Rằm tháng tư – Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn
Vào buổi chiều ngày rằm tháng tư, Đức-Phật ngự đến khu rừng Sāla tại xứ Kusinārā, nơi nghỉ ngơi của hoàng tộc Malla, Đức-Phật truyền bảo Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:
– Này Ānanda! Con nên đặt chiếc giường quay đầu về hướng Bắc, giữa hai cây Sāla (song long thọ).
Khi ấy, Đức-Phật nằm nghiêng bên phải, đầu quay về hướng Bắc, hai chân duỗi thẳng so le, chân phải duỗi thẳng, chân trái đầu gối hơi co, hai bàn chân đặt không đều nhau, có chánh-niệm trí-tuệ tỉnh-giác, không định trước giờ xả.
Cúng dường Đức-Phật
Hai cây Sāla trổ hoa trái mùa, những đóa hoa rơi xuống xung quanh kim thân để cúng dường Đức-Phật. Các cây hoa trong rừng đều nở rộ, những đóa hoa trời, hương trời, … từ các cõi trời rơi xuống như mưa để cúng dường Đức-Phật. Những tiếng nhạc trời trỗi lên để cúng dường Đức-Phật.
Khi ấy, Đức-Phật truyền dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:
– Này Ānanda! Hai cây Sāla trổ hoa trái mùa, những đóa hoa rơi xuống xung quanh kim thân của Như-Lai, để cúng dường Như-Lai. Các cây hoa trong rừng đều nở rộ, những đóa hoa trời, hương trời từ các cõi trời rơi xuống, những tiếng nhạc trời từ các cõi trời cũng trỗi lên để cúng dường Như-Lai.
– Này Ānanda! Sự cúng dường đến Như-Lai bằng phẩm vật như vậy không gọi là cách cúng dường cao thượng.
Người nào là tỳ-khưu hoặc tỳ-khưu-ni, hoặc cận-sự-nam, hoặc cận-sự-nữ, là người thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, thực-hành đúng theo pháp-hành bát-chánh-đạo, thực-hành đúng theo chánh-pháp, người ấy được gọi là người có lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường Như-Lai bằng cách cúng dường cao thượng.
– Này Ānanda! Các con nên luôn luôn tâm niệm rằng:
“Chúng ta là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, thực-hành đúng theo pháp-hành bát-chánh-đạo, thực-hành đúng theo chánh-pháp.”
Sở dĩ, Đức-Phật đề cao sự cúng dường bằng cách thực-hành đúng theo chánh-pháp, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn là sự cúng dường cao thượng hơn sự cúng dường bằng phẩm vật, là vì chỉ có sự cúng dường bằng cách thực-hành đúng theo chánh-pháp mới có thể giữ gìn, duy trì giáo-pháp của Đức-Phật trường tồn trên thế gian.
Ngài Trưởng-lão Ānanda khóc
Vào lúc canh chót đêm ấy, Đức-Phật sắp tịch diệt Niết-bàn, Ngài Trưởng-lão Ānanda đang còn là bậc Thánh Nhập-lưu, nên Ngài tủi thân, lánh ra một nơi vắng vẻ đứng khóc, than vãn:
“Ta còn là bậc Thánh Nhập-lưu cần phải thực-hành pháp-hành thiền-tuệ để dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, nhưng Đức-Phật là Đức Tôn-Sư của ta sắp tịch diệt Niết-bàn.”
Khi ấy, Đức-Phật không thấy Ngài Trưởng-lão Ānanda, nên truyền hỏi chư tỳ-khưu rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Ānanda đang ở đâu?
Chư tỳ-khưu bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Ānanda lánh ra một nơi vắng vẻ đứng khóc, than vãn vì tủi thân. Bạch Ngài.
Đức-Phật truyền bảo một vị tỳ-khưu gọi Ngài Trưởng-lão Ānanda đến hầu Đức-Phật.
Vâng lời Đức-Phật, vị tỳ-khưu đi mời Ngài Trưởng-lão Ānanda đến hầu Đức-Phật.
Ngài Trưởng-lão Ānanda đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức-Phật truyền dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:
– Này Ānanda! Như-Lai đã từng dạy rằng
Sống xa lìa nhau, chết biệt ly với những người thân yêu, các bậc kính mến ấy. Đó là sự thật hiển nhiên.
Vì vậy, những người thân yêu, các bậc kính mến ấy làm sao lại có thể chiều theo ý muốn của mình được.
Những pháp nào đã sinh rồi, hiện hữu rồi, do nhân duyên cấu tạo rồi, chắc chắn có sự diệt, sự hủy hoại là thường, dù có mong muốn rằng:
Xin pháp ấy đừng diệt, đừng hủy hoại cũng không thể nào được.
– Này Ānanda! Con là một thị giả tận tụy phục vụ Như-Lai với tâm-từ được biểu hiện bằng thân, khẩu, ý. Đó là sự lợi ích, sự tiến hóa trong mọi thiện-pháp, bồi bổ đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật rồi.
– Này Ānanda! Con nên cố gắng tinh-tấn, chắc chắn con sẽ diệt tận được mọi phiền-não trầm-luân, trở thành bậc Thánh A-ra-hán một cách nhanh chóng.
Đức-Phật khen ngợi Ngài Trưởng-lão Ānanda đã tận tụy phục vụ Đức-Phật một cách rất chu đáo. Ngài Trưởng-lão Ānanda là bậc thiện-trí biết cách cư xử đối với mọi người, biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, hướng dẫn mọi người đến hầu Đức-Phật.
Ngài Trưởng-lão Ānanda biết đúng lúc, hợp thời hướng dẫn tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ, Đức-vua, các quan, nhóm ngoại đạo, v.v… vào hầu Đức-Phật.
Lý do Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn tại Kusinārā
Tuy có nhiều xứ lớn, kinh-thành lớn, nhưng Đức-Phật không chọn làm nơi tịch diệt Niết-bàn của Đức-Phật, mà chọn Kusinārā vì có 3 lý do:
1- Trong quá-khứ, Kusinārā là một kinh-thành rộng lớn có tên là kinh-thành Kusavatī, có Đức Chuyển-luân Thánh-vương Mahādassana trị vì bốn châu thiên-hạ. Nếu Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn nơi khác, thì không có lý do thuyết bài kinh Mahādassanasutta.
Vì vậy, Đức-Phật chọn xứ Kusinārā làm nơi tịch diệt Niết-bàn để Đức-Phật có cơ hội thuyết bài kinh Mahādassanasutta. Chúng-sinh lắng nghe bài kinh này sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-Bảo, cố gắng tinh-tấn thực-hành mọi thiện-pháp.
2- Đạo-sĩ Subhadda là người đệ-tử cuối cùng của Đức-Phật, hiện đang ở tại xứ Kusinārā. Ngoài Đức-Phật ra, không có vị Thánh Thanh-văn đệ-tử nào có khả năng tế độ Đạo-sĩ Subhadda được.
Vì vậy, Đức-Phật phải ngự đến xứ Kusinārā để tế độ đạo-sĩ Subhadda, bậc thanh-văn đệ-tử cuối cùng của Đức-Phật Gotama.
Vị tỳ-khưu Subhadda sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, trước khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn.
3- Đức-Phật biết rõ rằng:
Sau khi nghe tin Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn, làm lễ hỏa táng xong, các nước lớn sẽ kéo đến tranh giành Xá-Lợi của Đức-Phật.
Đức-Phật thấy rõ, biết rõ chỉ có vị Bà-la-môn Doṇa là người có khả năng đứng ra làm trung gian hòa giải các sứ giả từ các nước lớn và biết cách phân chia các Xá-Lợi cho mỗi xứ thỉnh đem về xây Bảo-tháp tôn thờ Xá-Lợi.
Vị Bà-la-môn Doṇa hiện đang ở tại xứ Kusinārā, nên Đức-Phật quyết định chọn xứ Kusinārā làm nơi tịch diệt Niết-bàn.
Bài viết trích từ cuốn Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật Giáo – Tỳ Khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) biên soạn. Xem bản PDF cuốn sách tại đây. Xem bộ Nền Tảng Phật Giáo và các sách khác cùng tác giả tại đây.