Tỳ Khưu Hộ Pháp (tổng hợp)

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 11 – Đại-thiện-tâm có tám tâm chia theo tác-động

By Nền Tảng Phật Giáo

July 10, 2020

c-Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo tác-động

– 4 đại-thiện-tâm không cần tác-động.

– 4 đại-thiện-tâm cần tác-động.

* Đại-thiện-tâm không cần tác-động

Nếu người tạo phước-thiện nào với sự hiểu biết trong chánh-pháp, rồi tự tác-động bằng thân, khẩu, ý tạo phước-thiện ấy, không có người khác tác-động thì đại-thiện-tâm ấy phát sinh không cần tác-động (asaṅkhārikaṃ). 

Đại-thiện-tâm không cần tác-động có nhiều năng lực hơn đại-thiện-tâm cần tác-động.

* Nhân phát sinh không cần tác-động

Đại-thiện-tâm phát sinh không cần tác-động có 6 nhân:

1- Asaṅkhārikakammajanitapaṭisandhikatā: Tái-sinh-tâm phát sinh từ đại-thiện-nghiệp không cần tác-động.

2- Kallakāyacittatā: Có thân tâm an-lạc.

3- Sītuṇhādīnaṃ khamanabahulatā: Có đức-tính nhẫn-nại chịu đựng thời tiết nóng, lạnh, v.v…

4- Kattabbakammesu diṭṭhānisaṃsasatā: Hiểu biết rõ quả báu của đại-thiện-nghiệp sẽ làm.

5- Kammesu ciṇṇavasitā: Có tính chuyên môn trong đại-thiện-nghiệp mà mình làm.

6- Utubhojanādīsappāyalābho: Được thời tiết tốt, vật thực đầy đủ, v.v…

Nếu trường-hợp có bạn thân đến tác-động, khuyến khích tạo phước-thiện thì người ấy nên suy xét thế nào, để cho đại-thiện-tâm trở thành không cần tác-động?

Nếu khi nghe bạn thân đến tác-động, khuyến khích làm phước thiện nào thì người ấy nên suy xét rằng:

Phước-thiện ấy là phước-thiện nên làm. Đây là cơ hội tốt của ta, ta nên tạo phước-thiện ấy.

Nếu khi suy xét như vậy thì người ấy đã chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, rồi tạo phước-thiện ấy với đại-thiện-tâm không cần tác-động.

Ví như trường hợp Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đang an hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên). Khi ấy, các Đức-vua trời trong 6 cõi trời dục-giới cùng chư-thiên, chư Đức phạm-thiên trên các cõi trời sắc-giới ngự đến hầu, chắp tay cung kính thỉnh Đức-Bồ-tát Setaketu xuống tái-sinh đầu thai làm người, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thuyết-pháp tế độ chúng-sinh giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Khi nghe lời thỉnh cầu của chư-thiên, chư phạm-thiên như vậy, Đức-Bồ-tát chưa nhận lời thỉnh cầu ấy, mà Đức-Bồ-tát suy xét trong thời quá-khứ rằng:

Đức-Bồ-tát kiếp chót tái-sinh đầu thai xuống làm người để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đã xem xét như thế nào?

Theo lệ thường, chư Đức-Bồ-tát kiếp chót xuống tái-sinh đầu thai làm người, thường xem xét 5 điều:

1- Xem xét về thời-kỳ tuổi thọ con người.

2- Xem xét về châu đến tái-sinh. 

3- Xem xét về xứ sở đến tái-sinh.

4- Xem xét về dòng họ nơi tái-sinh.

5- Xem xét về mẫu-hậu để tái-sinh đầu thai.

Sau khi xem xét đầy đủ 5 điều rồi, Đức-Bồ-tát Setaketu quyết định xuống tái-sinh đầu thai làm người, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, nên Đức-Bồ-tát truyền dạy rằng:

– Này chư-thiên, chư phạm-thiên! Ta đồng ý nhận lời thỉnh cầu của các ngươi, Ta sẽ xuống tái-sinh đầu thai làm người trong cõi Nam-thiện bộ-châu, tại Trung-xứ, kinh-thành Kapilavatthu, trong dòng dõi Sakya, Đức-vua Suddhodana là Đức Phụ-vương, Chánh-cung hoàng-hậu Mahā-māyādevī là mẫu-hậu của Ta.

Nghe Đức-Bồ-tát Setaketu truyền dạy như vậy, tất cả chư-thiên, phạm-thiên vô cùng hoan-hỷ cùng nhau tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát, rồi chắp tay cung kính xin phép trở về cõi-giới của mỗi vị.

Sau khi Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu quyết định chuyển-kiếp (cuti: chết) từ cõi trời Tusita, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh đầu thai vào lòng bà Chánh-cung hoàng-hậu Mahāmāyādevī vào canh chót đêm rằm tháng 6 (âm lịch).

* Đại-thiện-tâm cần tác-động

Nếu người tạo phước-thiện nào do nhờ người khác đến tác-động bằng thân, bằng khẩu, khuyến khích tạo phước-thiện ấy, thì đại-thiện-tâm ấy phát sinh cần tác-động (sasaṅkhārikaṃ).

Đại-thiện-tâm cần tác-động có ít năng lực hơn đại-thiện-tâm không cần tác-động.

* Nhân phát sinh cần tác-động

Đại-thiện-tâm phát sinh cần tác-động có 6 nhân:

1- Sasaṅkhārikakammajanitapaṭisandhikatā: Khi tái-sinh đầu thai làm người với đại-thiện-nghiệp cần tác-động.

2- Akallakāyacittatā: Thân tâm không có an-lạc.

3- Sītuṇhādīnaṃ akhamanabahulatā: Không có đức-tính nhẫn-nại chịu đựng thời tiết nóng, lạnh.

4- Kattabbakammesu adiṭṭhānisaṃsasatā: Không biết rõ quả báu của đại-thiện-nghiệp mà mình làm.

5- Kammesu aciṇṇavasitā: Không có tính chuyên môn trong đại-thiện-nghiệp mà mình làm. 

6- Utubhojanādī asappāyalābho: Gặp thời tiết xấu, vật thực thiếu thốn, v.v…

Đại-thiện-tâm chia theo thiện-nhân

– Thiện-nhân (kusalahetu) có 3 nhân là vô-tham (lobhahetu), vô-sân (dosahetu), vô-si (moha-hetu) (trí-tuệ).

Đại-thiện-tâm có 8 tâm chia theo nhân (hetu), có 2 loại:

1- Tihetukakusalacitta: 4 đại-thiện-tâm có đủ tam-nhân là vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ).

2- Dvihetukakusalacitta: 4 đại-thiện-tâm chỉ có nhị-nhân là vô-tham, vô-sân, không có vô-si (trí-tuệ).

Nếu khi đang tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ giới, phước-thiện hành-thiền, v.v… với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ kammassakatāñāṇa hoặc lokiyavipassanāñāṇa, thì gọi là tihetuka-kusalacitta: 4 đại-thiện-tâm có đủ tam-nhân là vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ).

Nếu khi đang tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền, v.v… với đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ kammas-sakatāñāṇa hoặc lokiyavipassanāñāṇa, thì gọi là dvihetukakusalacitta: 4 đại-thiện-tâm chỉ có nhị-nhân là vô-tham, vô-sân, không có vô-si (trí-tuệ).

Đại-Thiện-Nghiệp

Đại-thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm tạo đại-thiện-nghiệp.

Đại-thiện-nghiệp phát sinh có 2 cách:

– Đại-thiện-nghiệp phát sinh do nương nhờ 3 môn: thân-môn, khẩu-môn, ý-môn tạo 10 đại-thiện-nghiệp (mahākusalakamma).

– Đại-thiện-nghiệp phát sinh do tạo 10 phước-thiện (puññakriyāvatthu).

* Đại-thiện-nghiệp phát sinh do nương nhờ 3 môn

– Đại-thiện-nghiệp không sát-sinh.

– Đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp.

– Đại-thiện-nghiệp không tà-dâm.

– Đại-thiện-nghiệp không nói-dối.

– Đại-thiện-nghiệp không nói lời chia rẽ.

– Đại-thiện-nghiệp không nói lời thô tục.

– Đại-thiện-nghiệp không nói lời vô ích.

– Đại-thiện-nghiệp không tham lam của cải người khác.

– Đại-thiện-nghiệp không thù hận người khác.

– Đại-thiện-nghiệp có chánh-kiến thấy đúng, hiểu đúng theo thật-tánh của các pháp.

* Đại-thiện-nghiệp phát sinh do tạo 10 phước-thiện (puññakriyāvatthu)

Đại-thiện-nghiệp phát sinh do tạo 10 phước-thiện (puññakriyāvatthu):

1- Dānakusala: Phước-thiện bố-thí.

2- Sīlakusala: Phước-thiện giữ-giới.

3- Bhāvanākusala: Phước-thiện hành-thiền là hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.

4- Apacāyanakusala: Phước-thiện cung-kính những bậc đáng tôn kính.

5- Veyyāvaccakusala: Phước-thiện hỗ-trợ trong việc tạo mọi phước-thiện.

6- Pattidānakusala: Phước-thiện hồi-hướng phần phước-thiện của mình đến cho những chúng-sinh khác.

7- Pattānumodanakusala: Phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng, hoặc chia sẻ.

8- Dhammasavanakusala: Phước-thiện nghe chánh-pháp của Đức-Phật. 

9- Dhammadesanākusala: Phước-thiện thuyết-pháp là thuyết giảng chánh-pháp của Đức-Phật.

10- Diṭṭhijukammakusala: Phước-thiện chánh-kiến đó là kammassakatāsammādiṭṭhi: chánh-kiến thấy đúng, hiểu đúng nghiệp là của riêng mình.

Puññakriyāvatthu có 10 pháp đều thuộc về ý-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có đối-tượng theo mỗi phước-thiện ấy.

10 phước-thiện này được gom lại thành 3 nhóm:

1- Nhóm phước-thiện bố-thí gồm có 3 pháp:

– Phước-thiện bố-thí.

– Phước-thiện hồi-hướng.

– Phước-thiện hoan-hỷ.

2- Nhóm phước-thiện giữ-giới gồm có 3 pháp:

– Phước-thiện giữ-giới.

– Phước-thiện cung-kính.

– Phước-thiện hỗ-trợ.

3- Nhóm phước-thiện hành-thiền gồm có 4 pháp:

– Phước-thiện hành-thiền.

– Phước-thiện nghe pháp.

– Phước-thiện thuyết-pháp.

– Phước-thiện chánh-kiến.

Tuy nhiên, phước-thiện chánh-kiến rất cần cho cả 3 nhóm, để hỗ trợ cho mỗi phước-thiện có nhiều năng lực trở thành tam-nhân đại-thiện-nghiệp. 

Nhân phát sinh đại-thiện-tâm

Đại-thiện-tâm phát sinh do nương nhờ nơi ‘yonisomanasikāra’ trí-tuệ biết rõ trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp.

Để có yonisomanasikāra, cần phải nương nhờ cả nhân quá-khứ lẫn nhân hiện-tại, có 5 điều:

1- Pubbekatapuññatā: Đã từng tạo phước-thiện tích lũy từ những kiếp quá-khứ.

2- Paṭirūpadesavāsa: Sinh sống ở nơi thuận lợi có Phật-giáo.

3- Sappurisupanissaya: Được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo.

4- Saddhammassavana: Lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật.

5- Attasammāpaṇidhi: Tâm biết đúng trong chánh-pháp.

Yonisomanasikāra phát sinh cần phải có đủ 5 điều, nhân đầu tiên là do nương nhờ phước-thiện đã từng tích lũy từ những kiếp quá-khứ, còn lại 4 nhân sau do nương nhờ trong kiếp hiện-tại, người thiện cần phải hội đủ 5 nhân để cho yonisomanasikāra phát sinh.