Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 3 – Bất-thiện-tâm: Tà kiến

Tà-kiến thấy sai, chấp lầm như thế nào?

Micchādiṭṭhi: Tà-kiến

Tà-kiến có nhiều loại:

– Trong bộ Paṭisambhidāmagga, phần diṭṭhi-kathā có 20 loại tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn.

– Trong kinh Brahmajālasutta có 62 loại  tà-kiến và kinh Sāmaññaphalasutta có 3 loại tà-kiến cố-định.

Tà-kiến là gì?

Định nghĩa:

Micchā passatī’ti micchādiṭṭhi.

Trạng-thái thấy sai sự thật gọi là tà-kiến, đó là tà-kiến tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến.

Như vậy, tà-kiến là thấy sai, biết sai sự thật, rồi chấp lầm cho là sự thật.

Ngũ-uẩn chấp-thủ có 5 uẩn là:

1- Sắc-uẩn chấp-thủ đó là 28 sắc-pháp thuộc về sắc-pháp.

2 – Thọ-uẩn chấp-thủ đó là thọ tâm-sở đồng sinh với 81 tam-giới-tâm

3- Tưởng-uẩn chấp-thủ đó là tưởng tâm-sở đồng sinh với 81 tam-giới-tâm.

4- Hành-uẩn chấp-thủ gồm có 50 tâm-sở (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm.

5- Thức-uẩn chấp-thủ gồm có 81 tam-giới-tâm.

(Thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn thuộc về danh-uẩn.)

Trong bộ Paṭisambhidāmagga, phần diṭṭhi-kathā trình bày tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn có 20 loại. 

* Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ

Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta (ngã).

1- Tà-kiến chấp ngã trong sắc-uẩn chấp-thủ có 4 loại:

– Sắc-uẩn là ta. – Ta có sắc-uẩn.

– Sắc-uẩn trong ta. – Ta trong sắc-uẩn.

2- Tà-kiến chấp ngã trong thọ-uẩn chấp-thủ có 4 loại:

– Thọ-uẩn là ta. – Ta có thọ-uẩn.

– Thọ-uẩn trong ta. – Ta trong thọ-uẩn.

3- Tà-kiến chấp ngã trong tưởng-uẩn chấp-thủ có 4 loại:

– Tưởng-uẩn là ta. – Ta có tưởng-uẩn.

– Tưởng-uẩn trong ta. – Ta trong tưởng-uẩn.

4- Tà-kiến chấp ngã trong hành-uẩn chấp-thủ có 4 loại:

– Hành-uẩn là ta. – Ta có hành-uẩn.

– Hành-uẩn trong ta. – Ta trong hành-uẩn.

5- Tà-kiến chấp ngã trong thức-uẩn chấp-thủ có 4 loại:

– Thức-uẩn là ta. – Ta có thức-uẩn.

– Thức-uẩn trong ta. – Ta trong thức-uẩn.

Đó là 20 loại tà-kiến chấp-ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ: sắc-uẩn chấp-thủ, thọ-uẩn chấp-thủ, tưởng-uẩn chấp-thủ, hành-uẩn chấp-thủ, thức-uẩn chấp-thủ đối với tất cả các hàng chúng-sinh thuộc về hạng phàm-nhân (chưa phải bậc Thánh-nhân) trong tam-giới.

– Tất cả chúng-sinh có ngũ-uẩn trong 11 cõi dục-giới.

– Tất cả phạm-thiên có ngũ-uẩn trong 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên).

– Tất cả phạm-thiên có nhất-uẩn là sắc-uẩn trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên.

– Tất cả phạm-thiên có tứ-uẩn là thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta này có ảnh hưởng thế nào đối với mọi chúng-sinh?

Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta đó là tà-kiến tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến.

Đối với tất cả mọi chúng-sinh còn là phàm nhân đều có loại sakkāyadiṭṭhi: tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta. Sakkāyadiṭṭhi không có ảnh hưởng, không có cản trở nào đối với những người tạo mọi phước-thiện như phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền, v.v…, cũng không cản trở đối với các hành-giả thực hành pháp-hành thiền-định, không cản trở sự chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, cũng không cản trở chứng đắc 5 phép-thần-thông thế-gian (lokiya abhiññā).

Cho nên, tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta không cản trở dục-giới thiện-nghiệp trong 8 dục-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới; không cản trở sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên; không cản trở vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn cản trở pháp-hành thiền-tuệ

Sakkāyadiṭṭhi: Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta, ngã này chỉ có cản trở đối với các hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ mà thôi, bởi vì đối-tượng thiền-tuệ là ngũ-uẩn chấp-thủ: sắc-uẩn chấp-thủ, thọ-uẩn chấp-thủ, tưởng-uẩn chấp-thủ, hành-uẩn chấp-thủ, thức-uẩn chấp-thủ hoặc sắc-pháp, danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma) có thật-tánh của các sắc-pháp, các danh-pháp rõ ràng đều là pháp-vô-ngã, không phải là ta, không phải là người, không phải là đàn ông, không phải là đàn bà, không phải là chúng-sinh,… nhưng tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ cho là ta, là người, là đàn ông, là đàn bà, chúng-sinh, v.v… cho nên, tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ chỉ làm cản trở đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ mà thôi.

* Tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn chấp-thủ

1- Tà-kiến thấy sai chấp lầm trong sắc-uẩn chấp-thủ cho là ta như thế nào?

Sắc-uẩn chấp-thủ đó là thân gồm có 28 sắc-pháp:

– Sắc-uẩn chấp-thủ trong thân của người nam gồm có 27 sắc-pháp (trừ sắc-nữ-tính).

– Sắc-uẩn chấp-thủ trong thân của người nữ gồm có 27 sắc-pháp (trừ sắc-nam-tính).

Ví dụ: Khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, … Đúng theo sự-thật của chân-nghĩa-pháp (paramatthasacca) thì chỉ có thân đi, thân đứng, thân ngồi, thân nằm mà thôi.

Thân thuộc về sắc-uẩn (sắc-pháp), nên gọi là sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm mà thôi.

– Nếu khi thân đi hoặc sắc đi thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc đi cho là ta đi.

Ta đi vốn không có thật, sự-thật đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì chỉ có sắc đi mà thôi.

Sở dĩ có sự thấy sai chấp lầm cho là ta đi là vì tà-kiến đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc đi cho là ta đi.

Đúng theo thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā), không có ngã.

Như vậy, ngã (ta) vốn không có thật, nên không có phương pháp diệt ngã được.

Sở dĩ có sự chấp ngã là vì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc đi thuộc về sắc-uẩn đó là sắc-pháp cho là ta đi.

Như vậy, tà-kiến có thật nên chắc chắn có phương pháp diệt tà-kiến được.

Thật vậy, hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến và hoài-nghi (vicikicchā) trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm trong sắc-uẩn chấp-thủ (cùng với 4 danh-uẩn) cho là ta, là ngã, đồng thời không còn thấy sai chấp lầm cho là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.

Cũng tương tự như vậy,

– Khi thân đứng hoặc sắc đứng, bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc đứng cho là ta đứng nữa.

– Khi thân ngồi hoặc sắc ngồi, bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc ngồi cho là ta ngồi nữa.

– Khi thân nằm hoặc sắc nằm, bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc nằm cho là ta nằm nữa…

2- Tà-kiến thấy sai chấp lầm trong thọ-uẩn chấp-thủ cho là ta như thế nào?

Thọ-uẩn chấp-thủ đó là thọ tâm-sở (vedanā-cetasika) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm. Thọ tâm-sở có trạng-thái cảm thọ trong đối-tượng, có 3 loại thọ:

– Dukkhavedanā: Thọ khổ là cảm thọ khổ khó chịu trong đối-tượng xấu.

– Sukhavedanā: Thọ lạc là cảm thọ lạc dễ chịu trong đối-tượng tốt.

– Adukkhamasukhavedanā: Thọ không khổ không lạc là cảm thọ không khổ không lạc trong đối-tượng không xấu không tốt.

Ba loại thọ này là thọ-uẩn thuộc về danh-pháp.

– Nếu khi cảm thọ khổ (dukkhavedanā) thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thọ khổ cho là ta khổ.

– Nếu khi cảm thọ lạc (sukhavedanā) thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thọ lạc cho là ta an-lạc.

– Nếu khi cảm thọ không khổ không lạc (adukkhamasukhavedanā) thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thọ không khổ không lạc cho là ta không khổ không lạc.

Ta khổ, ta an-lạc, … vốn không có thật, sự thật đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì chỉ có thọ-uẩn cảm thọ mà thôi.

Sở dĩ có sự thấy sai chấp lầm cho là ta khổ, ta an-lạc, … là vì tà-kiến đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thọ-uẩn chấp-thủ cho là ta khổ, ta an-lạc, …

Đúng theo thật-tánh của tất cả mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā), không có ngã.

Như vậy, ngã vốn không có thật nên không có phương pháp diệt ngã được.

Sở dĩ có sự chấp ngã là vì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thọ-uẩn chấp-thủ thuộc về danh-pháp cho là ta khổ, ta an-lạc, …

Như vậy, tà-kiến có thật nên chắc chắn có phương pháp diệt tà-kiến được.

Thật vậy, hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được hai loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến, và hoài-nghi (vicikicchā) trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm trong thọ-uẩn chấp-thủ (cùng với 4 uẩn còn lại) cho là ta, là ngã, đồng thời không còn thấy sai chấp lầm cho là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.

3- Tà-kiến thấy sai chấp lầm trong tưởng-uẩn chấp-thủ cho là ta như thế nào?

Tưởng-uẩn chấp-thủ đó là tưởng tâm-sở (saññācetasika) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm. Tưởng tâm-sở có trạng-thái tưởng nhớ trong 6 đối-tượng đó là:

– Rūpasaññā: Sắc tưởng là tưởng nhớ đối-tượng sắc.

– Saddasaññā: Thanh tưởng là tưởng nhớ đối-tượng âm-thanh.

– Gandhasaññā: Hương tưởng là tưởng nhớ đối-tượng hương.

– Rasasaññā: Vị tưởng là tưởng nhớ đối-tượng vị.

– Phoṭṭhabbasaññā: Xúc tưởng là tưởng nhớ đối-tượng xúc.

– Dhammasaññā: Pháp tưởng là tưởng nhớ đối-tượng các pháp. Sáu loại tưởng này là tưởng-uẩn thuộc về danh-pháp.

– Nếu khi tưởng nhớ đến đối-tượng sắc thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi sắc tưởng cho là ta tưởng sắc.

Ta tưởng sắc vốn không có thật, sự-thật đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì chỉ có tưởng-uẩn mà thôi.

Sở dĩ có sự thấy sai chấp lầm cho là ta tưởng là vì tà-kiến đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi tưởng-uẩn chấp-thủ cho là ta tưởng.

Đúng theo thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā), không có ngã.

Như vậy, ngã vốn không có thật nên không có phương pháp diệt ngã được.

Sở dĩ có sự chấp ngã là vì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi tưởng-uẩn chấp-thủ thuộc về danh-pháp cho là ta tưởng.

Như vậy, tà-kiến có thật nên chắc chắn có phương pháp diệt tà-kiến được.

Thật vậy, hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến, và hoài-nghi (vicikicchā) trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm trong tưởng-uẩn chấp-thủ (cùng với 4 uẩn còn lại) cho là ta, là ngã, đồng thời không còn thấy sai chấp lầm cho là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.

4- Tà-kiến thấy sai chấp lầm trong hành-uẩn chấp-thủ cho là ta như thế nào?

Hành-uẩn chấp-thủ đó là 50 tâm-sở (cetasika) (trừ thọ tâm-sở và tưởng tâm-sở) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm. Trong 50 tâm-sở có tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) dẫn đầu tạo thiện-nghiệp, hoặc tạo ác-nghiệp.

– Nếu khi tạo thiện-nghiệp thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi hành-uẩn chấp-thủ cho là ta tạo thiện-nghiệp.

– Nếu khi tạo ác-nghiệp thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi hành-uẩn chấp-thủ cho là ta tạo ác-nghiệp.

Ta tạo thiện-nghiệp, ta tạo ác-nghiệp, … vốn không có thật, sự-thật đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì chỉ có hành-uẩn tạo thiện-nghiệp, tạo ác-nghiệp mà thôi.

Sở dĩ có sự thấy sai chấp lầm cho là ta tạo thiện-nghiệp, ta tạo ác-nghiệp… là vì tà-kiến đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi hành-uẩn chấp-thủ cho là ta tạo thiện-nghiệp, ta tạo ác-nghiệp, … 

Đúng theo thật-tánh của tất cả mọi danh-pháp, mọi sắc-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā), không có ngã.

Như vậy, ngã vốn không có thật nên không có phương pháp diệt ngã được.

Sở dĩ có sự chấp ngã là vì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi hành-uẩn chấp-thủ thuộc về danh-pháp cho là ta tạo thiện-nghiệp, ta tạo ác-nghiệp, …

Như vậy, tà-kiến có thật nên chắc chắn có phương pháp diệt tà-kiến được.

Thật vậy, hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến, và hoài-nghi (vicikicchā) trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót, trở thành bậc Thánh-Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm trong hành-uẩn chấp-thủ (cùng với 4 uẩn còn lại) cho là ta, là ngã, đồng thời không còn thấy sai chấp lầm cho là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.

5- Tà-kiến thấy sai chấp lầm trong thức-uẩn chấp-thủ cho là ta như thế nào?

Thức-uẩn chấp-thủ đó là 81 tam-giới-tâm chia ra 6 loại thức tâm:

– Cakkhuviññāṇa: Nhãn-thức-tâm có 2 tâm.

– Sotaviññāṇa: Nhĩ-thức-tâm có 2 tâm.

– Ghānaviññāṇa: Tỷ-thức-tâm có 2 tâm.

– Jivhāviññāṇa: Thiệt-thức-tâm có 2 tâm.

– Kāyaviññāṇa: Thân-thức-tâm có 2 tâm.

– Manoviññāṇa: Ý-thức-tâm có 71 tâm.

Sáu loại tâm này gọi là thức-uẩn thuộc về danh-pháp.

– Nếu khi nhãn-thức-tâm có phận sự thấy đối-tượng sắc thì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi nhãn-thức-tâm cho là ta thấy sắc.

Ta thấy sắc vốn không có thật, sự-thật đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì chỉ có nhãn-thức-tâm thấy sắc mà thôi, nhãn-thức-tâm thuộc về thức-uẩn.

Sở dĩ có sự thấy sai chấp lầm cho là ta thấy sắc là vì tà-kiến đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi nhãn-thức-tâm thuộc về thức-uẩn cho là ta thấy sắc. 

Đúng theo thật-tánh của tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā), không có ngã.

Như vậy, ngã vốn không có thật nên không có phương pháp diệt ngã được.

Sở dĩ có sự chấp ngã là vì tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi nhãn-thức-tâm thuộc về thức-uẩn chấp-thủ thuộc về danh-pháp cho là ta thấy sắc.

Như vậy, tà-kiến có thật nên chắc chắn có phương pháp diệt tà-kiến được.

Thật vậy, hành-giả thuộc về hạng người tam-nhân có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến, và hoài-nghi (vicikicchā) trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm trong thức-uẩn chấp-thủ (cùng với 4 uẩn còn lại) cho là ta, là ngã, đồng thời không còn thấy sai chấp lầm cho là người, là đàn ông, là đàn bà, là chúng-sinh nào nữa.

Cũng tương tự như vậy,

– Nếu khi nhĩ-thức-tâm nghe âm-thanh, thì bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi nhĩ-thức-tâm cho là ta nghe âm-thanh nữa.

– Nếu khi tỷ-thức-tâm ngửi mùi hương, thì bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi tỷ-thức-tâm cho là ta ngửi mùi hương nữa.

– Nếu khi thiệt-thức-tâm nếm vị, thì bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thiệt-thức-tâm cho là ta nếm vị nữa.

– Nếu khi thân-thức-tâm xúc-giác cứng mềm, … thì bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi thân-thức-tâm cho là ta xúc-giác cứng mềm, … nữa.

– Nếu khi ý-thức-tâm biết các pháp, thì bậc Thánh Nhập-lưu không còn tà-kiến thấy sai chấp lầm nơi ý-thức-tâm cho là ta biết các pháp nữa.

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 2 - Bất-thiện-tâm: Tham tâm & Nhân sinh tham tâm
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 4 - Bất-thiện-tâm: Tà-kiến cố-định & Nhân sanh tà kiến

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *