong sạch lẫn các thứ vật dụng sạch sẽ.

3- Indriyasamattapaṭipādanatā: Giữ gìn 5 pháp-chủ (tín, tấn, niệm, định, tuệ) đều đặn với nhau.

4- Duppaññapuggalaparivajjanā: Tránh xa hạng người thiểu trí.

5- Paññāvantapuggalasevanā: Thường hay gần gũi thân cận với bậc thiện-trí.

6- Gambhīrañāṇacariyapaccavekkhaṇā: Ham thích suy xét, tư-duy các chánh-pháp sâu sắc. 

7- Tadadhimuttatā: Thường hướng tâm tìm hiểu chánh-pháp để phát sinh trí-tuệ.

* Đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ

Nếu người tạo phước-thiện nào với đại-thiện-tâm nào chỉ có đức-tin (saddhā) mà không hợp với trí-tuệ, không có kammassakatāñāṇa thì đại-thiện-tâm ấy không hợp với trí-tuệ (ñāṇa-vippayutta).

Như trường hợp người tạo phước-thiện bố-thí theo truyền thống của gia-đình, nên chỉ có đức-tin mà không có trí-tuệ đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy; hoặc khi có bạn thân đến tác-động, khuyến khích tạo phước-thiện bố-thí, người ấy phát sinh đức-tin tạo phước-thiện bố-thí theo bạn thân mà không hiểu biết về kammassakatāñāṇa, nên đại-thiện-tâm ấy không hợp với trí-tuệ.

Đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ có ít năng lực hơn đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.

* Nhân không hợp với trí-tuệ (1)

Đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ có 4 nhân:

1- Paññā asaṃvattanikakammupanissayatā: Khi tái-sinh đầu thai làm người với đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ.

2- Sabyāpajjalokupapattiyā: Kiếp tái-sinh có phiền muộn, không mong mỏi trong thiện-pháp.

3- Kilesādūratā: Không tránh xa mọi phiền-não. 

4- Indriya aparipākatā: Có 5 pháp-chủ kém.

* Nhân không hợp với trí-tuệ (2)

Đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ có 7 nhân:

1- Aparipucchakatā: Không thích tìm hiểu học hỏi trong chánh-pháp.

2- Vatthu avisuddhakariyatā: Thân tâm không trong sạch lẫn các thứ vật dụng không sạch sẽ.

3- Indriya asamattapaṭipādanatā: Có 5 pháp-chủ (tín, tấn, niệm, định, tuệ) không đều đặn.

4- Duppaññapuggalasevanā: Thường hay gần gũi thân cận với hạng người thiểu-trí.

5- Paññāvantapuggalaparivajjanā: Không gần gũi thân cận với bậc thiện-trí.

6- Gambhīrañāṇacariya apaccavekkhaṇā: Không thích suy xét các chánh-pháp sâu sắc.

7- Atadadhimuttatā: Không hướng tâm tìm hiểu chánh-pháp.