Tỳ Khưu Hộ Pháp (tổng hợp)

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 13 – Vô-Nhân-Tâm

By Nền Tảng Phật Giáo

July 10, 2020

Ahetukacitta: Vô-Nhân-Tâm

Ahetukacitta: Vô-nhân-tâm là tâm không hợp với nhân.

Hetu: Nhân có 6 nhân chia ra 2 loại:

– Akusalahetu: Bất-thiện-nhân có 3 nhân là lobhahetu: nhân tham, dosahetu: nhân sân, mohahetu: nhân si.

– Kusalahetu: Thiện-nhân có 3 nhân là alobhahetu: nhân vô-tham, adosahetu: nhân vô-sân, amohahetu: nhân vô-si (trí-tuệ).

– Những tâm nào hợp với bất-thiện-nhân hoặc thiện-nhân thì những tâm ấy gọi là sahetukacitta: hữu-nhân-tâm.

– Những tâm nào không hợp với nhân nào trong 6 nhân thì những tâm ấy gọi là ahetuka-citta: vô-nhân-tâm.

Ahetukacitta: Vô-nhân-tâm có 18 tâm chia ra làm 3 loại:

1- Akusalavipākacitta: Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm có 7 tâm là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm).

2- Ahetukakusalavipākacitta: Thiện-quả vô-nhân-tâm có 8 tâm, là quả của đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm.

3- Ahetukakriyacitta: Vô-nhân duy-tác-tâm có 3 tâm là tâm làm phận sự, không có quả. 

1- Akusalavipākacitta 

Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm

Akusalavipākacitta: Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) đã tạo trong thời quá-khứ, cho quả có 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm.

Akusalavipākacitta: Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm có 7 tâm:

1- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ cakkhuviññāṇaṃ.

Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, thấy đối-tượng sắc xấu .

2- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ sotaviññāṇaṃ.

Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, nghe đối-tượng âm-thanh dở.

3- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ ghānaviññāṇaṃ.

Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, ngửi đối-tượng hương hôi.

4- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ jivhāviññāṇaṃ.

Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp. nếm đối-tượng vị dở.

5- Dukkhasahagataṃ akusalavipākāṃ kāyaviññāṇaṃ.

Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ khổ là quả của bất-thiện-nghiệp, xúc giác đối-tượng xúc thô.

6- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ sampaṭicchanacittaṃ.

Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu .

7- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ santīraṇacittaṃ.

Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu.

2- Ahetukakusalavipākacitta 

Thiện-quả vô-nhân-tâm

Ahetukakusalavipākacitta: Thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm đã tạo trong thời quá-khứ, cho quả có 8 thiện-quả vô-nhân-tâm.

Ahetukakusalavipākacitta: 

Thiện-quả vô-nhân-tâm có 8 tâm:

1- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ cakkhuviññāṇaṃ.

Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, thấy đối-tượng sắc tốt .

2- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ sotaviññāṇaṃ. 

Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, nghe đối-tượng âm-thanh hay.

3- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ ghānaviññāṇaṃ.

Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, ngửi đối-tượng hương thơm.

4- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ jivhāviññāṇaṃ:

Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, nếm đối-tượng vị ngon.

5- Sukhasahagataṃ kusalavipākāṃ kāyaviññāṇaṃ.

Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ lạc là quả của đại-thiện-nghiệp, xúc giác đối-tượng xúc tốt .

6- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ sampaṭicchanacittaṃ:

Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt .

7- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ santīraṇacittaṃ:

Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt.

8- Somanassasahagataṃ kusalavipākāṃ santīraṇacittaṃ: 

Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ hỷ là quả của đại-thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt.

* Do nguyên-nhân nào quả-tâm của bất-thiện-nghiệp gọi là akusalavipākacitta: bất-thiện-quả vô-nhân-tâm và do nguyên-nhân nào quả-tâm của đại-thiện-nghiệp gọi là ahetukakusala-vipākacitta: thiện-quả vô-nhân-tâm?

– Do nguyên-nhân bất-thiện-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm có năng lực yếu chỉ có khả năng cho quả bất-thiện-quả vô-nhân-tâm mà thôi, nên gọi là akusalavipākacitta: bất-thiện-quả vô-nhân-tâm, bởi vì bất-thiện-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm đều có phóng-tâm tâm-sở (uddhacca-cetasika) làm cho bất-thiện-nghiệp yếu, nên không có khả năng cho quả-tâm hữu-nhân.

– Do nguyên-nhân đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm có năng lực yếu, bởi vì phiền-não phát sinh xen lẫn, thì cho quả có 8 thiện-quả vô-nhân-tâm, nên gọi là ahetukakusalavipāka-citta: thiện-quả vô-nhân-tâm.

Nếu đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm có nhiều năng lực do không có phiền-não nào xen lẫn, thì cho quả có 8 hữu-nhân thiện-quả-tâm (sahetukakusalavipākacitta) đó là 8 đại-quả-tâm hợp với vô-tham, vô-sân, vô-si.

Như vậy, bất-thiện-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm chỉ có khả năng cho một loại quả-tâm là 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm mà thôi, nên gọi là akusalavipākacitta.

* Đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm có khả năng cho 2 loại quả-tâm là 8 thiện-quả vô-nhân-tâm và 8 đại-quả-tâm, nên gọi là ahetuka-kusalavipākacitta: thiện-quả vô-nhân-tâm để phân biệt 2 loại quả-tâm của đại-thiện-nghiệp.

3- Ahetukakriyacitta: Vô-nhân duy-tác-tâm

Ahetukakriyacitta: Vô-nhân duy-tác-tâm là tâm phát sinh làm phận sự của mình, tâm này không hợp với bất-thiện-nhân (akusalahetu) (tham, sân, si) cũng không hợp với thiện-nhân (kusalahetu) (vô-tham, vô-sân, vô-si), nên không phải là bất-thiện-tâm cũng không phải là đại-thiện-tâm, cũng không phải là quả-tâm của tâm nào cả. Vì vậy, tâm này gọi là vô-nhân duy-tác-tâm chỉ có làm phận sự, mà không có quả.

Ahetukakriyacitta: Vô-nhân duy-tác-tâm có 3 tâm:

1- Upekkhāsahagataṃ pañcadvāravajjanacittam:

Ngũ-môn-hướng-tâm đồng sinh với thọ xả, tiếp xúc 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) trong ngũ-môn để ngũ-môn lộ-trình-tâm phát sinh.

2- Upekkhāsahagataṃ manodvāravajjanacittam:

Ý-môn-hướng-tâm đồng sinh với thọ xả, tiếp xúc 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) trong ý môn, để ý môn lộ-trình-tâm phát sinh, hoặc là tâm làm phận sự quyết định 5 đối-tượng trong ngũ môn, để ngũ môn lộ-trình-tâm phát sinh.

3- Somanassasahagataṃ hasituppādacittaṃ:

Tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán đồng sinh với thọ hỷ.

Giảng giải 18 vô-nhân-tâm

1- Bảy bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của bất-thiện-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) có hai tên gọi: viññāṇaṃ và cittaṃ.

* Gọi viññāṇa có 5 tâm là:

– Cakkhuviññāṇa: Nhãn-thức-tâm là tâm phát sinh do nương nhờ nhãn-môn, làm phận sự thấy đối-tượng sắc xấu.

– Sotaviññāṇa: Nhĩ-thức-tâm là tâm phát sinh do nương nhờ nhĩ-môn, làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh không hay.

– Ghānaviññāṇa: Tỷ-thức-tâm là tâm phát sinh do nương nhờ tỷ-môn, làm phận sự ngửi đối-tượng hương mùi hôi.

– Jivhāviññāṇa: Thiệt-thức-tâm là tâm phát sinh do nương nhờ thiệt-môn, làm phận sự nếm đối-tượng vị không ngon. 

– Kāyaviññāṇa: Thân-thức-tâm là tâm phát sinh do nương nhờ thân-môn, làm phận sự xúc-giác đối-tượng xúc thô…

* Bảy bất-thiện-quả vô-nhân-tâm tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng.

Danh từ chế định gọi 5 thức-tâm này là cakkhuviññāṇa, … do nương nhờ nơi 5 môn (cakkhudvāra, …) và 5 nơi sinh (cakkhuvatthu)… của 5 thức-tâm đều là sắc-pháp (rūpadhamma) nên gọi là viññāṇa cho dễ hiểu.

* Gọi cittaṃ có 2 tâm là:

– Sampaṭicchanacitta: Tiếp-nhận-tâm.

– Santīraṇacitta: Suy-xét-tâm.

Danh từ chế định gọi 2 tâm này do nương nhờ phận sự của tâm (kicca) thuộc về danh-pháp (nāmadhamma) nên gọi là citta.

* Vedanā: Thọ đồng sinh với 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng, có 2 loại thọ là thọ xả (upekkhāvedanā) và thọ khổ (dukkhavedanā).

* Cakkhuviññāṇa, sotaviññāṇa, ghānaviññāṇa, jivhāviññāṇa, sampaṭicchanacitta, santīraṇacitta gồm có 6 tâm này đồng sinh với thọ xả (upekkhā-sahagata) (không khổ không lạc), bởi vì 6 tâm này phát sinh do nương nhờ sắc-phụ-thuộc tiếp xúc với sắc-phụ-thuộc (upādāyarūpa) như đối-tượng sắc tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc, v.v… nên không có đủ cảm giác khổ hoặc lạc. Ví như bông gòn tiếp xúc với bông gòn rất nhẹ.

* Kāyaviññāṇa là thức-tâm đồng sinh với thọ khổ (dukkhasahagata), bởi vì thân-thức-tâm phát sinh do nương nhờ đối-tượng xúc thô (3 đại: địa-đại, hỏa-đại, phong-đại (trừ thủy-đại) tiếp xúc với thân-tịnh-sắc (kāyapasādarūpa) nên có cảm giác khổ. Ví như cái búa đập mạnh bông gòn đặt trên tấm đá.

* Trong bộ Abhidhammatthasaṅgaha: Vi-diệu-pháp yếu-nghĩa giảng giải rằng:

Phoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc chỉ có 3 sắc-pháp mà thôi là:

– Paṭhavīphoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc là địa-đại cứng hoặc mềm.

– Tejophoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc là hỏa-đại nóng hoặc lạnh.

– Vāyophoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc là phong-đại phồng hoặc xẹp.

Trong sắc tứ đại, chỉ có 3 đại là sắc địa-đại, sắc hỏa-đại, sắc phong-đại có thể tiếp xúc với thân-tịnh-sắc (kāyapasādarūpa) để phát sinh thân-thức-tâm có phận sự biết đối-tượng xúc (sắc địa-đại cứng hoặc mềm, sắc hỏa-đại nóng hoặc lạnh, và sắc phong-đại phồng hoặc xẹp) mà thôi.

Còn sắc thủy-đại không phải là đối-tượng xúc, nên thân-thức-tâm không thể biết được sắc thủy-đại, bởi vì sắc thủy-đại thuộc về đối-tượng pháp rất vi-tế, nên chỉ có ý-thức-tâm biết sắc thủy-đại mà thôi.

Thật vậy, trong bộ Abhidhammavibhāvinīṭīkā giảng giải rằng:

“Āpodhātuyā sukhumabhāvena phusitaṃ askkuṇeyyattaṃ vuttaṃ.”

Sắc thuỷ-đại có thật-tánh rất vi-tế, nên thân-tịnh-sắc không thể tiếp xúc với sắc thuỷ-đại được.

Sắc tứ đại gồm có 4 sắc-pháp là sắc địa-đại, sắc thủy-đại, sắc hỏa-đại, sắc phong-đại không thể tách rời nhau được. Trong sắc tứ đại này, nếu sắc đại nào có số lượng nhiều hơn 3 đại kia, thì gọi tên sắc đại ấy.

Ví dụ: Trong sắc tứ đại, nếu sắc thủy-đại có số lượng nhiều hơn sắc địa-đại, sắc hỏa-đại, sắc phong-đại thì gọi là sắc thủy-đại.

Sắc thủy-đại đó là chất nước có thật-tánh rất vi-tế, nên thân-thức-tâm không phát sinh biết được chất nước.

Thật vậy, * khi thân-thức-tâm tiếp xúc với chất nước nóng, nước lạnh đó là chất lửa gọi là hỏa-đại.

* Khi thân-thức-tâm tiếp xúc với chất nước đông đặc (nước đá) đó là chất đất cứng, mềm gọi là địa-đại.

* Khi thân-thức-tâm tiếp xúc với chất nước lay động, phồng xẹp đó là chất gió gọi là phong-đại.

Ví dụ: Người uống nước như thế nào?

Nếu người uống nước nóng, nước lạnh, thì nóng hoặc lạnh đó là chất lửa gọi là hỏa-đại; người nuốt nước chuyển động chảy vào trong bụng phồng, xẹp đó là chất gió gọi là phong-đại; người ngậm nước đá cứng, mềm đó là chất đất gọi là địa-đại. Cho nên, thân-thức-tâm xúc-giác địa-đại cứng mềm, xúc-giác hỏa-đại nóng lạnh, xúc-giác phong-đại phồng xẹp chuyển động.

* Tuy nhiên các nhà khoa học khám phá nước là một hợp chất hóa học của oxy và hydro, có công thức hóa học là H 2 O (2 nguyên tử hydro và 1 nguyên tử oxy).

2- Tám thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm, cũng có 2 tên gọi: viññānaṃ và cittaṃ, giải thích tương tự như 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm. 

* Vedanā: Thọ đồng sinh với 8 thiện-quả vô-nhân-tâm tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt, đáng hài lòng, có 3 loại thọ là thọ xả (upekkhāvedanā), thọ lạc (sukhavedanā) và thọ hỷ (somanassavedanā).

* Cakkhuviññāṇa, sotaviññāṇa, ghānaviññāṇa, jivhāviññāṇa, sampaṭicchanacitta, gồm có 5 tâm này đồng sinh với thọ xả (upekkhāsahagata) (không khổ không lạc) cách giải thích như bất-thiện-quả vô-nhân-tâm đồng sinh với thọ xả.

* Kāyaviññāṇa là thức-tâm đồng sinh với thọ lạc (sukhasahagata), bởi vì thân-thức-tâm phát sinh do nương nhờ đối-tượng xúc mềm mại tiếp xúc với thân-tịnh-sắc (kāyapasādarūpa), nên có cảm giác an-lạc.

* Thiện-quả vô-nhân-tâm có 8 quả-tâm nhiều hơn bất-thiện-quả vô-nhân-tâm 1 quả-tâm, bởi vì santīraṇacitta là thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm làm phận sự suy xét đối-tượng tốt, đáng hài lòng là quả của đại-thiện-nghiệp, có 2 loại đối-tượng tốt:

– Iṭṭhamajjhattārammaṇa: Đối-tượng tốt trung bình.

– Ati-iṭṭhārammaṇa: Đối-tượng tốt đặc biệt.

* Nếu khi thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm làm phận sự suy xét đối-tượng tốt trung bình thì tâm này không đủ để đồng sinh với thọ hỷ, chỉ đồng sinh với thọ xả, nên gọi là upekkhāsahagataṃ santīraṇakusalavipākacittaṃ: thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả.

* Nếu khi thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm làm phận sự suy xét đối-tượng tốt đặc biệt thì tâm này đồng sinh với thọ hỷ, nên gọi là somanassa-sahagataṃ santīraṇakusalavipākacittaṃ: thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm đồng sinh với thọ hỷ.

Nhưng bất-thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm làm phận sự suy xét dù đối-tượng xấu trung bình (aniṭṭhamajjhattārammaṇa) dù đối-tượng xấu thậm tệ (ati-aniṭṭhārammaṇa) thì tâm này cũng chỉ đồng sinh với thọ xả mà thôi, bởi vì bất-thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm làm phận sự suy xét dù đối-tượng xấu thậm tệ (ati-aniṭṭhā-rammaṇa) thì tâm này cũng không thể đồng sinh với thọ ưu (domassavedanā) được, bởi vì thọ ưu chỉ có đồng sinh với 2 sân-tâm mà thôi.

Vì vậy, bất-thiện-quả vô-nhân-tâm chỉ có 7 quả-tâm mà thôi.

Cách gọi chung cakkhuviññāṇa, sotaviññāṇa, ghānaviññāṇa, kāyaviññāṇa thuộc về 5 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm và 5 thiện-quả vô-nhân-tâm gom lại gọi là dvipañcaviññāṇacitta: 10 thức-tâm phát sinh do nương nhờ nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn.